Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Người đối diện với mình

Người đối diện với mình

Và đây, thưa quí vị, đây là chuồng cọp kiểu Pháp nơi điển hình nhứt cho cái gọi là địa ngục trần gian mà quí vị từng nghe nói. Trước khi giới thiệu tổng quát về quá trình hình thành cũng như “thành tích” mà thực dân Pháp gây ra cho tù cộng sản ở đây, mời quí vị tham quan một vòng để khi đến chồng cọp kiểu Mỹ, quí vị thử so sánh xem kiểu nào “sang trọng” hơn!
Ông khách trên bảy mươi tuổi nãy giờ đứng nhìn chằm chằm xuống phòng số 2 ngẩng lên hỏi người thuyết minh.
– Dãy này nhốt tù nhân nữ phải không? Hình như năm 1963 có nhốt  một nữ chánh trị phạm người Bến Tre?
Ngân, người thuyết minh cho đoàn tham quan ngạc nhiên nhìn sâu vào mắt ông khách.
– Bác là cựu tù Côn Đảo hả? Ôi, hay quá, có nhân chứng sống ở đây thật may mắn cho quí vị. Mời bác tham gia với chúng cháu giới thiệu về Côn Đảo có khi trung thực hơn.
Người đàn ông tản lờ sau khi buông một câu chống chế.
– Không, tôi cũng chỉ được nghe kể lại, cô tiếp tục đi.
Ngân có vẻ thất vọng, cô bước lại phòng số 2, dãy đầu, nhìn xuống tiếp tục công việc của mình.
– Đúng như bác đây vừa nói, thời Mỹ tiếp quản nhà tù Côn Đảo, đây là dãy phòng nhốt nữ tù chánh trị. Ờ quên, trong đoàn chúng ta có ai là người Bến Tre không? Tôi cũng là người gốc gác Bến Tre nè.
Người đàn ông lên tiếng ban nãy lẳng lặng tách đoàn ra đứng ở cổng trại giam. Không gian im lặng một cách hoang dã. Có tiếng gà chợt vang lên eo óc đâu đó xa xa buồn như tiếng còi tàu chiều qua trên bến cảng Vũng Tàu. Ông nhìn lên bức tường trại giam rêu phong, cũ kỹ lằn ngoằng những hình thù kỳ bí bỗng rùng mình cho những ý nghĩ lan man về một quá khứ khóc  liệt đầy dẫy những hận thù và man rợ. Có tiếng động sau lưng, ông giựt mình quay lại. Trống hoắc. lạnh tanh. Gió đưa xao xác một lá bàng.
Bảy Công nằm dài trên bãi cỏ trước công quán. Lão khép hờ mắt để nghe sóng thì thầm muôn thuở với bờ đá. Lão không biết sóng nói gì, có thể là lời nguyền rủa muôn đời của thiên nhiên về tội ác chiến tranh, hoặc cũng có thể là những lời kinh cầu cho các linh hồn tử sĩ trên đảo. Gió đêm làm lão lạnh. Lão co người lại hướng mặt vào công quán. Một cô gái đi lượm trái bàng đêm tần ngần nhìn lão rồi cô ngần ngại bước tới khều vào chân lão.
– Bác là khách du lịch à? Sao lại ngủ ở đây, trúng gió chết.
Lão ngẩng dậy bực mình. Cô gái bỏ đi sau cái nhìn thiếu thiện cảm của lão. Từ lâu, lão không thích người ta nhìn lão bằng cặp mắt thương hại. Lão tội nghiệp mình là đã quá đủ rồi. Lão ngủ ở đâu thì ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới? Nghĩ tới chuyện này lão càng thêm ấm ức. Tại sao lại đẩy lão vào cái chỗ ngủ chết tiệt kia, phòng hành chánh của Banh một thời Mỹ nguỵ. Bây giờ dù nó có được sửa sang lại, khác trước nhiều nhưng cái không gian ma quỉ thời lão còn làm giám thị ở đây thì như bám dính vào từng mảng tường, miếng ngói. Nhân viên Nhà bảo tàng đã xin lỗi lão và giải thích.
