Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Hương xuân một đời người

Hương xuân một đời người
Cầm trên tay tập thơ của bác Phạm Thuần, lòng tôi không khỏi rưng rưng. Nhớ lại lần đầu gặp bác, khi ấy đang xúc tiến thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, bác đảm nhận công việc chẳng mấy dễ chịu: Chủ tịch Ban vận động. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bác khi ấy là ấn tượng về một ông cụ xởi lởi, nhân hậu, minh mẫn, và thật giàu năng lực tổ chức. Nghĩ về một vị lãnh đạo tổ chức Hội như bác, nhiều văn nghệ sĩ khó bảo như chúng tôi cũng có cớ để yên lòng. Và rồi bác đã chèo chống để Hội Văn học Nghệ thuật địa phương chính thức được chào đời.
      Sau nhiều năm không có dịp gặp bác, những tưởng bác đã già yếu đi nhiều cùng với tuổi tác. Nhưng kìa, bác Phạm Thuần trong buổi gặp gỡ tác giả Hương xuân lại hầu như không một chút thay đổi. Vẫn giọng nói lảnh lót, vẫn dáng đi nhanh nhẹn, vẫn ánh mắt hồn hậu… Mà bác đã qua tuổi 80 rồi đấy! Cái già cả trú ngự ở đâu trong thân hình quen thuộc kia. Cứ như với bác, thời gian không còn hiện diện trên đời. Tôi nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương trình “Khách VTV3”. Khi người dẫn chương trình tỏ lòng biết ơn Đại tướng vì dù “tuổi đã cao, sức đã yếu” – nguyên văn lời anh Lại Văn Sâm – ông vẫn có mặt và phát biểu với sinh viên, thì vị Tổng tư lệnh từng làm khiếp đảm quân thù khi xưa đã đính chính lại: “Tôi tuy tuổi đã cao nhưng sức vẫn khoẻ”. Cả hội trường ồ lên vui sướng. Đó là những “thanh niên già” như sinh thời Hồ Chí Minh thường gọi. Bí quyết ở đâu vậy? Năm 1950, vị lãnh tụ kính yêu đã viết:
                                    Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
                                    So với ông Bành vẫn thiếu niên
                                    Ăn khoẻ, ngủ ngon,làm việc khoẻ
                                    Trần mà như thế, kém gì tiên!
Làm tiên giữa cõi trần, may mắn lắm thay mà cũng khó lắm thay! Bước qua tuổi 80, bác Phạm Thuần cũng có suy nghĩ tương tự: Đã thấm vào đâu tuổi 80. Rồi: Tám mươi mốt tuổi sức tràn đầy. Ấy là bởi: Tuổi cao ý chí thêm cao mãi. Và cũng xin chớ quên cái sức trẻ của thơ ca, của nghệ thuật đã thật sự truyền sang con người bác:
                                    Sớm sớm dạo rao đôi khúc nhạc
                                    Chiều chiều ngâm vịnh mấy vần thơ
Đó là những câu rút ra trong bài thơ bác làm tặng đồng chí Phan Thêm nhưng cũng là để nói về mình đấy. Thơ mới kỳ diệu làm sao! Không phải những nhà phê bình chúng tôi nói đâu. Đó là cuộc đời lên tiếng nói! Chả thế mà trong 45 bài thơ của Hương xuân đã có 8 bài bác làm trong nửa đầu 1997 này… Bài thơ đầu tiên trong tập được bác Phạm Thuần viết ở Pleiku vào năm 1942 – cách đây 55 năm. Còn bài thơ mới nhất in trong tập được bác làm vào ngày 15/05/1997 có tựa đề Là em:
Xa trông vàng rực hoa mai
Toả hương phảng phất hoa nhài đâu đây
Có gì lạ đâu. “Đà Lạt thành phố ngàn hoa” - Bạn bè gọi thế, du khách gọi thế. Có điều hai câu kết của bài thơ lại soi tỏ một sự thật khác, sâu hơn, vì vậy mà khó thấy hơn:
Đến gần tận mắt anh trông
Thì ra: Đào, Cúc, Lan, Hồng… là em
Đúng vậy mà! Con người Đà Lạt mới thật đáng nói kia. Đó là “hoa của đất”, là nguồn cội của những cánh hoa trăm sắc ngàn hương rải khắp thành phố thân thương của chúng ta. Thật nhất quán với tuyên ngôn của tác giả:
Tôi muốn vẽ bức tranh y như cuộc sống
Bằng lời ca ngọt ngào, trầm bổng
Như bao chiến sĩ cách mạng dạt dào tâm hồn thơ khác, tiếng thơ của bác luôn tự lòng mình mà ra. Bác thực lòng bộc bạch cùng đồng chí, đồng đội, đồng bào: “Tôi suốt đời đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam… Trong quá trình công tác có nhiều việc gây xúc động, tôi viết những bài tạm gọi là thơ…”. Chẳng phải ngẫu nhiên bác lấy bài thơ Hương xuân được sáng tác vào năm 1948 làm tên gọi cho cả tập thơ. Bài thơ với đề từ Vần thơ nối bước theo dòng đời. Và ý thơ sau quán xuyến đến từng bài thơ: Xuân quật cường lộng lẫy vàng sao. Tuy nhiên cũng phải đến bài Lại xuân được viết sau đó 38 năm nguồn mạch thơ kia mới thật nổi rõ.
Không lấy làm lạ nếu bác Phạm Thuần làm thơ chủ yếu để nhằm động viên đồng bào, suốt đời giữ trọn lòng son sắt với dân. Những vần thơ trước đây đã vậy, mà những vần thơ mới đây cũng vậy:
Tặng các chị, các anh bức tranh tuyệt diệu
Thấm vào từng câu trong 45 bài của tập thơ là nghĩa là tình, đúng hơn là nghĩa lớn tình sâu:
Thương nhau chỉ có một lời
Gian lao cùng gánh, ngọt bùi cùng chia
Nhưng trên con đường cách mạng đầy vinh quang mà cũng không ít chông gai, thơ với bác trước hết là tiếng nói của lòng mình:
Thăng trầm thế sự thây hư, thực
Hoà thuận nhân tình trọng nghĩa, nhân
Và dường như cùng với năm tháng, tiếng nói ấy ngày càng đằm hơn, nghĩa là càng sâu hơn và lắng hơn:
Tốt, xấu phân minh không bóp méo
Dở, hay trung thực chẳng vo tròn
Trau dồi nên tấm lòng thẳng ngay trước mọi điều sai đúng mọi lẽ dại khôn ấy đâu có dễ dàng. Mà nhiều lúc cũng thiệt thòi lắm! Nhưng phẩm chất của con người cánh mạng đã thấm tận tim óc, thành nếp cảm, nếp nghĩ, nếp hành động của con người ấy rồi! Cây cao, bóng cả, gió nào có thể chuyển lay.
