Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Gương mặt chiến tranh

Gương mặt chiến tranh

Cứ đến những ngày tháng Tư này, cảm xúc trong tôi lại bừng dậy. Tôi nhớ cái không khí khó diễn tả tháng ngày đặc biệt đó: xúc động, náo nức, mong chờ, khắc khoải, vui buồn, hy vọng đan xen…
Những gương mặt rạng ngời khi theo dõi bản đồ thông tin cắm cờ chiến thắng đặt nơi công cộng… Những nụ cười tươi rói hướng lên loa phóng thanh liên tục báo tin thắng trận. Như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết:
“Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên
Quét Huế – Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng
Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên
Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang
lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng
Đường tiến quân ào ào chiến thắng

Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!…”
(Toàn thắng về ta – Tố Hữu)
Tôi còn nhớ ở cửa bưu điện, một bác đeo kính hào hứng hô to lên câu thơ quen thuộc của Chế Lan Viên: “Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”.
Lũ trẻ chúng tôi như bị cuốn vào cái không khí thiêng liêng, náo nức, háo hức chờ đợi ngày thống nhất đất nước sau hơn hai mươi năm Bắc Nam chia cắt ấy.
Rồi ngày ấy đã đến, giờ khắc thiêng liêng: 11h30 phút ngày 30.4.1975. Những dáng người bất động, những gương mặt cười mà mắt lệ nhòa khi bản tin chiến thắng vang lên trên đài, qua loa phóng thanh, cùng bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên âm vang, lan xa, thấm sâu vào tận trái tim rồi nhanh chóng tỏa lan trên môi mọi người già trẻ, lớn bé… cho mãi đến hôm nay…
Cái không khí bên ngoài là vậy nhưng về đến nhà, bên cạnh nụ cười, tôi bắt gặp những giọt nước mắt và sự khắc khoải của bà, của mẹ. Dù còn nhỏ, tôi hiểu ý nghĩa những giọt nước mắt ấy, vì từ tấm bé, tôi lớn lên giữa những người phụ nữ, lớn lên trong lời ru, câu hát gửi gắm bao nỗi niềm của bà, của mẹ trong những đêm dài dằng dặc đợi chờ…
Tôi cũng chứng kiến những giọt nước mắt của bà của mẹ khi tiễn chồng, tiễn con, tiễn cháu vào chiến trường và khi nhận những lá thư xám màu máu khô cùng thuốc súng…Những giọt nước mắt lặng lẽ, cố giấu…Hôm nay, ngày hòa bình sắp đến, liệu những người thân yêu có trở về? Ước gì ngày thống nhất trọn vẹn niềm vui!
Lớn lên trong chiến tranh giữ nước, tôi không sợ mà căm ghét chiến tranh. Chiến tranh làm người thân chia lìa, làm những đứa con gái tình cảm như tôi mà khi cha về nhất định không chịu gọi là cha, không cho cha vào nằm giường cùng mẹ trong kỳ nghỉ phép hiếm hoi. Điều mà sau này đọc “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi khóc mãi vì thấy chính mình trong đó.
Tôi nhớ tiếng còi báo động căng thẳng và bầu trời chớp sáng suốt đêm. Tiếng rít của máy bay F4, F111 khi bổ nhào cắt bom to như cái thuyền lớn, đen trũi ngay trên đầu khi không kịp xuống hầm trú ẩn. Tôi nhớ tiếng bom nổ liên tu bất tận khi B52 rải thảm và tiếng những mảnh đạn, mảnh pháo, rốc két bốc lửa veo véo, rào rào văng, xé tướp các bụi tre gai chằng chịt quanh làng…
Có lẽ còn nhỏ, lại sống trong bom đạn nên chúng tôi không biết sợ mà thành quen đi chăng?
