Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Vân trình của đời người

Vân trình của đời người

Năm 1940, bác sĩ Yersin lên chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không Pháp rời khỏi Paris ngày 30.5, trước khi phát xít Đức tiến vào chiếm đóng thủ đô nước Pháp. Chuyến bay khi đó kéo dài 8 ngày, dừng đỗ khoảng mười lăm địa điểm trước khi về đến Sài Gòn. Cuối thế kỷ XIX, khi mới đến Đông Dương, hành trình của Yersin mất 1 tháng đi tàu biển. Ngày nay, chặng bay thẳng giữa Pháp và Việt Nam chỉ mất khoảng 12 tiếng.
Một thế kỷ qua, máy bay đã định nghĩa một Việt Nam mới trong trật tự thế giới. Máy bay thuộc về một loại siêu phương tiện giúp người Việt nhận thức về sức mạnh của thời đại, mà bỗng nhiên lịch sử đã cho người Việt nếm trải đậm đà dù có khi ở góc độ không mong muốn.
Thế chiến thứ Nhất kết thúc, các chặng bay từ Pháp sang Đông Dương trở thành đề tài nóng hổi trên các báo thuộc địa, khi mà Paris nằm ở trung tâm của thế giới đế quốc và miền Viễn Đông là khoảng cách xa nhất mà người Pháp vươn tới trong cuộc cạnh tranh với các đế quốc khác. Năm 1919, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra ngày 22.9 đã có bài “Vân trình” – Từ thành Paris qua Saigon: Bay 12 ngày đường. Tài rất đáng khen: Saigon đang ngóng đợi” tổng kết hành trình hơn mười ba vạn cây số có 19 trạm dừng.
Mười năm sau, một chuyến bay của hai phi công Pháp đi từ Sài Gòn ra sân bay Bạch Mai (Hà Nội) cần tới “mấy chiếc máy bay đi đón” và tại nơi hạ cánh, có “quan phó Toàn quyền, quan Thống sứ, quan Đại tướng Franceries, các bà đầm” nghênh tiếp (Hà thành ngọ báo, 27.6.1929). Chuyến bay này khởi hành từ 6g30, hạ cánh 14g, nghĩa là cần 7 tiếng rưỡi. Nhưng những chuyến bay này mới chỉ là máy bay không chở khách.
Trong Bảo tàng Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang còn lưu giữ bức ảnh Yersin chia tay Louis Lumière, người em trong bộ đôi anh em đã phát minh ra kỹ nghệ quay phim, để lên máy bay về Đông Dương. Hành trình của Yersin so với thời trước đã được rút ngắn xuống 16 sân bay. Vận tốc bay trung bình 200km/g, chỉ ngang với một số chuyến tàu hỏa tốc hành xuyên lục địa ngày nay.
Máy bay vượt hẳn các phương tiện khác ở đủ phương diện: tốc độ, độ cao, và cả sự cồng kềnh. Nó đòi hỏi người tham gia tuân thủ một loạt quy trình kiểm tra và giữ an toàn, thứ mà các phương tiện đường bộ hay đường thủy tương đối đơn giản, thậm chí có thể rất thô sơ. Hàng không gợi ý niệm tân kỳ, đưa người Việt thoát hẳn không gian quy ước của sông núi cầu đường. Nhưng những khái niệm sân bay/trường bay/phi trường/phi cảng/hàng không hay máy bay/tàu bay/phi cơ quá đỗi xa xôi để trở thành một nhận diện của đời sống. Điều trớ trêu khi trải nghiệm đầu tiên và chủ yếu trong đời sống ở quy mô đại chúng của người Việt về máy bay là sức tàn phá của máy bay ném bom.
Năm 1940 khi Yersin vĩnh viễn rời khỏi Pháp cũng là năm thứ hai của Thế chiến thứ Hai, lúc này nước Pháp đã rơi vào tay phe phát xít. Dưới sức ép của quân Nhật đang bành trướng khắp Đông và Đông Nam Á, chính quyền thuộc địa Đông Dương mặc nhiên thuộc về chính phủ Vichy thân phát xít ở chính quốc. Khi quân Nhật tiến vào Đông Dương, bằng sự thỏa thuận với chính quyền thuộc địa, lực lượng này đã đồn trú ở nhiều nơi tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam. Chính vì lý do này, máy bay của quân Đồng Minh, cụ thể là của Mỹ, đã ném bom nhiều công trình, trong đó có nhà Đấu xảo, là nơi lính Nhật chiếm làm kho chứa vũ khí. Công trình từng hoành tráng bậc nhất thủ phủ Liên bang Đông Dương, biểu tượng của cuộc khai thác thuộc địa ở Hà Nội khánh thành nhằm cuộc triển lãm thuộc địa năm 1902, đã thành gạch vụn. Những bức ảnh còn lại của thời đấy cho thấy đường phố Hà Nội có những hầm trú ẩn kèm theo biển chỉ dẫn.
