Vị trí và đóng góp của Lưu Trọng Lư
trong tiến trình văn học Việt Nam
Lưu Trọng Lư (1911-1991) xuất hiện ở giai đoạn đầu của
phong trào Thơ Mới. Ông sinh ra ở làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch,
tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia văn đàn với nhiều thể loại: thi ca, kịch bản văn
học, phê bình, tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút ký,… Những
đóng góp trên nhiều địa hạt ấy đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Lưu
Trọng Lư đối với tiến trình phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.
Lâu nay nhắc tên tuổi ông thông thường hay nhắc đến Tiếng
thu, phải rồi, bởi Tiếng thu như là khoảng trời riêng biệt, nó làm nên sự
nghiệp nghệ thuật. Nhưng quả là không cân bằng và trọn vẹn, nếu không nhắc tên
ông cùng với các loại hình khác, không kém phần quyết liệt trong cuộc đời sáng
tạo kỳ vĩ và lạ lùng ấy. Về thơ, Lưu Trọng Lư có những thi phẩm: Tiếng thu
(1939), Tỏa sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1966), Từ đất này
(1971). Về văn xuôi, Lưu Trọng Lư cống hiến cả truyện ngắn, truyện vừa lẫn
truyện dài, có thể kể một số tác phẩm sau: Người sơn nhân (1933), Những nét đan
thanh (1934), Huyền Không động (1935), Khói lam chiều (1936), Cô Nguyệt (1937),
Con đười ươi (1938), Huế - một buổi chiều (1938), Một người đau khổ (1939), Chạy
loạn (1939), Cô gái tân thời (1939), Một tháng với ma (1940), Sơn nhân (1940), Chiếc
cáng xanh (1941), Cô Nhung (1941), Mẹ con (1942), Em là gái trong khung cửa
(1942), Dòng họ (1943), Hổ với Mọi (1944), Chiến khu Thừa Thiên (1952), Truyện
cô Nhụy (1962), Mùa thu lớn (1978), Nửa đêm sực tỉnh (1989)… Về sân khấu có: Nữ
diễn viên miền Nam, Cây thanh trà (kịch bản cải lương), Xuân Vỹ Dạ, Anh Trỗi
(kịch nói), Hồng Gấm (kịch thơ, 1973), Tuổi hai mươi (kịch thơ, 1974)… Mỗi lĩnh
vực, Lưu Trọng Lư đều để lại những đóng góp to lớn đáng kể.
Như chúng ta biết, phong trào Thơ Mới lãng mạn Việt
Nam ra đời, một mặt đáp ứng được sự thay đổi của thi ca trong hành trình đi lên
của nó, mặt khác lại là mảnh đất để các nhà thơ có thể làm mới mình, bộc lộ
tiếng nói tự do của chính mình. Giai đoạn này, chủ nghĩa tượng trưng
(symbolisme) đã ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca Pháp, nhưng đến những năm
1935-1945 nó mới thực sự ảnh hưởng đến các nhà Thơ Mới Việt Nam. Các nhà thơ
như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bích Khê… đều ít nhiều chịu
ảnh hưởng phong cách của Baudelaire.
Thơ Lưu Trọng Lư là mảng đóng góp lớn nhất và gây ấn
tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc. Giữ vai trò là nhà thơ tiên phong
trong phong trào Thơ Mới nhưng chất thơ của ông không Tây như Xuân Diệu, không sầu
vạn cổ như Huy Cận, không điên cuồng như Hàn Mặc Tử… mà có sự đan quyện giữa cổ
điển và hiện đại, phương Đông và phương Tây, hay nói cách khác, thơ ông vừa có
vẻ đẹp cổ điển vừa có luồng gió của thời đại mới. Điều này làm nên cái tôi vừa
rạo rực, tràn đầy cảm xúc vừa u buồn, cô đơn. Đó là thế giới của cõi mộng, cõi
chiêm bao. Đó là tiếng lòng của một “thi sĩ đa tình và mơ mộng” (Vũ Ngọc Phan)
“chỉ sống bằng tưởng tượng” (Trương Tửu), “sống bằng nội tâm nhiều hơn ngoại
giới” (Phan Cự Đệ). Và “mộng, đó mới là quê hương của Lư” (Hoài Thanh, Hoài
Chân). Trong các tập thơ, tập Tiếng thu, tập thơ đầu tay thể hiện rõ nhất về
cái tôi trữ tình và phong cách thơ của Lưu Trọng Lư, đồng thời khẳng định dấu
ấn của ông đối với phong trào Thơ Mới.
