Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Chớ nên sa vào vũng bùn của chủ nghĩa hình thức

Chớ nên sa vào vũng bùn 
của chủ nghĩa hình thức
Văn chương nước ta đang chuyển mạnh theo xu thế đổi mới được khởi phát từ gần mười năm nay. Nhiều tìm tòi, nhiều sáng tạo đáng trân trọng đã thật sự góp phần làm nên sự đổi thay, đem lại sự sinh động và tươi mới trong đời sống văn chương. Phải thấy đó là những dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ tính cấp thiết và sự đúng đắn của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, như bất cứ cuộc cách tân nào từng xuất hiện trong lịch sử, có không ít khuynh hướng lệch lạc, kể cả lầm lạc, đã xuất hiện. Đáng chú ý là chủ nghĩa hình thức đang có nguy cơ khuyếch đại ảnh hưởng của mình trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thơ và lí luận phê bình.
Mọi thứ phát sinh đều có căn nguyên trực tiếp và sâu xa. Vậy vì lẽ gì mà chủ nghĩa hình thức có đất sinh sôi ở nước ta trong những năm sau cuộc kháng chiến? Có thể thấy một thời gian khá dài, do hoàn cảnh đặc biệt, ta quá chú trọng tới nội dung, nhất là nội dung hiện thực, nội dung xã hội của tác phẩm văn chương. Thắng thế của khuynh hướng xã hội học dung tục ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, là có thật. Không phải chúng ta coi thường các yếu tố hình thức. Đòi hỏi 100% nội dung 100% hình thức mà một thời Phạm Văn Đồng đề xuất thực sự đã là định hướng sáng tác của nhiều nhà văn, nhiều nghệ sĩ. Song, do điều kiện khắc nghiệt của cuộc kháng chiến, tính thời sự có phần lấn át tính vĩnh cửu của văn chương. Thành công của nhiều tác phẩm được lí giải chủ yếu bằng nhiệt tình và ý thức công dân, chất sống và khả năng rung cảm của người cầm bút. Việc trau chuốt câu chữ, đắn đo kết cấu, gia công hình tượng... có nhưng chưa nhiều và cũng có thể nói là chưa đủ. Trong khi sự sáng tạo là vô cùng. Những trang viết để đời vẫn còn nằm xa ở phía trước, vời gọi và thách thức người viết. Giờ đây, thời gian chuyên dành cho sáng tác nhiều hơn. Nhà văn hơn lúc nào hết có điều kiện nghĩ tới tầm xa, tầm cao, tầm sâu của sản phẩm tinh thần đang thai nghén. Cố nhiên, ta đang nói tới thứ lao động nghệ thuật chân chính. Còn thứ  "văn chương thị trường" ăn xổi ở thì lại là chuyện khác. Vì vậy, vấn đề hình thức được đặt ra một cách có ý thức hơn, da diết hơn là chuyện dễ hiểu.
Cũng cần nói tới ảnh hưởng khác nhau của văn chương nước ngoài và văn chương thời trước do không khí đổi mới có điều kiện mở rộng. Bình tâm mà nhìn nhận, thì chưa bao giờ, ngay cả thời chiến tranh ác liệt nhất, chúng ta chủ trương "bế quan tỏa cảng". Ta sớm ý thức được rằng giao lưu, trong đó có giao lưu văn hóa, giao lưu văn chương là điều kiện thiết yếu nếu không muốn nói là điều kiện sống còn để một dân tộc phục hưng trong thời đại ngày nay. Song phải thừa nhận là giờ đây cánh cửa hướng ra phía ngoài rộng mở hơn trước. Đấy là chưa kể kho sách cũ phần nhiều là sách dịch ở miền Nam trước đây được khai thác phục vụ khá rộng rãi cho hầu như mọi đối tượng bạn đọc. Nhiều cây bút, đặc biệt là các cây bút trẻ, "ngấu nghiến" đọc để thỏa sự thèm khát hiểu biết của mình. Mỗi người, tùy khẩu khiếu và sức vóc, đã xử sự không giống nhau đối với những gì bản thân được đọc. Tất nhiên, đó là những chân trời mới lạ. Có người trầm trồ mà không lóa mắt. Lại có người chìm đắm đến ngây ngất không đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là