Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Ý cao tình đẹp

Ý cao tình đẹp

Tác giả : Fulton Oursler
Chuỗi Ngọc Lam
Ngày cô bé Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Có lẽ hồi ấy các bạn đã được nghe phong phanh câu chuyện đó. Nhưng báo chí không nêu tên mà cũng không kể chi tiết nên hôm nay tôi xin thuật lại tường tận.
Pierre đã được ông nội để lại cho một cửa tiệm bán đồ cổ. Trong cái tủ kính nhỏ xíu anh chất đủ các thứ đồ kỳ cục: vòng, mề đay đeo vào dây chuyền có từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ.
Buổi chiều, mùa đông hôm đó, một em gái đứng áp trán vào tủ kính, trố mắt ngó kỹ từng vật cổ lỗ đó như muốn kiếm một vật gì. Bỗng em ngững đầu lên, vẻ khoan khoái rồi đẩy cửa bước vào tiệm.
Tiệm tối tăm mà còn bừa bãi hơn mặt tiền nữa. Có những ngăn tủ muốn sập vì chất quá nặng: hộp đựng tư trang, súng lục cũ không còn dùng được nữa, đồng hồ chuông đèn; còn trên sàn thì chất đống nào là giá để củi trong lò sưởi, đờn măng-đô-lin và những đồ cũ kỹ khó mà phân loại được.
Pierre ngồi ở sau quầy. Mặc dầu mới ngoài ba mươi mà tóc của anh đã hoa râm. Anh ngó cô bé.
Em hỏi:
- Thưa ông, con có thể coi chuỗi ngọc lam bày ở tủ kính không ạ?
Pierre kéo tấm màn, lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé xem. Những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trong bàn tay xanh xao của anh. Em đỡ lấy, thốt lên lời khen:
Đẹp quá! Xin ông gói lại thành một gói đẹp cho con.
Oierre lạnh lùng ngó em:
Có ai sai em đi mua hả?
Thưa không. Con mua cho chị Hai con. Chị đã nuôi nấng con từ khi má mất. Đây là lễ Noel đầu tiên chị em con được ở gần nhau. Con muốn tặng chị một món quà đẹp.
Pierre nghi ngờ hỏi:
- Em có bao nhiêu tiền?
Em mở khăn tay ra, đổ lên bàn một nắm bạc xu, bảo:
- Con đã đập con heo của con ra đấy.
Pierre Richard ngó em, vẻ trầm tư. Rồi anh ý tứ cầm chuỗi ngọc lên, sợ em trông thấy giá tiền. Nói thẳng cách nào cho em biết được? Cặp mắt xanh đầy tin tưởng của em gợi cho anh nhớ lại vết thương lòng thời trước.
Quay lưng lại em, anh bảo:
- Em đợi một chút nhé.
Rồi vừa lúi húi làm một việc gì đó, anh vừa quay lại hỏi:
- Em tên gì?
- Thưa, Joan Grace.
Khi quay lại thì trong tay anh đã cầm một gói nhỏ bao bằng giấy lụa đỏ và cột bằng một băng lụa màu xanh lá cây. Anh đưa cho em bé và bảo:
- Này, coi chừng em đừng đánh rơi nhé.
Em Joan mỉm cười rạng rỡ, chạy vụt về nhà. Anh nhìn theo, một nỗi buồn mênh mông dâng lên trong lòng. Em nhỏ đó và chuỗi ngọc lam khêu gợi lại một vết thương lòng không bao giờ lành hẳn của anh. Tóc em vàng như lúa chín, mắt em xanh như nước biển; mới mấy năm trước, anh đã yêu một thiếu nữ cũng có mớ tóc đó, cặp mắt đó. Chuỗi ngọc đã tính để tặng nàng.
Nhưng một chiếc cam nhông trượt bánh trên con đường trơn trợt một đêm mưa đã làm tiêu tan ước mơ.
Từ đó anh sống cô độc, ôn lại hoài nỗi khổ tâm. Anh ân cần lễ độ tiếp khách, nhưng ngoài công việc ra, anh thấy đời trống rỗng vô nghiõa một cách khủng khiếp. Lầm lì, không giao thiệp với ai, anh rán quên mà không quên được, nỗi thất vọng như sương mù cứ mỗi ngày mỗi dày đặc.
