Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Dọc đường văn nghệ của tôi 1

Dọc đường văn nghệ của tôi 1
PHẦN 1 - Ở HUẾ
Từ thập niên 60, nghĩa là lúc đó tôi khoảng 14 tuổi. Vậy mà không hiểu sao tôi luôn trăn trở về phận người và mê hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương như điếu đổ:
… Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh…
Và càng thấm thía hơn khi ghiền “Đoạn Trường Tân Thanh” của thi hào Nguyễn Du.
Càng đọc càng soi và càng thấy:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng… (truyện Kiều)
Thời gian này chiến tranh đang manh nha để gặm nhấm hai miền Nam Bắc.
Tôi ở vùng “xôi đậu” nên đêm đêm phải lên ngủ nhờ nhà anh Lê Bá Lăng, là thầy giáo và là bạn văn nghệ của tôi ở Vỹ Dạ. Thời gian này anh tôi thành lập Thi Văn Đoàn Mây Ngàn. Báo tự chép tay quy tụ một nhóm bạn bè Quốc Học. Nội dung họ viết là những thao thức đầy nhân bản về Tình yêu Quê Hương, Đất Nước.Thấy họ nhóm họp, trao đổi văn chương mỗi cuối tuần mà tôi háo hức đến lạ. Thế rồi một ngày tôi đưa bài thơ cho anh ấy xem. Anh gật đầu rồi cho tôi vào nhóm. Ngoài nhóm bạn của anh, tôi còn biết đến những người làm văn nghệ như Mường Mán, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Miên Thảo, Lê Bá Lăng, Hồ Minh Dũng, Lương Viết Khiêm, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ…
Nhờ trái tim và đầu óc trời cho mà chỉ 2 năm sau là tôi thay thế chỗ anh tôi để miệt mài lo tờ báo viết tay ấy. Vừa học, vừa đi dạy kèm vừa sáng tác, tôi đã tự mình đi vào các tạp chí
thời ấy như Văn Học, Văn, Thời Nay, Bách Khoa… mà không thông qua một người nào giới thiệu. Thật hạnh phúc khi thấy báo đăng thơ mình vừa phát hành còn thơm mùi giấy mực…
Đặc biệt là 3 người rất ấn tượng với tôi. Đó là chị Lê Thị Ái Niệm, anh Lê Bá Lăng và anh Lương Viết Khiêm. Chị Niệm là chị con cô ruột của tôi. Hồi đó chị cũng tập tành làm thơ và cũng tham gia thi văn đoàn Mây Ngàn. Hai chị em thương yêu nhau như là tri kỷ. Lúc đó chị học trường nữ Trung Học Đồng Khánh. Nhà ở quê chỉ đèn dầu tù mù nhưng đêm đêm tôi và chị thường trao đổi chuyện thơ văn. Có khi say mê viết, muỗi cắn không cần biết. Sau năm 68 chị theo gia đình vào Đà Nẵng nhưng không quên đứa em con cậu ruột. Thơ chị viết bằng trái tim nên dễ đi vào lòng người đọc:
THƠ LÊ THỊ ÁI NIỆM
TIỄN ĐƯA
Tin em đi chị bỗng buồn như biển
Trời thu mưa hiu hắt mấy dặm xa
Áo sờn vai mưa thơ em có ướt
Bến sông nào em dừng nhớ quê xưa?
Mai em đi gầy gò thân lữ thứ
Tiễn đưa em có lá rụng ven sông
Em đi rồi ai làm thơ chị đọc
Suốt một đời chị làm bến trông mong
Dăm ba người thân bỏ đi trăm ngả
Mùa thu nào cũng vàng lá chia ly
Chị ngồi lại bên bờ thương nhớ cũ
Giọt nước mắt nào thầm đưa tiễn người đi
Mai em đi vui với khung trời rộng
Đem tim lòng hòa điệu với đại dương
Hát vỡ cổ những khúc tình ca biếc
Hãy yêu người như chị đã yêu em…
Người thứ 2 tôi muốn nhắc đến là anh Lê Bá Lăng. Nhà anh ở chợ Vỹ Dạ. Quen nhau cũng nhờ đọc báo cọp ở nhà sách đối diện chợ Vỹ Dạ. Nơi này tôi còn gặp và quen cả Viêm Tịnh, Võ Công Liêm. Nhà sách này là của bố hai anh ấy (vừa là tiệm vàng vừa nhà sách)... Anh Lăng là nhà giáo rất nghiêm túc nhưng tâm hồn thì rất phóng khoáng. Nhà anh là chỗ trú cho anh em văn nghệ mà tôi là “ủy viên thường trực” ngủ nhờ… Tôi còn nhớ Hồ Minh Dũng (em rể của anh), Lê Khắc Cầm, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Hoài Thư. Hồi ấy có thanh niên nào lớn lên mà không trăn trở về Quê Hương, Đất Nước khi không bình yên nhỉ?
Kỷ niệm khó quên nhất là có một đêm Trần Hoài Thư từ Quy Nhơn về thăm rồi ngủ lại. Sau khi nhâm nhi cà phê, nhắc chuyện văn nghệ, 3 anh em (LBL, THT và tôi) cùng viết bài gửi cho tạp chí Văn ở SG. Và cả 3 đều được Văn giới thiệu trang trọng. Mẹ và anh Lê Bá Lăng rất thương tôi. Suýt là em rể anh ấy. Điều tôi không tin mà đã chứng nghiệm. Có lần tôi rủ L, em gái anh Lăng lên chùa Thiên Mụ … và sau đó thì chia xa biền biệt!
Anh LBL không chỉ làm thơ mà còn viết truyện nữa. Truyện thì không thể trích ra đây nên tôi post một bài thơ của anh:
LÊ BÁ LĂNG
NUÔI
bây giờ ta nuôi tình yêu em bằng nỗi nhớ
nỗi nhớ đã khiến ta nhắc tên em nhiều lần
mỗi ngày mỗi đêm
mỗi khi ăn cơm
mỗi lần uống nước
mỗi khi cầm súng đứng canh
mỗi khi nằm ngủ dưới hào
mỗi lần soi gương
mỗi khi muỗi cắn
bây giờ ta nuôi ước vọng ta bằng mồ hôi
mồ hôi đã làm mỏi tay ta
đã làm sạm mặt ta
đã giết chết thơ ta
đã làm hôi hám ta
bây giờ ta nuôi căm thù cho quê hương ta bằng nước mắt
nước mắt đã khiến ta phiền muộn
đã làm ta đau thương
nước mắt đã làm cho ta khóc bạn bè
khóc mẹ cha
khóc nhà tan cửa nát
và bây giờ ta chỉ còn biết nuôi tình yêu em bằng nỗi nhớ
nuôi ước vọng ta bằng mồ hôi
và nuôi căm thù cho quê hương ta bằng nước mắt.
Sau anh Lê Bá Lăng, tôi không thể không nhắc đến anh LƯƠNG VIẾT KHIÊM. Cũng là một nhà giáo nhưng sống hết mình. Cháy hết mình khác nào que diêm sinh chờ ngún, mà tôi và bạn bè hay đùa là M.113.
Anh học giỏi và là người đi dạy rất sớm. Khi tôi đang còn mài đũng quần ở trường Nguyễn Tri Phương thì anh đã là giáo sinh vào thực tập ở đây. Một buổi thực lớp đệ ngũ A 2 anh hỏi: Ở đây có em nào viết trên tạp chí Văn lấy bút hiệu là Trần Dzạ Lữ? (Tôi đoán không lầm là anh hỏi báo chí)Tôi rụt rè giơ tay. Anh bước đến bắt tay và giới thiệu với cả lớp: Em này làm thơ hay đấy. Từ buổi thực tập tôi và anh có những giao tình cũng rất hay. Nhà ba mẹ anh ở Vân Dương nhưng anh có một căn phòng riêng ở sát bờ Đập Đá. Tôi cũng thường hay lui tới. Hồi ấy nghe đâu anh cũng đã có một nhóm văn nghệ với nhà văn Trần Duy Phiên. Tôi cũng có một mối tình không may với LTTB, em gái của anh. Thơ anh cũng như người anh đầy triết lý hiện sinh. Anh khoái J.P Satre là thế. Tôi thích những bài 4 câu của anh ý tại ngôn ngoại:
Người thì làm thơ thật
Ta thì làm thơ chơi
Mượn tạm trang giấy trắng
Cho thơ có chỗi ngồi (Bài Tự Bạch)
Hay:
Ta thả tình ta xuống biển em
Mênh mông sóng nước biết đâu tìm
Cuối nẻo trần gian sông biển cạn
Ta vớt tình lên đâu thấy em (Bài Thả Tình)
Hoặc:
Dừng ngay từ dấu hỏi
Vì không thể trả lời
Đã đánh mất tiếng nói
Tôi gật đầu với tôi (Bài Độc Thoại)
Tôi thích tính cách của anh. Nhân hậu và bao dung. Vì thế anh rất nhiều bạn.
Một người tôi muốn nhắc đến là VÕ QUÊ. Bạn ở Quảng Trị song gốc gác là làng Chuồn - An Truyền (Vào Huế học). Cũng tham gia vào tờ Mây Ngàn. Thơ bạn ấy đầy lửa đấu tranh. Lúc giao tình bạn hay nhắc về nhà thơ Ngô Kha (bạn mê anh Ngô Kha thì đúng hơn). Chúng tôi hay ngồi cà phê Lạc Sơn. Có khi gặp cả anh Ngô Kha (anh cũng rủ tôi tham gia tranh đấu). Tôi cười cười bảo là thích thuần túy văn nghệ thôi. Võ Quê có chí hướng riêng. Tôi vẫn tôn trọng bạn. Và thích bài thơ:
THỪA PHỦ ƠI, LÒNG TA HỒNG BIỂN LỬA!
khi mùa đông rớt xuống vai người
chiếc lá vàng khô chết hồn vui
lòng em có đau ơi người tù thiếu nữ
manh áo nâu bùn em
nép mình đằng sau cánh cửa
những cánh cửa chua ngoa
giam hãm bóng chim hiền
giọt nước mắt em rưng rức từng đêm
ta biết em đang vo thành lửa bỏng
ngày em đến đây
ngờ nghệch vô cùng
tội tình gì
một sáng ven sông
lũ chúng bạo hành em
lưỡi lê ghìm đầu súng
mẹ rên xiết gào lên uất hận
con tôi! tội nghiệp con tôi
Hai ơi con đã đi rồi
vườn hoang cỏ cháy mẹ ngồi khóc con
từ đó không còn bay áo mỏng
trên quê hương hào khí ngất Trường Sơn
trong khám lạnh lòng càng cao căm phẫn
em lớn khôn theo chí căm hờn
em đang mơ ngày bứt xiềng bạo lực
đời hồn nhiên hoa bướm thong dong
sau cánh cửa nhà giam nụ cười thơm giấy mực
tiếng hát em về réo rắt giòng sông
ơi người tù thiếu nữ trưa nay
đang quét lá khô rơi trên vỉa hè Lê Lợi
hồn em đau trong từng nhát chổi lạnh lùng
ta biết lòng em đang rực hồng biển lửa
chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên
Chí Hòa Tân Hiệp Côn Sơn
cuồng phong Thừa Phủ cuốn tan ngục tù
mắt em sáng nắng mùa thu
tình long lanh ý ngọc

em đang mơ ngày bạo quyền ngã gục
xác chúng phơi trên ngưỡng cửa đề lao
kiêu hùng tóc biếc bay cao
em tung nón rách
em gào tự do!
ngày mai trên những chuyến đò
có cô con gái học trò sang sông
áo bay thơm má em hồng
cờ vươn cao ngọn gió
Thừa Phủ ơi! Thừa Phủ ơi!
Lòng ta hồng biển lửa!
Và có một chàng trai gốc Quảng Nam khiến tôi khó quên, đó là Tần Hoài Dạ Vũ. Thập niên 60 anh về Huế học Quốc Học. Đệ Tam là anh đã có thơ đăng trên các tạp chí ở SG. Đặc biệt là thơ tình. Lúc này mà giọng điệu thơ anh như vậy là rất mới và thi cảm đầy hồn vía. Tôi rất thích. Huể nhỏ nên đi lui đi tới rồi cũng quen nhau. Tôi thích nhất là 2 bài DI NGÔNHẸN VỀ VỚI HUẾ.
THƠ TẦN HOÀI DẠ VŨ
DI NGÔN
Rồi anh sẽ gối đầu lên giấc mộng
ngủ quên đời trong giường mộ bình yên
em hãy khuấy hai tay làm biển động
che giùm anh tiếng đại bác vang rền
Xin em hãy liệm anh bằng tiếng hát
đắp mặt anh bằng mái tóc em buồn
cho anh quên những xác người tan nát
những kẽm gai còn rào kín tâm hồn
Em có nhớ, thắp hương bằng nước mắt
ngọt vô cùng anh sẽ uống no say
để anh quên chuyện trần gian đói khát
chén cơm đen muối mặn nuốt qua ngày
Và em hãy viết thư bằng cổ tích
đừng nhắc chuyện quê hương chinh chiến hận thù
anh sẽ tưởng hồn anh không xiềng xích
bay tìm em dù gió cát, sương mù
Anh sẽ dựng nhà với chân tay làm cột
giăng mùng cỏ xanh ngồi đợi em về
hai chúng mình sẽ bắt đầu hạnh phúc
tủi nhục này rồi con cháu quên đi!
1965
HẸN VỀ VỚI HUẾ
Em có sầu thương không hở em
xa nhau rồi mắt có buồn thêm
tên anh có viết đầy trang vở
có gọi thầm nhau trong những đêm?
Trời chắc còn sương trong tóc em
nắng vàng hanh đẫm nét môi mềm
hương cau còn thoảng trong vườn vắng
áo lụa em còn phơi trước sân?
Và những chiều mưa em có trông
khi hoàng hôn rụng kín con đường
bàn tay lạnh những ngày xa cách
còn biết tay nào tay nhớ thương?
Anh sẽ về một sáng mùa thu
sông Hương còn trắng những sương mù
áo em trắng nhịp cầu thương nhớ
bóng ngã lòng anh câu hát ru
Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh
chở trăng Gia Hội vào Nội thành
soi nghiêng mái tóc thề Tôn nữ
thiếp giữa một vùng hương mỏng manh
Tần Hoài Dạ Vũ
Bài thơ này chắc nhiều cô Đồng Khánh chép tay lắm. Tình bạn khiến tôi cảm động. Sau năm 1975 tôi là người sa cơ. Lúc này anh là hiệu trưởng trường Thành Nội Huế. Gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng…Tình nghĩa hay không lúc gian nan, thất thế… chứ không phải lúc giàu sang.
Cùng thời gian này, trái tim của tôi lại ngã vào tình yêu với người con gái áo xanh trường Kiểu Mẫu tên L. Nàng có đôi mắt ướt lạ lùng như thơ của Tuệ Sỹ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Nàng quen tôi qua một người bạn học của tôi ở gần nhà Nàng. Nàng nói thấy tôi giống ông thầy dạy văn chi lạ! Mới học đệ ngũ nên cách yêu thương cũng trong sáng. Thư tình tôi nhờ người bạn chuyển. Nàng cũng vậy. Tội nghiệp nhất là khi viết thư tình cho tôi, nàng phải viết trong mùng lúc đi ngủ, phải dùng cây đèn pin. Ông già phát hiện là xong om…
Ở quê, nhà nghèo làm gì có xe đạp mà đi. Có lần hẹn Nàng tôi phải mượn chiếc Velo Solex của Hiền Bản (Hồi ấy có xe này là oai ra phết) để chở nàng lên chùa Thiên Mụ ngắm sim tím. Gặp nhau trò chuyện nhưng chỉ dám cầm tay. Tay cầm tay. Tôi thì bối rối. L đỏ bừng hai má. Ngắm sim rồi đi về mà chưa biết nụ hôn đầu là gì. Thảm quá! Cuộc tình ấy đúng là chưa có nụ hôn đầu thì phải chia tay nhau khi Ông già Nàng phát hiện lá thư tình chưa kịp gửi. Nàng bị đòn roi 3 ngày không ăn uống. Nàng phải chấp nhận một trong hai điều: Một là ra khỏi nhà. Hai là chia tay tôi và học hành đàng hoàng… Dĩ nhiên là nàng phải chấp nhận điều thứ 2. Tôi quay quắt như điên khi phải chấp nhận thế. Đấy là lần đầu tiên thực sự tôi biết thất tình…như thế nào.
Huế. Huế là chiếc nôi nuôi tôi, ru tôi lớn lên. Tôi có thể nào quên? Nơi đây công ơn dưỡng dục của Cha Mẹ mãi mãi khó phai mờ. Mẹ tần tảo bán buôn. Cha tôi làm công chức để lo cho 7 anh em tôi. Lúc chưa hiểu ra, Cha rất xem thường. Nhưng cụ Thượng (Thượng Thư) nói Cha tôi mới biết tôi làm thơ. Từ đó ông thương tôi hơn. Nhưng rồi Cha mẹ cũng đột ngột qua đời để lại khoảng trống vô cùng lớn lao trong lòng tôi. Từ đấy tự mình bươn bả vào đời…
PHẦN 2 - Ở HUẾ
Trước khi kết thúc phần viết ở Huế, còn một số bạn bè lảng vảng trong hồi ức nữa. Đó là Nguyễn Duy Kông, Trần Uyên Từ, Võ Công Danh Ngọc…
NGUYỄN DUY CÔNG cũng tham gia vào thi văn đoàn Mây Ngàn. Hồi ấy anh học lớp với anh tôi. Cũng làm thơ (và sau này anh nghiêng về Nhiếp Ảnh) ở An Cựu. Phải nói hồi ấy anh chính là công tử nhưng chuyện gì cũng gánh vác thay bạn bè được. Nhờ năng nổ vậy (mà sau này ) gặp lại anh tôi không ngạc nhiên. Đời sống nằm trong hai chữ Thành Công.
