Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022
Tin vào thế hệ @XXX
Phỏng vấn Phan Huyền Thư, tác giả kịch bản phim tài liệu
"Thế hệ @", Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, 2003
Ý tưởng làm một kịch bản về thế hệ @ từ đâu tới? Chắc chắn, bạn
phải sống cùng nó, thở hơi thở của nó, vui và buồn cùng niềm vui và nỗi buồn của
cái thế hệ @ đó nên mới "sinh đẻ" ra một ý tưởng, một kịch bản như thế...
Người trẻ với tình yêu nhạc Trịnh
Người trẻ với
tình yêu nhạc Trịnh
Trong tâm khảm của nhiều bạn trẻ, họ vẫn nhớ như in những
ngày đầu tiên được biết đến Cát bụi, Biết đâu nguồn cội, Để gió cuốn đi…
Nhạc Trịnh ôm ấp, chia sẻ với người nghe
Anh Nguyễn Minh Duy (26 tuổi, quận 3) nhớ lại thuở lên năm,
những đêm ngủ với cha mẹ, tối nào cha cũng mở nhạc Trịnh cho anh nghe, cảm giác
lúc ấy rất khó tả. Anh cũng là người thường xuyên tổ chức những đêm nhạc về cố
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho nhiều đối tượng, đặc biệt là những người trẻ tại
TP.HCM.
Anh Duy cho biết: “Tôi thấy nhạc Trịnh có khả năng ôm ấp,
chia sẻ với người nghe, hệt như là kể chuyện. Bây giờ, khi đang được sống trong
thời bình và nghe Bài ca dành cho những xác người hoặc Ta đã thấy
gì trong đêm nay thì tôi có thể hình dung ra được chiến tranh nó khổ đau
như thế nào, khiến tôi cảm thấy biết trân trọng cuộc sống này hơn”.Nguyễn Ngọc Minh Tú biểu diễn các ca khúc Như hòn bi
xanh, Ở trọ, Con mắt còn lại theo phong cách A cappella và nhận được tín
hiệu tốt từ người nghe. Ảnh: TÚ NGÂN“Thông thường đa số mọi người khi nói đến nhạc Trịnh thì sẽ
nghĩ đến tượng đài là ca sĩ Khánh Ly hay ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Nên tôi nghĩ
mình nên tạo cho giới trẻ bây giờ, thế hệ gen Z có cơ hội thể hiện được phong
cách, cá tính của mình, cũng như là sự cống hiến cho âm nhạc. Vì tôi nghĩ âm nhạc
không có giới hạn. Mong rằng thế hệ sau hãy lắng nghe nhạc Trịnh và mở lòng ra
để đón nhận sự sáng tạo, sự cống hiến cho âm nhạc của những người trẻ” -
anh Duy nói.
Nguyễn Ngọc Minh Tú (22 tuổi, quận Bình Thạnh) là cô nàng cá
tính với giọng hát đầy sâu lắng. Minh Tú cùng người em song sinh là Nguyễn Ngọc
Minh Thư đã mạnh dạn thể hiện lại một số ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
theo phong cách A cappella.
Được biết A cappella là phong cách hát không cần có nhạc đệm,
người nghệ sĩ sẽ dùng giọng hát của mình để kết hợp, hỗ trợ cho nhau bằng hòa
thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu. Khi thể hiện đòi hỏi người thực hiện phải
có khả năng thẩm âm và kiến thức thanh nhạc tương đối tốt.
Minh Tú chia sẻ thêm: “Tôi yêu mến và kính trọng âm nhạc
của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi mong muốn tiếp nối lời ca tiếng nhạc chân thật,
như âm nhạc của bác Trịnh. Bởi tôi nghĩ khi nội tại của mình được chính mình lắng
nghe, được nuôi dưỡng, được nếm trải đủ, nó sẽ học cách lớn lên. Đến một ngày,
nó cứ là chính nó và cất lên tiếng nói bằng âm nhạc. Tôi sử dụng âm nhạc để kể
chuyện, để kết nối mình với đời. Mà muốn kết nối được, mình phải hiểu và chân
thật với chính mình, với những cảm xúc, suy tư và với tất cả mọi điều xảy đến”.
“Đối với những người yêu nhạc nói chung và yêu mến nhạc Trịnh
nói riêng, tôi hy vọng các bạn thính giả sẽ mở lòng mình hơn, lắng nghe âm nhạc
bằng cảm xúc và con tim, cũng đừng nên bó hẹp khuôn khổ cho âm nhạc: nhạc Trịnh
phải hát y chang bản gốc hay bài này phải hát thế này, phải hát như thế kia...
Hãy cứ lắng nghe cởi mở bằng chính con tim của mình” - Minh Tú bộc bạch.
Nhân kỷ niệm 21 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,
gia đình cố nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc tưởng niệm ông.
Địa điểm: Đường sách TP.HCM. Thời gian: 16 giờ 30 ngày 1-4-2022.
Còn với bạn Tăng Ngọc Châu Nhi, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, là người thường xuyên thể hiện rất tình cảm những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lại mang những nỗi niềm riêng. Với Nhi, lời ca của cố nhạc sĩ như thể đang nói hộ lòng mình, tìm thấy được sự đồng cảm, khiến cô nàng bồi hồi nhớ lại tháng ngày khi còn là một học sinh cấp 3 với những tình cảm đầu đời dở dang của chính mình.
Châu Nhi tâm sự: “Tôi thấy cái mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm được chính là thể hiện được góc nhìn của ông. Theo tôi, góc nhìn này rất đặc biệt, không phải đi tìm những cái gì đó nó mới, không phải đi làm những cái việc mà chưa ai làm, cũng không phải đi tìm những cái gì nó quá xa xôi. Ông nhìn những điều ở rất gần và ở ngay chính trong mỗi người. Đôi lúc người ta lại thường bỏ quên những điều đó nên khi ông viết lên những điều đó, người ta sẽ giật mình và nhận ra mình có cái này ở trong người mình, cảm xúc mà bấy lâu nay mình bỏ qua, mình không thật sự đối diện với nó. Tôi nghĩ khi mà những điều vốn đã có trong mỗi người được khơi dậy thì nó sẽ luôn ở đó thôi và đó là lý do tại sao nhạc Trịnh Công Sơn luôn luôn tồn tại lâu dài đến ngày nay. Đó cũng là giá trị của nhạc Trịnh Công Sơn đối với tôi”.