hay, đâu là dở, đâu là thật, đâu là giả. Họ không hay biết rằng cũng như ở nhiều lĩnh vực khác, văn chương phương Tây đều ẩn chứa hai mặt cùng một lúc: "Có đêm và có ngày, có vàng và gót sắt, có máu và nước mắt, có sói lang và có những anh hùng" (Tố Hữu). Trong những cái dễ làm hoa mắt người khác có sắc màu kì dị của chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Hiển nhiên đó là trào lưu vô cùng đa tạp, trong nhiều cái sai, cái xấu có không ít cái đúng, cái đẹp. Không nên đánh đồng, vơ đũa cả nắm. Với từng nhà văn, từng tác phẩm cũng vậy. Có điều, quan niệm coi kĩ thuật, hình thức là cứu cánh của sự khám phá trong sáng tác được xem là một trong những đặc điểm nổi trội của chủ nghĩa hiện đại thì lại rất cần được chỉ ra và phê phán. Vì đó là nguyên do chính khiến nhiều nhà văn danh tiếng một thời dần dần đi vào ngõ cụt. Phải sáng suốt và bản lĩnh lắm mới mong trưởng thành trong học hỏi người ngoài. Tiếc là trong đội ngũ chúng ta không phải ai cũng có được những phẩm chất tối cần đó để tránh bệnh aids về tinh thần.
Có lẽ sẽ là không thừa khi cùng nhau nhắc lại cái điều hiển nhiên này: Ta đang xây dựng nền văn chương của ta. Học người chủ yếu để làm sáng rõ cái ta, cái bản sắc dân tộc Việt Nam thời nay - thời mở cửa, thời đổi mới, nhằm đưa nước ta đến bến bờ văn minh, hiện đại. Ở đây, đụng chạm phải một thiên hướng khác: Tôn vinh các tác phẩm và các tác giả từng "có vấn đề" trong quá khứ, nhất là văn chương lãng mạn 30 - 45, văn chương thời nhân văn và thời miền Nam bị chiếm đóng. Đúng là có một thời kỳ, có thể nói là khá dài, chúng ta có phần hẹp hòi thậm chí biệt phái khi đánh giá và tiếp nhận các tác phẩm văn chương loại này. Xin nói là đã có đủ lí  do, hơn thế, những lí  do đầy sức thuyết phục để biện minh cho những gì ta đã làm. Và bây giờ cũng vậy, ta có đủ điều kiện để nhìn nhận lại những hiện tượng văn chương từng "có vấn đề", trả chúng về đúng với vị trí và giá trị vốn có của chúng. Thật ra, đây là công việc không mấy dễ dàng. Đã có và sẽ còn có những thiệt thòi, những ngộ nhận không đáng có. Nhưng đánh giá lại không có nghĩa là những tác phẩm và nhà văn này chỉ toàn cái hay, lại càng không có nghĩa đó là những mẫu mực, hơn thế những chuẩn mực cho sự tìm tòi, khám phá hiện nay. Tôi từng nghe một bạn viết văn trẻ tán dương một nhà thơ thời miền Nam trước 1975 là "tân kì" là "hiện đại" rất mực! Riêng với những tác phẩm có khuynh hướng hình thức chủ nghĩa, trước sau, nói gì thì nói, ta không thể chấp nhận. Cần phân biệt hai thái độ: Khuyến khích tìm tòi về hình thức và ngăn ngừa chủ nghĩa hình thức. Cũng cần phân biệt hai loại người: Những người thành tâm mong muốn đổi mới mà bị lầm lạc với những ai cố ý dẫn dắt sáng tác theo những quan điểm mĩ học sai lạc.
Nhìn lại diễn biến của thực tiễn văn chương trong vài năm trở lại đây, bên cạnh cái hay khiến ta vui lòng, vẫn còn nhiều cái dở không thể làm ta yên lòng, thậm chí đau lòng. Chủ nghĩa hình thức đang có nguy cơ hoành hành đặc biệt trong thi ca và lí luận phê bình. Đôi lúc người đọc không khỏi sững sờ vì kinh ngạc bởi có người lên tiếng bênh vực và trong số đó, buồn thay, lại có cả những nhà văn, nhà lí luận phê bình có uy tín. Đã đến lúc nên chấm dứt quan niệm có thể coi là lỗi thời này: Viết gì thì viết trừ phản quốc, phản động và phạm pháp. Cái bệnh hình thức chủ nghĩa tai hại lắm, không kém các "trọng tội" kia đâu. Xin chớ xem thường nó.
