Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Hoa và vườn

Hoa và vườn
Lời nói đầu
của Dịch giả từ Pháp văn ra Việt văn
Trong quyển sách nhỏ này, tác giả, C. Jinarajadasa, một nhà đạo học cao thâm, mượn một câu chuyện lý thú, ngộ nghĩnh, dầu trẻ em đọc cũng thấy vui tai, nhưng nghĩa lý rất sâu xa, mầu nhiệm, để tả một xã hội lý tưởng, một đời sống hồn nhiên, đầy thi vị và đạo vị, sẽ thực hiện ở tương lai trên mặt địa cầu [1].
Ai là người ước mong thời đại hoàng kim hoặc cảnh thiên đàng cực lạc tại thế, tưởng cũng nên đọc kỹ quyển sách nhỏ này hầu suy cứu những điều kiện sinh tồn và tư cách của dân sự sinh sống ở thời đại nói trên cùng với những bí quyết để tu tâm luyện chí, hầu góp tay xây đắp một xã hội mới, một văn minh mới, vừa giúp cho sự tiến hóa riêng phần mình, vừa giúp cho sự tiến hóa chung của nhân loại sớm thành tựu như cơ trời đã định.
Muốn rộng đường nghiên cứu, chúng tôi sẽ lần lượt cho ra những sách cùng một tôn chỉ ở đây: tìm hiểu những luật thiên nhiên chi phối con người và võ trụ để sống thuận với cơ trời, cùng đồng loại và vạn vật nương đỡ lẫn nhau, chung sống và tiến hóa.
Quá khứ xây đắp cho hiện tại, và hiện tại gầy dựng cho tương lai. Muốn có một tương lai tốt đẹp, chúng ta cần phải chuẩn bị và xây dựng ngay trong hiện tại.
BẠCH LIÊN và NGUYỄN VĂN NHUẬN
I/ Hoa
Tôi vừa trải qua một giấc mộng rất lý thú và linh hoạt cho đến đỗi đã tỉnh hẳn rồi mà tâm hồn tôi vẫn còn sống trong cơn mộng đó. Tôi mơ thấy một xứ và một dân tộc lạ lùng mà dường như đó chính là xứ sở của tôi và tôi là công dân của xứ đó; và cho đến bây giờ, trong khi viết ra, tôi hãy còn cảm giác là tôi kể lại một khoảng đời của tôi đang sống hơn là xử dụng trí tưởng tượng của tôi.
Đôi khi có những ý tưởng phất phơ trong không khí mà ta cảm thấy dường như có thể sờ nắm được. Nhiều lần tôi đến viếng nhà máy điện, nơi đó ấn tượng về sự chuyển động quá mãnh liệt cho đến đỗi dường như tôi có thể cảm thấy được sự chuyển động đó, mặc dầu con mắt tôi thấy mọi nơi đều êm đềm, không có một chút gì động địa cả. Cũng mường tượng như thế, trong cái xứ mà tôi mộng thấy đây có một vài ý tưởng tuy vẫn vô hình, không sờ nắm được như áp lực của không khí bao quanh ta, nhưng dường như ta thấy nó rung động ở trong tất cả cái chi có sự sống.
Trong những ý tưởng nói trên, có hai ý tưởng chiếm một địa vị ưu thế: đó là ý tưởng về Nhi đồng và Phụ lão.
Dầu đi đến đâu cũng thấy tất cả mọi người, từ đàn ông đến đàn bà, đều bị ám ảnh bởi quan niệm này: Quốc gia lập ra là để lo lắng cho trẻ nhỏ được sung sướng. Sự lo nghĩ về doanh nghiệp hay vui chơi không làm bận lòng họ. Họ chỉ chú ý đến một mục đích mà thôi. Làm thế nào cho trẻ nhỏ được sung sướng hơn cảnh sống của chúng nó hiện thời ? Tất cả mọi việc đều nhường bước cho sự lo nghĩ đó.
Cũng như chúng ta, sáng nào cũng đọc trong nhựt báo những tin tức về công việc làm ăn, trò vui giải trí, chánh trị, văn chương hoặc mỹ thuật, tùy theo sở thích của mỗi người trong chúng ta thì trong xứ đó, mỗi buổi sáng, tất cả đàn ông chí những đàn bà ai nấy đều lo tìm kiếm một cách hăng hái trong thế giới coi có những ý tưởng nào mới mẻ liên quan đến hạnh phúc của trẻ con chăng?
Công dân của xứ sở này cho rằng quốc gia không phải là do họ làm ra, và trái lại quốc gia là do con trẻ tạo thành. Tư tưởng của họ về vấn đề này rất rõ ràng, nó là quan niệm chủ yếu, hấp dẫn. Tất cả công việc hằng ngày của họ, tất cả công việc quốc gia đều hướng về mục đích hạnh phúc của trẻ nhỏ. Làm sao cho trẻ con được vui vẻ và sung sướng, không phải từng lúc từng cơn, mà giờ phút nào trong ngày cũng thế. Đối với họ đó là: “Pháp luật và các đấng Tiên tri”. Tất cả những gì làm cho một đứa trẻ được hạnh phúc, họ đều xem như là một đức tốt cả. Đối với chúng ta thì quê hương là đất nước của tổ tiên chúng ta, còn đối với họ thì trái lại, quê hương là: “đất nước của con trẻ”. Ở xứ ta thì lòng ái quốc hay là “Phụng sự quê hương” biểu thị những nghĩa vụ và đức tính của công dân. Ở xứ đó thì tất cả đều gồm trong câu: “Phục vụ trẻ con”.
Trong khi mà bực lão thành chỉ nghĩ đến nhi đồng thì đổi lại với một cách kỳ lạ trẻ con cũng luôn luôn nghĩ đến những bực tiền bối của chúng. Người ta dạy trẻ nhỏ biết rằng: có cái gì huyền bí làm cho người đàn ông hay người đàn bà được kính nể khi họ đã quá một hạn tuổi nào đó, trong thời kỳ ấy sức lực của họ bắt đầu giảm suy. Người ta dạy trẻ con phải kính nể, tôn trọng những bực tuổi tác cũng như ngày nay chúng ta kính nể tôn trọng những bực anh hùng của tổ quốc với sự hảnh diện và lòng sùng bái. Dường như bọn nhi đồng xem lời nói của bực lão thành là những lời châu ngọc và cái đặc quyền được phụng sự họ chắc chắn là một danh dự lớn nhứt mà một đứa trẻ có thể ước mong. Cố nhiên bọn trẻ con có một thâm tình nồng hậu đối với những kẻ cùng một thế hệ với chúng hoặc những người sanh trước chúng nó một thế hệ như cha mẹ, chú bác, cô dì. Tuy nhiên, có điều này cũng lạ: chúng nó thích phụng sự những ông bà sanh ra một hay hai thế hệ trước cha mẹ chúng nó.
