Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Văn hóa nhậu? - Tản mạn của Trần Danh Thùy

Văn hóa nhậu? - Tản mạn
của Trần Danh Thùy

Có hay không cái gọi là “văn hóa nhậu”?
Thứ nhất, “nhậu” là một từ không hàm nghĩa “văn hóa”.  “Nhậu” là một hành động hàm nghĩa tổng hợp của “ăn” và “uống” nhưng nghiêng về “uống” hơn vì người nhậu thực sự thì uống nhiều hơn ăn. Còn nếu ăn nhiều hơn uống thì không được gọi là… nhậu. Người viết bài này cách đây hơn chục năm từng được một cô bạn có chồng là một quan chức đầu một huyện của một thành phố hỏi: “Ông có biết nhậu không?” – Biết! – Uống được mấy chai? – Thường thì một chai. Vui thì hai chai! – Hai chai mà nhậu cái gì?
Nhưng hàm nghĩa “uống” trong “nhậu” cũng không là “uống” bình thường mà là uống rượu (hoặc bia, hoặc một loại nước có cồn – với những nồng độ khác nhau – nào đó) tức là một thứ chất lỏng không phải để giải quyết cái nhu cầu cơ bản của con người là “đói ăn, khát uống” vì trong nó có hàm chứa một hàm lượng methyl alcohol nhất định. Hàm lượng này nhiều hay ít là tùy theo… “lương tâm nghề nghiệp” của nhà… sản xuất rượu bia.
Thứ hai, “văn hóa”, về một phương diện nào đó – là một từ có hàm nghĩa về giá trị tinh thần cao độ về sự sáng tạo của con người và xã hội; là sự thỏa mãn về nhu cầu về đời sống tinh thần cao đẹp cũng như cách cư xử tốt đẹp giữa con người với nhau; là những tập quán có giá trị về lịch sử, nhân văn… của một xã hội…
Ngày nay, người ta có rất nhiều lý do để… nhậu và nhiều khi chẳng có lý do gì cũng… nhậu: nhậu cho vui, nhậu cho đỡ buồn, nhậu đỡ ghiền, nhậu chơi, nhậu để nhậu, nhậu là nhậu, nhậu tới bến.
Và, người ta có thể dễ dàng biến bất cứ một sự kiện hoặc event nào đó có sự hiện hữu ít nhất từ hai người trở lên với một mục đích ban đầu có thể là quan trọng, hoặc có ý nghĩa, hoặc vui, hoặc buồn… thành một cuộc nhậu: người ta có thể biến một cuộc họp mặt, hoặc một buổi liên hoan, hoặc một đám cưới, hoặc một đám giỗ, hoặc một tiệc sinh nhật… thành một… cuộc nhậu. Và trong cuộc nhậu đó, những sự cố rất có thể sẽ xảy ra.
Có những cuộc nhậu mà mọi người phải tuân theo… “luật” hoặc từ lâu đã thành “luật bất thành văn” như: “ngồi-50, đứng-100” (phần trăm); “phạt-3-ly”; “quay-đầu-gà” … hoặc do một “nhân vật quan trọng” (thường được gọi là “chủ xị”) trong cuộc nhậu đó đặt ra. Thí dụ: ai tham gia cuộc nhậu phải uống ít nhất là 4 chai (bia) trong 1 tiếng đồng hồ đầu tiên; ai xỉn đầu tiên phải trả tiền cuộc nhậu.
“Quy trình” phổ biến của một cuộc nhậu thường bắt đầu rất rôm rả và khí thế. Nói chung rất… vui vẻ. Thế rồi, “chén tạc, chén thù”. Thế rồi, “chén chú, chén anh”. Thế rồi, “rượu vào, lời ra”. Thế rồi, “mâu thuẫn”. Thế rồi, “giải quyết mâu thuẫn”  bằng nỗi buồn, bằng sự ray rứt, bằng sự hận thù, bằng miệng, bằng tay chân, bằng hàng nóng, bằng đổ máu, bằng thương vong… là chuyện thường xảy ra do… nhậu. Vì nhậu (tức vì rượu) bao nhiêu cảnh tang thương đã xảy ra cho nhiều người, nhiều gia đình. Ma men đã làm hỏng nhiều tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng, đạo cha con, nghĩa hàng xóm láng giềng…
Chuyện cha xỉn giết con say ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; chuyện con đánh chết cha say ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; chuyện chồng say đâm chết vợ ở
huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng… cách đây khá lâu là những tiếng chuông vang vọng. Thế nhưng, bạn giết bạn trong cuộc nhậu vì những lý do “lãng xẹt” như bị phạt rượu mà rót đầy ly (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), không uống rượu mời (quận 7, TP.HCM), uống rượu ăn gian (TP. Mỹ Tho)… mới là những nỗi nhức nhối tột cùng…
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nước ta, hàng năm số vụ tai nạn giao thông xảy ra là 4 con số và số người thương vong là 5 con số. Trong số đó, nguyên nhân từ “ma men dẫn lối” chiếm 70%.
Một trong những thống kê của ngành y tế nước ta và thế giới cũng cho thấy cũng ngần ấy phần trăm là nguyên nhân chính dẫn đến những căn bệnh trầm kha như xơ vữa động mạch, ung thư gan, thận…
Một hoạt động mang đến nhiều hệ lụy như vậy liệu có thể gọi là “văn hóa”?.
23/9/2023
Trần Danh Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...