Tôi muốn nói Hương xuân đã giúp cho người đọc thêm hiểu biết một người cách mạng chân chính đã cảm xúc và suy nghĩ ra sao về dân, về Đảng, về sự nghiệp của chúng ta. Lại bằng hình thức thơ nghĩa là bằng một phương tiện hồn nhiên, chân thực và dễ lay cuốn lòng người nhất. Đó là giá trị chủ yếu của tập thơ. Giữa thời buổi “lạm phát” thơ ca như các nhà phê bình thường nói, được vậy cũng đáng đọc lắm rồi. Nhưng thơ bác Phạm Thuần đâu chỉ có thế! Thơ bác còn rất thơ nữa vì người thi sĩ trong bác luôn đòi hỏi được lên tiếng. Không, tôi không hề dám nói quá đâu. Xin được đưa ra một trường hợp: Bài Thung lũng tình yêu. Phải thừa nhận bốn câu đầu chưa thật đặc sắc cho lắm. Nhưng bốn câu cuối quả là một thách thức không nhỏ với những người làm thơ, ngay cả với những cây bút chuyên nghiệp khi viết về Đà Lạt:
                                    Tình yêu không biết tuổi đời
                                    Đến thăm thung lũng không người vẫn yêu
                                    Núi nghiêng lòng cũng xiêu xiêu
                                    Thoảng nghe chim hót rừng chiều ái ân
Cảnh đẹp đã gợi hồn thơ hay hồn thơ đã phả vào cảnh đẹp? Chỉ biết đó là những vần thơ không thể không kể đến khi có ý định làm tuyển thơ viết về Đà Lạt chúng ta.
Để kết thúc, tôi xin được dẫn bài thơ bác Phạm Thuần vịnh tập thơ đầu của đồng chí Nguyễn Xuân Du:
Bốn sáu xuân đầy nợ vấn vương
Nợ nhà, nợ nước, nợ văn chương
Thắm duyên trót nặng tình thơ, phú
Có chút con đầu để mến thương
Xin chúc bác và những người Cộng sản giàu hồn thơ như bác mãi vấn vương với nợ nhà, nợ nước, nợ văn chương cho đến phút chót của đời mình. Tôi chợt nhớ đến tâm sự của đồng chí Nguyễn Xuân Du trong lần gặp gỡ mới đây với một số anh em văn nghệ sĩ chúng tôi: “Mình coi việc xuất bản tập thơ là một hành động cách mạng quan trọng cuối cùng của đời mình”. Tôi trộm nghĩ: có phải người Cộng sản nào cũng có được may mắn đâu!.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Lóng lánh một hồn thơ

Lóng lánh một hồn thơ
Nhập vào thế giới thi ca mang tên Thu Nguyệt, ta dễ bị xoáy vào những vần thơ hướng nội, hoàn toàn hướng nội. Thế giới bên ngoài, nhất là đời sống thường nhật của con người, như dồn tụ về một hướng: “Vi vu trăm vạn nẻo đường/ Hụt chân bỗng rớt về phương trời mình”. Cứ tự nhiên lưu giữ trong chiều sâu trí nhớ của người đọc những câu thơ như:
Ta mang chút phận đèo bòng
Đau giùm, khóc hộ mênh mông đất trời
Hay:
Chiều buồn báo hiệu không đêm
Ta cùng thức trắng làm tim đất trời
Chừng như, mọi nỗi đời, nỗi người đều được cảm nhận qua trái tim mẫn cảm ấy, để kết lại thành một cõi thơ vừa gần vừa xa, vừa thật vừa hư, cứ hút ta vào như không thể nào cưỡng nổi. Đó là khối trữ tình cá thể nguyên chất tạo ra vẻ đẹp riêng, làm nên đóng góp riêng của Thu Nguyệt. Tất cả điều đó đều xác đáng, tôi không có ý hoài nghi. Chỉ xin bạn đọc cùng hướng tới chiều kích khác của thơ chị, còn ít người để ý, nhưng chính nó làm nên chất công dân quý giá mà bất kỳ nhà thơ có ý thức xã hội nào cũng đều khao khát bồi đắp.
Còn nhớ, một lần, Thu Nguyệt từ trong thành phố ra rừng ngồi chơi. Như nhiều người khác, chị đã chụp ảnh để lưu lại tâm hình của mình trong những giây phút thật hiếm hoi, khi mà: Nắng như tơ vuột khỏi trời / Quấn trong bóng lá vàng rơi nhẹ nhàng. Thu Nguyệt tỏ ra ngạc nhiên đến sửng sốt trước vẻ:
Rất mộng mơ, bỗng hiên ngang
Mặt mày có nét đàng hoàng công dân
Nhiều người lấy làm lạ. Chính chị cũng cảm thấy lạ nữa là! Khi biết Thu Nguyệt vốn sinh ra và lớn lên từ Đồng Tháp Mười trù phú lắm mà cũng chìm nổi lắm, thì tôi không lấy làm lạ. Mỗi khi đặt chân lên vùng đất phương Nam thiêng liêng của Tổ quốc, câu thơ lòng nặng phù sa đi qua cồn bãi của chị như ngân lên trong lòng tôi. Cho nên, tự trong thẳm sâu của lòng mình, Thu Nguyệt như tự nhiên chọn lựa, và theo tôi, đây là sự chọn lựa đúng đắn. Ấy là bởi tình cảnh tương phản này:
Xếp vạn câu thơ kê nỗi buồn mình
Nỗi buồn chông chênh, nỗi buồn khô ráo
Anh chị em dầm chân trong lụt bão
Kê cuộc đời bằng nước mắt mồ hôi
Nếu ai có dịp chứng kiến cảnh miền Tây mùa nước nổi thì sẽ dễ dàng đồng cảm với nỗi niềm ấy của nhà thơ. May mắn thay, đã từ lâu rồi, nó đã trở thành nỗi niềm chung của các cây bút thơ trưởng thành từ miền đất này. Mọi nỗi buồn vui của họ đều như bắt nguồn từ những dòng kinh, miệt vườn thân thiết, từ những cánh sen, bông súng, mảng lục bình lặng lẽ trôi xuôi… Phép so sánh ngàn đời được Thu Nguyệt nhiều lần sử dựng mà chừng như vẫn tươi tắn, mới lạ:
Lòng như bông súng trắng phau
Nổi theo con nước lao xao gió đồng
Rồi:
Ta như sen súng giữa đồng
Ngắn dài theo nước mà bông vẫn đầy
Thật phù hợp, những phép đối sánh ấy! Hợp ý. Nhất là hợp tình – cái tình dâng tràn, cái tình sâu lắng. Cảnh vật nơi này không chấp nhận sự vô tâm, hờ hững:
Về thăm nhà như một người dưng
Buồn tay ngắt một chùm bông súng
Vô tâm để dật dờ thân cọng
Gốc rễ buồn âm cả đất đồng xa.