Bộc lộ và nuôi dưỡng khả năng âm nhạc từ những ngày bé, ngoài việc học, Phan Nguyễn Sang Sang còn tham gia ca hát tại một số CLB âm nhạc của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Cô nàng hào hứng chia sẻ: “Đối với tôi, nhạc Trịnh là một thứ gì đó rất kỳ diệu, nó giúp mình cảm thấy thật sự dễ chịu, giải tỏa được hầu hết áp lực, căng thẳng về cuộc sống bộn bề ngoài kia. Sự tinh luyện và tỉ mỉ trong từng câu chữ, từng thanh âm chính là điều khiến nhạc của Trịnh Công Sơn trở nên bất hủ”.
“Bản thân đang theo học chuyên ngành biên kịch điện ảnh truyền hình, sắp tới đây thị trường phim cũng cho ra mắt bộ phim Em và Trịnh. Đây thực sự là điều làm tôi cảm thấy rất hứng khởi và vô cùng đón chờ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi được kết hợp giữa thứ mình yêu thích với chuyên môn của mình cả” - Sang bày tỏ.
1/4/2022
Tú Ngân
Trịnh Công Sơn - Người của mọi người
Trịnh Công SơnNgười của mọi người
LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa
cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết "Trịnh Công Sơn
- Người của mọi người" của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng (Bài viết
năm 2010, 9 năm sau (2001-2010) ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - PV).
Được sự đồng ý của nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch (anh ruột
của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng), chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài
viết này.Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu
“Bàn chân nhỏ bé. Hôm qua hôm qua. Chung vui hội hè. Bàn chân
nhỏ bé. Hôm nay hôm nay. Đã quên đường về”. Đã tròn 9 năm (2001-2010) bàn chân
ông không còn chung vui hội hè với cái nơi chốn mà trước đó hàng ba mươi, bốn
mươi năm ông cũng đã tiên liệu “trong hội trần gian ôi bao ngày yêu dấu cũng
không còn. Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo”.
Bàn chân nhỏ bé
Trong căn phòng nhỏ ở Hội Âm nhạc TP.HCM, ông nói như than
cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Mình biết cả cái chân ni hắn cũng vô thường,
nhưng trước khi tan rã thiệt, hắn hành mình đau quá không chịu nổi”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu
“Bàn chân nhỏ bé. Hôm qua hôm qua. Chung vui hội hè. Bàn chân
nhỏ bé. Hôm nay hôm nay. Đã quên đường về”. Đã tròn 9 năm (2001-2010) bàn chân
ông không còn chung vui hội hè với cái nơi chốn mà trước đó hàng ba mươi, bốn
mươi năm ông cũng đã tiên liệu “trong hội trần gian ôi bao ngày yêu dấu cũng
không còn. Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo”.
Bàn chân nhỏ bé
Trong căn phòng nhỏ ở Hội Âm nhạc TP.HCM, ông nói như than
cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Mình biết cả cái chân ni hắn cũng vô thường,
nhưng trước khi tan rã thiệt, hắn hành mình đau quá không chịu nổi”.
Bàn chân ấy vốn rất nhạy cảm, dễ đau trước đường trần, “người đi chùng chân đã bao lần”, đã từng cảm giác “mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” và trong những ngày trước khi rời cõi tạm, nó đã... đau thiệt.
Cơn đau hành hạ ông cả trong ngày kỷ niệm sinh nhật cuối cùng
hơn một tháng trước khi ông ra đi. Nó lan tỏa, làm đau đến cả những người bạn
thân của ông: “Khuôn mặt và nụ cười của Sơn rạng rỡ và ấm áp giữa những người
thân, bạn bè. Thỉnh thoảng Sơn nhăn nhó vì đau ở chân. Mỗi lần như thế, tôi
rùng mình theo Sơn, theo cái chân của Người hát rong mà tôi thú thật
không biết phải làm gì. Đơn giản vì tôi không phải là thượng đế...” (Sâm
Thương).
Trước cơn đau của ông, người ta đã phải nhắc đến thượng đế
như một lời oán trách, một niềm bất mãn, một bày tỏ bất công, đủ hiểu “người
ta” đã thương yêu ông như thế nào.
Đừng tin tôi nhé
Vì sao ông được thương yêu như thế? Được trở thành người của
mọi người như thế?
Nếu Trịnh Công Sơn còn ở lại với chúng ta, ắt hẳn nghe câu hỏi
đó ông lảng tránh từ xa, tìm chỗ ngồi riêng tư trong bóng tối nhỏ nhoi nào đó.
Nhưng chúng ta nên và cần thiết đi tìm câu giải đáp. Không phải cho ông mà là
cho chúng ta, những người đang sống, khi bao lâu trần gian này mỗi ngày vẫn còn
cảnh “bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm” dị hợm.
Dư luận và mọi người vẫn dễ dàng nhất trí với nhau rằng tài
năng âm nhạc của ông, hay nói cách khác, là sự cống hiến của ông trong âm nhạc
đủ khiến xã hội quý trọng, thương yêu ông lâu bền. Đó là điều hiển nhiên, song
là sự hiển nhiên thời nào cũng có. Sự hiển nhiên dành cho một tài năng. Nhưng
Trịnh Công Sơn đã bước qua cánh cửa tài năng - theo nghĩa thực tế là giữa thiên
tài và nhân tài - để đứng vào một vị trí tót vời hơn nhưng vốn rất gần với mọi
người mà vì nhiều lý do điên khùng vọng động, chúng ta chẳng chịu... đứng vào
đó nên phải chịu cách xa ông.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly
người phụ nữ
tương tri nhất của ông. Ảnh tư liệu
Đó là..., tôi phải mượn ngay lời của người phụ nữ tương tri
nhất của ông để tạm thời lý giải: “Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất,
vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông. Ông là
người duy nhất đã sống trong cuộc đời này với một tấm lòng không thù hận”
(Khánh Ly).
Không hẳn ai trong chúng ta cũng “thấy” ông vĩ đại về tác phẩm
hay về nhân cách, nhân phẩm, nhưng điều đáng ghi nhận nhất về Trịnh Công Sơn phải
chăng là ở chỗ ông chọn tác phẩm (âm nhạc) để chuyển tải, rao truyền những giá
trị về nhân cách, nhân phẩm, về tấm lòng không thù hận và trong khi làm thế ông
cũng tự biết rằng hơn ai hết, chính ông, với tư cách là tác giả, người rao sứ
điệp, phải mang trong mình một tâm hồn thuần khiết đứng cao trên giá trị (tiết
tấu, ca từ, văn bản) một ca khúc, dù có lúc ông cũng đã tự “khiêu khích” mình về
điều đó: “Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”; “Đừng tin tôi nhé vì lời nói. Đừng
yêu tôi nhé vì tiếng cười”.
