Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Vùng đất phương Nam và tinh thần Tôn sư trọng đạo

  Vùng đất phương Nam 
và tinh thần Tôn sư trọng đạo
1. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, dinh phủ đặt tại làng Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương, Quảng Trị ngày nay. Theo chân ông, những người lưu dân VN đã có mặt trên một vùng đất mới, đất của những dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp, Bồn Man, Lão Qua, Phù Nam... đầy lạ lùng, kỳ bí mà càng tiến về Nam như đi vào thời hồng hoang với rừng tràm rừng đước bạt ngàn, sơn lam chướng khí, muỗi, mòng, đĩa vắt, "dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua".
Năm 1658 Hiền Vương Nguyễn Phước Tần tiếp nối quá trình chinh phục và khai thác, sáp nhập vùng Mô Xoài (Bà Rịa - Biên Hòa) vào lãnh thổ VN. Hai mươi năm sau (1679) các tôi thần nhà Minh vượt biển Đông sang xin thần phục chúa Nguyễn và tiếp tục khai thác vùng Lộc Dã (Đồng Nai) và Mỹ Tho. Năm 1695, thêm Mạc Cửu đến khai thác vùng Rạch Giá - Hà Tiên. Như vậy, theo đà Nam trấn, từ năm 1757 vùng đất về sau được gọi là "Nam kỳ lục tỉnh" đã hoàn toàn là một phần máu thịt của đất nước VN. Vì đây là vùng đất mới, nên đối với lưu dân, không phải là hưởng thụ, thụ động chờ thời vận mà phải là tích cực khẩn hoang. Bằng chính nỗ lực tự thân, qua bao nhiêu năm tháng, người lưu dân đã có thể an tâm với cuộc sống vật chất do mình tạo dựng "Ở Gia Định, có khách đến nhà lần đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem  tiền gạo theo, mà lại có nhiều người trốn xâu, trốn thuế đi đến xứ này ẩn núp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy" (Trịnh Hoài Đức - Gia Định Thành thông chí) cũng trong quyển này tập Hạ, Trịnh Hoài Đức còn chép "Đất Gia Định nhiều sông, kinh, cù lao, bãi cát nên trong 10 người  đã có 9 người biết nghề bơi lội, chèo thuyền, lại ưa ăn mắm, ngày ăn ba bữa cơm mà ít khi ăn cháo". Hay Doãn Uẩn từng là thự án sát tỉnh Vĩnh Long vào năm 1833 có chép trong Trấn Tây Kỷ Lược. "Cũng có kẻ nghèo phải đi ăn xin, nhưng mỗi tháng họ chỉ đi xin một lần cũng đủ sống rồi. Họ thường tựu nhau nơi đình miếu, mỗi người đều có mùng màn riêng. Trộm cắp cũng ít xảy ra, trâu thì có chuồng nhốt ngoài đồng... họ rất thích ca hát, không ngày nào là không có múa hát".
Như vậy, từ một vùng đất đầy những khó khăn, trở ngại về thiên nhiên, bao lớp người đi trước như thân cây đước cây tràm ngã xuống để cho lớp sau nối tiếp màu xanh bất tận. Cuộc sống sung túc đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả sinh mạng nữa... phải chăng làm cho họ ít quan tâm đến chuyện học hành, thi cử, không chịu ràng buộc bởi lễ giáo thánh hiền như ở Đàng Ngoài với niềm tự hào "ngàn năm văn vật"? Cũng phải chăng vì thế mà ta vẫn nghe cách nói theo kiểu bất cần đời của một điền chủ miền Nam nào đó "lấy giạ đong lúa chớ không ai lấy giạ đong chữ". Vậy thì, với vùng đất phương Nam, có hay không tinh thần "Tôn sư trọng đạo"?
2. Cuộc sống "gạo chợ nước sông" như thế đã tạo cho người lưu dân nhiều tính tốt mà cũng nhiều tật xấu: máu "anh chị" trọng nghĩa bạn bè, sẵn sàng kết thân và hy sinh vì người khác miễn là người ấy tỏ ra rộng lượng, anh hùng như mình. Họ cũng không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc, đôi khi sống vô kỷ luật, thinh biểu dương võ lực để giải quyết mọi xung đột, ưa hài hước và đôi khi lãng phí.
Nhưng cũng có một nghịch lý lịch sử thật vô cùng độc đáo. Thực ra, nếu như giặc Pháp không xâm chiếm Nam kỳ từ những năm cuối thế kỉ 19, thì dân VN không để tràn xuống Rạch Giá, Cà Mau quá nhanh như thế. Các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng... còn nhiều vùng phì nhiêu chưa khai phá đến.
Có nhận định như thế, chúng ta mới hiểu được lòng yêu nước vô bờ bến và sự cố gắng khai hoang của họ. Bởi quá căm thù thực dân, họ "sanh nhiều tật kỳ khôi": không đóng thuế cho Pháp, không muốn gặp mặt người Pháp, lắm cụ già bảy tám mươi tuổi đã giữ trọn tiết tháo ấy mãi đến lúc chết. Các cụ cất nhà giữa rừng, ở chót núi, vàm sông, ở cù lao cô tịch... không bao giờ đi chợ. Không ai biết được danh tánh các cụ. Rõ ràng, những con người vô danh đó có thể chưa hề xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chưa hề bước chân vào chốn quan trường, thế mà sống đúng đạo lý "uy vũ bất năng khuất" đâu khác người xưa?