Thu Nguyệt không ưa lớn tiếng, mà thích thầm thì, rỉ rả. Mưa phùn thấm đất, kiểu thơ này đem lại hiệu quả riêng, lắm khi thảng thốt đến khó ngờ. Cần tĩnh tâm để lắng nghe chị thổ lộ. Nghe không phải bằng tai, mà bằng tâm, hơn thế bằng thần. Khi đó bao điều vi tế, lạ lẫm sẽ dần dần hiện ra…
Thế là đã rõ rồi, càng đọc thơ Thu Nguyệt, càng thấy tâm tình của chị tựa như tiếng nói không lời của trái tim lục bình quen thuộc lừng lững trôi ngàn đời trên dòng Cửu Long kia:
Chẳng vội vàng, em cứ nhẹ nhàng trôi
Thời gian đứng trên đầu con sóng
Nhìn đời bằng tim, em ngàn năm mơ mộng…
Nếu như bạn hãy còn chưa tin thì xin cùng tôi dừng lại lâu lâu một chút ở bài Dòng trôi tài tử. Có lẽ không một ai từng ngược xuôi trên những kinh rạch Đồng bằng mà lòng lại không vấn vương bởi những giọng ca, những cung đàn tài tử. Hai câu mở đầu bài thơ gợi bao điều:
Sợi khói bắc chiếc cầu qua sông
Lời hát vịn vào đưa ta về miền nhân nghĩa
Cầu ở đây là hoàn toàn ảo. Câu hát thì hư hư thật thật, như bao đời nay vốn vậy. Những chuyện Bá Nha – Tử Kỳ, Huyền Trân công chúa, những khúc Phượng cầu Hoàng, những lớp Nam ai… Riêng “miền nhân nghĩa” thì khác, là cuộc sống thật, là tâm tình thật. Vậy nên:
Nước xuôi dòng mà con sóng loay hoay
Tiếng đàn quấn vầng trăng đứng lại
Lục bình níu dừng con nước chảy
Ta mơ màng nghe rõ nhịp song loan
Tả cảnh ư?  Thật ra là diễn tình! Có phải bởi thế chăng mà những câu hát như con sóng cuộn trào, như ánh trăng lung linh, như lục bình líu ríu, khiến lòng người trôi nổi theo nhịp song loan. Đó là ngọn nguồn sâu xa của câu kết: “Con nước dâng lên, hạt phù sa lắng xuống”. Câu hát ở đây bay đi, nhưng lòng người thì như giọt phù sa kia lắng lại. Thêm nhiều, rất nhiều ràng buộc giữa ta với đất, với người.
Người viết nên những vần thơ chứa chan tình sông nước ấy, giờ phải rời xa sông nước, với bao cảnh trí thân thuộc gắn liền với sông nước. Chẳng phải nói, ta cũng có thể  hinh dung được tâm trạng của chị ra sao rồi! Có điều, rung động là một chuyện, chuyển sự rung động thành thơ, thành thơ hay, làm người khác cùng rung động như mình lại không dễ. Thu Nguyệt hơn một lần đã làm được. Không, phải nói là đã làm một cách thành công. Hãy cùng nghe chị giãi bày nỗi nhớ Nước:
Ơi mặt nước ơi! Ta gọi như say
Yêu dấu quá mà không ôm hết được
Ta tròn chớp hai giọt trong vào nước
Hòa lòng mình lòng nước ắp bao la
Tôi nghĩ, những câu thơ ấy sẽ còn lại giữa đời, một khi con người còn biết cách chấp nhận vẻ đẹp của sự sống. Bởi có sự sống nào không gắn bó, hơn thế không được khởi nguồn từ nước đâu! Tuy nhiên, những câu thơ dạng ấy, người khác cũng có thể làm được. Không hoàn toàn như thế thì cũng từa tựa như thế. Riêng bài thơ có tên là Nhớ nước thì chỉ có thể là sản phẩm của Thu Nguyệt. Khi “ra thành phố, xa đồng”, thì tâm tưởng nhân vật trữ tình thật lạ: “Buồn! đem thau nước ra soi bóng mình”. Rồi, liên tiếp, liên tiếp những đối sánh. Để giúp nhận ra sự khác biệt. Càng thấy khác biệt càng thắt ruột thắt  lòng:
Cũng bập bềnh cũng lung linh
Nhạt nhèo một mảnh vô tình như không
Chẳng bến bờ, chẳng đục trong
Mắt nhìn thấy bóng mà không có người
Hai câu kết nâng bài thơ lên bằng một sự bao quát lớn, có khả năng chạm khắc vào tâm tưởng người đọc:
Quê xa có kẻ đứng ngồi
Nhìn mưa nghe nước mắt rơi về nguồn
Người Đồng bằng! Vâng, đó chính là người Đồng bằng thứ thiệt, từ trong thẳm sâu hồn cốt. Thơ Thu Nguyệt như được chưng cất lên từ vùng đất ấy, từ truyền thống ấy. Vậy có gì là lạ khi phẩm chất công dân trong thơ chị lại đậm đà đến thế. Vậy nên, tôi xin được lấy câu thơ rút trong bài Tấm ảnh của chị để kết thúc bài viết của mình:
Đưa ra xa, để lại gần
Xoay ngang trở ngược trăm lần cũng… y!
Thu Nguyệt là vậy, rất nhiều lớp sóng khác nhau dập dồn trong thơ chị. Rồi cùng với năm tháng dần dà bồi đắp nên một hồn thơ lóng lánh như giọt nước trong lành giữa sông nước quê hương chị. Ai cũng biết rằng, chỉ dưới ánh sáng rạng ngời của mặt trời giọt nước kia mới thật sự tỏa sáng...
Đà lạt, 2005 -2007
Người sớm chạm vào thơ hay
Người đẹp Thái Nguyên Lưu Thị Bạch Liễu đến với Trại Sáng tác Nha Trang - Hè 2006 khá là ồn ã. Liễu nói nhiều, lời nào cũng như có cánh, lấp lánh trí tuệ. Em như một người từng trải, dám phán xét, lật tung tất cả. Mà có tuyệt không, lời nào của em dường như cũng ẩn cái lý riêng, càng ngẫm càng thấy thấm.
Ngày thường, có thể bảo Liễu thuộc loại những người đàn bà lắm điều, nhưng em lại viết ít và ngắn đến không thể ít hơn và ngắn hơn thế được nữa. Tôi đã đọc kỹ thơ Liễu, rồi buộc phải thừa nhận là em thuộc trong số ít những người sớm chạm vào thơ hay. Tôi mừng như bất ngờ chạm phải Thần Vệ nữ của Lò Ngân Sủn:
                  Cha mẹ sinh ra nàng
                  Đặt tên nàng là con gái
                  Nghệ thuật sinh ra nàng
                  Đặt tên nàng là “Thần Vệ nữ”…
Rồi có người sẽ bảo có lẽ tôi đã quá lời. Tôi không ngại. Chỉ ngại là không biết Liễu có đắm đuối với thơ cho đến tận cùng không? Nếu em dám đánh cược cuộc đời mình với canh bạc thi ca, tôi cả quyết là em sẽ thắng đậm. Ngay từ đầu kia, chứ không phải đợi đến canh bạc về chiều đâu!
