Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Bắc Kinh một lần tôi đến

Bắc Kinh một lần tôi đến

Đọc trong tài liệu tôi còn biết thêm về hai công dân Việt Nam đến giờ vẫn được người dân Trung Quốc tôn trọng và ghi nhớ, một là Kiến trúc sư Nguyễn An người đã góp phần quan trọng thiết kế, xây dựng Thiên An Môn lịch sử. Hai là tướng Nguyễn Sơn người đã có công lao trong công cuộc kháng chiến, giải phóng và xây dựng đất nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa…
I.  Buổi sáng ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan, sương mù còn giăng trắng trên những sườn núi nhấp nhô phía trước. Mặt trời lên cao trải nắng vàng ấm áp, mênh mang suốt một vùng biên giới. Những đợt gió tràn về mang theo chút hanh heo, lạnh giá, hương hồi quyền quyện, nồng nồng. Bầu trời cao xanh phương Bắc, khiến lòng tôi không khỏi xúc động, chút nữa thôi tôi sẽ rời Tổ quốc viễn du trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Trên tàu hỏa từ Bằng Tường về thành phố Nam Ninh
– Đây là ga cuối cực nam của nước bạn, hành khách tương đối thưa vắng, tôi không phải mất nhiều công để tìm cho mình một chỗ ngồi như ý… Con đường sắt uốn lượn xuyên qua núi rừng, sông suối, băng qua những đồng ruộng, làng quê, phố phường hướng lên phương Bắc, cảnh sắc thật hùng vĩ, thơ mộng, không khác gì những làng quê Việt Nam. Tháng Mười lúa chín vàng bao la, những cánh đồng táo, đồng nho trải dài theo đường tàu, quả trĩu cành, ngắm nhìn thật thích, còn là những chòm xóm làng quê, có bờ tre mái ngói sẫm màu. Những dáng trâu chậm chạp trên đồng, khói đốt rạ, rơm bay trắng cả một miền trời…
Quảng Tây có đường biên giới với Việt Nam dài nhất, còn Thành phố Nam Ninh trực thuộc tỉnh Quảng Tây – Thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang, cách biên giới Việt Nam chỉ 180 km. Tỉnh Quảng Tây có 48,8 triệu người với nhiều bản sắc Văn hóa truyền thống đặc sắc, còn là nơi trung chuyển khách tham quan thành phố Quế Lâm nổi tiếng. Khi ghé thăm Viện Văn Vật của bạn, tôi hết sức ngạc nhiên bởi những chiếc trống thật lớn bằng chất liệu xi măng cốt thép được các kiến trúc sư dựng lên, có cửa ra vào, bên trong là nơi làm việc của cán bộ, công nhân viên, hình dáng như trống đồng Đông Sơn của ta, có điều nó cao và rộng đến ba bốn chục thước, xung quanh là những công trình phụ trợ như: cây xanh, bóng nước, cầu gỗ, nhà hàng đặc sản … Quảng Tây có nhiều tài nguyên như: quặng sắt, vàng bạc, man gan, nhôm, thạch anh, than, đá cẩm thạch, kinh tế cửa khẩu cũng rất phát triển…
Khách sạn 3 sao Ngân Hà yên tĩnh, mặc dù mệt mỏi sau một lộ trình, nhưng tôi không tài nào ngủ được… Bồi hồi tiếc mãi lúc ở Hữu Nghị Quan, mảnh đất xứ Lạng đã đi vào thi ca, lịch sử, mà tôi chưa được đắm mình, chưa hiểu biết thật đầy đủ về thiên nhiên và con người nơi đây… Tôi cứ bâng khuâng không rõ địa điểm nào cha con Hồ Quý Ly và trọng thần Nguyễn Phi Khanh đặt bước chân cuối cùng trên đất đai tổ quốc? Và cũng là nơi Nguyễn Trãi vâng lời cha nuốt nước mắt quay về, nuôi ý chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Những năm 1942, 1943 của thế kỷ XX Bác Hồ kính yêu của chúng ta bị quân phản động Quốc Dân đảng, Tưởng Giới Thạch bắt giữ, đày ải. Đọc nhật ký trong tù của Bác, gặp lại những địa danh: Liễu Châu, Quế Lâm, Bảo Hương, Cá Cựu, Lai Tân… càng hiểu rõ những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ của Người…
Mấy chục thập kỷ đi qua, hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn sâu đậm trong lòng nhân dân Trung Quốc. Hai quốc gia “Núi liền núi, sông liền sông” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền tảng cho tình hữu nghị, hiện giờ hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc đang gìn giữ, củng cố, phát triển lên tầm cao mới.
