Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lẽ tồn tại đích thực của văn chương

Lẽ tồn tại đích thực của văn chương
Từ lâu rồi, câu hỏi tưởng như vu vơ ấy cứ bám riết lấy đầu óc xem ra đã xơ cứng của tôi. Lẽ thường, cần giải đáp rành rẽ một lần cho mãi mãi. Lại phải ở ngay chặng đường đầu tiên đến với văn chương, khi tôi quyết định chọn nó chứ không phải bất cứ lĩnh vực quan trọng nào khác trên đời để dâng hiến cách đây gần 40 năm. Có gì là trái tự nhiên không? Và nếu không thế thì chỉ có thể là đã quá muộn màng? Thú thật, đôi lúc tôi bị chính những câu hỏi ấy dày vò. Đọc Lã thị xuân thu - một trong những áng cổ văn Trung Hoa phải nói là cực kỳ thâm thúy, tôi mới được an ủi phần nào. Đặc biệt là khi dừng lại lời dạy sau: “Mối lo của bậc nhân chủ vẫn không phải sai lầm trong những vấn đề ông ta nghi ngờ mà chính là sai lầm ngay ở những việc mà ông ta hòan tòan nắm chắc không chút nghi ngờ” (Văn học Nước ngoài, Số 1 / 1999, tr.196). Cái đáng nghi ngại đôi khi không nằm ở những lãnh vực mới lạ, cần rất nhiều nỗ lực tìm tòi, mà ở ngay những chỗ tưởng chỉ tòan chân lý hiển nhiên, không còn đất cho bất kỳ nỗi hoài nghi nào cả.
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong không khí thời đại và môi trường văn chương phải nói là quá khác thường. Cả dân tộc buộc lòng lao vào cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, hết thực dân Pháp lại đến đế quốc Mỹ, tòan những thế lực mạnh và dữ vào bậc nhất của thời đại. Ta đã huy động mọi sức mạnh tiềm ẩn có thể có trong đó có văn chương để đánh chúng, rồi cuối cùng đã thắng chúng. Đáng tự hào lắm! Mà cũng tổn thất, mất mát nhiều lắm! Có cái dễ nhìn thấy. Lại có những cái thật khó nhận ra. Riêng đối với văn chương, phải nói nhân lọai tiến bộ đã bỏ xa ta tới hàng thập kỷ. Chừng mươi năm sau thắng lợi hiển hách 1975, ta vẫn chưa ý thức được hết khỏang cách này. Dường như nhiều người vẫn say men nồng của chiến thắng. Đến thời Đổi mới, ta mới dần dà nhận ra. Để rồi sau đó, mới dồn quyết tâm hội nhập với thế giới hiện đại. Có điều, nói gì thì nói, bước chuyển trong đời sống tinh thần bao giờ cũng chậm chạp và vật vã hơn so với sự đổi thay về vật chất. Sức ỳ lớn nhất nằm ở tư duy.
Chỉ xin nói riêng về chức năng của văn chương, rộng ra, của nghệ thuật. Một ai quan tâm tới lý thuyết đều phải thừa nhận, đây chính là gốc gác của mọi vấn đề. Sao có thể nhận biết đúng về bản chất riêng biệt của văn chương nếu chưa nhận thức cho thật  rành rọt xem ông trời sinh ra văn chương, ra nhà văn để làm gì. Tuy nhiên, cho tới thời gian gần đây, ta vẫn chưa hòan tòan thoát ra khỏi cách nhìn cũ. Hãy giở bất cứ trang lý luận nào ra đời trong những năm gần đây thì đủ rõ. Bảo không có cái gì mới thì không thật đúng. Nhưng đó chỉ là những cái mới ở cành lá chứ chưa ăn sâu tận gốc rễ. Rút cục, vẫn là hệ thống cũ được sửa sang lại cho có vẻ tân kỳ! Không, tôi không có ý nói giới lý luận văn chương ở ta chưa thật gắng gỏi. Tôi cũng không bảo việc đổi mới tư duy lý thuyết là công việc dễ dàng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, quá khứ trì níu ta lâu quá, dữ quá. Với cả đội ngũ. Và với từng nhà lý luận. Trong khi đòi hỏi của sự nghiệp trước chân trời mới rộng mở thì ngày càng róng riết…Không thể chậm trễ hơn được nữa rồi. Hướng giải quyết, vẫn như bấy lâu nay, thiết nghĩ chỉ có hai cách. Phải làm cùng một lúc. Một là, sóat xét lại mình, cả cái hay lẫn cái dở. Hai là, học cái hay của người, xưa và nay, bất kỳ từ đâu đến.
