Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Tản văn của Văn Nhiên: Ếch tháng ba

Tản văn của Văn Nhiên:
Ếch tháng ba

Trong ký ức của lớp người ở quê chúng tôi, tháng ba là tháng có nhiều kỷ niệm. Trong các kỷ niệm, khó quên nhất là việc câu ếch, móc ếch và soi ếch của một thời là mục đồng.
Tháng ba là tháng ruộng lúa bắt đầu cúi bông, rồi chín, đồng ruộng bắt đầu khô nước. Lúc này trên đồng ruộng cá, cua thường dồn lại nhiều ở các vũng nước trong ruộng. Ếch mùa này ăn nhiều cá, tôm, cua… cũng sinh sôi nảy nở, lớn nhanh, mập tròn trùi trụi. Vì vậy, mùa này chúng tôi thường không đi câu cá mà là câu ếch. Hơn nữa, mùa này ruộng lúa rậm rạp, mồi trùn câu cá thường nhẹ, dính mắc trên lá lúa, bông lúa khó xuống ruộng nước nên không ai câu cá.
Khác với câu cá mồi câu thường là trùn, còn câu ếch mồi là nhái và không dùng lưỡi câu. Mới nghe tưởng lạ nhỉ? Nhưng đó là sự thật. Khi đi câu, mục đồng thường bắt con nhái cột ngang bụng làm mồi nhử ếch chứ không móc vào lưỡi câu.
Ếch đồng không còn, bây giờ người dân nuôi ếch
Thường thì buổi sáng khi đi chăn trâu, chúng tôi thường bắt nhái bỏ bao. Buổi chiều sau khi dắt trâu về chuồng sớm, chúng tôi nhặt cần câu và xách cần vợt ếch chạy ra đồng. Quần vợt ếch thường được làm bằng bao lát hoặc bao tời. Quanh miệng bao chúng tôi thường cột thanh tre nhỏ uốn tròn và dùng một thanh tre hoặc nhánh tre, ngọn tre nhỏ (trảy hết mắt tre nhỏ) dài khoảng hơn 1,5 mét cột một đầu ngang chính giữa miệng bao, còn một đầu để cầm tay.
Thấy ruộng lúa nào còn nước, ếch kêu hoặc nhảy là chúng tôi đưa cần câu với mồi nhái xuống nhấp nhấp. Ếch thấy mồi nhái nhảy đến đớp mồi. Chờ một lát cho ếch ngậm chặt và nuốt nhái là nâng cần câu lên và đưa quần vợt ra hứng ếch vào bao. Vì không có móc câu, ếch vào bao là tự tụt mồi nhái ra. Ếch nhảy loạn xạ trong bao rất thích, nhưng không bao giờ lên khỏi miệng bao.
Chỉ cần một con nhái là chúng tôi có thể làm mồi câu được vài tiếng đồng hồ. Có năm ếch nhiều, câu khoảng từ 1-2 giờ là có thể được vài chục con ếch. Câu được nhiều, cần vợt ếch cầm nặng tay luôn.
Hết câu ếch là đến ngày móc ếch. Đó là lúc dân làng gặt lúa xong, khi đi chăn trâu, bò trên đồng là chúng tôi đi móc ếch. Việc móc ếch cũng thú vị không kém như câu ếch. Công cụ để móc ếch là thanh sắt, thanh kẽm (đã dùng kìm gỡ hết các gai) nhỏ, dài gần 1 mét. Một đầu thanh kẽm mài nhọn, rồi uốn thành móc câu như ngoéo tay. Đi dọc các bờ ruộng, bờ ao, bờ mương, thấy hang nào ếch thường ra vào mòn mòn, ướt ướt, thò thanh móc câu vào sâu tận đáy hang. Nghe đầu thanh móc đụng vật mềm mềm, lôi ra thế nào cũng được ếch.
Có khi một hang như vậy, chúng tôi lôi ra được vài con ếch. Tuy nhiên, cũng có hang lôi được cả rắn mai gầm. Đây là loài rắn cực độc. Bị rắn mai gầm cắn là coi như toi mạng. Chính vì vậy, chúng tôi không dám dùng tay móc hang mà phải dùng móc câu để bắt ếch.