Đó là đạo lý nhân dân, là quan niệm của những vị thầy vĩ đại xuất thân từ chốn quần bò áo vải. Người dân kính trọng và ca ngợi họ, xem đó là những tấm gương thực tế để noi theo.
Người miền Nam không gọi cha là "Thầy" như miền Bắc. Hình như từ "Thầy" chỉ dùng để gọi những người dạy dỗ, nâng bước cho mình không chỉ ở tứ thư ngũ kinh mà còn ở mọi ngành nghề trong xã hội.
Đại Nam Nhất thống chí cũng từng ghi lại, "Dân Gia Định có tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu cho hiểu rõ nghĩa  lý mà lại vụng về văn từ". Đánh giá này từ những năm 1850 (thời Tự Đức) đã khẳng định một quan niệm sống hết sức thực tế của người phương Nam. Đối với họ lòng tôn kính tuyệt đối luôn dành cho những bậc thầy có công tác tạo cho mình. Do đặc thù của đời sống xã hội, ở đây có thầy hò (dạy hò hát) thầy tuồng (dạy các tuồng tích diễn xướng) thầy đờn (dạy đờn) đều được kính trọng như nhau chớ không hề có quan niệm "xướng ca vô loại". Nhiều cụ già tuy nghèo tả tơi nhưng dám vay nợ, mua đàn, rước thầy về dạy vọng cổ cho con. Đôi khi, cả làng hùn tiền mời thầy dạy hò để khỏi mắc cỡ khi có một khách thương hồ nào đó lên tiếng trên sông mà trong làng không ai đối đáp!.
Xa và cao hơn nữa, nhiều vị sáng lập tôn giáo ở phương Nam cũng được gọi bằng "Thầy": Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ... Có phải chăng, với nhiều lưu dân, tinh thần "tôn sư trọng đạo" luôn gắn chặt với thực tế cuộc sống, đạo nghĩa thầy trò cũng giống như bao thứ ân tình khác mà họ vẫn mang theo trong lòng từ buổi đầu khai hoang, vỡ đất?
3. Hơn mười năm trước, tôi có dịp nghe một thầy giáo già kể lại một kỷ niệm "kinh khủng" trong cuộc đời mình mà thầy đang ngấp nghé giữa lằn ranh sinh tử. Đó là khoảng những năm sau 1945, quê hương chìm trong lửa đạn. Vào một ngày cuối năm, thầy về thăm quê mình ở huyện Bình Minh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long), lúc này đang nằm trong sự khống chế của lực lượng quân sự thuộc giáo phái H... Chẳng may, ngay trong đêm thầy bị bắt cùng một số người khác (do nghi ngờ sao đó), và bị nhóm này trói tay bịt mắt, đưa ra hành hình trên sông Hậu. Thầy đã cầm chắc mười mươi cái chết. Những tên đao phủ máu lạnh lần lượt kéo từng người ra phía trước mũi ghe, lột khăn bịt mặt và dùng dao bầu chặt đứt cổ rồi đạp xuống dòng sông đang lặng lẽ chảy xuôi dòng dưới ánh trăng vàng vọt cuối năm mà không hề thương tiếc.
Thầy giáo là người thứ tư sắp bị hành hình. Nhưng điều thầy không ngờ được là khi tấm vải che mặt vừa được giật ra thì có tiếng kêu khe khẽ từ tên đao phủ "Trời ơi! Thầy!" Trong lúc "thập tử nhất sinh" đó, thầy cũng không nhớ nổi tên đứa học trò cũ của mình. Anh ta nói nhanh trong hơi thở đứt quảng "Con sẽ giả bộ chặt đầu, nhưng đẩy thầy qua phía tay phải tức là mé Cần Thơ, thầy ráng lội vào bờ và nhớ đừng qua đây nữa".
Mọi việc diễn ra êm đẹp, không ai biết trừ hai thầy trò. Chắc chắn dù anh học trò không căn dặn, thầy cũng chẳng dám đặt chân lần thứ hai đến vùng đất ấy! Hôm nay thầy đã đi xa và anh học trò kia cũng không còn trong cõi đời nầy. Nhắc lại câu chuyện lòng thoáng chút ngậm ngùi vì qui luật đổi đời dâu biển, nhưng cũng vô cùng ấm áp bởi đạo nghĩa thầy trò - trong đêm đen của quê hương thời ly loạn - vẫn mãi rạng ngời như muôn vì sao sáng cuối trời xa!.