Theo cách đầu, tôi tìm đến thơ Y Phương. Thật không ngờ, đầu óc tôi sáng ra nhiều điều. Chỉ giới hạn trong việc xác định những nét riêng biệt của chức năng văn chương thôi. Quả thật, nếu văn chương chỉ làm cái điều mà các lĩnh vực khác cũng làm, thậm chí làm tốt hơn, thì lẽ tồn tại của nó ở đâu? Vai trò của nhà văn đối với xã hội khi ấy tất sẽ bị đặt câu hỏi hòai nghi.Y Phương trước sau nhất quán một xác tín nghề nghiệp: “Cao hơn cơm là nước / Cao hơn nước là khí trời / Cao hơn khí trời là em bồ - câu – lơ – mơ – thơ của ta”. Đừng ai nghĩ là anh cao giọng để trấn an mình rồi trấn an người. Ta biết trong thực tế còn  phổ biến những cái nhìn lệch lạc, xem nhẹ văn chương, coi thường nhà văn. Như bất cứ người cầm bút sống chết với nghề nào, anh đau lòng lắm chứ. Trái tim người nghệ sỹ như bao con người khác thôi, đâu phải là gỗ đá. Tôi nhận ra nỗi xót xa trong phép đối sánh xưa – nay trong bài thơ chất chứa nhiều tâm trạng có tên là Núi. Đây là xưa, cứ như là xứ thần tiên trong cổ tích: “Người trần bán thơ / Mua bánh trăng / Bánh trăng nhân trứng chim / Trứng chim nở ra muôn nghìn bài hát”. Mua bán, sinh thành tòan những thứ tưởng như vu vơ: những thơ, những trăng, những bài ca …Người ta làm sao có thể chết vì thiếu chúng. Nhưng giá thiếu vắng những giá trị tinh thần quý giá đó trên đời thì người có đích thị còn là người nữa không nhỉ? Con người vẫn tồn tại, chứ sao nữa, nhưng có thể bảo là sống, nhất là sống theo nghĩa CON NGƯỜI viết hoa được không! Bởi khi ấy, chắc không còn cảnh: “Người trần chập vào nhau/ Làm thành núi…” Mất đi chất keo gắn kết giữ người với người, xã hội vì thế cũng tan biến theo. Nhà thơ của chúng ta thật tinh tường khi thóang nghĩ về một nơi nào đó vào thời nay: “Người trần xa lánh rồi/ Núi đứng núi ngồi/ Nhớ người trần/ Núi cay xè muối ớt”. Người thơ như hóa thành núi kia, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Bài thơ gợi nhiều nỗi bùi ngùi, nhưng chưa làm người ta e ngại. Bài Chơi râu thì khác, buộc nhiều người phải giật mình: “Trời bảo: / Ứ thèm chơi với ta nữa đâu / Tùy thôi. / Trời bảo: / Ta là đồ linh tinh, đồ dở hơi / Tùy thôi. / Trời không chơi thì ta ngồi ta chơi râu ta”. Bài thơ ngắn và gọn như thường bắt gặp trong thơ Y Phương. Đó có thể xem là thế mạnh, tạo nên sự chất chứa nén dồn của thơ anh. Tôi biết anh bao giờ cũng kỹ lưỡng chữa đi chữa lại thơ mình, cả trước và sau khi đã công bố. Có khi hay hơn, có khi lại giảm thú vị đi. Cũng là chuyện thường tình. Ai từng vật lộn với câu chữ trên trang bản thảo thì đều cảm thấy sự thật ấy. Riêng trong trường hợp này, thú thật, tôi thích dị bản khác kia. Nó dài hơn. Có điều xem ra nó có lý hơn: “Trời xanh bảo: / Ứ thèm chơi với ta nữa đâu  / Đành thôi. / Trời xanh bảo: / Ta là đồ linh tinh / Ta là  đồ dở hơi / Đành thôi. / Trời xanh không chơi thì ta ngồi ta chơi râu ta”. Như bạn đọc đã thấy, Y Phương có sửa, chủ yếu là lược bỏ đi. Trước hết là từ xanh.  