Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Những chuyến mưa qua

Những chuyến mưa qua
Những chuyến mưa của đời tôi, đến từ tuổi ấu thơ, đầy màu hoa cải, hoa cúc, hoa vạn thọ. Tôi yêu mưa và tôi cũng ghét mưa. Mưa, nằm trong chăn ăn bắp rang, ăn khoai chà ngào đường và nghe mẹ tôi hát ru những câu hát nhơn ngãi. Mưa đêm nằm nghe cha tôi kể chuyện đời xưa có ông Hoàng nào đó đã ''rấm đậu thành binh'' giúp vua tiêu diệt giặc thù. Cơn mưa rã rích đêm ngày của xứ miền Trung làm thúi đất thúi đai, đi đâu cũng lè kè trên mình chiếc áo tơi được chằm bằng lá nón. Cơn mưa tuổi thơ thắm đượm mùi vị quê hương cơ khổ. Tôi yêu mưa và tôi ghét mưa, trong những tháng ngày lớn lên làm lính tráng, lội đồi, trèo núi, dưới những cơn mưa dài không bao giờ dứt ở các địa danh: Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Gia Vực hay Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước. Tất cả những cơn mưa chập chờn trong tôi nhiều cảm giác yêu thương lẫn buồn chán. 
Tôi đã tập tành viết văn làm thơ cũng từ những cơn mưa ấu thơ ngủ trong chiếc mền ấm, cùng cha và anh Giảng, nằm gát chân lên nhau, lim dim ngủ và nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hè.
Có lẽ, tình cảm tôi cũng lớn dần lên theo những cơn mưa, mưa giông tháng bảy, mưa phùn tháng giêng, hay mưa dầm lê thê tháng mười, tháng mười một. Tôi coi những chuyến mưa qua là những chặng đời tôi đã sống, cảm giác thật mơ hồ, nhưng cũng thật tuyệt vời với tôi, từ những cơn mưa, tôi trở thành con người lãng mạn, tôi mê văn chương tự lúc nằm trong chăn nghe tiếng mưa ngoài trời, rã rích. Có lẽ thế cũng nên.
Tôi mê trở thành nhà văn hay nhà thơ trong những năm tôi mới chín mười tuổi đầu, khi tôi đã đi học và đọc được sách. Thuở đó, chị Khiêm tôi có một người yêu tên là Hiến, anh Hiến dạy lớp nhất trường tiểu học trong xã, anh tặng cho chị tôi mấy cuốn tiểu thuyết, đó là những cuốn ''Lá Ngọc Cánh Vàng'' của Nguyễn Công Hoan, ''Nắng Hanh Vàng'' của Lê Tràng Kiều, ''Bên Giòng Sông Trẹm ', ''Cho Tôi Sống Lại Một Ngày'' của Dương Hà, tôi lén lút đọc mê mãi và khóc hết nước mắt, khóc chan hòa, khóc trêu trạo, khóc như cha mẹ chết, khóc như bị đánh đòn. Tôi cảm động vì những câu chuyện tình éo le, bi thảm, những kết cục chia lìa, đau thương của các nhân vật, như vậy gọi là đa cảm sao, là lãng mạn sao? và tôi yêu quá đi nhà văn đã viết ra các tiểu thuyết đó, tôi có một ước mơ lớn nhất đời tôi là được trở thành nhà văn, được gọị là nhà văn thì sướng quá đi mất.
Và tôi cũng muốn tôi trở thành nhà thơ nữa, tôi tham lam, cũng trong một bài thơ viết tay của anh Hiến viết cho chị Khiêm tôi, khi mối tình tan vỡ, tôi đọc cũng chảy nước mắt, cũng bù lu bù loa. Đó là bài ''Thuyền đã xuôi dòng'' của tác giả là ai tôi không biết:
Người ơi, thuyền đã xuôi dòng
Thì thôi đừng nhắc chuyện lòng ngày xưa
Đã đành qua nắng cùng mưa
Còn đâu bóng cũ mà mơ làm gì
Ngày xưa đã vở gương thề
Ngày xưa người đã yên bề tơ duyên
Tưởng rằng người đã vui quên
Bóng xưa lặng lẽ bóng thuyền đã xa
Người đi trên chiếc xe hoa
Người đi có kẻ xót xa tiêu điều
Thế rồi hết sớm trưa chiều
Mượn thời gian lấp mộ yêu một người
Cũng thì thôi thế thì thôi
Đã không duyên kiếp là đôi chúng mình

Sau này, tôi cũng đã rõ không biết bao nhiêu là nước mắt cho những tiểu thuyết cũng như những bài thơ tương tự, loại này.