II.
Đến Thượng Hải, tôi nghe được một câu cửa miệng không rõ xuất xứ từ bao giờ: Đến Bắc Kinh mới thấy mình nhỏ lại. Đến Thẩm Quyến thấy túi tiền của mình chưa đủ. Đến Nam Hải tiếc mình đã có vợ… thật độc đáo và gợi trí tò mò trong tôi.
Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số và là (Thành phố không bao gồm vùng ngoại ô) lớn nhất thế giới, vị trí nằm ở bờ biển phía đông của Trung Quốc, và là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương Trung Quốc, đông dân hơn 27 triệu người, là một trong những thành phố năng động vượt xa Thẩm Quyến, GDP đạt 137.000 NDT (tương đương 20.130 USD/ đầu người) và được xem là Thủ đô kinh tế lớn nhất Trung quốc. Tôi đã qua đường ngầm dưới lòng sông Hoàng Phố để tận mắt ngắm nhìn sự đổi thay kỳ diệu của khu phố Đông – Thượng Hải, với nhiều trung tâm tài chính tiền tệ, công nghiệp hiện đại, kỹ thuật – công nghệ cao và mậu dịch tự do. Rất nhiều Công ty tài chính và nhà đầu tư nước ngoài, khách sạn, nhà hàng hoạt động nhộn nhịp, sôi động suốt ngày đêm… Ấn tượng là tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu cao 463 mét, đứng thứ 3 thế giới và cao nhất Châu Á, được làm trong vòng 28 tháng, ở độ cao 243 mét dành cho khách quan, có thể quan sát hai phía đông và tây của thành phố.
Dòng sông Hoàng Phố chảy giữa, đỏ mọng phù sa, thuyền bè xuôi ngược như mắc cửi. Bến Thượng Hải tàu bè ra vào nhộn nhịp. Những tòa nhà cao tầng trông thật tráng lệ. Thượng Hải đẹp nhất là vào đêm, với hệ thống đèn chiếu sáng, tháp Đông Phương Minh Châu trông xa như một khối pha lê trong suốt soi bóng xuống dòng sông Hoàng Phố thơ mộng… Hiện giờ ngọn tháp là điểm du lịch hấp dẫn, mỗi ngày ước tính có hàng vạn lượt người tham quan, mà giá vé lên ngọn tháp này không hề rẻ…
Chia tay Thượng Hải – thành phố trẻ trung hoa lệ… Băng qua 1.463 cột cây số tôi đến Bắc Kinh – thủ đô nước CHND Trung Hoa, thủ đô của một đất nước có dân số lớn nhất thế giới.
III.
