Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Ký ức chợ quê

Ký ức chợ quê

Tôi ở làng Phú Vang, nay thuộc xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trước đây, làng chỉ có trường tiểu học sơ cấp.
Hết lớp ba thi sơ học, đậu lên lớp nhì phải xuống trường tiểu học xã Lộc Thuận học ké. Lên lớp nhất, đậu tiểu học phải học lớp tiếp liên, gọi là lớp chuyển cấp, để thi lên lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ).
Có lẽ Lộc Thuận là xã lớn ở Bình Đại nên có trường tiểu học đến lớp đệ thất và có tới 2 cái chợ cũng khá lớn: Lộc Thuận ngoài và Lộc Thuận trong. Chợ ngoài vì nó ở gần sông, chợ trong vì nó ở gần lộ đá – con lộ lớn từ trung tâm thị trấn (hồi đó còn là huyện) chạy lên tỉnh Bến Tre.
Ngày nhỏ, 5-6 tuổi, tôi thường được má dẫn theo lúc bà đi chợ Lộc Thuận ngoài (vì chợ Phú Vang nhỏ, là chợ chồm hổm, chỉ bán vài thứ lặt vặt). Ký ức của một đứa trẻ theo má đi chợ xa, trên con đường đất viền hai vạt cỏ xanh, chạy giữa hai cánh đồng làng mênh mông vào mùa lúa cấy hay khi xong vụ gặt giáp Tết thật đẹp, tôi nhớ mãi.
Khi được học Trường Tiểu học Lộc Thuận, tôi đã 9-10 tuổi, vì nhà xa nên mang theo cà-men cơm để buổi trưa ở lại lớp ăn, chờ giờ học buổi chiều (hồi đó học ngày 2 buổi). Buổi trưa ăn cơm xong tại lớp, tôi và mấy đứa bạn rủ nhau ra chợ Lộc Thuận ngoài chơi. Chợ buổi trưa thưa người, nhà lồng rộng thênh thang thoang thoảng mùi vải mới, mùi cây trái, mùi hành tỏi hăng hắc, mùi đường ngòn ngọt… Cái mùi chợ trưa vắng người cứ đi mãi vào ký ức tôi tới tận bây giờ.
Thỉnh thoảng tôi mới có dịp được vào chợ Lộc Thuận trong, tất nhiên cuốc bộ. Đi thẳng từ nhà vào lộ đá tới chợ thì đường xa hơn so với đi từ trường tôi học. Nhưng đường nào cũng tới ngã ba Lộc Thuận và lộ đá, đây là khu vực thị tứ sầm uất, phố xá buôn bán, tiệm cà phê, hũ tiếu, tiệm sửa xe, hớt tóc…
Chợ nằm sát lộ đá, đối diện ngã ba. Nhà lồng chợ Lộc Thuận trong cũng lớn như nhà lồng chợ Lộc Thuận ngoài. Thỉnh thoảng có gánh hát cải lương về hoặc đoàn mô tô bay ghé lại diễn, nhà lồng chợ được bao lại bằng vải bạt dày. Xe lôi quảng cáo chạy khắp mấy làng xung quanh; tiếng trống thùng thùng, thúc giục người làng đi xem hát.
Bây giờ, có dịp về quê, tôi vẫn hay đi chợ Lộc Thuận ngoài và chợ Lộc Thuận trong như đi tìm kỷ niệm xưa. Tôi lần theo dấu vết tuổi thơ trên đường đất lầy lội, bụi cát, gió lộng, tóc khét nắng… với nỗi ngậm ngùi sâu kín, nhớ lại trường học, gương mặt thầy cô, những đứa bạn kẻ mất người còn nhưng không được gặp lại.
Có một thời gian, chợ Lộc Thuận trong đổi tên thành chợ Lộc Sơn – cái tên rất xa lạ, chẳng tạo xúc cảm gì. Với tôi, cái tên ấy lại càng vô cảm.
Nhưng may sao, gần đây chợ được xây mới, khang trang hơn, đổi lại tên cũ là Lộc Thuận. Mỗi lần về quê, đi chợ chỉ để uống cà phê, tôi thích ngồi quán cóc ngay ngã ba để ngắm chợ, như ngắm bóng dáng tuổi thơ đã gắn liền với mấy đời chợ sớm, chợ trưa và bồi hồi, xúc động như đã tìm được thứ hạnh phúc vàng đã đánh mất sau những năm tháng bụi mờ.
14/4/2024
Từ Kế Tường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...