Dĩ nhiên, xứ đó có rất ít cảnh bần cùng, khốn khổ hoặc không có nữa. Đến một tuổi nhứt định thì đàn ông cũng như đàn bà đều từ giã cuộc đời hoạt động, chánh phủ cung cấp cho họ một đời sống yên ổn để đền đáp công khó nhọc của họ vì họ là người công dân cần cù siêng năng trong lúc tráng niên. Tuy nhiên, sự tôn kính của bọn thanh niên đối với hạng lão thành còn đáng chú ý hơn là vấn đề no ấm của họ đã được bảo đảm. Trong bọn thiếu nhi đến tuổi trưởng thành, cũng có người tài giỏi hơn bực tiền bối của chúng, và chúng cũng tự biết điều đó lắm. Tuy nhiên chúng không vịn vào đó mà sanh lòng ngạo mạn và tỏ ý khinh rẻ bực già cả chút nào,  đến tuổi trưởng thành chúng vẫn còn giữ thái độ đó và vì thế chúng rất kính cẩn  đối với bực tiền bối và có lòng muốn làm việc cho họ. Mỗi công dân đều tự xem có bổn phận đối với bực phụ lão và những người tàn tật, sau bổn phận đối với nhi đồng.
Họ có một tôn giáo, nhưng “hình tư tưởng” của họ thật quá mới lạ cho nên khó diễn tả được. Luôn luôn tư tưởng về bông hoa thấm nhuần ý niệm của họ về những điều gì cao thượng và tốt lành. Họ nghĩ rằng mỗi cá nhân đều có trong người mình một đóa bông hoa đương nở lần lần. Họ gọi đó là “Hoa trong người” cũng như chúng ta nói “Linh hồn của con người” vậy. Khi một kẻ nào làm được một việc lợi tha thì họ nói rằng “Hoa của kẻ đó nở” và khi kẻ đó chết, họ nói: “Y đã thấy Hoa của y rồi”. Họ tin tưởng nơi một Trí năng tối cao điều khiển mọi vật và họ gọi Đấng đó là: “Hoa của các hoa” [2]
Đối với họ, Hoa trong cảnh thiên nhiên có một ý nghĩa mà chúng ta ở cõi trần này không khi nào nghĩ đến. Họ xem mỗi đóa hoa như một tấm gương của một đức  tánh và nghĩ rằng: “Hoa trong người có ba cách nở khác nhau; bởi quyền năng, bởi minh triết hoặc bởi tình thương. Mỗi cách gồm có hằng trăm đức tốt, mỗi đức tốt phản chiếu trong một đóa hoa. Mỗi khi một người nam, một người nữ hay một trẻ nhỏ thấy một đóa hoa là họ hiểu ngay một trong ba ý nghĩa của đóa hoa đó; hoa này biểu lộ tánh dứt bỏ (đoạn tuyệt), hoa khác biểu lộ đức khiêm tốn, hoa khàc nữa có nghĩa là vui vẻ hy sinh. Họ cảm thấy hoa trong thiên nhiên ảnh hưởng đến hoa trong lòng họ và giúp cho chúng nó nở ra, vì thế chung quanh họ đều có đầy những hoa.
Tất cả danh từ họ đặt cho hoa nhắc nhở họ các giai đoạn của cuộc đời.
Cũng như chúng ta có những tên “Ái tình trong đám mây”, “Ái tình bị tổn thương”, “An lạc trong tâm hồn”, họ có những câu đặt tên cho hoa của họ; thí dụ: hoa này tên: “Hãy hôn nhau và làm bạn với nhau”; hoa kia tên: “Thì thầm êm dịu”, hoặc là: “Nụ cười của trẻ thơ”. Đối với hoa “Đừng quên tôi”, [3] của chúng ta, họ có một thứ hoa tên là “Tìm ánh sáng” nó làm những người yêu nhau rất ưa thích. Hoa ái tình của họ là hoa hồng rừng, họ gọi là hoa “Mọi người là anh”. Những cặp tình nhân trao đổi hoa này với nhau để tỏ lời hứa hẹn. Hoa thánh của họ là một loại hoa: “Mọi người là bạn” đã được vun trồng từ lâu năm trong vườn. Họ gọi là “Tâm hoa” và đem dâng cúng cho “Chúa hoa” trên những bàn thờ. Họ đồng hóa hoa với tuổi ấu thơ một cách huyền diệu. Chính hạng trưởng thành, đàn ông, đàn bà đào đất gieo hột, dưỡng cây non, cây leo và làm các công việc vườn tược, nhưng họ nghe theo lời chỉ vẽ của trẻ con như nghe những tay làm vườn chính thức.
Ý kiến của trẻ con trong mọi vấn đề trồng bông hoa được làm theo đúng từng li từng tí. Cách sắp đặt các màu sắc trong những luống đất, những kiểu hình tạo ra trong lúc bắt đầu trồng, sự lựa chọn những thứ cây để gần nhau, tất cả đều do trẻ con chỉ định. Hạng phụ lão cảm thấy hoa có cách nói thấu đến tâm trí trẻ con hơn tâm trí họ, bởi thế họ luôn luôn hỏi ý kiến của trẻ con về bông hoa.
Nhi đồng và hoa chiếm một địa vị quan trọng trong trí tưởng tượng của dân tộc này. Cũng như đối với hoa, họ có ý nghĩ rằng mỗi đứa trẻ là hiện thân đặc biệt của một đức tốt. Bởi vậy, họ hoan hỷ khi thấy một đứa trẻ cũng như chúng ta sung sướng khi xuân về gặp được một đóa hoa trong cánh đồng sau một mùa đông dài đặc và buồn tanh.
Khi đến ngày giờ ái tình chơn thật nẩy nở, đôi trai gái kết hôn với nhau, đều có lòng ước mong sanh nở được nhiều con để ban phúc cho chúng và chăm nom những đức tánh tốt cho chúng nó. Cha mẹ cho rằng một đứa trẻ ra đời đem lại cho họ hai đặc ân lớn: trước hết, họ được chiêm ngưỡng đức tánh tốt do đứa nhỏ tiêu biểu, kế đó, họ có thể phát triển nơi họ đức tánh tốt gợi lên do sự có mặt của đứa trẻ trong gia đình. Họ nói rằng đứa trẻ này phản chiếu tánh ngây thơ, đứa trẻ khác sự trong trắng, đứa thứ ba là hiện thân của lòng vui sống, đứa thứ tư biểu hiệu đức tánh vô giá sẽ đào tạo những bực chỉ đạo quần chúng. Họ cho rằng tánh khôi hài cũng là một đức tốt, nhưng lại nói rằng, nếu cái mỉm cười không có lòng trắc ẩn đi đôi thì chưa phải là khôi hài. Thỉnh thoảng họ gặp một đứa trẻ với những cử chỉ ly kỳ của nó khiến cho họ nhìn thấy và cảm biết được cuộc đời một cách tế nhị hơn và có vẻ hài hước một cách thâm trầm hơn. Họ lưu ý và quan sát đứa nhỏ đó với những khuynh hướng của nó, cũng như chúng ta nghiên cứu một thiên tài vừa nẩy nở.
Khi con cái họ có những lúc tánh khí bất thường, cũng như những trẻ con ngoan nhứt thường có thì họ hiểu rằng, muốn phát triển nơi con trẻ những đức tánh mà nó thiếu sót thì chính cha mẹ nó phải tỏ ra mình có những đức tánh đó trước đã, nếu đứa trẻ có tánh nóng nảy tức thì cha mẹ nghĩ rằng: “Chúng ta phải phát triển tánh nhẫn nại thêm nữa”. Và nếu chính họ thiếu nhẫn nại thì họ không bao giờ trách móc con cái họ đã làm họ nóng nảy. Nếu đứa trẻ cãi lời, họ tự nói: “Chính mình chúng ta biết cái lợi ích của sự vâng lời ít oi làm sao ? Bởi lẽ chúng ta chưa học tập để vứt bỏ dục vọng của chúng ta thì dĩ nhiên chúng ta không làm sao có ảnh hưởng đến ý chí của kẻ khác, xuyên qua dục vọng của họ được”. Và họ cũng lý luận như thế đối với tất cả những sự biểu lộ dễ thương hay khó thương của tánh nết của con trẻ. Trong những sự biểu lộ tốt đẹp, họ nhìn thấy phản ảnh của một đức tốt; trong những sự biểu lộ xấu xa, họ thầm nghe tiếng gọi của một đức hạnh mà họ phải làm cho nẩy nở.
II/ Vườn
Dân chúng trong xứ gọi quốc gia của họ là “vườn của chúng ta”. Sự phân biệt điều thiện và điều ác rất là rõ ràng trong tâm trí họ; vấn đề luân lý, họ cũng còn dùng sự so sánh với hoa.
Bởi thế, mặc dầu họ xem tất cả các hoa như những tấm gương đức hạnh, họ cho rằng: có một vài đức hạnh thích hợp với thời xưa, nhưng lại trở ngại và vô ích cho đời sống hiện tại. Họ phân biệt thứ cây hữu ích với thứ cỏ phá hại, mặc dầu cả hai đều có đơm bông. Khi họ tìm thấy một cây cỏ dại trong vườn thì họ bứng đem trồng lại một chỗ riêng cho nó khỏi chết. Họ giữ cho nó sống nhưng không để cho nó trổ hoa và sanh nở hột giống mới nữa.
Họ hiểu rằng chính những cỏ dại cũng có địa vị của chúng trên thang tiến hóa. Chúng nó là những cái khoen trong sợi dây xích dài của sự sống và chính nhờ những khoen đó mới có những bông hoa tốt đẹp hơn. Họ xem những cây cỏ dại như những sự việc rất tự nhiên, chúng nó có quyền sống ở một nơi riêng biệt, nhưng không có quyền sanh sôi nẩy nở trong một thời đại không còn thích hợp cho những cây cỏ dại nữa.
Họ đem tư tưởng trên đây áp dụng cho luân lý, khi có kẻ nào làm quấy, họ nói: “Đó là một thứ cỏ xấu trong miếng vườn của y, y phải bứng nó đem trồng chỗ khác đặng cho nó đừng gây hại trong Miếng Vườn của Chúng ta”. Họ không có chút oán hờn nào đối với điều quấy, họ xem điều quấy như một việc rất tự nhiên, nhưng họ cho đó là một sự sống sót của thời quá khứ mà ta không nên để cho nó lợi dụng tình trạng hiện thời, giống như ma cà rồng hút bớt sanh lực cần thiết cho những bông hoa xứng đáng.
Họ cho rằng danh dự của họ buộc họ phải luôn luôn xem “thứ cỏ dại” trong một người như một sự sống sót bất ngờ, không còn hợp cho người đương thời nữa. Mặc dầu tội lỗi đã phạm nặng đến đâu, họ cũng tự thấy có bổn phận đừng qui tội lỗi cho phạm nhơn. Không phải họ đui mù đến nỗi không thấy sự thật và không biết những tai hại của sự ác, nhưng họ có một tin tưởng kỳ lạ là quá khứ không phải không thể sửa đổi và thay thế được. Họ tin chắc là đối với mỗi người và đối với tất cả mọi vật, quá khứ đều có thể sửa đổi được. Họ không tin là phải đền tội quá khứ bằng những hành động vị lai, họ cố thử sửa đổi quá khứ cách nào đặng cho sự ác cũng như không có xảy ra vậy.