Cặp mắt xanh của em Joan Grace gợi cho anh hình ảnh người yêu. Vào dịp lễ này, khách hàng tới đông, ai cũng bộc lộ niềm vui làm cho anh càng đau lòng. Khách qua đường bước vào tiệm, chuyện trò, sờ mó các món đồ, trả giá lăng xăng. Đêm Noel đã khuya rồi, khi người khách cuối cùng bước ra, Pierre Richard thở phào nhẹ nhàng. Thôi thế là qua được năm nay. Nhưng anh đã lầm.
Cửa thình lình mở ra, một thiếu nữ xông vào. Anh thấy nhói ở tim: thiếu nữ có vẻ mặt quen quen nhưng anh không nhớ rõ đã gặp ở đâu, hồi nào. Tóc cô vàng hoe, mắt xanh thăm thẳm. Cô im lặng lấy trong túi xách ra một gói nhỏ bao vội vàng một thứ giấy lụa đỏ, lại có cả cái băng lụa màu xanh lá cây đã mở ra rồi. Và những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trên bàn:
Chiếc chuỗi ngọc lam này có phải của tiệm ông không?
Pierre ngước mắt lên nhìn cô, nhẹ nhàng trả lời:
- Phải.
- Phải ngọc thật không?
- Nhất định rồi. Không phải thứ ngọc quý nhất nhưng ngọc thật đó.
- Ông có nhớ đã bán cho ai không?
- Bán cho một cô bé. Tên em là Joan. Em mua để tặng quà Noel cho chị Hai của em.
- Giá bao nhiêu?
Pierre nghiêm mặt đáp:
- Tôi không khi nào nói giá tiền khách hàng đã trả cho tôi.
Em Joan chỉ có ít đồng tiền tiêu vặt làm sao em có đủ tiền mua chuỗi ngọc này?
Trong lúc đó, Pierre vuốt kỹ lại tờ giấy lụa, gói lại chuỗi ngọc. Anh bảo:
Em đã trả đắt hơn hết thảy các người khác. Có bao nhiêu tiền em đưa tôi hết.
Hai người làm thinh. Cửa hàng bỗng tĩnh mịch lạ thường. Tiếng chuông từ một giáo đường ở gần đó bắt đầu đổ, văng vẳng đưa lại. Cái gói nhỏ đặt trên bàn, vẻ thắc mắc dò hỏi trong cặp mắt thiếu nữ và cảm giác hồi sinh kỳ dị dồn dập dâng lên trong lòng Pierre, tất cả những cái đó đều là do tình yêu của một em nhỏ.
Nhưng sao ông lại làm như vậy?
Pierre vừa đưa gói nhỏ đó cho cô vừa trả lời:
Hôm nay là ngày Noel. Tôi bất hạnh không có ai để tặng quà. Cô cho phép tôi đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Noel vui vẻ với gia đình nhé!
Thế là trong tiếng chuông đổ hồi, giữa một đám đông vui vẻ, Pierre Richard và một thiếu nữ mà anh chưa biết tên, cùng nhau bước qua một ngày mới đem lại nguồn hy vọng tràn trề trong lòng mọi người.
Tác giả: Fulton Oursler
Nguyễn Hiến Lê dịch
Tác giả: Stefan Zweig
Đừng Ngại Ngùng
Hồi đó tôi học ở một trường trung học Vienne. Anh bạn giỏi nhất lớp là một học sinh mười sáu tuổi, có thiên bẩm đặc biệt về mọi phương diện. Rất siêng năng, có cao vọng, có giáo dục, đẹp trai, thông minh xuất chúng; hết thảy chúng tôi đều công nhận tương lai của anh sẽ rực rỡ. Vì vậy chúng tôi mượn tên nhà ngoại giao đại tài Metternich để đặt biệt hiệu cho anh. Có lẽ người ta có thể trách anh một điều là anh ăn bận bảnh bao quá, lúc nào cũng tề chỉnh; quần luôn có nếp mới ủi, cà vạt thắt rất có nghệ thuật.
Những ngày mưa, người tài xế của thân phụ anh lái một chiếc xe lộng lẫy đưa đón anh. Nhưng mặc dầu sống xa hoa, anh vẫn rất giản dị nên chúng tôi đều quý mến anh.
Một buổi sáng, mọi người ngạc nhiên thấy chỗ ngồi của «Metternich» bỏ trống. Tới buổi trưa người ta mới cho hay lý do. Thân phụ anh là một nhà lý tài có tiếng, ông vừa mới bị bắt đêm trước. Công việc làm ăn của ông là một vụ lường gạt đại quy mô. Chỉ hôm trước hôm sau, mấy ngàn người nghèo khó, cực khổ ký cóp trong bao lâu bỗng bị bóc lột hết ráo. Các báo lá cải đăng những tít to tướng làm rùm beng vụ đó lên, in hình thủ phạm và gia đình trong bài tường thuật.
Chúng tôi hiểu anh bạn đáng thương đó vì sao nghỉ học. Nhục nhã quá, anh không dám nhìn mặt chúng tôi. Chỗ ngồi của «Metternich» bị bỏ trống hai tuần lễ, trong hai tuần đó báo chí vẫn tiếp tục bêu xấu.
Tới tới tuần lễ thứ ba, một buổi sáng, cánh cửa mở ra và «Metternich» bước vô. Anh cúi đầu xuống, đi lại chỗ ngồi, mở sách ra và gục đầu đọc liền. Suốt hai giờ học anh không hề ngước mắt lên tới một lần.
Nghe tiếng kiểng, chúng tôi ào ào túa ra hành lang để nghỉ học mười phút. «Metternich» ra trước chúng tôi, quay lưng lại và đứng trước cửa sổ, cô độc, bề ngoài có vẻ chăm chú ngó kẻ qua người lại ở ngoài đường. Chúng tôi biết anh làm bộ « dữ dằn », « nan du » như vậy chỉ để tránh cặp mắt chúng tôi thôi. Anh đứng yên một mình, trong góc của anh.
Chúng tôi bỗng nhiên mất vui, thấu nỗi cô độc ghê gớm của anh. Chúng tôi biết rõ anh bạn đáng thương đó đương chờ một cử chỉ thân ái của chúng tôi. Nhưng chúng tôi rụt rè, ngại ngùng không tiến lại gần anh, không biết tỏ thiện cảm với anh cách nào để khỏi chạm lòng tự trọng của anh. Chúng tôi hèn nhát, chần chừ hoài, không dám bước bước đầu.
Trong khi còn ngại ngùng do dự không biết nên có thái độ ra sao thì kiểng lại đánh, thế là hết giờ ra chơi. Nghe tiếng kiểng, «Metternich» quay phắt lại, chẳng nhìn ai, vội vã về lớp. Nhăn nhó, bực tức, môi nhợt nhạt, anh ngồi vào bàn rồi lại cúi gầm đầu vào cuốn sách. Tan học buổi sáng, anh hấp tấp ra về liền.
Chúng tôi cảm thấy khó chịu về sự nhút nhát của mình, cùng nhau tìm cách cứu vãn. Nhưng đã quá trễ, cơ hội đã bỏ lỡ, không còn trở lại nữa. Sáng hôm sau, chỗ ngồi của anh lại bỏ trống. Chúng tôi kêu điện thoại về nhà anh thì anh không có nhà. Tội nghiệp anh, ở trường về, anh thưa với ba má, anh bỏ học. Và ngay tối hôm đó, anh rời kinh đô Vienne để đến một thị trấn nhỏ, làm công trong một tiệm bán thuốc. Từ đó chúng tôi không gặp lại anh nữa.
