Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Cảm hứng trong sáng tác văn chương

Cảm hứng trong sáng tác văn chương
Có lần đọc cuốn “Giáo trình Lý luận Văn học” tập 2 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội thấy tác giả Trần Đình Sử bảo: “như vậy chỉ còn đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư tưởng, là nội dung” tôi đã tỏ ý không tán thành. Tôi đã viết: cảm hứng sao có thể là nội dung tác phẩm? Bởi vì nó là trạng thái tâm lý của tác giả “khi sức chú ý tập trung cao độ…” như từ điển tiếng Việt giải nghĩa thì sao nó lại thành nội dung của tác phẩm cụ thể?! Nhà lý luận đã đồng nhất cảm xúc và cảm hứng chăng? (1).
Nhưng rồi lại thấy có vẻ mình sai. Vì người ta hay nói “Cảm hứng lãng mạn” khi phân tích nội dung các bài văn bài thơ. Vừa rồi trong bài “Văn học trong hội nhập – nhìn từ cảm hứng” (Văn Nghệ, số 28 ngày 11-7-2015), ông Phong Lê viết:
(Khi xã hội đô thị hình thành… nhu cầu hiện đại hóa nhằm mục tiêu văn minh trong văn chương học thuật nổi lên…) “Và cùng với chuyển động này mà xuất hiện một cảm hứng mới – đó là cảm hứng về cái Tôi và cái Riêng, nó là nhu cầu giải phóng cá nhân”.
Dường như tác giả cũng coi “cảm hứng” thuộc nội dung văn chương không chỉ ở một sáng tác mà cả ở một trào lưu. Những điều ấy buộc tôi phải tìm hiểu để “chỉnh sửa” mình nếu cần!
Tôi đã tra cứu mấy cuốn từ điển. Có cuốn nói đến sự liên quan với cảm xúc: Như Từ điển Bách khoa VN: “Cảm hứng (văn, giáo dục) hứng thú do cảm xúc sinh ra trong sáng tác nghệ thuật”. Hay Từ điển Tâm lý học: “Xúc cảm thể hiện sự tham gia tích cực vào những sự kiện khác nhau (chính trị, văn hóa…) trong thời gian nhất định” (có lẽ nên dùng: độ mạnh mẽ của xúc cảm).
Xem ra đều là trạng thái tâm lý trong sáng tạo tác phẩm cả. Đến như mấy ông nhà văn, nhà lý luận cũng nói không khác mấy. Nhà thơ Puskin cũng cho rằng “nó liên hệ với sức mạnh trí tuệ, nó chính là hành động tư duy nghệ thuật… Nó là cơn sốt làm mình kiệt lực, nhưng đem lại niềm vui. Là kết quả của sự động viên toàn bộ các khả năng tinh thần thể lực người sáng tác” (2). Còn nhà phê bình nổi danh Biêlinxki thì nói: “(Nó) biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” (dẫn theo Từ điển Thuật ngữ văn học của nhóm Trần Đình Sử, Lê Bá Hán).
Tra cứu từ điển cẩn thận như thế rồi thì cũng thấy luận điểm của mình đưa ra không đến nỗi sai, không đến nỗi phải “nói lại”. Nhưng còn chuyện giải thích các cách nói thường gặp đã nêu như thế nào?
Cái gọi là “cảm hứng lãng mạn” chẳng hạn là cái gì? Nó có thuộc “nội dung” tác phẩm cụ thể? Tôi hiểu đó là “cảm hứng thuộc chủ nghĩa lãng mạn, có tính chất của “chủ nghĩa lãng mạn” như cái nghĩa 1 của từ lãng mạn trong Từ điển Tiếng Việt. Cũng có thể vận dụng nghĩa 2 ở từ điển trên để nói về cái cảm hứng này: “Có xu hướng lý tưởng hóa hiện thực và mơ ước về tương lai xa xôi”. Hiểu như thế thì đó vẫn chỉ là “trạng thái tâm lý” người viết. Nó không thể là chính cái nội dung tác giả sáng tạo. Nội dung tác giả sáng tạo chính là cái hiện thực được tác giả thể hiện bằng các yếu tố hình thức theo một lập trường thẩm mỹ của mình (mà lãng mạn hóa hiện thực là thứ nằm trong cái “lập trường thẩm mỹ” này).