Bằng chứng ư? Xin chỉ trưng ra hai bằng cớ tiêu biểu này thôi! Ấy là tôi sợ mình lại trở nên lắm lời như Liễu. Bằng cớ thứ nhất là về những đứa trẻ và đàn ông Xứ Mây:
Những đứa bé họ Nông lớn lên
Giúp cha gieo hạt bằng cách tung còn
Hoa cải theo nắng về ấm vàng chân cầu thang
Những người họ Nông
Mỗi bước đi chân cứng đá nềm
Vì đến từng đầu ngón chân đều có tình yêu em ấp ủ
Khổ thơ liền mạch vì ý thơ không đứt quãng: từ đứa bé họ Nông đến người họ Nông - chúng được diễn tả trong thế động lớn lên rồi sau này là chân cứng đá mềm. Đứa trẻ gắn với những hình ảnh lấp lửng ý nghĩa bởi hai phép ẩn dụ. Hay là ở chỗ lấp lửng ấy. Giúp cha gieo hạt bằng cách tung còn quả có gì thật sự mới lạ. Vừa thật vừa ảo. Viết hoa cải theo nắng về ấm vàng chân cầu thang, Liễu chịu ảnh hưởng rõ rệt những khúc tình ca dân dã. Cái đáng khen là nó hợp. Đáng khen hơn là Liễu nhận từ dân gian cái hồn vía là chính. Đúng như cách những cây bút già dặn tay nghề từng làm. Tôi thích những hình ảnh gắn với những người đàn ông họ Nông hơn. Bởi chúng đời hơn. Lý giải mỗi bước đi chân cứng đá mềm bằng đến từng đầu ngón chân đều có tình yêu em ấp ủ thì phải nói là chí tình. Thơ hay tôi nghĩ là ở khả năng lay động tình người, tình đời này. Có phải thế chăng?.
Bằng cớ thứ hai  là những người đàn bà Xứ Mây:
Người phụ nữ Dao tuổi cao dần đầu thấp dần
Suốt đời làm con ngựa thồ
Thuở nhỏ cõng em bằng địu cũ
Cõng con bằng địu hoa rực rỡ
Cõng măng
Cõng ngô
Người phụ nữ với tấm lưng còng và đôi bàn chân to
Rụt rè hơn đất
Chỉ con suối thấy trái tim họ trĩu xuống
Trọn đời địu một bóng đàn ông
Đó là bài Ở Cao Phong của Liễu. Xuyên suốt câu chữ là sự cảm thông đến tận cùng. Chỉ có người đàn bà mới viết nổi về người đàn bà ngập tràn cảm xúc đến vậy. Hơn thế, Liễu là người đàn bà biết làm thơ. Ý tôi muốn nói, em biết cách thể hiện nỗi cảm thông con người bằng nghệ thuật ngôn từ. Mà em không hề uốn éo lời như một nghệ sỹ xiếc. Em thổ lộ thật, và, thế mới đau. Không đau, không thật không thể viết nổi  những câu thơ thắt ruột thắt gan ấy. Cái lành mạnh của tình cảm được bảo hiểm bởi câu cuối: Chỉ con suối thấy trái tim họ trĩu xuống. Mọi cảm giác nặng nề hầu như tan biến đi đâu mất. Đọng lại chỉ còn là nỗi cảm phục. Trọn đời địu một bóng đàn ông -  Liễu đã nâng tấm tình thủy chung của người đàn bà vùng cao thành tấm gương sáng cho mọi người phụ nữ đích thực trên đời cùng soi. Liễu rõ ràng đã biết dừng lại ở chỗ cần dừng, biết nói cái điều mà thơ cần nói. Em đã làm chủ ngòi bút phiêu diêu của mình. Bản lĩnh của người làm thơ là ở đó chăng?
Thơ Liễu củng cố niềm tin này ở tôi: phải tìm đến thứ thi ca đích thực như tìm  một người tình đích thực. Tiếc là không ít người làm văn chương suốt cả một đời mà vẫn chưa tìm được cái đích thực của văn chương. Tấn bi kịch phải nói là quá chua chát. Họ chỉ ôm cái bóng mờ ảo không thực của văn chương thôi.
                                      Nha Trang, 15/6/2006
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/





Tìm đến một giọng thơ

Tìm đến một giọng thơ
Cũng như người sáng tác, người phê bình  có cái nghiệp riêng, trời gông vào cổ, bắt cảm nghĩ cái điều cần cảm nghĩ. Và nếu giữa đại ngàn thi ca muôn hình vạn dạng, tôi có đặt ra câu hỏi “Vậy, rốt cuộc thơ đích thực là gì?” thì xin chớ ai nghĩ tôi mắc bệnh nghề nghiệp, bao giờ và ở đâu tôi cũng muốn đi đến cùng cái “lý” của mọi sự. Cái phận nó bắt vậy, đã chấp nhận, tôi không thể thoái thác. Với tư cách là một nhà thơ, Hoàng Cát có quyền viết: Ta ấp ủ cho tháng ngày thắp lửa/ Như cây hồng, ủ nhựa sống bật hoa.
Còn tôi, người viết phê bình, tôi có cái quyền của riêng tôi, có sự “ấp ủ” của riêng tôi. Vì thế, đi tìm bản chất địch thực của nghệ thuật chả phải là chuyện diệu vợi, vu khoát đối với nhà phê bình.
Tôi nhắc đến câu thơ của Hoàng Cát vào chính lúc này, khi tôi chợt nghĩ đến cái nghiệp của người cầm bút, là có duyên của nó. Trong tay tôi từ lâu đã có một tập thơ của anh - tập “Ngôi sao biếc”. Tôi đã đọc nó không phải một lần, thường vào lúc thảnh thơi, thanh vắng. Lần đầu tôi thấy thích, những lần sau không chỉ thích mà còn quý, rất quý nữa. Ấy là bởi, giữa thời buổi khá nhốn nháo, thật giả vàng thau lẫn lộn, các giá trị ngàn đời của văn chương luôn bị cân đong đo đếm, thì thơ Hoàng Cát thật sự giúp tôi ít nhiều sáng tỏ trong nhận thức để có thể bình tâm nhìn vũ trụ xoay vần. Tôi muốn nói, đến với thơ anh là đến vói một trong những thứ thơ đích thực, gần gũi với quan niệm lâu này của tôi về thơ. Lại được thể hiện bằng một giọng thơ riêng, ít hòa trộn với người khác.
Xưa nay người ta đã bàn về thơ nhiều rồi, chắc người ta còn bàn nữa, bàn mãi. Trong vô vàn quan niệm thơ, tôi đặc biệt chia sẽ với ý kiến của Tố Hữu cho rằng: “Thơ là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu”. Nói như nhiều nhà lý luận: “Thơ là tiếng nói của con tim”. Tôi dám chắc là Hoàng Cát chịu ảnh hưởng có thể nói là sâu đậm của quan niệm này. Có lần, anh thẳng thắn viết: Là thi nhân, tôi chỉ có trái tim (Dâng tặng Sài Gòn).
Một lần khác, chia xẻ với con mình, anh nhắc lại: Câu thơ của ba chắt tự máu tim mình (Khát vọng).
Không lạ nếu biết thơ anh chính là cái tình trải nghiệm nặng ưu tư, trắc trở và dằn vặt. “Hát một mình” là bài thơ anh viết về bạn bè để tặng bạn bè. Tuy nhiên, do từ mình mà hiểu người, nên trong bài thơ có một đoạn vận dụng rất đúng vào thơ anh: Chẳng còn nữa những khúc vui hăm hở/ Hát vang trời, ré cổ, say sưa;/ Chỉ còn lại khúc trầm tư ký ức/ Trào qua tim như sóng cuộn xô bờ.
