Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Mùa chim ngói - Truyện ngắn Đặng Thị Thúy

Mùa chim ngói
Truyện ngắn Đặng Thị Thúy

Thằng Hậu sinh ra và lớn lên trên đảo Vĩnh Thực, một hòn đảo cách đất liền hai tiếng đi đò máy. Nếu tính theo đường chim bay, hòn đảo này chỉ cách trung tâm thị xã chừng hơn chục cây số nhưng mọi thứ ở đây hoàn toàn khác biệt so với cuộc sống sôi động đang phát triển từng ngày ở trong kia. Nhà nó ở sát chân núi, trong thung lũng. Phía bên kia núi là biển. Ở vùng này, nhà cửa thưa thớt, biệt lập và cách xa nhau nhưng nhà nó là xa nhất, cũng nhỏ bé sơ sài như rất nhiều ngôi nhà trong làng này.
Bố mẹ nó làm ruộng và đi biển, quanh năm cực nhọc lam lũ là thế mà vẫn không đủ nuôi sáu miệng ăn, trong đó có bà nội già yếu và ba anh em nó. Có lẽ vì thế mà anh lớn của nó năm nay mười lăm tuổi nhưng phải bỏ học từ hồi lớp năm để phụ giúp bố mẹ đi biển. Còn nó mười ba, nhưng mới học đến lớp năm, gọi là lớp năm linh hoạt bởi toàn những đứa quá tuổi, đứa nào cũng nghịch ngợm, khó bảo và chậm tiếp thu. Ấy thế mà từ khi học lớp cô Tuy, lớp nó ngoan và tiến bộ hơn nhiều. Đứa nào cũng quý cô, nhưng thằng Hậu tự khẳng định rằng: Nó là người quý cô giáo nhất. Trong đầu nó không bao giờ quên buổi đầu tiên cô giáo tìm đến nhà.
Đó là một buổi chiều hồi đầu năm nó học lớp bốn, khi nó đang loay hoay đẵn cái ống bương để làm tổ cho lũ chim sáo đẻ thì cô Tuy dắt xe vào ngõ. Thoáng thấy bóng cô, nó tá hỏa chạy vào trong buồng, nấp sau bồ khoai khô và ngồi im thin thít. Không phải nó xấu hổ mà vì nó sợ, sợ cô giáo mách tội với bố nó. Chả là ba hôm trước là ngày khai giảng, lần đầu tiên cô vào lớp, cô giới thiệu:
– Cô tên là….
– Là cô Tuy què! – Thằng Hậu nói leo toáng lên.
Cả lớp bật cười khúc khích trong khi mặt cô giáo tái nhợt. Cô run run ngồi xuống ghế, lặng đi. Thấy thế, cả lớp ngồi im, sợ sệt chờ một cơn giận và hình phạt đích đáng dành cho thằng Hậu. Nhưng không, sau một hồi trấn tĩnh lại, cô run run bảo:
– Bạn Hậu nói đúng, cô … có một cái chân què, và cô là cô giáo của các em.