Sau 75 tôi không còn là tôi bởi chìm xuống tận đất đen, anh vẫn là bạn chân tình theo tôi từng bước một. Nhớ nhất là ở chợ Trần Hữu Trang anh nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Khi cùng cực bạn vẫn giữ được mình. Đó là điều quý hóa mà có tay văn nghệ nào làm được? “ và anh nhắc thơ Nguyễn Bính:
… Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười…
Những câu thơ này cũng chính là lời động viên cực tốt với tôi bởi cụ Nguyễn Du đã phán:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới dự phần thanh cao…
Và anh vẫn mãi mãi là bạn hiền. Tôi chộp được tấm ảnh anh chụp nì:
Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Duy Kông và một người bạn
TRẦN UYÊN TỪ còn có tên là Phan Thị Diễm. Bạn làm thơ rất chi là dễ thương. Xuất hiện trên Tiểu thuyết Tuần san. Bạn ở Nam Giao. Cũng hay liên lạc với tôi vì bạn cũng cộng tác với Mây Ngàn. Tiếc là bạn chết quá trẻ khi đang độ sáng tác sung sức.
Rồi anh Võ Công Danh Ngọc này, tôi quen là hay đọc báo cọp ở nhà anh. Đây cũng là một công tử nữa. Nói chuyện và thuyết phục mãi anh mới gửi bài cho báo chí lấy tên là Viêm Tịnh. Không mấy chốc anh đã có tên trong Ban Biên Tập của tờ Văn Học. Sau 75 tôi về Huế, vợ chồng anh cũng giúp đỡ phần nào đời sống. Nhất là chị Nga (chị ruột của Viêm Tịnh) coi tôi như đứa em ruột. Ngày tháng khó khăn ấy tôi không bao giờ quên ơn chị.
Thơ VIÊM TỊNH cũng đầy thao thức và triết lý:
ĐÊM 30 Ở ĐỒI THIÊN AN
Đêm bỗng nhiên lững lơ một nỗi nhớ
những tiếng thầm thì
thổi ngọn lá thông reo
bên triền đồi mược mà sương giá Thiên An
chập chờn những gọi mời mộng ảo
Em không để lại gì hơn bước đi rộn rã
nụ hôn tuyệt vời
đêm đang sâu
đêm ba mươi choáng ngợp qua mỗi gốc thông già
em quấn quýt mười ngón tay
hồng nhuận
Và thế thôi, khởi từ nhúm lửa nhỏ
cháy bùng lên óng ánh một làn da
soi bóng em, hằn vết nỗi đoạn đời
trần gian ơi,
điều không thể thả rơi vào quên lãng
Với chiếc que diêm
đốt vội điếu thuốc
sao mà,
lại,
phải sang xuân rồi.
Viêm Tịnh
Cùng thời gian này .trái tim của tôi lại ngã vào tình yêu với người con gái áo xanh trường Kiểu Mẫu tên L. Nàng có đôi mắt ướt lạ lùng như thơ của Tuệ Sỹ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Nàng quen tôi qua một người bạn học của tôi ở gần nhà Nàng. Nàng nói thấy tôi giống ông thầy dạy văn chi lạ! Mới học đệ ngũ nên cách yêu thương cũng trong sáng. Thư tình tôi nhờ người bạn chuyển. Nàng cũng vậy. Tội nghiệp nhất là khi viết thư tình cho tôi nàng phải viết trong mùng lúc đi ngủ, phải dùng cây đèn pin. Ông già phát hiện là xong om…
Ở quê, nhà nghèo làm gì có xe đạp mà đi. Có lần hẹn Nàng tôi phải mượn chiếc Velo Solex của Hiền Bản (Hồi ấy có xe này là oai ra phết) để chở nàng lên chùa Thiên Mụ ngắm sim tím. Gặp nhau trò chuyện nhưng chỉ dám cầm tay. Tay cầm tay. Tôi thì bối rối. L đỏ bừng hai má. Ngắm sim rồi đi về mà chưa biết nụ hôn đầu là gì. Thảm quá! Cuộc tình ấy đúng là chưa có nụ hôn đầu thì phải chia tay nhau khi Ông già Nàng phát hiện lá thư tình chưa kịp gửi. Nàng bị đòn roi 3 ngày không ăn uống. Nàng phải chấp nhận một trong hai điều: Một là ra khỏi nhà. Hai là chia tay tôi và học hành đàng hoàng… Dĩ nhiên là nàng phải chấp nhận điều thứ 2. Tôi quay quắt như điên khi phải chấp nhận thế. Đấy là lần đầu tiên thực sự tôi biết thất tình… như thế nào.
Huế. Huế là chiếc nôi nuôi tôi, ru tôi lớn lên. Tôi có thể nào quên? Nơi đây công ơn dưỡng dục của Cha Mẹ mãi mãi khó phai mờ. Mẹ tần tảo bán buôn. Cha tôi làm công chức để lo cho 7 anh em tôi. Lúc chưa hiểu ra, Cha rất xem thường. Nhưng cụ Thượng (Thượng Thư) nói Cha tôi mới biết tôi làm thơ. Từ đó ông thương tôi hơn.Nhưng rồi Cha mẹ cũng đột ngột qua đời để lại khoảng trống vô cùng lớn lao trong lòng tôi. Từ đấy tự mình bươn bả vào đời…
PHẦN 3 - Ở ĐÀ NẴNG
Năm 1968 tôi bỏ học vào ĐN để trốn lính… Ở nhà người cậu được một thời gian rồi cũng bị bắt đưa vào TTHL Hòa Cầm. Số gặp may được quý nhân giúp đỡ tôi trở thành lính cậu mà không phải ra mặt trận. Vô cùng cảm ơn Trời Phật.
Những ngày tháng ở Đà Nẵng từ 1968 đến 1973 là những xâu chuỗi kỷ niệm tràn đầy tôi mang vào hồn đăm đắm. Ở đấy tôi gặp gỡ các bạn bè như những đốm lửa kết nối thân thương: Trường Thi (đã có bài viết riêng về anh), Đynh Trầm Ca, Hoàng Đặng, Hồ Đắc Ngọc, Đoàn Huy Giao, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Vũ Hữu Định, Trần Thị Loan, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Hạ Quốc Huy, Lý Văn Chương, Phạm Thị Lộc, Lê Thị Ngọc Quý, Vô Ưu, Cao Bá Minh, Nguyễn Tam Phù Sa, Nguyễn Gia Hữu, Phạm Phú Hải, Trần Trung Sáng…và sau này là Nguyễn Ngọc Hạnh, Gia Nguyễn, Nguyễn Duy Ninh, Vũ Ngọc Giao, Lê Công Đào…
Một thời đáng nhớ vì tình bạn trong văn nghệ chân tình, không ganh ghét đố kỵ nhau. Những quán cà phê ở ĐN là nơi để anh em hẹn hò đọc thơ, hát nhạc cho nhau nghe..Từ đó khơi nguồn, thúc giục nhau trong sáng tác. Đặc biệt là Vũ Hữu Định, luôn kêu tôi về ngủ lại với anh trong căn nhà nhỏ ở chợ Cồn. Nhà nghèo nhưng anh và vợ anh (chị Vân) rất tốt bụng. Khi nào tôi về chị Vân cũng đi ngủ riêng để tôi và VHĐ nằm trò chuyện, đọc thơ, hát nhạc… một chút mà đến sáng! Trước đó VHĐ viết cũng nhiều lấy tên là Hàn Phong Lệ. Anh khoe với tôi bài thơ Còn Một Chút gì Để Nhớ viết ở tận Pleiku. Tôi đọc xong vỗ đét một cái. Hay. Rất Hay. Chưa ai viết về Pleiku hay như thế. Vậy là tôi xúi anh gửi bài cho các tạp chí và động viên anh vào SG gặp nhạc sĩ Phạm Duy.
Sau đó anh giang hồ và vào gặp Phạm Duy thật. Ông ta khóai chí nên phổ bài thơ. Từ đó tên tuổi anh bắt đầu nổi…
THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Bài thơ được phù thủy âm nhạc Phạm Duy chắp thêm cánh cho thơ bay lên cao cùng âm nhạc. Rất nhiều người nghe, thuộc và hát. Vậy mà có một dạo trên FB, có người tự nhận mình là tác giả bài thơ trên. Tôi đã lên tiếng thì người đó lặn mất tăm.Buồn cười thật!
Tôi mừng cho anh. Từ đó anh cũng “đi bụi” nhiều hơn. Để chị Vân gánh vác hết mọi chuyện. Thấy tình cảnh chị tôi thật se lòng. Càng ”đi bụi“ thơ anh càng hay và sâu sắc hơn nữa. ăm 1981 anh qua đời trong một bữa rượu tại nhà em trai anh. Tôi chẳng hay. Sau này Lữ Thượng Thọ vào SG gặp tôi mới hay. Thọ nói với tôi là trước khi chết VHĐ có làm 2 bài thơ thật cảm động. Đó là một bài thơ viết cho vợ và một bài viết cho tôi. Thọ đưa bản thảo chép tay cho tôi. Tôi đọc mà lòng rưng rưng nỗi nhớ thương bạn. Bạn qua đời. Con cái lớn lên làm ăn khấm khá. Chị Vân được hưởng an nhàn.Tôi mừng vì gần hết đời người chị khổ vì chồng vì con mà chẳng bao giờ buông ra một câu than thở…
Người thứ 2 ở Đà Nẵng tôi nói đến là ĐYNH TRẦM CA (tên thật là Mạc Phụ). Anh ở con phố nhỏ là Vĩnh Điện. Gặp nhau anh hay rủ tôi vào chơi. Cuối tuần đến hẹn lại lên. Con phố buồn hiu. Hồi ấy chưa có đèn điện. Đêm xuống anh giăng mùng xong là ôm đàn hát cho tôi nghe từ nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn rồi nhạc anh sáng tác. Anh sớm nổi tiếng bởi bài hát RU CON TÌNH CŨ qua giọng hát của Lệ Thu. Nghe anh hát tôi se lòng không chịu nổi bởi nỗi buồn cứ quấn chặc lấy trái tim không buông tha:
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau
ĐK:
Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người có trách gì không?
Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh ...
(Nhạc và lời Đynh Trầm Ca)
Đynh Trầm Ca sống chân tình và hết lòng vì bè bạn. Sau năm 75 anh lưu lạc phương Nam và lấy một người con gái Cần Thơ nhỏ hơn anh cả con giáp. Anh vẫn âm thầm sáng tác cả nhạc cả thơ. Cuối cùng vợ chồng anh cũng quay về Vĩnh Điện mở quán cà phê làm kế sinh nhai… Nhiều năm rồi tôi chưa gặp. Lúc có dịp tôi ra đó anh lại đi Cần Thơ. Nhưng thế nào rồi tôi cũng sẽ gặp.
Người thứ 3 tôi muốn nhắc đến là ĐOÀN HUY GIAO. Một người làm thơ đầy trăn trở về phận người. Thơ anh viết một cách rất riêng. Tính cách cũng rất lạ nhưng là người có trái tim nhân hậu. Chúng tôi quen biết nhau ở tòa soạn tuần báo Thời mới ở ĐN do anh Nguyễn Hương Nhân làm chủ bút. Đoàn Huy Giao biên tập bài vở. Ở đây tôi cũng quen luôn anh Thiếu Khanh, Ngy Xuân Sơn (Phạm Sĩ Sáu). Sau năm 1975 anh làm cho đài truyền hình. Hết làm việc anh cất công lên tận Tây Nguyên tìm tòi những dấu tích văn hóa …và xây dựng được một Bảo Tàng bên núi Sơn Trà. Một kỳ công thầm lặng nhưng đáng bái phục.
Một chuyện nhỏ song tôi cũng khó quên. Số là sau năm 1975, tôi đem vợ về quê ở Ngọc Anh làm ruộng. Tuy làm ruộng mà vẫn thiếu gạo ăn vì tôi được giao ruộng “đốt lóng’ tức là ruộng xấu nhất. Thu nhập không bao nhiêu thì phải đóng cho Hợp tác Xã. Một ngày nọ vợ chồng tôi đang ở ngoài ruộng thì có người báo tin là có hai người vào nhà nhà chờ. Tôi tất tả chạy vào. Ngó quanh quất chẳng thấy ai. Một chặp Đoàn Huy Giao và Vũ Hữu Định tung mền dậy cười ngặt nghẻo. Để tạo bất ngờ hai bạn vào giường ngủ của vợ chồng tôi nằm. Nhà thiếu gạo ăn, trống huơ nên đâu sợ trộm mà đóng cửa? Thấy bạn mừng muốn chết! Hai bạn đưa ra một bao cát gạo khoảng 10 ký tặng tôi. Hồi đó còn ngăn sông cấm chợ, không biết bằng cách nào mà Giao mang gạo ra Huế được cũng là chuyện lạ!.
Hình ảnh tôi và họa sĩ Duy Ninh Nguyen
PHẦN 4 - Ở ĐÀ NẴNG
Cặp kè với Đoàn Huy Giao là HỒ ĐẮC NGỌC.
Anh này thật đúng là quái kiệt. Bất cứ nơi đâu, làm gì miệng anh luôn lẩm bẩm QUỐCTẾ (ý nói mình là cỡ quốc tế). Tôi và Ngọc quen nhau qua Đoàn Huy Giao. Lúc này anh đã nổi tiếng trên tạp chí Văn qua hình minh họa bìa bằng bút sắt. Anh cũng trốn lính, vào ở một ngôi chùa gần phi trường. Tôi tới chơi với anh thì gặp một người nữ rất Huế tên Loan (sau này mới biết là tình nhân của nhau) ăn nói dịu ngọt và duyên dáng lạ kỳ. Có lần Loan đến, tôi đang ngồi chơi thì Ngọc xua đuổi tôi ”Mi về đi. Mi về đi…” Thế là tôi biết mình phải như thế nào rồi. Loan yêu da diết Ngọc có lẽ từ bức tranh anh triễn lãm ở Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ.
Bức sơn dầu anh vẽ thiếu nữ áo vàng đẹp mê hồn. Anh không bán mà để dành tặng cho Loan thì phải. Mối tình giữa chàng họa sĩ và cô giáo gốc Cầu Hai đẹp như cổ tích. Sau 75 cô ấy đưa Ngọc qua Mỹ. Một thời gian nghe đâu hai người chia tay. Vẫn còn biết tin Trần Thị Loan nhưng Hồ Đắc Ngọc thì biệt vô âm tín. Không biết anh chàng “quốc tế“ ấy bây giờ ra sao? Cứ mỗi lần xem lại hình bìa bút sắt tôi lại mường tượng ra bạn: Một con người thật kỳ lạ!
Viết về Hồ Đắc Ngọc mà không nói đến Trần Thị Loan là một thiếu sót bởi vì Loan chính là “hậu phương lớn“ của bạn mình. Cô người Cầu Hai, Nước Ngọt. Môt cô giáo thông minh và bản lĩnh lạ thường. Rất nhan sắc về hai khía cạnh: Thân xác và tâm hồn. Vì yêu Ngọc mà hi sinh tất cả. Qua ngày tháng cưu mang Ngọc ở Đà Nẵng cô ấy không biết bằng cách nào mà dắt Ngọc qua thấu Mỹ. Được một thời gian vì Ngọc lúc nào cũng “quốc tế” nên họ chia tay nhau.
Sau đó Loan sống với Phạm Công Thiện. Họ có một đứa con riêng rồi cũng ok bye tác giả Ngày Sinh Của Rắn này. Một mình đơn thân nuôi con ăn học thành tài và cháu ấy đã thành luật sư. Lần lượt Loan đưa cả gia đình gần 20 người ở VN quá xứ Cờ Hoa. Mấy năm trước Loan có về VN gặp cả Hoàng Đặng và tôi. Nghe cô ấy nói là làm trong một công ty hàng không của Mỹ. Tôi thật bái phục.
Người thứ 4 là VÔ ƯU. Vô ưu xuất hiện trên Bách Khoa với những truyện ngắn hay và lạ. Là cây bút trẻ của Đà Nẵng hồi đó. Do yêu thích văn chương mà tôi và Vô Ưu quen biết nhau. Vô Ưu học cùng lớp với Lê Thị Ngọc Quý. Là hai hoa khôi của trường Phan Chu Trinh. Từ đó chúng tôi luôn trao đổi với nhau mọi vấn đề, nhất là vấn đề thanh niên trước thời cuộc. Cùng có chung suy nghĩ để cùng sáng tác. Như là anh em thân thiết nên chẳng bao giờ che giấu nhau điều gì. Năm 1973 tôi vào SG. Dần dà Vô Ưu cũng vào SG học đại học. Sợi dây liên hệ vẫn được kết nối. Năm 1974 sắp giải ngũ tôi về phụ giúp lo tờ Văn Học cùng anh chị Phan Kim Thịnh và Lê Vĩnh Thọ. Sang năm 1975, số Văn Học đang in nửa chừng giới thiệu Vô Ưu với bạn đọc thì biến cố xảy ra. Thật tiếc là tờ báo in chưa xong để thấy cái tâm của tạp chí Văn Học và bài giới thiệu của tôi về Vô Ưu. Bẵng đi một thời gian vì kế sinh nhai tôi không còn gặp được Vô Ưu.