Tôi nhớ có lần máy bay đánh rát lắm, mẹ tôi không đi làm được, mấy mẹ con trú ẩn dưới hầm. Mẹ vặn cây đèn dầu, lấy cuốn sách trong hốc, đọc cho chúng tôi nghe đến đoạn chị Sứ bị trói vào gốc dừa trong đêm trăng xứ Hòn, trong truyện “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức, mấy mẹ con đã khóc khi chị ấy bị giết, quên cả bom đạn ầm ầm trên đầu. Đến lúc còi báo yên, mở nóc hầm thấy trên sân đầy viên bi như bi xe đạp, góc làng bên kia nhà cháy, người bị thương…
Tôi nhớ có lần, mấy anh em bé xíu ở khu sơ tán theo trẻ trong làng mang rổ rá đi hôi cá, hớt tép ở vũng đìa đầu làng để lấy cái ăn, hôm sau mẹ tôi hoảng hồn vì nơi đó phát hiện có quả bom nổ chậm.
Tôi nhớ anh chị em tôi, “mèo tha chuột” trông nhau dưới hầm, sung sướng hò reo khi thấy máy bay giặc cháy như bó đuốc giữa trời trong đêm bom đạn dữ dội để rồi sáng sau nghe tin ngôi trường xã bên cháy và có mấy bạn học sinh tử vong…
Trong bom đạn, chết chóc vẫn phải sống, chiến đấu và học tập. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy cô bế chúng tôi xuống hầm, cúi người che cho học trò chạy dưới những đường hào sâu dằng dặc. Tôi nhớ những chiếc hầm chữ A mà chúng tôi dùng chiếc cuốc bé tý rẫy những vuông cỏ đắp lên cho dầy và bẻ lá sắn chăng đèn kết hoa, làm đồ chơi dưới ấy không biết chán…
Chiến tranh, xa cha mẹ khiến lũ trẻ chúng tôi biết tự lập sớm, biết mót lúa, mót sắn khoai, bắt cua, bắt ốc nuôi nhau…chắc lớp trẻ bây giờ không thể nào tưởng tượng nổi.
Bé xíu, đã biết thương bà, thương mẹ vô cùng. Xóm làng chỉ thấy bóng người già, phụ nữ, con trẻ. Những tiếng ru buồn về thân cò, thân vạc lặn lội ngân nga đêm ngày dưới bóng tre làng, đến con trẻ cũng biết hát ru em với bao câu ca dao, dân ca truyền thống.
Tôi nhớ lắm dì út xinh đẹp của tôi khi xung phong vào chiến trường, bà tôi đã rơi bao nước mắt. Không chỉ ngày dì đi mà bao tháng ngày dằng dặc sau này, ngay cả khi dì trở về với mái tóc mây dài chỉ còn xơ xác và đôi má hồng hóp lại, xám đen vì sốt rét rừng và chất độc da cam…
Tôi nhớ lắm anh tôi khi mới 16, 17 tuổi, trong gian khó mà vẫn lớn phổng phao, đứng gồng tay cho lũ em đu. Anh tôi đã giấu bà, giấu mẹ viết đơn bằng máu ba lần, khai tăng tuổi để xin vào bộ đội, đi khám tuyển giấu thêm cả đá, cả sách trong người để đủ cân. Bà và mẹ tôi đã khóc khi đột ngột biết tin anh trúng tuyển nghĩa vụ và hôm sau hành quân ngay vào chiến trường, vừa đi vừa huấn luyện…
Tôi nhớ mãi vòng tay anh bế và lời anh dặn dò các em: Các em ở nhà phải ngoan nhé! Đi học thì gắng học cho giỏi! Thay anh giúp đỡ ông bà, cha mẹ… Chiến thắng anh sẽ trở về, sẽ có quà cho các em!
Anh tôi đã mãi mãi không trở lại, để đến hôm nay, tôi đã có cháu rồi, vẫn khao khát vòng tay ôm và chiếc khăn dù anh hứa sẽ mang về cho em gái ngày chiến thắng… Nước mắt của bà, của cha mẹ, lũ em suốt mấy chục năm qua vẫn không ngừng rơi vì không biết anh nằm lại nơi nào ở mảnh đất phương Nam, anh có biết không?