Anh quả luôn sống với ký ức, có buồn có vui, nhưng không bao giờ yên ả. “Với tôi, thơ là nỗi nhớ” Xuân Thiều từng viết như vậy. Vấn đề là nhớ gì? Nhớ như thế nào? Và điều này làm nên sự khác biệt giữa các nhà thơ. Hãy nghe Hoàng Cát bộc lộ nỗi thèm khát của mình: Anh thèm cái đã mất/ Anh khát cái đã quên (Đừng đánh mất).
Vậy là rất giàu tâm sự rồi đấy! Chẳng lạ nếu anh viết nhiều về ký ức tuổi thơ đến thế. Chỉ cần chạm khẽ vào “cái thuở trong trẻo ngọc bích ấy” là lòng anh lại xốn xang trong nỗi ngẩn ngơ nuối tiếc: Ai có được phép màu biến cải/ Đưa ta về trở lại tuổi thơ ta (Ôi, tiếc lắm!).
Anh không ngần ngại giãi bày: Chỉ còn kỷ niệm thời thơ bé/ Nuôi dưỡng hồn tôi như nắng trong... (Nuôi dưỡng hồn tôi).
Xin đừng trách cứ anh. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Riêng tôi, với tư cách là người đọc, tôi phải cảm ơn những kỷ niệm tuổi thơ của anh đã kịp đọng lại, kịp sáng tỏ trong không ít những vần thơ lung tlinh màu ngọc bích của ký ức. “Xin cho tôi” là một trong những bài thơ hay như thế: Và tôi lại phập phồng trốn mẹ/ Ra gốc cây xoài đợi gió những ban trưa/ Mắt hấp háy nhìn quả vàng chín mọng/ Cầu trời rung cho xoài rụng bất ngờ...
Bảo tài thì đúng là tài thật, nhưng ở đây quyết không phải là tài “nhả ngọc phun châu”. Đó là tài “sống” để có thể truyền đạt “sự sống”, làm nên “sức sống” cho thơ. Có phải đó là bí quyết của thơ anh? Để rồi anh có thể tự hào khi nhận ra: Ôi thoáng chốc mà đầu tôi đã bạc/ Khi tim tôi hãy còn trẻ dại khờ!
Tôi chợt nghĩ đến ý nghĩ tương tư của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu, người có lẽ đã “ngộ” ra được cái gì đích thực là văn chương, trong quan niệm cũng như trong sáng tác. Sinh thời, anh từng khuyên các nhà văn hãy học sự hồn nhiên của con trẻ. Đó là bản tính quý giá của người nghệ sĩ.
Sự hồn nhiên ta nói đây hẳn là rất xa lạ với vẻ nông cạn hời hợt. Bởi thế, Hoàng Cát mới viết: Mới hay – tóc bạc tình thếm nặng (Quê hương).
Rồi nữa: Nhao nhác cuộc đời, không biến dạng trái tim (Nguyên vẹn).
Đã lộ ra sự phòng ngự, cả sự chống trả nữa, không thể bào là không quyết liệt, cam go. Chính điều này góp phần làm nên góc cạnh của thơ anh. Xin được dừng lại ở bài “Tôi yêu em”. Không ót những câu thơ đẹp: Và tôi đã hôn em trong sương gió/ Em bình dị, mà âm thầm sức lửa/ Tòa nồng say trong trái tim tôi.
Nhưng có lẽ bài thơ “sống” được là nhờ những câu thơ khác mà nếu tách khỏi bài thơ chúng sẽ trờ nên vô tình, vô duyên, thậm chí vô nghĩa nữa. Đó là những câu: - Tôi yêu em – Tôi đã yêu em/ - Tôi yêu em – Em đừng hoài nghi.
Để rồi đoạn kết bật ra câu “Suốt một đời – Em có hiểu tôi không?” kịp hóa giải tất cả. Tôi yêu em, mong em hiểu cho lòng tôi. Đó là tình yêu vẹn nguyên rất khó bộc lộ. Biết bao cảnh ngộ, trắc trở, hữu hình có, vô hình có, liệu em có hiểu cho chăng? Có gì đó tồi tội đáng được cảm thông trong sự phân bua có phần bất lực của một người đang yêu khiến người đọc không thể dễ quên cho được.
Đcọ bài “Hoa không héo” sẽ thấy rõ hơn điều vừa nói. Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ “rằng hay thì thật là hay” nhưng không hề gây bất ngờ cho ai cả: Có một loài hoa không bao giờ héo/ Là hoa trong mắt của em nhìn/ Là hoa trên miệng em cười nở/ Là lửa âm thầm cháy giữa tim.
Đoạn kết, trong cái vẻ âm thầm, nhỏ nhẹ của ý thơ, lại gây nên sự xao động lớn: Cũng có khi buồn, lúc giận nhau/ Nhanh thêm những sợi nắng trên đầu/ Nhưng sua giông bão trời xanh lại/ Như thể chưa từng xanh bấy lâu...
Cái thần tình ở đây là gì? Chính là ở cái “chân”, cái “thật” đến độ khó có thể “chân, thật” hơn thế của thơ Hoàng Cát. Thơ anh có thể nói trần trụi như chính lòng anh vậy. “Trái tim tôi là một nấm mồ” – Đó là tên một bài thơ của anh. Mấy ai làm được như vậy? Như anh từng viết về thương tật của mình trong bài “Tâm sự”: Trời ơi, chân giả tháo ra/ Cò cò lết lết như là trẻ con/ Trót duyên thơ phú văn chương/ Đêm ngày bò xổm trên giường với văn.
Dể thấy là anh đang “tự trào”, nhưng cười đấy mà nước mắt trào ra ngay đấy. Thật xót xa, xót xa không kém gì những vần thơ bộc lộ nỗi “khao khát” này: Được thả gót giày dịu nhẹ bên em/ Không làm vỡ ánh trăng, không làm tan hương hoa sữa...
Để rồi câu thơ “tập tễnh bóng trăng... Tim thắt trong mình...” cứ ám ảnh tôi hoài...
Anh là vậy, luôn đối mặt với sự thật, kể cả những sự thật cay đắng, sự thật nhức nhối của những mất mát, chia ly. Tôi tin ai đã từng đọc bài thơ “Ba nén hương” sẽ không thể cầm được lòng mình bởi ấn tượng nghiệt ngã của nó: Ba nén hương, một mình tôi làm giỗ/ Giỗ chính mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi...
Tất cả đều là sự thật! Không nảy sinh một chút hoài nghi! Từ cái riêng đến cái chung: Tôi không khóc, lệ vẫn trào lặng lẽ.
Người ta có cơ sở để tin vào những giọt nước mắt ấy của anh trong “Cảm xúc qua miền Trung”. Rồi cả cảm xúc của anh trong bài: “Lau Quảng Trị” nữa: Tôi đã một mình khóc giữa đêm/ Khi chân đặt xuống nước sông Hiền/ Chao ôi, Tổ quốc thành da thịt/ Da thịt bời bời lau trắng im.
Dễ gì có được sự tin cậy ấy nơi bạn đọc! Đó là sự đền bù xứng đáng cho mọi sự trăn trở, tìm tòi: Cái gì ở cuối vô biên/ Cái gì đích thực ở tim con người?