Tuy trốn khỏi thế giới thực tại, bay vào thế giới của
vô thức, của giấc mộng mà kiếm tìm cái đẹp, thực hiện khát vọng của mình nhưng
âm hưởng chủ đạo của Thơ Mới vẫn là cái buồn, cái sầu. Có thể nói, các nhà Thơ
Mới đều biết cách tạo dựng cho lâu đài thơ của mình một thế giới sầu riêng
biệt, không ai giống ai. Lưu Trọng Lư đánh dấu con đường thơ đầu tiên của mình
bằng ba thanh âm: mộng, sầu, tình.
Con thuyền trong thơ Lưu Trọng Lư là con thuyền sắp
trẩy bến thần tiên, vượt qua ba mươi sáu bến bồng bềnh, bơi trong cõi mộng lồng
lộng. Người ngồi trên con thuyền ấy là khách giang hồ, khách du ngoạn, người
tráng sĩ… với khát vọng thoát ly thực tại, giải phóng cái tôi, vươn đến chân
trời tự do, kiếm tìm, tận hưởng cái đẹp của thế giới bên kia. Từ điểm nhìn ấy,
thế giới thực trở nên mờ nhạt, thay vào đó là sự sống động, bồng bềnh, mê hoặc
của thế giới nhiệm màu. Thế giới lệch pha vẽ nên những bức tranh phi lôgic,
huyền ảo, đa nghĩa. Chúng là kết quả của sự xâm nhập “khu vực bí ẩn” (Mallarmé)
(Hôm qua, Giang hồ, Một chút tình, Tình điên, Còn chi nữa, Thuyền mộng, Im
lặng, Chiếc cáng điều, Thú đau thương, Mộng chiều về, Sứ giả…).
Bài thơ “Tiếng thu” làm nên tên tuổi của Lưu Trọng Lư.
Từ nhan đề cho đến các thi ảnh như: trăng mờ thổn thức, hình ảnh kẻ chinh phu trong
lòng người cô phụ, con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô đều được đặt
trong thế khập khểnh, kề cạnh nhưng không liên kết; trong sự huyền diệu, mờ
nhòe của không gian và thời gian:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Sức ám ảnh của các thi ảnh này lại nằm ở sự mờ ảo ấy.
Sự mờ ảo là con đường chiếm lĩnh chiều sâu bản thể của mùa thu. Chỉ có thể cảm
nhận sự huyền hoặc, diệu vợi của mùa thu khi thả hồn trong hiện thực thứ hai
chứ không phải là hiện thực thứ nhất. Một “Tiếng thu”, lạ, đẹp nhưng buồn, đầy
mầu nhiệm, bí ẩn. Người ta đồn rằng, “Tiếng thu” được viết từ trên quê hương
ông. Cái rặng núi sau nhà và hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đã làm day dứt tâm
cảm ấp ủ như men tình của ông. Cho nên, “Tiếng thu” cũng chính là tiếng lòng
quê hương của ông vậy. Và cũng là đóng góp lớn lao cho mảnh đất quê nhà của thi
sĩ.