Ký ức chiến tranh trong tôi là vậy đó… Đến bây giờ chưa nguôi! Là hình ảnh đoàn tụ rơi nước mắt của gia đình ngày độc lập. Là ngày hai bác ruột của tôi bặt tin sau hơn hai chục năm, khi thống nhất đất nước tìm về nức nở trong vòng tay mẹ. Là nỗi thương dì và đồng đội cũ lần lượt bị bệnh hiểm nghèo vì nhiễm chất độc da cam ngày ở Trường Sơn… Là anh rể tôi cùng các cựu chiến binh bạc tóc vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội…
Nỗi buồn chiến tranh còn nối dài khi các anh, các bạn của tôi vào lính, sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đi bảo vệ Trường Sa và tham gia trận chiến biên giới phía Bắc. Đã có thêm bao giọt nước mắt những tháng ngày bi hùng ấy, ngay cả lúc tôi nhặt những lá thư các anh rải xuống dọc đường nhờ đồng bào gửi hộ khi hành quân vội trong đêm. Tôi đã khóc khi đoàn xe qua, các anh còn dặn với lại: “Các em ở nhà học cho giỏi nhé! Chào các em! Các anh đi đây! Hẹn ngày chiến thắng!” Không biết trong số ấy, có ai đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng biên cương? Tôi đã từng viết về tâm trạng ấy:
Bốn chục năm rồi những người lính thân thương
Ai đã trở về? Ai còn nằm lại?
Những cánh thư bay trong lòng em bay mãi
Phía chân trời… thăm thẳm sắc biên cương…
Có đất nước nào khổ đau như đất nước Việt Nam không? Trong mấy ngàn năm lịch sử thực sự chỉ có mấy trăm năm hòa bình. Hàng núi xương, sông máu đã tạc hình dải đất dáng mẹ lưng còng này. Đất nước của những người mẹ bất đắc dĩ trở thành anh hùng. Không chỉ ” ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, mà có mẹ đến chín, mười lần như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam (chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại hy sinh). Mỗi lần nghĩ đến các mẹ, tôi lại nhớ đến mẹ chồng tôi – một người vợ thương binh, mẹ liệt sĩ – đêm đêm về sáng, mẹ ngồi lặng phắc in lên vách tường, lặng lẽ khóc. Chồng tôi bảo, mẹ như thế từ khi nghe tin anh Cả hy sinh. Cứ vậy suốt mấy chục năm cho đến ngày mẹ lên đường gặp anh…
Đã nhiều lần, tôi định viết những hồi ức về chiến tranh qua chính ký ức của mình và những người thân nhưng nỗi buồn kéo lại. Cũng đã bao lần tôi đọc những thiên hồi ký của các nhà văn cựu chiến binh thời chống Pháp, chống Mỹ. Phần nhiều những trang giấy đều thấm đẫm nước mắt.
Cũng như khi tôi đứng trước những tượng đài liệt sĩ, trước bạt ngàn những ngôi mộ có tên và không tên ở các nghĩa trang Điện Biên, Trường Sơn, Côn Đảo, Hà Giang… những giọt nước mắt giàn dụa rồi chảy ngược vào tim, đắng chát, nghẹn ngào…
Tôi thường nói với học trò rằng: Mỗi tấc đất chúng ta bước lên hôm nay là lớp lớp mồ hôi, xương máu của ông cha bao đời bồi tụ lại. Chúng ta không có quyền làm mất dù chỉ một tấc đất, một ngọn sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Và mỗi khi lòng ta yếu đuối, hãy làm những chuyến hành hương về nguồn, đến với những di tích lịch sử, những nghĩa trang liệt sĩ để gột rửa lại tâm mình và tiếp thêm sức mạnh, chiến thắng những “viên đạn bọc đường”, chiến thắng mọi cạm bẫy, thử thách của cuộc sống hòa bình hôm nay.
Đất nước còn muôn vàn gian khó. Còn đó những kẻ thù vô hình và hữu hình. Chúng ta hiểu rõ cái giá phải trả cho hòa bình, độc lập, tự do. Chúng ta trân trọng và nâng niu những ngày bình an, khao khát sống hòa bình. Nhưng kẻ thù nào dám động đến chúng ta, tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và dòng máu bất khuất, anh hùng cuồn cuộn chảy trong tim mỗi người dân con Lạc cháu Hồng sẽ trào dâng, nhất định nhấn chìm quân xâm lược.
Mỗi một tháng Tư về, máu và hoa, vinh quang và cay đắng, nước mắt và nụ cười… lại hiện về cùng gương mặt chiến tranh.
2/5/2024
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...