Xin chúc anh thực hiện được ý nguyện của đời thơ mình, vừa “giữ cho trái tim đừng nguội lạnh đam mê”, vừa “dẫu khổ đau, anh vẫn được là mình”. Sự “đam mê” giữ được là khó, giữ cho “được là mình” có lẽ còn khó hơn nhiều. Với tất cả những gì Hoàng Cát đã làm, ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào anh, vào chặng đường thơ kế theo của anh.                                                                                        Đà Lạt, 7/98
Tiếng thơ Thu Loan
 Có người từng thống kê: cứ một ngày thì ở ta có một tập thơ mới ra đời. Chẳng biết chính xác đến mức nào nhưng cầm chắc là gần đây thơ in ra nhiều, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Đáng vui hay đáng buồn đây? Nhiều người hỏi tôi câu ấy. Tôi trả lời: vừa đáng vui lại vừa đáng buồn. Vui vì mọi tiềm năng thi ca có điều kiện phát lộ. Buồn vì các bài thơ làng nhàng “kém phẩm chất” được sinh ra ngày càng lấn át thơ thật, thơ hay. Quả khó cho những ai muốn dấy nghiệp lên từ thơ. Trong thị trường thơ ca hỗn tạp, được người đọc chú ý, rồi được lọt vào mắt xanh các nhà phê bình đâu có dễ gì!
      Thơ và người viết thơ thì nhiều, song thơ hay và thơ đích thực vẫn hiếm. Mà đã là thơ hay thì bao giờ cũng cần, nhất là ở xứ sở thi ca đất Việt chúng ta: Trong bụng mẹ đã từng mơ tiếng hát/ Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ (Nguyễn Bính). Chẳng cứ gì xứ ta, giải Nobel Văn chương năm 1996 chả rơi vào tay một nữ sĩ Ba Lan là gì!
      Tôi nói lai rai vậy vì trên tay tôi là một tập thơ khá nặng ký của một cây bút vùng Cao nguyên gần đây viết nhiều truyện ngắn nhưng duyên nợ ban đầu của chị với văn chương lại là thơ. Cảm giác lần đầu đọc thơ Thu Loan đọng lại trong tôi cho đến giờ. Đó là bài Tuổi thơ với những câu nũng nịu mà ám ảnh đến dễ sợ:
                                                Tuổi thơ là tuổi thơ ơi
                                    Cái tay ngúng ngoắng cái cười vô tư
      Nhất là câu:
                                         Dùng dằng túi kẹo viên bi
                                         Cho nhau thì lấy, đổii thì lại không
Thật lắm mà đã mấy ai nói lên được bằng một giọng điệu “dễ thương” đến vậy. Người ta bảo cái giỏi của nghệ sĩ là ở khả năng nhập thân, hoá thân. Không là anh, tôi cảm tôi nghĩ như anh, không là bây giờ, tôi cảm nghĩ như là bây giờ. Khó và đáng khâm phục hơn là ở sự hồn nhiên này:
Thời gian đi chẳng bao giờ trở lại
Chỉ trái tim muôn đời vụng dại
Xao xuyến hoài trước một tiếng ve kêu
(Đi tìm năm tháng tuổi thơ)
Trái tim nghệ sĩ là thế: luôn biết rung động trước những cái thoáng qua tưởng không có gì đáng níu kéo, đáng lưu giữ. Để gửi gắm lòng ta, để nhắn nhủ lòng người. Chế Lan Viên viết rằng: Chỉ khi nào uống ngụm nước giếng bên đường anh thấy say, chừng ấy anh mới là thi sĩ (Say). Tất thảy tuỳ thuộc ở con mắt ta mà suy cho cùng là ở tấm lòng ta. Phải giữ cho được sức thanh xuân của tâm hồn! Nói thì dễ mà làm thì nào có dễ. Chẳng phải có người chưa đến ba mươi đã thấy mình già lắm đó sao! Thi ca góp phần trẻ hoá con người. Và con người không biết đến sự già nua của tâm hồn bao giờ cũng tìm đến với thơ, rồi không ít lần trong đời tâm hồn họ ngân lên thành vần thành điệu:
                                    Tôi đang đi lại từ đầu
                                    Cỏ hoa trong những sắc màu lung linh
                                   (Thơ Bùi Đức Long)
Nói thế không phải thơ hay cứ như gió thoảng, cứ như mây trôi… Trong cái vẻ dung dị tưởng không có gì ấy, thơ đánh thức trí ta. Thu Loan không thiếu những câu thơ như vậy: Niềm vui ào đi như thác lũ/ Nỗi buồn đọng lại phù sa (Phố mưa). Đặc biệt câu: Đường đi quen đếm bước/ Chẳng mấy khi nhìn trời (Bong bóng). Thú thật, tôi giật mình thảng thốt khi đọc những vần thơ ấy. Dễ gì làm chủ những khát khao từng được ấp ủ trong tuổi hoa niên? Cuộc sống cơm áo ngày thường cần không? Cần chứ! Nhưng nếu chỉ cúi gằm mặt mà đi, liệu con người có còn xứng đáng là con người nữa không nhỉ?
      Để có được cái nhìn vừa hồn nhiên vừa vấn vương khi viết về mình, nhất là khi viết về đời qua mình, về Pleiku, về Đêm hội làng, về tượng gỗ Tây Nguyên, về người Gia Rai…, tôi biết Thu Loan, một cô gái miền xuôi thứ thiệt phải tự vượt mình ghê lắm. Thầm lặng mà không ít trăn trở, ưu tư. Đáng mừng là chị đã chấp nhận, tình nguyện chấp nhận không do dự phân vân cho một cuộc đánh đổi:
                                    Vượt khoảng cách làm người dẫu
                                    mong manh sợi tóc
                                    Suốt cuộc đời em còn phải đi…
                                    (Khoảng cách)
Phải đi, phải vượt khoảng cách để có thể đến được cái mà đời mình cần đến:
                                    Em biết yêu tiếng chim lảnh lót
                                    Gió mùa về heo hút nẻo sông
                                    (Khoảng  cách)
Khi ấy những gì chị trải nghiệm sẽ có điều kiện thăng hoa. Có thể nói, chị đã được thoả nguyện, dẫu ít dẫu nhiều:
                                    Nếu em chỉ là người ca sĩ lang thang
                                    Hát những câu nói vu vơ lên thành giai điệu
                                    Thì thơ em như làn gió chợt đến rồi bay biến
                                    Có cần thiết gì đâu!
