Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Nguyễn Nhã Tiên với dạ khúc bên bờ sông lấp

Nguyễn Nhã Tiên với
dạ khúc bên bờ sông lấp

Hai mươi năm “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến làm ruộng dâu) kể từ sau những hiện diện Giọt thơ (1972), Cõi về (1996), Khúc hồi âm của lá (2002), thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên mới trở lại thi đàn, ra mắt Những thanh âm bên bờ sông lấp (NXB Hội Nhà văn 2022). Hai mươi năm với bao biến thiên của thời gian và cuộc đời nhưng thơ Nguyễn Nhã Tiên vẫn tươi tốt phù sa xanh biếc những linh hồn.
Hơn 70 bài thơ được thi sĩ chọn in chung trong một tập sách dày 220 trang, quả một cánh đồng bội thu chữ nghĩa, dù ông khiêm tốn nhận Thơ tôi gieo cấy mười năm cả cánh đồng thóc lép/ không nên nổi mùa vàng giờ xin cát hạt vui (Ngày ở với hồn nhiên). Đến với Những thanh âm bên bờ sông lấp, ta nhận ra tấc lòng Nguyễn Nhã Tiên trong mối tình tiền kiếp lót ở ngoài chân mây của một thi sĩ tha thiết với thơ ca, làng quê và với chính cuộc đời này.
Lạc vào rừng thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta chú ý nhiều đến những khúc đêm xuất hiện đậm dày trong thi phẩm bởi khoảng không, thời gian ấy là thời khắc ông tự vấn để suy tư, chiêm nghiệm về sự đổi dời dâu bể. Xưa Trần Tế Xương đã từng thở dài khi con sông Vị Hoàng của quê hương ông bị san lấp, hay nói rộng hơn là nỗi đau xót trước sự đổi thay của xã hội thành thị nửa Tây, nửa Ta: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông Lấp- Trần Tế Xương).
Còn với nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, ông tìm đến với thơ như tìm đến sự cứu rỗi linh hồn và sông lấp của thơ ông là những cảm thức tiếc nuối, cô đơn, trở trăn trước sự chảy trôi của thời gian và kiếp người: Đời thực quá, may câu thơ cứu rỗi/ em lụa là nhân ảnh bước rong chơi (Lãng mạn với sông Hương). Cảm thức đêm vốn là nguồn cảm hứng muôn đời của thi sĩ bởi không có bóng tối, chúng ta không thể thấy sao trời. Và với Nguyễn Nhã Tiên, đêm thắp cho ông ngàn ánh lửa để nhà thơ soi rọi mình, đối diện với nỗi đơn côi và kết đúc nên những vần thơ giàu nội lực.
Những thanh âm bên bờ sông giữa đêm khuya vắng lặng xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Nguyễn Nhã Tiên. Đó có thể là tiếng còi tàu văng vẳng cứa vào ngực tôi ngọt xớt tựa dao mềm, tiếng sóng chạm vào phiến nguyệt, tiếng gàu va vào thành giếng khuya bật lên thanh âm vô tận, tiếng người ngày xưa với nỗi khuya khuắt chạm vào tôi, những ngọn nồm rì rào kể chuyện, tiếng đêm rơi gọi cát trở mình…Những âm thanh ấy gợi tôi liên tưởng đến tiếng ếch bên bờ sông Lấp của Trần Tế Xương, tiếng cuốc kêu trong thơ Nguyễn Khuyến (Cuốc kêu cảm hứng). Dẫu mỗi nhà thơ một hoàn cảnh, một tâm trạng khác nhau nhưng lại gặp nhau ở cảm thức về âm vọng đêm. Những đêm không ngủ, người thơ lắng nghe được mọi âm thanh vang lên giữa không gian tĩnh mịch, những âm vọng ấy gợi niềm hoài cổ đến mênh mang.
Và với thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên, âm khúc quê mùa mãi vang vọng trong thơ, bởi ở đó chất chứa bao niềm trở trăn trước sự đổi thay chóng mặt của nông thôn trước làn sóng đô thị hóa: Quê gần mà xa lắc quê/ gàu rơi giếng cổ vẳng nghe bồn chồn (Ngọn gió siêu hình). Cụm từ  xa lắc quê vẳng lên, nghe thân thương đến lạ cho thấy cái hồn cốt Quảng Nam không xa rời bước chân người thi sĩ dù ông có đi đến đâu. Ta đã từng gặp một tiếng gàu va vào thành giếng đêm ba mươi Tết trong thơ Nguyễn Nhã Tiên làm nên một khúc quê xao xuyến lòng người: Có tiếng gàu ai bỏ quên ngoài giếng/chạm vào tôi ngân mãi khúc quê mùa…và giờ đây, âm thanh ấy vọng về đêm thành thị, ngân lên nỗi bồn chồn vì nhớ thương, nuối tiếc đến sững người.