Sự hợp nhất
Trong cõi sống này đây, ít có một hiện tượng kỳ lạ như trường
hợp của Trịnh Công Sơn, ấy là đã có một sự hợp nhất tròn trịa ngay từ thuở ban
sơ giữa ý nguyện và sự thực hành của một con người khi chớm lọt thân vào đời. Ắt
hẳn từ nỗi ám ảnh mang tính chất siêu hình (từ kiếp nào?) mà với ông, khi oe oe
ra đời đã là một kiểu “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, dù kinh
điển có gọi đó là “phúc âm” (tin mừng) thì ông cũng thêm vào: “phúc âm buồn” - một
lối chơi chữ tài tình một cách nghiêm trọng.
Trước phúc âm buồn, buộc lòng ông phải vin lấy một cái gì đó
để đỡ nâng cho sự hiện tồn mỏng manh của mình, và cái đó không phải là thần
thánh nào, con người nào mà vốn là cái bình thường được cấu thành bởi âm thanh
và tiếng nói do con người sáng tạo ra từ hàng nghìn năm nay, mệnh danh là bài
hát, là ca khúc.
Ông “hợp nhất” với nó từ đó. Sự hợp nhất trải dài ngót 63
năm. Kể từ lúc mang nặng kiếp người ông đã thấy “số phận” của các ca khúc rồi sẽ
song hành sinh tử với mình. Ông nói về điều đó rất sớm như một khế ước tiên
thiên: “Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Trên mảnh đất nhỏ nhắn này tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng
ở đây, tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui, nỗi buồn của cuộc
sống”. Để rồi từ đó ông luôn ước mơ và cật lực thực hiện cho cái ước mơ “một
ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết
của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó
tình yêu và tình nhân ái”.
Ai dâng hiến trọn vẹn mình với cái gì sẽ được đáp trọn cái ấy.
Vì thế, có cảm tưởng hơi cực đoan rằng không phải tài năng mà chính tấm lòng,
chính sự hợp nhất giữa tác giả và bài hát đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn cất
cánh. (Cất cánh có khi chưa phải là nhạc hay). Chính các học giả nhiều lần thảng
thốt cất tiếng rằng không phải ông viết mà là một cái gì viết ra qua ông, điều
đó trong ngôn ngữ đạo học gọi là sự mặc khải.
Điều đó cũng có thể lý giải e đây là một sự hạnh nguyện sâu
xa ngân lên cùng lúc với phút giây ông cất tiếng chào đời, nên mới có một vị sư
đã nói vui về ông: “Lúc ấy, trong tiếng khóc nghe ra đã có giai điệu trầm thống
của những bài hát mang chất kinh kệ sau này”.
Mà quả thật, ngay từ những ca khúc đầu tay cho đến những bài
cuối đời, từ tình ca cho đến nhạc phản chiến của ông, bàng bạc trong hầu hết là
tính tự sự nặng trĩu không chỉ trong ca từ mà cả trong giai điệu, gần như trở
thành một dạng kinh kệ đều đều dễ hát, dễ thuộc, dễ lan tỏa, thẩm thấu vào tâm
thức nhiều người, nhiều giới...
Bài viết "Trịnh Công Sơn - Người của mọi người"
đã
in trong tập "Đoàn Vị Thượng - Thơ". Ảnh: N.TÝ
Nhà văn Nguyễn Tuân khi nói đến ca khúc Trịnh Công Sơn chỉ
dùng có một từ: “Thơ!”. Chỉ với một từ ấy thôi ông đã đẩy ngót một trăm nhà thơ
hay nhất của thế kỷ (được Hội Nhà văn Việt Nam tuyển chọn 2008) lâm vào cảnh bối
rối và buộc chúng ta phải bình tâm rà xét lại cái gọi là thơ mà lâu nay chúng
ta vẫn tự hào mình là tác giả của chúng.
Nói một cách khác, ca khúc của Trịnh Công Sơn đã giúp ta có
cái hạnh phúc là biết thưởng thức thế nào là thơ thực sự. Nó giúp tìm thấy lại
giá trị cao quý của thể loại này mà lâu nay đã bị tầm thường hóa đi rất nhiều.
Nhưng tôi tưởng cũng nên nói thêm một chút về chữ “thơ” mà cụ Nguyễn Tuân dùng.
Như cụ đã có lần phân tích, trong ý niệm của cụ, “thơ” có
dính líu đến tuổi thơ, đến sự thơ ngây và niềm thơ mộng. Và khi nói đến chất
thơ trong nhạc Trịnh, hẳn cụ cũng đã nhận ra trong đó sự trong sáng, vẻ thuần
khiết, niềm mộng mơ qua những ca từ, ý tưởng và giai điệu.
Và trong tinh thần đó, tôi buộc phải thêm một ý lý giải - phải
chăng đông đảo người ta tìm đến nhạc Trịnh thì cũng là vì họ muốn tìm về bản chất
thuần phác cổ sơ dễ vui dễ buồn dễ xúc động mộng mơ của tuổi thơ mình vốn đã bị
phai nhạt từ lâu trong cõi sống đua chen của người lớn mà Trịnh Công Sơn là người
ở một mức độ nào đó còn neo giữ được và cũng thể hiện được.
Rất nhiều người trong chúng ta từ lâu đã đánh mất nụ cười
chân thiện của mình rồi. Như chính ông cũng từng đã nhận thấy và hằng cảnh báo:
“Một ngày tiếng nói âu lo ra đời, nụ cười vội cất cánh bay. Một đời với những
chen đua lâu dài, người người còn tiếp nối người”.
Tác giả bài viết - nhà thơ Đoàn
Vị Thượng
đã qua đời ngày 16-2-2021. Ảnh: LÊ VĂN DUY
Còn Trịnh Công Sơn, ông đã rời “cõi tạm” 9 năm, nhưng đã có
vô số “sinh mệnh” ca khúc tiếp nối đời sống xương thịt của mình sau cuộc hóa
thân kia. Và nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Lúc sinh thời, Sơn vắng mặt chỗ
này chỗ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”.
Vậy thì rõ ông là người của mọi người, người của mọi thời rồi!.
1/4/2022
Đoàn Vị Thượng
"Một cõi đi về" qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm
"Một cõi đi về" qua lăng kính Thiền QuánNhư Không Thích Nhuận
Tâm
LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa
cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết 'Một cõi đi về'
của Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (Gò Vấp,
TP.HCM).
