Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Về đâu người hát rong

Về đâu người hát rong

Đem nghệ thuật xuống đường gần với quần chúng được gọi là nghệ sĩ đường phố thường thấy ở phương Tây.
Ở góc phố nào đó có một người đứng kéo violon hoặc thổi kèn hay làm trò ảo thuật. Qua cái nón để dưới đất cho thấy nó trở thành phương tiện, một nghề để kiếm sống. Mà phải biểu diễn thật hay mới níu được chân khách qua đường đứng lại nghe rồi thưởng tiền bỏ vô cái nón.
Nghề này hóa ra ở đâu cũng có, nhất là ở miền Tây Nam Bộ ngày xưa. Ở các ngôi chợ thường thấy đám Sơn Đông mãi võ diễn đủ trò. Ở những ngôi đình có sân rộng thường thấy mấy bà múa bóng rỗi. Hoặc đôi vợ chồng cha con người mù nắm tay nhau vừa đàn vừa hát dài theo đường đi. Đặc biệt người mù như được trời bù cho năng khiếu chơi đàn điêu luyện, giọng ca mùi hơn bình thường. Dân miền Tây gọi là người mù hát rong. Nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ qua hình ảnh ấy nâng họ lên thành nghệ sĩ với bài hát – “Người nghệ sĩ mù”: Ai dừng chân nơi đây buông lòng theo câu ca/ tôi ngồi trong bóng tối nghe đời đi ra xa/ tôi thèm chút ánh sáng, ánh sáng soi cuộc đời/ ánh sáng đâu phút vui đâu không thèm qua trong đời mù lòa. Cũng lạ, nhiều ký ức tôi đã quên nhưng lại không quên hình ảnh những người hát rong, nhất là người mù. Rồi như lần nào nghe thấy họ tôi cũng nhớ tới bài hát của Hoàng Thi Thơ. Đồng thời nhớ về thời xưa có một loại hình nghệ thuật ngày nay không còn, những người hát rong lấy nó để nuôi thân, đó là nói thơ Lục Vân Tiên.
Truyện thơ Lục Vân Tiên phổ biến sâu rộng ở miền Nam vào những năm 1950. Trương Vĩnh Ký phiên âm ra chữ Quốc ngữ vào năm 1890. Truyện nói về đạo làm người sống sao cho có đạo lý luân thường. Nhân vật chính Lục Vân Tiên với tính đôn hậu, nghĩa hiệp của người phương Nam giữa đường gặp chuyện bất bình không đưa mắt nhìn mà nhảy vô can thiệp. Cụ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước đôi mắt lại mù lòa – Thà đui mà giữ đạo nhà/ còn hơn có mắt ông cha không thờ. Cụ cho nhân vật Lục Vân Tiên của mình vì chịu tang mẹ khóc tới nỗi đau mắt để mắt mờ đi. Thơ là để ngâm nhưng ở miền Tây thơ Lục Vân Tiên không ngâm mà nói. Lấy hơi lên giọng ngân ở hai chữ đầu của câu lục, những chữ sau nói bằng giọng diễn cảm nhấn nhá trầm bổng. Người miền Tây những lúc nông nhàn rảnh rỗi buổi trưa hay nằm đu đưa trên võng nói thơ… Nhiều người như tôi lúc nhỏ chưa đọc thơ Lục Vân Tiên nhưng qua đó cũng nhập tâm thuộc ít nhiều…
Trước đèn xem truyện Tây Minh/ gẫm cười hai chữ nhân tình éo le/
ai ơi lẳng lặng mà nghe/ dữ răn việc trước lành dè thân sau/ trai thời trung hiếu làm đầu/ gái thời tiết hạnh làm câu trau mình…
Vui nhứt là Lục Vân Tiên còn được đặt vè giống như nhạc chế ngày nay con nít đứa nào cũng thuộc: Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô.
Với những người mù hát rong, nếu như miền Bắc có hát xẩm lẩy Kiều, người mù hát rong ở miền Tây lấy nói thơ để kiếm sống. Tôi vẫn còn nhớ người tay cầm gậy dài theo đường không biết bắt đầu họ nói từ đâu. Ngang qua xóm tôi thì nghe tới đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga: Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ nàng là phận gái ta là phận trai. Buổi trưa tôi đang thiu thiu ngủ chợt lắng tai nghe. Từ nhà trong mẹ tôi cũng nghe bước ra… Nhân đây nhớ mẹ tôi mỗi lần vo gạo đều bốc một hai nắm bỏ vô cái hũ dành cho những người ăn xin. Mẹ dạy chị rằng mình ăn thiếu một hai nắm gạo cũng không sao. Mỗi lần đi chợ có tiền lẻ mẹ bỏ vô con heo đất. Mẹ dạy tôi: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta/ đói cơm rách áo hóa ra ăn mày. Mình mặc dù thương người nhưng không phải nhà lúc nào cũng có sẵn để cho nên phải biết nhín lại để cho người khó ngặt”.
Ngày nay, đời sống khá lên không như xưa nên hầu như ít thấy những người ăn xin tìm đến từng nhà xin gạo, xin tiền. Nhà ai không biết chứ nhà tôi bao giờ họ cũng được mẹ cho không ít thì nhiều. Với người mù hát rong kiếm sống, theo tôi không phải ăn xin vì họ không xin. Họ không ghé nhà ai mà cầm gậy đi dài theo đường thong thả cất giọng nói thơ. Mẹ tôi chạy ra cho một ít gạo, tiền. Theo tôi đây không phải là cho, là bố thí theo nghĩa thông thường, mà đúng hơn đây là tiền thưởng cho một nghệ sĩ.
Những năm 1950 tôi còn thấy người nói thơ nhưng sau đó nói thơ chỉ còn trong ký ức. Tới khi đạo Hòa Hảo ra đời lấy sấm giảng khuyên đời ăn hiền ở lành, ở miền Tây đi đâu cũng nghe đọc sấm giảng. Dân hát rong như thích ứng cuộc sống đường phố nên xuất hiện người đi đọc sấm giảng bên cạnh 6 câu vọng cổ, nhạc bolero. Rồi xã hội người đông lên, đi lại chen chúc, khoa học tiến bộ, dân hát rong như lột xác trang bị cho nghề nghiệp một cái loa kéo. Lần này có sự tham gia của mấy anh chàng bán kẹo kéo mở loa ra ca để bán hàng. Hát rong với cái loa kéo mở lớn để rồi trở thành dụng cụ tra tấn điếc tai phố phường. Sống ở thành phố chắc là ai cũng gặp cảnh đang ngồi với bạn bè trong quán nước trò chuyện chợt giật mình nín lặng. Từ đâu một anh bán kẹo kéo, một người hát rong đẩy cái loa kéo đến gần mở hết công suất. Nhiều người thấy tội bỏ tiền ra mua cho. Nhưng cũng có nhiều người thì nói để coi ai mỏi miệng cho biết nhưng gặp dân hát rong lại hát nhép. Phải chịu đựng cho đến khi họ kéo cái loa đi.
Ai có bực bội cũng đành phải chịu, hát rong theo thời gian rồi sẽ chấm dứt nhưng ký ức có những cái cần quên đi không nhớ nhưng cũng có cái không còn lại để người nhớ mãi như nói thơ Lục Vân Tiên…
11/4/2024
Ngô Khắc Tài
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...