Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tản mạn với điều khó hiểu của lươngXXXX

Tản mạn với
điều khó hiểu của lương

Bài viết Một góc nhìn về lương và cải cách lương (talawas, 04.8.2004) của tác giả Lê Tuấn Huy có một điều khiến tôi chú ý là: “… trong tổng thể đổi mới kinh tế - xã hội chung, lương là vấn đề được đổi mới một cách chậm trễ và trì trệ đến độ khó hiểu”. Có đúng là sự chậm trễ và trì trệ này là khó hiểu không? Theo tôi, để hiểu nó là không khó.

1. Về lý luận
a. Người ta chưa thể thoát khỏi tư duy bình quân chủ nghĩa trong lương khi mà chủ nghĩa xã hội bình quân là căn nguyên không chỉ của chế độ lương, mà là căn nguyên của toàn bộ chế độ xã hội: bình quân trong kinh tế, bình quân trong chính trị, bình quân trong văn hóa…
Dễ thấy ngay là quan niệm bình quân về sở hữu, và từ đây người ta xây dựng lên cả một xã hội bình quân. Ngoài những thứ bình quân như bình quân trong lao động, bình quân trong chất lượng công việc, bình quân trong vai trò xã hội…, nó sản sinh ra những kiểu bình quân mà thứ tư duy hàng ngày kém cỏi so với loại tư duy lý luận cao siêu khó có thể hình dung ra: bình quân tri thức, bình quân tài năng, bình quân nhân cách… (và đã từng có sự bình quân cả về diện mạo nữa: ăn mặc rập khuôn, coi thường cái đẹp hình thể…)
b. Trong quá trình đổi mới, một mặt tư duy thực tiễn về kinh tế đang thay đổi nhanh, thì mặt khác, tư duy lý luận, cả ở tư duy lý luận kinh tế lẫn tư duy lý luận chính trị, vẫn không thay đổi là bao, nếu không muốn nói là nhìn chung vẫn không thay đổi. Do vậy, chủ nghĩa xã hội bình quân vẫn là cái chi phối sâu xa trong cách nghĩ, cách làm chính sách, và cách triển khai các hoạt động thực tế. Nó diễn ra hàng ngày, bình thường đến độ hiển nhiên trong mọi liên hệ xã hội.
Chừng nào mà chủ nghĩa bình quân đó không được gột bỏ sạch sẽ trong cả tư duy lý luận, lẫn trong nếp nghĩ và thực tế hàng ngày, chừng đó lương còn không được thay đổi cho đúng với vai trò kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của nó.
2. Về hiện thực
a. Cái ngăn trở cuối cùng đối với những cải cách triệt để về lương chính là hiện thực của chủ nghĩa xã hội toàn trị.
Dưới chủ nghĩa xã hội đó, người ta không những cần đến một loại “nhân dân” tuyệt đối ngoan ngoãn, mà còn cần đến những “đầy tớ của nhân dân” tuyệt đối phải giữ và biết cách giữ cho “nhân dân” biết ngoan ngoãn tuyệt đối. Và để cho “đầy tớ của nhân dân” làm được điều đó, bên cạnh việc cho họ những quyền hạn buộc “nhân dân” phải ngoan ngoãn tuyệt đối, họ cũng phải biết ngoan ngoãn tuyệt đối. Từ đây họ một mặt cũng phải chịu những trói buộc tuyệt đối về quyền lực, mặt khác lại có những đảm bảo tuyệt đối về quyền lợi. Đó là những quyền lợi về chính trị, xã hội, và kinh tế.
b. Quyền lợi kinh tế là cái cuối cùng để giữ cho “đầy tớ của nhân dân” ngoan ngoãn thực hiện chức năng giữ cho “nhân dân” ngoan ngoãn.