Tất cả tư tưởng này rất mới mẻ và rất cách mạng, cho đến đỗi nếu đem so sánh với quan niệm thông thường của chúng ta thì rất khó mà giải ra cho rõ ràng. Muốn hiểu được phương cách họ dùng để sửa đổi quá khứ, chúng ta hãy thí dụ một người kia đã phạm một trọng tội; lúc bấy giờ quan tòa sẽ quyết định tội nhơn phải làm một công vụ đặc biệt để bù lại lỗi lầm của anh đối với quốc gia. Trong pháp luật của dân xứ này không có quan niệm trừng phạt, quan niệm trọng yếu là sự điều chỉnh cũng như trường hợp mà đòn cân đã mất thăng bằng. Nhưng trong khi phạm nhơn làm việc để tái lập sự quân bình thì tất cả mọi người từ thẩm phán, công chúng, cho đến chính mình tội nhơn cũng xem như trong quá khứ không có xảy ra điều gì gây nên tai hại cả. Trái lại, mỗi người do theo những điều mình đã nhận thức về sự kiện đã xảy ra, hồi tưởng quá khứ từ chi tiết này đến chi tiết khác, đến những chỗ nào có những yếu tố tai hại phát hiện thì họ xem như những yếu tố đó không có phát hiện và do đó, không có kết hợp lại để tạo thành một trọng tội. Đôi khi phạm nhơn hiểu rõ hơn ai hết, tại sao cỏ dại lại trổ hoa nơi tâm địa mình, những điều kiện nào đã giúp cho nó nẩy nở ? Đôi khi, người khác biết rõ hơn tội nhơn. Nhưng dầu người nào biết thì người đó cũng rút bỏ những sợi chỉ đã cấu thành hình dệt trên khung cửi của thời gian để đem những sợi chỉ mới thế vào. Họ nói rằng đó mới là cách chuộc tội thật sự, bởi vì nó như thế, tội lỗi mới xóa được và không còn gây ra tai hại nữa.
Như thế, mỗi cá nhân chẳng những sống trong hiện tại mà còn sống trong quá khứ nữa, để xem xét bức hàng đã dệt rồi ở trên khung mà chúng ta tưởng là nó đã được xong xuôi. Họ thấy lại quá khứ với ánh sáng của tánh tình cương nghị hơn trước và của sự khôn ngoan đầy đủ hơn trước. Trong khi chúng ta đưa mắt nhìn về tương lai chất chứa tất cả hy vọng của chúng ta, thì dân tộc này lại ngó trở về quá  khứ và tìm được sự yên tịnh và sự an ủi.
Họ không nghĩ đến tương lai và không thiết lập những kế hoạch gì về tương lai cả, họ nói rằng “Hoa trong Người” sẽ lớn lên theo cách thích ứng của nó, nếu quá khứ được rực rỡ thì sự tăng trưởng cũng do đó mà được rực rỡ luôn luôn. Họ nói rằng người làm vườn không cần phải lấy tay banh mở các cánh hoa để cho hoa nở. Hoa sẽ tự nở lấy nếu người làm vườn cung cấp cho nó đúng thời tiết những gì cần ích đặng nó lớn lên. Quan niệm của họ đối với tương lai, trong cõi đời này hay là trong cõi khác như thế này: “Cái hoa của tôi sẽ nở theo cách mà Hoa của các Hoa [4] đã chỉ dạy nó.
Một dân tộc biết thương con trẻ như thế ấy và chung quanh mình họ bao bọc những hoa, thì không cần nói cũng biết là họ rất dồi dào trực giác, có thể nói là nét đặc biệt hơn hết của họ. Theo quan điểm đó, không có sự phân biệt giữa nam và nữ, đàn ông đàn bà thảy đều cảm nhận được những gì thoát ra ngoài vòng ý thức bình thường, đối với sự kiện hiện tại cũng như đối với những biến cố ở tương lai ? Ngoài những sự khác nhau về sinh lý do thể xác tạo ra thì dường như không có điều gì phân biệt một nam nhơn với một phụ nữ trong cách tư tưởng và cảm giác cả. Bên nam nhơn không tự hào về tri thức của mình và hàng phụ nữ cũng không cho là mình có cảm giác sâu sắc hơn nam nhơn. Nhưng một điều mà cả hai phái đều biết rõ là có hai thứ trí năng: Một giác quan thông thường mà người ta phải dùng trong những tình cảnh thường ngày và quen thuộc, và một giác quan đặc biệt phải đem ra dùng khi mà tất cả những yếu tố cần thiết của một vấn đề hiện không có trong trí. Giác quan đặc biệt này là trực giác và họ nhận thức những sự biểu lộ của nó đủ hết mọi cách. Khi mà không có một tia trực giác nào nháng ra, thì họ dùng trí óc biện luận theo lối bình thường. Nhưng một khi trực giác phát hiện thì họ không kể đến những sự gì phản đối trực giác và cứ mạnh dạn cư xử theo đường lối mà trực giác đã tiết lộ cho họ. Họ nói rằng trực giác là sự thừa nhận “Chúa Hoa” cao quí của “Hoa trong Người”.
Một trong những kết quả của trực giác đem lại cho họ là họ không có óc phê bình, chỉ trích. Mới xem qua thì điều này hình như là sự biếng nhác của trí óc, nhưng nếu xét kỹ thì người ta nhận thấy tính khoan dung của họ vốn căn cứ nơi lòng tin tưởng sâu xa. Họ nói rằng “Hoa trong Người” vốn biết số phận vị lai của nó và nó sẽ nở đúng theo luật của bản thể nó đã định. Thế thì, chỉ trích cách nẩy nở của một đóa hoa chỉ là một sự phỏng đoán tầm thường. Sự quan sát của họ về đời sống của loài thảo mộc rất bổ ích cho họ trong sự suy luận. Họ chiêm nghiệm thấy những hoa cùng một giống cũng có sự biến đổi đôi chút, về màu sắc và hình thể, và do một lẽ huyền bí, những sự biến đổi này hay những sự biến đổi kia được giữ lại mãi để về sau sanh ra một giống hoa mới. Vậy thì sự biến đổi không những là chuyện tự nhiên mà còn là một yếu tố mà người ta cần phải nghiên cứu bởi vì nó có thể gây thêm một loại tân hoa. Khi họ dòm thấy cách tư tưởng và hành động của người khác mà họ không giải thích được thì họ cũng lập luận như trên. Những kẻ có tánh tình khó hiểu không bị xem như kẻ mất quân bình mặc dầu là họ bất thường, bởi lẽ chỉ trong bất thường mới có hy vọng để tiến tới một sự hoàn thiện, những kẻ đó được người ta để tâm nghiên cứu hơn là trách cứ vì họ hành động không giống lề lối thường tình.
Hơn nữa, với trực giác chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống của họ, mỗi người đều nhờ kinh nghiệm mà biết rằng khi họ nghe theo trực giác và tiến theo con đường mà họ cho là con đường thẳng, thì đối với con mắt của người bàng quan, hình như họ đi lạc đường và cũng không đi đến một mục đích với y. Biết rằng con người rất dễ lầm lạc và do đó, rất dễ bất công, cho nên khi thấy ai chỉ trích một người nào, họ nói: “Anh hãy xem các hoa  nẩy nở mà tìm lấy bài học trong đó. Bổn phận của anh là phải tự phát triển con người của các anh chớ chẳng phải dạy kẻ khác phát triển như thế nào”.