– Bác thông cảm, vào mùa du lịch nên các nhà khách đã hết chỗ. Ở đây tuy tiện nghi sơ sài nhưng rộng rải và thoáng mát…
Lão quăng chiếc túi du lịch ở giường đầu phòng nhập vào đoàn người đa số là đi tham quan cá nhân thành một nhóm để nhân viên Nhà bảo tàng dễ hướng dẫn. Ba chục năm qua lão mới có dịp trở lại nơi này, nếu không có người hướng dẫn, lão sẽ lạc mất. Hơn nữa, làm giám thị ở Banh một, lão chỉ loay hoay ở địa bàn của mình, lão như một con cờ không được đi say vạch!
Hồi chiều, vì quá xúc động xém chút lão đã lôi quá khứ mình ra “khoe” với mọi người. Cũng may là lão còn biết mắc cỡ, dù sự mắc cỡ đó có lịch sử trên ba chục năm. Hồi đó khi còn làm trưởng ấp ở một vùng quê hẻo lánh của Bến Tre, có lần không kềm chế được lão đã bắn què chân tình địch của mình. Bọn nguỵ quyền đương thời đã “hào phóng” ban cho lão một đặt ân, thay gì kết án lão, chúng chuyển lão ra giữ tù ở Côn Đảo. Mới đầu lão nghĩ đó đúng là một đặt ân, cho nên khi chuẩn bị xuống tàu ra đảo, lão còn hí hửng, kệ, làm ở đâu cũng được hễ lão vẫn là công chức! Đến khi đối diện với sự thật lão mới cay cú và bất nhẫn thì sự đã rồi. Thì ra, ở đây lão cũng chỉ là tù nhân loại một, thứ tù nhân không đeo bản số và được ăn cơm trước! Nhưng, cái máu “ghiền” công chức của lão cứ sôi lên khi thấy bọn giám thị hách dịch ăn trên ngồi trước xỉ vả đám cai ngục. Nói về thủ đoạn và nham hiểm, lão có thừa và tất nhiên, muốn thăng tiến, lão phải có “thành tích” độc ác! Lão biết điều đó và lão đã âm thầm hành động. Lão thành công, lão leo lên cái chúc giám thị từ những bật thang dính đầy máu và nước mắt.
Lão duỗi chân ra hít một hơi thật sâu. Đám choai choai rửng mở vừa nhậu vừa la làng bên phía bờ kè làm lão chán ngán. Lão ngồi dậy nhìn thăm thẳm ra biển và đem cảm giác mình ra mổ xẻ. Cuộc phẩu thuật tâm lý diễn ra căng thẳng. So với lần trước, lúc lão còn là một tù nhân có chức danh thì bây giờ lão là con người của tự do. Nhưng bảo lão vui vẻ tự tại như những khách tham quan khác thì không được, lão đang còn mắc nợ, thứ nợ không ai đòi và lão cũng không có khả năng trả, bởi vì, chủ nợ là bản thân lão và con nợ chính là lương tâm lão.
Hai đêm ở trên đảo lão không muốn ngủ, nhứt là phải ngủ đúng cái nơi mà ngày xưa cứ gần sáng lão lại nghe tiếng cửa sắt kêu ken két, âm thanh của ma trơi dẫn độ những linh hồn về nơi vĩnh hằng. Có lúc lão nhoài người ra cửa phòng hành chánh, nhìn về phía trại giam Phú Hải. Lão run bần bật, làm như sau cái cán khiên tù nhân kia là đến lượt lão. Lão quên mất mình là giám thị, quên luôn chiều qua ở phòng số 3 có người kêu cứu, lúc đó lão đang dự một bữa tiệc thịnh soạn với đám công chức bên dinh chúa đảo.