Giá trị văn chương xưa nay thật đa dạng và độc đáo. Quy luật sáng tạo là vậy: Không được lặp lại người và lặp lại mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cái đích sáng tạo thì không đổi và không bao giờ đổi. Đó là những tác phẩm văn chương độc đáo giàu khả năng khám phá hiện thực, mang tầm tư tưởng cao và sức chấn động lớn. Để đạt được mục đích đó, sự tìm tòi hình thức và phương tiện biểu hiện bao giờ cũng cần, và có thể nói là bao nhiêu cũng không đủ, không thừa. Nghệ thuật không chỉ đòi hỏi nói cho đúng, cho sâu mà còn phải nói cho hay, cho hấp dẫn, cho mới lạ. Song tất thẩy là nhằm đạt cho bằng được cái đích chung kia. Nhất là cần lay động, cần truyền cảm. Bởi tình cảm là đặc trưng chủ yếu nổi bật của nghệ thuật. Chất lượng và tầm cao của sáng tạo chủ yếu tùy thuộc ở đây. Nghệ thuật sẽ không tồn tại trong giá băng của nghệ sĩ và công chúng. Cũng không thể nói tới tầm cao của giá trị nếu người thưởng thức phần nào lạnh nhạt, thờ ơ. Trong khi càng quá chú tâm tới chải chuốt hình thức thì càng dễ rơi vào giả tạo. Những tác phẩm loại ấy tồn tại sẽ chẳng được bao lâu.
Vài năm lại đây đã xuất hiện những bài thơ, những tập thơ ưa đổi giọng cho lạ, cho điệu và cho kêu. Họ lầm tưởng đó là "cách tân" là "sáng tạo". Cũng có đôi bài lí luận lên tiếng đề cao chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu, phê bình văn chương. Tôi nghĩ, trong từng trường hợp cụ thể ta có thể vận dụng có giới hạn chủ nghĩa cấu trúc để phân tích tác phẩm. Nhưng coi là chìa khóa vạn năng thì không thể. Ngay xu hướng tuyệt đối hóa vai trò của thi pháp học cũng không đúng. Ngoài cái "ưu", thi pháp học cũng có cái "nhược". Nên kết hợp thi pháp học với các cách tiếp cận khác kể cả những cách tiếp cận truyền thống mới mong cảm hiểu được tác phẩm văn chương - một đối tượng vốn có sinh mệnh, và sự sống riêng. Có như vậy, ta mới không sa vào vũng bùn của chủ nghĩa hình thức. Đó có lẽ là mong mỏi của tất thảy những ai đang dồn tâm dồn sức cho công cuộc phục hưng dân tộc trên lĩnh vực văn chương, nghệ thuật.
Dalat, ngày 10.7.1994   
Sáng tạo, chân và ngụy
Văn chương nước ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp. Một trong những dấu hiệu đồng thời là biểu hiện dễ nhận thấy của tính giao thời là ở chỗ các thể nghiệm văn chương (đặc biệt là thể hiện thi ca) đang có xu hướng mở rộng để văn chương ngày càng mang đậm tính hiện đại, nhằm đáp ứng đòi hỏi đa dạng của thế hệ công chúng mới.
Ngẫm cho kĩ thì đó cũng là lẽ bình thường. Tạo ra những sản phẩm mới mẻ luôn là đòi hỏi tự bên trong của hoạt động sáng tạo nghệ thuật đích thực. Một khi người cầm bút không còn đủ nhạy bén với cái mới, sớm đi vào con đường mòn, có khuynh hướng thỏa mãn với những gì đã viết ra chính là lúc sức bút đã bắt đầu cạn kiệt, tài năng đã có biểu hiện lụi tàn. "Là một nhà văn tôi phải hướng tới những chân trời mới" (Aitmatov). Trong mọi thời bản chất của sáng tác là thế, trong thời đại chúng ta tính sáng tạo càng đòi hỏi cao hơn. Quả là chưa bao giờ như thế kỉ  XX sự đổi thay xét cả về nhịp độ, mức độ lẫn tốc độ lại khiến chúng ta kinh ngạc đến thế. Một nhà khoa học đã phải thốt lên: "Chúng ta thay đổi hoàn cảnh tới mức để tồn tại chúng ta phải thay đổi chính mình". Không lấy làm lạ nếu trong văn chương ngày nay xuất hiện những khuynh hướng chưa từng có trong quá khứ. Vậy nên, việc khuyến khích mọi tìm tòi thật sự tâm huyết với nghề nghiệp, thật sự có trách nhiệm với bạn đọc là cần thiết, không nên xem là dễ dãi hữu khuynh.
Tuy vậy, đây mới chỉ là một mặt của vấn đề. Sự thật là như nhiều hoạt động khác, không phải mọi tìm tòi thể hiện trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật đều đi tới đích. Có thành công đồng thời có thất bại. Qua thái độ của công chúng, nhất là công chúng am tường nghệ thuật, có thể phần nào nhận ra sự thành bại của mọi nỗ lực tìm tòi. Bởi nghệ thuật muốn tồn tại phải có công chúng. Văn chương phải được bạn đọc tiếp nhận. Độ cao thấp, nông sâu, đúng sai trong cảm thụ có thể khác nhau tùy thuộc vào quan niệm, thị hiếu và hiểu biết của mỗi người, song nhất quyết người đọc cần cảm hiểu được những gì mà nhà văn viết ra. Thứ văn chương "hũ nút" thậm chí ngay cả người làm ra nó cũng không biết mình viết gì, thứ văn chương ấy thật xa lạ với chúng ta. Sở dĩ có thể phần nào nhận ra kết quả của sự thể nghiệm nghệ thuật qua thái độ tiếp nhận của bạn đọc là bởi văn chương chân chính không chỉ đáp ứng mà còn góp phần nâng cao, hơn thế, góp phần định hướng đời sống thẩm mĩ của người đọc. Muốn vậy, người viết cần tự mình định hướng cho mọi cách tân của chính mình. Nếu sai hướng, lệch hướng cái giá phải trả sẽ rất đắt. Xét dưới góc độ cộng đồng hay góc độ cá nhân nhà văn đều vậy. Ai cũng biết đời người, dẫu sống tới trăm tuổi, cũng là quá ngắn ngủi so với khát vọng sáng tạo không cùng kia. Có một câu chuyện mang tính ngụ ngôn nghề nghiệp thật sâu sắc. Người ta đưa cho vị hiền triết nọ một sợi dây ba nút thắt, hai nút thắt ở đầu dây gần nhau, còn một nút thứ ba ở cuối dây, để xin lời giải đáp của ông. Nhà hiền triết nói: "Một nút thắt chính là ta; nút thứ hai là cái chết của ta; còn nút cuối cùng là nơi chất chứa những ước mơ của ta". Vâng, thời gian thì có hạn mà nghệ thuật thì vô cùng. Nhà văn muốn để lại một chút gì cho hậu thế thì cần biết tìm cái hữu hạn trong cái không cùng ấy! Thời gian với người viết mới quý giá làm sao. Thật tiếc cho sự phung phí thời giờ vốn rất ít ỏi vào những "trò chơi" chữ nghĩa hay những "cuộc phiêu lưu" tìm kiếm không đâu.
Đến đây, một câu hỏi có thể xem là then chốt, được đặt ra: Thế nào là hướng đúng cho mọi sự thể nghiệm tìm tòi? Đưa ra câu trả lời chân xác được nhiều người tán đồng thật không dễ. Để tiếp cận vấn đề, theo tôi, tốt nhất là hãy cùng xem xét đặc điểm sức mạnh của các tác phẩm văn chương lớn xưa nay. Đành rằng, chúng không thể là những mẫu mực cho ta máy móc bắt chước. Mỗi nhà văn theo đuổi mục đích nghệ thuật của chính mình. Mục đích sáng tạo bao giờ cũng xác định, đã không lặp lại và sẽ không lặp lại. Chắc chắn sẽ không có những chuẩn mực bất di bất dịch cho mọi người ở mọi nơi mọi lúc là vì thế. Tuy nhiên, văn chương mọi thời mọi nước dù muôn hình vạn trạng vẫn mang mẫu số chung thể hiện "quy luật muôn đời" của nghệ thuật. Đây chính là những điểm gặp gỡ của các tài năng lớn, lí giải sức sống của những tác phẩm nghệ thuật đã trải qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian trong sự đánh giá khắt khe của nhiều thế hệ người đọc. Sự gặp gỡ đó là gì? Hẳn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Điều này tùy thuộc vào cách tiếp cận, cách xem xét. Riêng tôi, tôi quan niệm rằng, các tác phẩm lớn đều có điểm chung là những chỉnh thể độc đáo giàu khả năng khám phá hiện thực, mang tầm tư tưởng cao và sức lay động lớn.