Lại nói, những hang ếch ở vì da ếch có chất nhờn ẩm ướt nên rắn mái gầm thích ở cùng. Hai loài vật này sống cộng sinh nhau. Rắn dựa vào da ẩm ướt của ếch; còn ếch ở với rắn mái gầm an toàn vì không sợ các loài rắn khác đến ăn thịt. Tất nhiên, khi sống cùng nhau, rắn mái gầm không ăn ếch, nếu ăn ếch không dám ở rồi.
Còn ban đêm, chúng tôi thường đi soi ếch. Không có đèn pin sáng như bây giờ, hồi đó, chúng tôi thường dùng lạt tre, ruột tre cột thành từng bó đuốc hay dùng lốp xe đạp cột vào đoạn cây, đốt lên cho sáng rồi cầm đi soi. Soi ếch, soi nhái được nhiều nhất là sau khi trời vừa mưa xuống.
Sau mưa, ếch nhái từ trong hang, trong các bụi bờ nhảy ra uống nước, tìm thức ăn. Thấy ruộng nào xăm xắp nước, chúng tôi đưa đuốc đến là tha hồ chụp ếch, nhái bỏ vào bao. Tuy nhiên, việc soi ếch, soi nhái cũng rất nguy hiểm vì dễ bị rắn mai gầm cắn chết. Loài rắn mai gầm ban ngày thường ngủ trong hang, bờ bụi, ban đêm rắn mới đi ăn. Ngoài việc bắt các còn mồi là động vật nó có thể nuốt được, rắn mai gầm còn thích ăn tro than. Khi gặp tro than rơi xuống từ ánh đuốt rắn bò tới để ăn, có khi còn cắn cả người. Tôi từng chạy mất hồn khi gặp con rắn mai gầm phóng theo. Đã từng có người dân quê khi đi soi ếch bị rắn mai gầm cắn chểt.
Ông bà quê tôi thường nói: “Ếch tháng ba, gà tháng mười”. Câu nói đó quả không sai. Phải nói ếch tháng 3 thường to và mập. Có những con ếch to mập, da vàng ươm, cân nặng trên nửa kg. Dân quê tôi gọi đây là những con ếch bà.
Ếch câu, bắt được đem về chặt đầu, lột da, bỏ ruột. Ếch được chặt thành từng  miếng nhỏ. Thịt ếch thường được chế biến thành các món ếch chiên, xào với nén, sả, ớt và gié mít hoặc nấu cháo. Tuy nhiên, món ăn ngon nhất có lẽ là món ếch xào nén giã nhỏ hay sả xắt nhỏ cùng với ớt và gié mít. Nén, sả khi xào với thịt ếch sẽ làm dậy mùi thơm cùng với ớt cay, gié mít chát sẽ khử mùi tanh. Món thịt ếch xào vừa béo, ngọt, thơm, cay… ăn với cơm không biết bao nhiêu cho đủ. Bụng no rồi vẫn còn thích ăn.
Ôn lại chuyện quê để biết con ếch và chuyện mục đồng một thời.
Hiện nay, do phương thức canh tác và môi trường sống thay đổi, nhất là người dân thường dùng các loại thuốc để diệt cỏ, diệt rầy bảo vệ lúa nên các loài động vật (cá, cua, tôm, ếch, nhái…) ở đồng ruộng không còn như xưa. Về quê, nghe lớp người chúng tôi kể chuyện mục đồng trước đây, bọn trẻ bây giờ nghe cứ ngớ người như chuyện lạ từ trên trời rơi xuống. Mà cũng đúng thôi! Đồng ruộng bây giờ không còn nhiều cá, cua, ếch, nhái… Hơn nữa, việc học hành ngày nay của lũ trẻ thường nặng nề hơn, cha mẹ thường lo cho trẻ học đêm, học ngày nên không có nhiều thời gian ra đồng giống như thời của chúng tôi trở về trước.
Kể cũng lạ. Đã mấy chục năm rồi, chuyện con ếch đồng ở quê vẫn còn theo tôi cùng năm tháng.
8/4/2024
Văn Nhiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...