Đầu tháng giêng năm 1963, một đoàn tù nhân nữa được đưa ra để nếm “mùi” Côn Đảo. Ngồi ở bàn làm việc, lão phóng mắt nhìn từng mặt người để đáng giá mức độ “lì” trong mỗi gương mặt. Chợt lão giật nẫy người vì trong nhóm nữ tù vừa đi ngang có một gương mặt quen quen.Vài phút móc trí nhớ mình ra kiểm tra, lão bần thần rũ người xuống chiếc bàn dài. Là nó, đứa cháu gái luôn đối đầu với lão. Mới mười lăm tuổi Bé Ba đã thể hiện khuynh hướng “ghét” phe quốc gia mà lão là đối tượng để nó hằn hộc. Một lần, lão mượn nó mua vài thứ cần thiết cho lính của lão, nó trề môi phản đối.
– Có tay có chân thì đi đi. Mua cho mấy chả ăn mập thây để có sức đàn áp dân mình hả?
Lão giận run người tát cho nó một bạt tai. Nó không khóc mà nghênh mặt thách thức.
– Mấy người làm ác gặp ác, cậu cũng vậy, nội con nói, giết người là phải đền mạng đó.
Vừa nói nó vừa co giò chạy. Lão nổi khùng với đứa cháu gái ngổ ngược nhưng chỉ biết trút giận lên đầu đám lính kiểng. Bẵng một thời gian, lão nghe tin nó vào cứ theo cách mạng. Vậy là hai cậu cháu ở hai trận tuyến đối địch nhau.Và, lão không tài nào hình dung nổi có ngày hai cậu cháu gặp nhau trong hoàn cảnh nhu vầy.
Giận cháu thì rất giận nhưng tình máu mủ thiêng liêng đẩy lão đến một tình huống khó xử. Điều làm lão lo lắng là không biết Bé Ba bị giam ở Banh nào trên đảo. Nếu là Banh một, lão sẽ yên tâm mà “bảo vệ” cho cháu của mình, còn những banh khác lão không đủ sức can thiệp. Lão len lén bước ra đường nhìn theo đoàn tù nhân, một số được đưa vào trại giam Phú Hải, không có Bé Ba, số khác bước đi lặng lẽ như những người do thái bị đày. Nhóm tù nhân nữ bị xô đẩy đùn cục. Lão thất vọng, vậy là họ bị đưa thẳng đến chuồng cọp…
Bảy Công lại nằm dài xuống bãi cỏ. Gần đây lão thường mất ngủ bởi lạm dụng cả thuốc lá và cà phê. Nãy giờ lão nhớ mình chỉ bật quẹt có một lần mà gói thuốc lá mới mua hồi tối đã hết phân nửa. Đám choai choai bên bờ kè thấm rượu. Đứa chưởi tục, đứa rên rỉ những khúc nhạc không đầu không cuối, nhừa nhựa, giống như tiếng rên của những tù nhân sắp chết. Tên thanh niên bên kia loạng choạng hướng về phía lão.
– Bố già, buồn vậy,cho con xin điếu thuốc. Bố hút thuốc gì như người ta  chụm lò gạch không bằng, hư phổi hết.
Chừa lại đúng năm điếu mà lão nghĩ đủ để mình hút tới sáng, lão quăng gói thuốc lá cho tên thanh niên, làu bàu.
– Bảo tụi nó tắt ngay cái đài hết pin đó đi, ca thua mấy con mẹ khóc mướn mà cứ rên rỉ hoài.
– Cảm ơn bố, ủa, mà ông ngoại mới phải, con mới hai mươi tuổi. Sao ông không vào phòng ngủ, muổi cắn chết.