Trong buổi sinh hoạt dã ngoại văn nghệ của sinh viên
Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM), một học viên thể hiện bài hát Một cõi đi về của
cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài.Sau đó có một học viên đứng dậy hỏi: Bạn hát rất hay, nhưng
có hiểu được nội dung bài hát này mang ý nghĩa gì không? Tất cả 500 học viên đều
ngơ ngác, quay nhìn lại hỏi tôi: Sư phụ biết không? Phân tích cho chúng con
nghe.Đây là một điều khá nan giải. Nhạc Trịnh mang một màu sắc, thể
điệu vô cùng lạ, ca từ mênh mang trừu tượng, ý tưởng siêu nhiên khúc chiết, ẩn
ngữ mà phiêu bồng làm sao giải thích. Nhưng nghĩ trường phái hội họa siêu thực
vẫn chứa một nội dung hiện thực sâu sắc ẩn tàng trong tác phẩm, nên tôi mạo muội
đem ra phân tích cho các em học viên hiểu thêm một ít về tác phẩm “Một cõi đi về“.Chân dung Như Không Thích Nhuận Tâm. Ảnh: NVCCNơi nào diễn đạt không trọn nghĩa hoặc sai lầm, mong cố nhạc
sĩ và mọi người niệm tình lượng thứ. Nhân dịp ngày mất của cố nhạc sĩ để thay
nén nhang tưởng nhớ.Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng quy y PhậtĐầu tiên ta tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn khi tuổi thơ nỗi buồn mất cha thường hay lên chùa tụng kinh cầu siêu
và quy y pháp danh Nguyên Thọ, nghĩa là thọ nhận từ suối nguồn phật pháp, cùng
học nghi lễ âm nhạc phật giáo qua âm điệu tán tụng với hai vị kinh sư nổi tiếng
thời bấy giờ đó là Hòa thượng chùa Hiếu Quang và chùa Phổ Quang. Từ đó tâm hồn
thơ ngây của nhạc sĩ mang âm hưởng cung điệu thiền ca của Phật giáo.Trong bài viết năm 2001 trên tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh
Công Sơn đã nói trực tiếp: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo
chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật”.Vậy chúng ta minh chứng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một phật tử
thuần túy mang nhiều ảnh hưởng tư tưởng phật giáo như diễn đạt hình ảnh Mẹ Quan
Âm.“Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang.Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn.Tôi mời em về đêm gội mưa trong.Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm” (Đóa hoa vô thường).Kiến thức có ba giai đoạn: Bước đầu bị bội thực, thứ hai được tiêu hóa, thứ ba
đến giai đoạn tiêu dung biến thành cơ nhiệt, thành hơi thở sức sống chất liệu
riêng mình. Nhạc sĩ Trịnh nghiên cứu kinh điển phật giáo hòa với triết học di sản
văn hóa đông tây kim cổ đã được tiêu dung mất dấu ngữ ngôn sách vở, biến thành
dưỡng chất nhạc ngữ; khác biệt âm ba trong trái tim đủ đầy thiền ca, thành
một bản kinh đặt trên nền tảng luân hồi, hóa thân vào âm nhạc một triết lý sống
lung linh với những ca từ huyền nhiệm, đưa con người từ khổ đau đến cõi an vui.Ta xét sơ qua đề tài “Một cõi đi về” là một cõi để ta đi về đến
nơi, hay một cõi để ta Đi và Về? “Vậy, Một cõi không phải một nơi chốn, một
tỉnh thành, một nước, một địa chỉ cụ thể… một cõi ở đây gọi như: cõi trời, cõi
tiên, cõi phật, cõi người ta… và một cảnh giới chỉ cho tâm linh.Chúng ta đặt lại vấn đề thời gian tác giả viết: “Bao
nhiêu năm rồi…?” là một năm, hai năm hay hàng tỉ tỉ năm đến vô lượng kiếp
năm chỉ thời gian đã đi qua. Vậy đến đâu, để làm gì, mà lộ trình cứ mãi ra đi?
Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cao 2,4m
bên bờ biển Quy Nhơn. Ảnh:
TTXVN
“Ôi! cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” (Cát
bụi). Cuộc đời là một hành trình ném đủ đầy dâu bể cứ lặn hụp giữa dòng nhục
vinh còn mất, loay hoay vòng kiếp phù sinh.
“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Người ta thường ví
người nào khổ đau, trách nhiệm nhiều là gánh nặng trên hai vai. “Trên hai
vai ta đôi vầng nhật nguyệt”.
Đến đây chúng ta thấy nhạc sĩ thâm hiểu triết lý Phật giáo một cách sâu sắc có
hai ý: Ý nói trên đôi vai gánh hai vầng nhật nguyệt là chỉ cho sự chi phối âm
và dương, ngày và đêm, khổ đau và hạnh phúc tròn và khuyết của vần xoay nhân
duyên tan hợp.
Tuy đôi vai gánh nặng nhưng mặt trời và mặt trăng tỏa cho ta
ánh sáng, tính năng của mặt trời là nóng, tính năng của mặt trăng là lạnh, ý
nói đời người luôn chịu đựng hai thái cực nóng và lạnh, phiền và nã, nhưng triết
lý phật giáo, phiền não tức bồ đề, theo chữ hán thì bộ nhật và bộ nguyệt kết lại
thành chữ ”minh 明“, chữ minh nghĩa là sáng bên
trong, là trí tuệ bừng nở tỉnh thức tâm hồn, mới có ánh sáng.
Đi về cội nguồn thế giới tự tâm
“Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Vậy đi về đâu cần trí
tuệ soi đường? Phải chăng chỉ rõ đi về cội nguồn thế giới tự tâm. Khi tâm
được trí tuệ soi sáng, thì nghe ra tất cả muôn loại vạn vật đều có sự sống, có
ngôn ngữ riêng, lắng nghe sâu sắc âm thanh lạ thường của núi thở, non nước hòa âm ngôn ngữ trăng sao cùng cỏ cây reo hát.
“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ”. Khi hòa nhập với vạn
thể, vạn hữu ta đắm mình say sưa, không vướng bận buộc ràng bởi việc thịnh suy
nhân thế, nên một chiều ngồi say, thấy một ngày thanh thản trôi qua.
“Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua”. Khi nhìn
ra sự vận hành tự nhiên bốn mùa của vũ trụ, dịch chuyển tuần tự thay nhau màu sắc
đất trời, ta không còn lo âu sợ hãi, an nhiên để nhìn.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 21 năm ngày mất
nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn diễn ra trong hôm nay (1-4)
“Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”. Con người
tỉnh thức sống trong chánh niệm, phúc báo đủ đầy tự nhiên có sự bảo hộ của đất
trời. Trong Phật giáo thường tụng (tùy xứ kiết tường vân) kiết tường vân là mây
lành thường che chở an ổn cuộc sống: “Mây che trên đầu”, chúng ta đặt lại vấn đề, mây
che trên đầu rồi mà còn nắng trên vai?
Đoạn đầu nhạc sĩ dùng nhạc ảnh diễn tả trên đôi vai hai vầng
nhật nguyệt, bây giờ lại nắng trên vai, tại sao hai lãnh cực đối nhau như
thế? Khi chúng ta gặp điều gì phập phồng sợ hãi đôi vai bị ớn lạnh làm cơ thể
tiêu mất nhiệt năng, ý nói từ vô lượng kiếp đến nay sống hoang mang kiếp nhược,
nay buông xả lo âu, lòng thanh tịnh thắp năng lượng tràn đầy thì nắng về sưởi ấm
bờ vai: “Mây che trên đầu và nắng trên vai”.