Nửa đời phiêu lãng với con thuyền mơ, ghé bến Ngân -
sơn, bến Trúc - lang, nơi nghìn trùng man mác nhưng thi sĩ vẫn chưa thỏa mộng
giang hồ, máu du tử: thuyền ơi, neo chưa buồn cắm. Trốn vào cõi mộng nhưng mộng
không bền. Vì vậy, nhà thơ không ít lần nhắc đến tình cảnh: Giật mình ta thấy
bồ hôi lạnh/ Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi! (Hôm qua); Lúc mộng nhìn nhau cười
ngặt nghẽo/ Mộng tan, trên gối lệ hoen rơi (Mộng chiều về)… Khi chập chờn,
chông chênh giữa hai tình cảnh thực và mộng ấy, chúng ta nhận ra, bên cạnh
người - thơ không chút vướng bận, tự do say đắm với chốn hư ảo là người - thơ
sẵn sàng lịm người trong thú đau thương, đối chất, bộc bạch nỗi u sầu của mình.
Nỗi sầu bàng bạc, ngấm vào từng thi ảnh, từng giai điệu: mắt sầu gợn sóng, sầu
biêng biếc, ôm mối sầu vô hạn, sầu tràn khắp cỏ cây, ngày một thêm sầu, mối sầu
u,... Tâm trạng sầu là tâm trạng chung, thường trực của cái tôi lãng mạn trong
Thơ Mới lúc bấy giờ. Nhưng cái sầu của Lưu Trọng Lư không lẫn vào ai được: Đã
héo lắm nụ cười trong mộng/ Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu/ Đã lam tím cả cánh
chiều/ Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn (Thú đau thương). Mộng tàn. Đau
thương. Nhưng với Lưu Trọng Lư, ông vẫn xem những cảm xúc ấy là thú. Cách viết
này vừa lạ nhưng đồng thời vừa khẳng định bản ngã của nhà thơ. Sẵn sàng đớn
đau, xin để gối nằm yên chỗ cũ thỏa cơn mộng cái giống giang hồ. Đây chính là
cách nhà thơ nới rộng cái sầu và làm nên điệu thơ sầu, riêng, mới cho thi ca
của mình. Mặt khác, nhà thơ sầu nhưng không hoàn toàn bi quan, chán nản, tuyệt
vọng, bế tắc, bởi, ẩn chứa bên trong cái sầu ấy còn là cái tình chân thành,
giàu lòng trắc ẩn, yêu thiên nhiên và rất đỗi tha thiết với cuộc sống của thi
sĩ.
Giây phút tỉnh mộng hé mở cái buồn sầu của thi sĩ
nhưng cũng hé mở một tâm - thơ nhạy cảm, tinh tế, nhân ái: Nỗi nhớ mẹ khôn
nguôi (Nắng mới); Sự chia sẻ, cảm thông trước nỗi niềm của người con gái khi
lấy chồng xa (Chị em); Những trăn trở, day dứt, băn khoăn trước những mảnh đời
bất hạnh (Hoa bên đường); Lòng yêu thiên nhiên (Núi xa); Trân trọng những giá
trị văn hóa cổ truyền của dân tộc (Chiếc cáng điều); Say đắm với tình yêu (Đôi
mắt)…
Men theo mộng, sầu, tình, người đọc nắm bắt được thế
giới tâm hồn của thi sĩ cũng như quan niệm về thi ca của ông, khác hẳn với quan
niệm thi ca của văn học trung đại. Với ông, cái đẹp bắt nguồn, gắn bó với cuộc
sống trần thế, nhưng nhà thơ phải biết tạo cái đẹp, kiếm tìm cái đẹp để tránh
sự nhàm chán, rập khuôn trong sáng tạo. Việc nhà thơ mở rộng biên độ cái đẹp,
đắm chìm với cái đẹp trong cõi mộng, trong vẻ đẹp “vang bóng một thời” của văn
hóa cổ truyền của dân tộc cũng là cách làm mới, cách tân, thoát khỏi sự mòn
chán. Như vậy, văn học nghệ thuật luôn song hành với cái đẹp. Nhưng theo Lưu
Trọng Lư, cái đẹp đâu chỉ ở nội dung mà còn đẹp ở hình thức thể hiện. Ngôn từ
được nhà thơ lạ hóa bằng cách lắp ghép một cách ngẫu hứng, đầy bất ngờ nhưng
vẫn gắn với thiết chế của nội cảm để tạo dựng một trường thi ảnh mang màu sắc
tượng trưng. Ảnh hưởng Verlaine, Lưu Trọng Lư rất chú trọng đến nhạc điệu trong
thơ. Ông quan tâm, hòa phối nhịp dài, nhịp ngắn, vần, cách ngắt nhịp… với mạch
tâm trạng, cảm xúc của người nghệ sĩ. Điều này đã được Nguyễn Văn Long khẳng
định trong “Từ điển văn học”: “Thơ Lưu Trọng Lư giàu nhạc điệu tự nhiên và gần
gũi với điệu thơ truyền thống” (1; tr.904). Tuy nhiên, trước năm 1945, thơ Lưu
Trọng Lư vẫn là “một thứ nhạc điệu mơ màng và buồn xa vắng” (2; tr.212). Kiều
Thanh Quế khi viết “Thi sĩ Lưu Trọng Lư với ‘Tiếng thu’” có nhấn mạnh: “Đừng ai
cố tìm tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư. Vì vô ích. Lưu Trọng Lư bao giờ cũng
chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu” (3; tr.196).
