Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Văn hóa đọc

Văn hóa đọc
Lâu nay khi nhắc đến cụm từ này, người ta thường liên tưởng đến những cuốn sách, và gần như mặc định “Văn hóa đọc” có nghĩa là đọc sách. Nhưng đó là một cảm niệm không chính xác. Bởi tất cả các loại hình chữ được truyền tải qua đôi mắt đều có thể gọi là “Văn hóa đọc”. Vì vậy, khái niệm này nên mở biên ra với tất cả các hình thức đọc.
Không thể phủ nhận với sự phát triển công nghệ thông tin, đã giúp con người có thêm nhiều tiện ích. Chiếc máy tính với nhiều cách nối mạng là một thứ phương tiện hiện diện gần như trong mọi ngóc ngách cuộc sống, là chiếc cầu nối liền rất nhiều khoảng cách, là một trạm trung chuyển hữu hiệu của thời đại, nói một cách lộng ngôn thì thế giới này sẽ tắt ngóm nếu không còn bóng dáng computer.
Nhưng luôn luôn có tính hai mặt trong cùng một vấn đề. Thông tin mạng có thể nói trên cả mức đầy đủ, trên cả mức phong phú, chỉ cần một thao tác nhanh gọn, người ta có thể tìm cho mình nhiều hơn thứ mình đang cần. Không những thuận tiện mà chi phí cũng hết sức tiết kiệm. Lại trong một môi trường luôn luôn tiếp xúc, phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng, thì thế giới mạng hiển nhiên là một sự lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, thái quá đôi khi lại thành bất cập. Sự lợi hại song hành đòi hỏi người tham gia sử dụng phải biết sàng lọc. Vì vậy mà hình thành “Đối tượng nào nhu cầu đó”. Và khi đã có sự chọn lựa đúng đắn, thì góc độ tích cực sẽ được nhìn nhận một cách rõ rệt.
Quay lại với việc đọc sách. Vì sao lâu nay bóng dáng những cuốn sách bén tay người ngày càng ít đi? Chẳng có chuyện gì mà không có căn nguyên cả. Vậy căn nguyên của câu chuyện này là gì? Xin thưa không phải một mà là nhiều hơn một.
Đầu tiên phải nói là giá của một cuốn sách. Phải nói là quá mắc. Giá thành một cuốn sách thường là hơn gấp đôi chi phí chính. Phải nói thêm một chút rằng: Lợi ích này thường là không thuộc về tác giả. Nó được chung chia cho các khâu phát hành, bởi việc trừ đến 40 - 50% cho phát hành vốn là chuyện bình nhiên như tại. Đó là nói những đầu sách mà tác giả lọt được qua cổng hệ thống phát hành, hay bấp bênh hơn là ký gửi, mà việc thu hồi vốn là điều không dễ. Nhưng với người đi mua, con số là con số, con số ấy luôn làm người ta phải cân nhắc.
Và sự cân nhắc trước hết liên quan đến chất lượng nội dung. Đây là yếu tố hết sức quan trọng của việc chọn lựa đọc sách của ngày nay. Do xu thế xã hội, do phương thức liên kết xuất bản, do những luồng tư tưởng quan niệm sống đa dạng của thời đại, do ảnh hưởng quá nhiều văn hóa du nhập chưa được sàng lọc và thẩm định, do nhịp độ ăn nhanh sống gấp của con người hiện đại mà sản sinh ra vô vàn sản phẩm văn hóa đa chủng loại. Phần nhiều trong số không đủ chất lượng chinh phục độc giả có yêu cầu thưởng ngoạn đúng đắn, Không ít người đã thở dài hối tiếc khi bỏ một số tiền mua lấy một cái tiêu đề và một cái bìa khơi gợi, hứa hẹn. Vậy nên tốt nhất là mua sách dịch, nếu muốn hoặc cần, vì tối thiểu nó cũng đã lọt qua được vài cái lưới. Cảm giác yên tâm vì không bị hẫng, cảm giác đáng với đồng tiền khó nhọc của mình phải bỏ ra.
Vấn đề thứ ba là câu chuyện thời gian. Hơi thở gấp gáp của cuộc sống hàng ngày liên tục phả sau gáy khiến người ta mở mắt ra là đã thấy mệt. Cái vòng xoay kín mít từ khi mở mắt cho đến lúc nhíu lại đã vắt gần hết năng lượng sức lực của con người hiện đại. Có cuốn sách nào ồn ào ầm ĩ lắm cũng chỉ vẫy nổi vài trang trong vài phút tranh thủ. Sự hứng thú vì thế cũng khó mà tồn tại lâu.
Cho dù với một cuốn sách thì người ta sẽ tùy nghi trong nhiều trạng huống, nhưng với những hạn chế như đã nêu thì “Văn hóa đọc không đơn thuần chỉ là đọc sách”. Nhưng không phải vì thế mà ta đồng tình với sự làm ngơ thế giới sách. Bởi nếu thế thì đồng nghĩa với một môi trường ngày càng yếu đi động lực lao động cho các nhà văn. Lại càng không thể phủ nhận ưu thế của mảng thông tin toàn cầu. Kể cả là nhiễu, là trái chiều thì người đọc vẫn có thể đọc thêm được những gì đằng sau thông tin. Bởi khi đọc với tất cả sự tập trung thì không phải chỉ tiếp nhận trên mặt bằng của dung lượng, mà còn rất nhiều góc cạnh của các vấn đề mà người đọc có thể khai thác qua góc nhìn của mình.
Đây mới chính là cái đúng để gọi là  VĂN HÓA ĐỌC.
Đàm Lan
  Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...