Những cuộc báo động do máy bay ném bom này đã được Nguyễn Tuân ghi lại trong các thiên tùy bút “Những ngọn đèn xanh” và “Những dịp còi”. Sự thích ứng với bom đạn dưới mắt nhà văn mang sắc thái phóng túng kỳ dị, khi ông ghi lại cảnh đi “xem báo động” quanh hồ Hoàn Kiếm:
“Ngồi uống cà phê tại nhà thủy tạ, bọn tôi lắng chờ hiệu còi báo động. Ánh sáng đỏ và xanh hoa lý nhà thủy tạ chảy xuống hồ tù hãm như những ống điện néon có kèm những con tiện ngòng ngoèo màu sơn đỏ da chu… Đồng hồ tay chỉ 21 giờ. Còi báo động bắt đầu. Còn gì rền rĩ thê thảm bằng. Đèn tắt một loạt. Trong tối tăm, chuông nhà thờ phụ họa với còi báo động. Tiếng còi nấc lên rồi vẳng xa như sáo gió một con diều thả về từ một cõi âm nào… Tiếng còi vẫn rỉ rên, rồi nấc mạnh, rồi chết hẳn. Tiếng còi đau khổ vẳng ngân trong bảy tám khổ vừa khoan vừa dài, vẫn nâng đỡ lấy mảnh trăng ốm, bị chém khuyết hẳn một góc…”.
Sự trải nghiệm của Nguyễn Tuân nhuốm màu siêu thực, nửa như say mà thực tỉnh vì vẫn không từ bỏ được con người của sự quan sát kỹ lưỡng: “Trên đỉnh đầu động cơ máy bay nổ rầm rầm và đều đều. Bụng phi cơ có mắc đèn; phi cơ xê dịch trên không sáng như một cái tinh lạc chậm trễ. Tiếng máy rì rì trên nền lờ mờ lốm đốm thủng rỗ lỗ sao, làm lung lay một mảnh trăng phiền não, vàng kềnh kệch. Chưa bao giờ tôi thấy trăng úa ác như thế và tiếng khuya độc đến chừng ấy”. Những trang tùy bút của Nguyễn Tuân chia sẻ một không khí vừa u uất, vừa thản nhiên của không gian chiến sự trong các tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque hay Giã từ vũ khí của Hemingway.
Máy bay bay vào không gian của văn nghệ của hai cuộc kháng chiến trực tiếp hơn, nhưng ở giai đoạn này, cách viết về chúng đã khác. Chiếc máy bay đầu tiên trong tân nhạc là chiếc máy bay có thể không về: “giữ lấy bầu trời mến thương… nhớ lấy phút giây từ ly” (Không quân Việt Nam – Văn Cao, 1945).
Bìa bản nhạc Không quân Việt Nam của Văn Cao – xuất bản khoảng 1946
Đấy là một sự chuẩn bị tâm thế của những cuộc trường kỳ kháng chiến đã được dự cảm. Trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam trở thành nơi thử nghiệm những loại hình máy bay chiến đấu và ném bom tối tân nhất. Thậm chí vị tướng tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ là Curtis LeMay đã đề xuất ném bom tổng lực xuống miền Bắc Việt Nam để buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ bỏ nỗ lực giải phóng miền Nam hoặc là “Chúng ta sẽ ném bom đưa họ về thời kỳ đồ đá” (Mission with LeMay: A Story, 1965).
Câu nói “nổi tiếng” này khiến cho máy bay thành thứ để nhận diện cuộc chiến tranh suốt mấy chục năm. Từ trẻ nhỏ đến người già, ai nấy duy trì một nếp sống có tiếng còi báo động, tiếng loa phóng thanh và tiếng bom của máy bay Mỹ. Đứa trẻ Việt Nam một thời được dạy một cách tự nhiên: “Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi” (Ảnh Bác – thơ Trần Đăng Khoa, 1966). Câu thơ đã gói cả một giai đoạn sống của xã hội miền Bắc và những đứa trẻ trong ấy phải tự giác thích nghi với một phản xạ bất đắc dĩ.
Bìa tạp chí Life 7.4.1967 về cảnh trú bom trên vỉa hè trước khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole)
Cả một xã hội đối diện với những đợt ném bom hiện lên trong thơ ca như một không gian hiện thực huyền ảo, sự sống nhẫn nại cài trong sự tàn phá: “Ơi cô gái ơi! Lúa lên xanh tươi trên đồng lúa, khi bom vừa rơi và khói bay trong nắng. Anh công nhân điện vẫn sáng trong đêm” (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh, 1967). Ở những bài ca một thời đạn bom này, men say của thắng lợi làm mờ những thực tại khắc nghiệt của bi thương. Nhưng men say của độ cao đã tạo ra một phẩm chất lãng mạn không phương tiện nào sánh kịp: “A! ta bay qua sông Thương, Hồng Hà/ Nghiêng cánh chào Hà Nội vinh quang” (Phi đội ta xuất kích – Tường Vy, 1965).