Lão mặc nó lải nhải bên tai, co người xoay ngang gối đầu lên tay khắc khoải về câu tên thanh niên vừa nói.Ừ, dám lão đã có cháu ngoại nếu vợ con lão còn sống. Lão đã từng hy vọng rồi tuyệt vọng. Sau giải phóng, lão gần như bới nát những xó xỉnh ở miền Tây để tìm kiếm vợ con. Thật đau cho lão, phải chi họ như bóng chim tăm cá, lão còn một chút vết tích mà hy vọng. Đằng này, họ biền biệt, họ như ngọn gió bay cái vèo qua đời lão và khi lão ngoảnh lại vói tìm thì sau lưng chỉ là một khoảng không vô tận. Nghe hàng xóm kể lại, khi lão vào tù được mấy ngày, vợ lão ẵm con bỏ đi biệt tích. Lão không ngạc nhiên, lão chỉ chạnh lòng bởi lão biết, với bà, lão là thằng đàn ông khốn nạn nhứt trên đời. Lão đã cướp bà trên tay một người đàn ông khác bằng quyền lực dù đó chỉ là thứ quyền lực của một tên trưởng ấp quèn. Bà cam chịu cho đến lúc lão vội quên bà như quên một mùi thơm theo gió qua mũi để chung đụng với một người đàn bà khác. Thật tình thì lão đã nhiều lần ân hận, nuối tiếc khi sắp xếp lại quá khứ của mình. Tại lão, nếu lão không trăng gió lăng nhăng thì cuộc đời lão có thể sẽ rẽ sang một hướng khác, đẹp hơn? Nhưng, cuộc đời luôn buộc hai chữ nuối tiếc đi kèm với hai chữ muộn màng. Vì vậy, sự ra đi của bà, lão biết, không phải vì giận, càng không phải vì ghen tuông mà là trốn chạy, là thoát thân, là vứt bỏ quá khứ. Lão hiểu điều đó bằng sự cay đắng tột đỉnh của người thua cuộc. Mấy tháng nay bỗng dưng lão sợ phải ngủ vì cứ nhắm mắt lại là lão loáng thoáng thấy bà xuất hiện, xuất hiện trong màu áo nâu sồng. Bà đứng từ xa nhìn lão bằng đôi mắt hiền từ, dung dị, một biểu hiện của sự tha thứ. Phải chi bà trách móc mắng chưởi lão, lão sẽ không rai rứt, hổ thẹn, khổ tâm. Đằng này, bà lại làm cái điều ngược lại, một kiểu trừng phạt hữu hiệu hơn mọi sự trừng phạt trực tiếp của người đời.
Lão trở mình và bật ho khúc khắc. Trên bảy mươi tuổi, lão biết mình sắp chia tay với cõi tạm này. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên lão cảm nhận được hạnh phúc vì ước ao lớn nhứt của lão đã được thực hiện, được trở lại Côn Đảo một lần để khóc trước các nấm mồ ở nghĩa trang Hàng Dương mà trực  tiếp hay gián tiếp lão đã “tử hình” họ. Và biết đâu, lão tìm được mộ phần của đứa cháu gái để nói một lời xin lỗi…
Ngày đó, cũng đúng chỗ này khi lão biết chính xác cháu lão bị đày ở chuồng cọp, cái nơi mà lão chỉ loáng thoáng nghe chứ chưa bao giờ đặt chân tới, lão ngồi im lặng hàng giờ. Tâm trạng lão rối bời, lão đang tìm cách tiếp xúc với cháu mình. Người quản lý văn thư ở dinh chúa đảo rất thân với lão ngồi cạnh cũng không giúp được gì. Như mắc cỡ, hắn phân bua.
– Ở đây là vậy, “rừng nào cọp nấy”. Mấy cha bên trại Phú Tường căng lắm, nhứt là tay giám thị già, khôn như cáo, hắn mà biết anh có dính tới tù chính trị thì anh khó mà yên thân.
– Thật sự không còn cách à?
Bảy Công buồn rầu nhìn về phía biển, nhìn về phía Hòn Cau, nơi bà Phi Yến bị Nguyễn Ánh đày trong một hang núi. Bảy Công bồi hồi khi nghĩ đến cảnh Nguyễn Ánh xách chân hoàng tử Cải thảy xuống biển. Đứa trẻ năm tuổi giẫy giụa một cách tuyệt vọng dưới làn nước biển xanh ngắt và đối diện với nó là gương mặt lạnh băng của tên bạo chúa. Một bi kịch lịch sử, một sự nhẫn tâm không thể nhẫn tâm hơn của loài được mệnh danh là động vật bật cao. Thừa nhận sự độc ác của Nguyễn Ánh cùng lúc Bảy Công nhận ra tính chất công việc mình đang làm. Tuy nhiên, lão giấu nó trong cùng của nhận thức, lão sợ người ta phát hiện ra cái “thiện” trong con người mình. Ở cái nhà tù này, lão chỉ có quyền chứng minh mình ác, lương tâm và nhân đạo không có chỗ để dung thân.
