Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

150 diễn viên = 75 cân thịt

150 diễn viên = 75 cân thịt?

Buổi sáng, mở báo ra [1], ở trang 2 có một cái ảnh, chụp một lũ trẻ con chăm chú xem một đàn vịt trượt cầu tuột xuống hồ nước. Bên cạnh là tin:
150 "diễn viên" vịt… bị thiêu
"150 diễn viên vịt tại khu du lịch sinh thái dân tộc thiểu số Củ Chi đã phải chia tay vĩnh viễn với sàn diễn vì bị tiêu hủy toàn bộ để tránh dịch cúm gà. Như vậy du khách còn lâu mới lại được xem tiết mục xiếc vịt độc nhất vô nhị ở đây, vì ngay cả khi dịch cúm gà đã được khống chế thì phải mất ít nhất nửa năm mới 'đào tạo' được một đàn diễn viên vịt khác để biểu diễn…"
Khi đem đi thiêu sống 150 con vịt đã được huấn luyện, hàng ngày vẫn biểu diễn cho trẻ em xem, cái khu du lịch sinh thái trên hẳn đã coi hành động hy sinh của mình là một sự cao cả, hoặc cũng có thể chỉ quan niệm một cách đơn giản, là "thiêu có 75kg vịt thôi mà!", (tôi cho là nửa cân một con đi).
Trẻ con đọc tin xong, thắc mắc: "Nhưng người ta có nói bọn vịt này bị cúm đâu?", "Sao không nhốt bọn nó riêng ra, cho uống thuốc phòng? Khi nào hết dịch cho ra diễn lại?"… Trẻ con! Đúng là cái bọn máu còn ấm, chưa lạnh như người lớn. Có lẽ trong ban quản lý các sở thú, các khu sinh thái cũng nên có chúng nó.
Gần hai tháng nay, dịch cúm gà thì ai cũng thuộc. Trong chương trình thời sự mỗi tối đều có tin hủy gà. Hình như đối với những nhà làm tin, cảnh bỏ gà chết vào bao, vứt xuống hố là chưa đủ sinh động và thời sự, nên có thêm rất nhiều cảnh nhồi gà lớn đang giãy giụa, vứt gà con đang vùng vẫy vào lửa.
Báo chí cũng sôi nổi đưa tin. Trên một tờ báo thứ Hai vừa qua giật tít lớn: "Một số tỉnh mạnh tay tiêu hủy gà sống", và bức xúc hỏi: "Bao giờ mạnh tay hơn trong tiêu hủy gà sống?", nghe thật đáng sợ (cho người viết báo). Giá như người viết bài nào, người làm tin truyền hình nào trong nhà cũng đang chứa chấp vài con gà, thì may ra trong cách đưa tin mới có được sự thương nông dân. Người nuôi gà trông chờ vào cả đàn gà. Giờ vì việc chung, cần bảo vệ cộng đồng mà phải đem chúng đi giết, thì phải giết. Nhưng đó làm cơm áo, là mồ hôi, là cả những dự định bị tan tành của người ta, chưa kể, đó còn là tình cảm của người ta. Cúm gà là một "tai nạn". Người đưa tin, làm báo ắt không thể đứng ngoài dửng dưng tường thuật tai nạn của người khác theo cái lối "máu lạnh" đó được.
Cho nên, thỉnh thoảng đọc được những tin "đầy tính người" về dịch bệnh thì mừng vô kể, thí dụ như tin người ta không tiêu hủy đàn cò ở vườn cò, mà tận tâm vệ sinh vườn cò để bảo vệ chúng; Hay Thảo Cầm Viên TPHCM với kế hoạch "nội bất xuất, ngoại bất nhập", xịt thuốc chuồng để giữ cho đàn chim khỏi dịch… Cũng thế, hôm trước, trên một tờ báo có đăng một bức ảnh thật cảm động, chụp một con gà con đang được bế cho uống thuốc chủng. Đó cũng là ảnh nói về cúm gà, nhưng cúm gà ở một nước khác. Chắc chắn là ở nước đó, người ta cũng phải tiêu hủy gà bệnh, gà dịch thôi, để ngăn ngừa dịch; Nhưng cái quan điểm mà người chụp ảnh kia và tờ báo kia muốn mang đến cho người dân là quan điểm "cố bảo vệ mầm sống", dù đó là mầm sống của một con vật thấp kém hơn ta rất nhiều. Và thật ra, không biết động lòng trước mầm sống thì làm sao bảo vệ mầm sống được?
Thế thì, cứ yêu thương con vật đi, còn con người thì sao? Những người mất mạng vì cúm gà thì sao? Người ta sẽ thộp cổ tôi mà hỏi.
Cho đến hôm nay, báo chí vẫn đưa tin theo kiểu: "Đã có 119 người vào viện vì viêm phổi do virus (nghi do cúm A). Trong đó xác định có 15 người là cúm A. Tử vong 10 người".
Đọc tin đưa theo kiểu này, hai con số sau có lẽ sẽ gây chú ý nhất: 119 và 10. Không ai rảnh mà làm phép tính
119 - 15 = 104
104 là số bệnh nhân mà người ta chưa xác định được là cúm gì, bệnh gì. Cứ ghi vào cho chắc ăn là "nghi cúm A" cái đã. Và nếu những người đó khỏi bệnh, ra viện, bác sĩ sẽ thở phào, "Không phải cúm A", mà cũng không tìm hiểu xem, vậy thì thực chất họ mắc phải chủng virus gì mà cũng làm sốt cao, khó thở… như cúm A? Cách đưa tin như thế, tuy có tác dụng làm người ta không liều ăn thịt gà bệnh nữa, nhưng thực ra lại rất lù mù, không thực chất, làm hốt hoảng không đúng mức, chưa kể là còn che lấp những bệnh khác
Nhưng thôi, tôi cũng phải kết thúc bài, bằng cách quay trở lại cái tin ở đầu bài:
"… Để thay thế tiết mục vịt bị xóa sổ này, khu du lịch sinh thái dân tộc thiểu số đã xây dựng tiết mục mới là đua heo cũng khá hấp dẫn và độc đáo."
Thương thay, mấy con heo! Rơi vào tay cái ông khu du lịch máu lạnh này, thì dù có giỏi giang đến mấy, cũng đừng mong được bảo vệ một khi các ông ấy cần an toàn. Nhưng biết đâu đấy, may ra với phong cách "phần xác át phần hồn" của cái khu du lịch này, mà con heo - vì nhiều thịt hơn con vịt - nên sẽ sống?.
Chú thích:
[1] Báo Tuổi Trẻ, số ra thứ Năm, 5.2.2004.
9/2/2004
Thảo Hảo
Nguồn: Thể thao - Văn hóa, 6.2.2004
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...