Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Thương nhớ xứ bưng biền

Thương nhớ xứ bưng biền

Một ngày bình yên nơi bưng biền, tôi thư thả ngồi trên xuồng ba lá nhỏ neo đậu bên bến sông chở nặng phù sa, như chờ con nước lớn con nước ròng. Tôi ngắm nhìn nền trời trong xanh hoà cùng những làn gió miệt quê mát rượi. Hương thơm từ tinh dầu lá tràm gió thoảng qua làm lòng mình mê đắm.
Xa xa, ngoài đồng mùi lúa chín oằn nặng trĩu bông cứ dìu dịu, ngọt ngào, xuyến xao. Tôi đưa ánh nhìn phía bên kia sông là đồng sen đang kỳ bung toả sắc hương dâng cho đời, cho người dân quê. Phía trước nhà của tía má có hàng cà na mọc ven sông, đã từng che mát cả một trời tuổi thơ khờ dại của tụi con nít như tôi. Dòng sông quê hương vẫn một màu xanh biêng biếc, hiền hoà chảy mãi, một lòng một dạ ôm trọn từng nhánh lục bình màu xanh hy vọng và tươi mới. Bức tranh thiên nhiên thêm rực rỡ bởi màu xanh non tơ của các loài rau dại miệt đồng. Tất cả đã tạo nên nét đặc trưng xứ bưng biền trong thương nhớ…
Rừng tràm vốn thân quen với người dân miền Tây sông nước bởi tràm từng gắn bó với cuộc sống mưu sinh của biết bao thế hệ và còn là người bạn đồng hành khi đất nước ta còn trường kỳ kháng chiến và cả trong thời hoà bình. Để có được đồng lúa phì nhiêu, đất đai màu mỡ, vườn cây trái sum suê, xanh mát, lối xóm thân tình, nhà cửa của bà con nông dân miệt quê ngày một khang trang, bề thế là nhờ cây tràm, làm nhiệm vụ tiên phong cho công cuộc mở đất. Rừng tràm có vô số loài, quê tôi có loài phổ biến là cây tràm gió. Vào mùa tràm trổ bông, một màu trắng rung rinh trong gió bao trùm khắp đồng quê, quyến rũ cả bầy ong bay đi tìm mật ngọt thơm. Hương thơm của bông tràm tinh khiết hoà cùng hương mật ong tạo nên một mùi hương đặc trưng của miệt bưng biền. Thỉnh thoảng, má hay bơi xuồng về trong đồng, chọn những cây tràm chắc khoẻ, lột lớp vỏ dễ tróc đem về để dành nhóm lửa. Vỏ tràm “bắt lửa” rất nhanh, những nồi cơm nấu bằng củi tràm, vỏ tràm có mùi thơm rất đặc biệt, đó chính là “hương vị quê bưng biền”.
Nhớ những năm mùa nước nổi, phía trước bến sông nhà tía má trong đồng, có nhiều hàng cà na mọc ven xanh um, nằm san sát nhau cành lá sum suê che mát cả khúc sông quê. Trên cành rất nhiều trái cà na đung đưa trong gió, từ xa xa những chùm bông cà na bung nở rơi xuống mặt nước trắng tinh khôi một vùng nước dưới gốc cà na. Chẳng biết từ bao giờ có cây cà na, những hàng cà na mọc xanh um hai bên mé sông quê và đã từng gắn bó với tuổi thơ biết bao thế hệ. Bông cà na rất dễ thương, nhỏ nhỏ, li ti có màu trắng tinh khiết của thiên nhiên. Cà na đã trở thành đặc sản miền bưng biền vào mùa nước lên, vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm cà na ra rất sai trái. Trái cà na lúc non có màu xanh, đến khi gần chín có màu vàng lợt, nếm thử có vị chua chát đến nhăn cả mặt nhưng bọn con nít chúng tôi vẫn thích thú. Rễ cây cà na ra rất nhiều, bám rất chắc vào đất, để chắn sóng to, giữ đất không sạt lở. Ngày nay, vào mùa nước nổi trái cà na trở thành món quà quê ra phố, từng bịt cà na xốc muối ớt hiểm thơm ngon, cà na chín ngào đường, hương vị quê xứ bưng biền làm sao không thương nhớ cho được!
Hoài niệm tuổi thơ vấn vít bên cánh đồng lúa đều vô cùng đẹp đẽ và tràn đầy yêu thương. Những đứa trẻ sinh ra từ đồng lúa quê bưng biền như tôi, sẽ chẳng quên màu xanh mỡ màng của đồng lúa đang kỳ sinh trưởng, thoang thoảng hương lúa trổ đòng đòng, nhớ màu vàng óng ánh cánh đồng vào ngày mùa rộn rã, niềm vui nối tiếp niềm vui và khát vọng cho ngày hôm nay và mai sau người nông dân thanh nhàn, khát vọng về chén cơm trắng như ngọc có thêm thịt, cá cùng màu xanh rau dại đồng bưng đủ đầy. Khát vọng cho cuộc sống người dân quê thêm ấm no, hạnh phúc.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi và bây giờ, đồng sen quê nhà luôn mênh mông, bao la. Mênh mông trong màu xanh của lá, màu hồng của hoa. Những chiếc lá to tròn xanh mướt mát xoè tán rộng che một khoảng mặt nước, có những chiếc lá ngôi cao hơn mặt đất bùn, vươn mình rung rinh trong nắng và gió nơi miệt đồng. Làm nền thật điệu nghệ cho hoa. Hoa sen tuy đơn giản nhưng thuần khiết và thanh tao hoà cùng hương thơm đằm sâu, man mát, vương vấn đến khó quên…Nhớ những sớm ban mai má sai tôi bơi xuồng ba lá ra đồng hái bông sen búp vừa hé nở bông đem về dâng cúng lên bàn thờ vào ngày rằm, ngày lễ, ngày tết. Sau mùa hoa nở rộ vào tháng sáu, đồng sen lại kết gương. Những gương sen tròn đầy chắc mảy hạt bên trong, gương còn non khi ăn lột lớp vỏ chát bên ngoài là ăn được hạt sen. Hạt sen non ăn rất ngọt và thơm, đến khi hạt sen già lột lớp vỏ chát bên ngoài, lấy tim sen ra, dùng nấu chè đậu xanh hạt sen ăn giải nhiệt những ngày nắng gay gắt ở đồng. Nhớ ấm trà ướp hương sen thơm phức vị quê, nhấp ngụm trà pha bằng nước mưa nấu sôi mà nghe thương nhớ xứ bưng biền…
Thương từ những rừng tràm bạc ngàn,  thương từ những hàng cà na xanh tốt sum suê oằn mình sai trái đậm vị chua chát lạ lùng, thương từ những ruộng lúa chín vàng trĩu hạt mênh mông,  thương những đồng sen nồng nàn hương sắc thơm nồng đặc trưng. Để những ai có bước chân đi xa mà nhớ lối thương quê tìm về xứ bưng biền một thuở hoang sơ.
10/5/2024
Diệp Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...