Những thanh âm bên bờ sông lấp – Tập thơ của Nguyễn Nhã Tiên
Đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta bắt gặp sự chống chếnh đơn côi – một nỗi niềm không hề bất-bình-thường trong cuộc đời đầy thăng trầm, chứng kiến nhiều mất mát như thi sĩ Nguyễn: Một đêm chim hạc về trời/ bỏ mùa xuân ở với tôi một mình (Đường thanh minh). Chính về thế, sông đã trở thành người bạn tâm tình cùng ông trong đêm vắng: Những lúc cô đơn vịn vào sông/ bước. Sông hiểu những phơi trải của lòng người; là nơi ông trút hết những bận bịu lo toan, những khổ đau trên cõi đời: Chừ còn tôi với sông/ sóng vỗ tràn thương nhớ…; là chỗ dựa tinh thần, khoảng lặng để người thơ suy tư trong đêm vắng: Đời thực qúa, may còn sông hư ảo/ áo sương mù xin cứ khoác cho nhau/ để đêm xuống với vầng trăng cổ sử/ xoa xít dỗ dành mỗi lúc tôi đau. Sông đêm với nỗi hoài nhớ về một thời tấp nập hay sông lấp với bến không người luôn gợi niềm thổn thức trong ông. Và bài thơ mang tên của chính tập sách hàm chứa mọi nỗi xốn xang, luyến tiếc về một thuở vàng son của tuổi trẻ, tình yêu trong lòng thi sĩ:
Chỉ còn mỗi ngọn nồm rì rào kể chuyện
mộ cát nhấp nhô
sông lấp tự bao giờ
trăng non gieo ngọc khoáng đầy cổ tích
ngọn gió lang thang vọng thức bến không người
(Những thanh âm bên bờ sông lấp)
Để gửi lòng mình trong đêm vắng vào thi ca, Nguyễn Nhã Tiên đã đa dạng hóa các thể loại thơ. Ngòi bút ông tung hoành trong thể tự do, kiệm lời trong thơ lục bát, riêng tôi lại thích giai điệu thơ ông ở thể lục ngôn. Hàng loạt các bài thơ sáu chữ  trong Những thanh âm bên bờ sông lấp ngân vang trong tôi những xôn xao của khúc nhạc lòng: Tiếng chiều, Những âm sắc vườn tôi, Gió gọi, Thổi đi từng cơn gió bấc, Khoảnh khắc với hoàng thành… Nguyễn Nhã Tiên không chỉ làm mới thơ ở việc tạo tính nhạc mà còn ở cách kết hợp ngôn từ khá lạ; trong từng bài thơ, bạn đọc đều có thể lọc đãi ra vài câu “rất Nguyễn Nhã Tiên”: Tàu đến tàu đi dốc vào tôi kỷ vật/ mỗi tro than tôi tạc một hình hài (Tiếng khuya); Rêu xanh một mái hiên gầy/ cỏ thơm lót chỗ mây bay đắp mình (Ngọn gió siêu hình); Phía ánh lửa chiều hôm mơ hồ nhưng rất thực/ may còn chút tàn tro nhận mặt nỗi buồn (Phía mơ hồ); Những cát bụi không còn nơi ẩn trốn/ hạnh phúc từ ngực người nhuộm thắm hương hoa (Khúc quê); Đừng trôi đi hết/ đừng trôi/ trả tôi sông cất tiếng cười giòn tan/ áp tai vào nước nghe non/ ơ hay/ sông có linh hồn em ơi (Gió hồi âm).
Những thi ảnh trong thơ Nguyễn Nhã Tiên gần gũi, thân thuộc với mọi người nhưng được nhà thơ khoác lên một tấm áo mới bằng cái tài của người vận chữ, cái tình quê hương mặn nồng và chất lửa đối với thơ ca. Các từ địa phương “đặc sệt Quảng Nam”như: ngọt xớt, chừ, xa lắc, mô, cũ càng… được ông vận vào thơ hài hòa và nhuần nhuyễn vừa tạo nét cá tính thơ, vừa đậm chất hồn quê cổ xứ. Về điểm này, tôi đồng điệu với nhận xét của Chu Thụy, người bạn văn nghệ của ông: Đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên, thấy rành rẽ một ngôn ngữ nói sắc lẻm, tự nhiên như không, nhưng đó quyết phải là thứ ngôn ngữ sang trọng và đầy sức hút.
Lang thang cùng khúc tâm tình trong đêm vắng qua Những thanh âm bên bờ sông lấp để hiểu thêm ngòi bút đa thanh Nguyễn Nhã Tiên. Dù viết ở bất kì thể loại nào thơ, bút kí, tản văn; trang sách của ông đều thể hiện sự hài hòa giữa chất trí tuệ lấp lánh từ sự am hiểu khá tinh tường về nguồn cội xứ sở cùng chất trữ tình lắng đọng bởi những cảm xúc và sự gắn bó máu thịt với làng nước yêu thương. Những thanh âm bên bờ sông lấp chắc chắn sẽ rung ngân trong lòng độc giả bởi đó là quãng lặng để ai đó tìm về, dù rằng thơ ca và cuộc đời đều có quy luật: Rồi ngày qua/ rồi đời qua/ bụi rơi xuống đất hương hoa lên trời/ em còn buồn nữa hay thôi/ núi cao là biết phận đời chon von (Nghĩ về thơ - Nguyễn Nhã Tiên).
3/12/2022
Nguyễn Thị Thu Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...