Đến năm 1995, khi xuất bản tập thơ đầu tay Hát Dạo Bên Trời tôi đến báo Tuổi Trẻ kiếm Vô Ưu để tặng. Không gặp, tôi đành gửi lại cho tòa soạn. Hôm sau đọc báo Tuổi Trẻ số 106/95 ra ngày 9. 9. 1995 trang Văn Hóa Nghệ Thuật thấy bài của Vô Ưu (Ngô Thị Kim Cúc) với tựa VỚI THƠ ANH KHÔNG LỖI HẸN. Tôi đọc liền một mạch và rưng rưng cảm động vì tình anh em ngày cũ vẫn chứa chan. Bài viết thật hay và sâu sắc. Chỉ có là người thấu hiểu tôi mới viết được như thế. Sau này do công việc của mỗi người không gặp được nhau nhưng vẫn biết tin và thăm hỏi nhau qua mạng FB. Cô vẫn là một Vô Ưu tài hoa và một Ngô Thị Kim Cúc có những bài viết trên báo mà bạn đọc ưa thích. Tôi mừng vì từ ấy đến giờ Vô Ưu vẫn là chính mình.
Người kế tiếp tôi muốn nói đến là LÝ VĂN CHƯƠNG. Chương và Phạm Thị Lộc là cặp bài trùng trong phong trào du ca ở Đà Nẵng mà hai người đầu đàn là anh Trần Đình Quân và Tôn Thất Lan. Không có buổi nào Lý văn Chương và Phạm Thị lộc hát mà thiếu tôi. Là một người trẻ tuổi say mê ca nhạc đến lạ kỳ. Chính niềm say mê đó đã khiến Chương sáng tác lúc chưa bước chân vào đại học. Lúc đó Chương phổ thơ tôi rồi. Hai bài mà tôi thích là Tình Ca Ngày Về và Đưa Người Đi (do Ẩn Lan - Phạm Thị Lộc hát) Sau này qua Mỹ Chương phổ thơ tôi thêm mấy bài. Nhưng tôi ưa nhất là bài Đêm Mưa Nghe Tiếng Đàn Bầu. Gần 30 năm xa quê hương. Có dạo Chương về thăm VN đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Gặp bạn bè, người thân cũ Chương vui quá nên uống suốt ngày dù đang bệnh tiểu đường. Khi về Mỹ, Chương qua đời ở tuổi trên 40. Tương lai của Chương khép lại thiên thu. Nếu còn sống chắc Chương còn làm được nhiều việc và sáng tác nhạc sẽ thăng hoa.
Nói đến Lý Văn Chương là phải nhắc đến Phạm Thị Lộc bởi hai người này như hình với bóng từa tựa như nhạc Trịnh Công Sơn phải có Khánh Ly hát vậy. Lộc gốc An Cựu nhưng
theo gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Khi Chương đi rồi cô tiếp tục học lấy cử nhân thanh nhạc để làm việc ở nhà văn hóa. Và đêm đêm, cô vẫn cất tiếng hát như con chim họa mi phải hót giữa trời xanh. Có lần về ĐN, gặp nhau kể chuyện xưa nay không ngớt. Cô cũng phổ thơ tôi mấy bài như Gửi Người Xa Huế, Gửi Người Năm Cũ. Lúc gặp nhau Phạm Thị Lộc đã tròm trèm 50. Vậy mà tiếng hát của cô còn trầm ấm và truyền cảm lạ lùng. Nếu người nghe mà không thấy dung nhan sẽ nghĩ cô còn rất thanh xuân trời ạ!
Một chuyện rất tức cười khi nhắc đến cô cháu Vũ Ngọc Dao (con gái của Đoàn Huy Giao) xinh đẹp và cá tính. Là vậy: Hơn 3 năm trước, nghĩa là năm 2013 tôi có trang cá nhân FB. Người kết bạn với tôi cũng ngót nghét cả ngàn. Qua thời gian, tôi sàng lọc bớt vì thích những cmt văn chương chứ không thích đùa cợt… Trong số người đó có Vũ Ngọc Dao xin kết bạn mà tôi không Ok. Mấy tháng sau qua tin nhắn chat cô bé kêu tôi chảnh và khai là con gái của bố ĐHG. Tôi sửng người và nói với Giao: “Sao cháu không nói cho chú biết? Nếu nói sớm là chú ok cái rột". Cô bé cười nói là để chú bất ngờ chơi ” Chú biết không, lúc còn nhỏ xíu bố Giao đã kể về chú và đọc thơ cho cháu nghe rồi (cũng có thể từ lúc còn trong bụng mẹ!).
Cuối năm 2013 tôi và cháu thỉnh thoảng trò chuyện qua FB hoặc điện thoại. Cháu động viên tôi: Cháu biết thím mất mấy năm rồi. Chú nên kiếm một người để hủ hỉ vì người xưa nói: "Con chăm cha không bằng bà chăm ông“ con hiểu điều này nên muốn bố tục huyền cho đỡ hiu quạnh. Giao thấu đáo khi nói vậy với tôi. Nhưng tôi nói với cháu là con gái chú không được như cháu. Vả lại chú quen hiu quạnh rồi. Khi tôi gặp người tri kỷ báo cho Giao hay cháu rất mừng. Năm 2015 tôi và tri kỷ của tôi về ĐN có hẹn gặp cháu Vũ Ngọc Giao. Cuộc gặp gỡ thật thú vị, sau cà phê Giao đãi tôi bữa bún chả cá Đà Nẵng ngon nhớ đời. Cô bé này trên FB rất cá tính. Hay đưa hình tự chụp mình rất nghệ thuật. Có những bài viết về bố mẹ cảm động. Cô bé thường trích thơ Nguyễn Đình Toàn. Chắc cô ấy quý tác giả này nhất (bởi chính tôi cũng thích thơ của anh ấy). Cũng có lúc tôi điện thoại để nhờ cháu “Gỡ rối tơ lòng” thay thế bà Tùng Long cơ đấy!
PHẦN 5 - Ở ĐÀ NẴNG
Viết đến đây sực nhớ họa sĩ HOÀNG ĐẶNG. Anh là người gốc Huế “thiên di” vào Đà Nẳng sống và vẽ. Họa sĩ không gặp thời thì sống được là may. Tôi quen Hoàng Đặng qua Hồ Đắc Ngọc. Anh không bươn chải như người khác nhưng sống cũng “phiêu“ tận cùng.  Khi vẽ đam mê bừng cháy. Lúc nhậu cũng tận sáng. Giao du cũng nhiều. Anh có một xưởng vẽ bên Sơn Trà. Năm 2015 tôi về ngủ lại. Thế là chuyện đời, chuyện văn nghệ huyên thuyên. Tuy lận đận nhưng anh cũng có hai cuộc triển lãm tranh ở nước ngoài. Một lần ở Ireland mà báo Thanh Niên ngày 19. 8. 2006 giới thiệu: ”Để được cầm cọ vẽ, suốt 35 năm Hoàng Đặng lầm lũi làm đủ thứ công việc; thợ hồ, phụ lò bánh mì, dạy kèm, vẽ Pa-nô Xi-nê…Từng phải vào chùa trốn lính để thỏa mãn một đam mê duy nhất trong đời là hội họa. Đó là chuyện đời, chuyện nghề của họa sĩ Hoàng Đặng, hội viên hội Mỹ Thuật Việt nam. Những ngày này, Hoàng Đặng đang ở Ireland, có lẽ anh là người đầu tiên được mời đến để vẽ và triển lãm tranh tại xứ sở hoa hồng” Và báo Đà Nẵng cuối tuần ra ngày 25. 10. 2009 chạy tít: TRIỂN LÃM TRANH CỦA HỌA SĨ HOÀNG ĐẶNG TẠI MỸ. Với chủ đề “Phong Cảnh và Đời Sống VN“ từ ngày 18. 10. 2009, họa sĩ Hoàng Đặng đã lên đường sang Hoa Kỳ cùng 30 bức tranh với chất liệu sơn dầu và Acrylic để khai mạc cuộc triển lãm theo lời mời của 2 trường đại học St Benedict, St John. Sự thành công của anh cũng có cái giá của nó: Vượt qua gian nan đời sống và đốt hết đem mê của tâm hồn trên ngọn thời gian…
Khi nhắc nhở bạn bè ngoài Hồ Đắc Ngọc, anh thường nói đến Đỗ Toàn. Một nhà điêu khắc đáng quý với cái tâm mà trong giới văn nghệ gọi là Bồ Tát (cùng thời với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng - một người rất nổi tiếng và sống đầy chất nghệ sĩ). Khi vào SG, thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm bạn. Vẫn sống và làm việc không ngừng và cũng chẳng quên rong chơi.
Trái lại, họa sĩ NGUYỄN DUY NINH mỗi ngày một đẹp ra và sống hạnh phúc với vợ con đầm ấm. Anh có những cuộc triển lãm thành công. Tạp chí Sông Hương đã viết về anh:
Họa sĩ Duy Ninh là một trong những gương mặt điển hình, thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975. Suốt nhiều năm qua, Duy Ninh đã có những đóng góp sáng tạo không mệt mỏi, qua nhiều thể loại: sơn dầu, lụa, khắc gỗ… Thế nhưng, đến hiện nay, nhắc đến họa sĩ Duy Ninh, dường như nhiều người nghĩ ngay cái tên anh gắn liền với thể loại thủ ấn họa (monoprint). Bởi đây cũng chính là thể loại mà anh tâm đắc nhất, như có lần anh từng bộc bạch: "Với thể loại này, người nghệ sĩ có thể bày tỏ trên tranh những suy nghĩ sâu kín nhất, hoặc cũng có thể là những ý tưởng bất chợt. Cái hay của thể loại này là sự ngẫu nhiên mà người xem cảm nhận được lại chính là điều tác giả đã sắp xếp trước”. Với Duy Ninh, hẳn lĩnh vực này là một trò chơi lý thú của người khéo tay, vừa là tâm huyết của một họa sĩ trên con đường tìm kiếm tiếng nói của riêng mình. Tranh của anh thường thể hiện qua nhiều đề tài dàn trải phong phú, từ cụ thể đến trừu tượng, bằng các chất liệu màu dầu, sơn ta, phấn tiên, thuốc nước… trên giấy trắng, giấy dó. Có thể nói, mọi ưu thế phóng túng trong việc sử dụng chất liệu cho thủ ấn họa đã được Duy Ninh khai thác một cách triệt để và hiệu quả.
Năm 1991, Duy Ninh có cuộc Triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên Duy Ninh đã đem đến với công chúng một cái nhìn khá đầy đủ về nghệ thuật Thủ ấn họa của mình. Với 51 tác phẩm mang nặng những nội dung suy niệm sâu lắng về những thân phận, những mảnh đời giữa trần gian đầy bất trắc…đã khiến đông đảo người thưởng ngoạn và giới chuyên môn đánh giá cao. Cũng chính dịp này, chương trình nghệ thuật Đông dương (Indochina Art Project) của Hoa Kỳ, do David Thomas đại diện, đã chọn của Duy Ninh 7 tranh (trong tổng số 45 tranh được chọn tại Việt Nam) để trưng bày tại cuộc triển lãm chủ đề Two peoples - One land (Hai dân tộc - Một miền đất) ở Mỹ vào năm 1992…
Tính tình Nguyễn Duy Ninh lại hiền hòa dễ mến. Trước 75 là khóa khăn xanh Thủ Đức. Tôi khóa khăn tím (khóa huynh trưởng). Hồi ấy học thì ít mà chơi thì nhiều. Buổi chiều gần chạng vạng là Tôi, Nguyễn Duy Ninh, Lê Công Đào, Nguyễn Minh Nữu thường kéo nhau lên đồi Tăng Nhơn Phú hát nhạc, đọc thơ cho nhau nghe.
Năm 2015 tôi về thăm. Nguyễn Duy Ninh hú gọi bạn bè. Thế là các bạn Lê Công Đào, Hoàng Đặng, Trần Trung Sáng “e” tôi mấy bữa, cà phê, nhậu khắp Đà Nẵng. Bây giờ khi nghe ai nói về ĐN lại nhớ…
Đang viết tự nhiên nhớ đến HOÀNG ĐĂNG NHUẬN. Một người không học trường lớp nào về Mỹ Thuật lại rất nổi tiếng như sóng lừng do lòng đam mê hội họa ngời ngời. Trước 75 tôi hay lên chơi chỗ họa sĩ Lê Văn Tài ở đường Trần Hưng Đạo, Huế. Gặp và quen Hoàng Đăng Nhuận từ đó. Sau năm 1968 anh vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Nhưng nghiệp hội họa vẫn là chính. Anh có mấy xưởng vẽ nhưng một xưởng vẽ ở Thanh Bồ là ấn tượng với tôi nhất. Lâu lâu anh rủ tôi về đó ngủ lại. Hoàng Đăng Nhuận như một kiếm sĩ trên khung vải và màu. Anh miệt mài không kể giờ giấc đêm ngày. Khu biển có rừng cây và gió hú ở Thanh Bồ có lúc khiến tôi rợn người. Nhưng với anh là bất sá và hiện hình cung cách của một đạo sĩ. Cũng chính nổ lực nội tại cộng thêm thiên phú anh đã bước vào vườn địa đàng của hội họa
HỌA SĨ HOÀNG ĐĂNG NHUẬN: GIẤC MƠ TRÀN NGẬP SẮC MÀU
Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 10. 10. 2015 có giới thiệu như sau:
Nhiều người sinh ra trong khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX nói Hoàng Đăng Nhuận vì mê vẽ tranh mà bỏ nghề thợ vàng, lang thang theo người bạn họa sĩ là Lê Văn Tài để học vẽ từ cuối thập niên 60.
Câu chuyện Hoàng Đăng Nhuận trở thành họa sĩ nổi tiếng cũng có nhiều ẩn khuất được truyền miệng từ các thế hệ cùng thời ông. Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận xét: “Mê thế giới của giá vẽ và màu sắc, nên thời còn rất trẻ, trước năm 1968, Nhuận rời gia đình và sống trong cảnh phiêu lãng với họa sĩ Lê Văn Tài ở Huế, rồi khi Lê Văn Tài trở thành người lính của Mặt trận Giải phóng, đi lên rừng, rồi đi ra miền Bắc, thì Hoàng Đăng Nhuận đã trở thành họa sĩ lúc nào mà cũng chẳng hay. Tự học vẽ, không vào trường Mỹ thuật, vậy mà bước đầu triển lãm thì lại bày tranh với hai họa sĩ rất danh tiếng thời bấy giờ là Đinh Cường và Rừng”.
Tranh của anh triển lãm nhiều nơi và được Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam sưu tập.
Sau năm nhiều năm giang hồ, Hoàng Đăng Nhuận cũng đã quay về Huế để sống và vẽ.
Cơn tai biến đã khiến anh ngưng vẽ mấy năm. Nghe đâu bây giờ anh đã dần phục hồi sức khỏe và cầm cọ trở lại. Năm 2015 tôi về Huế có ghé thăm. Lúc ấy anh nằm trên giường mừng vui khi thấy lại bạn cũ nhưng đọc trong mắt anh tôi biết anh rất buồn… khi phải tạm ngưng cuộc hôn phối với hội họa.
Thêm một người hiện rõ trong hồi ức tôi: Anh LUÂN HOÁN. Từ thập niên 60 anh đã nổi tiếng và là một người mà tạp chí Văn Học luôn quan tâm. Hai tập thơ của anh được nhà xuất bản Văn Học SaiGon ấn hành năm 1964. Tôi quen biết anh từ năm 1970. Một cây bút tài hoa của đất Quảng. Trần Trung Thuần đã viết về anh như sau:
Luân Hoán là một người làm thơ có tiếng tăm, điều này ai cũng công nhận - từ thập niên 60 Thế Kỷ 20, các báo miền Nam Việt Nam đều thường xuyên đăng thơ Luân Hoán, anh cũng có nhiều tập thơ xuất bản đàng hoàng ở tuổi khi còn rất trẻ. Luân Hoán nổi tiếng nhờ tài làm thơ mau, hay…và xuất chúng. Anh là người sinh trưởng ở đất Quảng Nam, nơi có nhiều người làm thơ nổi danh nhất Việt Nam mình, cả hai miền Nam - Bắc, nhưng anh là người làm thơ sung sức và trường thọ. Nào Vũ Hữu Định, Hoàng Trúc Ly, Tạ Ký, Bùi Giáng…đều đã chết, họ làm thơ một thời với Luân Hoan đấy thôi. Sau Luân Hoán không bao lâu thì có Hoàng Lộc, Thành Tôn, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Lương Vỵ, Hồ Thành Đức, Thái Tú Hạp, Ý Nga, Bích Xuân…Những người này hay lắm về thơ, tức về “chất lượng”, nhưng “số lượng” thơ thì tùy theo thời tiết, tức không bình thường, nay trồi, mai sụt, nay tăng, mai giảm, tùy hứng mà có thơ! Bền bỉ thi gan cùng tuế nguyệt thì duy nhất Luân Hoán. Anh vốn không “bình thường” về thể chất, chỉ còn một chân, một chân gửi trên chiến trường Quảng Ngãi năm 1969, mà anh làm thơ “bá cháy” và không bài thơ nào của anh bị gọi là “thơ sượng” hay “thơ gượng”. Anh em đọc thơ Luân Hoán đều tấm tắc: “cha này còn ngon”, và ngon thật…ở cái tuổi hết chừng mực rồi, Luân Hoán vẫn có thơ cho…nữ sinh Huế ngày xưa! Luân Hoán… như một người bình thường, làm tròn bổn phận đối với đất nước, với bạn bè (trai và gái), với vợ, với con, với thân thuộc còn ở quê nhà… Tôi không thấy trong thơ Luân Hoán lời ai oán nào, lời than van nào, thơ anh đượm tình và đậm tình…Quả thật xưa nay hiếm vậy!