Rồi cô nhẹ nhàng nói về cách xử sự lễ phép của học trò đối với thầy. Và rằng, mỗi điểm khiếm khuyết trên cơ thể một người nào đều là nỗi đau và sự mất mát thiệt thòi của người đó. Nếu người khác cố tình nhắc đến với một thái độ cười cợt và trêu chọc thì khác nào khoét sâu vào nỗi đau ấy, sẽ làm cho người đó buồn thêm. Rồi cô kể cho cả lớp nghe chuyện cô bị thương năm ấy…
Đó là năm 1972, vào những ngày giặc Mĩ ném bom miền Bắc ác liệt nhất. Năm đó cô Tuy vừa tốt nghiệp sư phạm. Cô rất nóng lòng chờ được phân công công tác bởi làm cô giáo là ước mơ mà cô hằng ấp ủ từ thuở còn thơ. Cô vốn sinh ra và lớn lên trên vùng mỏ Đông Triều. Kí ức về tuổi thơ của cô là một vùng đen kịt than bụi. Là một lũ trẻ nheo nhóc trên những vỉa than lộ thiên, khệ nệ với những thúng, mủng, dần, sàng chất đầy than đá, than cốc, than cám…Là những gương mặt nhem nhuốc bụi than, đen đến độ người ta chỉ nhận ra hàm răng khi cười và một thứ ánh sáng phát ra từ đôi mắt. Thứ ánh sáng ấy giúp người ta nhìn thấy được khoảng trời yên tĩnh, trong veo và cao vợi những ước mơ trong tận sâu thẳm mỗi tâm hồn. Và trong ấy là cả nỗi khát khao về một ngày hòa bình không xa, làng quê vùng than này sẽ bừng sáng bởi những tiếng hát, tiếng nô đùa, tiếng sáo diều vi vút trên không trung yên bình xanh thẳm. Những đứa trẻ được đến trường và cô sẽ là cô giáo, giảng cho học sinh về tình yêu đất nước quê hương. Nhưng mảnh bom oan nghiệt giữa buổi trưa hè oi nồng ấy đã cướp đi người cha của cô, vùi cô trong đống đổ nát của căn nhà lá và những đụn than đá lô nhô. Khi tỉnh lại, cô thấy mình đã trở thành người tàn phế, phải nằm liệt giường bởi đôi chân và một nửa người đã hoàn toàn tê liệt. Thể xác đau đớn nhưng tâm hồn cô còn đau đớn gấp bội phần khi nhìn vành tang trắng trên đầu người mẹ tiều tụy, thất thần trước hai sự mất mát quá lớn lao. Không, cô không thể chấp nhận định mệnh oan trái này. Phải gượng dậy, phải quyết tâm, phải đứng thẳng lên cho hả mối căm phẫn này. Cô lao vào tập luyện suốt ngày đêm, bằng tất cả sự căm thù lũ giặc, mặc cho những vết thương rỉ máu, mặc cho sự can ngăn và những dòng nước mắt vẫn lăn tràn vì xót con của mẹ cô. Không có khoảng trời bình yên nào cho lũ trẻ i tờ mỗi ngày trên lớp học khi đất nước này vẫn còn quân cướp nước. Cô phải đứng thẳng lên trên đôi chân khỏe mạnh của chính mình, sẽ cầm súng nã vào đầu quân giặc, trả thù cho cha cô, cho biết bao ước mơ cháy bỏng của các bạn cô, và của cả cô nữa. Nhưng tất cả những quyết tâm ấy đã không thắng nổi một định mệnh đã an bài. Một chân của cô vĩnh viễn không lành được. Ngậm ngùi từ bỏ mọi ước mơ, cô lại trở về với bãi than quen thuộc, với sự lớn lên của đàn lợn hợp tác xã.
Mười năm sau khi đất nước hòa bình, cuộc sống của cô vẫn chẳng thay đổi gì cho dù đất nước đã có những chuyển biến lớn lao. Cô đã chấp nhận cuộc sống bình lặng như thế nếu cô không gặp người đàn ông ấy. Đó là một người thợ mỏ vui tính, chăm chỉ và tốt bụng hay giúp đỡ cô. Chính người đàn ông ấy, trong những lúc đùa vui ngoài bãi than đã nhen lên trong lòng cô mơ tưởng về một mái gia đình với những đứa trẻ, khiến cô quên đi cái ý nghĩ sẽ kéo dài sự trong trắng của một thời con gái tật nguyền. Chính người đàn ông ấy đã khiến cô khát khao được trở thành một người đàn bà với những ý nghĩa nguyên vẹn của nó, như tất cả những người đàn bà khác trên khắp thế gian này. Nhưng số phận lại một lần nữa trêu ngươi và thách đố cô. Cô được hưởng sự ngọt ngào của hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng cô lại chết trong một tai nạn hầm lò. Cô đã đau đớn tưởng như không thể gượng dậy được nữa. Cũng may, cô còn có đứa con gái mới vừa tròn một tuổi. Nó chính là niềm an ủi, là niềm vui, là động lực buộc cô phải sống.