Nếu anh tiếp tục học thì chắc chắn anh em chúng tôi không ai theo kịp được anh. Hiển nhiên là tại chúng tôi ngần ngại, do dự, không biết ngỏ ít lời an ủi mà lúc đó anh rất cần, nên anh mới bỏ học làm hại tương lai của anh như thế. Buổi sáng đó, chỉ cần một lời thiện cảm, một cử chỉ âu yếm là anh đủ sức vượt qua khỏi cảnh khốn khổ của anh. Chúng tôi không tỏ chút thân tình với anh, hoặc lãnh đạm, hoặc xấu bụng. Không. Chỉ tại chúng tôi thiếu can đảm. Rất nhiều khi chúng ta thiếu can đảm nên không tìm được lời thích hợp để nói đúng lúc. Đành rằng, đến hỏi chuyện một người có lòng tự trọng đang bị thương tổn mạnh là một việc làm khó khăn và tế nhị. Nhưng kinh nghiệm lần đó đã cho tôi bài học là đừng bao giờ do dự, cứ nên theo xúc động đầu tiên của lòng mà cứu giúp một người đau khổ vì chính trong khi người khác đang bị gian nan, một lời nói, một cử chỉ của mình mới có giá trị nhất.
Tác giả: Stefan Zweig
Nguyễn Hiến Lê dịch
Tác giả: Eric Sevareid
Chỉ Phải Tiến Từng Cây Số Một
Hồi đó tôi mới mười bảy tuổi và … bị một cơn sợ ghê gớm. Anh bạn học Walter port và tôi cùng nhau lao vào một cuộc mạo hiểm kỳ thú nhưng cũng thật là ngu xuẩn: chúng tôi muốn cho biết rằng có thể chéo một chiếc xuồng nhẹ từ Minneapolis tới điểm bán da lông của hãng York trên vịnh Hudson. Chúng tôi đã chèo tới được Norway House ở phía cực bắc hồ Winnipeg. Từ đó còn phải chèo một quãng dài 725 cây số nữa qua một miền hoang vu, chỉ gặp được một thị trấn nhỏ ở dọc đường. Những bản đồ chúng tôi mang theo đều sơ sài quá mà hôm đó đã là ngày mồng một tháng chín! … Sông hồ sắp đóng băng.
Nhân viên cảnh sát Gia nã đại do dự không muốn cho chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình và sau cùng cũng miễn cưỡng cho phép chúng tôi. Cả đêm trước ngày khởi hành chúng tôi thao thức, nghĩ tới nỗi gian nan dọc đường, nửa sợ nửa tự ái. Nếu bị chìm xuồng hoặc bị mắc kẹt vì nước đóng băng thì không hy vọng gì thoát chết được. Mà nếu bỏ nửa chừng thì còn mặt mũi nào trông thấy gia đình, bạn bè nữa?
Tòa soạn nhật báo ở Minneapolis tường thuật từng giai đoạn cuộc hành trình của chúng tôi, chủ ý để nêu tên tôi trong bước đầu vào nghề viết văn, sẽ khinh bỉ chúng tôi ra sao? Và chính Walter và tôi sẽ có thái độ ra sao khi làm cho mọi người thất vọng như vậy?
Lúc khởi hành, một thợ săn Đan Mạch lực lưỡng tới chúc chúng tôi « thượng lộ bình an ». Ông sít chặt tay chúng tôi bảo:
Các cậu chỉ nên nghĩ tới cây số trước mặt thôi, đừng bận tâm đến những cây số ở xa hơn nữa nhé. Như vậy thì sẽ tới đích được.
Tôi chưa bao giờ nhận lời khuyên chí lý như lời khuyên đó.
Biết bao lần, ban đêm, tôi trằn trọc, lăn qua lăn lại trong cái xắc-mền lạnh buốt, lo lắng về quãng đường dài đằng đặc phải vượt qua mà nhớ lại lời khuyên của người thợ săn Đan Mạch đó! Trong bao nhiêu ngày chèo chống lặn lội, khiêng xuồng và đồ đạc, ci đã có dịp nghiền ngẫm về lời khuyên đó, tinh thần chúng tôi thấm nhuần lời khuyên đó. Chúng tôi chỉ nghĩ tới cái thác ở phía trước, tới chỗ cắm trại ở phía trước, tới cây số ở phía trước thôi.
Sau cùng, một đêm tối như mực, chúng tôi đã vượt được cây số cuối cùng. Bẩn thỉu, mặt mày hốc hác, quần áo rách tươm, lương thực gần hết nhẵn, chiếc xuồng hư nát tệ hại, chúng tôi kết lên bờ, trong luồng ánh sáng vàng vọt từ điểm bán hàng của hãng York chiếu ra.