      Không khó để nhận ra hiệu quả của thơ Thu Loan. Đáng mừng cho chị, cho tôi và nhiều người khác gắn bó với Tây Nguyên, vùng đất nhiều tiềm năng nhưng mới bước đầu được đánh thức. Cuộc sống và con người ở đây đâu đã hết cái cần phải yêu, yêu tha thiết, yêu chân thành. Tôi như cánh rừng luôn khát gió - chị đã viết vậy. Câu thơ đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vâng, tâm hồn chị chính là những cánh rừng luôn khát gió. Sống với rừng, với núi, chị là người của núi, của rừng, tự khi nào chính chị đôi khi cũng không hay. Chỉ một lần xuống núi gặp đồng bằng bốn phía rộng huênh chị đã thành thực viết: Ta như giọt nước/ Chông chênh/ Loãng tan vào biển. Và một lần khác Qua Huế chị đã cảm nhận cảnh vật Cố đô qua trái tim Cao nguyên thuần khiết. Không một chút làm duyên, Thu Loan viết:
                                    Có nỗi buồn ngàn năm vạn năm đổ ập vào
                                    lòng ta đêm nay qua Huế
                                    Trăng neo vào đất dáng con đò
                                    Ta – gió lạ ngông nghênh của núi rừng
                                    hoang dại
                                    Chợt hiền khô mềm mại một câu hò
Không còn là mong mỏi nữa, hiện thực mười mươi rồi. Do vậy tôi không chút ngạc nhiên trước lòng tự tin ẩn chứa trong câu thơ vang lên như một tuyên ngôn này của chị: Ta ủ tiếng chuông lòng lặng lẽ/ Âm thầm ngân vang với núi non (Đời thường). Cũng vì vậy tôi không hề ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của nhiều người: là phụ nữ sao Thu Loan viết nhiều về rượu, lại bằng lối cảm, lối nghĩ của người thật sự say, nhiều lần say, say bằng tình bằng nghĩa hơn say rượu nồng. Gửi những buôn làng tôi đã đi qua là một bài hay, xúc động. Bài thơ trong tập có tựa đề chung là Một thời trăng. Trăng trong tập thơ chị quả nhiều dáng vẻ: Trăng rơi giếng nước gió ngồi bờ tre (Tuổi thơ) - Đâu dấu trăng mờ in lối cũ (Trở về).  Bởi lòng chị luôn rung lên với nhiều tâm trạng: Ta về nhặt ánh trăng vàng mình ta (Người dưng) - Vầng trăng vỡ tan lạnh ngắt dòng sông (Gương mặt). Nhưng chưa khi nào ánh trăng lại neo vào lòng tôi như trong bài thơ vừa nhắc tới: Cang rượu cần nghiêng ngả trăng sao… Rượu buôn làng Tây Nguyên đã rưới đẫm thơ chị như vậy đấy! Đến nỗi trong Đời thường khi một lần lòng u ám ủ ê như cây mùa đông, ta chợt đồng cảm với những dòng thơ nao lòng sau của chị:
                                    Có lúc quên tháng ngày xoay tít
                                    Bạn cùng ta nghiêng ngửa ly không
                                    Uống tiếng cười uống tình đời trong vắt
                                    Giữa phù du gặp gỡ vô cùng
Thu Loan từng da diết mong tiếng nói nhỏ nhoi đồng vọng đến muôn người. Chị có thể yên tâm vì nỗi mong mỏi của chị đã có cơ sở để biến thành hiện thực. Và riêng tôi, khi đọc xong thơ Thu Loan, tôi tự nhiên cảm thấy yên lòng hơn trước triển vọng của lớp thơ trẻ hiện nay.                                                                                               
Đà Lạt, 09/1997
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/






Bài ca không quên

Bài ca không quên
Xin được lấy tên bài hát quen thuộc của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn làm tiêu đề cho bài viết của tôi về tập thơ mới của anh Phạm Đình Ân – tập “Hương rễ”(*). Nhạc và thơ ở đây đều là những bài ca nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên những thời không thể nào quên– thời đánh giặc và giữ nước trong quá khứ gần và cả quá khứ xa xưa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi một bộ phận thi ca giữa lúc này cứ “ lẩn vào yêu đương ích kỷ/ lẩn vào cô đơn mượn vay/ lẩn vào buồn đau làm dáng/ lẩn vào chữ , câu” (Thơ ơi) . Để rồi cái điều đáng trách nhất đâu đó đã xảy ra: “Thơ biết tất cả đấy/ chỉ điều này là không/ vô ơn và tàn nhẫn “ (Thơ ơi). Cuộc đời sản sinh ra thơ mà thơ đang tâm lãng quên ư? Vậy nên với tôi, với bạn, và với hết thảy chúng ta, những bài ca trên vẫn cần, vẫn mãi mãi cần… Đặc biệt khi:
Nhiều năm rồi được đắm trong bình yên
ta dường như quên đi quá khứ.
Câu thơ trên tôi rút ra từ một bài thơ Phạm Đình Ân mới viết đây thôi, vào một ngày tháng 4/1999 khi “NATO tấn công Nam Tư“ . Dòng tin ngắn và có phần quá đơn giản nhưng “đằng sau là bạo tàn/ chết chóc/  tro than“. Trái tim tôi lúc ấy cùng hàng triệu trái tim lương thiện trên khắp hành tinh đã thật sự  nhói đau. Họ  đã nhân danh ai, nhân danh cái gì  để gieo tội ác lên một dân tộc chỉ có một “sai phạm” duy nhất là không biết cúi đầu. Đúng là lý lẽ của kẻ mạnh như đế quốc Mỹ đã từng “lý sự“ vào 12 ngày đêm trong tháng chạp 1972 lịch sử ở Việt nam. Và như trong những trường hợp tương tự, lương tri của một nhà thơ chân chính kịp thời thức tỉnh:
Chưa bao giờ tôi đau đớn như đêm nay
Thình thình bom dội xuống tôi
Tôi tan ra. Được sống thành nghìn triệu
Nơi nào bom, cũng có tôi
Chở che
Cùng hy sinh
Cùng nạp đạn
Tôi quý thơ Phạm Đình Ân trước hết bởi ý thức công dân luôn thường trực trong anh. “Trước nỗi đau lớn thấy mình  đổi khác”. Với anh , “đổi khác” tức là lớn lên cùng thời đại mình, cùng dân tộc mình. Ở đây nếu có phải rơi lệ thì sẽ không bao giờ là những giọt lệ yếu mềm :
Đất nước của tôi ! Nhân dân của tôi !
máu còn rỉ chưa ngừng
Hôm nay …  chúng lại đánh bệnh viện
có người bệnh chỉ còn nửa bàn chân vùi trong
                                                              đống thủy tinh
Ban trưa tôi lao ra nhà trẻ
thấy một hố bom!
Run run, tôi moi lên bốn ngón tay tí xíu ngỡ
đang ngọ nguậy
nghe trái tim mình vỡ tan!