Đúng vào năm ấy, nhà nước mở cửa khẩu Móng Cái thông thương với nước ngoài. Giáo viên vùng biên giới đua nhau bỏ nghề để đi buôn. Trường lớp bị bỏ bê, có học trò nhưng thiếu thầy trầm trọng. Người bạn gái của cô lúc ấy đã giúp cô thực hiện được mong ước năm xưa. Cơ hội đến thật bất ngờ. Cô để lại mẹ già ở quê cho em gái chăm sóc và cùng con nhỏ đến vùng đảo xa xôi này. Những chật vật khó khăn ban đầu rồi cũng dần qua đi khi đứa con lớn lên từng ngày, khi cô dần giành được tình thương và lòng tin yêu của dân làng đảo. Bởi đối lập với vẻ ngoài tàn tật xấu xí của cô là cả một tấm lòng rộng mở, cả một tình yêu thương bao la của người thầy, cả một bầu tâm huyết và lòng tận tụy với nghề. Cô luôn quan niệm rằng: Không có chương trình giáo dục nào toàn diện và hiệu quả nếu cô không cho học sinh hiểu được bài học làm người, bài học về tình yêu thương con người và cuộc sống mình đang có. Mười mấy năm gắn bó với với đất đảo này đã cho cô thấy tất cả những cô gắng của cô đều không vô ích. Học trò coi cô như một người bạn lớn, cha mẹ chúng thì coi cô như người thân. Cô cũng quen thuộc, gắn bó với hòn đảo này đủ để người ta khó mà phân biệt được cô với người bản địa. Cô biết xuống biển bắt ốc, đánh hà. Cô biết ăn cháo khoai với dưa nén, cá kho. Cô nói âm sắc và tiếng đệm của người làng đảo. Có lẽ lí do để cô không thể đi khỏi làng đảo này là tất cả những điều đó. Cô cảm thấy được an ủi rất nhiều vì tất cả những điều may mắn ấy. Cô chỉ tiếc và day dứt có một điều về người mẹ già đáng thương của cô. Số là năm ấy, khi cô ra đảo được ba năm. Một hôm cô nhận được bức điện báo tin mẹ già ốm nặng. Cô vội vã xin nghỉ dạy, dắt díu con về. Khổ nỗi thời đó chỉ có phương tiện đi lại duy nhất là thuyền buồm. Ngày nước lớn, có gió đông nam thổi mạnh cũng phải mất nửa ngày mới vào được đất liền, lại mất hai ngày đi ô tô nữa mới về tới quê. Hôm đó không may đúng ngày nước cạn, sương mù, con thuyền buồm lại không được gió nên mắc ngay vào doi cát nổi lên giữa biển nước mênh mông. Gần hai ngày phải ở trên thuyền, ruột gan cô nóng như lửa đốt. Đến khi về được đến nhà, chỉ còn nhìn thấy mộ mẹ già đã được vun đắp tinh tươm. Vậy là bà ra đi mà chẳng được nhìn mặt con cháu. Cô khóc chết lịm trước nấm đất vô tri. Thắp nén nhang tạ tội với bà, bát nhang bỗng cháy bùng lên rừng rực. Mọi người bảo bà mừng, còn cô cứ thấy day dứt khôn nguôi.