Nếu trước Cách mạng tháng Tám, thơ Lưu Trọng Lư có sự
tương giao, tương ứng giữa thực - phi thực, quen - lạ, cổ điển - hiện đại, quá
khứ - hiện tại..., từ âm thanh, màu sắc, ngôn từ... cho đến thi ảnh trong thơ
Lưu Trọng Lư đều bị ảnh hưởng bởi sự mờ nhòe, hư hư thực thực thì sau Cách
mạng, thơ ông hướng đến vẻ đẹp khác - vẻ đẹp của những con người thầm lặng hi
sinh cho đất nước ở Trường Sơn, Cự Nẫm, Quảng Trị, Huế,... và chạy dọc cả miền
Trung - nơi quê hương đau khổ và thân thiết... lần lượt đi vào thơ ông: Thổ
Ngoạ hay Thuận Bài/ Minh Cầm hay Cảnh Hoá?/ Những người con gái đẹp của nhân
dân/ Đến đây như những vị thiên thần/ Lại ra đi một vết lông ngan, không gửi
lại/ Áo cũ rồi, anh còn mặc đấy/ Miếng vá đây còn nguyên mũi chỉ đường kim/ Của
tuổi thơ mười bảy mười lăm (Người con gái sông Gianh). Nhà thơ còn ca ngợi vẻ
đẹp của bà mẹ anh hùng ở Hàm Rồng: Một núi bom tan, một mẹ ngồi/ Tay bưng bát
nước miệng đưa mời/ Ráng chiều đỏ ối cầu sông Mã/ Pháo thủ bài ca vút tận trời (Mẫu
nhật kí về Hàm Rồng); cảm thông, chia sẻ với công việc thầm lặng của người nữ y
sĩ ở Trường Sơn: Nhưng... đá Trường Sơn/ Lòng em không quen hát thành lời/
Nhưng... nắng Trường Sơn/ Tiếng em cười không quen ríu rít đôi môi/ Mặt em
xanh, lẫn đi trong tàu lá/ Mà đôi mắt em như sao sáng giữa rừng đêm (Lặng
thầm). Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, qua những cuộc trở về thăm làng, thăm
quê, người đọc có thể cảm nhận những trăn trở của tác giả trước cảnh quê hương
bị dày xéo: Bom Mỹ cày xới/ Từ xóm Mít đến xóm phà Gianh/ Từ xóm Côi đến xóm
Dưới/ Không một cành, không một bụi/ Nhà tranh, nhà ngói/ Hết thảy san bằng/
Đứng ở đầu làng/ Nhìn đến cuối làng không thấy…/ Hàng thông trên núi cũng cụt
hết đầu/ Người không chỗ núp/ Chim không chỗ trú/ Mò hỏ, mò ho/ Mày bay đâu
rồi?/ Chèo bà, chèo bẻo/ Mày khuất nơi nao?/ Vành khuyên, chúc mào, cu cườm, cu
đất/ Bao giờ về lại những đường bay?/ Làng tôi không chim hót/ Đâu còn làng
tôi… (Làng tôi).
