Tế Hanh - Nhà thơ của niềm ao ước
Sinh thời, Tế Hanh đã từng khẳng định: “Hãy đi con
đường vào trái tim bạn đọc/ Người ta có thể quên tên người làm thơ, nhưng đừng
để quên thơ” (Bài học nhỏ về nhà thơ lớn). Thấm thoát, tám năm trôi qua,
bao mùa trăng đầy rồi khuyết, Tế Hanh vĩnh viễn đi vào cõi tịch diệt, hồn phiêu
bồng cùng “sông nước của tình thương”, dẫu rằng thi nhân luôn đau đáu một niềm
ao ước: “Tôi muốn viết những bài thơ dễ hiểu/ Như những lời mộc mạc trong ca
dao” (Điệu quê hương)
Xuất hiện ở chặng cuối của phong trào Thơ mới, trải
qua hơn sáu mươi năm cầm bút- không kể những công trình dịch thuật, những bài
thơ viết cho thiếu nhi và những tập tiểu luận- Tế Hanh sáng tác hơn 17 tập thơ.
Với sự nghiệp thơ ca như thế và cùng quan niệm nghệ thuật có nẻo đường riêng,
Tế Hanh được công chúng đánh giá là một nhà thơ lớn của thơ ca hiện đại Việt
Nam. Chính ông, trong bài viết Mấy suy nghĩ về thơ ra ngày 4/9/1995, đã tâm
sự:“Bây giờ tôi đã 75 tuổi, nếu tính theo chu kì từ 60 đến 80 tuổi nghĩa là
trong những năm cuối thế kỉ 20, tôi cố gắng có một mùa thơ mới nữa. Nhưng đó
chỉ là ước mơ, thực hiện được ước mơ ấy không phải dễ vì sự sáng tạo về nghệ
thuật không phải chỉ do ý muốn chủ quan mà có được”. Suy nghĩ về thơ nhưng đó
cũng là một dự báo, một nỗi niềm ao ước khó thỏa của hồn thơ nặng tình với quê
hương, đất nước, với tình đời và luôn sống trong tâm trạng nhớ thương, khao
khát vì cách xa…
Ao ước đầu đời có lẽ đã mãn nguyện, tập thơ đầu
tay Nghẹn ngào (năm 1945 in lại đổi thành Hoa niên) của Tế Hanh đạt giải khuyến
khích (đồng hạng với nữ sĩ Anh Thơ) vào năm 1939 của nhóm Tự lực văn đoàn. Năm
1940, trên báo Ngày nay, nhà văn Nhất Linh đã khen “… Dẫu sao, ông Tế Hanh rất
nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài; ông có một linh hồn rất phong phú, có
những rung động rất sâu sắc và để diễn tả linh hồn, ông có đủ nghệ thuật và
cách đặt câu, tìm chữ”. Năm 1941, tác phẩm Thi nhân Việt Nam ra đời, Tế Hanh
được chọn giới thiệu bốn bài thơ “Quê hương”, “Lời con đường quê’, “Vu vơ” và
“Ao ước” cùng 165 thi phẩm của 45 nhà thơ lãng mạn đương thời khác. Và đúng như
Hoài Thanh nhận xét: “Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ
lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ
đi…”. Song đó lại là diệu báo của một hồn thơ luôn ao ước, luôn chưa thỏa về
tình quê, về hạnh phúc, về trách nhiệm của một công dân và đặc biệt là về cái
Tâm của người cầm bút. Từ bài thơ “Ao ước”, Tế Hanh đã tỏ rõ tấm chân tình của
một chàng trai vừa mới lớn, vừa nếm vị men say của tình yêu. Đó là “ao ước”
thoạt đầu tưởng chừng tàn nhẫn nhưng suy ngẫm, ta nhận thấy ở ý thơ có cái
thật, cái trong sáng đến vô ngần của tình yêu đầu đời, và nhất là “cái quên
mình” trong tình yêu mà chắc mấy ai đi đến tận cùng! Chính vì thế trong Việt
Nam thi nhân tiền chiến, quyển hạ, Nguyễn Tấn Long đã viết: “Khác với một Xuân
Tâm hay ao ước giao tình ra ngoài nghìn dặm ở những chân trời xa lạ, Tế Hanh tỏ
lòng gắn bó với tình quê, nơi mà ấn tượng sinh hoạt của dân làng đã in sâu vào
ký ức của tác giả lúc còn trẻ”.