Kể đến đấy thì mắt cô Tuy đã đỏ hoe, cô đưa tay lên chấm nhẹ khóe mắt, không để giọt nước lăn trào trước lũ học trò vụng dại. Cuối cùng cô bảo:
– Cuộc sống của mỗi người vô cùng quý giá, những gì mà mỗi chúng ta có hiện nay cũng quý giá vô cùng. Ví dụ như các em được đi học là một điều may mắn, nếu các em không cố gắng học tốt thì sau này chính các em sẽ thấy hối tiếc trong sự muộn màng. Các em khỏe mạnh, lành lặn là một điều hạnh phúc, nếu các em không tự giữ gìn sức khỏe và thân thể mình thì các em dễ gặp những chuyện rủi ro…
Có thể nhiều người cho rằng những lời giáo huấn của cô quá mông lung và khó hiểu với lũ học trò lớp bốn. Rằng điều đó chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi. Nhưng cô Tuy thì tin rằng chúng hiểu. Chúng hiểu thật và chúng thấy thương cô giáo quá. Thằng Hậu vô cùng xấu hổ và hối hận về hành động của mình. Nó cúi gằm mặt xuống. Rồi nó đã chợt sợ cô giáo sẽ ghét nó. Nhưng không, mấy ngày sau đó cô vẫn ân cần hỏi han nó vì sao thiếu sách vở. Cô còn dặn đi dặn lại nó là phải bảo bố mẹ mua đủ cho…
Nhưng hôm nay sao cô lại đến? Hay là cô mách với bố nó tội nó hỗn với cô và lười học? Thằng Hậu phấp phỏng lo sợ và dỏng tai lên nghe. Tiếng cô giáo nói với bố nó:
– Hôm nay tôi đến thăm gia đình và trao đổi với chú về việc học của cháu Hậu.
Bố nó hớp một hớp rượu, nói nhát một:
– Ờ, thì việc học của nó, cứ là nhờ nhà trường thôi, tôi thì biết đâu mà nói .
– Thì đã đành là thế, nhưng cô chú cũng phải mua cho cháu nó đủ sách vở thì mới học được chứ. Mấy hôm vừa rồi, cháu chỉ có một quyển vở và một cái bút, thiếu sách học cháu toàn ngồi chơi rồi trêu các bạn.
Thằng Hậu nghe đến đấy thì tim đập thình thịch. Thế là toi rồi, bố nó sẽ nổi cơn điên và sẽ cho nó một trậnh nhừ tử rồi bắt phải ở nhà đi biển. Tuy bị coi là chậm hiểu và nghịch nhất lớp nhưng nó vẫn thích đi học hơn vì còn có các bạn để chơi, chứ đi biển như anh nó vừa mệt lại vừa buồn. Rồi một ngày nào đó lại phải đi học bổ túc như anh nó bây giờ thì ngại lắm. Tiếng bố nó gắt lên làm nó giật bắn cả mình:
– Thế thì ở nhà đi kiếm cá, học mà làm gì, có mài chữ ra mà ăn được đâu. Không học hành gì nữa.
Cô giáo vẫn ôn tồn:
– Không học thì nghèo, thì đói. Chẳng lẽ chú muốn cả đời chú, đời con chú chỉ biết ăn cháo khoai hay sao? Đời chú không có cái chữ đã khổ lắm rồi, chú còn muốn con chú vất vả như thế à?
Mẹ thằng Hậu từ ngoài vườn chạy vào, nghe thế vội đỡ lời:
– Bố nó có chén rượu vào thì nói quàng nói xiên vậy, cô đừng chấp làm gì, để mai kia tôi chạy tiền mua sách vở cho cháu đầy đủ, nhờ cô giúp cho.
Cô giáo bảo với mẹ thằng Hậu:
– Tôi đã ứng tiền gửi vào đất liền mua sách cho cháu rồi, chị đừng lo, vài hôm nữa có tiền bảo cháu đem trả cho tôi cũng được.