Nắng về đậu cho lòng an tịnh mở ra muôn trùng cuộc lữ, cho
đôi chân chánh niệm bước vững chãi đến phương trời tỉnh giác, vượt qua những
khúc quanh dâu bể thịnh suy, bỏ lại sau lưng con sông mê muội trầm luân.
“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”. Đôi chân khi đến bên kia bờ
giác thảnh thơi, chuyển hóa vô minh, mở lòng bi nguyện rộng lớn, yêu
thương phát từ con tim không điều kiện, không đối đãi, như con tim yêu thương của
mẹ không cần đáp lại.
Nguyên bản tác giả viết “con tinh” người miền Trung nói
chung, thường hay mắng yêu những đứa nhỏ gái ngỗ nghịch, phá phách thường gọi
là “con yêu tinh” gọi tắt là con tinh. Tại sao tác giả gọi con tinh? Trong con
người có hình ảnh thiện và ác: Ác là tham lam thường nóng nảy đố kỵ ganh ghét,
khi chúng ta chuyển hóa trở về bản chất yêu thương, bao dung tha thứ, hỷ xả vô
phân biệt nên gọi là vô tình chợt gọi để bùng vỡ trong tâm thức hiện cái bóng của
con người. Mới thấy dấu của cái bóng chứ chưa phải hình thật, vậy bóng của ai
hiện trong ta? Chính cái bóng của bản thể cội nguồn khuôn mặt xưa nay, là Phật
tính, là bản lai diện mục.
“Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Đến đây mở
cho ta nhìn thấy bóng dáng nửa chặng đường của “Một cõi đi về” bùng vỡ khai
nguyên suối nguồn nội tại được cơn mưa pháp tưới tẩm dưỡng nuôi kết mùa hoa
trái.
Kinh Pháp Hoa trong phẩm (thí dụ) lời thuyết pháp như
cơn mưa, như nắng hạn lâu ngày, nay cơn mưa tưới tẩm cho vạn vật cây cỏ hồi
sinh nên gọi là “mưa pháp”, khi hành giả trên lộ trình tỉnh giác, ngồi đâu cũng
nghe được tiếng pháp, từ tiếng hót của chim, lời reo ca trong gió, sự biến đổi
vô thường dâu bể… cũng đều “thuyết pháp “tức là mưa pháp. Tại sao ngồi nghe
mưa nơi này còn lại nhớ mưa xa, mưa ở đâu mà nhớ?
Theo quan niệm vũ trụ quan Phật giáo, có hằng hà sa số thế giới,
có những thế giới chư Phật đang thuyết pháp, tâm niệm hành giả luôn nhớ nghĩ đến
mười phương cõi, từ nơi này nhớ đến tận chốn xa. Nếu nhạc sĩ dùng tiếng mưa đổ,
mưa xối xả, thì có lẽ bão bùng lụt lội thiên tai là phá sản tâm hồn, chỉ dùng một
động từ nhẹ.
“Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”. Hạt nhỏ ở đây hành
giả diễn đạt nghĩa lý sâu xa. Miếng đất tâm (tâm địa) bị khô hạn từ vô lượng
kiếp đến nay, chỉ có cơn mưa nhỏ, không đủ sức dập tan phiền não cho cây tuệ giác
ngời soi để nhìn ra cội nguồn hội ngộ.
Hội ngộ cái gì, ở đâu, để làm chi, có ích không? Một câu hỏi
trọng đại kiếp người, không đơn thuần như sự hội ngộ bạn bè, anh em, gia đình…
Đây là cuộc hội ngộ vỡ bùng đại mộng tử sinh, đường đời thăm thẳm vô biên, bão
giông nghẽn lối, não phiền ngăn che, nên: “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”. Bị
vô minh che khuất dày đặc chưa hội ngộ bến bờ miên viễn, thì cuộc lữ dạt trôi
trăm suối ngàn sông, mịt mờ dặm bước nghiêng mông mênh chiều, khơi đèn soi bóng
tịch liêu, đường xưa mù mịt hắt hiu quê nhà.
“Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Hành giả muốn nói
”quê nhà“ ở đây là bản thể tự tính chân như, giống như ý tưởng của nhà thơ Bùi
Giáng: “Hỏi rằng: quê ở nơi đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà". Bị mê
muội não phiền che lấp từ vô thủy đến nay lên xuống sáu đường, lang thang tam
giới mịt mờ cố quận, đành phải chạy loanh quanh, một vòng của kiếp người một đời
thêm tiều tụy.
“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Đời là biển
khổ đầy mồ hôi và nước mắt. Khi sinh ra và lớn lên bon chen trong đời sống, nếm
đủ đầy nhục-vinh, được-thua, còn-mất, tranh giành phú quý công danh, khi xuôi
tay nhắm mắt. Trăm năm có nghĩa gì đâu? Hai bàn tay trắng về đâu bến bờ? mới
biết cơn đại mộng luôn bám víu theo ta, từ thời tuổi còn thơ "bờ cỏ
non” đến khi kết thúc cuộc đời.
“Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Đời người ngủ
thì mơ thức thì mộng, không nhìn ra chân lý sống, khi hoàng hôn tắt bóng xế chiều
ngả xuống cô thôn, đời người cuối nẻo chân mây mới thảng thốt nghe ra: “Từng
lời tà dương là lời mộ địa”. Lời tà dương là lời vô thường thúc giục, cấp
bách, nhắc ta nhanh lên, thời gian không còn đợi chờ, từ đó ta mới ra sức nỗ lực
tinh cần tìm cầu con đường thảnh thơi giác ngộ.
Lời mộ địa là lời cuối cùng một đời người, thành bại, nhục
vinh rồi cũng chôn kín dưới đáy mộ cô quạnh. “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc
mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không”. Giấc mộng do vọng tưởng sinh
ra hư ảo mê muội, giờ đây định tỉnh truy nguyên ra chân tướng của vạn vật mới
nghe ra.
“Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”. Nước trào
dâng trăm sông ngàn biển, dài đến vô tận rộng đến vô cùng, mênh mông không ngằn
mé, có những dòng đục và trong, lẫn lộn hương vị mặn và ngọt, phát xuất từ suối
khe là suối nguồn chân tâm thật tướng, bản thể của muôn loài, như mặt đất sinh
ra vạn vật, cỏ cây.
“Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Có phải đây là một cảnh
giới tác giả phác hoạ lên bức tranh tuyệt mỹ, đi và về đều ung dung xuyên suốt.