Giai đoạn làm nên tên tuổi, khẳng định những đóng góp
về quan niệm cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật, cách tân hình thức thi ca của
ông vẫn là giai đoạn trước năm 1945. Rất nhiều ý kiến đánh giá, khẳng định về
vị trí của Lưu Trọng Lư trong phong trào Thơ Mới: “Lưu Trọng Lư là người đầu
tiên, có công đầu, lại lên tiếng tấn công liên tục, không chỉ bằng lí luận có
tình có lý (bác cái cũ đã lỗi thời, ca ngợi cái mới) mà quan trọng hơn là bằng
cả một thực tế sáng tác phong phú, và từng bước đã có những thành công vững
chắc, có lúc rạng rỡ” (4; tr.171). Ngô Văn Phú còn xem ông là “chiến tướng
trong phong trào Thơ Mới”... Sau Cách mạng, thơ Lưu Trọng Lư gần với hiện thực
cuộc sống hơn, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt thành của nhà thơ
trước vận mệnh của nhân dân, của dân tộc, của quê nhà. Tuy có sự khác biệt giữa
hai mảng thơ trước và sau 1945, nhưng có thể nói, ở giai đoạn nào, thơ của Lưu
Trọng Lư vẫn hướng đến cái đẹp. Cái đẹp là nhân tố quan trọng, thiết yếu của
văn học nghệ thuật. Mỗi cách tiếp cận cái đẹp trong thơ Lưu Trọng Lư đều góp
phần nhấn mạnh, khẳng định sức sáng tạo bền bỉ, không hề mệt mỏi của ông.
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong thơ ca, Lưu Trọng
Lư còn năng nổ trong lĩnh vực văn xuôi. Khối lượng tác phẩm văn xuôi mà ông để
lại khá đồ sộ. Đề tài, ý tưởng, giọng điệu, kết cấu, nhân vật,… trong các tác
phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư đa phần mang đậm dấu ấn của một phong cách lãng
mạn, mộng mơ nhưng nồng đượm tình cảm. Đặc biệt, tập truyện Người sơn nhân (gồm
3 truyện ngắn, một bài thơ mới và một bài tiểu luận “Một cuộc cải cách về thi
ca”) được đánh giá khá cao. Phan Khôi cũng không ngần ngại khi xem đó là “tác
phẩm mở đầu cho cõi tư tưởng của văn nghệ mới”.
Từng sống, học tập ở Huế, Hà Nội, thiên nhiên và cuộc
sống con người nơi đây đã đi vào tác phẩm một cách tinh tế, tình cảm (Huế - một
buổi chiều; Gió cây trút lá; Em là gái trong khung cửa…). Phong tục, tập quán,
lịch sử, văn hóa của vùng đất “gió lào cát trắng”, khắc nghiệt, nơi sinh thành
của Lưu Trọng Lư, cũng được thể hiện qua một số tác phẩm như: Cầu sương điếm
cỏ, Bến cũ, Chiếc cáng xanh, Cô bé hái dâu, Con voi già của vua Hàm Nghi… Trong
đó, Khói lam chiều là tác phẩm thể hiện rõ tình cảm, sự cảm thông của tác giả
trước thân phận của những người lao động cơ cực, nghèo đói và những tập tục,
quan niệm, lối sống của người miền Trung. Mối tình không đơm hoa kết trái giữa
thằng Đối và con Vịnh, rồi cái chết của thằng Đối khi nghe tin con Vịnh có
mang, bị đưa ra chợ làm nhục chính là hệ quả của những tập tục cổ hủ, lạc hậu
của xã hội lúc bấy giờ. Trong Cầu sương điếm cỏ, hình ảnh chiếc thuyền nan trôi
trên dòng lũ của bác hai Thìn; hình ảnh cái Bẹ, cu Tỵ bơ vơ, chồng chềnh trên
chiếc chõng tre, bắt đầu những ngày tháng cơ cực, đi ở mướn, lang thang bắt con
nhèm giữa những miếng hàu sắc nhọn để kiếm sống… như tái hiện những khó khăn,
vất vả của người miền Trung sau những trận lũ lớn.