Đến năm 1973 tôi vào SG thì không còn gặp anh nữa. Năm 1985 anh được gia đình bảo lãnh qua CANADA. Trước khi đi anh có ghé thăm tôi. Hai anh em chở nhau lên Lái Thiêu thăm nhà thơ Lê Vĩnh Thọ. Khi qua xứ người, dù mất một bàn chân trái nhưng anh vẫn làm việc cật lực và đã xuất bản thêm nhiều tập thơ nữa. Nhớ và thương anh. Nhất là khi đọc được bài thơ viết cho vợ có những khổ thơ khiến tôi giật mình:
GIẶT ÁO QUẦN CHO VỢ
Trộn chút tình ta vào bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau
trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan
vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta
em có thấy giọt lệ ta thầm nhỏ
và tan trên màu vải những thiết tha?
đời không giữ giùm ta hai chân đứng
có lẽ nào vô dụng mãi hay sao
giặt giũ làm thơ đọc vài trang báo
hai mươi bốn giờ thường trực chiêm bao
Luân Hoán
Dù ở nơi đâu, chân trời góc bể nào mà cái CHÂN - THIỆN - MỸ ta lấy làm đầu cho văn chương thì đó là ĐẠO vậy…
PHẦN 6 - Ở ĐÀ NẴNG
Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của tôi nên cũng nhiều bạn bè. Nhớ không hết. Thôi thì nhớ ai nói nấy. (chỉ những người có thân tình với tôi)
NHÀ THƠ THÀNH TÔN, TÁC GIẢ THẮP TÌNH
Anh nổi tiếng từ khi đăng thơ trên Bách Khoa, trên Văn và khi xuất bản tập thơ Thắp Tình (1969). Sang Mỹ năm 1996, Thành Tôn vẫn thủy chung với văn chương chữ nghĩa, mặc dầu không làm thơ như xưa nữa.
Tập thơ Thắp Tình ra đời cũng đã tạo tiếng vang. Từ văn nghệ chúng tôi tìm gặp nhau khoảng thập niên 70. Anh cùng thời với Luân Hoán. Giọng điệu thơ lục bát của anh nhẹ tênh mà lại ấm áp vô cùng. Thỉnh thoảng anh về SG tôi cũng có gặp. Qua Mỹ, tiếc là anh lớn tuổi nên không vào mạng được. Liên hệ bạn bè qua thư tay là chính. Nhà thơ Du Tử Lê có những cảm nhận về thơ lục bát của anh:
“Với tôi, những vần lục bát của Thành Tôn trước hay sau thời điểm THẮP TÌNH 1969 vẫn là chiếc bóng hiu quạnh nhưng chứa chan đôn hậu. Dịu dàng thương yêu. Chúng như một thứ nhân thân khác của thi sĩ. Do đấy, ở Thành Tôn tôi không nghĩ, có một khác biệt hay đối lập, tách bạch nào giữa chiếc bóng thi ca và nhân thân tác giả. Thành Tôn và chiếc bóng (chữ nghĩa) của ông là một. Người này là “thuộc tính“ là “bản lai diện mục” của kẻ kia. Tôi cho đây là một điều đáng kể và cũng rất đáng quý vì nó nói lên phần nào đó cái nhân cách mà tôi muốn gọi là nhân cách thi ca của một thi sĩ“
THƠ THÀNH TÔN
RANH GIỚI

Vui riêng, cười lẻ, khóc thầm
đời sao sống vậy hồi âm cõi nào
vô ra nhạt bóng lao đao
co thân thủ thế trông vào những đâu

nhện buồn chỉ đó canh thâu
lưới chăng hồn dựng mắt sầu nhặt thưa
tôi lui chân lạc tay thừa
mẹ cha cũng vậy nên chưa hiểu giùm
xuống lên trời tận đất cùng
anh em ngày một muôn trùng cách xa
máu hồng mạch sẻ lần qua
bàn chân vỉa phố một ta kẻ chờ
dây dưa chắp nẻo ơ thờ
ngọn đèn chứng giám cũng mờ bóng quen
sống không tiếng động thân hèn
lại qua cũng vậy chi bằng thu thân
đi, về bóng lạ bàn chân
dòng sông nghiệp dĩ tiếp dần biển khơi
quanh co nghĩ rộng đất trời
cái tôi hiện hữu một thời vong nô
khép dần cánh cửa hư vô
thân chưa nhập thế cơ hồ cách xa…
Thành Tôn
NHÀ THƠ HOÀNG LỘC
Tôi quen anh qua Đynh Trầm Ca. Thời ấy, anh em văn nghệ rất chí tình với nhau. Biết tên nhau trên báo chí là đã coi như thân thiết lâu năm rồi. Anh ở Hội An. Thường hay rủ tôi và Trường Thi vào chơi. Có khi anh tổ chức đọc thơ ở trường Trần Quý Cáp. Phố cổ Hội An và các em gái ở đó rất quen bóng dáng chàng thi sĩ này. Dù không thân thiết như Đynh Trầm Ca nhưng anh cũng đã để lại dấu ấn trong tôi với những bài thơ tình rất Hoàng Lộc:
TÌNH SAU TÌNH TRƯỚC
em chê ta quá nhiều tình trước
nên e dè không dám nhận tình sau
bài thơ lớn, nếu cần, em đọc suốt
ngập ngừng chi dòng cuối với câu đầu?
đời thơ ta, đời tình ta - lổn nhổn
có cái hay ho, lắm cái chẳng ra gì
biết chừng đâu em là câu thứ bốn
để huy hoàng tứ tuyệt buổi Đường Thi
lớp con gái thời ta xưa hết sạch
mỗi hoa nhường là mỗi biển dâu xanh
khi em đến thơm dòng dòng cổ lục
bên hiên trăng ta quá đỗi nòi tình
em, sách quý - thư phòng ta để bụng
rằng mai kia một nọ chắc em vào
tình như gươm ta chỉ cần chém trúng
thì lần đầu lần cuối khác chi nhau?
Và bài thơ viết về vợ có những khổ thơ cảm động:
THƠ VIẾT CHO VỢ NHÀ
trong thơ xưa ai gánh gạo đưa chồng
hay vẫn chỉ là em nỉ non tiếng khóc
hay vẫn chỉ là em bốn mùa khổ nhọc
hồn vọng phu đã lội mấy sông đời?
anh xưa kia vì chút mộng bên trời
mê bắt bóng, khuây cái sầu tan hợp
giữa cõi phù vân đôi lần em chết ngộp
mới hay chiều cố xứ có em trông
người trong thơ xưa lặn lội bờ sông
hay vẫn chỉ là em, cái cò tội nghiệp?
anh lận đận trong đời do số kiếp
như em tin người tướng sĩ năm nào
ai bảo tim hồng ý biếc ơn nhau
không, ơn của chỉ riêng em trong thời anh mạt vận
chiếc nhẫn cưới bán theo ngày túng quẩn
em thương chồng nên nợ với thi thơ
trong lòng anh, em đứng với người xưa
em hơn hẳn cả người xưa - đã chắc
anh bình sinh chuộng những điều không thật
hạnh phúc thì rất thật giữa tay em
của vợ công chồng nói mãi nghe quen
để lắm lúc anh vô cùng xấu hổ
những thua thiệt riêng em, người vợ khổ
khi trăm dâu trút xuống một đầu tằm…
Anh qua Mỹ vẫn tiếp tục sáng tác. Và những tập thơ khai sinh. Nghe đâu anh sẽ in những tập thơ mới ở quê nhà. Chúc mừng anh.
NGUYỄN TAM PHÙ SA
Từ năm 1970 tôi và Nguyễn Tam Phù Sa đã có duyên văn nghệ khi cùng ở một đơn vị lính cậu. Hồi ấy anh cũng rất thân với Đynh Trầm Ca, Hoàng Lộc… Nhà tuy không khá chi nhưng chị Ân rất chu đáo với chồng con và bè bạn văn nghệ. Quan niệm của anh là ”Chơi trớt“ và dĩ nhiên là anh say thơ nhạc nào khác gì tôi. Không có buổi hát nhạc, đọc thơ nào ở Đà Nẵng mà anh thiếu mặt. Cả những buổi đọc thơ ở trường Trần Quý Cáp Hội An. Tuy chưa thành danh sớm nhưng anh có những tiềm ẩn thi ca mà tôi thấy được. Năm 1972 Nhà xuất Bản Da Vàng Đà Nẵng đã ấn hành cho anh tập thơ đầu tay: MƯA SƯƠNG TRONG VƯỜN TÌNH CŨ. Sau 75 cũng như những bạn bè cùng thời. Anh vô SG sinh sống. Có lúc cũng phải đạp xích lô và làm những công việc lao lực. Rồi anh và gia đình cũng đi qua được với thời gian. Sau này tôi ít gặp anh, song thơ thì tôi vẫn đọc của anh. Có những bài thơ đầy cảm xúc và thơ sau này sâu sắc và khéo dụng ngữ:
TIẾNG KIÊU THẦM
Sao ba không về với mẹ ba ơi!
gần gũi thế mà xa xôi quá vậy
giàn mướp trắng lỡ thời không kết trái
cau đúng mùa mấy vụ chẳng ra hoa
mẹ neo đời trên bến sông xa
ngày tháng lợp tình cao như ngọn núi
chữ trăm năm chạm trầm chưa đủ tuổi
để đời con đứt rễ giạt xa nguồn
đêm chập chờn nghe tiếng vạc kêu sương
quanh chiếu gối chạm chỗ nào cũng ướt
lòng mẹ lòng con ai biết được
tiếng kêu thầm trêu cợt cõi nhân sinh
ba ở nơi nào, sao ba mãi lặng thinh!
con nhớ lắm khát thèm vòng tay mở
con ước được nhận nơi ba một phần hơi thở
một chút thương yêu vừa đủ ấm bờ môi
bao nhiêu năm mẹ lạc giọng phía bìa trời
dang tay đứng che đời con côi cút
có phải ba mẹ nợ đời nhau từ kiếp trước
tạc lại hình con run rẩy trái tim người.
Nguyễn Tam Phù Sa
Hay một bài lục bát thật dễ thương:
LỤC BÁT CUỐI NĂM
Cuối năm ngồi quán một mình.
Rượu vừa đủ nướng trái tình giắt lưng
Say buồn lòng bỗng rưng rưng
Em xưa giờ hóa người dưng mất rồi
Mưa pha rượu níu thơ ngồi
Nhìn đâu cũng cụng đất trời đìu hiu
Hạn tình cháy phía sau Kiều
Anh không đủ sức cõng chiều qua đêm
Phố người nguồn cội đênh đênh
Tết về đâu, biết về đâu bây giờ?
Nguyễn Tam Phù Sa
PHẦN 7 - Ở ĐÀ NẴNG
Nói đến Nguyễn Tam Phù Sa tôi liên tưởng đến HÀ NGUYÊN DŨNG. Anh cũng là một trong số nhiều người làm văn nghệ lao đao và bệnh tật. Tôi nghĩ kiếp thi nhân Trời sinh ra để lưu đày ở cõi nhân sinh bởi có được mấy ai cất lên lời hạnh phúc? Nhưng họ vẫn làm kiếp tằm nhã tơ cho đời. Vẫn yêu người yêu đời như nhà văn Đức đã kêu lên: “Dù khổ đau quằn quại tôi vẫn yêu trần gian điên dại này.“ Sau 75 Hà Nguyên Dũng vào SàiGòn sinh sống... có lúc phải đẩy xe mì đi bán cùng vợ để lo cho con. Anh có một đứa con trai khuyết tật, đó là gánh nặng trên vai. Tuy vậy, anh cũng lần theo dòng chảy của thi ca để bày tỏ nỗi niềm mình… khi cho ra mắt bạn đọc tập thơ Quê Tình. Điều đặc biệt là anh đã đoạt giải nhất về thơ của bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay… Trong thơ anh luôn nhắc đến địa danh Hà Mật thân yêu của mình. Anh Hà Khánh Quân đã viết những giòng sau về Hà Nguyên Dũng:
Mỗi một cá nhân, dù trong thành phần xã hội nào, đa số cũng có những chuyến ra đi, dừng lại rồi trở về. Cuộc mưu sinh là một dòng chảy tự nhiên. Những người sinh hoạt văn học nghệ thuật, hình như có phần sinh động hơn, trong những chuyển dịch theo cuộc sống. Điều đáng quý ở họ, là sự trải lòng theo những bước chân thăng trầm của mình. Những lần ra đi bất luận dài, ngắn tính theo không gian, thời gian, đều trở thành những chuyến giang hồ thú vị, nếu chúng ta biết ươm trên bước đường những kỷ niệm buồn vui. Kỷ niệm không hình dạng, không màu sắc. Nhưng có cội rễ tiềm ẩn, và có sức sống mãnh liệt, trong tim người gieo trồng. Sự hiện diện của kỷ niệm, thường được bắt gặp rõ nét trong âm nhạc và văn chương. Thi ca có lợi thế bởi tính chất cô đọng, nên kỷ niệm thường trở nên trong sáng, thân thiết. Đọc thơ Hà Nguyên Dũng, là cơ hội có thể gặp lại những kỷ niệm của mình. Hơn thế nữa, có thể vay mượn kỷ niệm của nhà thơ, để hình dung, để nhìn ra một địa danh, một hoàn cảnh mình chưa được mục kích, trải nghiệm.
Hà Nguyên Dũng, người Quảng Nam, tên ông là Nguyễn Dũng, được sinh ra năm 1946, tại Hà Mật. Đơn vị hành chánh cấp xã này, còn được gọi, hoặc nằm trong con đất mang cái tên mộc mạc Gò Nổi, thuộc huyện Điện Bàn. Một huyện gồm mười chín xã và thị trấn Vĩnh Điện.
Và những bài thơ nói về vùng đất anh sinh ra:
Qua đò một chuyến đi mười năm
nay mới đáo về quê cũ thăm
gió tạnh, lòng rung làm động bóng
bèn hỏi, thân mười năm trước chăng?
mười năm trở lại đâu tìm ra

bạn xưa như những đám mây xa
em xưa chẳng khác vầng trăng mấy
lặn mọc khuyết tròn khuất cõi ta
mười năm trở lại ra sông ngồi
trông đò ngang lại ngắm đò xuôi
đò về mấy chuyến khoang đầy gió
đành bụm nước sông mà thấm môi
mười năm trở lại nom thấy bóng
trong lòng giếng cổ một mình ta
nhặt viên sỏi bể ta toan ném
cành khế rùng mình chiếc lá sa
mười năm trở lại buồn như khói
ngun ngút trong lòng mí mắt cay
thương đất quê nhà pha cát sỏi
hạt cơm phải cõng lát khoai dày!
(Mười Năm Trở Lại - Quê Tình)
Đời thêm một cuộc chia tay ngậm ngùi!
Xin chào Đà Nẵng - sông Hàn
tôi như bèo giạt theo ngàn sóng đau
có trầu mà chẳng có cau
thêm vôi cũng lạt, gặp nhau cũng rồi
Cùng trong một cõi pha phôi
hang sâu núi cả tình tôi chưa tàn
đò em buộc bến sông Hàn
dẫu tôi đứng gọi đến ngàn năm không
Lấy thơ mà gói nỗi lòng
trèo lên lưng sóng mặc giòng sông đưa
đường dài và nắng và mưa
co ro trong nỗi tình xưa buốt đời
Khuất nhau mấy chục năm trời
và bao nhiêu cuộc luân hồi nữa đây
ơi em lỡ chuyến đò nầy
đời thêm một cuộc chia tay ngậm ngùi!
Hà Nguyên Dũng
Và bài thơ được giải nhất của Hà Nguyên Dũng:
HOA ỔI
Mảnh vườn xưa như một mảnh lòng
Có giếng nước, cội mai và lùm cỏ...
Có những nắng, những mưa và những gió
Ấm lạnh buồn vui theo những tháng ngày...

Xưa em thường lén mẹ chạy qua đây
Vịn cành hái một vài hoa ổi trắng
Làm rơi xuống áo em vài vạt nắng
Con ong bay tha chút mật ngon lành
Giếng nước tròn như một vầng trăng thanh
Trong văng vắt ngọt ngào và mát rượi
Hai chiếc bóng kề bên nhau in ở dưới
Ngó nhau cười trong mắt bóng nhau in...
Theo ngày mưa, ngày nắng em lớn lên
Em theo ghe xuôi về trường tỉnh học
Anh gửi lòng theo từng con đò dọc
Về trường em những nhớ, mộng mơ thầm
Mỗi năm em về quê một vài lần
Mùa mai nở, mùa ve kêu ra rả
Trái ổi chín nằm nép bên cuống lá
Ở trên cao, em sợ - bảo, đừng trèo
Anh cầm sào nhón gót, nhướng cổ khèo
Trái ổi rớt, dập bầm - trầy trụa
Bốn bàn tay thọc vô gầu nước rửa
Cánh môi em thơm ngọt ổi quê nhà...