Chắc với mong muốn làm cho lời thơ cô đúc hơn và ý thơ mạnh mẽ hơn. Tôi lại nghĩ khác: hình như anh đã đi xa hơn cái mình muốn tỏ bày. Cụm từ trời xanh có lẽ diễn tả chính xác hơn điều bài thơ định nói. “Xanh kia thăm thẳm tầng trên…”Lại được cả nhịp điệu. Nó không cộc lốc như trời bảo. Cũng nên nhắc lại hai lần ta là. Thêm một lần nhấn nhá là thêm một sự chuẩn bị quyết liệt cho sự bùng nổ ở câu kết. Trong lần xuất bản mới đây Y Phương chỉ thay duy nhất đành thôi bằng tùy thôi. Không rõ vì sao tôi nghe sức nín chịu trong cụm từ đành thôi hơn hẳn tùy thôi.  Có lẽ do cách nói sau hướng về phía người đối thọai. Trong khi cách nói đầu thì nghiêng hẳn về phía mình. Nó như dồn nén vào bên trong để có cơ bùng nổ ra bên ngoài. Biểu hiện của sự bùng nổ tưởng khơi khơi “ta ngồi ta chơi râu ta” mà đáng sợ lắm đấy. Tất nhiên là chỉ với những người am hiểu. Mới hay, dài ngắn trong thơ là so với sự biểu hiện của ý tưởng. Không ai, kể cả người đã cho bài thơ sự sống, có thể lộng hành tới mức muốn làm gì thì làm. Riêng về điều này, là một nhà thơ sành nghề, chắc chắn Y phương  hiểu rõ hơn tôi.
Cố nhiên, đó chỉ là theo thiển ý của tôi. Có thể hợp, cũng có thể không hợp.Tôi thành tâm nghĩ sao nói vậy. Trường hợp sau đây thì chỉ độc một nỗi thán phục. Ấy là bài thơ Hạt trăng, nói về sự chinh phục tự nhiên của văn chương. Hãy xem, Y Phương sắn tay cày xới: “Những hạt trăng vương vãi / Đang ồn ào đi lại. Và, anh gieo trồng: Có một hạt trăng hồn nhiên / lăn về ta”. Rồi anh thu họach: “Ta uống em / Trẻ mãi / Không già”. Mãn nguyện, một cảm giác hòan tòan mãn nguyện trong tôi. Với tư cách người đọc. Cả với tư cách người làm lý luận. Cứ nghĩ kỹ mà xem, văn chương chân chính mọi thời mọi nước đa dạng là vậy, nhưng nếu từ lẽ tồn tại mang tính nghề nghiệp mà xét thì chỉ có hai lọai hình chính yếu  thôi: một là, loại văn chương trực tiếp vì con người; và hai là, lọai văn chương gián tiếp qua chất nghệ thuật để đạt mục đích cao cả đó. Ấy là tôi chỉ muốn nói tới thứ văn chương tích cực vì xã hội, vì con người thôi. Ngoài nó ra, những thứ văn chương hoặc quá chú tâm vào kỹ thuật, kỹ xảo, hoặc chỉ viết khơi khơi cho vui vui thì tính đến làm gì! Hai lọai hình trên, tôi đặc biệt ưa thích lọai sau. Chỉ bởi, nó hợp với lẽ tự nhiên của văn chương vốn được xem là thứ nghệ thuật ngôn từ linh diệu vào bậc nhất của xã hội. Tuân Tử xưa từng chê trách Mặc Tử “bị cái dụng che lấp mà không biết cái văn vẻ”…, nên “chỉ là cái đạo của những kẻ phục dịch”. Về điểm này, Y Phương viết thật thấm thía. Không ai có thể ép buộc ta đến với văn chương cả. Nó là chuyện đồng điệu, tự nguyện và tự giác. Chỉ có những người “lơ ngơ đi trên cỏ”,  để tâm hồn “thơm như cỏ” (Xin hiểu cỏ đây là văn chương) mới có thể “trẻ mãi, không già”. Khi ấy, nỗi xúc động do cái Đẹp mang lại mới đáng kể: anh nằm đọc sách: “nước mắt ứa ra”; anh ngồi dậy: “nước mắt tràn qua”; và khi anh đứng lên: “nước mắt òa” (Hạt bụi). Chớ bảo những giọt nước mắt nhỏ xuống trước nghệ thuật là yếu mềm. Tôi thèm những nỗi xúc động như thế. Mỗi lần được vậy, nói theo Aristote,  tâm hồn ta thêm một lần được thanh lọc hóa, con người sẽ giàu chất người hơn. Sự trẻ trung do nghệ thuật đích thực đem lại mang ý nghĩa ấy: “Mùa xuân năm ngoái / Tôi soi gương / Giật mình / Quái! Lão già nào mặc bộ complê của mình thế nhỉ?... Mùa xuân năm nay / Tôi soi gương / Chà chà! / Chàng trai nào mặc bộ complê của mình đây?”. Câu kết đến như một sự tất yếu, không hề đường đột: “Cảm ơn mùa xuân”. Tôi cứ muốn nghĩ mùa xuân đây là thơ của chính anh đó! Thi ca làm cho anh, cho ta trẻ mãi – cố nhiên là sự trẻ trung của tâm hồn. Cái quý nhất của thi ca, của văn chương, nghệ thuật là ở chỗ đó chăng?  Khi được thế, thì: “Ước một đời trẻ lại khó gì đâu”. Bởi, con người đã có được tâm thế không dễ có: “Ấy là khi anh cười rung rung chòm râu”. Rất hợp với lời của một bài hát quen thuộc.Văn chương đem lại cho ta nỗi mênh mông, dâng hiến cho ta niềm hân hoan – chẳng một ai chết vì thiếu những thứ đó, chỉ có nghèo nàn, khô héo đi về tâm hồn. Tâm đắc nhất là sự gợi mở này: sống cùng với văn chương để rồi chỉ còn lại mình ta với nỗi nồng nàn muôn thuở. Ý nghĩa đích thực của văn chương rốt cuộc có lẽ là vậy, biến tài sản tinh thần của người viết gửi gắm qua tác phẩm thành nỗi riêng tây có sức lay động tâm trí mỗi người.   
Theo cách thứ hai, tôi tìm đọc Tạp chí Sông Hương, Số 220, ra tháng 6 năm 2007, để có dịp dừng thật lâu ở một tài liệu quý, gợi ý khá nhiều về chính cái vấn đề  ta đang bàn đến. Tôi muốn nói tới bài tiểu luận về thơ viết dưới hình thức một bức thư gửi một độc giả trẻ của nhà thơ, đồng thời là nhà phê bình Bồ Đào Nha Nuno Júdice. Ông sinh năm 1949, nghĩa là cùng thế hệ với Y Phương và  tôi. Ông là tác giả của khỏang 15 tuyển tập thơ và hiện là chủ bút tạp chí thơ Tabacaria ở Thủ đô Lisbon. Bức thư được ông viết vào năm 2003, trong khuôn khổ một họat động văn hóa do Pháp tổ chức có tên là Mùa xuân của các nhà thơ.
Ông mở đầu bài viết bằng một phản đề: “Trong một bài thơ đã cũ, tôi có viết rằng: Thi ca theo như cách tôi hiểu, là vô dụng”. Đọc câu này, nhiều người phải giật mình. Ta quen nghe những phán đóan kiểu khác. Rằng, thơ đem lại cho con người những niềm hoan lạc lớn lao và cao cả. Rằng, không gì trên đời có thể thay thế được thi ca. Rằng, thiếu thơ có khác chi thiếu ánh nắng mặt trời. Rằng, thơ làm cho con ngươi giàu chất người hơn để có thể đứng cao hơn muôn lòai trong vũ trụ…Và, rằng …Với rất nhiều, rất nhiều điều quý giá, thậm chí vô giá khác chỉ có thi ca, có văn chương mới đem lại được. Vậy mà lại có người nói ngược lại. Ngạo ngược quá! Nghịch nhĩ quá! Mà ai đang nói nhỉ? Một nhà thơ danh tiếng. Một nhà phê bình thơ danh tiếng. Một người sáng lập và điều hành tạp chí thơ danh tiếng. Ôi! Thật khó hiểu làm sao! May thay, kề liền câu trên là một nhận xét nhằm xác định rõ ranh giới của người trong nghề và kẻ ngọai đạo:“Câu này có thể trở thành giới hạn mà vượt qua nó, kẻ nào không quan tâm tới vấn đề thi ca có thể dừng lại”.  Đã rõ rồi, chỉ những ai hiểu biết hời hợt, đứng ngoài mà nhìn, từ xa mà xét thì thi ca mới thành vô dụng. Trong con mắt những người lịch lãm, tinh đời thì khác, như Nuno Júdice viết tiếp,“thi ca đồng hành với con người từ ngọn nguồn của anh ta và nó tiếp tục đồng hành với anh ta trong những thời điểm khó khăn nhất”.
Hay nhất, thấm nhất có lẽ nằm ở sự lý giải sâu sắc của Nuno Júdice.  Ông biện luận thế này: “Lý do là: bài thơ không đòi hỏi gì ở chúng ta cả, trái lại, nó cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, với sự đơn giản tuyệt đối của nó”. Chúng ta dễ dàng đồng tình. Riêng sự phân tích của ông thì không phải ai trong chúng ta cũng có thể thông hiểu ngay được. Theo ông, sức mạnh kỳ diệu của thi ca là ở chỗ, nó là “tòa nhà xây dựng không dựa trên một cái gì cả” mà lại “cao đến tận trời”. Tại sao lại tin được đến vậy? Trước hết là phía nhà thơ. Ông giải thích: “Chúng ta làm thơ chỉ với những ngôn từ và những ngôn từ này chúng ta đi tìm ở cuốn từ điển đơn giản nhất, đó là cuộc sống của bản thân chúng ta”.  Đúng quá rồi! Thơ, nhất là thơ trữ tình, chất liệu sáng tạo nằm ngay trong thế giới bên trong của chủ thể. Những cảm xúc, những suy tưởng; những ước mơ, những dự cảm… Có cái hiện lên rỡ ràng trong ý thức. Lại có cái lúc mờ lúc tỏ trong vô thức. Chúng cuồn cuộn tự bên trong. Chúng mong muốn đựơc cất lên thành tiếng nói. Sáng tác, thực ra là chọn ngôn ngữ để thêu dệt nên ngôn từ. Mà đây lại là ngôn từ nghệ thuật. Lấp lánh ý nghĩa. Nóng ấm tình người. Với sức sống không bao giờ cạn kiệt.
Vậy nên, nói như Nuno Júdice, mỗi lần đọc,“chúng ta lại thấy nảy sinh từ bài thơ những điều mà trước đó chúng ta chưa hề mường tượng ra là có thể có” . Sức thuyết phục trong lý lẽ của ông là ở chỗ ấy. Ông không bao giờ tách quá trình sáng tạo ra khỏi quá trình tiếp nhận. Cao hơn, ông bao giờ cũng chú trọng tới tính cá thể, tính cá biệt của sự viết và sự đọc. Trả lời câu hỏi tại sao nhà thơ cầm bút? ông bảo: “Để biết được mỗi lần tôi viết một bài thơ thì điều gì sẽ lại lóe lên từ bài thơ đó”. Nhà thơ, vậy là, không thể biết hết được những gì sẽ nảy ra dưới ngòi bút của mình. Sự kỳ lạ của sáng tạo nghệ thuật là thế chăng? Còn người đọc? Đã hẳn là phải nương theo câu chữ, ý tứ của bài thơ. Nhưng không giản đơn chỉ có vậy. Sự kỳ diệu của cảm thụ nghệ thuật nằm ở chỗ, người đọc chỉ thực sự hiện hữu khi có “sự hiện hữu của bản thân bài thơ”. Nghĩa là, chỉ khi trực tiếp giao hòa với tác phẩm, một người bình thường mới thực sự trở thành một người cảm thụ. Để rồi, cái điều mà người đọc da diết trông chờ ở thi ca tự nhiên sẽ đến. Nuno Júdice diễn đạt rất chuẩn xác sự nhiệm màu của thi ca như sau: “Vượt qua những thời đại và những ngôn ngữ, tôi biết rằng bằng những lối đi mà cũng chẳng một ai trong chúng ta có thể (hình dung) ngay cả trong ước mơ, bài thơ sẽ đến được cửa của những dòng sông phận người, những dòng sông kéo dài cuộc sống của các cộng đồng, theo hành trình trong lòng đất của dòng nước chảy sâu giữa những gốc rễ của ký ức, cho đến khi nó tìm thấy được lòng sông tự nhiên của mình”.  Thơ hay chỉ có thể gợi mở. Người đọc phải tự đến. Từ mình mà đến. Tạo nên sự giao hòa tự nhiên ở bên trong như những dòng sông gặp gỡ, nhập nguồn nước, nhập nhau màu sắc. Dòng sông chan hòa giữa những dòng sông. Những dòng sông vô tận của đời người. Của lòng người. Nhờ thế mà cuộc sống mới không ngừng trôi chảy…Ý nghĩa đích thực của thi ca, của nghệ thuật có lẽ nằm ở chỗ đó.
Đọc mình và đọc người. Trong sự suy ngẫm mà thời đại cho phép. Tư duy của ta như được cất cánh bay bổng. Chỉ còn lại hai việc: thảo luận để đi tới thống nhất, và sau đó là vận dụng vào thực tế. Hiệu quả tùy thuộc vào mỗi người. Trong họat động sáng tạo thi ca, sáng tạo văn chương không ngưng nghỉ…
Đà Lạt, 8/2007
Danh vọng, cần hay không cần?
Cũng có người lên tiếng hoàn toàn phủ nhận danh vọng. Hoặc người đó là tiên (đã là tiên thì chỉ đáng trọng chứ không đáng phục), hoặc người đó dối mình dối người (không thật thì khó chiếm được lòng tin của người khác). Phải thừa nhận rằng danh vọng luôn tồn tại trong đời thật, thường xuyên đối mặt với con người. Vấn đề là cần điều tiết nó ra sao để phát huy mặt lợi, hạn chế mặt bất lợi, tạo ra động lực thực tế cho mọi hoạt động của con người trong đó có hoạt động sáng tạo của nhà văn. Không ít trường hợp, nhất là đối với các cây bút trẻ mới bước vào nghề, mặt tốt của danh vọng đã tiếp sức cho ngòi bút của họ, giúp họ gặt hái được những thành công ban đầu vốn đặc biệt có ý nghĩa cho những chặng đường kế theo của nghiệp văn chương.