Hút xong hơi thuốc thứ hai, Bảy Công bỗng dụi mạnh điếu thuốc xuống bãi cỏ, miệng lắp bắp.
– Còn… còn một cách.
– Hoá ruồi bay vào ngục thăm như Tề Thiên à?- Gã văn thư chế giễu.
– Không, tiền.
Nghe tới chữ “tiền”, gã văn thư sáng mắt. Thấy bạn có vẻ đồng tình, Bảy Công hăm hở bóc một điếu thuốc khác, đốt, kéo một hơi thật sâu, đám khói chưa ra khỏi miệng bị gió hất ngược trở lại, lão ho sặc sụa. Lão định nói: Đố cha thằng nào không ham tiền.
Trước khi dẫn Bảy Công vào khu biệt lập, tay giám thị già có đôi mắt cáo, cái miệng cọp và lỗ mũi sư tử đã bỏ ra hàng giờ để làm công tác “tư tưởng” với đồng nghiệp. Hắn gọi nơi đó là “bí mật quốc gia”, chỉ có lãnh đạo cấp cao mới được thăm! Hắn vỗ vai Bảy Công cười một cách nham nhở.
– Nể tình ông tôi mới phá lệ một lần nhưng… chuyện của chúng ta cũng bí mật như nơi ông sắp đến nhe. Nhớ, không quá mười lăm phút đó.
Theo chân một tên lính, Bảy Công ngạc nhiên vì hắn dẫn lão trở ngược ra cỗng trại giam, lão lằm bằm.
– Ủa, không phải trong này sao?
Tên lính dẫn đường lầm lì như một gã đồ tể chuyên nghiệp. Qua cánh cỗng phụ, thay vì bước qua cách cỗng chính để ra đường lớn, tên lính bỗng quẹo trái. Bảy Công phân vân, trước mặt Bảy Công là một dãi rau lang héo úa dù được trồng thẳng hàng nhưng không có dáng dấp của sự sinh truởng. Bỏ qua những chi tiết lặt vặt đó, Bảy Công bám theo chân tên lính. Quan sát một vòng xung quanh, Bảy Công chưng hửng. Đây là một ngõ cụt, dây leo mộc hoang khắp các bức tường. Không lẽ họ nhốt tù nhân ở dưới lòng đất, Bảy Công nghĩ thầm. Định hỏi, nhưng tên lính không để Bảy công phải tò mò lâu, hắn tìm đến một vị trí mà Bảy Công dù có đôi mắt cú vọ trời ban cũng không thể nhìn thấy một cánh cỗng sắt được nguỵ trang cực kỳ khéo léo. Hắn khoác đám dây leo sang một bên, gõ gõ cánh cửa làm tính hiệu. Cánh cửa vừa hé mở, chuồng cọp “chào khách” bằng một mùi hôi khó tả. Trao đổi nhỏ với tên gác cỗng, tên lính dẫn đường ra hiệu cho Bảy Công theo mình. Cũng là người quản lý trại giam nhưng Bảy Công không tài nào hình dung nổi những tên cai ngục ở chuồng cọp lại tiều tuỵ như thế. Chúng nó thua cả những thường phạm ở trại giam Phú Hải. Đôi mắt hủng sâu, đầu tóc bùi nhùi, thân thể thì như vừa được móc ở những ngôi mộ cổ đại bên Ai Cập đem về. Dẫn Bảy Công tới chiếc cầu thang thứ hai, tên lính dẫn đường nói như máy, vô cảm.
– Dãy đầu, phòng số 2.