Vườn quê xưa... là mảnh vườn đã xa
Mẹ cứ trách hai ta đi biền biệt
Anh trở lại vườn quê ngày giáp tết
Trái ổi tròn mà mộng ước không tròn
Mẹ bảo em giờ lận đận chồng con
Anh lỡ dỡ mộng đời không kết trái
Hoa ổi trắng như tấm lòng thơ dại
Chút hương xưa giờ chắc nhiễm hương đời...
Hà Nguyên Dũng
Những năm sau này anh bị bệnh tim hoành hành. Và bây giờ ở nhà quẩn quanh chẳng đi đâu được nữa. Tay run, mắt mờ, anh không còn lên computer nên rất buồn…
PHAN THANH CƯƠNG VÀ NHỮNG BÀI THƠ LAY DỘNG…
Rời mắt Hà Nguyên Dũng tôi lại chạm vào thơ của một người đau đáu quê hương. Đó là Phan Thanh Cương. Cương xuất hiện nhiều trên trang Hương Xưa và sớm được bạn đọc yêu thích. Trong thơ Cương hình ảnh con đèo là nỗi ám ảnh khôn nguôi:
THƠ PHAN THANH CƯƠNG
ĐÈO LE 1
Anh ở bên này, em ở bên kia,
Đèo Le chia thương nhớ hai nơi.
Thương bên này anh nhìn lên núi,
Nhớ bên kia em ngước trông đèo.
Em thấy trước mặt trời buổi sáng,
Anh bên này chờ đợi sương tan.
Thung lũng sớm còn trong giá lạnh,
Đổi sương mai anh được nắng vàng.
Đèo Le ngăn bên kia - bên này,
Nếu là chim anh dang cánh bay.
Chim nối trời chân ta nối đất,
Đất nối trời, đèo cao vươn mây.
Nắng lên trước ngực nắng sau lưng,
Mồ hôi thành giọt nắng xuân rơi.
Em cứ lấy bước chân mình đo được nắng,
Nắng theo nhau, ngày tháng, nắng song đôi.
Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau.
Suối Nước Mát dựa vào khe đá,
Mà chảy xuôi tươi mát, miệt mài.
Lên đỉnh đèo ta ngồi trông bao la,
Em có thấy đôi mình như bé lại?
Phút ngập ngừng làm em trẻ mãi,
Đường quanh queo dường như không xa.
Nước Nóng bên này bên kia Nước Mát,
Ấm lạnh bình thường em tôi ơi!
Em nói ngày mai trời bão giông trên thác,
Anh có còn nói được “bình thường thôi”?
ĐÈO LE 2
“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi - đầu suối - những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.
Dốc qua đèo bên xuôi, bên ngược.
Giữa lưng đèo tình như xiêu nghiêng!
Nghiêng bên nào cũng rơi xuống vực,
Có ai cùng, anh vớt tình lên?
Em bên đông, anh ở bên tây,
Bão bên em tạt qua bên này.
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay...
Mưa trên quê ta nhiều lúc quá dư thừa,
Anh cũng cầm bằng như nắng thưa.
Hong lên tình ái nhiều mưa bão,
Cũng cầm bằng như không, như chưa...
ĐÈO LE 3
Em có chồng xa bỏ lại đèo,
Anh cũng xa nhà mang vợ theo.
Chồng em, vợ anh - nào ai thấy,
Một giải khăn mây vắc qua đèo.
Đèo quanh co, lòng người cũng vậy.
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này - hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo.
Nắng nhẹ hơn xưa, nhạt cỏ cây,
Đường hoa hời hợt nở hôm nay.
Mây cứ lôi đèo, trôi trôi mãi,
Nước Nóng chiều lên thở khói dài.
Lời em trả anh mời gió hứng,
Gió vật vờ trên chóp lá đầu cây.
Rượu em trả anh mời trăng uống,
Trăng là ngà, dường như trăng say.

Đường qua đèo, dốc lên, dốc xuống,
Em một đời, lúc ngược, lúc xuôi.
Xưa em đếm mình bao nhiêu bước?
Mà dạo hoài trong ký ức nhau…
Phan Thanh Cương
Cương có đến 6 bài thơ nói về con đèo quê hương và mối tình thời trai trẻ của mình: Dang dở…
Đọc 3 bài thơ trên tôi đã thấy se lòng đến khiếp. Hèn gì Hồ Dzếnh đã mượn thơ nói thay lòng mình: … "Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ. Cho ngàn xưa lơ lững với ngàn sau...”
Không dám đọc tiếp 3 bài thơ Đèo Le nữa của Cương. Tôi sỉa vào bài thơ lục bát của Cương với ý, tứ, từ rất mới:
TÓC EM
Tóc em những sợi dây đàn
Không âm mà vẫn tình tang với mình
Kéo từng sợi nắng lung linh
Vào đêm chải xuống, tóc mình hóa đêm
Ôm vai để lại vai mềm
Đưa tay nhau nối dài thêm sợi tình
Rủ anh làm bướm vờn xinh
Để anh mê mãi tìm mình xưa-sau
Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian
Tay em vuốt khẽ cung đàn
Ngân theo lời mẹ khẽ khàng ý cha
Đêm nằm gối sợi phong ba
Sáng ra tóc rối ngã ba duyên trần
Đường dài lệch lạc bước chân
Có cây bồ kết chết dần trong nhau
Nhớ xưa bóng ngã sông sâu
Nay ai còn đứng xem màu thời gian
Sài Gòn 3.11.2012
Phan Thanh Cương
Thảo nào bên HX có nhiều cô đăm đắm thơ của Phan Thanh Cương!
NGUYỄN TẤN LỰC
Phan Thanh Cương và Nguyễn Tấn Lực cùng thời với nhau nhưng thơ thì một bên là đêm. Một bên là ngày. Lực ở phía hừng đông vì thơ Lực nói về hạnh phúc nhiều hơn. Có lẽ Lực ít nhức nhối trong tình yêu và cuộc sống như Cương. Lực cũng xuất hiện trên trang Hương Xưa. Lực và Cương tôi xem như hai đứa em mà tôi hằng quý mến bởi sống chân tình. Thơ Lực vậy này:
MÙA ĐÔNG SÀI GÒN
Mùa đông Sài Gòn làm duyên con gái
Cái lạnh se se má đỏ môi hồng
Áo tím áo vàng rộn ràng xuống phố
Thành phố muôn màu chào đón mùa đông
Mùa đông Sài Gòn cùng em đi lễ
Vương Cung Thánh Đường rực rỡ đèn hoa
Giáng Sinh lại về tưng bừng khúc nhạc
Thiên thần hát vang mừng Chúa ra đời
Lất phất mưa bay nhòa trên tóc rối
Tay ấm trong tay dạo phố Sài Gòn
Vào quán Bạch Đằng nhìn người qua lại
Kem dâu kem dừa ngọt như môi hôn
Hồi chuông nửa đêm vang lên giục giã
Mình sánh vai nhau về phía giáo đường
Cùng quỳ bên nhau thì thầm khấn nguyện
Cầu xin duyên mình thắm mãi trăm năm
Nguyễn Tấn Lực
Trở Về Mỹ Khê
Tôi lại về Mỹ Khê
Vùng biển trời quen quen là lạ
Ai đem hoàng hôn giấu sau ngàn lá
Cho biển thay màu tím ngắt mênh mông
Chiều dần trôi tôi vẫn ngóng trông
Trông em đến cùng vui đùa trên cát
Cơn gió chiều nao tóc bay thơm ngát
Tôi hát bài tình ca thuở mười tám em tròn
Từ Sơn Trà đỉnh núi chon von
Tôi tìm em nhìn về bãi Rạng
Ngũ Hành Sơn bừng lên ngời sáng
Nhớ ngày đầu nói tiếng yêu em
Em xinh tươi với cánh môi mềm
Tình tôi bao nhiêu trao em tất cả
Gió động ngàn xanh rừng xao xác lá
Chiếc lá thu bay vào nỗi nhớ vô cùng …
Nguyễn Tấn Lực
Thơ chính là người. Anh chàng kỹ sư Cầu Đường này luôn biết gìn giữ hạnh phúc. Tôi rất vui cùng. Nếu ai cũng như cặp đôi này thì thế gian này đâu còn rụng tiếng than nơi cửa miệng đắng cay nhỉ?
PHẦN 8 - Ở ĐÀ NẴNG
PHẠM NGỌC LƯ, NHÀ THƠ, NHÀ VĂN
Khi viết những giòng này thì Phạm Ngọc Lư vẫn đang còn chống chọi với căn bệnh quái ác. Tôi cầu mong anh sớm hồi phục. Phạm Ngọc Lư học lớp với anh trai tôi ở Nguyễn Tri Phương rồi sau đó lên Quốc Học. Tôi bỏ Huế, xa Đà Nẵng không biết tin gì về anh. Sau một thời gian dài thì nghe bạn bè kể anh đã lấy xong cử nhân Hán học và dạy học ở Tuy Hòa. Ở một thành phố nhỏ đáng yêu ấy chắc thích hợp với anh. Hồi ở trung học anh cũng đã viết lách và có những sáng tác trên Bách Khoa, Văn… Nhưng cho đến thập niên 70 anh mới thực sự nổi tiếng và được nhiều người biết đến qua bài thơ Biên Cương Hành đăng trên tạp chí Văn. Sau năm 1975, từ Tuy Hòa anh trôi dạt về Long Khánh. Những năm tháng ở Long Khánh anh cũng vất vả đủ nghề… rồi đậu lại với nghề tạm để mưu sinh: Sửa giày dép. Thầy giáo, nhà thơ qua cơn hoạn nạn được mấy năm. Cuối cùng, anh trở về Đà Nẵng. Nơi dừng chân vĩnh viễn này anh có nhiều bạn bè để vui sống, trải nghiệm và viết. Theo tôi biết có lẽ thời gian dạy học ở Tuy Hòa anh viết nhiều nhất. Không chỉ làm thơ mà anh còn có những truyện ngắn hay đăng các báo và tạp chí. Năm 2015 tôi về Đà Nẵng mới gặp lại anh. Vậy là chuyện cũ, chuyện mới về con người và cuộc sống ràn rụa với nhau ở cà phê VÔ BIÊN bên Sơn Trà. Tôi cũng gặp lại Nguyễn Nhã Tiên, một bút lực tài hoa, không chỉ làm thơ, viết văn mà còn có những bài nghiên cứu công phu nữa.
Bài thơ Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư đã khiến tôi thảng thốt. Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên thì có những cảm nhận như sau:…
”Với tôi, Lư là người bạn thân thiết từ cuối thập niên 60 và chữ nghĩa của Lư là ‘người tình’ đích thực của tôi kể từ khi tôi đọc một loạt truyện ngắn của anh đăng trên Văn, Bách Khoa… Những nhân vật trong truyện đã mang không khí chiến tranh đi ngao du cùng trời cuối đất, khi thì dưới một mái trường quê, khi thì một làng ven biển, lúc thì một thị trấn nhỏ miền núi, bị cô lập như ‘đất trích’… Trong suốt thời gian nầy tôi chưa hề thấy anh làm thơ như những người cầm bút khác cùng thời."
"Mãi tới cuối năm 1972, tôi từ Sài Gòn về từ giã cha mẹ và các em để ‘xếp bút nghiên…’, buổi tối ngồi uống chén rượu lạt cùng với các bạn văn trước lúc chia tay, giữa chếnh choáng men say thế sự, giọng Lư hốt nhiên vang lên, nấc nghẹn:
“Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi rừng thăm thẳm nhiễu nhương…
“Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Ðá Vọng Phu mọc khắp biên cương…
“Ðây biên cương ghê thay biên cương
Tử khí bốc lên dày như sương…
(Biên Cương Hành)
Sáu mươi sáu câu thơ trong bài hành nghe sởn gai ốc, rờn rợn da gà, khắp người tựa hồ có hàng ngàn mũi kim nhức buốt thịt xương. Tôi ngạc nhiên đến thích thú. Và nó đã ám ảnh tôi 30 năm nay, có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay, nỗi ám ảnh ấy chắc sẽ còn ‘dày như sương’…”
Riêng tôi thêm những dòng lục bát sâu thẳm dắt người đọc đi qua cõi thi ca đầy thích thú:
THUYỀN QUYÊN
Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay...
Chờ nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang!
Chiều nao nhất kiến hồng nhan

Chiều nay xác bướm rơi vàng mộ hoa
Áo xưa mộng mị đôi tà
Thôi đành xếp lại Nam Kha gối đầu
Mơ gì phong các, vân lâu
Mà theo chim mộng tìm nhau cuối trời!
Đêm nay nước chở thuyền trôi
Thuyền quyên em chở tình tôi xuôi dòng?
Ngày mai lặng lẽ hư không
Còn chăng... đôi hạt bụi hồng... thơ bay!
Phạm Ngọc Lư
Hay bài:
NHỚ LÀNG
Dài đêm rả rích mưa suông
Bỗng đâu dăm tiếng ễnh ương dội về...
Làng quê? Phải tiếng làng quê
Ao khô hồ cạn não nề kêu mưa
Làng xưa? Ôi tiếng làng xưa!
Tiếng trong tiếng đục mấy mùa nước nôi
Lòng tôi? Bao tiếng lòng tôi!
Tiếng câm tiếng nghẹn một thời tang thương
Mấy mươi năm ở phố phường
Đêm nay nghe tiếng ễnh ương nhớ nhà
Nhớ làng vời vợi xót xa
Nhớ quê muôn dặm chắc là đang mưa
Thấm lòng bùn đọng nước chua
Ẽnh ương đâu biết... tôi vừa bật kêu
Phạm Ngọc Lư
NGUYỄN VĂN GIA (GIA NGUYỄN)
Lúc này tôi lại nhớ Gia Nguyễn, một người dạy học ở Quảng Nam tánh tình cương trực như anh chàng họ Lục (Lục Vân Tiên) giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha! Và là một nhà thơ khí phách, sâu lắng tâm hồn… Tôi và Gia biết nhau trước 75 qua văn nghệ và Gia cũng rất thân với chị tôi (Lê Thị Ái Niệm). Là người viết lặng thầm không ồn ào, đại ngôn. Tôi thích anh ở điểm này và năm 2015 về Đà Nẵng tôi đi kiếm anh. Gặp gỡ nhau và được biết thêm chị Gia cũng là người Huế chay. Một người phụ nữ giàu có tâm hồn nhưng rất mẫu mực. Điều này chính là hậu phương vững chắc để Gia tiếp tục cuộc hành trình qua thế gian. Để sống và viết…Nhà thơ, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca viết về Gia có những đoạn như sau:
“… Có lẽ thơ là con đường giải thoát của con người, không riêng cho anh, không riêng cho một người làm thơ nào.Thơ từng cứu rỗi con người. Nhà thơ Phùng Quán đã viết câu đó 'Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.' Có người khổ quá ngâm nga một điệu thơ buồn rồi lòng nhẹ tênh. Có người điên làm thơ mà tinh tấn. Có người vô vọng, muốn tự tử đọc bài thơ (Những Trận Chết - thơ Đynh Trầm Ca) đã không chết mà tìm được lối đi. Có người trẻ đọc thơ thấy mình lớn hơn. Có người già đọc thơ thấy mình trẻ lại. Và làm thơ, theo tôi có lẽ là con đường êm ái, nhiệm mầu hơn tất cả những con đường khác. Tôi không có ý bình luận gì về thơ Nguyễn Văn Gia. Tôi chỉ cảm một nỗi niềm. Một nỗi niềm rải rác trong từng bài thơ nho nhỏ của anh. Tôi thử xâu chuỗi lại chơi cho vui. Vậy thôi.”
Sau mọi cảm nhận chia sẻ với tác giả. Tôi đường hoàng và thích thú bước vào cõi thơ của Gia khi nhận tập thơ thứ 2 anh gửi tặng: LẶNG LẼ PHÙ SA xuất bản cuối năm 2015. Như cái tựa đề của tập thơ cũng đã nói thay tâm hồn tác giả. Lặng lẽ sống. Lặng Lẽ viết và thơ chính là phù sa bồi đắp để trái tim thăng hoa, lớn dậy giữa vô vàn u minh của kiếp người. Từ đó, người thơ chính là một kiếm sĩ nhận chân đâu là Thiện. Đâu là Ác. Và đâu là cái đẹp vĩnh hằng mà người cầm viết luôn hướng tới. Gia viết nhiều thể loại nhưng tôi thích hơn cả là những bài bài thơ ngắn 5 chữ. Chữ và nghĩa cô lại. Kết tinh như đường mật. Lời ít mà ý sâu.
Như bài thơ:
THUA
Thấy việc nghĩa không làm
Còn gì là hảo hán
Lục Vân Tiên khóc ròng
Trước súng đạn du côn
HAI MẶT
Dối trá và sợ hãi
Đã trở thành thói quen
Cái tôi đã thành cái
Hai mặt và phân thân
TIẾN SĨ
Thời Tam Nguyên Yên Đỗ
Tiến sĩ giấy cũng có
Sau cụ chừng trăm năm
Thứ đó nhiều như…cỏ
ĐỪNG MONG MIỄN PHÍ
Tự do chẳng phải sung
Mà nằm chờ trái rụng
Thứ quý nhất trên đời
Đừng mong ai biếu không.