“Đầy tớ của nhân dân”, cho dù có tách biệt khỏi nhân dân đến đâu, họ vẫn xuất phát từ cái khối nhân dân chung đó; và trong thời đại của thông tin và giao lưu, thời đại của sự lan tỏa những giá trị về dân chủ, xã hội…, họ không thể tránh khỏi có lúc phải nhìn nhận vào thực chất những vấn đề chính trị - xã hội mà họ cũng hàng ngày hàng giờ tiếp xúc. Họ từ đó mà cũng có những phản ứng, phản kháng trong suy nghĩ, nhận thức, và cũng có thể dẫn đến phản ứng, phản kháng cả trong hành động. Cách căn cơ nhất để để ngăn ngừa “đầy tớ của nhân dân” đi đến chỗ như vậy chính là ban tặng những quyền lợi kinh tế mà họ không thể nào từ chối, và không thể nào “phản bội” những quyền lợi đó được, nếu không muốn tự chuốc họa vào thân.
c. Các quyền lợi kinh tế này nếu được ban tặng một cách đường đường chính chính, được đảm bảo minh bạch về luật pháp, và nằm trong tổng thể của công bằng xã hội, thì nó sẽ lại càng làm đẩy nhanh tiến trình nhận thức thực chất xã hội, tăng thêm khả năng phản kháng tư tưởng và hành động ở thành phần “đầy tớ” mà thôi. Vì vậy, hợp lý nhất là ban tặng nó một cách phi lí và phi pháp, để trói buộc họ, để biến họ thành nô lệ của những quyền lợi phi lý và phi pháp đó.
Nếu lương đúng với công việc xã hội, tương xứng với tiêu dùng xã hội, dù là ở mức tối thiểu để tồn tại được, thì nó sẽ không trở thành “động lực” để người ta ngoan ngoãn trở thành nô lệ của những quyền lợi phi lý và phi pháp đó. Mà một khi đã chấp nhận, đã buộc phải bước vào guồng máy của những quyền lợi phi lí và phi pháp, người ta càng dấn sâu vào sự phi lí và phi pháp, càng ra sức bảo vệ sự phi lí và phi pháp với động cơ bảo vệ quyền lợi của chính mình. Và xa hơn, người ta càng ra sức bảo vệ cái xã hội (toàn trị) đã đem lại cho họ những quyền lợi mà họ không thể có được trong một xã hội phi toàn trị, nếu dựa vào chính bản thân họ.
Vậy thì lương cứ bất hợp lý đi, để mà bảo đảm sự tồn tại xã hội của một thành phần xã hội trung thành với chế độ toàn trị như trung thành với chính mình, tức bảo đảm sự tồn tại của xã hội toàn trị đó trên cơ sở một lực lượng xã hội.
3. Hợp nhất của lý luận và hiện thực: biến thể kỳ quái
a. Có thể là chủ trương duy trì lương bất hợp lý như một cơ sở cho sự tồn tại của chế độ đã không có vào lúc khởi điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà cũng không có ở khởi đầu của đổi mới, vì khi đó người ta, nếu không muốn nói là tất cả thì cũng là đa số, thành tâm với việc xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nhưng khi tiếp tục đổi mới, chủ trương đó ngày càng thể hiện một cách có ý thức.
b. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sự lớn mạnh mà không hề có bất kỳ dấu hiệu cáo chung nào của chủ nghĩa tư bản cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, dân chủ của nó, và việc các nước xã hội chủ nghĩa ít ỏi còn lại phải tìm cách hội nhập trở lại vào nền kinh tế tư bản toàn cầu, khiến chủ nghĩa xã hội càng hiện hình như một chủ nghĩa không tưởng hơn bao giờ hết. Dù có che đậy, lấp liếm như thế nào, thì đó là một thực tế mà những người “đầy tớ của nhân dân” cũng không thể không nhận ra. Trước sự xuất hiện của thành phần doanh nhân và bộ phận những người làm kinh tế “tự do”, cùng với sự giàu có và công khai sự giàu có của họ, những người “đầy tớ” không thể không nhận thấy sự cuốn hút.
c. Không có vốn tư bản, vốn tri thức và vốn quản lý, họ sử dụng cái vốn mà không ai khác ngoài họ duy nhất có: vốn quyền lực. Và chính như tác giả Lê Tuấn Huy đã viết: quyền lực công được tận khai để phục vụ cho quyền lợi tư.