Quê tôi là một vùng quê hun hút xa phố thị, tôi lớn lên cũng khô cằn như con nít quê tôi, đi học tiểu học chỉ bận quần xà lỏn và áo bà ba bằng vải thô. Hình như tôi chỉ có một hai bộ gì đó, đi học, đi chơi, đá bóng lá chuối, đánh bóng chuyền, u mọi, đánh trổng, hoặc đi giữ bò, cắt cỏ, hốt phân, tưới rau, đến lúc ngủ, nghỉ, học bài, cũng chỉ trong một hai bộ áo quần kia thôi, chuyện này là chuyện thường của những học trò nhà quê, dù gia đình tôi cũng thuộc vào hạng khá giả trong xã. Chín mười tuổi tôi đã biết đi xa  đến năm bảy cây số để cắt lá, cắt rạ, về bỏ chuồng bò làm phân, biết tát nước bằng gàu giai, gàu sòng để tưới những đám thổ cha tôi đang trồng đậu phộng hay trồng thuốc lá. Chín mười tuổi, buổi trưa nắng rát da người, tôi cởi trần dầm mình trên sân nắng, phơi lúa, phơi rơm, phải luôn luôn ''trở'' rơm bằng mũi đòn sóc cho rơm mau khô, hay đứng trên cối giã rau heo, với cái nóng khô rang, hừng hực. Cứ như vậy, tôi vừa đi học, vừa làm việc phụ giúp gia đình và lầm lủi, âm thầm đọc sách, âm thầm mê chuyện văn chương, thi phú.
Buổi tối tôi thường ngủ chung với cha tôi và anh Giảng trên bộ ván mít vàng au được kê giữa nhà, phía trên là bàn thờ thờ ông bà tổ tiên. Cha tôi thường hay xoa lưng tôi và ru tôi ngủ bằng những chuyện cổ tích không đầu không đuôi. Thấp thoáng trong những câu chuyện kể là hình ảnh của gia phả dòng họ nhà tôi. Quê tôi chính không phải ở đây, xứ An Mỹ này, đây chỉ là quê hương thứ hai từ ngày ông nội tôi, trên bước phiêu linh dừng lại. Có phải cái máu phiêu linh đó đã ẩn chứa trong tôi đến mãi bây giờ để tôi trở thành một kẻ mộng mơ, ưa lang bạt kỳ hồ. Gia phả tôi có ghi rõ về một dòng họ  ''con nhà quan'' của tôi. Ông cố của tôi là một  quan Án Sát và sau lên quan Tuần Vũ. Sao hồi nhỏ tôi thấy chuyện làm quan to lớn và hãnh diện thế kia, hình như cả họ nhà tôi đều ngưỡng vọng ông và coi ông như là ngôi sao sáng để con cháu sau này noi theo và hãnh diện. ''Ông Ngài'', Đại Danh Từ vừa trọng vọng vừa tôn kính. Mẹ tôi, nhất là mẹ tôi, khi gọi đến ''Ông Ngài'' bà thường chắp tay và miệng luôn luôn khấn vái, như ông Ngài là đức bồ tát sẽ cứu nạn cứu khổ cho mẹ những lúc nguy nan. Cả họ nhà tôi đều trọng vọng ông, ngôi mộ của ông được đúc bằng đá tảng, loại đá quí hiếm, bia mộ cũng được khắc trên một tảng đá to, được viết li ti những chữ Hán kể nào công đức của ông, cùng những sắc phong vua ban.

Tôi cũng trọng vọng và hãnh diện vì ''Ngài'' lắm chứ sao không? nhưng sự ngưỡng vọng đó dần dần giảm đi khi lớn lên, không biết là cái mảnh bằng ông đậu để ra làm quan có hơn mảnh bằng của những anh em tôi trong họ hàng đang có? 