HIỀN THÊ
Em thật như… không khí
Mà lắm lúc ta quên
Bỗng một hôm nhác thở
Mới tập tành ăn năn!
Sau thơ 5 chữ, tôi lượm được một bài thơ bốn chữ dễ thương chi lạ!
DAMOCLÈS 
Trên đầu lửng lơ
Gươm treo sợi tóc
Tội nghiệp câu thơ
Con chữ bật khóc.
Suốt cả tập thơ lưa thưa vài bài lục bát. Mắt tôi đậu lại ở bài thơ:
MÀU MÂY CŨ
Chị ra ngồi giữa chợ đời
Gánh hàng như gánh một trời thi thơ
Chị xưa tím Huế mộng mơ
Bất ngờ dâu bể bến bờ đổi thay
Chị từ thất lạc màu mây
Chong đèn ngồi tiếc mộng ngày xuân tan (*)
(*) Ý thơ Ái Niệm
Qua hai tập thơ đã xuất bản, với hồn, vốn sẵn có tôi tin Nguyễn Văn Gia sẽ còn tiếp tục những tập thơ sau lung linh hồn cốt và trí tuệ hơn nữa. Thơ đã là nghiệp dĩ thì ta khó thoát khỏi Nàng Thơ, phải không Gia? Thơ có người đam mê như một cứu cánh. Có kẻ nghĩ chỉ là cuộc chơi tao nhã để phủi bớt bụi hồng chốn trần gian. Có anh du bay theo thơ khác nào nhà ảo thuật. Có chị hát ra thi thơ cho nhẹ cõi lòng. Họ chuyển tải nỗi niềm qua mọi hình thức. Miễn sao người đọc đồng cảm, rung động đó chính là thơ
. Tôi chia sẻ với Nguyễn Văn Gia những cảm nghĩ ngăn ngắn này chỉ là tấm lòng đến với tấm lòng cùng đồng điệu…
Trần Dzạ Lữ
Phạm Ngọc Lư và bạn
PHẦN 9 - Ở ĐÀ NẴNG
THI SĨ TƯỜNG LINH, ĐAU ĐÁU NỖI NHỚ QUÊ NHÀ VÀ TÌNH YÊU
Từ thập niên 50 thơ ông đã xuất hiện trên báo chí thời ấy. Và bài thơ nổi tiếng được nhiều người biết và thuộc lòng, đó là bài thơ NHẮN HOÀNG THÀNH CÓ NGƯỜI TÔN NỮ. Đây chính là nỗi niềm của người con trai đất Quế Sơn của xứ Quảng với một nàng Tôn Nữ ở Hoàng Thành Huế khi trôi giạt vào tận Sài Thành, mà ca dao đã thường nhắc tới: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành…” Thập niên 60, khi bắt đầu mê văn chương và tập tành viết lách tôi đã yêu thích bài thơ đến cháy lòng. Đặc biệt là chị tôi (LTAN) diễn ngâm bài thơ này bằng giọng Huế thì không chê vào đâu được. Mỗi lần chị ngâm xong là hai chị em cùng rưng rưng. Chị nói: "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình - Có răng thì chị em mình cũng phải tìm gặp cho được thi sĩ, để tận mắt thấy tác giả bằng xương bằng thịt.” Tôi đồng ý với chị. Chỉ mấy câu mở đầu của bài thơ thôi là thấy cả một trời thương nhớ trong trái tim thi nhân nhiều cảm lụy:
Hôm qua có người quen về Huế
Đi trên chuyến tàu đêm
Ga buồn, mưa nặng
Anh nhớ về em nhưng không có gì gửi tặng
Còn rất nhiều sầu đâu nỡ gửi cho em. (TL)
Nhưng câu thơ khiến người đọc xốn xang bởi cái tình sâu nặng đến độ “không dám gửi sầu” cho em dù lòng tác giả nhớ nhung da diết…
Theo thời gian, mỗi người một hoàn cảnh sống. Chị tôi gánh sầu ra chợ… Tôi lâm lụy triền miên trong chiến tranh. Mấy mươi năm sau mới gặp được thi sĩ Tường Linh ở Sài Gòn - nơi đất lành chim đậu. Ông hiền hòa chơn chất trong “đối nhân xử thế” và cho dù vào SG năm 1954 ông vẫn không đổi giọng. Vẫn đáng yêu hai chữ ”tóa lọa “ quê mình. Trò chuyện với ông, ông hay nhắc đến anh em văn nghệ của xứ ngũ phụng tề phi, nơi sản sinh nhiều nhân tài và nhà thơ, nhà văn tài hoa, họa sĩ lừng lẫy. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm vợ chồng ông ở đường Đinh Bộ Lĩnh - Bình Thạnh. Hiền thê của ông cũng là một người phụ nữ đảm đang. Ông kể về người bạn thân thiết cùng quê là Phạm Doãn Hứa - cũng là một người làm thơ- luôn bên ông và sẵn sàng chia sẻ với ông mọi buồn vui trong đời, hiểu và thương ông như tình bạn Bá Nha, Tử Kỳ vậy. Trong câu chuyện ông cũng không quên nhắc Ái Niệm. Bởi sự đồng cảm thơ ca nên ông rất vui khi chị ấy ngâm bài thơ NHTCNTN ngày ông trở lại Đà Nẵng và cũng là lần gặp gỡ đầu tiên sau mấy mươi năm biết nhau trên thi đàn. Riêng tôi, năm 1995 khi sắp xuất bản tập thơ đầu tay HDBT ông đã sốt sắng viết lời bạt. Dạo sau này không có dịp gặp ông. Nghe bạn bè nói ông đã mổ cả 2 con mắt. Dù vậy, trước đó ông cũng đã in được Tuyển tập thơ Tường Linh. Mọi thứ rồi cũng chỉ là cát bụi, phù vân. Nhưng còn thơ lưu lại cho đời sau… Như thế cũng là một hạnh phúc rồi thi sĩ Tường Linh ạ!
Thơ ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà và tâm tư của người xa xứ.Không chỉ thơ, ông còn viết nhiều thể loại trên báo. Tôi vẫn thích Tường Linh thi sĩ với 2 bài thơ lay động người đọc nhiều nhất:
NHẮN HOÀNG THÀNH CÓ NGƯỜI TÔN NỮ
Hôm qua có người quen về Huế
đi chuyến tàu đêm
ga buồn, mưa nặng
anh nghĩ về em nhưng không gì gửi tặng
còn rất nhiều sầu đâu nỡ gửi cho em
Chừ còn gì đâu gửi ra Huế nữa
mất hết từ ngày đi
mất hết từ hôm bắt đầu nỗi nhớ
đường ra như có lắm biên thùy!
Vì biết sẽ buồn
nên ngày xưa anh không hứa hẹn
vì giông tố nên thuyền không cập bến
vì em là chim hót giữa hoàng thành
vì anh là mây trời còn luyến chiều xanh
Không cho gì nhau
mà chừ phải trả
hãy trả cho anh nghìn khuya sầu
nghìn lần tìm em trong mộng biếc đêm sâu
Anh trả lại em cả kinh thành mưa bụi
mưa mờ dáng trúc Kim Long
mưa rắc lệ cho Nam Giao buồn tủi
vườn Nguyễn Hoàng hoa chẳng nở chiều đông
Làm sao trả công em
mấy mùa phượng nở
mấy thuở phượng tàn
mấy độ hoa rơi khắp đường Thành Nội
tính tháng tính năm
xuân biếc, thu vàng...
Có đòi lắm cũng khó bề trả được
không chứng nhân mà không thể chối từ
nếu duyên số đa đoan từ kiếp trước
thì kiếp này anh vẫn vụng đường tu.
Còn gì nữa
dù không đòi, không trả
không hỏi về: em có đợi trông anh?
chân trời cũ, anh trở thành khách lạ
làm phế vương để được nhớ hoàng thành
Xưa thắc mắc chính là đây em nhé!
màu thời gian nhuộm tím ước mơ rồi
em có khóc, dặm ngàn anh biết thế
kiếp độc hành không thể bước chung đôi .
Phương Nam, 1959
Và bài này dào dạt tình tự quê hương:
QUÊ HƯƠNG
Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm
Nhiều hoa gạo đỏ nở bên sông
Tháng giêng có tiếng chim tu hú
Khung biếc trời mai én liệng vòng
Mực nước vơi nhiều từ tháng chạp
Bờ sông hiện rõ bóng lau xanh
Nghiêng nghiêng bãi cát viền quê ngoại
Xóm bến dàn xa khuất lối quanh
Núi võ vàng mong ai nhớ ai
Tỉ tê lệ suối buồn đêm dài
Người đi từ mấy phương trời thẳm
Núi biết sao chia nỗi cảm hoài?
Ngoài ấy giờ đây mùa gió mùa
Xiêu xiêu quán nhỏ bên đường trưa
Vườn cau của mẹ hoa cau rụng
Giọt sáng rơi dường giọt nước mưa
Nhà ta dựng lại trên nền cũ
Một bức tường rêu kỷ niệm mờ
Tường đứng mang linh hồn thuở trước
Chở che hai mái lá bây giờ
Bóng mẹ vào ra lối ngõ quen
Tóc sương dần xoá tóc màu đen
Nhớ con xa nhẩm lời kinh nguyện
Khuya nối nghìn khuya một ngọn đèn
Ngoài ấy… (nghe như xa cách lắm!)
Mà thành xa cách cố hương ơi!
Mỗi chiều ánh điện loang đầu phố
Trông chuyến tàu ra lại ngậm ngùi…
1963
PHAN MẠNH THU, NGƯỜI CON GÁI LÀM THƠ CỦA XỨ QUẢNG
Tôi chỉ gặp cô một lần ở nhà hàng Sông Trăng khi trang HX ra mắt. Vậy mà lại rất ấn tượng về nhà thơ nữ xứ Quảng này. Ấn tượng, có lẽ cô là người bỏ xứ mà đi như tôi. Ấn tượng vì sự dịu dàng, đằm thắm của người con gái Quế Sơn. Và tôi quý trọng một người em gái - trên hết là tính cách và thơ ca của cô. Chỉ một lần gặp gỡ và không tâm sự nhiều nhưng đôi mắt cô đã không giấu được người đối diện: Lặng lẽ sống. Lặng viết. Không điệu đàng. Không ồn ào. Biết khiêm cung… Nhưng thơ ca đã nói thay cô rồi. Nỗi buồn xa xứ cô thảy vào thơ. Tâm trạng không vui về phận người cô ghim vào thi ảnh. Tự soi ngắm bóng mình từ ĐN trôi vào Long Khánh. Tra hỏi chính mình trong cõi thế nhân không chỉ riêng cô mà như hầu hết người cầm bút nào cũng thế. Và ý chí trong cô là một thách thức với thời gian. Có khi thân xác không thể hoàn hảo song tâm hồn ấy luôn như sóng ngầm mà dữ dội. Tung tẩy đêm ngày triền miên theo dòng chảy của đam mê với khát vọng vĩnh hằng. Nhắc đến cô, không nói đến hiện tượng. Hiện tượng có khi bừng phát rồi phụt tắt. Theo tôi, nghiệp dĩ đã chọn cô. Bởi mấy chục năm qua rồi, khi còn mài đũng quần bậc trung học ở ghế nhà trường cho đến nay tới tuổi bất hoặc. Thơ cô có nhiều người biết đến và thơ phổ nhạc của cô cũng nhiều. Tôi nhớ 2 bài thơ của Phan Mạnh Thu mà tôi yêu thích:
THƠ PHAN MẠNH THU
NUỐI
Cô Tô lửa cháy mờ cung gấm
Lầu vàng bỗng chốc hóa tro than
Phù Sai đâu tiếc kinh thành cũ
Ngàn đời vương mãi bóng Tây thi.
Mỵ Nương nhớ quá sáo Trương Chi
Dằng dặc lệ rơi những đêm dài
Xót khối tình si mang xuống mộ
Còn nuối bóng nàng chẳng chịu tan.
Huyền Tông về lại đất Trường An
Khắc khoải năm canh khúc đoạn trường
Đau đớn phù dung xưa sớm rụng
Đâu khúc nghê thường… hỡi quý phi!?
Thương ai nuối mãi một người đi
Để bóng trăng soi tháng năm dài
Thu nhạt, đông tàn, rồi mai rụng
Người cũ chưa về - hương sắc phai…
Phan Mạnh Thu
QUÊ HƯƠNG
Quê hương nằm trong ký ức
Theo cùng trên những chặng xa
Nỗi nhớ trở mình tỉnh thức
Một miền quê chẳng phai nhòa.
Ngày về bên dòng sông lở
Nhớ màu hoa gạo xa xưa
Mảnh đất trung du cằn cỗi
Ngàn dâu vắng bóng lưng đồi.
Bờ tre nắng chiều rớt vội
Cánh cò xao xác bay qua
Lúa chẳng mùa nào giáp hạt
Ngùi thương đất mẹ nhọc nhằn.
Ngày đi về phương xa lắc
Hành trang có bóng quê nhà
Đi qua bao mùa mưa nắng
Khói chiều lại nhớ trời xa…
Cố hương nao lòng lữ thứ
Nhớ quê… trở gót tìm về
Hàng cau đón người xa xứ
Đong đưa cánh lá vẫy chào.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…
Phan Mạnh Thu
Khổ thơ kết của bài thơ Quê Hương khiến tôi ngơ ngẩn. Tại sao vậy? Điều này chính tác giả mới có câu trả lời chính xác. Tôi chỉ cảm thơ và không muốn “chẻ sợi tóc làm tư” và 5 chữ “Giữa quê mà nhớ vô cùng…” luôn ám ảnh tôi khôn nguôi…
ĐÀ NẴNG VÀ NHỮNG CUỘC TÌNH KHÔNG MAY CỦA TÔI
Dù chỉ ở Đà Nẵng từ năm 1968 cho đến 1973 nhưng với tôi là quê hương thứ 2 mà tôi vô cùng yêu mến. Những kỷ niệm với bạn bè và tình yêu thật khó quên. Sau cú sốc lớn với mối tình đầu tôi thường lẩm nhẩm một mình với câu hát: ”… Ôi đàn bà. Đàn bà lại là con dao làm tim rỏ máu…”. Cho nên sau giờ làm việc tôi thường lang thang một mình cà phê nơi thật vắng vẻ... Tự kiểm: không đẹp trai, không quyền chức, không giàu có, không lì lợm… Bốn không thì đáng đời rồi còn gì nữa. Vậy mà, xâu chuỗi năm tháng này, tôi cũng không thoát khỏi lưới tình. Chuyện lạ mà có thật. Một đêm của tháng 3 năm 1969 tôi đang ngồi lẻ loi trong một quán cà phê Hằng ở bãi biển Thanh Bình bất chợt có một người con gái ghé qua bàn tôi nói nhỏ: Em biết anh là người Huế, làm thơ. Có đọc thơ anh trên báo. Tôi ngạc nhiên: Sao hay vậy? Người con gái khai tên là D. quen với bạn anh nên để ý và thích… Từ sau đêm cà phê D. hay tìm gặp tôi. Qua mấy tháng tình cảm nảy sinh… Cũng lạ là đi với nhau nhiều lần mà chỉ dám cầm tay D. thôi. Đôi khi tôi tự hỏi tôi: Sao mình khờ thế? Tình đong đưa chưa tròn thì cuối năm đó D. báo tin đi lấy chồng và chia tay tôi. Như trên trời rơi xuống đất, tôi chết sửng… với câu thơ của ai đó: ”Mình bây giờ không còn của nhau nữa/ Ngậm trái tim trong miệng để phi tang…’’ Rồi tôi đi về với tôi bằng cách ngâm nga thơ của Phạm Văn Bình được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc :… Ngày nhà em pháo nổ. Anh cuộn mình trong chăn…
Sau D, năm 1970 tôi lại sỉa vào một mối tình kỳ lạ nhất thế gian. Số là Toản, bạn cùng đơn vị tôi. Mỗi thứ 7 tôi đều ghé về nhà bạn. Bạn có cô em gái hiền lành, nết na và xinh như mộng tên K. Biết vậy, chứ tôi chưa có hoa mai nở trên ve áo làm sao dám nói gì. Giáp mặt tôi không dám nhìn. Và K, em gái của Toản cũng lặng lẽ, đôi khi trò chuyện vu vơ. Đôi mắt cô to tròn, đen lánh của tuổi nguyệt rằm chứa chan điều gì làm sao tôi biết. Vậy mà, khi tôi đi công tác vắng, không về nhà Toản chơi là cô ấy hỏi. Cứ vậy, thời gian lặng lẽ trôi. Hai chiếc bóng vẫn âm thầm không nói điều của trái tim. Đến năm 1973, khi từ giã bạn và cô, tôi thấy hai ngấn lệ trên đôi mắt K. Đi rồi, tôi hỏi Toản. Toản nói: “Nó yêu mày mà mày không biết đó”. Tôi lại tự trách mình: “Sao mày lại khờ nữa rồi! “Những năm tháng gian nan ở xứ Dừa tôi có viết thư cho K. Những lá thư tình qua lại cứ ngỡ là trăm năm… Nhớ nhất là khi nhận chiếc khăn tay K. thêu hai chữ KD nơi quân hành lội sình ngang ngực, tôi đã hôn lên chiếc khăn ấy. Là kỷ vật của người con gái xứ Quảng. Tôi viết ngay những câu thơ:
THƠ TRẦN DZẠ LỮ
CHIẾC KHĂN THÊU
Ba mươi năm rồi, chiếc khăn vẫn còn nguyên
Anh cất giữ một mối tình rất lạ
Chiếc khăn của tấm lòng đon đả
Em thêu bằng lửa của trái tim…
Quanh chữ Yêu là họ và tên
Của hai đứa ngày xưa dấu ái
Thời nhiễu nhương làm sao anh dám nói
Chuyện vợ chồng? Em có hiểu không em?