Về nguyên thủy, sự tận khai này có sự chính đáng của nó do nhu cầu bức bách của cuộc sống trước một đồng lương bất hợp lý. Nhưng khi đó, sự tận khai này là tận khai trong sạch khi người ta nỗ lực kiếm thêm bằng những công việc chính đáng và thu nhập chính đáng. Nhưng áp lực làm giàu cứ ngày càng tăng trong xã hội, và vào cái thời tranh tối tranh sáng của đổi mới “nửa nạc nửa mỡ” này, những khe hở vô tình và cố ý trong cơ chế và luật pháp cứ nhởn nhơ, trêu ngươi trước những người đầy tớ… Và chuyện gì đến thì đã đến từ lâu rồi, vẫn nói theo lời lẽ của Lê Tuấn Huy, là chuyện lực công và lợi tư.
d. Có chức là có quyền. Có quyền là có lợi. Có lợi là có lực. Có lực là có thế. Có thế lại có lực… Cứ thế mà xoay vần. Tất cả chỉ phục vụ cho nhu cầu làm giàu bất chính, hoặc chí ít là không chính đáng của người có quyền lực.
e. Ở đâu cũng vậy, quyền lực và quyền lợi có nhiều dạng khác nhau. Nhưng không ở đâu như trong xã hội toàn trị, mọi quyền lực để trở thành quyền lực, đều được chuyển thành quyền lực chính trị; mọi quyền lợi để đảm bảo là quyền lợi, đều được chuyển thành quyền lợi chính trị. Loại quyền lực và quyền lợi chính trị đó làm tha hóa mọi quan hệ xã hội. Từ lĩnh vực công quyền như ủy ban, cảnh sát, thuế quan, tòa án…, cho đến lĩnh vực văn hóa - xã hội như giáo dục, y tế, thể thao: chức quyền và quyền lợi, tất cả đều biến thành những cái thuộc phạm vi chính trị.
Để phục vụ cho sự làm giàu bất chính, hoặc để đảm bảo cho thu nhập “kinh tế” của mình, người ta phải tự giác giữ vững quyền lực chính trị, quyền lợi chính trị của mình. Chủ nghĩa cơ hội, với nhiều biến tướng của nó, không giới hạn trong chính trị, kinh tế, mà cả ở văn hóa, học thuật, trở thành một đặc trưng của các quan hệ xã hội.
f. Tham nhũng, lãng phí (để có dịp bỏ túi riêng), nhũng nhiễu, hạch sách, “mãi việc” lan tràn trong xã hội, như một bệnh dịch không có thuốc. Thói hư tật xấu xuất phát từ những người có chức có quyền (phong bì, thượng đội hạ đạp, hạ độc thủ đồng chí, ngăn cản người có thực lực, không minh bạch, sẵn sàng “bán mình”, nhậu nhẹt và tình dục là lẽ sống, v.v.) đã truyền nhiễm sang mọi người, và rất đau lòng, sang lớp trẻ - mà độ tuổi của chữ “lớp trẻ” này thì cứ ngày càng giảm xuống, đang làm băng hoại không chỉ một thế hệ, và (tôi lại thích nhại lại từ ngữ của tác giả mà tôi đang đề cập) đã hình thành cả một nền “đạo đức thiết chế” như vậy.
g. Tiền lương trong bối cảnh đó trở thành kỳ quái cùng với cái thực tế quái đản, khi nó trở thành cái biện hộ cho tiêu cực xã hội và định hình một sắc thái tiêu cực xã hội riêng biệt ở xứ sở này.
Từ ban đầu là một ít nào đó kiếm thêm, dần dần khoản này ngày một lớn, nhiều người tham gia kiếm thêm, tìm chỗ “ngon” để kiếm thêm, và phải biết điều mà “phân phối lại” cho những người đã dành cho mình chỗ để kiếm thêm…, tiêu cực trở nên có hệ thống, từ trên xuống dưới.