So với Thượng Hải, Thủ đô Bắc Kinh nhỏ hơn, có dáng dấp dấp một kinh thành cổ kính, thể hiện trong kiến trúc nhà cửa, mặc dù qua nhiều triều đại vua chúa và những biến động lịch sử. Thành phố Bắc Kinh đang trên đà hiện đại, nhưng vẫn giữ được sắc thái văn hóa, kiến trúc dân tộc…
Tôi đứng giữa Quảng Trường Thiên An Môn mênh mông lộng gió, giữa một biển người mà nhìn ngắm không chán từng lứa đôi khoác tay nhau, ríu rít nồng thắm… Những hàng bạch dương xanh sẫm, còn là hòe, liễu, ngân hạnh được trồng hai bên đường phố, trước những công sở bề thế, lá ngả vàng, có những cây đỏ rực trong chiều thật lộng lẫy…
Muốn tìm hiểu lịch sử 5.000 năm xin lên Tây An! 1.000 năm hãy đến Bắc Kinh và 100 năm thì về Thượng Hải… Có người đã nói với tôi như thế. Dẫu có thâm cung, bí sử đến đâu, thì lịch sử Trung Quốc chưa đến nỗi không thấu hiểu, mặc dù thời Càn Long (1773-1782) đã đốt đi 710.000 pho sách quý, nhưng văn hóa Trung Quốc vẫn ngời ngời sống động. Những tên tuổi, tác phẩm còn đó làm nức lòng không chỉ người Trung Quốc mà còn hấp dẫn cả thế giới: Khuất Nguyên, Phùng Mộng Long, Tào Tuyết Cần, La Quán Trung, Tư Mã Thiên, tề Bạch Thạch, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Đỗ Phủ… Những năm gần đây nền điện ảnh Trung Quốc phát triển mạnh, họ mạnh dạn đầu tư ngân khố lớn cho những phim mang đề tài lịch sử, hoành tráng sát với nguyên tác rất hấp dẫn, còn những nhà đầu óc và thực tế thì biến những di tích thành một nghành công nghiệp không khói rất có hiệu quả, tiềm năng du lịch của Trung Quốc được ví như một vỉa quặng ngầm, trữ lượng lớn khai thác dài lâu. Tôi đã đến Vạn Lý Trường Thành, kỳ quan nổi tiếng thế giới, là niềm tự hào của nhân dân Trung Quốc, theo con số mới nhất của giới khoa học Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành dài 21. 196 km, người taso Vạn Lý Trường Thànhvới sông Trường Giang và ví là anh em sinh đôi quả là có lý. Vạn lý Trường Thành được xây dựng từ thời Chiến Quốc (thế kỷ V đến thế kỷ III trước công nguyên) đề đề phòng và ngăn chặn người Hung Nô chạy xuống phía nam. Phía đông từ Sơn Hải Quan bên bờ Bột Hải, chạy sang phía Tây. Đến Gia Dụ Quan tỉnh Cam Túc, Trường Thành xây trên Bát Đạt Lĩnh nhấp nhô theo triền núi, cao từ 6 đến 12 mét, dày từ 5 đến 10 mét, nền thành xây bằng đá, trên mặt xây bằng gạch, phía ngoài có lỗ châu mai, phía trong là tường đá, cứ cách 360 mét có một ụ lửa (đời xưa của người Trung Quốc muốn báo động thì đốt lửa làm hiệu). Tôi thương giọt nước mắt của nàng Mạnh Khượng chảy dài mà đổ thành lũy và bao nhiêu xương trắng, máu đào của người Trung Hoa đổ xuống, làm nên công trình bất tử này. Chưa hết bàng hoàng bởi sự kì vỹ của Vạn Lý Trường Thành, tôi bỗng choáng ngợp trước Cố Cung (xưa gọi là Tử Cấm Thành), xây từ năm Vĩnh Lạc thứ tư triềuh Minh (1406) và hoàn thành vào năm 1429. Cố cung vốn là Hoàng cung của 24 Hoàng đế triều Thanh, được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật rộng 7,2 ki lô mét vuông, xung quanh bao bọc bằng một đường hào rộng 50 mét, tường thành cao hơn 10 mét, với hơn 9.900 gian điện, phòng the bí hiểm… Là cung vua lớn nhất thế giới, một trong những công trình kiến trúc cổ và hoàn chỉnh nhất Bắc Kinh. Điểm di tích lịch sử vô cùng quý giá và vĩ đại về nghệ thuật văn háo cổ Trung Hoa.