Không biết đây là lần thứ mấy Bảy Công đưa tay lên bịt mũi. Thứ mùi hôi tanh tổng hợp này thì dù có cái lỗ mũi chó săn cũng không thể phân biệt đâu là mùi phân, mùi nước tiểu, mùi mồ hôi, trong đó, dễ sợ nhứt là Bảy Công nghe phảng phất mùi thối rửa của cơ thể người. Sựng lại chừng năm phút, móc chiếc khăn mùi xoa che kín mũi, Bảy Công bước dần lên những nấc thang. Dãy hành lang hình chữ nhựt và những tên lính gác ngục đứng như trời trồng có khoảng cách điều nhau gục đầu im phăng phắt như những tín đồ đang cầu nguỵện. Từ trên hành lang nhìn xuống phòng thứ nhứt, Bảy Công như không còn tin vào mắt mình. Những cái đầu trọc lóc, những đôi chân teo héo đang cố cọ quậy trong “hố” phân người nhầy nhụa. Nghe có “hơi” người, những đôi mắt thao láo ngẩng lên bắn những tia căm thù vào người Bảy Công. Bảy Công vịn chặt vào song chắn hành lang suýt ngã vì hoa mắt và ngạt thở. Bảy Công ý thức rằng, chỉ cần vài giây nữa lão sẽ quị gục ở cái nơi kinh khiếp này. Bảy Công quay người thật nhanh bước như chạy xuống cầu thang. Tên lính dẫn đường trố mắt ngạc nhiên, hắn vói theo bảo rằng ông đã lạc đường…
… Và đây, thưa quí vị, tại phòng số 2 này năm 1963 có một nữ tù nhân người Bến Tre đã hy sinh anh dũng. Chị đã ngoan cường chống lại chế độ hà khắc của nhà tù; chị ném phân vào mặt những tên cai ngục, chị tuyệt thực và chị hy sinh khi chỉ có đôi mắt là nguyên vẹn. Mộ phần nằm ở đâu à? Xin lỗi quí vị, ở nghĩa trang Hàng Dương có hàng ngàn ngôi mộ vô danh…
Ngân duyên dáng và lịch sự trong chiếc áo dài màu xanh nước biển. Trên bốn mươi tuổi, không đẹp, nhưng cô thuyết minh của Nhà bảo tàng vẫn đủ sức cuốn hút người khác bởi nét thuỳ mị, đoan trang và một chút buồn là lạ trong đôi mắt to tròn. Buổi tiệc chia tay mà Bảy Công đề nghị với mấy người bạn mới quen khá đơn giản nhưng ấm áp. Bảy Công bảo Ngân ngồi cạnh mình và lão ngần ngại hỏi:
– Cháu là người Bến Tre mà ở huyện nào?
Ngân gắp cho lão một con tôm, nói nhỏ:
– Dạ không biết. Con lớn lên trong một tu viện ở Đà Lạt. Mấy sơ bảo rằng mẹ con chết lúc con bốn tuổi, các sơ nuôi lớn và cho ăn học. Con không nhớ gì về tuổi thơ của mình và lí lịch trích ngang cũng rất đơn giản: mẹ là người Bến Tre.
– Vậy à?