Khi đi xa, anh mới biết mình thèm
Đôi bàn tay và tấm lòng như thế
Nhận lá thư và chiếc khăn màu tím Huế
Anh nhói lòng lúc lạc nẻo Trúc Giang…
Giữa cuộc gian nan, chiếc khăn ấy là vàng
Anh hôn lên bằng trăm ngàn thương nhớ
Nơi cô quạnh có tình em nâng đỡ
Cứ bay lên, tưởng chạm thấu thiên đàng!
Vậy mà đời đẩy đưa hướng khác
Anh không về thắp nổi cõi bình yên
Ba mươi năm một vầng trăng thất lạc
Em lấy chồng, anh hóa gã du miên…
Ba mươi năm màu tím ấy còn nguyên
Anh sửng sốt về em - người rất Huế
Ba mươi năm sao mình không thể
Gặp lại nhau, dù một khoảnh khắc buồn?
Ôi chiếc khăn chính là ngôi sao hôm
Nhấp nháy gọi anh về nơi khung trời kỷ niệm
Tên hai đứa giờ đây thị hiện
Lại nghìn trùng riêng một bóng hình em…
Trần Dzạ Lữ
Sau này tôi có về đường Hoàng Diệu tìm thăm K và mẹ. Không gặp K. Chỉ gặp mẹ. Thím ấy nói với tôi: “Tội nghiệp không? Còn nhớ thím và K. Toản thì về lại Huế rồi. Để thím nhắn lại. Chứ để nó gặp lại D, sợ xúc động… vì vừa sanh xong.” Thế là tôi biết cô ấy không chờ được tôi nên lấy chồng. Cầu mong cô luôn hạnh phúc.
Mối tình thứ 3 là một mối tình thực sự đẹp khi có nụ hôn đầu… Nhưng kết thúc vẫn là sự dang dở… Năm 1971, anh ruột tôi thuê nhà ở đường Trần Cao Vân - Tam Tòa Đà Nẵng. Vài ngày tôi lại về ngủ lại. Bên cạnh chỗ anh tôi thuê nhà là căn nhà nhỏ bán tạp hóa. Tôi thường mắc võng đung đưa mỗi tối. Nơi đây có cửa hông đối diện bờ giếng (cái giếng xài chung hai nhà). Có lúc hát nhạc thất tình của Vũ Thành An. Có lúc ngâm thơ của chính mình như lời dỗ dành giấc ngủ. Tôi ít để ý người chung quanh. Vậy mà, có lúc tôi phải giật mình vì tiếng người đằng hắng phía nhà bên. Nhỏm dậy thấy một nàng con gái tóc dài ngang lưng mỉm cười rồi quay lưng vào nhà. Tôi cũng ”tỉnh như sáo” chẳng quan tâm. Một tuần. Hai tuần trôi qua. Rồi một tháng đúng. Đang tưng tửng ngâm thơ tự nhiên có một mẫu giấy hình chiếc phi thuyền con bắn vào ngực tôi. Nhặt lấy mở ra đọc. Những giòng chữ rồng bay phượng múa đập vào mắt tôi: ANH D. ANH ĐỪNG BUỒN NỮA. CÓ EM ĐÂY… H. Chu choa ơi! Đây là lời tỏ tình rồi còn gì nữa. Lời tỏ tình rất đỗi dễ thương khiến tôi cảm động. Có phải đây là tiếng sét ái tình? Tôi chưa vội vàng hồi âm mà âm thầm điều tra lai lịch cô gái tóc dài tên H qua bà chủ nhà. Được biết là cô bé tên H đang học lớp đệ ngũ trường Sao Mai. Sau đó tôi lên nơi làm việc không về nhà anh tôi để xem động thái của H như thế nào. Hai tuần sau tôi về lại. Cũng nằm đong đưa trên chiếc võng, lại nhận thêm một mũi tên của thần Cupid nữa xuyên qua võng: TẠI SAO ANH KHÔNG HỒI ÂM CHO EM? EM YÊU ANH MÀ. CÓ PHẢI LÀ ĐỊNH MỆNH BUỘC RÀNG KHÔNG? SAO ĐÊM NGÀY EM ĐAU ĐÁU VỀ ANH! HAY LÀ: BỞI YÊU NGƯỜI BẰNG TÌNH YÊU THẦN THÁNH/ NÊN BẰNG LÒNG GÁNH CHỊU NỖI CÔ ĐƠN (thơ Nguyễn Đình Toàn). Đọc những câu này thì tôi sửng sờ thiệt tình. Một cô bé học lớp đệ ngũ mà biết trích thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn thì đâu có đơn giản? Phải là một tâm hồn sâu sắc trước tuổi mới như thế. Lần này tôi xiêu lòng thật rồi.

Xiêu lòng trước một cô gái có nhan sắc trung bình nhưng có mái tóc dài và có đến hai đồng tiền duyên hai bên má. Xiêu lòng trước một trái tim rất thi sĩ. Tôi hồi âm cho nàng và cũng thú nhận đã YÊU. Vậy là thư qua, thư lại bên này bờ giếng và bên tê bờ bằng những mẫu giấy chứa chan yêu thương dù biết rằng cô bé nhỏ hơn tôi một con giáp. Tôi nhớ có người nói: Yêu là Yêu, không cần thắc mắc, không cần định nghĩa… Thế rồi, một đêm trăng vằng vặc bên bờ giếng, không ai hẹn ai mà cùng đối diện bên bờ giếng. Bốn con mắt chiếu vào nhau như sao sa. Hai cõi lòng rạo rực… Thế là, tôi vít đầu nàng xuống hôn lên mái tóc đen tuyền. Rồi đôi môi tôi dừng lại ở môi nàng. Cái cảm giác lạ kỳ và mầu nhiệm từ đôi môi chuyển khắp châu thân. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thiên thai. Cô bé thì run rẩy… Lúc này tôi biết thế nào là hạnh phúc với nụ hôn đầu mà trước đây tôi đã từng đọc mấy câu thơ của Trần Dạ Từ: Lần đầu ta ghé môi hôn/ Những con ve nhỏ hết hồn, kêu vang…
Từ đó tôi và nàng cháy bỏng đam mê đến cùng cực. Nhưng tôi cũng lo âu như câu hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương: ”Yêu nhau trong lo âu…” Tôi biết tình yêu không có biên giới và tuổi thần tiên này yêu thương không so đo, tính toán. Nó trong vắt suối mơ. Nhưng cuộc đời phải có giới hạn của nó. Bốn, 5 năm nữa cô bé mới lên đại học. Nếu vì ích kỷ, tôi kéo nàng xuống vũng đam mê tiếp tục thì tương lai cô ta thế nào? Nghĩ tận cùng thế, nên tôi đã âm thầm nạp đơn đi vào trường SQ Thủ Đức. Đây là giải pháp tốt nhất. Dù biết nàng sẽ đau nhưng một thời gian cũng sẽ nguôi ngoai… Tương lai đang chờ nàng phía trước… Và tôi cũng thế, không thế lất bất mãi nơi thành phố này. Nếu chờ được nhau thì đấy là DUYÊN NỢ. Khi tôi đi rồi, nàng nói với anh trai tôi là: “Anh ấy phụ em… giờ em nhìn đời bằng con mắt lép…” Biết nàng thấu hiểu cho tôi không? Bao nhiêu năm trôi giạt xứ người, tôi vẫn ngong ngóng tin nàng. Có một người quen cho tôi biết cô bé đã ra trường đại học sư phạm. Tôi thực sự mừng vui. Bao nhiêu năm canh cánh bên lòng cái cảm giác nụ hôn đầu… mãi đến 1993 tôi mới viết được bài thơ cho nàng:
THƠ TẶNG H. KHI MÙA THU ĐẾN
Thương lúc nào không biết
Mà nghiêng ngửa hồn xưa
Anh - sông trôi biền biệt
Cũng nhớ ngoảnh lại bờ
Em đi vào trong thơ
Từ lúc nào không biết
Trái tim anh sắp Tết
Dẫu thu đang thầm thì…
Phải ngày xưa không nhỏ
Mình tan loãng vào nhau
Mặn nồng cơn thương nhớ
Cẩn vào tình ca dao
Nhưng rồi mình xa nhau
Bất ngờ như lúc đến
Anh - đường dao oan nghiệt
Cắt ngọt lòng hương ngâu
Năm năm em mật đắng
Vàng lạnh chiếu chăn người
Năm năm anh gặm nhấm
Dấu ăn năn bên trời
Bây giờ thu em ơi
Còn đâu mà tan loãng?
Em đã thành dĩ vãng
Anh là gió trùng khơi…
Trần Dzạ Lữ
Đến giờ không biết người con gái Đại Lộc ấy có đọc được lời tình tôi viết bằng trái tim trong thơ? Hơn bốn mươi năm rồi không hề gặp lại.
MỘT NGÀY NAO CHO TÔI GẶP LẠI EM (lời một bản nhạc). Gặp lại dù một khoảnh khắc…không làm gì cả mà chỉ được nói một câu XIN LỖI EM. Tình mình có duyên không nợ. Rồi tôi lại phải như chim bay biệt mù cà cưỡng…

Hình Chân dung Thi sĩ Tường Linh
Chân dung nhà thơ Phan Mạnh Thu
PHẦN 10 - Ở ĐÀ NẴNG
Đà Nẵng vẫn còn mấy người tôi chợt nhớ: Trần Yên Hòa, Lê Công Đào, Trần Trung Sáng Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Vân Thiên. Trương Điện Thắng
TRẦN YÊN HÒA, TÂM TƯ CỦA NGƯỜI XA XỨ
Tên thật là Trần Văn Hòa.
Sinh ngày ngày 20 tháng 12 năm 1947, tại Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Theo học tại trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ,
Khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị/ Đà Lạt.
Sau 1975, đi cải tạo.
Định cư tại Nam California
USA năm 1995.
Viết nhiều thể loại, có nhiều bài đăng trên các báo Việt ngữ: Văn, Khởi Hành, Sóng Văn, Sài Gòn Nhỏ, các đặc san Quảng Nam, đặc san Ức Trai, nhật báo Người Việt, cùng nhiều trang web Việt Ngữ.
Hiện chủ trương Web site Bạn Văn Nghệ: www. banvannghe. com/
Tác phẩm đã in:
Lời Ru Tình (thơ, in chung, 1971)
Khan Cổ Gọi Tình, Về (thơ, 2001)
Những Chuyến Mưa Qua (truyện ngắn, 2001)
Áo Gấm Về Làng (truyện ngắn, 2004)
Mẫu Hệ (truyện dài, 2004)
Net em (truyện ngắn, 2009)
Uyên Ương - Phượng Hề Và Khát Vọng (thơ, 2009).
Tôi và Trần Yên Hòa biết nhau từ thời Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức làm báo ở Quảng Ngãi. Nhưng mãi đến thập niên 80 mới gặp nhau ở SàiGòn. Lúc đó anh đi học tập về và ngồi lề đường Huỳnh Văn Bánh vá xe đạp. Còn tôi giữ xe ở chợ Trần Hữu Trang. Đã biết nhau qua thơ ca nên rất dễ thân tình. Cùng một lứa bên trời lận đận nên anh rất cảm thông và sẻ chia với nhau về vật chất và cả tinh thần. Năm 1971 anh đã có thơ in chung với bạn bè. Năm 1995 khi qua Mỹ anh viết nhiều hơn. Có lẽ nơi xứ người thiếu không khí bạn bè nên đắm mình vào sáng tác là tất nhiên. Và thơ, truyện của anh đã xuất bản. Nơi xứ xa, tôi biết anh vẫn vọng về cố hương khi cố gắng về thăm cũng như viết nhiều cho tạp chí Quán Văn của anh Nguyên Minh. Thời gian gần đây tôi thấy anh thoải mái về đời sống cũng như tình cảm văn nghệ qua những bài thơ da diết cho Nàng Thơ:
THƠ TRẦN YÊN HÒA
BỜ EM
Khi tình cuốn trôi ta chấp chới
Giữa cuồng lưu biết bíu vào đâu?
Ta thất thế thấy mình sao chơi với
Ta cấu cào trơ giọng gọi khan hơi
Giòng cuồng lưu vẫn đẩy ta đi mãi
Biển sóng mênh mông sắp nuốt chững ta rồi
Có mảnh ván nào dập dềnh đâu đó
Ta cố nhoài người ôm lấy vào (tôi)
Bờ em, ta tựa lưng qua cơn sóng giật
Ta tồn sinh hơi thở của loài người
Bờ em là ơn em ra tay cứu độ
Ta qua bờ rồi đâu nỡ làm ngơ
Có những đêm ôm đầu tư lự
Không biết lấy gì đền đáp nghĩa tồn sinh
Ta chỉ còn xác thân cằn cỗi
Và cuộc đời như vạt nắng u minh
Thôi em cho ta một lời xin lỗi
Ta không qua sông quay ngoắc con đò
Em vẫn là em - ơn em vô lượng
Bờ em bao giờ cũng mãi mãi trong (tôi)
Và những câu lục bát nhẹ nhàng mà sâu thẳm:
KHAN CỔ GỌI TÌNH VỀ
Từ em, bỏ cội bỏ nguồn
Bỏ con sông nước đứng buồn nhìn theo
Nhánh sông chảy miết qua đèo
Anh heo hút đợi, chèo queo một mình
Cũng đành thôi một cánh chim
Bay xa, bay mãi hút chìm nơi đâu?
Bớ em, mưa rớt thấm đầu
Bớ em, vô lượng ngàn sau có về
Bớ em, rời khỏi u mê
Anh khan cổ gọi, em về cùng anh
Có con chim nhỏ trên cành
Líu lo hót đợi mùa xanh hoa vàng
Đợi em, bên vườn địa đàng
Xin em hãy ghé cài tràng hạt xưa.
Trần Yên Hòa
Cũng nhờ ”Khan cổ gọi tình về” mà thời gian gần đây tôi thấy đáy mắt anh reo vui vì đã không hoài công khi có tương tác trong thơ. Nàng thơ đã xuật hiện bên đời anh. Tôi tin cảm hứng trong thơ anh sẽ tràn bờ như sông suối…
LÊ CÔNG ĐÀO, BẠN TÔI
Nhắc đến Lê Công Đào tôi nhớ đến anh chàng họa sĩ môi đỏ như con gái cùng đại đội 23 với tôi ở trên đồi Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức. Mang tiếng là học quân sự nhưng cả bọn ham văn nghệ hơn là học hành. Sau giờ hành chánh là Đào hay qua kéo tôi lên đồi ngồi hát hò, ngâm thơ, đến khi cán bộ nhắc nhở mới chịu về nơi trú ngụ. Anh chàng nhỏ con nhưng sáng sủa, nhất là đôi môi hồng như con gái Đà Lạt. Tôi hay ghẹo Đào: ”Ước chi mi là con gái để tau hun môi hí.” Những lần như thế Đào cười ngất… Hồi đó Đào vẽ rất đẹp, hát hay. Báo của trường phần nhiều tranh minh họa là của bạn. Sau năm 75, tôi về Huế. Đào về lại Đà Nẵng. Thỉnh thoảng cũng biết tin nhau qua bạn bè. Mãi đến năm 2015 tôi mới gặp lại Đào khi về Đà Nẵng. Bao nhiêu năm xa cách. Gặp lại tôi chưng hững: Anh chàng nhỏ nhít ngày xưa bây giờ nhìn không ra- mập mạp rất “xì thẩu”. Nghe bạn đấu thầu nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc. Tôi mừng. Bạn sốt sắng chở tôi đi gặp bạn bè cũ, cà phê, nhậu lai rai… Gặp Đào Ngọc Lý cùng khóa bây giờ làm ăn cũng khá. Và bạn cũng không rời bỏ nghệ thuật. Bạn vẽ nhiều tranh và có nhiều hình minh họa trên báo mướt mát lạ lùng. Năm này khi về, tôi có mang theo mấy chục tập thơ TTVTBTLCNMT nên Đào nhận bán giúp và ứng tiền trước cho tôi. Cảm động với chân tình ấy. Tuy xa bạn nhưng lúc nào cũng dõi theo bạn. Thấy bạn nhận liên tiếp những công trình thì thật thích. Rất hợp với đam mê của Đào từ thời còn đi học… Khi rảnh thì đàn hát, viết nhạc.