Những ngày bên nội có giỗ kỵ, cha tôi thường dậy rất sớm, quần áo chỉnh tề, dẫn tôi về nội ăn giỗ. Tôi phải lội bộ hàng mười mấy cây số, băng qua những cánh đồng, đi trên con đường thiên lý (quốc lộ một), qua ''vạn'' Tam kỳ rồi mới tới nhà của người cháu đích tôn trong dòng họ. Căn nhà của ông xã Ba, người cháu đích tôn ấy, nằm bên dòng sông Tam kỳ. Ngôi nhà ngói, ba gian hai chái rộng thênh thang, ngày giỗ ông Ngài nên con cháu về đông lắm, ông xã Ba đã đem những bức hoành phi, những câu đối, câu liễn mà ngày trước ông ''Ngài'' đi làm quan đã được vua ban hay bạn bè đồng liêu biếu tặng, ra treo đầy trên bàn thờ, trên những cây cột to của nhà từ đường. Nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, cứ mỗi cây cột là treo một tấm liễn, tôi thấy căn nhà từ đường như chật lại, đầy khói thuốc lá, đầy hơi người. Tôi thường bỏ ra mé bờ sông ngồi nhìn dòng nước lặng lờ trôi, những con chim bay trên trời xanh, và cả  tiếng chim đâu đó hót trong lùm cây.
Hình như một hai năm tôi mới được cha tôi dẫn về nội một lần, mỗi lần đi bộ trên đường thiên lý, đi chân không trên lớp nhựa đường nóng bỏng, nên lớp da chân của tôi bị lột, đỏ au, rát rạt, nên tôi không muốn theo cha về quê nội nữa.
Bên nội tôi có được một ông Ngài để suy tôn, con cháu đời sau không còn chế độ quân chủ nữa nên không có ai ra làm quan để nối danh ''Ngài'', cho nên ''Ngài'' vẫn sừng sững trong lòng con cháu một cách lâu dài.
Ông nội tôi là một ông đồ thất chí, là một cậu ấm con cháu nhà quan nhưng học hành không đỗ đạt gì, ôm mớ chữ nho lỗi thời đem đi bán rong ở các xứ ''nguồn'', nơi chưa có trường dạy chữ quốc ngữ. Ông đi dạy học ở  vùng Trường Xuân, Khánh Thọ, rồi lấy bà nội tôi và lập nghiệp ở đó, đến mấy năm sau, làm ăn không khá nổi nên ông dời xuống đất Quán Rường, ông bà lập nghiệp luôn ở đây và nơi này tôi được sinh ra.

Cho nên quê tôi ở không có dòng sông nào chảy qua, chỉ có những con suối, những con suối mùa đông mưa xuống nước lũ tràn bờ, mùa hè nắng cháy, nước cạn chỉ còn trơ cát. Tôi tắm suối khi thả bò ra đồng, mỗi khi lùa bò về chuồng là tôi thả bò xuống suối bơi, tôi leo lên lưng bò bơi ra đằng xa, ra đến giữa dòng mà những con bò húc nhau thì tôi bị  té lọt tỏm xuống dòng nước sâu, loi ngoi lúc ngúc một hồi lâu mới nắm được cái đuôi bò kéo mạnh, tôi mới thót được lên lưng bò trở lại. Tôi chỉ giữ bò chứ chưa giữ trâu nên không được cảm cho lắm bài hát ''ai bảo chăn trâu là khổ''. Quê tôi ít ai nuôi trâu để cày, tôi thương những con bò trung thành với gia đình tôi, sống với tôi đến cả năm, mười năm, có con bò Sinh già quá, mẹ tôi đem bán cho ''bảy đáp'' giết làm thịt, tôi thương con bò, khóc đến mấy hôm liền.
Quê tôi nắng cháy da, mưa nhão đất, mưa kéo hết ngày này qua ngày khác, mưa rã rích, như đời tôi, những thăng trầm, hệ lụy, những niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại, trong hồi ức, tưởng niệm, tôi coi như đó là những chuyến mưa qua.
Thật thà mà nói, là ngày tôi lớn lên, tôi chỉ đọc ''vụng'' sách mà thôi, như mèo ''ăn vụng''  niêu cá vậy. Chị tôi được anh Hiến cho mượn mấy cuốn truyện đó, cất kỹ trên máng xối, sợ mẹ tôi bắt gặp vì mối tình không môn đăng hộ đối, tôi để ý theo dõi và chộp ngay để đọc, đọc trong góc tối, trong bất cứ mọi xó xỉnh nào để chị tôi không bắt được, cốc trên đầu mấy cái và đòi lại. Tôi đọc miên man, thèm thuồng như trẻ con được cái kẹo quá ngon mà có chút xíu, ăn không thấm vào đâu cả, nên phải ăn dè xẻn, ăn xong, vẫn còn thèm thuồng. 