Rời Bắc Kinh 18 ki lô mét về phía tây, tôi đến Di Hòa Viên, một thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, lòng bỗng lắng lại trước vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ của chốn này. Di Hòa Viên rộng 267 héc ta, lấy núi Vạn Thọ làm trung tâm, phía trước núi là hồ Côn Minh. Từ phía đông đi vào gặp điện Nhân Thọ, một công trình kiến trúc lớn và bề thế nhất ở đây. Điện xây dựng vào năm Càn Long thứ 15 (1750), đến năm Quang Tự thứ 16 được xây lại, đổi tên là Nhân Thọ. Đây là nơi Từ Hy Thái Hậu và vua Quang Tự tiếp các đại thần và giải quyết công việc.
Điểm nổi bật nhất của Di Hòa Viên là dãy hành lang mái ngói cuốn, cột và khung bằng gỗ, có trạm trổ hoa lá gọi là Trường Lang. Phía đông bắt đầu từ cửa Kích Nguyệt, phía tây tới đình Thạch Văn, tất cả dài 728 mét. Trên hai vách Trường Lang có hơn 8.000 bức tranh, miêu tả phong cảnh Tây Hồ cùng những sự tích lấy từ các truyện cổ Trung Quốc như: Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Sương Ký, nét vẽ sinh động tinh xảo… Vào năm 1860, khi liên quân Anh – Pháp tràn vào Bắc Kinh đã đốt phá các cung điện. Năm 1888 để tổ chức 60 năm ngày sinh của mình, Từ Hy Thái Hậu (còn gọi là Tây Thái Hậu) đã dùng toàn bộ ngân sách xây dựng lượng hải quân với hơn 30 triệu lạng bạc để xây dựng nơi này làm nơi nghỉ mát và đặt tên là Di Hòa Viêm. Năm 1900 liên quân 8 nước đế quốc lại kéo tới đốt phá một lần nữa, sau đó nhà Thanh đã sửa chữa lại với quy mô như ngày nay.
Đến Trung Quốc lần này, với thời gian eo hẹp, tôi đúng là kẻ “Cưỡi ngựa xem hoa” có được vài trang viết, vài tâm sự cũng chỉ là hời hợt, không đầy đủ, xin bạn đọc coi đây là bước đầu khám phá của người viết đối với một đất nước núi sông liền kề.
Trở lại với Bắc Kinh, ngoài những kỳ quan bề thế, những lăng tẩm, cung điện, đền đài to tát… mà tôi đã chiêm ngưỡng, còn lại trong tôi là một Bắc Kinh hiện đại, đang có chủ trương xanh hóa, với số dân là 21.707 triệu người, GDP đạt 140.760 NDT (tương đương 21.261 USD đầu người). Thành phố là nơi đặt trụ sở của hầu hết các Doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất Trung Quốc và là đầu mối giao thông chính của các hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đường sắt cao tốc. Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh là một trong những sân bay lớn nhất thế giới… Đọc trong tài liệu tôi còn biết thêm về hai công dân Việt Nam đến giờ vẫn được người dân Trung Quốc tôn trọng và ghi nhớ, một là Kiến trúc sư Nguyễn An người đã góp phần quan trọng thiết kế, xây dựng Thiên An Môn lịch sử. Hai là tướng Nguyễn Sơn người đã có công lao trong công cuộc kháng chiến, giải phóng và xây dựng đất nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa… Còn là những câu chuyện về tình cảm của người dân Trung Quốc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà tôi chưa kịp kể ra. Đêm Bắc Kinh huyền diệu, lung linh trong ánh điện chói lòa, thành phố náo nhiệt và trật tự, những hàng cây bên đường ướt đẫm mưa đêm, lấp lánh trong ánh điện muôn màu…
13/5/2024
Cao Xuân Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...