Tiêu cực trở thành chuẩn mực quan hệ (mãi lộ, tiêu cực phí, “bồi dưỡng”, “lại quả”…) phần nào được biện hộ bằng tiền lương. Người ta cho rằng “anh – em” vì đồng lương khốn khó mà sinh ra “lệch lạc”, nên cần du di cho nhau. Luận điệu này thực chất là bình thường hóa tham nhũng nhỏ, giảm thiểu mức độ cho tham nhũng lớn. Nó còn là dân sự hóa những quan hệ hình sự, hành chánh hóa thay cho việc thực thi sự chế tài pháp luật.
Một khi đã “ăn xôi chùa” người ta sẽ “nghẹn họng”, không thể không bao che, đến mức công khai và trơ trẽn nhất. (Gần đây báo chí phanh phui nạn mãi lộ của công an và chung chi của hải quan, có những sếp đã khẳng khái rằng mình không biết gì về tiêu cực của cấp dưới, thậm chí cả quyết rằng không có những tiêu cực đó ở đơn vị mình, trong khi ai ai hằng ngày lưu thông trên đường, ai ai hằng ngày tiếp xúc với hải quan, đều biết đến chuyện hạch sách, ra giá công khai, trắng trợn của họ!).
Sự “phân phối lại” trong nội bộ ban đầu là tự nguyện, dần trở thành một quiy tắc, từ sự “tùy hỉ” trở thành có khung qui định, và khung cũng ngày một cao theo mức cao dần của thu nhập tại hiện trường và nhu cầu xã hội. Qui mô và tầm mức khai thác, để vừa đáp ứng nhu cầu làm giàu bất chính cho mình vừa cho những người bảo trợ và cho guồng máy, vì thế mà cứ tăng lên, tăng lên, vượt ra ngoài tầm mức khống chế mà những người bảo trợ dự trù để có thể vừa đảm bảo thanh danh, vị trí quyền lực, vừa đảm bảo các khoản thu. Tiêu cực trở nên không thể kiểm soát, “kiểm soát” trở lại lên chính những người kiểm soát tiêu cực, những người dự trù một mức độ tiêu cực có kiểm soát, mà sự biện hộ, bình thường hóa, sự bao che như vừa nói cũng chỉ là những biểu hiện dễ thấy nhất.
h. Tiền lương trở thành công cụ khống chế thành phần công quyền trong vòng tuân thủ và trung thành tuyệt đối những quyền lực tối cao. Điều này đã được nói đến ở phần (2.) bên trên. Ở đây muốn nhấn mạnh đến tính quái đản của nó, là từ cái cớ tiền lương, người ta ban tặng cho người “đầy tớ” những quyền lợi phi lí và phi pháp, biến nó vừa là củ cà rốt vừa là cây gậy (chứ không phải 2 công cụ tách rời nhau) để thưởng công hoặc trừng phạt.
Khi “về mặt vi mô” anh vẫn ngoan ngoãn cung kính, cung phụng lên trên, “về mặt vĩ mô” anh vẫn ngoan ngoãn trung thành với nhiệm vụ buộc các “ông chủ” ngoan ngoãn, thì anh vẫn thỏa thích xơi cà rốt; ngược lại, củ cà rốt đó sẽ lập tức biến thành cây gậy xoáy vào tận họng (và sâu hơn nữa) khi anh còn đang ngậm nó. Dễ hiểu mà, cà rốt này có phải do mình trồng đâu, có được từ đi bắt chẹt người khác phải cống nạp hoặc lấy ra từ trong kho thu hoạch chung, thì vốn đã là đối tượng trừng phạt của luật pháp rồi, có điều là người ta muốn cho anh nuốt trôi nó hay sẽ trừng phạt anh. Điều đó tùy thuộc vào anh phải biết tự kiểm soát sự trung thành với nhiệm vụ “đầy tớ” của mình, không phải với nhân dân nữa, mà với những người đã cho anh những quyền lợi phi lý và phi pháp đó.