Hồi đó, quê tôi chưa có một phòng đọc sách nào, chưa có một thư viện nào, nên tôi không có sách đọc. Ơi, sách hiếm hoi cho tuổi thơ tôi, tôi lục lọi những quyển sách cũ của cha tôi, cuốn cổ học tinh hoa, và những cuốn đặc san cổ học xuất bản hằng tháng của hội cổ học Quảng Nam, mà cha tôi là hội viên. Những cuốn nầy được quay ronéo, màu sắc nhòe nhoẹt, được in với một loại giấy nhám xấu, thế mà tôi vẫn đọc say mê.
Đọc sách, thú đam mê của tôi thuở thiếu thời, tôi thích làm thơ nhưng chưa làm được bài nào, tôi thích viết nhạc và hát hò nhưng tôi biết tôi không có năng khiếu về bộ môn này, tôi thích viết văn nhưng chưa giám thử, đầu óc tôi chưa thoát ra khỏi cái làng An Mỹ nhỏ bé của tôi, với đàn bò, buổi chiều nghỉ học phải thả ra khu Đồng Cát hay khu Gò Chùa, gò Ông Đốc để cho bò ăn cỏ, một miền Trung nắng cháy, cỏ không đủ xanh cho bò gặm nên mỗi chiều tối, khi cho bò về chuồng tôi phải rút rơm cho bò ăn thêm.
Những buổi trưa nắng cháy như thế, những lúc được nghỉ ngơi, tôi thường nằm trên võng, trong một lùm cây rậm mát, ngó lên trời. Buổi trưa trời trong và nắng chói chan, nhìn những đàn chim chao lượn, chim trày trãy có màu lông xanh đỏ thường bay lượn rất cao và hót véo von, chim chiền chiện cũng vậy, bay tít lên trời xanh, đứng trên đó mà hót, tôi lơ mơ nghĩ đến một nơi chốn xa xôi nào mà trong trí tưởng tôi nghĩ không ra, đó có thể là một Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Huế hay Sài Gòn, Ơi, Sài Gòn, địa danh quyến rũ tâm tưởng tôi vô cùng.
Tôi biết Tam Kỳ từ ngày tôi đi thi đệ thất và học ở đây suốt bảy năm trung học, ngôi trường Trung Học Trần Cao Vân thân yêu đã gần gũi, ấp ủ tuổi học trò thơ dại của tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Tôi còn nhớ rất rõ phía bên trái ngôi trường, lúc đó còn lợp tôn, tường quét vôi trắng, có một cây đa cổ thụ cành lá xum xuê. Vào những ngày cuối thu, trời bắt đầu trở lạnh và cây lá bắt đầu vàng thì hàng đàn sáo rừng từ đâu bay về tụ tập trên tàng cây kêu inh ỏi, đàn sáo ngày xưa dưới mái trường trung học là hình ảnh đậm nét trong tôi cho đến mãi bây giờ.      
Trọ học ở thị xã Tam Kỳ suốt bảy năm trung học, tôi đã thuộc lòng hết những ngõ ngách, những đường mòn, những lối đi ngang về tắt, từ Khổng Miếu đến tòa hành chánh tỉnh, khu trường Nữ Trung học, bệnh viện tỉnh lỵ, đến Khu Nam, Phủ Cũ, rồi ga xe lửa, thôn Trường Xuân, qua An Thổ đi vào Phường Một.  Phường Một có con đường mòn nhỏ duy nhất, khi qua khỏi cầu Tam Kỳ, con đường nhỏ chạy theo mé bờ sông với những hàng dương liễu xõa tóc reo vi vu, nơi đây là nơi hẹn hò tình tự của những cặp tình nhân yêu nhau, thường là những học trò áo trắng, những ai sống ở Tam Kỳ, đã qua đó một lần chắc chẳng bao giờ quên được.
Khu An Thổ có một con đường trồng đầy cây sưa, cây sưa không có gì lạ, nhưng hoa sưa có một màu vàng rất riêng, đến mùa sưa trổ bông, nhìn lên hàng cây sưa ta thấy như được nhìn một khoảng trời vàng rực, màu vàng của áo hoàng hậu, màu hoàng yến trộn lẫn với màu vàng hoa cúc, màu vàng rất riêng này thật khó pha màu, màu vàng nhìn đến sững sờ, nhức nhối. 