Cảm thức này sẽ còn được gặp lại, vì người làm thơ hay nhạc về phi công gửi vào họ những khát vọng của người dưới mặt đất, như người xưa chắp đôi cánh cho Icarus để bay lên gần với mặt trời: “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc” (Hà Tây quê lụa – Nhật Lai, 1966). Ở một phía hiện thực khác, người mặt đất lấp đầy khoảng trống bằng một khoảng trống khác: “Vùng trời nào đó anh đã bay qua, chỉ còn lại đây những sáng bao la” (Cho một người nằm xuống – Trịnh Công Sơn)
Những cuộc báo động phòng không ở Hà Nội đã trở lại với Nguyễn Tuân, lần này ông dành hẳn một tập ký riêng, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” với một giọng điệu hồ hởi: “…Cũng cái còi báo động ấy, nhưng nay nó là mình kéo còi lấy, kéo còi để nổi hiệu lệnh chiến đấu. Nó hoàn toàn khác hẳn cái tiếng còi báo động hăm bảy năm về trước. Có hôm máy bay mình đánh mãi ngoài vòng xa kia, nhưng cũng bay về Hà Nội lượn mấy vòng nghiêng cánh để chào thủ đô thân mến vừa chiến thắng trong ngày” (Ở mặt trận Hà Nội, 10.10.1966).
Suốt những năm tháng đó, cho tới tận cuộc ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai vào 12 ngày đêm cuối tháng Chạp 1972 của không quân Mỹ, tâm trạng của người Hà Nội và miền Bắc sống bằng những phút sử thi của “B-52 tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời” (Hà Nội Điện Biên Phủ – Phạm Tuyên, 1972).
Sự tàn phá kinh hoàng của “pháo đài bay” ném bom xuống thành phố và làng mạc một thời hiện diện trong những thước phim về Việt Nam được quay trên không in đậm hình ảnh những quả bom napalm được rót xuống như mưa. Những nhà hoạt động phản chiến Mỹ dùng ca từ của Bob Dylan gọi đó là “mưa cứng” (hard rain), còn ở Việt Nam, cuộc ném bom Giáng sinh để lại một hiện thực: “Mặt trời lên trên bãi thây người” (Khâm Thiên – Lưu Quang Vũ).
Nguyễn Tuân dùng một cái tít đơn giản đầy kiểu cách: “Nó bê-năm-hai phố Khâm Thiên”.
Biển chỉ dẫn nơi trú ẩn tránh bom trên phố Hàng Đào 1940. Ảnh: Harrison Forman
Giữa những thông điệp tuyên truyền cũng như sự kiên trì ghi lại cuộc kháng cự của ý chí con người trước sức mạnh bom đạn, Nguyễn Tuân đi tìm mỹ cảm ở câu chuyện xung đột giữa văn hóa phương Đông mà ông đã thành kẻ tạo ra huyền thoại từ “Vang bóng một thời” và văn hóa sắt thép của phương Tây nhấn chìm đối phương bằng bạo lực. Con người Nguyễn Tuân cũng phản ánh tâm lý người Việt, dường như không mấy thay đổi suốt mấy chục năm từ chỗ ngồi uống cà phê “lắng chờ còi báo động” đến bình thản đội mũ sắt ở lại chứng kiến máy bay rơi giữa Hà Nội ai nấy đã sơ tán.
Hiện tượng tâm lý này thông qua sức ảnh hưởng của văn nghệ một thời gian dài, đã khiến cho chiến tranh mang gương mặt đời thường, như một cách giảm áp cho những thương tổn, từ “Bản mường em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ, a ha!” (Người Châu Yên em bắn máy bay – Trọng Loan, 1966) hay “Ới dô! Trên đất này có những cụ già bắn rơi máy bay” (Hát mừng các cụ dân quân – Đỗ Nhuận, 1969). Những tiếng reo hò “a ha” và “ới dô” thể hiện những sắc thái tưng bừng như lễ hội mà cuộc chiến tranh nhân dân đã tạo ra để con người tìm cách thích nghi với mức độ bạo lực của vũ khí hủy diệt, trong đó máy bay ném bom là thứ đại diện.
