Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Bolero và "Nắng chiều"

Bolero và "Nắng chiều"
1. Đêm đi nghe nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển giới thiệu về Lê Trọng Nguyễn - nhạc sĩ Quảng Nam khai phá dòng nhạc bolero trong chương trình “Ngày hội văn hóa đồng hương Quảng Nam”, tôi rất háo hức. Háo hức không chỉ vì được nghe tác giả “Thu hát cho người” chia sẻ kiến thức âm nhạc qua nhạc phẩm bolero kinh điển “Nắng chiều”, mà còn muốn hiểu thêm về dòng nhạc bình dân đang được công chúng đón nhận trở lại sau một thời gian dài tạm lắng.
Ôn lại tình khúc "Nắng chiều". Ảnh: P.K
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/ Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa... Những ca từ và giai điệu trong bài hát, tôi thuộc từ lúc bé xíu, nhờ nghe các anh chị tôi hát. Nhưng để biết “Nắng chiều” thuộc thể loại nhạc nào, thì quả thật, tôi chưa từng tìm hiểu. Tôi nghĩ đơn giản thích một bài hát là cứ hát lên. Và tự nhủ mình không phải nhà nghiên cứu, nên việc mù mờ kiến thức âm nhạc cũng là điều dễ hiểu và dễ được thông cảm. Về các thể loại nhạc, tôi nghĩ cũng giống như món ăn. Có người thích món này, người thích món kia, thậm chí có khi thắc mắc “món ấy dở thế, mà sao người ta lại ghiền…”. Âm nhạc cũng vậy, mỗi người mỗi sở thích, và người ta có quyền bảo vệ sở thích của mình. Như cách tôi “bảo vệ” “Nắng chiều”, đơn giản vì những ca từ và giai điệu bài hát nhẹ nhàng, dịu êm và giàu chất thơ. Cũng là nỗi nhớ, nhưng là nỗi nhớ “dịu hiền”, thấp thoáng nét buồn mà không bi lụy như không ít những ca khúc bolero khác.
Lê Trọng Nguyễn là con một gia đình nhà giáo, sinh năm 1926 tại Hội An. Ông thương yêu một người con gái gốc Quy Nhơn, sống cách nhà ông vài trăm mét. Đến khi cô gái rời xa đất Hội An, hình ảnh người phụ nữ này để lại trong ông những thổn thức, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. “Nắng chiều” ra đời, vào năm 1952.
Ngồi trong không gian ấm cúng ở sân khấu Ốc đảo Đầm Sen (quận 11, TP.Hồ Chí Minh), những ca từ và giai điệu trong “Nắng chiều” vang lên, đưa tôi về với bãi biền, với đồng lúa vàng, có con đò và bóng chiều trên các đồi nương xứ Quảng. Những yêu thương, nhung nhớ phơi bày qua con chữ thấm đẫm cảm xúc ấy, khiến những người con đất Quảng càng tự hào về người nhạc sĩ mà theo cách nói của Vũ Đức Sao Biển: “Ca khúc vừa ra đời, đã vụt nổi tiếng trên cả nước. Người Quảng Nam rất tự hào khi quê hương mình có được một nhạc sĩ tài hoa, sử dụng một làn điệu mới của Tây phương, viết nên bài tình ca rất dịu dàng”. Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bolero xuất phát từ Tây Ban Nha, vốn là điệu nhạc nhảy. Khi du nhập vào các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin, Bizet, Debussy sử dụng viết các chương trình trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình.
Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, khi bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ thì được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latinh. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng. Nhạc sĩ Cuba và Mexico có công phát triển bolero, tạo ra hẳn một dòng bolero mới, xôn xao và rực rỡ hơn. Dòng nhạc bolero bao gồm các làn điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao, kể cả tango, tango habenera, chachacha. Mẫu số chung là viết theo phép ký âm 4/4, chỉ khác nhau ở chỗ cách chơi và cách xử lý ca khúc.
Quay về câu chuyện 64 năm trước, có một người nhạc sĩ đất Quảng Nam đã khai mở con đường âm nhạc bolero trong cả nước với ca khúc “Nắng chiều”. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Người đầu tiên thu ca khúc này vào năm 1953 là ca sĩ Minh Trang (vợ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước). Được biết, năm 1958, một đoàn văn nghệ của Nhật sang Việt Nam, có một nữ ca sĩ, nhạc sĩ tên Midori Satsuki gặp Lê Trọng Nguyễn, ký hợp đồng xin được viết “Nắng chiều” ra tiếng Nhật. Năm 1960, ca sĩ Kỷ Lộ Hà của Đài Loan đến thăm Sài Gòn, cũng xin được gặp Lê Trọng Nguyễn ký hợp đồng thu thanh bài “Nắng chiều”.
Điều thú vị là, trong cuộc hội ngộ của những người đồng hương xứ Quảng ở Đầm Sen, chúng tôi được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho nghe lại “Nắng chiều” qua giọng ca của ca sĩ Minh Trang 63 năm về trước, do chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm. Rồi nghe giọng hát của ca nhạc sĩ Nhật Bản Midori Satsuki với âm nhạc đã được làm mới. Nghe lại giọng ca của Kỷ Lộ Hà bằng tiếng Quan Thoại. Một sự tự hào lẫn thú vị khi “Nắng chiều” lần lượt được cất lên từ những giọng ca ngọt ngào ấy. Và thú vị hơn khi được biết ở Việt Nam, người ta gọi “Nắng chiều” là “Việt Nam tình ca”. Cho tới khi người Thái Lan, người Khơ-me dịch “Nắng chiều” ra tiếng Thái, tiếng Khơ-me thì ca khúc này không còn là “Việt Nam tình ca” nữa, mà là “Á châu tình ca”.
2. Nếu ở các nước Mỹ Latinh, bolero xôn xao, rực rỡ thì bolero Việt Nam chậm hơn, phù hợp với xã hội nông nghiệp nước ta. Chúng tôi được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho nghe lại “Nắng chiều” với bản thu trực tiếp năm 1965 (tức là ca sĩ hát với dàn nhạc) qua giọng ca Hà Thanh - một danh ca của đài Huế, vào Sài Gòn hoạt động âm nhạc. Tiết tấu bài hát được đẩy chậm lại, để trở nên gần gũi với tâm tình người Việt Nam. Cũng theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, sau này các nhạc sĩ Việt viết bolero ít nốt hơn, để đưa olero gần gũi hơn với công chúng, dễ hát, dễ thẩm thấu. Bolero trở thành thứ nhạc tâm tình, một thứ nhạc chậm và kể lể, đầy diễn cảm.
Lê Trọng Nguyễn là người khai phá con đường âm nhạc bolero, để sau đó nhiều nhạc sĩ khác tiếp nối. Giai đoạn 1954 - 1960, Trúc Phương, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Phạm Thế Mỹ… đã viết nên những bản tình ca bolero rất đắm say. Đặc biệt, nhạc sĩ Trúc Phương đã viết 24 bản tình ca cung thứ, bài nào cũng đẹp cũng hay, ngôn ngữ mới mẻ, thấm đẫm hồn người như “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Mưa nửa đêm”… Thế nhưng, sau 1975, bolero đã tạm lắng một thời gian vì không ít bài có nội dung không phù hợp với cuộc sống mới, nhiều bài thể hiện những bi lụy, đau khổ, rên rỉ, dàn trải quá mức. Có khi cũng bài hát ấy, nhưng mỗi ca sĩ có cách thể hiện không giống nhau. Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bolero cao cấp hay không cao cấp, sến hay không sến là do cách hòa âm, người sáng tác và cả người hát tạo ra nữa.
Dù một thời gian im hơi lặng tiếng, không có nghĩa bolero không có người yêu, người chơi. Bolero đã đi vào ngóc ngách tâm hồn mỗi người. Dễ thấy là, bên bàn nhậu, chỉ cần một chai rượu, vài miếng cốc ổi, với cây ghita (hoặc chỉ mấy chiếc đũa với cái nắp vung) là bolero có “đất sống”. Ai cũng có thể hát được bolero, vì bolero là cuộc sống của họ, nồng nàn như hơi thở, và đẹp tựa vầng trăng đêm rằm! Nhiều khi trong các đám tang, dàn kèn tiễn đưa người chết đều tấu những bản bolero, hoặc có khi sử dụng những làn điệu khác nhưng vẫn chơi theo tiết tấu bolero. Ví như tiễn đưa một ông già, người ta sẽ chọn bản “Trở về mái nhà xưa”; tiễn bà già thì chọn “Lòng mẹ” hay tiễn trai gái thanh niên thì chọn “Nỗi buồn gác trọ”… Ngay cả “Điệu buồn phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển, người ta cũng chơi kiểu bolero, dành tiễn đưa “mấy ông sồn sồn”. bolero dường như đã “xã hội hóa” một cách rộng lớn, từ người già đến con trẻ, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể thẩm thấu được.
Bolero là thứ âm nhạc bình dân. Sau một thời gian tạm im lắng, bolero dường như đang mạnh mẽ trở lại. Điều đó cho thấy sức sống dòng nhạc này vẫn còn mãi trong lòng người yêu nhạc. Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, hai cuộc thi “Solo cùng Bolero” và “Sáng tác cùng Bolero” do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang tổ chức, làn điệu bolero đã thực sự sống lại. Bởi, có những tác phẩm bolero mới mẻ, với làn điệu hay, tư tưởng, tâm tình rất gần gũi với quần chúng nhưng vẫn mang hơi thở thời đại…
1/4/2016
PHI KHANH
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...