Lão thở dài. Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến những kỷ niệm buồn của lão, là xác muối vào vết thương không chịu thành sẹo trên người lão. Nhớ hồi lão đi thăm “hụt” đứa cháu gái về, lão đã suy sụp tinh thần. Lão ân hận là mình không đủ sức bước thêm vài bước nữa để nhìn mặt đứa cháu gái một lần dù đó chỉ là một bộ xương mang bản số tù nhân. Và cũng từ đó, lão như “hiền” hơn, lão luôn lập lại một câu với đám lính dưới quyền: “Tụi bây được vậy là sướng rồi!”. Lão an ủi tụi lính cũng chính là an ủi mình. Bấy lâu, lão tưởng lão là người ác độc nhứt, tàn bạo nhứt; Banh một, nơi lão làm giám thị là khủng khiếp nhứt. Nào ngờ, được làm tù thường phạm ở chỗ lão còn “sướng” hơn những tên giữ ngục ở chuồng cọp. Mỗi khi nhớ tới những cái đầu trọc lóc, những đôi chân teo héo quều quào trong cái “chuồng” đầy phân người mà lão dám chắc là đầy giòi bọ, lão lại rùng mình tởm lợm. Và những ánh mắt nữa, những ánh mắt trừng trừng nhìn lão uất hận khiến cho kẻ “bán trời không mời thiên lôi” như lão phải rợn người bỏ chạy. Lão không biết ở Côn Đảo này còn bao nhiêu khu biệt giam kiểu đó hay tệ hại hơn. Tệ hại hơn? Lão không nghĩ ra một sư man rợ nào hơn sự man rợ mà lão nhìn thấy. Nếu có, thì đó phải là thứ địa ngục “kiểu mới’ của âm phủ! Lão cảm thấy chới với, hụt hẫng. Ác như lão, lão tưởng là mức ác cực điểm, là tận cùng của sự nhẫn tâm, nào dè, sự tàn bạo ở chuồng cọp là “phong phú” hơn nhiều so với sự tưởng tượng của bất kỳ một bộ óc vĩ đại nào. Và, nếu để ác như vậy mà được làm… Tổng thống thì lão cũng xin đầu hàng! Nhiều đêm thức trắng đối diện với mình, lão tội nghiệp lão, thương hại lão. Có một sự giằng xé quyết liệt trong người lão và lão chợt nhận ra phần “người” nhiều hơn phần “con” ở bản thân lão. Nhưng ngay tức khắc biểu lão thay đổi như sấp ngửa bàn tay thì lão làm không được, cuộc đời buộc lão phải trả giá và cái giá đó lão đã trả một đời mà chưa đủ.
Ngân rót ly rượu đưa cho lão, giọng cô đều đều.
– Cảm ơn các chú các bác đã đến thăm Côn Đảo, hy vọng gặp lại các chú các bác ở đây nhiều lần nữa. Riêng bác Bảy, hình như sức khoẻ không được tốt lắm, ráng tịnh dưỡng mà hưởng phước với con cháu.
Lão chạnh lòng, Con cháu? Lão lấy đâu ra? Một thân một mình thui thủi. Mấy  chục năm sống bằng tiền nhuận bút của người viết văn nghiệp dư, tài sản là mấy cái truyện ngắn, mấy chục bài thơ không ra hồn ra vía. Cũng may là lão còn một đứa con nuôi chu cấp tiền nong hàng tháng, đủ để lão ăn mà sáng tác. Có điều, trong các truyện ngắn của lão, lão chưa bao giờ đề cập đến Côn Đảo. Lão sợ hay là lão mắc cỡ, không biết! Cái quá khứ mấy chục năm trước cứ đeo bám lão như một bóng ma nhưng có lúc lão lại chấp nhận nó như chấp nhận một chứng bệnh mãn tính trong người. Lão làm bạn với nó vì lão biết, mất nó đồng nghĩa với việc lão không còn tồn tại trên đời. Cả cuộc đời lão không hề có một kỷ niệm đẹp, và khi con người ta không còn gì để làm bạn thì cũng cần một hoài niệm dù đó là sự xấu hổ!
– Bác Bảy làm gì nhìn con dữ vậy?
Lão giật mình bối rối. Một chút mơ hồ trong tiềm thức len qua suy nghĩ khi lão nhìn vào đôi mắt to tròn gợn buồn của Ngân. Lão buông đủa đứng dậy nói rằng mình hơi nặng đầu. Lão bước dài theo hàng bằng lăng ra phía công quán. Mùi hoa bằng lăng làm lão dễ chịu. Trong đầu lão, một cái tứ truyện đã được hình thành. Lần này thì nhứt định lão phải viết về Côn Đảo nhưng không biết tác phẩm có kịp hoàn thành? Nếu được, lão sẽ hư cấu ở đoạn kết rằng, cuối đời, lão đã tìm được hạnh phúc, thứ hạnh phúc gia đình thiêng liêng mà nhiều lần lão đã mơ tưởng…
Ngoài kia, trời đã chạng vạng và biển vẫn luôn cô đơn, bí mật.
9/8/2021
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...