Đặc tánh của dân tộc này có một kết quả thấy rõ ràng. Một mặt thì họ hay tự xét mình và hay suy nghĩ, và một mặt khác thì họ lanh lẹ và đầy vẻ tự nhiên. Dầu khi đến tuổi già nua, họ vẫn còn giữ đôi chút tính cảm thụ đó đối với những cảm giác mới lạ của tuổi trẻ thơ. Trẻ cũng như già đều có cái mỉm cười quyến rủ lạ kỳ, cái mỉm cười của những tâm hồn không sợ chi cả, đương sống viên mãn trong phút hiện tại và mơ màng nhận thấy mình hiệp nhứt với vạn vật.
Họ không tham vọng, vì thế, có lẽ họ không được cường thịnh nhưng trái lại, trong địa hạt tư tưởng và tình cảm thì họ hoàn toàn tự nhiên và đầy vẻ thanh nhã. Họ sống cuộc đời của họ như hoa sống cuộc đời của hoa, họ ứng đáp lại sự vui buồn một cách ngây thơ chất phác; người ta có thể gọi họ là trẻ con, nhưng chỉ đúng có một phương diện. Trong cuộc đời gần như trẻ con của họ, thỉnh thoảng “Hoa trong Người” biểu lộ nét chí thiện của tư tưởng, của tình cảm hay là của sự hành động, mỗi sự biểu lộ đó thêm vào cuộc đời một chút gì mà trước kia chưa từng có, bởi lẽ đương thời “các hoa” tiết lộ những tia sáng đẹp đẽ của “Chúa Hoa”.
So sánh với chúng ta thì dân tộc trong giấc mộng của tôi có thể gồm toàn là những trẻ thơ, song mỗi đứa trẻ thơ đều có một tia sáng thiên tài bên trong. Mỗi tia sáng đó đều khác với tia sáng kia. Sống giữa họ giống như sống giữa thời kỳ rực rỡ của một đại chu kỳ nghệ thuật. Họ không đứng riêng ra ngoài cuộc đời, đặng nhìn cuộc đời đi qua một bên họ. Họ cảm thấy rằng nguồn sống xuyên qua họ để sáng tạo, nên họ nhập vào tinh thần của sự sáng tạo đó một cách dịu dàng, giản dị. Nếu vì lẽ thiếu lực lượng nên họ giống như trẻ thơ và tánh tình họ chất phác như những người cổ sơ thì trên phương diện khác, mỗi người của họ là vị sáng lập viên một trường mỹ thuật riêng tư của họ, không ai giống ai cả.
III/ Những người làm vườn - Đầu Óc
Trong xứ của tôi mộng thấy đây, có một nhóm nhỏ gồm những người mà dân chúng gọi là những Người làm Vườn. Chính những người này nắm quyền thống trị cũng như chính phủ chúng ta vậy. Quả thế, dân tộc này đã xem quốc gia như một miếng vườn thì lẽ tự nhiên, họ phải xem những vị lãnh đạo của họ như là những Người làm Vườn.
Những Người làm Vườn làm ra một giai cấp, hay nói cho đúng hơn, một môn phiệt riêng, họ khác với những tâm hồn hơi trẻ con của dân chúng. Thật sự họ là những nhơn vật tưởng tượng dồi dào và tánh tình cứng rắn. Ít có người nào trong xã hội hiện kim của chúng ta có lòng vị tha và có lý tưởng bằng họ.
Nhóm của họ rất ít nhưng quyền chỉ huy tất cả mọi việc trong nước đều ở trong tay họ. Ý chí của họ hoàn toàn hướng về một mục đích duy nhất: chỉ lo nghĩ đến hạnh phúc của những linh hồn đã được giao phó cho họ. Có thể so sánh họ với những ngón tay của một bàn tay khổng lồ; cố nhiên dân chúng tin tưởng và vâng lời họ. Họ nắm được quyền hành chẳng phải bằng võ lực mà bằng sức mạnh của lòng hy sanh. Cũng như đến đầu mùa Xuân, nhựa tràn đầy trong cây cỏ, mầm cây nứt thành hoa lá thì trước mặt một Người làm Vườn của xứ đó, đàn ông, đàn bà và trẻ con dường như mở rộng tình thương, dồi dào đức minh triết và đầy đủ năng lực. Dân chúng biết rằng những Người làm Vườn thuộc về một nòi giống riêng biệt và những “Hoa” của mấy người này do một con đường huyền bí nào đó mà được ở gần Thượng Đế hơn họ. Trong những Người làm Vườn đó, có hai người đứng đầu, được xem như là những vị thủ lãnh, thiên hạ gọi Hai Ngài là “Đầu óc” và “Trái tim”. Dường như chức vụ của “Đầu óc” là ban bố quyền lực và chức vụ của “Trái tim” là ban bố tri thức, hai điều cần thiết để cho dân chúng làm tròn công việc mỗi người.
Xã hội này sống trên thế gian như một đơn vị nhỏ giữa nhiều quốc gia khác nhau. Sự cạnh tranh để sanh tồn vẫn còn là một định luật của sự sống; dân tộc có tâm hồn ngây thơ tạo thành cái xứ mà tôi mộng thấy đây cũng sẽ bị tiêu diệt nếu họ không đủ tư cách để bảo tồn địa vị của họ giữa thế gian. Mặc dầu đời sống ở đó giống như sự tăng trưởng của hoa, song nó cũng rất nghiêm khắc, hầu giữ vững nền nếp giữa họ và các dân tộc khác. Sự thuận tiện càng tăng gia về đường giao dịch và thương mãi, sự chiến đấu thường xuyên để thải trừ ra khỏi tạo vật những gì có hại cho xã hội, tất cả điều đó bao hàm bao nhiêu nhiệt tâm hoạt động của cá nhơn cũng như của quốc gia. Nhiên hậu, nếu những hoạt động đó không được điều khiển khéo léo thì nó có thể biến đổi tinh thần dân chúng một cách triệt để. Chính “Đầu óc” có phận sự tổ chức và điều khiển những hoạt động đó thế nào để cho quốc gia bảo tồn được sự thịnh vượng chung, còn dân chúng thì tiếp tục phô bày vẻ đẹp muôn màu và thưởng thức mùi hương thơm ngát của miếng vườn sắp đặt có thứ tự hẳn hoi.