i. Cơ sở lý luận và chính sách trên giấy thì bình quân chủ nghĩa, trong khi thực tế thì lại không như vậy, và tất nhiên những ưu đãi (phi lí và phi pháp) là dành cho “đầy tớ” của nhân dân, lại tiếp tục sinh ra những thực tế kỳ quái khác:
Lương cực thấp, và lương thực tế cứ ngày càng đi xuống do giá cả đi lên, nhưng “đầy tớ” thì cứ ngày càng phất và càng công khai sự phất của mình, giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi đọc ở đâu đó câu hỏi rằng “ai sống bằng lương?”, câu trả lời là gì thì mọi người đã biết. Người còn tự trọng thì có một ít lương “bổng” nào đó. Nhưng cái “bổng” đó ở những người có quyền lực đi lên cùng với quyền lợi, thì trở thành lương “lậu”, từ sự lương “lẹo” và bất “lương”.
Lương thì thấp, thu nhập bình quân cũng vậy. Biện hộ cho việc không thể có được đồng lương đúng với thị trường, người ta nói đến quĩ lương hạn chế, tính bằng tiền bản xứ của một nước nghèo. Khi “thuyết minh khoa học” cho việc xây dựng những giá cả dịch vụ do nhà nước độc quyền (viễn thông, điện lực, nước sạch…), luôn cao hơn nhiều lần so với thu nhập, và chiếm tỉ lệ lớn trong thu nhập bình quân của người dân, thì người ta so những mức giá đó với giá thế giới, tính bằng đôla Mỹ (mà dân đen không kiểm chứng được độ chính xác). Có sao đâu, đám công chức kắc ké bên dưới thì gần dân, có nghĩa gần với tính “ông chủ” hơn, mà đã là “ông chủ” thì không cần bận tâm nhiều, chỉ lo cho thân phận của những “đầy tớ” thôi. Và giá tính theo đô thì cứ theo đô, vì “đầy tớ” đã được những khoản trợ cấp, trợ giá cho các nhu cầu từ tối thiểu đến xa xỉ rối. Đó là còn chưa kể những ưu đãi về nhà đất, qui hoạch mà từ thông tin cho đến triển khai thực tế, đều là những “mảnh đất” được phân vùng cho từng cấp, từng khu vực, để “đầy tớ” ở đó được thỏa sức khai thác nữa.
Người ta cứ nói không có tiền để tăng quĩ lương ngang giá thị trường, nhưng lãng phí, tham ô, tham nhũng, từ ban đầu chỉ là hàng chục, trăm triệu, rồi là tỉ, trăm, ngàn tỉ, nay đã đến chục triệu đôla (và sẽ tiếp tục leo thang?) thì sao?
4. Cải cách lương đi về đâu?
a. Trước tiên xin nói với tác giả của bài viết mà tôi đề cập. Đôi chỗ trong bài viết của tôi có vẻ như lời lẽ mỉa mai đối với anh, nhưng thật tâm tôi không phải vậy, tôi chỉ thấy thương hại cho sự bức xúc mà anh thể hiện trong bài viết. Có ai trên đất nước này còn sống bằng lương không mà anh lại phải vất vả thuyết phục để người ta có một cuộc cải cách lương tương xứng? Không lẽ là còn lại anh hay sao? Trong bài viết, anh nói lên được nhiều sự thật, nhưng nó chưa đủ để là toàn bộ sự thật bản chất của vấn đề lương. Nó chỉ là một nửa sự thật, mà người ta nói nửa sự thật thì không thể là sự thật.
Để bù đắp cho sự bức xúc của anh, hãy cho tôi làm một ông thầy bói bất đắc dĩ, đưa ra một “tiên đoán” cho anh và độc giả về vấn đề này:
b. Cải cách lương sẽ tiếp tục chỉ là những chắp vá nửa vời, không đi đến đâu cả, trừ khi người ta thật lòng muốn cải cách nó. Chỉ khi nào có những cải cách xã hội thật sự, dân chủ thật sự, thì tiền lương mới được cải cách thật sự. Khi có cải cách tiền lương thật sự, thì chính là người ta thật sự thật tâm cải cách xã hội, cải cách dân chủ. Và chỉ khi nào tiền lương đã được cải cách thật sự thì khi đó mới đã có cải cách xã hội thật sự, dân chủ thật sự.
10/8/2004
Hoằng Danh
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...