Trong 10 bức tranh thiền chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), từ khi tìm trâu đến khi
chứng đạo trở về cội nguồn. Ta lại phát nguyện ngược lại độ sinh trong ba cõi,
sáu đường, thõng tay vào chợ. Nơi nào khổ đau ta ban vui, chốn nào trầm luân thả
thuyền từ cứu vớt, nơi nào vô minh trao đuốc tuệ soi đường.
“Đi lên non cao đi về biển rộng”. Đi cùng khắp chứng kiến
nhiều cảnh bi thương thống khổ đọa đày, kiếp nhân sinh nổi trôi trăm bờ vạn bến,
bão tố thiên tai dịch bệnh chiến tranh quái ác, chưa một lần thứ tha.
Như Không Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Lá,
phát gạo và nhu yếu
phẩm cho những người có
hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn
đại dịch bùng phát. Ảnh:
PĐ
“Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Ngọn gió hoang
vu là ngọn gió vô thường có sức tàn phá từ nội tâm bản chất đến hiện tượng bên
ngoài, từ rực rỡ đến điêu tàn.
Nhưng vô thường ẩn tàng chơn thường, ta biết tận dụng tuổi
xuân thì, tuổi có sức bậc mãnh liệt, một nhựa sống tràn đầy, để chuyển hoá ngọn
gió vô thường từ xấu đến tốt, từ khổ đau đến an vui, từ trầm luân đến bờ giải
thoát như kinh Bát Nhã bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm,
thị cố không trung…
Một cõi đi về, một trang kinh được lồng chuyển bằng năng lượng
nhạc ngữ hòa âm thể điệu trái tim bồng bềnh sương khói, lan tỏa sâu trong tiềm
thức, quyện với gió núi mây ngàn, cho vạn hữu hồi sinh, khai thông nhập vào bản
thể không sinh không diệt, nhiếp dẫn cội nguồn Một cõi Đi và Về vô
biên tự tại.
1/4/2022
Nhuận Tâm
Thanh niên với tổ quốcXXXX
Thanh niên với tổ quốc
Kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho tổ quốc phải
làm thế nào?
Hiện nay ở nước ta, nhất ban dân chúng đối với kẻ thanh niên
tân học đương có một lời trách bị. Kẻ thanh niên tân học khi nghe được lời
trách bị ấy, hình như cũng làm thinh mà thừa nhận đi. Đại khái họ vì cực chẳng
đã mà thừa nhận, chớ chẳng phải vui lòng; họ muốn tránh cho khỏi lời trách bị ấy
lắm chớ, có điều chẳng biết cách nào tránh khỏi, thôi thì phải thừa nhận.
Lời trách bị như vầy: Các ông thanh niên đi du học về, lãnh những bằng cấp nọ,
bằng cấp kia, học đến bực cao như thế, mà chẳng thấy làm ra được cái gì gọi là
giúp ích cho ai, cho xã hội cho đồng bào!
Kẻ thanh niên tân học nghe lời ấy rồi tự nghĩ lại mình thì quả thật như vậy. Một
người học ở bổn quốc độ 20 tuổi, sức học đã khá rồi, bắt đầu xuất dương sang
Pháp. Ở đất Pháp mau thì đôi ba năm, lâu thì sáu bảy năm, nếu là người thông
minh có chí, ít nữa cũng lấy được vài ba cái bằng cấp vừa cử nhân vừa tấn sĩ rồi
về. Về rồi, kẻ thì làm việc nhà nước, kẻ thì làm việc tư, lương mỗi tháng từ
hai trăm đồng cho đến bốn trăm năm mươi đồng chẳng hạn. Trong khi đó, cưới vợ
giàu sắm xe hơi, anh học sanh ngày xưa thì hôm nay đã nhảy lên cái địa vị sang
trọng danh tiếng. Kể về dương danh hiển thân, như thế cũng đã được lắm. Song
le, nói về sự đối với xã hội, đồng bào, tổ quốc, thì làm như vậy đó, có thể gọi
được rằng giúp ích gì đâu?
Trong đám thanh niên tân học hoặc giả cũng có người nghĩ như vầy: Ủa hay! Hồi
mình đi học, cha mẹ mình cho tiền, còn mình thì ra công thức khuya dậy sớm,
ngày nay là ngày trồng cây đã có trái, thì mình và cha mẹ mình hái mà ăn, chớ lại
có giúp ai? Tổ quốc, đồng bào hồi đó có thí cho thằng này đồng nào đâu mà bây
giờ hòng kể lể?
Người nào nghĩ như vậy thì thôi, chúng ta cũng đừng nói tới họ nữa. Nhưng,
không phải là không có người nghĩ khác.
Mục đích của sự học có phải là để hiển thân dương danh, vinh thế ấm tử mà thôi
chăng? Hẳn không phải thế. Sanh ra làm người trong xã hội, ai cũng có một phần
trách nhiệm đối với xã hội hết, mà những người có học thức cao chừng nào, lại
càng có trách nhiệm nặng chừng ấy. Xã hội đương ở vào lúc thua sút tổ quốc
đương ở vào lúc khó khăn, nhất ban dân chúng ở trong đó thấy không biết làm thế
nào, thì cái lòng trông cậy ở hạng học thức lại càng nhiều. Trông cậy nhiều mà
chẳng thấy được gì thì họ phải thất vọng; thất vọng thì hẳn có những lời trách
bị theo sau.
Vị thanh niên nào đã nghĩ như tôi mới vừa nói thì cũng đã thừa nhận những lời
trách. Có kẻ đã phàn nàn riêng về phần mình trong khi đàm đạo với chúng bạn:"Tôi
nghĩ mà xấu hổ quá, hồi bước chân ra đi, định học về rồi làm thế nọ thế kia, té
ra bây giờ cũng"một ngày hai buổi" như người ta!"
Biết thừa nhận lời trách và biết trách mình như vậy, con người ấy, ta phải nhìn
nhận là người có lòng với tổ quốc đồng bào lắm. Thế thì ta thử nói với họ rằng:
"Ông đã biết vậy, sao ông không làm gì đi?"- coi thử họ nói ra sao.
Tôi đã nghe người ta nói nhiều lần rồi. Người thì đổ cho thời thế khó khăn; người
thì bực mình không có địa vị, không có quyền hành động; người khác nói mình có
trí tài mà không có tiền; người khác nói nữa trình độ quốc dân ta còn thấp kém
quá, hoá một vài tay học thức cũng chẳng đủ làm gì. Còn nữa, nhưng hẵng kể bốn
cái thuyết đó thôi, bốn cái cũng đều có lý hết.