Như bao nghệ sỹ khác, Phạm Đình Ân có khả năng dùng các chi tiết nghệ thuật “đặc hữu” nhằm ám ảnh tâm trí người đọc. Phải nói là trong không ít trường hợp anh đã thành công. Xin nêu một chi tiết khác trong một bài thơ viết về cuộc chiến tranh khác:
Cạnh cây đa già ngã tư phố Trần Hưng Đạo
nghiêng tấm biển chỉ đường
đạn mới xuyên qua rạn thủng :
Hữu Nghị Quan : mười tám kilômét
Đoạn thơ như một thước phim tư liệu quý được quay bởi một đôi tay khéo léo cùng một khối óc minh mẫn. Không một chi tiết thừa ! Chúng lại biết nói một cách hùng hồn. Không cần đến bất cứ một lời giải thích nào. Người viết đã biết im lặng để cho sự thật tự lên tiếng … Người ta hay ngại ngùng trước những vần thơ “hướng ngoại”  . Đọc những câu thơ trên và những câu sau đây nữa, chắc nỗi e ngại sẽ giảm đi nhiều lắm. Tôi muốn dừng lại đoạn thơ rất đặc trưng trong bài “ Thái Nguyên” , một trong những bài thơ hay thể hiện rõ bản sắc của thơ Phạm Đình Ân :
Những nhà dân nhiều năm không có số
búp chè chát, dứa vườn thơm, rát luỡi
miền ngược, miền xuôi gánh gồng qua lại
áo chàm, áo nâu thơm thảo, hiền lành
Tôi từng gắn bó với Thái Nguyên suốt bốn năm thời sinh viên. Sau này, mỗi khi có dịp, tôi lại trở về đây, soi vào từng kỷ niệm trong trẻo một đi không trở lại. Và ngay từ dạo ấy, tôi đã có ý muốn ghi nhớ những vần thơ hay viết về thành phố gang thép. Thú thật là tôi đã reo lên khi đọc đến đoạn thơ trên của Phạm Đình Ân. Cứ như bắt được của quý. Mà quý thật chứ! Liệu có mấy ai biết làm bật nổi những nét riêng của Thái Nguyên bằng những vần thơ trần trụi như anh? Cũng đã mấy ai biết ghi lại những hình ảnh chân thực mà lại có khả năng chạm khắc sâu vào ký ức sinh viên thời sơ tán như anh đã làm qua những câu thơ này:
Mì nắm luộc suông, canh măng lễnh loãng
Soi thấy mình chân thật đến vô tâm
Tôi như được sống lại những năm tháng “trong thiếu thốn cả một trời đầu đủ” của đời sinh viên qua thơ anh. Người ta bảo, tuổi càng cao con người càng ưa nhìn lại dĩ vãng. Tôi đã già thật rồi chăng? Nhưng nếu chấp nhận tuổi trẻ để quên đi quá khứ thì liệu tôi có còn là tôi nữa không? Nói vậy chỉ vì một điều giản dị: quên quá khứ nghĩa là quên đi nguồn cội:
Ngửa bàn tay, úp bàn chân
Rưng rưng nghe tiếng thì thầm tổ tiên
Câu thơ tôi rút trong bài “Nhà giữa biển khơi” được Phạm Đình Ân làm ngay ở đảo Tốc Tan của “Trường Sa đảo nổi, đảo chìm“. Đúng là ở đó con người dễ tĩnh tâm cảm hoài về sự sâu xa, vẻ thiêng liêng của nguồn cội. Có điều, tôi nghĩ, chính cái ý thức của người viết mới là yếu tố quyết định.
Khói hương thơm mọi đền thờ
Tình xưa thắm nghĩa bây giờ, mai sau…
Câu thơ anh viết trong cuộc hành hương về chốn “Ngọc Hân đợi chờ”. Và nói chung, khi ít khi nhiều, mỗi bài thơ của Phạm Đình Ân trong “Hương rễ” đều là những cuộc hành hương trở về nguồn:
Bước một bước thoắt vào hoang dã
Đáp người xưa hỏi chuyện hôm nay
Xin được nói thêm, chủ đích của những cuộc hành hương qua thơ anh cũng luôn xác định :
Xin được đắm vào một thời đáng nhớ
Cho muôn thời cháy lửa, thơm hương
Biết vậy, nên dường như mọi tinh lực của thơ anh như được dồn tụ về  hướng ấy. Chẳng hạn, anh cảm xúc trước “ Những cánh cung đông bắc” của Tổ quốc cũng chỉ để làm bật nổi điều sau :
Mọi cánh cung đều quay ra hướng đông bắc
đuôi chụm ở Tam Đảo
đất tổ Hùng Vương
lại như từ đây xòe nan quạt
mát lạnh không gian đông bắc
Tuy có lẽ chưa ở trường hợp nào tổ tiên lại ban phát cho anh nhiều tiềm năng sáng tạo đến thế như khi anh viết về Xứ Thanh ruột rà của mình. Đó là một bài thơ khá dài, nhưng nếu có dài thêm nữa chắc cũng không thể diễn tả hết được tình sâu nghĩa nặng của anh đối với quê hương. Tôi không lạ khi bài thơ khởi đầu bằng những kỷ niệm thuở nhỏ:
Tôi đã mò cua trên cánh đồng Thanh Hóa
hoa lúa trôi vèo lạch nước tuổi mười ba
Rồi nữa, những vần thơ lung linh  nhất nhà thơ cũng nâng niu dành cho thời ấu thơ ấy :
Tôi lớn lên ở vùng nửa núi đồi
hoa lạc chơi chốn tìm trong đất
mía ăn mòn hết răng
Phạm Đình Ân còn trở đi trở lại với lịch sử cùng dáng hình quê hương anh trong một loạt bài thơ khác nữa. Lạ nhất, và Phạm Đình Ân nhất có lẽ là bài “ Núi Nưa hình lược” . Ngay từ nho, anh say ngắm hình dáng ngồ ngộ giống như hình cái lược của núi Nưa mà không sao giải thích nổi. Lớn lên, anh mới sững sờ khi nhận thấy hình núi gắn với cái chết rất trẻ của Bà Triệu. Anh kết thúc bài thơ trong nỗi thảng thốt dường như không kìm giữ được:
Thế mà, người xưa ơi, không tiếc
hai mươi ba tuổi
cái lược tuổi xuân của bà chải mướt suốt đời tôi.
Tôi biết đây không phải là giả thiết lịch sử mà chỉ là giả thiết thi ca. Nhưng hãy cho tôi cái quyền được tin những giả thiết như thế, để từ đó, tôi có quyền được tin vào những truyền thống linh thiêng của quê cha đất tổ -  chúng luôn vọng lại từ ngàn xưa và vang mãi tới muôn sau.
“Bài ca không quên” từ khi ra đời đã được nhiều ca sĩ thể hiện. Nhưng theo tôi, có lẽ ca sĩ Cẩm Vân chiếm được cảm tình của người nghe hơn cả. Bí quyết thành công ở đâu? Chính là bởi chất giọng trầm ấm, lắng sâu phát xuất từ tâm hồn yêu thương và căm giận hết mực của chị. Tôi cho rằng, nhà thơ Phạm Đình Ân cũng đã có một giọng điệu thi ca tương tự trong “Hương rễ”. Đã đành, anh có nhiều tìm tòi về cấu tứ, câu chữ, hình ảnh để tránh sự dễ dãi, khô cưng, sáo mòn. Nhưng trên tất cả chính là tấm lòng của nhà thơ dành trọn vẹn cho quá khứ đau thương mà oanh liệt của quê hương mình, dân tộc mình. Tôi nhớ tới bài “Từng dòng suối nhỏ” của anh. Thơ anh có gì đó từa tựa như những dòng suối ấy:
Chảy từ xưa hoang sơ
Trải hiểm nghèo ghềnh thác
Lọc thời gian, không gian
Nước cội nguồn trong vắt
Cho tôi được chia sẻ niềm vui mới trong lao động sáng tạo “Hương rễ”  của Phạm Đình Ân. “Hương” thơ có được là nhờ gốc “rễ” bền chắc của truyền thống được hun đúc từ hàng ngàn năm về trước. Chắc anh cũng sẽ nghĩ như thế! Vậy ta nên cám ơn ai đây?  Câu trả lời xin nhường lại cho bạn đọc.
(*)  Hương rễ - Phạm Đình Ân, Nxb Quân đội nhân dân, H., 2000.
 Đàlạt, 5/8/2000
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...