Ngoài sự tổ chức những hoạt động của dân chúng là phận sự của những Người làm Vườn dưới quyền điều khiển của vị “Đầu óc” tức là Thủ lãnh, vị này còn ban cho dân chúng một phần năng lực để họ có thể nhờ đó mà thực hành những điều đã trù hoạch dù trong địa hạt của tư tưởng, của cảm giác hay là của hành động. Vị Thủ lãnh tỏa ra chung quanh mình tình thương yêu, âu yếm và thiện cảm như hết thảy những Người làm Vườn khác, nhưng tất cả đều nhìn nhận rằng Ngài có một quyền năng tuyệt điệu, mà chỉ một mình Ngài có được mà thôi. Ngài đi ngay đến mục đích và đạt mục đích, bất kể mọi chướng ngại. Ngài thấy tức khắc phương sách nào là lương hảo phải dùng vào công việc định làm. Ngài chỉ để ý đến những nỗi trắc trở và những chướng ngại một cách qua loa mà thôi. Dường như Ngài là hiện thân của một lực lượng vô phương chống đỡ, nó quét sạch những mối chướng ngại.
Đôi khi Ngài gặp phải một sự khó khăn mà lực lượng của Ngài xử dụng không vượt qua nổi, Ngài cũng không xoay qua một phương hướng khác để tìm một con đường dễ dàng hơn. Lúc bấy giờ, hành động của Ngài giống như một luồng điện khi gặp phải một sức đề kháng, liền tăng cường độ, để cuối cùng đánh tan tất cả những gì chận đứng nó. Sự đình chỉ tạm thời và sự hao tán lực lượng do sự nỗ lực để thắng chướng ngại dường như không cảm kích ý chí của vị Thủ lãnh. Đối với Ngài, tình trạng đó cũng giống như khi một nhà máy trong các nhà máy điện của Ngài bị tiêu diệt, thì Ngài có sẵn dưới tay một thác nước khổng lồ Niagara và khi cần đến thì Ngài có thể dùng lực lượng đó để huy động cả trăm nhà máy điện khác sẵn sàng để cho Ngài dùng.
Mục đích của vị Thủ lãnh là truyền tinh thần của Ngài vào tinh thần của dân chúng và sống giữa họ để dạy mỗi người phải làm công việc như thế nào. Dầu công việc của một cá nhơn thuộc về ngành nào, vị Thủ lãnh đều hiểu rõ nguyên tắc của công việc đó, không khác nào một ông thầy trong một nghiệp đoàn. Ngài đạt được kết quả như thế là do nơi thiên tư mẫn thiệp biết điều khiển tất cả mọi vật cho hòa  hiệp với ý chí của Ngài hơn là nhờ sự thông thạo về công việc đó.
Chính cái thiên tư đó là cái mà Ngài cố gắng truyền qua cho dân chúng đôi chút để dạy họ luôn luôn tỏ ra có một ý chí tích cực trước mỗi công việc đưa đến. “Tôi có thể” và “Tôi không có thể” là những câu mà Ngài không muốn nghe; chúng nó có tánh cách tiêu cực, Ngài ưa một thái độ tích cực trước những thế lực của cuộc đời, và thích nghe người ta nói “Tôi muốn” hay là “Tôi không muốn”, tùy theo sự phán đoán hay là mục đích của họ.
Vị Thủ lãnh không đọc trước công chúng thông điệp của Ngài và ít khi Ngài giải nghĩa nó. Phương pháp thông thường của Ngài là đưa ra một mạng lịnh hết sức vắn tắt, giản dị, gồm vài chữ, giống như quân lịnh vậy. Tuy nhiên phía sau mạng lịnh đó không có một sự hăm dọa trừng phạt nào đối với sự bất tuân. Tuy nhiên dầu sự thi hành mạng lịnh đó, gặp những nỗi khó khăn thế mấy đi nữa cũng không có ai bất tuân cả.
Nói rằng: nhận được mạng lịnh của Thủ lãnh thế là đủ; bởi vì kẻ nào nhận được mạng lịnh, đồng thời cũng nhận được năng lực để thi hành. Đó là cái đặc sắc nhiệm mầu của vị Thủ lãnh, cũng như có những vị tỏa ra quanh mình đức từ bi, những vị khác, đức minh triết, còn Ngài thì Ngài tỏa ra quyền lực.
Đứa trẻ khóc than vì món đồ chơi của nó hư bể, vị Thủ lãnh an ủi nó và dạy nó cách sửa chữa lại. Nó liền đi sửa chữa và cảm thấy món đồ chơi của nó quí giá thêm hơn bởi vì như thế món đồ chơi chứa đựng một cái gì của chính mình nó. Kẻ nào ngã lòng trước một công việc mà y thấy dường như quá sức y thì khi được vị Thủ lãnh khuyến khích, phù trợ, y có thêm một phần ý chí bổ túc cho y, để y có thể   nghĩ ra những kế hoạch và thực hiện những kế hoạch đó.
Trong phái nam nhơn và phụ nữ của xứ này, chỉ có một số rất ít người bắt chước vị Thủ lãnh trong phương pháp hoạt động bằng sức điện của Ngài. Phần đông, họ thích trù tính coi phải làm thế nào để tránh mối trở ngại này hay mối trở ngại khác, hoặc lợi dụng cơ hội này hay cơ hội kia. Nhưng ai ai cũng đều kính nể phương pháp của Ngài, bởi vì dường như chúng nó tiết lộ cho họ thấy đôi chút Đấng Thiêng Liêng toàn năng ngự trong mình họ. Họ gắng sức tùy theo khả năng của họ để nghiên cứu kỹ thuật của Ngài và họ tìm thấy trong đó một sự phấn khích mãnh liệt cho trạng thái ý chí của bản tánh họ, khi mà họ nhận thấy rằng hành động của Ngài đương nhiên đưa đến sự thành công một cách trực tiếp nhứt và mau lẹ nhứt những điều gì mà họ đã suy tính. Tuy ít ai hiểu rõ Ngài, nhưng tất cả đều cảm biết rằng mỗi khi họ tiếp xúc với Ngài là in như họ đã bị thu hút vào trong một “điện từ trường” vô tận, họ tìm thấy rằng nếu họ biết cách xử dụng thì họ có thể biến đổi từ khí đó thành ra năng lực động tác.