Ở Tam Kỳ, sau này có một phòng thông tin, đầy báo và tạp san, những tờ báo được gởi từ Sài Gòn ra, báo được kẹp bằng hai cây nẹp theo chiều dài để giữ được lâu, mỗi khi có những giờ nghỉ học, tôi là khách thường xuyên ở đây. Tôi đọc hết các nhật báo không chừa một tờ báo nào, mê nhất là các tiểu thuyết đăng từng kỳ của các tác giả, như bà Tùng Long, Dương Hà, Tô Nguyệt Đình, An Khê, Hoàng Trúc Ly, Lê Xuyên, đọc và mê, chỉ biết vậy thôi. Tôi thương những mối tình dang dở, những éo le, thấm đầy nước mắt, những hẹn hò của những cặp tình nhân, những hôn hít, những rờ mó nhau của thanh niên thiếu nữ, những cuộc ái ân vụng trộm trong tiểu thuyết, làm cháy bỏng những khát khao trong tôi, mơ ước về dáng dấp một thiếu nữ nào đó trong mộng tưởng, một mối tình có chuyện hoan lạc, nhưng nhìn lại, tôi thuở đó hãy còn bé lắm, thời kỳ tiền dậy thì của một chú bé học trò mười hai mười ba tuổi.
Tôi thích đọc những tiểu thuyết diễm tình hơn là đọc truyện kiếm hiệp. Hình như tôi thích những chuyện thật hơn là những chuyện viễn mơ, con người thật với những yêu thương, sự gian dối. lọc lừa, những trò trai gái cũng thật như con trai, con gái, quê tôi, Họ, khi lớn lên, biết yêu, thường tìm đến nhau, hẹn hò ở các con đường vắng, dưới mái ''đỏ'' của xóm, dưới mái đình làng, trên cánh đồng lúa bát ngát không có ai thấy, hay trong những lùm cây rậm. Ở vùng quê, vườn tược nhà ai cũng rộng, cây cối bát ngát, có hẹn hò nhau ở đâu đó thì cũng ít có người để ý, đó là những mối tình thật được các tác giả như Lê Xuyên, An Khê, Dương Hà viết lên, nên tôi thích hơn những truyện kiếm hiệp như xa vời quá với tôi.
Đó là một thời trẻ dại, những tiểu thuyết lãng mạn, rẻ tiền đã thâm nhập vào tâm hồn tôi một cách vô tội vạ, dù tôi, trong trường học, trong những giờ Việt Văn tôi cũng được học về các tác giả của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Công Hoan. Trong những bài Giảng Luận được trích những đoạn văn hay của các tác giả này, tôi yêu bài ''Hoa Súng'' của Đinh Gia Trinh lắm, học thuộc lòng đến độ bây giờ vẫn còn thuộc, yêu mối tình của Dũng và Loan trong Đoạn Tuyệt, yêu Mai trong Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, yêu Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, nhưng tôi cũng vẫn tiếp tục đọc những truyện diễm tình của Dương Hà, Thanh Thủy, An Khê, Lê Xuyên. (Sau này lớn lên tôi thấy sao không có một dòng văn học sử nào ghi về các tác giả này, tôi cũng nhận định là các tác giả này viết văn diễm tình, rẻ tiền, đượm mùi ''sến'', nếu có những bậc thang phân định giá trị văn học, nhưng theo tôi, các tác giả này với hàng trăm tác phẩm dầy cộm đã ra đời, đã để lại, cũng là hàng ngàn đêm tác giả đã thao thức viết, làm kiếp con tằm nhả tơ cũng đáng trân trọng, nhắc nhở lắm chứ, còn hơn, hiện nay, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, có người không viết được một tác phẩm nào, chưa làm được một bài thơ nào ra hồn, cũng luôn luôn xưng danh là nhà văn, nhà thơ. Theo tôi, với nhà văn, nhà thơ, chỉ có tác phẩm là khẳng định chỗ đứng của họ thôi, còn danh từ chỉ toàn là mạo hóa. 