Phải tìm câu trả lời về cách nói “văn học trong hội nhập nhìn từ cảm hứng” của nhà phê bình Phong Lê. Phải chăng nói thế thì cái “cảm hứng” là một “nội dung” của văn học có thể xem xét khi phân tích sự hội nhập của nó? Đọc toàn bài của ông, ta thấy cái nhận thức của các thế hệ văn nhân trong mỗi thời kỳ hội nhập kế tiếp nhau thay đổi thế nào. Trong những năm 1930 – 1940, người ta nhận thức nhu cầu giải phóng cái Tôi, cái Riêng, thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, nhận thức của người ta hướng về cái Ta, cái Chung, và sau Đổi mới là cảm hứng về cái khác. Chính những cái nhận thức đổi khác đó đã biến thành nhu cầu và kích thích hứng thú của nhà văn làm cho họ “tham gia tích cực vào những sự kiện” đấu tranh cho nhu cầu đó… Và cái cảm hứng ấy “làm xúc động trí tưởng tượng của ta. Làm tỉnh dậy tâm hồn ta” như Puskin nói. Cái cảm hứng ấy thúc đẩy những sáng tạo về nội dung văn thơ của những nhà văn được cái nhu cầu đổi mới kích thích mạnh mẽ và sản sinh ra các vần thơ, bài văn để đời.
Cảm hứng không thể là chính nội dung của từng văn phẩm. Có thể liên hệ một chút với giao tiếp ngôn ngữ đời thường. Cùng một nội dung trao đổi, nhưng có người nhiệt tình say sưa với vấn đề, cách nói năng sẽ khác người không có “cảm hứng” mấy với vấn đề đó, thì nội dung trao đổi cũng không thể nói ở hai người có sự khác nhau. Ta có thể nhận ra cái say sưa nhiệt huyết đấu tranh qua cách nói, giọng điệu nói, thái độ nói chứ không phải nhận ra sự khác nhau trong “nội dung” câu nói. Như thế, ở một tác phẩm văn chương, những thứ này thuộc về “cảm hứng” kia lại thuộc về khuynh hướng, lập trường chính trị, mỹ học của nhà văn. Chúng không thuộc những “nội dung” của tác phẩm cụ thể hay các trào lưu văn chương.
Người ta thường nói đến sự “phức tạp” ở vấn đề “cảm hứng”. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là sự khó khăn trong việc xác định “bản chất” của nó để làm chủ nó. Không phải phức tạp do có sự nhập nhằng giữa cảm hứng và cảm xúc. Cái hiểu của tôi là như vậy xin được trình bày rõ thêm cái luận điểm đã nêu ra trước đây. Tôi cũng biết rằng việc làm này chỉ có ý nghĩa trang trải một món nợ cho chính mình. Vì có thể xác định cho thật rành mạch chuyện cái trạng thái tâm lý “cảm hứng” và cái kích thích nó (cảm xúc) không phải là sự cần thiết với nhiều người. Bởi cũng xuất hiện trên một trang mạng cái ý kiến sau đây khi bàn về “con đường cảm thụ tác phẩm nghệ thuật”: “Phát hiện được cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là phát hiện chìa khóa giải mã bức thông điệp của người nghệ sĩ về cuộc sống, con người; với cuộc sống, con người và là phát hiện ra mốc chỉ đường để tìm đến trọng tâm bài giảng”. Vả chăng khi nói nội dung tác phẩm có “đề tài, chủ đề, tư tưởng” thì bản thân cái “tư tưởng” cũng dính dáng đến bộ mặt chính trị - xã hội (có thế giới quan, lập trường…) và diện mạo tâm lý (có cảm hứng, ý thức…) của nhà văn ( ), không tỉnh táo khó tách bạch lắm.
Chú thích:
(1) Xem bài “Hai chữ Hình thức trong tác phẩm văn chương”, Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh số 360, ngày 2/7/2015.
(2) Dẫn theo Lao động nhà văn của Xâytlin.
Lê Xuân Mậu
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 403
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...