Còn phận sự của Trái tim là chỉ cho dân chúng biết, mỗi người phải kiến tạo trong tâm trí của mình thứ máy biến điện thích đáng để lợi dụng điện lực mà vị Thủ  lãnh ban rải cho họ cả ngày lẫn đêm.
IV/ Những người làm vườn - Trái Tim
Nếu sự hành động của “Đầu óc” đối với dân chúng giống như thế lực của điện khí thì người ta có thể so sánh những hành động của “Trái tim” với thế lực của tia sáng mặt trời.
Trong khi “Đầu óc” tỏa ra năng lực thì “Trái tim” tỏa ra trí tuệ. Nhưng trí tuệ này không phải chỉ là tri thức mà còn gồm sự hiểu biết tất cả nguyên nhân thêm vào một cảm tình nồng hậu và thấm nhuần một quan niệm duy tâm nhiệt liệt. Cũng như Đầu óc ban cho dân chúng năng lực hành động, Trái tim cho họ năng lực mơ mộng. Trái tim chăm lo dân chúng, với tình yêu thương làm cho mỗi người chói rạng ánh sáng tiềm tàng của trực giác. Dưới thế lực của Ngài, các “Hoa” đều đua nở cũng như trong rừng cây nội cỏ, bông hoa đua nở dưới ánh sáng mặt trời.
Điều mà dân chúng nhận thấy trong công việc của Trái tim là lời giáo huấn của Ngài về phương diện duy nhứt mà mỗi người đều có, để làm cho tư tưởng và cảm xúc của mình trở nên những máy biến thế, hữu dụng cho những năng lực huyền diệu do Đầu óc ban ra chung quanh mình họ. Phương tiện duy nhứt đó chính là phải hết lòng Trung thành với Công việc. Trái tim nói với dân chúng rằng “Hoa của các Hoa” (tức là Thượng Đế) không ngớt hoạt động trong cảnh hữu hình và vô hình. Ngày nào mà mỗi công dân đều cố gắng noi gương đóa Hoa vĩ đại của Võ trụ thì ngày đó Hoa trong người mới nở. Thế nên, tất cả đều phải làm việc, bởi vì sự làm việc là sự sống, mà đời sống lý tưởng là phải tăng trưởng giống như đóa Hoa.
Theo lời dạy của Trái tim thì muốn tăng trưởng giống như đóa Hoa, chỉ cần có một điều cần thiết là: tận tâm với công việc của mình. Ngài cắt nghĩa thêm rằng, điều cốt yếu trong cuộc đời là làm việc cho một lý tưởng nào, chớ chẳng phải với mục đích tạo hạnh phúc riêng cho kẻ làm việc.
Hạnh phúc đến luôn luôn do sự tận tâm với công việc và đó là một hạnh phúc còn lưu lại sau khi thân hình và trí não đã tiêu tan. Nhưng đó là đặc quyền của những kẻ nhờ trải qua sự đau khổ và thất vọng mà học được bài học đắng cay này: chỉ có công việc mới đáng kể, chớ chính mình không quan hệ gì cả. Trái tim nói rằng: trong đời sống không có cảm hứng nào vĩ đại hơn là cảm thấy “Hoa của các Hoa” tăng trưởng xuyên qua mình. Mỗi khi người ta nghĩ đến công việc của mình trước hết mọi sự, mà không nghĩ đến hạnh phúc của chính mình là người làm việc, thì đóa “Hoa” võ trụ vĩ đại kia sẽ nở lớn thêm lên. Thật sự, mỗi khi “Hoa trong Người” phát triển tức là “Hoa của các Hoa” tăng trưởng nơi nó và xuyên qua nó, bởi lẽ chỉ có một sự sống cùng ẩn trong “Hoa của các Hoa” và “Hoa trong Người” mà thôi, và sự tăng trưởng của hai bên không chia rẽ được.
Trái tim dạy tất cả mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ con rằng: “Trọn ngày lúc nào cũng phải tăng trưởng như đóa hoa. Bởi vì sự tăng trưởng của dân tộc này thực  hiện trong khi họ làm việc và vui chơi cũng như trong những giờ họ sùng bái “Hoa của các Hoa” trong thánh điện”. Vì thế bất cứ ở đâu, bất kỳ trong công việc gì, mỗi người đều phải cố gắng hành động để lý tưởng hóa việc làm của mình. Trái tim dạy họ ý nghĩa của lý tưởng trong mỗi ngành hoạt động ở đời. Ngài chỉ cho bọn nhi đồng biết rằng trong trò chơi vốn là công việc của chúng thì lý tưởng của chúng chính là ở chỗ quên cái ta nhỏ nhen của chúng đi và hành động thế nào cho toàn thể cuộc chơi được hay được khéo. Bởi vì “Hoa của các Hoa” giỡn chơi xuyên qua con người của chúng: đóa “Hoa” vĩ đại mong muốn chẳng phải sự đắc thắng của một cá nhơn hay của một phe nào, mà là sự tăng trưởng chung của những đóa Hoa, của tất cả những người đã dự vào cuộc chơi. Đồng thời Trái tim cũng dạy cho kẻ trưởng thành biết rằng trong mỗi nghệ thuật, mỗi nghề nghiệp, trong gia đình hay ngoài đồng ruộng, trong phòng việc hay là nơi chợ búa, họ không nên tính toán đến lợi lộc hoặc hạnh phúc riêng tư mà phải cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách hết sức tốt đẹp – Bây giờ: “Hoa của các Hoa” sẽ sống xuyên qua con người của họ trong gia đình hay ngoài đồng ruộng, trong phòng làm việc cũng như ngoài chợ búa. Chính đó là lý tưởng đối với mỗi người và đối với tất cả, đó là phương tiện duy nhứt để cho người làm việc tăng trưởng như đóa hoa tăng trưởng vậy. 