Chính niềm ao ước muôn đời tạo nên một phong cách
riêng trong thơ Tế Hanh. Bước qua tuổi “hoa niên”- Cách mạng tháng Tám thành
công, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, rồi đất nước chia làm hai miền Nam,
Bắc - từ một nhà thơ lãng mạn, Tế Hanh trở thành nhà thơ cách mạng. Nhận thức
sâu sắc “nhân dân một lòng”, ông đã xác định: “Khi tôi nói chỗ dựa của người
làm thơ là tôi muốn nói thơ phải từ cuộc đời, từ cuộc sống. Khi nói cuộc đời,
ta nghĩ nhiều đến xã hội ta đang sống. Khi nói đến sự sống ta nghĩ nhiều đến sự
phát triển của thể xác và tâm hồn của người làm thơ” (Mấy suy nghĩ về thơ). Do
đó, đến với thơ Tế Hanh, ta luôn bắt gặp một hồn thơ chân thật, mộc mạc đi giữa
hai chốn thực tại cuộc sống và cảm thức của nhà thơ, giữa con đườnglý tưởng và
dòng sôngxúc cảm. Với hồn thơ chân thực đến trong ngần như thế, niềm ao ước gặp
gỡ, yêu thương luôn trở đi, trở về trong thế giới nghệ thuật thơ Tế Hanh như
một sự ám ảnh: “Ngày mai kia trong biến động liên hồi/ Anh không thể giữ cả
những gì yêu quí nhất/ Nhưng tình anh đối với em không thể mất/ Như bao tình yêu
chân thật trên đời” (Giữa anh và em). Vì vậy, xa cách nhớ thương là chủ đề
thường trực trong thơ ông. Nhan đề một số tập thơ như “Lòng miền Nam” (1956),
“Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Câu
chuyện quê hương” (1973), “Con đường và dòng sông” (1980), “Vườn xưa” (1992)…
đã gợi thức điều đó.
Đọc thơ Tế Hanh, ta không chỉ bắt gặp thời gian và
không gian của tự nhiên, của hiện tại mà còn phát hiện một kiểu thời gian và
không gian của tâm trạng, của suy tư. Đó là thời gian và không gian được tái
hiện qua cái nhìn của cái tôi trữ tình giàu cảm xúc, suy tư và đau đáu một niềm
ao ước được trở về “lưu luyến trên sông” và được ngập lặn để “ôm vào” tất
cả những cảnh sắc quê hương mà tâm hồn nhà thơ khao khát neo đậu. Nỗi niềm này
càng được hiện rõ trong thơ Tế Hanh qua những bài thơ tình như: “Liễu”, “Bão”,
“Vườn xưa”, “Em ở đâu?”… (trong tập Gửi miền Bắc), “Không đề”, “Anh yêu em”…
(trong tập Câu chuyện quê hương), “Anh trong đau ốm gặp em”, “Giữa anh và em”…
(trong tập Con đường và dòng sông), “Tặng”, “Em gần gũi, em xa xôi”, “Văn xuôi
cho em”… (trong tập Bài ca sự sống)… Men tình trong thơ của Tế Hanh không nồng
nàn, say đắm như thơ Xuân Diệu, không giàu chất trí tuệ và tính triết lý như
thơ Chế Lan Viên…, đọc thơ Tế Hanh, ta luôn bắt gặp chất tình thực sự chân
thành của một hồn yêu sâu lắng, man mác nỗi niềm ao ước vô cùng thành tâm và
đáng yêu: “Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao” (Liễu). Thơ
Tế Hanh luôn gợi nhắc độc giả nỗi niềm trắc ẩn và lắng lại những suy tư về hạnh
phúc, về ước ao chưa thỏa ở đời: “Em gần gũi, em xa xôi/ Sao em như thể chân
trời trước anh/ Đưa tay tưởng với được tình/ Bước đi tới mãi mà tình vẫn xa”
(Em gần gũi, em xa xôi).
Niềm ao ước muôn đời đã chảy mãi trong huyết mạch,
trong tâm hồn và trong thơ Tế Hanh. Chính nó góp phần tạo nên những đặc sắc về
phương diện nghệ thuật của hồn thơ Tế Hanh. Nhà thơ vừa phát huy tính nghệ
thuật, tính truyền cảm của các thể thơ dân tộc, vừa vận dụng một cách sáng tạo,
nhuần nhuyễn các hình thức thơ mới. Từ việc đổi mới đề tài sáng tác, nhà thơ
luôn có sự tung hoành ở các thể thơ. Từ việc sử dụng những từ ngữ giàu hình
ảnh, gần gũi với hồn quê, dễ hiểu “như những lời mộc mạc trong ca dao”, nhà thơ
bày tỏ nỗi lòng bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trong trẻo và sâu lắng. Lời thơ chân
thành chứa đựng nỗi ước ao, nguyện cầu: “Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ
cùng trở lại vườn xưa” (Vườn xưa).
Đọc thơ, ta lại ngẫm đến người. Suốt một đời ao ước,
không thỏa nguyện vì Tế Hanh bị đau mắt và đã mờ khi ở tuổi ngoài bảy mươi. Rồi
từ tám năm trước khi mất, ông đã nằm yên một chỗ sau cơn đột quỵ trong đêm thơ
nhạc tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội: “Nói sao hết được em ơi/ Anh không thể bắt
cuộc đời đứng yên/ Em không thể mãi là em /Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa”
(Cái nhìn). Và vào lúc 12 giờ ngày 16 tháng 7 năm 2009 tức ngày 23 tháng 5 Âm
lịch, nhà thơ Tế Hanh đã tạ thế. Nghĩ lại những ao ước thầm gửi trong thơ và
trong những lời bộc bạch của ông còn dang dở, ta vô cùng tiếc thương… Dòng sông
quê vẫn chảy, con đường làng vẫn tít tắp và “vườn xưa” còn đó, nhưng Tế Hanh đã
vĩnh viễn đi xa. Xin thắp nén tâm hương, tưởng nhớ về nhà thơ bằng những câu
thơ của chính ông: “Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã
xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi” (Bão).
Lê Chấn Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét