Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Ngày bỏ cây rơm

Ngày bỏ cây rơm

Từ bó mạ đến mớ rạ rồi cây rơm là cả một hành trình cây lúa. Ở nhà quê ngày bỏ cây rơm (có nơi gọi là xây cây rơm) không ai bảo là ngày tổng kết mùa vụ, nhưng trên thực tế vô hình dung đây là thời điểm khi thóc lúa đã phơi phong quay cót, hay đã cho vào bồ, vào sập.
Bỏ cây rơm thường bà con mượn nhau làm buổi chiều và kết thúc  trong một buổi để tối ấy bữa cơm bỏ cây rơm thêm tươm tất vì có chén rượu trắng cay cay, con cá lóc nướng lửa rơm làm thức nhắm. Nếu đúng mùa trăng, con trăng vừa lên tỏ, mấy đống thóc lép và vỏ trấu dồn lại un lên ấm áp, tí tách tàn lửa vừa để xua muỗi, vừa là cách dọn dẹp trong sân, ngoài ngõ, lối đi lại sau một vụ mùa bộn bề rơm thóc.
Tuổi thơ cùng lũ trẻ chơi trò “năm mười”, “trốn tìm”, ẩn nấp quanh những cây rơm góc sân vườn lấp loáng ánh trăng chảy trên những tàu lá chuối lũ trẻ chúng tôi thường đọc, thuộc và nhớ mãi đến bây giờ  những  câu ca đại loại vần vè như: “Mùng một lưới trai, mùng hai lá lúa, mùng ba câu liêm, mùng bốn lưỡi liềm…mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy xảy gường chiếu, mười tám nám trú” (chữ trấu đọc chệch thành trú)
Cây rơm vẫn thường được chọn xây phía sau nhà, bởi nơi đây gần chuồng trại chăn nuôi, tiện lợi việc rút rơm dùng bữa cho trâu bò khi đông về giá rét, lúc thức ăn khan hiếm, khó tìm. Song có một số nơi cây rơm được chọn xây phía trước, hoặc hướng đông có tác dụng như một bình phong chắn che gió bão cho ngôi nhà.
Rơm khô đánh vào cây trữ mới bền lâu được, bởi vậy hầu hết những cây rơm đều được bỏ vào buổi chiều, tức là rơm đã được phơi phong khô ráo qua buổi trưa, (thời điểm nắng gắt nhất trong ngày). Nhiều gia đình do suốt lúa ngoài đồng nên rơm được phơi ngay tại ruộng. Thế là những ngày bỏ cây rơm mọi người rất dễ nhận biết khi nhìn thấy dưới ánh nắng oi nồng của làng quê miền Trung thấp thoáng những gánh rơm to đùng lũ lượt vào ngõ xóm từ xế trưa cho đến chiều.
Thôn quê nhà làm ruộng chí ít mỗi vụ mùa đều bỏ được một cây rơm, nhà nhiều có thể bỏ hai cây rơm. Chỉ nhà mẹ hoá con côi, không làm ruộng, nuôi trâu bò mới không có cây rơm. Chính mỗi nhà đều có một cây rơm như vậy nên ngày bỏ cây rơm thường có mặt cánh đàn ông xốc vác…nhưng tôi biết chủ ý vẫn là để bữa “đánh chén cay” có người chuyện trò thêm rôm rả và cũng là để đánh dấu một vụ mùa kết thúc.
Thường là cây rơm xây đến chóp cũng là lúc bữa cơm tối gia chủ đã dọn sẵn chờ đợi. Bên chiếc chõng tre đầu hè đón gió cánh đàn ông lại bắt đầu những câu chuyện muôn thuở làng trên xóm dưới từ “cơm chín tới, cải ngồng non đến gái một con, gà nhảy ổ…”.  Điều đặc biệt, bữa cơm rượu này các quý ông ít nói đến những chuyện không vui và thường rất ít cãi vã so với các bữa cơm rượu dịp khác ở quê.
Giản đơn cây rơm ở vùng quê với người nông dân là vậy song nó còn thể hiện bản tính cần cù, tiết kiệm, để dành của nả lúc dư dả cho lúc cơ hàn.Tuổi thơ từ chuyện bỏ cây rơm tôi đã liên tưởng đến chuyện con ve cái kiến và một triết lý nào đó rất mơ hồ. Cây rơm với tôi còn là chuổi dài kỷ niệm, nhớ nhất vẫn là những tối có tiếng kiểng họp tổ đội sản xuất.
Họp xong khi nào chẳng rõ, nhưng thường là rất khuya cô Chín, bác Năm thường tạc vào nhà tôi í ới trước ngõ. Lúc đó ba tôi gọi tôi dậy rút ít rơm làm cây đuốc cho cô Chín bác Năm đi qua cánh đồng. Những hôm như thế mắt nhắm mắt mở tôi đánh ào ra cây rơm làm nhiệm vụ xong lại co giò chạy vào gường ngủ tiếp. Sáng dậy thế nào mẹ cũng mắng yêu “lại thằng út rút rơm làm tổ như con mái tơ chứ gì…”
Rồi những vụ mùa khi có lũ chuột ngoài đồng hoành hành ba tôi rút rơm ngoài cây vào thắt con cuối đốt lên hằng đêm để xua đuổi lũ chuột; dùng rơm khô trộn hồ nguyên liệu toàn đất sét xây lại tấm phên nhà bị mối và nước mưa ăn mòn chân sặt. Những năm ấy quê tôi gần như nhà nào cũng có phên làm bằng hồ rơm trộn đất sét. Tôi nhớ nhà nhà xây phên đất ở bếp nấu nướng là để ngừa lửa trong bếp có thể bén lan ra gây cháy nhà trong mùa nồm nóng.
Phên làm bằng nguyên liệu hồ đất sét với rơm lâu ngày được khói bếp bốc lên trông đen kịn rất chắc. Không biết có phải vậy mà  câu nói dân gian:“mèo cào không nhào phên đất” ra đời từ đó. Nhìn cuộc sống hôm nay cảnh tường xây bê tông, đá lát lại nhớ về  ngày ấy…đúng là một thời gắn bó đến vậy có  xa xôi gì!
Về làng quê đi dưới những ngõ tre râm bóng mát, nhìn những vết chân trâu vương rơm rạ đất bùn, đâu đó thấp thoáng những cây rơm cao vút óng vàng trong gió đồng quê như chưa bao giờ ngừng thổi, ta như nghe được sự no đủ của mùa màng lan toả đến từng giác quan chút cảm giác lâng lâng, bâng khuân khó tả.
Một điều từng là người quê đi đâu xa trở về làng nhìn vào cây rơm còn hết bao nhiêu bạn còn có thể nhận biết cây lúa ngoài đồng đến kỳ trổ bông hay gần vào vụ mới. Bởi thông thường mỗi cây rơm khi gần rút hết cũng đồng nghĩa vụ mùa thóc mới rơm vàng lại chuẩn bị lên cây.
8/8/2021
Võ Văn Trường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...