Từ hồi đó, tôi có nhiều dịp nhận thấy lời khuyên của người thợ săn Đan Mạch đó rất đúng: chỉ phải tiến từng cây số thôi. Chẳng hạn, mười ba năm sau, trong thế chiến thứ nhì, tôi và vài anh bạn ngồi trong một chiếc phi cơ chuyên chở của nhà binh. Chúng tôi đang bay trên khu rừng biên giới Ấn độ-Miến điện thì máy bay hư, chúng tôi phải nhảy dù xuống. Nếu có đoàn cấp cứu nào được phái tới thì cũng phải mất hàng tuần mới tới chỗ của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi không thể nào đợi được, đành cực khổ len lỏi lần lần về phía Ấn độ, vượt quãng đường 225 cây số, qua một miền núi non hiểm trở, dưới ánh nắng cháy da và những trận mưa tầm tã.
Chúng tôi vừa khởi hành thì chẳng may, chân tôi bị thương vì chiếc đinh trong giày; buổi tối đó, hai bàn chân tôi phuềng lên, rướm máu. Khập khiễng như vầy thì làm sao vượt được hơn hai trăm cây số? Mà các bạn tôi có anh tình trạng còn bi thảm hơn tôi, làm sao đi được cho tới hết đường? Không ai tin rằng sẽ tới nơi được. Không đi hết đường được, nhưng ít ra cũng khập khiễng lết tới đỉnh đồi phía trước, tới làng xóm phía trước tìm một căn nhà xin tá túc; và chúng tôi chỉ mong được bấy nhiêu thôi.
Óc tưởng tượng là một con dao hai lưỡi: nhờ nó mà có những công trình lớn lao nhưng cũng vì nó mà lòng can đảm của ta nhụt đi, không thực hiện được những công trình đó. Tôi vốn nhút nhát và đôi khi tự biện hộ vì tôi có óc tưởng tượng mạnh, dễthấy những nguy hiểm sẽ xảy ra nên không được bạo gan. Cho nên đã nhiều lần, khi gặp gian nan về thể xác hay đau khổ về tinh thần, tôi phải nhớ lại quy tắc: “cây số ở trước mặt” rất hữu ích đó.
Ngày tôi bỏ chỗ làm có lương cố định để bắt đầu viết một cuốn sách dài hai trăm năm chục ngàn tiếng, tôi rán không để cho công trình lớn lao đó thôi miên tôi. Nếu không, chắc chắn tôi đã phải bỏ dở một tác phẩm làm cho tôi vinh hãnh nhất trong nghề cầm bút của tôi. Tôi rán chỉ nghĩ tới đoạn sau thôi, không nghĩ tới trang sau nữa, lại càng không nghĩ tới chương sau nữa. Thành thử trong sáu tháng tôi chỉ viết từng đoạn từng đoạn một. Và tôi phải thú thực rằng, tác phẩm đó “tự nó thành hình.”
Mới mấy năm trước đây, tôi nhận mỗi ngày phát thanh một bài cho một đài nọ. Tới hôm nay, những bài tôi phát thanh đạt tới con số hai ngàn. Nếu hồi đùâ, người ta bảo tôi phải ký hợp đồng cung cấp hai ngàn bài thì chắc tôi đã thụt lùi không dám nhận công việc lớn alo đó. Nhưng người ta chỉ đòi hỏi tôi mỗi ngày một bài thôi và tôi cũng chỉ soạn mỗi ngày một bài thôi.
Đức kiên nhẫn có thể thay đức cam đảm được và theo tôi, không có hình thức kiên nhẫn nào bằng hình thức mà người thợ săn Đan Mạch đã khuyên chúng tôi nhớ kỹ rằng chỉ phải tiến từng cây số một.
Eric Sevareid
Nguyễn Hiến Lê dịch
Tác giả:Frederick Van Ryn
Chỉ Trăm Bước Nữa Là Thành Công Số Một
Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi, thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần tôi ở trong tình trạng như vậy tại Constantinople, tại Paris, tại Rome. Nhưng tại New York, ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị của hạnh thông mà thất nghiệp thì thật là tủi nhục.