Đánh giá về phong cách văn xuôi trước 1945 của Lưu
Trọng Lư, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Tóm lại, theo tôi, lãng mạn
là nét phong cách khá nổi bật ở văn xuôi tự sự trước 1945 của Lưu Trọng Lư. Tất
nhiên điều này không ngăn cản việc ở phần sáng tác này của ông, ta còn có thể
tìm thấy những minh chứng về sự tố cáo những biểu hiện phi nhân tính, phản xã
hội ở cuộc sống đương thời - tức là những thuộc tính thường vẫn được gắn cho
văn chương “tả thực phê phán”. Lại cũng có thể tìm thấy ở mảng sáng tác này của
ông những trường đoạn, thậm chí gần như nguyên vẹn cả một tác phẩm cho thấy
những tập tục sinh hoạt của cư dân Việt, từ tục phạt vạ gái chửa hoang (Khói
lam chiều) đến tục chặn đường đám đón dâu để xin “cheo” (Chiếc cáng xanh), hoặc
những quan hệ dòng tộc theo phụ hệ giành ưu thắng trong gia tộc (Dòng họ),…
nhưng cũng không dễ để có thể coi Lưu Trọng Lư như nhà văn phong
tục”(5). Giáo sư Phong Lê lại chỉ ra những cái được và chưa được của Lưu
Trọng Lư: “Nếu những truyện tình và truyện hoang đường của Lưu Trọng Lư không
gây được nhiều sự chú ý, và thật sự là không mới trong so sánh với các tác giả
khác cùng thời như Khái Hưng, Nhất Linh; như Thế Lữ, Thanh Tịnh thì những
truyện viết về một thời quá vãng, dựa trên hồi ức của bản thân, về tuổi thơ với
người thân và nhất là về người mẹ qua đời quá sớm lại có nhiều trang hay và cảm
động như trong Chiếc cáng xanh (1941)…
Tình mẹ, rõ ràng là một nguồn cảm xúc trữ tình rất lớn cho thơ, đúng như tác giả viết trong Chiếc cáng xanh: “Cái chết của mẹ là cái chết của tất cả những điều êm ái, ngọt ngào nhất ở trong đời chúng ta”; nhưng thơ hay về mẹ kể từ thời Thơ Mới cho đến nay theo tôi vẫn là chưa đủ”(6). Như thế, dù viết về cuộc sống và con người ở vùng đất nào, ở mảng truyền thuyết, dã sử, thần kì, ma quái,… nào, Lưu Trọng Lư cũng đều gửi gắm cái tình chân thành, niềm khát khao chiếm lĩnh cái đẹp của ông.
Tình mẹ, rõ ràng là một nguồn cảm xúc trữ tình rất lớn cho thơ, đúng như tác giả viết trong Chiếc cáng xanh: “Cái chết của mẹ là cái chết của tất cả những điều êm ái, ngọt ngào nhất ở trong đời chúng ta”; nhưng thơ hay về mẹ kể từ thời Thơ Mới cho đến nay theo tôi vẫn là chưa đủ”(6). Như thế, dù viết về cuộc sống và con người ở vùng đất nào, ở mảng truyền thuyết, dã sử, thần kì, ma quái,… nào, Lưu Trọng Lư cũng đều gửi gắm cái tình chân thành, niềm khát khao chiếm lĩnh cái đẹp của ông.