Cho đến giờ, quan niệm dung tục về mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực ở ta không còn đất tồn tại. Song, nội dung hiện thực hòa quyện với nội dung tư tưởng qua sức soi sáng của nhà văn là một thực thể hiện hữu trong tác phẩm không thể xem thường hay phủ nhận. Ở đây, cá tính sáng tạo của người viết bộc lộ khá rõ. Nhà văn nhìn cuộc sống ra sao, ở góc độ nào, có gì thật sự mới mẻ, tất thảy đều liên quan trực tiếp tới tầm cỡ của tài năng và giá trị của tác phẩm. Gắn liền với sức khám phá đời sống là tầm cao và độ sâu của tư tưởng tác phẩm. Mọi tư tưởng (chính trị, triết học, khoa học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật...) đều có thể được nhà văn gửi gắm qua hệ thống hình tượng văn chương cụ thể, gợi cảm, đầy thuyết phục. Gần đây, nhiều nhà văn có thiên hướng quan tâm tới giá trị nhân bản và giá trị đạo đức. Đó là xu hướng có thể hiểu được khi văn chương trong hoàn cảnh mới đang trở về với cuộc sống đời thường của cá nhân con người. Có điều, không nên vì thế mà xem nhẹ việc thể hiện các dạng tư tưởng khác nhau của con người. Vấn đề còn lại chỉ là ở chỗ nội dung tư tưởng có ăn nhập với nội dung hiện thực, có gắn bó máu thịt với chi tiết và hình tượng nghệ thuật hay không mà thôi. Được vậy, tác phẩm sẽ có điều kiện cuốn hút lay động người đọc. Mối giao cảm với người tiếp nhận vừa là hệ quả tất yếu của hai yếu tố trên vừa gắn liền với một nhân tố có thể xem là là quyết định trong sáng tạo: Sự chân thực, chân thực đến cùng của người cầm bút. Nghệ thuật thực sự vốn không chấp nhận mọi sự giả tạo, mặc dầu nghệ thuật vốn là ước lệ, là cách điệu, là hư cấu. Thử thách cam go của nghề văn là thế. Cần dung hòa những thái cực khó dung hòa trong sáng tạo. Có vậy, tác phẩm văn chương mới mong đạt tới những giá trị đích thực vốn là khát vọng sáng tạo ngàn đời của những người cầm bút chân chính.
Đó là ba yếu tố làm nên những kiệt tác xưa nay. Có người sẽ hỏi: "Vậy tài nghệ sử dụng chất liệu nghệ thuật (trong văn chương là ngôn từ) nằm ở đâu?" chúng tôi không có ý xem thường mọi tìm tòi về thi pháp. Tuy nhiên hiệu quả nghệ thuật , theo tôi, là bằng chứng rõ rệt nhất của biệt tài sử dụng ngôn từ, nói rộng ra là tài nghệ sử dụng các phương tiện hình thức của nhà văn. Vả chăng, muốn tìm cái mới mà lại khởi phát từ ngôn từ thì tựa như người leo cây lại bắt đầu từ ngọn. Nhà văn Đức C.Vuôlf có nói: "Nếu trong tôi xuất hiện cảm giác rằng tôi không biết mình đang có một cái gì đó mới mẻ, khi đó, một là tôi không làm sao viết được và hai là tôi không cảm thấy mình đang sống". Câu nói vừa cho ta thấy nhu cầu sáng tạo vừa cho ta thấy điểm xuất phát của sáng tạo ở nhà văn. Đấy là nét tương đồng dễ nhận ra ở các nhà văn lớn.
Dalat, 01.1994
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những vần thơ từ quê làng biên giới  14 Tháng Mười, 2022 Đọc tuyển tập tác phẩm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang – “Từ quê ...