Tuy vậy chúng ta nên rủ nhau trở lại ban đầu, hỏi thử hai chữ "giúp
ích" trong lời trách bị trên kia là muốn chỉ về điều gì, thế nào là giúp
ích? Có phải người ta mong cho các ông đi du học về một cái, tức thì rinh cái
nước Việt Nam này mà để lên một cái địa vị sang trọng chăng? Có phải họ mong mấy
người đậu tấn sĩ luật về thì hãy thay đổi những cái luật pháp cũ đi chăng? Có
phải họ mong mấy ông kỹ sư về thì lập ra rất nhiều xưởng máy để chế tạo quốc
hoá chăng? - Có lẽ dân chúng không mong những điều đó. Không phải là họ không
thích mà không mong; có điều họ biết chắc là mong như vậy không được, nên họ
mong thế khác, họ nói "giúp ích" là nói cách khác.
Ai nấy đều biết rằng các nước phương Đông ta từ hồi gặp người phương Tây đến giờ
thì tâm sự gì cũng thua kém họ hết. Lần lần lại hiểu thêm rằng người phương Tây
sở dĩ họ hơn ta như thế là tại cái học của họ hơn ta. Duy có biết vậy mới rủ
nhau qua Tây mà học; bằng không thì sự du học chẳng đã thành ra vô nghĩa?
Nguời Nhật Bổn và người Trung Hoa lại còn du học trước ta nữa. Cũng một ý ấy, họ
biết cái học của Tây là hay, nên mới lặn lội đi tìm cho được để mang về xứ sở
mình. Thì quả nhiên họ đã làm đạt đến mục đích rồi: bao nhiêu du học sanh của
Nhật và Tầu từ trước đến giờ đã đem cái học sở đắc ở bên Tây ra mà truyền bá
cho người trong nước. Nước của họ đã bỏ cũ theo mới, và đã tấn bộ gần bằng các
nước phương Tây, cũng là nhờ đó.
Phải, một nước mà tấn bộ được, là nhờ ở phần đông dân chúng. Mà lũ dân chúng ấy,
họ có thể kéo nhau hết đi ngoại quốc để tìm lấy sự khôn ngoan đâu. Thế thì cái
sự nhờ ở mấy người đi học về rồi truyền bá lại cho họ, là sự đương nhiên lắm.
Nói đến đây đã rõ nghĩa hai chữ "giúp ích" là thế nào rồi. À! Dân
chúng Việt Nam không mong các ông thanh niên đổi pháp luật hay lập xưởng máy,
nhưng họ chỉ mong các ông bày biểu cho họ biết pháp luật là gì, xưởng máy là gì
đó thôi. Nói tóm lại đại ý như vầy. mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài
phần mười của cái mình đã lấy được ở ngoại quốc ra mà truyền bá cho dân chúng,
để nâng cao cái tầng trí thức của họ lên, như thế gọi là giúp ích.
Nếu vậy thì thời thế có khó khăn mấy mà ngại chi? Ai có địa vị và có quyền, như
nhũng người làm đốc học làm giáo sư, thì giúp ích được rồi; còn kẻ không có địa
vị và quyền, há phải là không phương làm được? Tiền vẫn là vật cần nhưng trong
việc truyền bá tư tưởng học thuật cho đồng bào, tưởng nó cũng chưa phải là vật
cần nhất. Còn nói chi trình độ quốc dân thấp kém thì hẳn là thấp kém rồi ;
chính vì sự thấp kém đó mà họ mới mong cấ ông giúp ích cho.
Nói rõ ra như vậy rồi cái cớ kẻ thanh niên tân học xứ ta không làm gì được,
không giúp ích được cho đồng bào tổ quốc, không phải ở bốn cái thuyết cho rằng
có trên kia, mà ở nơi khác.
Đã nhiều lần thấy người ta viết lên trên báo mà phân bì rồi. Họ phân bì thanh
niên ta với thanh niên Nhật, thanh niên Tầu: Sao thanh niên hai nước ấy đi du học
về có nhiều kẻ đã làm sách làm vở ra, lấy tư tưởng của mình mà day động cả xã hội,
còn thanh niên của ta, sau khi du học đã thành tài, lại không làm được như thế?
Tôi biết tại sao rồi. Không phải tại thời thế và địa vị, không phải tại không
tiền, nhưng tại chỗ khác. Cái chỗ ấy, trong khi đem thanh niên ta so sánh với
thanh niên của Nhật của Tầu thì nó lòi ra. Đại phàm muốn thâu thái một cái văn
hoá khác để bồi bổ cho cái văn hoá sẵn có của mình, thì một điều cần yếu trước
hết là phải biết rõ cái văn hoá sẵn có ấy ra sao, phải ngấm ngầm trong cái văn
hoá ấy, phải lấy chính mình dính dấp với nó mới được. Nói ví mà nghe, cũng như
ta muốn sửa sang một cái nhà cũ, thì tất nhiên ta phải thấy rõ trong cái nhà ấy,
chỗ nào nên để, chỗ nào nên thay. Người Nhật người Tầu họ hiểu cái lẽ đó, cho
nên trước khi bọn thanh niên xuất dương, họ đã lấy giáo dục bổn quốc mà tạo cho
mỗi người một cái tư cách đúng đắn rồi.
Nói riêng về nước Tầu: Ở trong nước, từ ấu học nhẫn lên cho tới đại học, đều dạy
bằng chữ bổn quốc, từ trung học trở lên mới có dạy tiếng ngoại quốc, nhưng chỉ là
phần phụ. Địa dư, sử ký, phong tục, chế độ của nước mình từ xưa đến nay ra sao,
đại khái một trò cao đẳng tiểu học trở lên đều biết hết, và lên đến trung học,
đại học lại còn phải biết nhiều hơn. Thường thường là một người đã tốt nghiệp đại
học ở nước nhà mới xuất dương du học. Trong khi họ học được điều gì ở ngoại quốc,
có thể đem mà so sánh với điều đã học ở bổn quốc mà thấy hơn thua lợi hại thế
nào; chớ không phải là học tới đâu biết tới đó mà cho rằng đủ.
Bọn ấy, khi về nước rồi, làm gì thì làm, nhưng cốt nhất là họ không quên sự dịch
sách và làm sách. Việc dịch thuật của họ là việc làm có ý thức, cho nên cũng
thâu được nhiều hiệu quả rất lớn.
Nguyên người Tầu thuở xưa chỉ chịu kém người Tây về sự đóng tàu đúc súng, chớ
còn về văn học triết học thì họ khinh đứt đi. Ấy là một sự lầm. Từ Nghiêm Phục
dịch những sách triết lý của người Anh người Pháp ra, Lâm Thư (người này không
du học, không biết chữ Tây, nhờ kẻ khác cắt nghĩa cho mà dịch) dịch những sách
văn học ra, đến đó mới mở mắt thấy rõ sự tình trong thế giới và địa vị nước
mình hơn hồi trước. Nội một cái thấy rõ được như vậy đã là quan hệ cho nước Tầu
chẳng vừa, cho nên công trạng của hai người ấy cũng chẳng vừa.