Ở lĩnh vực phê bình, Lưu Trọng Lư tham gia tranh luận
về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, đấu tranh kịch liệt
với thơ cũ, cổ vũ thơ mới, bênh vực thơ mới, tranh luận về truyện Kiều, tranh
luận về thơ văn Nguyễn Công Trứ,... Lưu Trọng Lư ủng hộ "một cuộc cải cách
về thi ca" và chỉ ra những nguyên nhân cần phải thay đổi. Trong một bức
thư gửi cho Phan Khôi (Phụ Nữ Tân Văn đăng số 153 đầu tháng 6 năm 1932), ông
bày tỏ: "Nếu cứ phải uốn nắn theo khuôn khổ chật hẹp, như hiện tình thi ca
nước nhà, thì họ phải thất vọng biết dường nào! Vậy ta còn ngần ngừ gì nữa, mà
không mở rộng cái "lãnh thổ" kia ra, để mặc sức cho họ đem những cái
thiên tài phú bẩm ra mà đua bơi vùng vẫy. Làm vậy, hoặc giả có kẻ hoài nghi mà
bảo rằng: "Phóng túng buông lung quá rồi thành ra lộn xộn, mất cả nề
thơ". Trong cái lúc quá độ, ắt phải như thế, có buông lung, có phóng túng
mới có thể phát triển hết những cái rất hay, rất quí, rất đẹp trong mình, tuy
có nhiều lộn xộn, nhưng một ngày kia thành thục rồi, sẽ trở vào trong những cái
nguyên tắc lề lối, rộng rãi hơn, tự do hơn". Theo ông, Thơ Mới ra đời là
một quy luật tất yếu, cần thiết. Chỉ có ở Thơ Mới, người nghệ sĩ mới được tự do
bộc lộ những thành thật của cảm xúc, của tâm hồn. Những bài tranh luận nhiệt
huyết, sôi nổi đó của Lưu Trọng Lư được in trong cuốn “Văn chương và Hành
động”, Nxb Phương Đông, 1936 (Nxb Hội Nhà văn in lại năm 1999), (in chung với
Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều) đã thể hiện một cây bút lí luận đầy bản lĩnh, dũng
khí và giàu sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, Lưu Trọng Lư còn biết đến với tư cách là
nhà soạn kịch. Đề tài của kịch cũng khá phong phú: về tình cảm gia đình, về
tình yêu, về lịch sử,... Vở Hồng gấm và Tuổi hai mươi tuy còn có nhiều hạn chế,
thiên về “hoạt cảnh thơ hơn là một vở kịch” (Nguyễn Văn Long) nhưng vẫn gây xúc
động với người đọc về hình tượng người nữ anh hùng miền Nam; đến vở Bình minh
Anh vũ, Lưu Trọng Lư đã thoát ra khỏi nhược điểm ấy. Đấu tranh cho tình yêu,
hạnh phúc, vở Bình minh Anh vũ “được xây dựng khá quy mô với ba hồi, mười hai
cảnh. Chất thơ và tính kịch đã có sự hòa hợp, bổ sung cho nhau. Hành động kịch
được phát triển theo một tuyến khá nhất quán, tâm lí nhân vật ít nhiều đã được
soi rọi, tuy vậy cũng còn một số cảnh hơi dài dòng, dàn trải, những đối thoại
chưa được chọn lọc và còn đăng đối quá” (7; tr.257). Trong hai mảng kịch nói và
kịch thơ, kịch thơ có sức hấp dẫn hơn, phù hợp với giọng điệu trữ tình lãng mạn
của Lưu Trọng Lư, tuy chưa để lại dấu ấn bằng thơ và văn xuôi cả về số lượng
lẫn chất lượng song ít nhiều đã giúp người đọc có cái nhìn bao quát hơn về sự
nghiệp sáng tác và những cống hiến của Lưu Trọng Lư, mà lâu nay ta thường lãng
tránh hoặc vô tình bỏ quên.