Đến năm tôi học đệ tứ, anh Giảng tôi có một người bạn học gái cùng quê, đó là chị Lạc. Chị Lạc có mấy ông anh học lớp trên tôi, có nhiều sách lắm, anh Giảng tôi mượn được những cuốn sách này, đó là những cuốn Xóm Cầu Mới, Cô Mùi, Dòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh đến Khu Rừng Lau, Dòng sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sĩ, cùng cơ man nào là tạp chí, nhất là các tạp chí Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi. Lần đầu tiên tâm hồn nhỏ bé của tôi được tiếp xúc với một nền văn học miền Nam đồ sộ, với những cây bút miền Bắc di cư lẫy lừng, tôi say mê đọc, ngấu nghiến đọc, từ đó tôi biết được Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Lê Nguyễn, Nguyên Sa. Nguyễn Đình Toàn...cả Võ Hồng, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Tất Điều...Rồi Phan Du, Cung Tích Biền... thế giới văn học trong tôi mở rộng thêm ra. Dù vậy, những lúc không còn sách đọc, tôi vẫn chui vào phòng thông tin thị xã Tam Kỳ tìm đọc Dương Hà, An Khê, Hoài Điệp Tử.
Năm tôi học đệ tam, tôi bắt đầu làm thơ, những bài thơ non dại có những từ như tình đầu, hẹn cuối, đau thương, tha thiết, da diết, hồi hộp, bồn chồn, (tôi không còn nhớ được một bài thơ nào) và tôi gởi đi đăng báo. Lúc này các báo và tạp chí như Văn, Văn Học, Bách Khoa là những anh khổng lồ sừng sững, tôi đâu dám leo thang cao, tôi bắt đầu làm quen với các tập san ra hàng tuần như Tuần San Thứ Tư, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Ngày Mai. Lần đầu tiên thơ tôi được đăng ở Tuần San Thứ Tư, tôi ra tiệm sách Nam Ngãi ở Ngã ba Tam Kỳ, đọc báo cộp. Tôi đọc được bài thơ tôi, tôi sung sướng quá, sung sướng đến độ muốn la to lên, muốn mua hết tất cả các cuốn Tuần San Thứ Tư có đăng bài thơ tôi đó, để phát cho bạn bè cùng lớp, khác lớp mỗi người một cuốn, để cho tụi nó lé mắt, nể mặt chơi. Nhưng tôi ký cốp tiền để mua được chỉ một cuốn, tôi đem vào lớp khoe với lũ bạn thân, tôi mắc cở đâu dám khoe với tất cả, nhất là các nữ sinh, mấy thằng bạn đọc xong, không khen lấy một câu, thấy tụi nó không mặn mòi gì với thơ và sự nghiệp thơ ca của tôi, tôi đâm buồn ra mặt, cái ''vĩ đại'' của nhà thơ trong tôi vẫn còn, nhưng tôi không còn hùng hổ nữa.
Ngày tôi vào Sài Gòn học Đại Học, mộng tưởng thơ văn vẫn còn đầy ắp trong tôi, tôi suy nghĩ và vẽ vời con đường tương lai ở Sài Gòn, một nửa thời gian tôi đi học chữ để đỗ đạt, còn một nửa thời gian, tôi sẽ dấn thân vào làng văn trận bút. Tôi đã đứng trước tờ báo Sống Mới hàng giờ, tần ngần, lo sợ, hồi hộp khi muốn vào trong tòa soạn để xin gặp nhà văn Dương Hà, vì ông này viết tiểu thuyết đăng hàng kỳ ở đây, đứng và cầm trong tay một bì thư dày cộm có tác phẩm của tôi, là một truyện ngắn viết tay, đứng hàng giờ nhìn kẻ ra người vào tòa báo, tôi không can đảm bước vào, mỗi khi đôi chân dợm bước, thì như có ai nắm ghì tôi lại, cuối cùng, tôi lại hộp thư trước tòa soạn, bỏ thư vào đó và đạp xe về nhà trọ, bức thư gởi đi cuối cùng không tin tức.
Tôi cũng muốn gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng lắm, muốn là bạn bè, muốn là thành viên trong đám đó, nhưng cuối cùng thì tôi không gặp ai, không tiếp xúc được với ai, không làm quen thân được với nhà văn, nhà thơ nào. Tôi đi vào lãnh vực thơ văn một mình, tự lực, viết được bài nào thì gởi báo, có đăng được hay không thì tùy, nhiều khi tôi không có tiền mua báo hay tạp chí để coi xem bài mình có đăng được hay không? Thật sự, là vì tính nhút nhát, tôi cảm thấy tôi bơ vơ quá đổi trong cuộc trường chinh của tôi đến với chữ nghĩa.
Trần Yên Hòa
Theo http://www.xuquang.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ai cũng có một bài ca để hát – Chùm thơ của Trần Lê Anh Tuấn 27 Tháng Hai, 2023 Tôi trọ đã ba phố/ Mỗi lần đi thêm một tuô...