Thế là thoát nạn. Hôm sau, thằng Hậu vẫn được đến lớp bình thường. Hôm sau nữa nó mang bộ sách mới thơm phức về khoe với bố mẹ nó. Và tự dưng từ đó, nó thấy chú ý tới lời giảng của cô giáo hơn, dường như nó đã bắt đầu dần hiểu được những gì cô nói trong mỗi giờ học trên lớp. Nó thấy phấn khởi lạ lùng.
Trời chưa sáng rõ thằng Hậu đã thức giấc rồi. Nó chạy ào ra sân, ngóng lên mấy ngọn xoan đầu ngõ.Ở đấy, mấy con chim ngói đang đậu rải rác trên những cành cây. Thằng Hậu bắt đầu nhẩm đếm:
– Một… hai… ba….
Nó vừa đếm đến tám thì một con bay vụt xuống, cả đàn vội vã bay theo, chúng đuổi nhau ríu rít trên vạt ruộng trước nhà. Sương sớm còn là là bay trên những bông lúa đã uốn câu. Hơi núi tỏa ra mát lạnh. Thằng Hậu lững thững quay vào, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Hôm qua mới có sáu con, hôm nay là tám…à không…hơn tám con.
Bố nó đang ngồi thái khoai ở đầu hè , nghe nó lẩm bẩm thì nói chen vào:
– Rõ là thằng dở, đi đếm chim ngói làm gì, làm sao mà đếm xuể, nó bay đi ngay chứ còn ở đấy cho mày đếm.
Thằng Hậu bước đến bên cha nó, ngồi cạnh đống khoai lang đã được bố nó thái con chì đều đặn, chờ nắng lên là tãi ra phơi. Nó nói:
– Bố, sao cơ này cô Tuy chưa ra vậy nha?
– Chưa ra thật à?
– Thì thật vầy… – Nó gắt khẽ. Năm nào cô Tuy cũng ra sớm nhất, năm nay tập trung ba ngày rồi mà chưa thấy.
– Hay là cô ấy chuyển trường rồi, dám thế lắm chớ.
– Chuyển đâu mà chuyển.
Thằng Hậu gắt lên rồi vùng vằng bỏ vào nhà. Bố nó nhìn theo, lắc đầu khó hiểu.
Tuy miệng nói cứng như thế nhưng thằng Hậu lo rằng cô giáo đã ở lại đất liền thật. Trước hôm về nghỉ hè, cô bảo với lớp nó là năm nay cô sẽ xin về. Con gái cô sắp thi đại học. Đó là một bước ngoặt khó khăn đối với chị ấy. Cô đã giao chị ấy cho dì chăm sóc mấy năm rồi, cô sẽ thật là có lỗi nếu như cô lại để chị ấy một mình trong những ngày khó khăn sắp tới đây. Nó thấy cô giáo buồn buồn. Có lẽ vì cô sắp phải xa đất đảo, thằng Hậu nghĩ thế. Nó không biết được cô còn buồn vì  một lẽ khác nữa. Đó là chuyện cô làm đơn xin chuyển về quê. Người ta cứ trả lời quanh co nhưng cô hiểu là người ta không thể nhận cô vì cô đã già, lại có dị tật. Thời buổi này đâu có thể trông chờ vào vận may và những phép mầu nhiệm như thuở xa xưa. Thế là sau bao nhiêu suy nghĩ đắn đo, cô cũng xác định cho mình một con đường: Xin nghỉ dạy không lương nốt hai năm còn lại trong đời nhà giáo của mình để được về quê.
Hôm cả lớp bịn rịn tiễn chân cô giáo xuống bến đò, mấy đứa cứ sụt sịt khóc, thằng Hậu nép vào sau lưng đứa bạn để khỏi phải nhìn thấy những giọt nước mắt của cô, bởi điều đó làm cho nó càng buồn hơn bao giờ hết. Thấy cô trò cứ bin rịn mãi, sợ muộn giờ, nước cạn, anh lái đò nói vui:
– Sao phải buồn thế, đến mùa chim ngói, cô lại ra mà, năm nào chả thế.
Quả thật, năm nào cũng vậy, cứ độ cuối tháng tám là chim ngói đã lác đác bay về. Ở đất đảo cằn cỗi này, mỗi năm chỉ có một vụ lúa hè thu nên mùa gặt cũng là mùa chim ngói. Lũ chim ngói chỉ ăn thóc. Hết mùa gặt khoảng tháng mười, con nào con nấy béo mượt. Lũ trẻ lại tíu tít theo người lớn đi giăng lưới bắt chim. Những buổi chiều chăn trâu ngoài đồng, bọn trẻ trong làng lại gom gốc rạ đốt lên để nướng chim ăn. Mùi khói rạ cay nồng quyện với mùi thịt nướng thơm lựng ấy là thứ mà không một người nào đã từng lớn lên trên hòn đảo này có thể quên mỗi khi nhớ về tuổi thơ của họ. Hết mùa gặt, những con chim ngói còn sót lại vội vã bay đi tránh rét, sinh sôi nảy nở để đến mùa gặt năm sau, chúng lại ríu rít bay về.
Với lũ trẻ, mùa chim ngói còn có một ý nghĩa riêng. Đó là thời điểm các thầy cô giáo lại trở ra đảo để chuẩn bị cho năm học mới. Bọn trẻ cứ nhìn lũ chim ngói bay về là thấy lòng náo nức. Chúng giục giã cha mẹ chuẩn bị sách vở áo quần cho ngày khai giảng đã cận kề. Chúng ngóng mỗi chuyến đò từ đất liền ra đảo để tìm gương mặt thân quen của các thầy cô. Trừ bốn cô giáo là người bản địa, chúng đếm đủ bảy thầy cô ở đất liền ra. Năm nào cũng thế, có thầy cô ở lại đất liền thì có các thầy cô mới ra thay, duy chỉ có cô Tuy là năm nào cũng ra, đều đều và đúng hẹn. Nhưng năm nay thì chắc là vắng cô thật rồi! Chim ngói đã bay về đầy ruộng, các thầy cô đã nhận lớp đầy đủ. Chắc cô Tuy đã ở lại đất liền thật. Cả lớp thằng Hậu tin là như thế. Nhưng thằng Hậu thì không chịu tin, bên tai nó còn văng vẳng tiếng nói của anh lái đò “… đến mùa chim ngói cô lại ra mà, năm nào chả thế…”
Thằng Hậu cứ đi vào rồi lại đi ra, lòng dạ nó bồn chồn. Hôm qua, nhận lớp nó là một thầy giáo mới toanh. Hôm qua, đò ra đảo lúc mười một giờ, nó cố tình đứng ngóng mà không thấy bóng cô. Có lẽ cô không ra thật. Nó thấy chống chếnh. Nó nhìn lên đồng hồ: mười hai giờ, chắc đò sắp ra đến nơi. Biết đâu cô giáo ra hôm nay thì sao? Nếu bây giờ chạy xuống bến rồi quay về thì muộn mất mười lăm phút. Nó thoáng đắn đo. Thầy giáo mới nghiêm khắc lắm, thầy bảo xếp hàng mà đứa nào lơ ngơ không nghiêm túc là bị thầy xoắn tai ngay, nói gì đến chuyện đi học muộn. Nhưng đò sắp ra tới rồi. Nó thoáng hi vọng. Rồi quyết định rất nhanh, nó lao đầu chạy xuống bến.
Thằng Hậu chạy xuống đến cảng Vạn Gia vừa lúc con đò cập bến. Chiếc cầu gỗ được bắc sang. Nó đứng sát mép nước. Nó  chăm chú nhìn dòng người đang lần lượt lên bờ. Không thấy cô. Người đã lên bờ hết. Nó cố rướn cổ nhìn xuống lòng đò, ở đấy chỉ toàn là hàng hoá ngổn ngang. Hai con lợn bị trói chặt chân nằm thở phì phò, giương mắt nửa như thương hại, nửa như chế giễu nó. Vậy là cô không ra thật, cô đã ở lại đất liền rồi, ở lại với vùng quê xa lắc xa lơ mà cô vẫn kể cho chúng nghe, rằng ấy là một vùng đất rất đẹp, có những mỏ than hun hút trong lòng đất, có cây cối trù phú xanh tươi, có con sông Bạch Đằng gắn với chiến thắng oai hùng trong lịch sử. Cô bảo bất cứ miền đất nào, dù giàu nghèo cũng đều là tình yêu và niềm tự hào của mỗi người khi đó là quê hương của người ấy. Thằng Hậu đã yêu mến và tự hào về xã đảo của nó từ khi nó thấy được tình yêu quê hương của cô. Nó cũng từng ước ao dù chỉ một lần được nhìn thấy vùng quê ấy. Nhưng lúc này, nó thấy vùng đảo này thật buồn, thật là vô dụng vì quá nghèo, chẳng đủ để gữ chân cô giáo nó, cũng phải thôi vì nơi này đâu phải là quê hương của cô. Cả cái lũ chim ngói ríu ran kia cũng không thể mang cô trở lại. Thằng Hậu lặng lẽ quay về, lòng đầy thất vọng.  Nó vừa đi vừa nghĩ. Không biết sau bao lâu mới về đến cổng trường. Nó từ từ tiến về phía cửa lớp, sẵn sàng tâm thế cho một hình phạt mà người thầy mới chắc chắn sẽ thi hành vì tội muộn học. Lớp học im phăng phắc, chắc các bạn đang làm bài. Mặt nó cúi gằm, miệng nó lí nhí:
– Thưa thầy cho em vào lớp.
Có tiếng cười rúc rích, rồi tiếng thằng Tú xì xèo:
– “Thưa thầy” ,  bay ơi nó bảo thưa thầy…hi… hi…
Mấy đứa cười híc híc hùa theo. Thằng Hậu thấy tức. Mặt vẫn cúi gằm, nó lầm bầm trong miệng: cười cái con khỉ, chốc nữa ra chơi mày biết tay tao. Nhưng lạ thật, sao chưa thấy tiếng thầy giáo nói gì? Đáng lẽ thầy phải quát nó chứ? Hay là thầy tức giận quá? Và bây giờ sẽ là…sẽ là một cái xoắn tai đau điếng. Nó chờ nghe tiếng bước chân giận dữ của thầy sắp đến gần.
Nhưng… tiếng bước chân nghe quen quá:“ cục…xẹt…cục…xet…”. Nó không tin ở tai mình. “cục…xẹt…cục…xet…”. Tiếng bước chân đã ngừng lại ngay trước mặt. Nó nghi hoặc ngước mắt nhìn lên. Nó không tin ở mắt mình. Khoảng không gian trước mặt nó sáng loá bởi một nụ cười hiền hậu thân thương. Cả cõi lòng buồn bã lạnh giá của nó chợt bừng ấm bởi giọng nói dịu dàng quen thuộc:
– Sao đi học muộn thế, Hậu?
Trong cái khoảnh khắc tuyệt vời ấy, Hậu muốn hét lên, muốn ôm chầm ấy cô giáo. Nhưng chân nó như bị chôn chặt một chỗ. Người nó lặng đi. Có cái gì đó trào lên trong cổ họng. Nghẹn lại. Trào lên mắt nó, nóng hổi. Tiếng cô Tuy lại vang lên, như trong một giấc mơ cổ tích:
– Chim ngói lại về rồi, đúng không?
Thằng Hậu sung sướng gật đầu. Lúc ấy, nó mới chợt nhớ ra rằng: Phương tiện ra đảo bây giờ không chỉ là con đò gỗ mỗi ngày một chuyến, mà còn có cả những chiếc xuồng bay.
13/8/2021
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...