Như thế, sự cống hiến phong phú và đa dạng trong sáng
tác của Lưu Trọng Lư chưa được nhìn nhận đúng mức, hợp lý. Hay nói như nhà
nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “…Nhưng điều đáng nói hơn lại là sự tắc trách của nền
nghiên cứu và nền xuất bản của ta. Đối với tên tuổi Lưu Trọng Lư, mọi quan tâm
của chúng ta chỉ dừng lại ở sáng tác thơ, thậm chí chỉ dừng lại ở một bài Tiếng
Thu! Chính sự lười nhác, tắc tránh của các giới nghiên cứu và xuất bản đã
khiến nhiều tác phẩm bị rơi vào quên lãng một cách oan uổng”(8). Sự kiện Lễ kỷ
niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư do Hội Nhà văn Việt
Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cùng việc trao Giải thưởng Văn học Nghệ
thuật mang tên Lưu Trọng Lư lần thứ tư do UBND tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật
Quảng Bình và gia đình nhà thơ đồng tổ chức tại Hà Nội (vào ngày 15/6/2011 và
tháng 12/2011); sự ra đời của ba bộ sách “Lưu Trọng Lư - tác phẩm truyện ngắn,
tiểu thuyết”, do Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn, Nxb Lao Động
và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2011; “Bài ca tự tình”, Nxb Hội Nhà
văn, 2011, tuyển chọn những bài thơ chưa từng công bố của Lưu Trọng Lư đã “giải
oan” và khôi phục những đóng góp của một thi sĩ, một nhà văn, nhà lý luận đa
tài - Lưu Trọng Lư.
Những cảm xúc tinh tế, giàu tính nhân văn cùng với
lòng nhiệt thành đã góp phần khẳng định vai trò kiện tướng không chỉ trong
phong trào Thơ Mới, mà còn khẳng định tiếng nói của một nhà thơ lớn, vị trí
quan trọng của một nhà văn, nhà phê bình sắc sảo, nhạy cảm, khách quan, đối với
sự phát triển văn học nghệ thuật Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Người có tài lao động, thiên tài sáng tạo"
(Robert Schumann). Lưu Trọng Lư là một thiên tài như thế. Bên cạnh những yếu tố
thiên bẩm, dường như cái vị mặn mòi của biển, cái bỏng rát của gió Lào, cái bất
ngờ của cơn đại hồng thủy,... cũng là một trong những nhân tố hun đúc nên khí
chất, tâm hồn của một thi sĩ không ngừng "gom nhặt cái đẹp cho đời". Vì
thế, những gì ông viết không chỉ tôn vinh cuộc sống, con người, nền văn học
nghệ thuật Quảng Bình, chứng minh được tiềm năng, sức sống của vùng đất “địa
linh nhân kiệt”, nơi sinh nở những tài năng lớn như: Dương Văn An, Thượng Đẳng
thần Nguyễn Hữu Cảnh, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh... mà còn góp
phần thúc đẩy sự phát triển của văn học dân tộc. Với những đóng góp, cống hiến
ấy, ông xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần
Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
2. Huy Cận - Hà Minh Đức (chủ biên), Nhìn lại một cuộc
cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, 1997.
3. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn (sưu tầm, biên soạn),
Tạp chí Tri Tân (1941-1945) - Phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999.
4. Lê Thị Đức Hạnh, Mấy vấn đề trong văn học hiện đại
Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.
5. Lại Nguyên Ân, "Văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư:
những ghi nhận và đánh giá trái ngược", http://www.vanvn.net/news.
6. Phong Lê, "Lưu Trọng Lư - người viết văn xuôi",
vanvn.net/news.
7. Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam trong thời đại
mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
8. Lại Nguyên Ân, "Đọc lại một thiên truyện Lưu
Trọng Lư về lũ lụt miền Trung", http://vanhoanghean.vn.
9. Hoài Thanh,
Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 2006.
10. Huy Cận - Hà Minh Đức (chủ biên), Nhìn lại một
cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, 1997.
11. Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Hoàng Bình Trọng
(tuyển chọn), Nhà văn Việt Nam hiện đại Quảng Bình, Chi hội Nhà văn Việt Nam
tại Quảng Bình xuất bản, 2001.
12. Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Thơ Việt Nam 1945-1985,
Nxb Giáo dục, 1985.
13. Lại Nguyên Ân (tập hợp và biên tập), Thơ Mới
1932-1945: tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, 2004.
14. Lưu Trọng Lư, Từ đất này, Nxb Văn học, Hà Nội,
1971.
15. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, Nxb Thông tin, 1991.
16. Lưu
Trọng Lư, Người con gái sông Gianh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.
HOÀNG THỤY ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét