Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Huy Thông - Nhà thơ mới tiêu biểu qua "Mắt xanh" của Hoài Thanh

Huy Thông - Nhà thơ mới tiêu biểu 
qua "Mắt xanh" của Hoài Thanh
Sinh năm 1916, Huy Thông cùng thế hệ với Xuân Diệu, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương…; thuộc thế hệ sau của Thế Lữ (sinh 1907), Thanh Tịnh (1911), Lưu Trọng Lư (1912), Hàn Mạc Tử (1912), Vũ Đình Liên (1913), Nguyễn Nhược Pháp (1914)…
Nhưng trước khi nói đến Huy Thông - nhà thơ, còn và cần phải nói ông là người của nhiều nhà trong một nhà. Trước khi mất, vào tháng 6 năm 1988, ở tuổi 72, ông là Viện trưởng Viện Khảo cổ kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Những năm sau Hòa bình lập lại - 1954 ông là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, tham gia Đảng Cộng sản Pháp; từng có lúc là Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi Người sang thăm Pháp năm 1946, và tham gia phái bộ Phạm Văn Đồng ở Hội nghị Fontainebleau. Trước 1945, ở tuổi trong ngoài 30 ông là sinh viên du học ở Pháp, nhận nhiều bằng, gồm cả Tiến sĩ và Thạc sĩ trên các lĩnh vực luật học, sử học và văn chương. Trước khi du học, ở tuổi 20, ông đã có bằng Cử nhân Luật. Phải nói cái bằng Cử nhân lúc này là rất to; đa số nhà văn thế hệ tiền chiến chỉ có bằng Tú tài - tây hoặc ta (tốt nghiệp Cấp Ba), hoặc Thành chung (tốt nghiệp Cấp Hai); nhiều người rất nổi tiếng mới chỉ có Cấp Một…Và, rất đáng lưu ý, trong thời gian từ 1932 đến 1936, ông đã tham gia vào một phong trào sáng tác văn học rất có ý nghĩa trong lịch sử văn chương và lịch sử thơ ca Việt. Đó là phong trào Thơ mới.
Thơ mới ra đời bằng bài thơ Tình già của Phan Khôi, đăng trên Phụ nữ tân văn số ra ngày 10-3-1932, rồi nhanh chóng nhập cuộc văn đàn, và chiếm ưu thế trong chiến đấu với thơ cũ vào nửa đầu thập niên 1930, để vào nửa sau là toàn thắng, là chiến thắng triệt để, rồi đi vào thoái trào vào nửa đầu thập niên 1940. Tất cả chỉ trên 10 năm cho sự phát triển một phong trào thơ, nó là kết quả của yêu cầu hiện đại hóa; của con đường văn chương Việt và thơ ca Việt tham gia và hội nhập vào thế giới hiện đại; của sự phát triển từ ý thức cộng đồng với chủ thể là cái Ta vốn ngự trị trong thơ cổ điển Việt Nam hàng nghìn năm cho đến đầu thế kỷ XX - với những đại gia tiêu biểu cuối cùng là Nguyễn Khuyến, Tú Xương… sang chủ nghĩa cá nhân với chiến thắng của cái Tôi qua người phát ngôn đầu tiên là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; để - cuối cùng là sự xuất hiện cùng một lúc nhiều chục gương mặt thơ tiêu biểu, với phong cách cá nhân rất rõ nét, nó là cái đích cao và xa cho bất cứ thời nào của lịch sử văn học dân tộc và nhân loại.
Mười năm, từ 1932 đến 1942, khi sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân ra đời, như một tổng kết tuyệt vời về hành trình và thành tựu của phong trào Thơ mới, nó là Một thời đại trong thi ca như tên bài Mở đầu. Một cuốn sách có giá trị thế kỷ như sự khẳng định trong một Hội thảo do Viện Văn học chủ trì, vào ngày 27-3-1992, nhân Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Hoài Thanh, và 50 năm Thi nhân Việt Nam.
Mười năm phong trào Thơ mới, với 45 chân dung được chọn tuyển cùng với lời bình của Hoài Thanh trong sách Thi nhân Việt Nam, trong đó có Huy Thông.
Mười năm, ở chặng đầu của nó (1932-1936) là sự xuất hiện của Huy Thông, một xuất hiện rất mới mẻ, rất ấn tượng, rất trọn vẹn như được ghi nhận trong một đoạn văn ở bài Mở đầu của Hoài Thanh:
“Tôi quyết rằng trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.
Ở đây chỉ 8 nhà thơ được Hoài Thanh chọn và định danh một nét nổi trội, đặc sắc trong cá tính thơ, với Thế Lữ là rộng mở, với Lưu Trọng Lư là mơ màng, với Huy Thông là hùng tráng, với Nguyễn Nhược Pháp là trong sáng, với Huy Cận là ảo não, với Nguyễn Bính là quê mùa, với Chế Lan Viên là kỳ dị; còn riêng Xuân Diệu là gồm cả ba: thiết tha, rạo rực, băn khoăn…
Tất nhiên, đúng như rào đón của Hoài Thanh: Đây là so thời với thời, chứ không phải so người với người. Bởi nếu so người với người thì động đến Nguyễn Du …
“Tôi không so sánh các nhà Thơ mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai kém. Đời xưa có thể có những bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp!”
Trở lại với khái quát trong đoạn văn trên của Hoài Thanh, quả thật là đúng cho từng người. Nó cho ta hiểu: Từ điểm xuất phát ngay từ chặng đầu, phong trào Thơ mới đã đem lại cho thi đàn Việt Nam trước 1945 và suốt cả thế kỷ XX 5 đại thụ: Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính;  chỉ riêng Thế Lữ, Lưu Trọng Lư và Huy Thông là một sáng chói trong khởi động ở thời kỳ 1932-1936; còn từ sau 1936 thì Thế Lữ và Lưu Trọng Lư sẽ chuyển dần sang sân khấu và Phạm Huy Thông hướng vào các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn…
Trở lại với Huy Thông ngay từ tuổi 18 đã có một khởi động rất ấn tượng, để lại dấu ấn khá đậm trong phong trào Thơ mới, qua 4 tập thơ được ấn hành từ 1934 đến 1936, ứng với tuổi 18 đến 20 của Phạm Huy Thông. Đó là: Yêu đương (1934), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1936), cùng nhiều bài thơ lẻ trên các báo như Phong hóa, Ngày nay, Đông Dương tạp chí, Hà Nội mới, Tân thiếu niên…
Và đặc biệt, qua lời bình của Hoài Thanh. Bốn mươi lăm tên tuổi được chọn trong Thi nhân Việt Nam không phải bất cứ ai cũng được chọn nhiều bài và được đánh giá cao; có người chỉ một, hoặc vài bài; còn lời bình thì nhiều người có cả khen và chê. Không kể dăm mười người xứng đáng được hưởng trọn sự đánh giá rất cao, và sau này trở thành đại thụ trong nền thơ thế kỷ XX, một số người khác tuổi đời ngắn như Nguyễn Nhược Pháp, Bích Khê, hoặc xuất hiện ngắn như Huy Thông cũng được đánh giá cao. Trong trích tuyển với lời bình dành cho Huy Thông, người đọc thấy rõ Hoài Thanh đã không dấu diếm một tình cảm đặc biệt đối với Huy Thông, qua thơ và cả đối với người. Còn với một số người khác thì thơ và người là có khác nhau; có khi chỉ khen thơ mà tránh nói đến người.
“Đặc sắc của Huy Thông chính ở những bài anh hùng ca như bài Tiếng địch sông Ô tả bước cùng của Hạng Tịch. Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy”.
Dẫn một đoạn thơ trong Tiếng địch sông Ô, trong đó có 2 câu:
(…)
Nhưng than ôi! Vận trời khi đã tận
Sức “lay thành nhổ núi” mà làm chi!
Hoài Thanh viết: “Hơi văn mà đến thế thực đã đến mức phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đang chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh. Nó lôi cuốn bừa đi. Người xem thơ ngạc nhiên và sung sướng vì thấy mình vẫn còn đủ tráng khí để buồn cái buồn Hạng Tịch”. Buồn Hạng Tịch gắn với Huy Thông, theo lời bình của Hoài Thanh là một cái buồn sang trọng, buồn gắn với bi mà không ủy mị, không rên rỉ. Nếu chứng kiến cái buồn là trạng thái chủ đạo và bao trùm của Thơ mới trong suốt hành trình của nó thì mới thấy quý cái lạ của Huy Thông, và lời bình của Hoài Thanh là có lý.
Như vậy là Hoài Thanh đã rất tinh tế cho ta thấy trong Thơ mới, Huy Thông đã tìm được cho mình một chỗ trốn, một cách thoát ly thực trạng - cùng lúc là quá khứ và tình yêu, hoặc một tình yêu trong quá khứ; với những câu thơ rất hay, rất tiêu biểu, như:
Đi! Cùng anh tới Cô Tô thành cũ
Chờ trăng lên mơ nữa giấc mơ xưa
Còn tình yêu trong hiện tại thì phải nhường cho Xuân Diệu; tình yêu quê mùa không ai thay được Nguyễn Bính; tình yêu trong trụy lạc phải dành chỗ cho Vũ Hoàng Chương… Một chỗ trốn, tức là một cách thoát ly; và là thoát ly vào nhiều chỗ trốn - đó là nội dung bao trùm của cả phong trào Thơ mới. Thoát ly ở đây là một thái độ đối với thực trạng, và thực trạng ở đây là xã hội thuộc địa (chứ không phải là xã hội mới - như sau này) để thấy không phải thoát ly nào cũng là tiêu cực như sự phê phán kéo dài trong nhiều chục năm sau 1945. Riêng cách thoát ly của Huy Thông thì ít có lý do để phê phán và tự phê phán. Và đương nhiên thế giới thơ Huy Thông là có một độ chênh, một so lệch so với thế giới thực - nó chỉ là thế giới của ao ước, của khao khát, và diễn ra trong tưởng tượng; và điều này cũng đã được Hoài Thanh nói đến:
“Chỉ tiếc rằng Huy Thông, người anh hùng trong mộng tưởng ấy lại cũng là một người thiếu niên khao khát yêu đương và rất lễ phép với đàn bà. Có khi vô tình người đã phác họa Hạng Tịch theo hình ảnh của mình. Đã đành Hạng Tịch mê Ngu Cơ, đã đành ái tình không chia kim cổ, nhưng tình yêu của Hạng Tịch hẳn phải thế nào chứ”. Hãy đến với Huy Thông mà nhận diện kiểu tình yêu đó!
Đọc rất sớm Thi nhân Việt Nam, và qua Thi nhân Việt Nam mà thuộc rất sớm nhiều nhà Thơ mới, tôi đã rất sung sướng khi được nghe, được học, rồi được chỉ dẫn bởi Phó Viện trưởng Viện Văn học Hoài Thanh ở tuổi thành niên. Cũng qua Thi nhân Việt Nam mà tôi được biết rất sớm Huy Thông bởi 2 tuyển chọn thơ cùng với lời bình của Hoài Thanh chiếm khá nhiều trang, so với nhiều tác giả khác; một là kịch thơ Anh Nga – 43 khổ - 176 câu, gồm 3 nhân vật: Anh Nga, Ngân Sinh và một “nhân vật” thứ ba là Tiếng ca – thay lời tác giả hoặc công chúng; và bài thơ Khúc tiêu thiều, 7 khổ 28 câu, gợi nhớ tình yêu Tây Thi – Phạm Lãi thời Chiến quốc Trung Hoa.
Cả kịch thơ và thơ đều có chủ đề tình yêu, nhưng là tình yêu trong sương khói lịch sử và hòa trộn với thiên nhiên; một thiên nhiên với “vầng hồng tắm nắng chân mây xa” (trùng điệp 12 lần) gần như là đứng yên bất động ở phía chân trời…
Đây là tình yêu còn rất thanh khiết, không nhuốm màu vật dục, càng không trụy lạc hoặc phá phách, điên loạn, được phát ngôn bởi, và rất thích hợp với - một tuổi trẻ nhiều khát vọng.
Năm năm sau ngày thành lập Viện Văn học, vào năm 1965, Viện Khoa học xã hội ra đời, rồi sau đó chuyển thành Ủy ban khoa học xã hội. Mãi đến lúc này tôi mới có hoàn cảnh tiếp xúc với Phạm Huy Thông - nhà thơ mới tôi mới chỉ có thể hình dung rất ấn tượng qua thơ, nhờ vào Hoài Thanh; còn bây giờ là một trí thức lớn, cấp Phó cho Giáo sư Chủ nhiệm Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn. Không biết có cuộc hội ngộ nào thú vị giữa Hoài Thanh và Phạm Huy Thông 30 năm sau sự kiện Thơ mới và Thi nhân Việt Nam? Tôi nói 30 năm, bởi từ 1969, sau 9 năm cáng đáng công việc Viện Phó cho Đặng Thai Mai, Hoài Thanh đã rời Viện Văn học để chuyển sang Hội Nhà văn Việt Nam, rồi mất vào năm 1982, ở tuổi 73, sau nhiều năm đau yếu. Còn Phạm Huy Thông thì từ giữa thập niên 1960 mới chuyển về Ủy ban khoa học xã hội, đến tháng 6/1988 mới qua đời một cách bất ngờ với nhiều bí ẩn ở tuổi 72. Vào đúng thời gian này tôi được nhận chức trách Viện trưởng do anh chị em cán bộ Viện Văn học bầu - một Viện trưởng duy nhất được bầu; và không lâu sau đó, GS Hà Văn Tấn, người đồng hương của tôi công tác ở Đại học Tổng hợp được mời về Ủy ban khoa học xã hội nhận chức trách Viện trưởng Viện Khảo cổ còn để trống sau khi Viện sĩ Phạm Huy Thông qua đời.
Tháng 11/2016
Phong Lê
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...