Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Đom đóm và hoa gạo

Đom đóm và hoa gạo

Hoa gạo - ở những vùng miền khác của đất nước còn có những tên gọi khác nhau. Ví như ở Tây Nguyên gọi là hoa Pơ Lang gắn với ca khúc đặc sắc “Em là hoa Pơ Lang” của nhạc sỹ Rơ Chăm Pheng “Anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái/nhớ cánh hoa Pơ Lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”. Và cây cũng như người cùng một ý chí quật khởi, lập nên những chiến công vang dội: “Anh có biết buôn làng khắp Tây Nguyên hùng vĩ/ Quyết tâm tiêu diệt Mỹ”. Để rồi vẻ đẹp lộng lẫy rực trời nơi đây ở xứ “Tây Nguyên này có bao cô gái/đều là hoa Pơ Lang”!
“Bao giờ đom đóm bay ra
 Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tục ngữ, ca dao về chủ đề lao động sản xuất lại đúc kết một trong những câu như thế, vì đó là ”kho tàng”, là sản phẩm, là kinh nghiệm bao đời mà cha ông ta truyền lại. Nghe câu ca dao đó, có người đơn giản cho rằng: Thì đó là người làm nghề nông phải nắm bắt quy luật của thời tiết, thời vụ để áp dụng chứ sao? Đúng, giản đơn là thế nhưng có biết rằng, chính đom đóm và hoa gạo lại là “đốm sáng” và “đốm lửa” hằn in và theo suốt hành trình mỗi cuộc đời.
Tuổi thơ tôi gắn với làng quê trung du với những rừng cọ, đồi chè lúp xúp, những nương ngô, bãi sắn, với cả những “sóng lúa mênh mông cuộn đổ về”. Suốt quãng đời đi học phổ thông, ánh sáng bên trang sách học trò là ánh đèn dầu leo lét. Còn nhớ cứ hết mùa xuân sang đầu mùa hạ, đom đóm từ đâu bay ra như muôn vàn ngôi sao nhấp nháy khắp sân vườn, đồi nương; như những ”hạt ngọc” lấp lánh trên những ngọn lúa chiêm đang ngái ngủ thì con gái. Lũ chúng tôi rượt đuổi bắt những con đom đóm đực, vì chúng phát sáng mạnh hơn.
Do chúng bay cao hơn và nhanh hơn nên bọn tôi phải “huy động” cả chổi rơm, chổi cọ để quạng chúng xuống, rồi bỏ vào ông tiêm, lọ Penexilin, lọ mực Cửu long hoặc ống thí nghiệm bằng thủy tinh. Và bên ánh đèn dầu, có ánh đèn đom đóm sáng xanh, chập chờn hắt xuống những bài toán, những câu văn chúng tôi tập viết buổi đầu đời… Thấy chúng tôi nô đùa và “thi” đèn đom đóm đứa nào sáng hơn, đẹp hơn, mẹ tôi bảo “Bắt làm gì chúng hở các con. Loài đom đóm hôi lắm, nhưng nó có ích đấy.” Rồi bà lẩm bẩm “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống…” để chuẩn bị sàng xảy chọn giống những hạt vừng, tra ở nơi chân ruộng cao hoặc vạt đồi, chờ cái ngậy thơm của muối vừng quyến rũ.
Bao mùa đom đóm đi qua là bấy nhiêu mùa mẹ tôi nhẫn nại mùa tra hạt vừng, rồi thu hoạch. Áo tôi mặc “chưa sờn đã chật” lúc nào không biết. Thay vì đuổi bắt đom đóm làm đèn, trái tim trai trẻ trong tôi run rẩy và xao xuyến với những giai điệu, ca từ lãng mạn “Đom đóm bay ra nhiều hôm thật nhiều/ Vì yêu em, anh lừa em trèo cây khế/ Nào ngờ mưu kế, anh bắt đom dóm cài lên mái tóc em”. Ôi, những ca từ thật vô nghĩa nhưng lại có nghĩa! Cài hoa, cài trâm, lược ngà chứ cài đom đóm lên mái tóc người yêu có mà hôi xịt? Có khác gì những ca từ ở những nhạc phẩm sau này nghe mà phát… hoảng, rằng “yêu nhau chẳng lấy được nhau/ Yêu nhau ném đá… vỡ đầu nhau ra” – như các ca sĩ vẫn quay cuồng “vô tư” gào thét!
Nếu tháng ba (âm lịch) là tháng cuối cùng của mùa xuân để “chuyển giao” cho những ngày đầu hè khắc nghiệt mà tín hiệu được phát trong muôn vàn ánh lập lòe của đom đóm thì – cũng là lúc hoa gạo cháy rực trời đất Việt. Tôi đã trưởng thành, rời quê hương trung du của tôi về chốn thị thành, để cỏ dịp sải bước khắp các phương trời đất nước. Hoa gạo, vì thế, vừa ào ạt xô về trong hoài niệm, vừa hiện hữu ở khắp các vùng miền: In những chùm rực rỡ trên mặt các hồ ao, sông suối, thỉnh thoảng có bông rơi bõm xuống nước khiến những cánh bèo ong xao động, lũ cá vùng vẫy thỏa thuê; Cháy rực cả một góc trời chiều cùng hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đầu đao cong tròn như dấu hỏi nơi mái đình làng rêu phong cổ kính; Như một “mâm xôi gấc” khổng lồ ở góc sân trường được đội lên cao để bầy trẻ thơ ngước nhìn thích thú, có “hợp âm” ríu rít của các loài chim.
Trên những con đường quanh co xa ngái ở những vùng quê hoặc nơi chân đồi lộng gió, những cành “hoa lửa” xòe ra như những bàn tay, vẫy kẻ lữ hành bình an, làm dịu đi cơn khát? Cây gạo – đặc điểm là gốc xù xì, lồi lõm nhũng bìu, vấu; thân to mập, thẳng, từ thân đến các cành chi chít những gai nhọn nên khó mà trèo lên được. Có phải những cây gạo cổ thụ là chứng tích cho bao tình yêu đôi lứa, bao cuộc ra đi? Có phải những chùm hoa như lửa đó khoe sắc tươi hơn, dang rộng vòng tay hơn đón những mảnh đời bao năm ly biệt, đón cả những người con của làng quê sau chiến thắng trở về?
 