Đôi khi giữa những dòng văn đầy từ ngữ sang sảng, những chi tiết hé lộ tính chất “thường hóa” mà đời sống phủ lên bật ra, như chính Nguyễn Tuân bằng sự ghi chép tỉ mẩn cũng không cưỡng được: “Nay Hà Nội chiến thắng Mỹ, đã gọi con B-52 chiến lợi phẩm đó là một con ác thú của thời đồ đá tân thạch khí Hoa Kỳ. Hàng ngày rất đông người Hà Nội và các tỉnh đổ về xem mặt con này, nhất là thầy và cô giáo cùng là trò nhỏ. Vào xem phải mua một cái vé năm xu” (Vậy mà đã một năm chiến thắng B-52). Chút trào lộng nhè nhẹ này khiến người đọc nửa thế kỷ sau bùi ngùi cho một thời cái tân kỳ đồng nghĩa tai họa mà người Việt đã phải vượt qua bằng nhiều thứ.
Thời bình trở lại, những chuyến bay chưa hẳn đã sẵn sàng thoát ly khỏi việc gắn với chiến tranh hay cảm thức ái quốc. Những chuyến bay là hàn thử biểu của quá trình bình thường hóa và hội nhập của xã hội Việt Nam với thế giới. Truyện ngắn Ngàn năm mây trắng của Bảo Ninh viết vào những năm sau Đổi mới vẫn là một sự kết nối với quá khứ chiến tranh. Một người mẹ già thắp hương trên máy bay trước sự sửng sốt của xung quanh, bằng cách nào bà đã mang được diêm và mấy nén hương theo. Bà nói, “con tôi rơi ở đây”. Con của bà là phi công chiến đấu đã hy sinh thời chiến tranh, và chuyến bay hàng không thời bình là một cách nhớ lại người đã khuất.
Những bộ phim điện ảnh thời bao cấp vốn ít cho nhân vật phiêu lưu, nên những chuyến bay thường gợi ra một sự chia tay, hoặc ngầm báo hiệu một sự thay đổi nhiều bất an. Bộ phim Huyền thoại về người mẹ (đạo diễn Bạch Diệp, 1987) dựa trên câu chuyện có thật, kể về một nữ y tá miền Nam có chồng tập kết đã nuôi những đứa con của các nữ cán bộ điệp báo và kháng chiến, để rồi hòa bình lập lại, những đứa con lần lượt trở về với gia đình ruột thịt của chúng. Đứa nhỏ nhất là kết quả cuộc quan hệ không mong muốn của một nữ điệp báo viên và người cố vấn Mỹ. Kết phim là cảnh đứa bé con lai được bế lên chiếc máy bay của hãng Air France để đoàn tụ với bà nội. Chiếc máy bay cất cánh, để lại người mẹ nuôi bước đi cô đơn bên ghềnh đá lộng gió biển.
Càng về gần đây, sân bay trở thành tủ kính trưng bày những đặc điểm quốc gia hay địa phương. Cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà, 1999) khắc họa khung cảnh sân bay thời Đổi mới mang nét biếm họa về một xã hội vẫn xa vời với thế giới bên ngoài mà mỗi chuyến bay như từ một hành tinh khác. “Gã hải quan nói ngọng. Có mùi bánh mỳ chua thiu thiu của paté. Canteen của sân bay ngột ngạt người. Các cô bé bán hàng được đô thị hóa mặc đầm tíu tít… Quê hương hài lòng âu yếm ôm đàn con bụ sữa. Tất thảy đều xúng xính trong những bộ đồ còn thơm mùi bơ tươi. ‘Anh ơi’, ‘Bố ơi’, ‘Chị ơi’. Đất mẹ gào lên lo lắng. ‘Cẩn thận cái va ly’. ‘Bố ơi, bố có mấy cái túi”. Cuộc đưa đón ở sân bay của Nguyễn Việt Hà trái ngược với màu sắc lãng mạn của một bài hát nhạc trẻ cùng thời, Mưa phi trường (Việt Anh). Chuyến ly biệt bằng phương tiện hàng không khiến cho bài ca có màu sắc thời thượng hơn: “Phố xưa vắng em chờ anh/ Đưa người về nơi giá băng… Em ra đi xa khuất chân trời/ Để cô đơn từng đêm vẫn lên ngôi”.
Điều bất ngờ của thời điểm Việt Nam đón năm 2021 là sự vô cùng nghiêm túc của những chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam giữa tình thế dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu. Giữa sự bình yên phập phồng ở Việt Nam, những chuyến bay chứa những nguy cơ lây nhiễm khiến người ta e dè. Việt Nam của hôm nay, người ta có tìm đến hoặc quay về? Hơn 80 năm trước, cũng giữa một thế giới đang bùng phát một cuộc chiến, có lẽ Việt Nam chưa phải cái tên Yersin dùng để gọi xứ sở ông sẽ quay về, nhưng nó chính là nơi sau cuối ông hạ cánh, để rồi ở lại mãi mãi.
2/8/2021
Nguyễn Trương Quý
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...