Nước Tầu từ trước vẫn có triết học, song chưa có ai làm triết học sử. Không có
triết học sử thì cái trí thức của quốc dân về đường ấy lộn xộn lắm, cũng là một
sự thua người ta và bất lợi cho mình. Hồ Thích, sau khi đậu bác sĩ triết học ở
ngoại quốc rồi, thông thạo những triết học của ông Descartes, ông Kant rồi về
nước dạy khoa triết học, còn làm ra bộ Trung Quốc triết học sử đại cương. Từ đấy
bên Tầu mới có triết học sử như bên Tây.
Ấy là kể những sự lớn lao mà nghe. Còn nói cho hết thì không biết thế nào cho hết
được. Cho đến những người đi học khoa nuôi gà, về cũng làm sách dạy nuôi gà ;
người đi học nuôi thỏ, về cũng làm sách dạy nuôi thỏ. Đại để mỗi một người du học
sanh Tầu không lớn thì nhỏ, cũng có làm ra một việc chi ảnh hưởng đến đồng bào
tổ quốc mình. Mà sở dĩ như vậy là nhờ ở cái giáo dục của nước họ, trước khi du
học, đã làm cho họ dính dấp với đồng bào tổ quốc mình vậy.
Nước ta thì khác hẳn. Giáo dục của nước ta chưa hề cho thanh niên ta ngấm ngầm
trong văn hoá cũ của xứ mình. Một người học sanh từ ấu học lên đến cao đẳng (chỉ
trường cao đẳng Hà Nội) vẫn có đọc sử ký bổn quốc; địa dư bổn quốc; vẫn có làm
bài luận bằng chữ quốc ngữ; nhưng đó là một môn chương trình ở lớp học mà thôi.
Một ngưòi học sanh tốt nghiệp ở trường cao đẳng Hà Nội ra, đố ai dám bảo đó là
một người Việt Nam đúng đắn; có đủ tri thức về văn hoá Việt Nam đúng đắn.
Không, không đâu. Ở dưới cái chế dộ giáo dục này, họ dầu muốn làm một người Việt
Nam đúng đắn, muốn có đủ tri thức văn hoá Việt Nam đúng đắn, cũng không được nữa.
Cũng thì là danh nhân trong chánh giới, nhưng về ông Richelieu, tể tướng của
vua Louis XIII ở hồi thế kỷ XVII thì một người học sanh Việt Nam biết rõ hơn
ông Nguyễn Tri Phương hay ông Phan Thanh Giản là đại thần của vua Tự Đức ở thế
kỷ XIX, về thời gian và không gian đều gần hơn. Cũng thì đường xe hoả, mà hỏi ở
ga lớn Paris có tẽ ra mấy nhánh thì họ nói mau hơn là cũng một câu hỏi ấy mà hỏi
về ga lớn Hà Nội.
Cho những người tốt nghiệp ở cao đẳng Hà Nội đó đi du học rồi về cũng còn chưa
chắc giúp ích cho đồng bào được gì thay; huống hồ nữa là thứ trẻ con mười, mười
hai tuổi, sang Pháp ở luôn đến ba chục tuổi rồi về, thì bảo còn thiết gì với
cái xứ sở này mà mong họ?
Có nhiều kẻ lúc về đây rồi, cho đến cái tiếng An Nam cũng không muốn nói, là phải
lắm, ta cũng chẳng nên phiền trách họ làm chi.
Thật quả là không được. Một người Việt Nam dầu du học hay chẳng du học cũng vậy,
họ chữ Pháp giỏi mấy mặc lòng, mà nếu chẳng ngấm ngầm trong văn hoá Việt Nam,
thì quyết là không làm gì cho xã hội này nhờ được hết. Người ấy nếu trời phó
cho một cái lòng ái quốc, muốn cung cúc tận tuỵ với nước với nòi, là cũng chẳng
biết làm cách nào cho có ảnh hưởng mảy may đến anh em chị em con nhà Hồng Lạc.
Lẽ ấy sờ sờ ra; không còn hồ nghi gì nũa. Những người không biết gì về văn hoá
bổn quốc hết mà học Pháp văn giỏi, thì họ có mặt trong xứ này cũng như một người
ngoại quốc có mặt mà thôi, ta không khi nào mong người ngoại quốc ấy giúp ích
cho ta, thì ta quê gì lại đi mong những người vốn là đồng bào với ta ấy ?
Thật, ai đã tự cắt đứt cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng loại rồi thì khó
lòng mà mong rằng một ngày kia sẽ lấy sự quan hệ. Thanh niên ta bây giờ hầu hết
không coi được cái phó ý của nhà mình; thói tục trong họ trong làng nhất giai
không biết tới, trở về tổ quốc mà lại như chim chích vào rừng, thì còn nói chuyện
giúp ích gì cho ai!
Nghĩ như vậy rồi thì không nảy ra câu hỏi. Câu hỏi ấy tức là câu nêu lên làm
cái phó đề trên kia :Kẻ thanh niên tân học nước ta, muốn giúp ích cho tổ quốc,
nên làm thế nào?
Theo sự lý trong bài này, tôi tưởng, trước hết phải nhờ ở sự tu dưỡng riêng. Mục
đích của sự tu dưỡng riêng này cốt ở nối lại cái dây liên lạc với tiền nhân và
đồng bào... Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người Việt Nam đúng đắn,
nghĩa là ngấm ngầm trong văn hoá cũ Việt Nam, có đủ tri thức về văn hoá ấy. Ta
tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người có quan hệ với dân chúng, đi đến
làng nào trong nước cũng như đi buồng học hay là phòng thí nghiệm của ta, không
có ngớ nghếch chút nào. Kẻ thanh niên tân học nên lưu tâm ở chỗ đó trước rồi
sau mới nói chuyện đến giúp ích cho tổ quốc đồng bào được.
Một bài sau tôi sẽ nói thêm.
24/2/2003Phan KhôiNguồn: Phụ Nữ tân văn, bộ 4, số 172, 13-10-1932, tr. 5
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Ký sự miền Tây lục tỉnh
Ký sự miền Tây lục tỉnh Đầu năm Kỷ Hợi (2019) nhóm bạn cũ của chúng tôi tại Sài Gòn và vùng lân cận tổ chức chuyến đi VỀ MIỀN TÂY Nam bộ. Ri...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Qua bài thơ "Không đề" hiểu thêm tính sâu sắc của Văn Cao Nếu như ai đã từng thả bộ trên đôi bờ của một con sông, sẽ thấy mỗi b...