Tôi hoàn toàn không biết xoay xở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng lại không viết được bằng tiếng Anh, nên suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích sinh hoạt mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt.
Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodoe Chaliapine, diễn viên Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, đã nhiều lần tôi sắp hàng mua giấy hạng bét để nghe ông hát ở rạp Đế Quốc Hí Viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, có lần tôi đến phỏng vấn ông, tôi tưởng ông không nhận ra tôi, không ngờ ông nhận ra. Ông hỏi tôi:
Bận lắm không?
Tôi đáp lí nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông đoán được tình cảnh của tôi.
Theo tôi về khách sạn ở góc đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ
Lúc đó đã giữa trưa và tôi đi lang thang đã năm giờ rồi.
Nhưng ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận.
Ông ta ngắt lời tôi:
Điên nào, chưa đầy trăm thước.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
Trăm thước?
Thì vậy chứ sao! Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy.
Tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi.
Ông Chaliapine vui vẻ bảo tôi:
Bây giờ còn hơn một cây số nữa.
Tôi gật đầu. Một lát sau tới Carnegie Hall, ông Chaliapine bảo ông thích nhìn vẻ mặt của những người tới mua vé nghe hòa nhạc ở Viện Âm Nhạc. Chúng tôi ngừng lại vài phút rồi tiếp tục đi.
Lần này ông nhanh nhẩu bảo:
Chỉ còn tám trăm thước nữa là tới vườn thú Công Viên Trung Ương. Ở đó có một con đười ươi mặt giống như một ca sĩ có giọng cao mà tôi quen.
Chúng tôi lại thăm con đười ươi. Cách đó một ngàn hai trăm thước, về đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ăn dưa leo.
Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi.
Còn tôi, tôi tự hỏi vì sao ông chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ. Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại ngôi chợ trước trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96 và sau cùng là tới khách sạn. Chaliapine cười bảo tôi:
Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn.
Sau bữa ăn thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao ông bắt tôi đi bộ sáu cây số đó. Giọng ông nghiêm trang:
Anh sẽ không bao giờ quên lần đi bộ ngày hôm nay đâu. Tôi đã cho anh một bài học nhỏ đó. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.
Nhiều năm đã trôi qua. Ông Chaliapine đã quy tiên nhưng hầu hết những chỗ làm mục tiêu để đi trong lần đi bộ không sao quên được đó nay đã không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi rất nhiều.
Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh.
Không khi nào tôi tự hỏi: “Phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó?” Trái lại tôi tự nhủ: “Hôm nay trên tờ báo Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng.”
Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hy vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong hai trăm lẻ tám tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ: “Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình.” Nghĩ vậy thì mọi sự sẽ thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ và kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn.
Qui tắc trăm bước của Chaliapine là quy tắc vàng. Ai cũng thấy được điều hữu ích mà đi theo. Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm, nhưng không đầy trăm bước là “tới đại lộ 6”. Như vậy cứ từng chặng từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường đi còn được hưởng nhiều cái vui nữa.
Frederick Van Ryn
Nguyễn Hiến Lê dịch
Tác giả: A.J. Cronin
Vẫn Còn Hy Vọng
Suốt mùa đông năm đó, tôi ở làng Castelmare, một làng bị tàn phá gần như hoàn toàn ở gần Livourne (Ý) và sáng nào tôi cũng gặp cụ bà Maria Bendetti. Nhỏ con, mảnh khảnh, nhăn nheo, cụ đi chân không, bận một chiếc áo đen đã bạc, màu đen đã ngã qua màu hung hung đỏ, đầu quấn một chiếc khăn quàng đen, lụm khụm, vai mang nặng một cái gùi nan.