Vậy ta không phê phán danh vọng nói chung. Có chăng ta chỉ không đồng tình với những ai theo đuổi hư danh, danh không đi liền với thực. Nhà thơ quá cố Chế Lan Viên khuyên: “Chớ hư danh!” (Nghĩ về thơ ca). Xa hơn, ở thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Khuyến chế nhạo “Tiến sĩ giấy” vì:
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Hữu danh vô thực thật có hại cho người, cho đời. Còn danh đi liển với thực, danh xứng đáng với thực thì lại là một may mắn lớn cho bản thân và cho xã hội. Ta cũng không đồng tình với những người suốt đời theo đuổi danh vọng, coi danh vọng là mục đích hơn thế là mục đích tối thượng của đời mình. Sinh thời, Hồ Chí Minh nói với các nghệ sĩ: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”. Người còn chỉ rõ: “Những khiếm khuyết đó đều do chủ nghĩa cá nhân đề ra” (1). Khi coi danh vọng là cứu cánh, những người này bất chấp tất cả, đánh đổi bằng mọi giá để đạt được nó. Cũng như quyền lực và tiền tài, danh vọng có sức hút thật kinh người. Đã sa vào bả lợi danh thì rất khó tìm được lối ra. Con người cứ đánh mất mình dần đi. Hàng ngày, hàng tháng hàng năm,.... Và hậu quả khó lòng mà ngờ hết. Xin hãy ghi nhớ lời căn dặn của văn hào M. Gorki. Với giọng văn có phần hài hước. ông viết: “Cần phải loan báo cho các bạn mới vào nghề biết rằng danh vọng là một thứ nước có màu đùng đục, có một vị chua chua và nếu uống vào nhiều thì sẽ có tác dụng xấu với những hệ thần kinh yếu, gây nên ở người uống một trạng thái say sưa nặng nề giống như “say bia”. Khi uống thứ nước này phải thận trọng, một năm không quá một thìa cà phê, uống quá liều lượng sẽ sinh chứng thừa chất mỡ ở tim, chứng sưng bộ phận tự ái, chứng viêm tuyến hách dịch, tuyến tự cao, tuyến hẹp hòi mà nói chung là đủ thứ méo mó bệnh tật” (2).
Tệ hại của thói hám danh thật không kể xiết. Tuy ta cần phân biệt lòng ham danh vọng với khát khao vươn tới chiếm những đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật. Với các nhà văn tài năng, ý nguyện này là không cùng. Đã có nhà văn danh tiếng từng tuyên bố: khi cầm bút trước mặt ông không có Banzăc, Tôlxtôi... nào hết. Lại có nhà văn, tiếng tăm cũng không kém, yêu cầu rất có lý: Nếu kêu gọi nhau hãy viết như Puskin, như Maia thì nhiều lắm chỉ tạo ra một Puskin khác, một Maia khác, chứ không thể tạo ra những tài năng mới. Mong muốn viết ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lớn là chính đáng. Nhưng đây chỉ là lúc dụng bút, Còn bình thường thì các nhà văn này là những tấm gương sáng trong việc học tập, trau dồi nghề nghiệp. Họ học hỏi bất cứ ai, bất cứ điều gì để bồi dưỡng bản lĩnh sáng tạo của riêng mình. Nghề văn khắc nghiệt là vậy! Đến thì nhiều mà ở lại, ở lại một cách xứng đáng có bao lăm. Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở người nghệ sĩ: “Thời gian thì hữu hạn, mà nghệ thuật thì vô cùng”. Đừng có lạ khi những cảm giác của những nhà văn thực thụ về những gì mình đã viết ra là cảm giác không mấy hài lòng. “Tác phẩm lớn nhất là tác phẩm chưa được viết ra”, bao giờ họ cũng trả lời tương tự như vậy khi được hỏi về những tác phẩm thành công nhất của mình. Cũng dễ hiểu! Sớm thỏa mãn. Đó là dấu hiệu nổi bật của sự chững lại nếu không muốn nói là sự suy thoái, tàn tà, nhất là đối với nhà văn.
Đà Lạt, ngày 26-2-1993
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...