TRẦN TRUNG SÁNG, MỘT NGỌN ĐÈN BỪNG SÁNG TRONG ĐÊM
Thập niên 60, khi tôi, Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc, Đoàn Huy Giao, Hồ Đắc Ngọc, Đynh Trầm Ca, Hoàng Lộc thường có những giao tình văn nghệ ĐN thì Trần Trung Sáng là em út nhỏ nhít. Nhưng tâm hồn S. lớn trước vóc dáng mình vì lúc đó cũng đã viết lách rồi. Bút danh là Trần Sao Hoa, Tần Hoa. Xuất hiện trên Tuổi Ngọc và Bách Khoa. Là một cây đam mê văn nghệ nên S không thiếu mặt ở những buổi giao lưu văn nghệ nào. Và cà phê, dĩ nhiên là hay kêu tôi trước nhất. Một thời sống trong không khí văn nghệ rất thân tình, cởi mở mà chẳng ai ganh tị ai. Năm 73 tôi hành phương Nam thì S vẫn ở lại Đà Nẵng sống và viết. Đến thập niên 90, Sáng bay vô SG lấy cử nhân văn chương (cùng lúc với Trần Thanh Quang). Nghe vậy tôi vui mừng và vui mừng hơn là sau này S. viết nhiều, xuất hiện nhiều trên báo chí địa phương và trung ương. Sáng ít nói, trầm lắng nhưng ngọn đèn không bao giờ tắt trong đêm để soi mình bước tới với đam mê không ngơi nghỉ. Đọc những truyện ngắn và bài viết của S, tôi cảm động vì luôn toát lên cái không khí nhân văn đích thực. Trần Trung Sáng quá còn trẻ để tiếp bước trên con đường văn chương mà mình luôn hướng tới sự vĩnh hằng… Trong các truyện ngắn của Trần Trung Sáng, tôi thích nhất là truyện Bức Họa Của Người Nữ Tu.
TRẦN TRUNG SÁNG
Người Hội An, Quảng Nam.
Tập thơ đầu tay in vào năm 17 tuổi, tựa đề Vành khăn tang cho tuổi, bút danh TRẦN SAO HOA
Truyện ngắn đầu tay in ở tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn cũ), tựa đề Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan, bút danh TẦN HOA
Triển lãm tranh lần đầu: Tranh dán giấy TRẦN TRUNG SÁNG, năm 1999, Hội nhà báo TP Đà Nẵng tổ chức
Tốt nghiệp Đại học Ngữ văn (Đại học KHXHNV TP HCM).
Từ 1988 đến nay làm báo, viết văn.
Hiện là Trưởng VPTT Báo Văn Hóa Khu vực Trung trung bộ, Trưởng ban văn học thiếu nhi Hội nhà văn Đà Nẵng.
Tác phẩm phổ biến:
Ngày Chủ nhật tuyệt vời (tập truyện 1988),
Cổ tích hoạ sĩ gù và con chim xanh (tập truyện 1989),
Búp bê phiêu lưu ký (truyện vừa 1991),
Ông hoàng đu đủ (tập truyện 1994),
Ký sự về người hoạ sĩ ở ngục tù Côn Đảo (truyện ký 1995) v.v...
TRẦN DZẠ LỮ

Hình 1: Nhà thơ Trần Yên Hòa
Hình 2: Họa sĩ, điêu khắc Lê Công Đào
Hình 3: Nhà văn Trần Trung Sáng
PHẦN 11 - Ở ĐÀ NẴNG
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT, SỐNG NHƯ MỘT THIỀN SƯ
Nguyễn Đông Nhật là em của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Mỗi người sống và viết rất riêng. Anh thì sôi nổi, hào hoa, trữ tình. Em thì hiu hắt, trầm lắng… Tôi và Nhật biết nhau qua báo chí. Mãi đến sau 75 mới gặp gỡ và thân tình. Khi Nhật còn ở nhà ở Phú Nhuận tôi hay ghé chơi, uống trà nói chuyện văn nghệ. Thời còn bao cấp nên cũng vất vã nhưng lấy cái chân tình mà đãi nhau thi cũng thích thú. Gần hơn 10 năm sau do thay đổi chỗ ở, tôi và Nhật ít gặp nhau nhưng vẫn biết tin nhau qua anh em văn nghệ hay trên trang viết. Không hiểu gia đình lúc này ra sao nhưng nghe tin Nhật đã sống như một thiền sư. Nơi thường trú là chùa chiền. Mấy năm gần đây Nhật viết rất nhiều. Những trang viết ăm ắp không khí Thiền và chan chứa triết lý Phật Giáo. Tôi vui cùng bạn khi sống, làm việc và viết sâu sắc, đam mê như thế.
NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật sinh năm 1950.
Quê quán: Giao Thuỷ, Đại Hoà, Đại Lộc, Quảng Nam.
Có thơ in trên báo chí phong trào học sinh - sinh viên từ năm 1969 và tạp chí Đối Diện (Sài Gòn cũ) từ năm 1971.
Từ năm 1975 đến nay, thơ và bài viết in trên khoảng 80 tờ báo - tạp chí và khoảng 40 tuyển tập thơ.
Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.
Tác phẩm đã xuất bản:
* Thơ:
- Trong hoàng hôn gió (NXB Trẻ - 1995)
- Trăng của ngày (NXB Thanh Niên - 1999)
- Thơ bốn câu (NXB Trẻ - 2001)
- Bài ca của gió (NXB Hội Nhà văn - 2002)
- Phía sau tôi (NXB Đà Nẵng - 2003)
- Một trăm bài thơ (Hội Nhà văn TP. HCM - 2004)
* Tản văn - tạp bút:
- Vu vơ sợi gió (NXB Đà nẵng-2009)
* Biên soạn chung:
- … chưa mưa đà thấm (NXB Hội Nhà văn - 1998)
- Cánh thư và tia chớp (NXB Thanh Niên - 2000)
- Trăm năm thơ Đất Quảng (NXB Hội nhà văn - 2005)
- Phác họa chân dung một thế hệ (cộng tác với Tần Hoài Dạ Vũ - NXB Đà Nẵng - 2007).
Và những bài thơ của Nhật tôi thích:
THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
MỘT MÌNH TRĂNG
Ngồi một mình nghe khuya dần im
Trăng sáng như chưa bao giờ sáng thế
Thềm ngói cũ nghiêng chìm mái sẫm
Khuất nửa lòng riêng vọng tiếng thầm.
Ly rượu tối một mình không uống
Anh đêm trầm soi ánh thuỷ tinh
Những gì không nói đang xao động
Trăng kẻ quanh bàn ngân bóng xa.
Còn một mình sau cuộc vui tan
Nghe gió thổi tháng ngày xa lạ
Những thế hệ đi qua im lặng
Trang sách mờ rung đẫm ướt trăng.
Chiếc bóng ngồi lặng một mình đêm
Ngoài thời đại thét gào cơ khí
Ôi nửa đời vầng trăng còn tỏ
Hỏi ai từng soi mặt hư vô.
Một mình bóng lẫn mùi hương không tàn
Là phai nhạt sắc màu ý hệ
Trong đời rộng lau khô dòng lệ
Hơi gió xanh động cuối trăng tà.
Nguyễn Đông Nhật
Báo Thanh niên, ngày 3/8/2014
Và những bài thơ sau:
Dự Tưởng/ Hạnh Phúc/ Ở Một Đời Khác/ Nhớ
Nguyễn Đông Nhật
DỰ TƯỞNG
khi đã qua nửa đời
mới hiểu điều này: yêu
thật ra cũng giống như
dạng hình một giấc ngủ.
và khi thức dậy, ta biết
ta vừa bước ra khỏi
bóng một cánh cửa.
4 -2001
HẠNH PHÚC
em
bàn tay nhỏ thân thuộc
lướt qua đời anh.
lướt qua những dây đàn chờ đợi.
và anh đã rung lên những câu hỏi.
vậy mà anh không thể
cầm lấy.
Ở MỘT ĐỜI KHÁC
chấm dứt cuộc đời này. và ở một đời khác
ánh sáng tràn những ban mai. trên mọi vật
vang những tiếng trong sạch của thời gian
bắt đầu từ năm tháng rất xa.
và em đi qua. sàn gỗ cũ
tiếng chén bát rung khe khẽ.
một buổi sáng quen thuộc
dẫn tôi quay về.
NHỚ
Những đêm xa không ngủ
những chiếu giường lặng tăm
góc nhà quen nơi ấy
em: điểm sáng dịu dàng.
Mười mấy năm qua đấy
bao cách xa giận hờn.
Đi hơn nửa cuộc đời
Hiểu niềm vui giản dị.
Khi lửa sáng tắt rồi
trong khuya bàn tay ấm.
Tình em không tiếng nói
hương tóc nào quanh đây.
Có một hàng my khép
trên mắt chiều không rơi.
Sao nỗi nhớ rất đằm
chợt vỡ thành nhịp sóng.
Ngày đông trên phố sáng.
Anh đi giữa Huế vàng.
Em thì ở nơi xa
vin vai cầu nghe gió.
Nguyễn Đông Nhật
NGUYỄN VÂN THIÊN, NHÀ THƠ TRẦM LẮNG
Thập niên 60 khi tôi tham dự những lần Lý Văn Chương và Phạm Thị Lộc hát trong phong trào Du Ca Đà Nẵng thì đã gặp Thiên. Một con người ít nói, trầm lắng nhưng rất khoái văn nghệ. Hồi ấy Thiên đã làm thơ rồi. Xa Đà Nẵng mấy mươi năm, gặp lại thì Thiên đã là một người trưởng thành, chững chạc. Lúc này, thập niên 90 thì cậu ấy đã viết nhiều trên các báo và tạp chí.
Nhà thơ NGUYỄN VÂN THIÊN
Sinh năm Giáp Ngọ 1954
Quê quán Quảng Nam
Hiện sống và viết tại Sài Gòn
Có thơ đăng trên nhiều báo, tạp chí, tuyển tập
Các tác phẩm đã xuất bản:
- Tâm sự cùng tuổi mới lớn - NXB Trẻ
- Đố vui tìm hiểu Truyện Kiều - NXB Đồng Nai
- Ngụ ngôn hè phố - NXB Trẻ
- Tập thơ: Điếu thuốc, cây nến và que diêm - NXB Đồng Nai 1996
NGUYỄN.NXB Lao Động 2011 (Tập thơ chung 4 Tác giả)
Tôi thích những bài thơ nhẹ nhàng nhưng là những giọt cường toan ăn vào tâm khảm người cảm thụ:
CÂY ĐÒN GÁNH
Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già
Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về...
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!
CHIA GIA ĐÌNH
Em giành mùa xuân
Để lại cho tôi những xác hoa tàn
Em giành mùa thu
Tôi chỉ xin dăm ba chiếc lá vàng
Em chọn tiếng suối tiếng chim
Ừ thôi, tôi xin nhận tiếng cành cây khô gãy
Cả nắng lẫn mưa em đòi tất thảy
Trừ bão giông hạn hán riêng để phần tôi
Cũng đành thôi thế thì thôi…
Chia gia tài tình yêu, tôi đây còn lại
Một nửa vòng tay
Một nửa nụ hôn
Nửa con đường đi ngựơc hướng đời nhau
Ngày và đêm
Em phân vân nên cho tôi chọn trước
Tôi chỉ xin hoàng hôn và tàn canh gà gáy
Còn vầng trăng?
Vầng trăng của chung đất trời tôi đâu dám xẻ
Mảnh hồn thơ chưa kịp xé làm đôi
Em nhẫn tâm mang cả đi rồi
Tôi còn lại mình tôi
Nửa đời…
CHIA XA
Tình học trò mong manh giấy vở
Trang thương trang nhớ ghép chung tờ
Ai đem tình chia hai thương nhớ?
Để tim mình nhói buốt nửa câu thơ?
Lần cuối trường tan, cổng trường sao khép vội?
Chia hai phần đời: Hè phố - sân chơi
Lần cuối chia tay, cầm tay nhau bối rối
Bỗng hai lối chia xa, chưa kịp nói nửa lời
Người vội về, sợ chiều mưa ướt tóc
Mưa không về, sao ướt mắt nâu thương?
Ta thơ thẩn đường xưa nghe lá khóc
Qua phố quen, sao chân lại lạc đường?
Thế rồi xa, xa hoài, xa mãi,
Phượng bao mùa hoa đỏ mắt rưng rưng
Có nhớ có thương, thôi em đừng ngoái lại
Sóng lở bờ, sông kỷ niệm - sau lưng.
Nguyễn Vân Thiên
Qua dâu bể cuộc đời, Nguyễn Vân Thiên cũng phải bươn bả kiếm sống, chông chênh giữa gian nan đời thường. Nhưng nay cậu đã an cư lạc nghiệp tại SG.
LÊ NHO QUẾ SƠN, NHÀ THƠ TU SĨ
Người ta có câu: Quảng Nam hay cãi. Quảng Ngãi hay co… tôi thấy phần đông là thế. Nhưng với Lê Nho Quế Sơn là một trường hợp ngoại lệ. Quảng Nam mà anh chàng này trầm ngâm, ít nói và sống đời sống gần như là tu sĩ (dù không ở Chùa hay Nhà Thờ), thường hay đi bộ khắp những con đường của SG. Quan niệm về Tình yêu của cậu ấy cũng lạ. Chiêm ngưỡng những bông hoa đẹp của cuộc sống từ xa, không thích mon men lại gần (dù cũng thích đàn bà). Có gặp gỡ, trò chuyện, ngao du với Sơn mới nhận ra một người chân chất. Do vậy mà bạn bè trên FB, nhất là các cô gái trẻ rất thích làm bạn với Sơn. Được ngợi ca mình qua thơ ca mà vô hại… Có lần tôi hỏi Sơn: Sống như tu sĩ rứa mà có gần đàn bà chưa?. Sơn chỉ cười cười. Thấy bộ dạng và cung cách tôi chắc là anh chàng này chưa biết hôn môi là gì. Mừng thay, thế gian này còn có một gã đàn ông trong trẻo như thế. Trong trẻo và công phu mới chết người chứ! Nghe Sơn tâm sự có lần cậu ấy nghe một cô bé nói về loài hoa Dã Yên Thảo ở Đà Lạt đáng yêu. Không gì bằng tai nghe mắt thấy. Vậy là cậu bay lên ĐL đi tìm cho được loài hoa ấy. Sau đó bài thơ về loài hoa này xuất hiện trên báo. Sơn vui và cho đó là một hạnh phúc. Sau đây là những bài thơ rất đằm thắm của LNQS
THƠ LÊ NHO QUẾ SƠN
DÃ YÊN THẢO
Bởi vì em đẹp và hiền hậu
Mà dã yên tên lại lạ lùng
Nên đầu xuân anh đi Đà Lạt
Tìm hoa để hoài niệm chân dung
Ngày vẫn lạnh dù trời đang nóng
Phố núi quanh co những dốc dài
Anh leo ngược mấy lần đứng lặng
Mai anh đào tím ấy chờ ai
Đây là lúc anh mừng muốn hét
Kìa bồn hoa, chiếc ghế em ngồi
Dã yên thảo hồng tươi tha thiết
Nhắc tên người trong ảnh không nguôi
LNQS
Hay bài:
GỬI CÔ GIÁO SẮP Đi XA
Em đi rồi chắc anh buồn lắm
Góc phố hẹn hò đã nhuốm nhớ nhau
Thà đứng như trụ đèn hứng ồn ào bụi bặm
Còn được thấy em bước chậm qua cầu
Nếu là gã trái tim nằm trong túi áo
Kẻ hoang đàng ném thời gian ngoài cửa
Anh sẽ không đau cơn nghẹn ngực mình
Không hối tiếc được gần nhau vô giá
Giá là thiền sư rong chơi lục đạo
Giá là ẩn sĩ vui thú trúc lâm
Thì tóc em đâu buộc anh vào tục lụy
Ngày tháng tiêu dao đâu mất thuở tay cầm
Anh biết rõ đây Chủ Nhật chia hai
Cầu chữ Y có hai phía gầy vai
Mười ngón tay anh sẽ gầy đi một nửa
Mặt anh không lâu sẽ mọc ra dài
Giá được em còn hoài hoài trễ hẹn
Anh thề sẽ không nghiến răng bậm môi
Uống hai ly cà phê không hề biết đắng
Lúc gặp nhau chỉ thấy mắt anh cười
Này cái người yêu dấu nhất đời ơi!
Mấy ngày nay mở cửa-Lại anh ngồi
Giá như đã phiền lòng bố mẹ
Thì xin em đừng vội trách anh.
Thơ và người Sơn là một. Nhẹ tênh như mây trời và mong manh như khói sương…
Vậy cho nên, cuối cùng Sơn được Thượng Đế ban cho một ân sũng: Thương cái rột và cưới nhau cái rột. Cô gái trẻ tên Nga Thanh. Xinh xắn giỏi giang. Tôi mừng và chúc lành Lê Nho Quế Sơn - Nga Thanh: Suốt đời cơm lành canh ngọt! Kinh Thánh có câu: Gõ. Cửa sẽ mở. Nhưng anh chàng nhà thơ tu sĩ này đâu có gõ? Cửa vẫn mở… Và tu sĩ đã biết hôn. Tình Yêu và Định Mệnh thật tuyệt vời. Và đọc thấy bài thơ LNQS viết cho vợ:
KỶ VẬT
(Tặng Nga Thanh)
Anh không thể mang theo
Con hẻm nhà anh ở
Ơi những sáng trưa chiều
Em chờ anh ở đó
Anh không thể mang theo
Con đường dài huyện lỵ
Hai đứa mình chở nhau
Đùa vui và giận lẫy
Anh không thể mang theo
Bao nẻo đường kỷ niệm
Ơi mấy quán cà phê
Chiếc hôn dài bịn rịn
Thôi thì anh giữ lấy
Chiếc xe cũ em đi
Khi một mình cũng thấy
Có em đang cận kề
LÊ NHO QUẾ SƠN
(11. 2016)
TRẦN DZẠ LỮ
Hình 1 Nguyễn Đông Nhật
Hình 2: Nguyễn Vân Thiên
Hình 3 : Lê Nho Quế Sơn và vợ.
SG tháng 4. 2020
Trần Dzạ Lữ
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...