Có một điều mà ngay cả các nhà xã hội học chắc cũng bất lực đi tìm lời đáp. Đó là trong những năm thực dân Pháp đô hộ, miền Nam xuất hiện một tầng lớp "anh chị" sống ngang nhiên trong xã hội, hành xử theo kiểu giang hồ: đứng bến xe, cờ bạc, trộm cắp, thanh toán lẫn nhau... Ở đất Cần Thơ, chắc những người lớn tuổi không thể quên tên nhân vật Sáu Thanh. Đây cũng là một tên tuổi vang bóng một thời: tiêu xài như nước, có vô số đàn em, sẵn sàng cho em út thanh toán những kẻ cậy thế ỷ quyền không chút nao núng. Nhưng đối với thầy giáo, thì các nhóm "giang hồ" lại có một biệt đãi, không bao giờ để xảy ra đụng chạm, xích mích làm mất lòng quí thầy. Nếu có một tên đàn em nào đó vì không biết, lỡ "cầm nhầm" của thầy một chiếc xe đạp, một số tiền... giữa chợ, chỉ cần thầy lên tiếng là lập tức có người mang đến trả và xin lỗi! Không chỉ Sáu Thanh mà hầu như các tay "anh chị" nào cũng đều cư xử như thế! Có thể coi đây là một nét độc đáo của tinh thần "tôn sư trọng đạo".
4. Đất trời lại thêm một lần chuyển nhịp. Trong cái se lạnh cuối năm, lòng bâng khuâng nhớ về thời thơ ấu. Quê tôi nằm ở bên kia sông Tiền, thuộc tỉnh Bến Tre. Ở quê tôi, trong những ngày cận tết, bên cạnh bao nhiêu lo toan vất vả, người dân quê vẫn không quên hai điều quan trọng: "Tết Mụ và tết Thầy".
Nhớ ngày nào - như mới hôm qua - má tôi chuẩn bị cho hai anh em đội mâm lễ vật đến nhà "Tết Mụ". "Mụ" là tiếng gọi dân dã, là người đã giúp cho đứa bé lọt lòng. Thời đó, hầu như không một sản phụ nào đến nhà bảo sanh (mà cũng chưa có) nên việc "đi biển một mình" của người mẹ đều trông cậy hoàn toàn vào những bà "mụ vườn" giàu kinh nghiệm. Có thể nói, gần như tất cả trẻ con trong làng, thời anh em tôi, đều được bà dắt tay vào cuộc sống qua tiếng khóc đầu tiên.
Lễ vật cũng chẳng có gì quí giá: Một gói trà "Tam quan kỳ chưởng", một bịt thèo lèo, vài phong bánh in... nhưng quan trọng là lòng tri ân sâu xa với người đã tạo tác cho mình. Khi đến nhà bà mụ, anh em tôi cũng nhận ra không chỉ có mình mà còn biết bao gia đình khác cũng bày tỏ lòng biết ơn như thế. Mấy chục năm trời trôi nổi, qua nhiều vùng đất nước, tôi chưa gặp ở đâu một nét phong tục độc đáo và ngộ nghĩnh như thế. Trong đầu óc non nớt trẻ thơ, ấn tượng sâu sắc về lòng biết ơn, về đạo nghĩa "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành những vết khắc vô hình mà trọn đời ta không quên được. Chợt nhớ thời thơ ấu, say mê vì bao câu chuyện cổ phương Nam. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cọp và người. Đó là chuyện cọp rước mụ về sinh cho vợ cọp. Người nhà bà mụ kinh hoàng vì nghĩ là bà đã chết, không dè mấy ngày sau, cọp cõng bà trả về nhà cũ, lại còn đền ơn bằng cả một con heo rừng to tướng! Bà cũng kể lại, sau khi sanh xong, sợ cọp cái đói sẽ ăn thịt bà mụ nên cọp đực vội vàng đưa bà giấu biệt trong rừng sâu để đảm bảo an toàn. Có lẽ trong cuộc sống chung với dã thú ở cùng trời cuối đất người lưu dân đã nhìn ra được đâu là công ơn của những người đã góp phần giúp họ duy trì nòi giống, đảm bảo nhân số lao động để chiến thắng thiên nhiên, nên cọp cũng như người, đều quý trọng những "bà mụ vô danh", người thầy đầu tiên ở vùng "tràm xanh củi lục"?
Từ những suy nghĩ lan man đó, ta có thể khẳng định: tinh thần "tôn sư trọng đạo" của vùng đất phương Nam thật là đơn giản, bình dị. Nó không là một thứ giáo điều, khuôn thước theo lối lý luận, sách vở- mà thấm đẫm trong lòng người như bao nhiêu mồ hôi đã thấm vào lòng đất theo mỗi bước chân người xưa mở cõi. Để cũng từ đó, ta tự hào biết bao về một lớp trí thức, cũng khoa bảng mà cũng thật bình dân: Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa... đã sinh ra và lớn lên từ nhân dân nên trọn đời gắn bó với nhân dân, để ngọn đuốc "tôn sư trọng đạo" không chỉ thắp sáng nơi cửa Khổng sân Trình mà còn soi rọi khắp ruộng lúa, cánh đồng, ngọn núi, dòng sông...
Xin được lắng lòng nghe lại truyền thống đáng tự hào này để tự răn mình và không hỗ thẹn với người xưa...
        Lê Trúc Khanh
            Nguồn: Về Nguồn - Tây đô
Theo http://www.ptgdtdusa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...