Mặt cụ tóp lại, sạm đen, tiều tụy, ưu tư, mang nét đau khổ, rầu rĩ, thất vọng. Cụ bán cá, những loại cá kỳ dị nhưng không ngon của vùng Địa Trung Hải. Dân làng chỉ sống bằng những con cá đó với ít mì ống. Tôi đã biết làng đó thời còn thái bình, dân chúng sung sướng vô tư lự. Bây giờ họ ở trong một công trường nhỏ xíu, nhà cửa đã sập hết vì bom đạn, chỉ còn đống gạch vụn, không nghe thấy tiếng cười, tiếng hát như ngày xưa. Không khí phảng phất mùi hoa trúc đào nên cảnh tượng thê thảm như trong nghĩa địa, làm cho tôi đau lòng. Nơi đó trước kia tôi thích biết bao, bây giờ chết rồi; cảnh tan hoang trần trụi đó thật xót xa, tuyệt vọng.
Hầu hết các thanh niên đã bỏ xứ đi nơi khác. Nhưng các người già và trẻ con thì còn ở lại; họ lầm lũi đi như bóng ma trong cảnh đổ nát; có mấy chiếc thuyền và mấy chiếc lưới vá víu bậy bạ, họ cực khổ lắm mới kiếm được miếng ăn, chỉ vừa đủ cho khỏi chết.
Trong số những người ở lại có cụ Maria. Đôi khi cụ dắt theo một em bé gái mười tuổi, chắc là cháu của cụ. Gầy ốm, rách rưới, em đi chân không, lon ton bên cạnh cụ, vừa đi vừa rao: « Cá đây, cá tươi đây! » như cố làm cho người ta tin rằng cá mới ở dưới nước lên. Tôi nhận xét hoàn cảnh hai bà cháu mà không khỏi buồn rầu, lo ngại cho họ: họ có vẽ cố bám lấy một dĩ vãng đã qua, qua hẳn rồi! Quả đúng là một ảo vọng!
Một buổi sáng, khi họ đi qua công trường tan hoang, tôi hỏi chuyện họ. Trong chiến tranh họ đã thoát chết khi bị dội bom và bây giờ họ sống trong cái hầm ở hẻm Eustacia, khu nghèo nhất của làng không bị tàn phá.
Vì trong lòng xót xa, đâm ra bi quan, tôi hỏi cụ:
Vì sao cụ không đi nơi khác? Ở đây còn có tương lai gì nữa đâu? … Tàn phá hết rồi … Hết hẳn rồi.
Cụ làm thinh một chút rồi chậm chạp lắc đầu:
Đây là quê hương của mình. Với lại đâu có hết hẳn.
Rồi hai bà cháu bước đi, tôi có cảm tưởng như họ vui vẻ nháy mắt với nhau, ra vẻ hóm hỉnh, biểu đồng tình.
Thấy vậy tôi sinh ra tò mò. Mấy ngày sau, tôi bất giác dò xét xem họ đi đâu, không cố ý rình mò. Buổi sáng tôi thấy họ đi làm những công việc hàng ngày như mọi người, nhưng buổi chiều thì không thấy họ đâu hết. Mấy lần, sau bữa trưa, tôi đi qua hẻm Eustasia: căn phòng nhỏ của họ luôn luôn vắng tanh. Có thể rằng hai bà cháu đó không chất phác như tôi tưởng chăng? Tại sao buổi chiều nào họ cũng đi khỏi? Họ có làm gì ám muội không? Buôn lậu hoặc chợ đen?
Vì nghi ngờ như vậy, nên một buổi nọ, tôi bỏ hẳn giấc trưa trên bãi biển, lại hẻm Eustasia sớm hơn mọi lần. Tôi núp dưới một cái cổng, rình căn nhà của cụ. Tôi không phải đợi lâu. Khoảng một giờ trưa, hai bà cháu ở trong hầm bước ra, mỗi người đeo một cái giỏ không trên lưng; họ nắm tay nhau vui vẻ, hăng hái lên đường. Tôi đi theo rình họ, như một tên trộm.