Hoa gạo – ở những vùng miền khác của đất nước còn có những tên gọi khác nhau. Ví như ở Tây Nguyên gọi là hoa Pơ Lang gắn với ca khúc đặc sắc “Em là hoa Pơ Lang” của nhạc sỹ Rơ Chăm Pheng “Anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái/nhớ cánh hoa Pơ Lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”. Và cây cũng như người cùng một ý chí quật khởi, lập nên những chiến công vang dội: “Anh có biết buôn làng khắp Tây Nguyên hùng vĩ/ Quyết tâm tiêu diệt Mỹ”. Để rồi vẻ đẹp lộng lẫy rực trời nơi đây ở xứ “Tây Nguyên này có bao cô gái/đều là hoa Pơ Lang”!
Ngược theo những cung đường uốn lượn “Lên Tây Bắc” qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, chếch sang cổng trời phía bên kia nơi cực Bắc là Hà Giang lô xô đá đứng, đá ngồi… thì hoa gạo lại gọi là hoa mộc miên (cây mộc miên). Riêng mộc miên ở Cao nguyên đá Hà Giang, màu hoa từng trộn cùng màu máu của hàng nghìn người con bất tử ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc phía Bắc. Chưa hết, hàng chục, hàng trăm thân cây thẳng tắp, thơm phức khi hạ xuống xẻ làm cỗ ván, lại ru các anh mãi mãi ngủ yên cùng đất mẹ yêu thương!
Cũng là màu đỏ cháy hết mình suốt mùa hè nóng bỏng là hoa phượng, nhưng hoa gạo, năm cánh của chúng lại dày, mềm và thô, đặc biệt nhụy của hoa gạo là màu trắng nhạt, lấm tấm như những hạt gạo chiêm. Ta chợt tràn “nước miếng” khi nghĩ đến cơm nắm dẻo thơm nấu từ gạo chiêm xuân mà chấm với muối vừng của mẹ ta, tra hạt từ lúc “đom đóm bay ra…, hoa gạo rụng xuống” ấy, có lẽ không có một đặc sản nào trên đời sánh nổi!
“Đốm lửa” miền quê sẽ cháy mãi trong tôi nếu như không gờn gợn một ám ảnh như một nỗi đau buốt nhói. Ấy là, sau “nửa đời phiêu dạt” tôi trở về ngước mặt trước trung du – nơi chứng tích bao buồn vui của bao cuộc đời là cây gạo già kia ở sân đình, phiên tòa lưu động đang xét xử vụ án “Mua bán, tàng trữ chất ma túy trái phép”. Những bị cáo đều ở tuổi ngót đôi mươi nghe tòa tuyên xong mắt đỏ hoe; những thân nhân của bị cáo mắt cũng nhuốm màu hoa gạo, ân hận vì sự kèm cặp, giáo dục, quản lý của mình. Tôi chạnh nghĩ: Những bị cáo kia đâu cần có chuỗi tháng năm làm đèn đom đóm học bài (vì nay điện đã sáng lòa, cái kim rơi trên nền nhà cũng tìm thấy), cũng đâu cần một ngày mộng mơ cài đom đóm lên mái tóc người yêu (thay vì tuổi trẻ thời nay “cài” bằng nhiều thứ khác thiêng liêng và giá trị); mà chỉ cần “cháy” hết mình cùng hoa gạo nơi cuối trời, thì đâu nên nỗi?.
15/4/2024
Đức Dũng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...