Hai bà cháu lách qua đám nhà cửa đổ nát. Tới đầu làng, họ tiến vào một con đường mòn cháy nắng đưa xuống lòng sông cạn khô. Tôi đứng trên cao nhìn xuống bờ sông. Tôi ngạc nhiên làm sao, thấy nhiều người cuốc đất, xúc đất trong lòng sông lởm chởm những đá. Hai bà cháu đặt giỏ xuống, rồi bắt đầu làm việc. Mới đầu tôi tưởng họ tìm bảo vật vàng bạc gì đó, rồi tôi thấy đứa cháu gái xúc một giỏ cát, còn bà cụ lựa kỹ từng phiến đá trắng vuông vức bỏ vào giỏ. Khi giỏ đầy rồi, họ gùi lên lưng, chậm chạp leo con dốc dựng đứng để lên bờ.
Họ đi ngang sát chỗ tôi núp. Không biết họ có thấy tôi không. Nếu có thì họ cũng không để lộ cho tôi thấy. Đợi cho họ đi qua rồi, tôi mới theo dõi.
Con đường đưa tới chỗ cao nhất của làng, tới một cái đồi nhỏ bao quát cả miền chung quanh. Mấy lần đi chơi, tôi chưa bao giờ bước chân tới đó: đó là nơi duy nhất không bị tàn phá. Một nhóm người làng đang làm việc trong bụi cây keo. Họ nói nhỏ nhẹ với nhau, không có những cử chỉ huênh hoang, lặng lẽ trộn hồ, đục những phiến đá nhỏ nhắn, trắng đẹp rồi sắp vào nhau, chồng lên nhau thành những bức tường của một kiến trúc rộng lớn.
Mới đầu tôi chưng hửng. Rồi đột nhiên tôi đoán được mục đích của họ, họ tính xây cất cái gì. Tôi nghẹt thở. Những kẻ đó chỉ có một mái nhà đủ che mưa che nắng, còn bao nhiêu đã mất hết. Những ông bà già và trẻ con mà tôi tưởng chỉ là những bóng ma bất lực, hư ảo, vật vờ, đã quyết tâm làm một công tác tập thể đầu tiên là tự lực xây cất một giáo đường mới mẻ, lộng lẫy. Không phải là một nhà thờ nhỏ xấu xí tạp nhạp, mà là một chỗ thờ phụng quy mô, đẹp đẽ hơn tất cả những giáo đường cũ trong miền.
Cụ già và đứa cháu trút giỏ cát đá xuống, nghỉ một chút để thở rồi lại trở xuống lòng sông. Khi đi ngang qua sát tôi, mồ hôi nhễ nhại trên trán, cụ già ngó lén tôi: cặp mắt đen và nghiêm nghị của cụ có vẻ tươi cười dịu dàng mà bí mật, bề ngoài thì bình tĩnh mà bề trong ranh mãnh một cách hiền từ. Cụ có vẻ như bảo: « Sao? Có thực là tương lai của chúng tôi hết hẳn chưa? » Tất cả cuộc đời của cụ hiện rõ trong vẻ nhìn đó, từ dĩ vãng, hiện tại tới tương lai. Một cuộc đời can đảm, nhẫn nại, một lòng tin tưởng bền bĩ, không gì lay chuyển nổi, một ý chí cam nhận cái gì không tránh được, nhất là quyết tâm tin tưởng.
Tôi xấu hổ đứng trân ra đó, trong khi hai bà cháu đi khuất vào đường mòn. Nghĩ rằng mình đã để cho niềm thất vọng lôi cuốn, tôi thấy đau nhói tim như có mũi dao đâm vào đó. Ừ thì tan hoang, đổ nát đó, nhưng đã làm sao? Nếu những người già lụm khụm như vậy và những người trẻ măng như vậy mà còn lòng tin tưởng mãnh liệt như vậy thì thế giới vẫn còn có thể hy vọng được, hy vọng được ở tất cả.
Tôi đứng trên đồi một hồi lâu. Sau cùng khi xuống đồi, lòng đã bình tĩnh, phấn khởi thì ngôi sao hôm hiện lên, tuy còn lờ mờ nhưng đã lấp lánh trên nền trời vô biên và làng xóm chìm dần sau làn sương nhẹ từ biển bốc lên. Nhưng ở « cái nơi tâm lình còn bừng bừng đó » tôi thấy tất cả ngọn lửa chiếu sáng rực rỡ.
A.J. Cronin
Nguyễn Hiến Lê dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...