Đối với công việc nào nhờ đó mà “Hoa trong Người” hoạch đắc sự kinh nghiệm và sự khôn ngoan, “Hoa của các Hoa” cũng nương theo đó mà tăng trưởng nếu người ta không gây ra những chướng ngại cho Ngài. Trái tim còn giải nghĩa thêm cho những thính giả kinh ngạc hiểu rằng: “Hoa của các Hoa” muốn tăng trưởng và cần dùng sự toàn thiện của họ để trở nên hoàn toàn hơn trước nữa cũng như họ cần dùng “Hoa của các Hoa” đặng duy trì sự sống của họ. Trái tim còn dạy thêm rằng: nều người làm việc chỉ nghĩ đến công việc của mình chớ không nghĩ đến riêng mình thì luôn luôn anh tìm thấy nơi anh có đủ ánh sáng để chỉ dẫn bước kế đó mà anh sẽ trải qua đặng đeo đuổi theo con đường của anh, và nếu ai dừng bước trên con đường đã trở thành tối tăm quá, thì đó là tự y không thành thật trong những phút hay những giờ đã trôi qua.
Ngài nói rằng: Có tánh chơn thật tức là đo lường mỗi vật với đơn vị thích hợp với nó và sự trắc lượng này phải thực hiện đối với những tư tưởng, những lời nói và những tình cảm. Ngài cũng nói rằng: chỉ nên dùng những danh từ cho thật đúng với ý nghĩa của nó, phải luôn luôn miêu tả mỗi vật hay mỗi biến cố một cách hết sức đích xác mà người ta có thể làm được với khả năng của mình. Từ những lời nói Ngài dắt họ đến những tư tưởng và những tình cảm. Ngài dạy họ phải chơn thật dầu cho những sự vật đưa đến cho họ là thế nào cũng mặc. Ngài cho rằng sự chơn thật trong tình cảm sanh ra sự thiện cảm và sự yên tịnh, còn sự chơn thật trong tư tưởng đem lại sự phán đoán đúng đắn và tánh vô tư: khắp mọi nơi, ở đâu có sự chơn thật trong tình cảm và trong tư tưởng thì ở đó luôn luôn có sự chơn thật trong sự hành động; do đó mới có việc phụng sự.

Nhờ thế và chỉ có nhờ thế, mà trực giác mới hết bị che lấp; thật vậy trực giác là chơn lý đầy đủ hơn hết về một sự vật, nó không thể chói sáng nơi một người nào mà bản tánh không hoàn toàn chơn thật.
Trái tim không ngớt nhấn mạnh về sự hoàn thiện phải được chứng tỏ trong tất cả mọi sự biểu lộ của bản tánh chúng ta. Ngài dạy rằng sự hoàn thiện không phải là một việc phải thu hoạch lần hồi và nặng nhọc; nó vốn có sẵn nơi chúng ta như món gia tài thiêng liêng của chúng ta vậy. Ngài hỏi: trên đời còn có cái gì tuyệt đẹp bằng cái mỉm cười sung sướng của đứa trẻ thơ, hoặc tư thế của nó khi nó nằm ngủ trên tay mẹ nó. Nào nó có học kỹ thuật mỹ lệ với ai đâu ? Thế mà nhà nghệ sĩ dầu cố gắng thế mấy đặng mô phỏng theo cũng phải chịu thất bại.
Nếu vẻ đẹp không có nơi chúng ta, không phải là thành phần chúng ta, thì chúng ta sẽ không sao thấy được vẻ đẹp khắp cả mọi nơi mà chúng ta để chơn đến. Không, chúng ta không phải là khách lạ đối với xứ sở của vẻ đẹp, mà chúng ta lại là những công dân của xứ đó.
Trái tim cũng dạy cho dân chúng thấy rằng sự Hoàn thiện vốn ở nơi chúng ta, và muốn cho nó biểu lộ, chúng ta đừng dựng lên những bức rào ngăn đường đón ngõ. Chúng ta đừng bao giờ thốt ra một lời nói gợi cho kẻ khác ý nghĩ đau khổ hoặc làm sỉ nhục họ; đừng bao giờ dùng một câu nào xen lẫn ác ý, tuy bề ngoài nó có vẻ khôi hài. Như thế, lần lần sự hoàn thiện sẽ phát hiện trong lời nói của chúng ta. Chúng ta hãy nghiên cứu mỗi vật vì sự tốt đẹp của khoa học chớ không phải vì mục đích để tìm hạnh phúc. Như thế tư tưởng của chúng ta sẽ biểu minh một cách tuyệt diệu. Chúng ta hiến dâng hành động của chúng ta để phụng sự đồng bào của chúng ta, như thế, chúng ta sẽ trở nên hoàn mỹ trong sự hành động cũng như “Hoa của các Hoa” vậy. Nhưng rất nguy khốn cho chúng ta nếu chúng ta làm trái với những qui tắc đó, dầu chỉ có một lần thôi; bởi vì nó sẽ tạo thành một khuynh hướng trong bản tánh của chúng ta, khuynh hướng này sẽ biểu lộ trong mỗi lời nói, trong mỗi tư tưởng và trong mỗi hành động của chúng ta. Rồi đây chúng ta sẽ phải phí nhiều thì giờ để tiêu hủy quá khứ và tìm lại được sự hoàn thiện là gia tài của chúng ta.
Kẻ nào thấy được Trái tim là gặp trong người mình: phản ảnh của Cái Ta lý tưởng mà anh mơ mộng. Mỗi người cảm biết rằng Trái tim hiểu rõ họ, cùng khóc hoặc cùng cười với họ và ban cho họ năng lực nhìn về một tương lai tươi đẹp, mặc dầu tình cảnh hiện tại có vẻ khổ đau đến đâu cũng vậy. Mỗi khi thấy Trái tim, ai ai cũng có cảm giác nói trên song họ không hiểu tại sao; đó là bởi Ngài đem trọn đời sống của Ngài để điều hòa “Hoa trong Người” với “Hoa của các Hoa”.
Ngài có rất nhiều chức vụ trong những cõi vô hình, nhưng không ai được biết Ngài. Ngài sống ở mấy cảnh đó một cuộc đời kỳ diệu, chỉ những Người làm Vườn mới biết được mà thôi. Trên cảnh vô hình, Ngài có thể hiện thân, khi thì làm đứa trẻ lý tưởng, khi thì làm đồng nam, khi thì làm đồng nữ, tỏa ra trong các cảnh giới tinh hoa của các trẻ nhi đồng; có lúc Ngài là thanh niên hoặc thiếu nữ mơ màng, dệt mộng yêu đương, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Khi khác Ngài cũng sống như những người chị hay người bạn gái dễ thương, hoặc người vợ hay người chồng lý tưởng, làm đầy đủ phận sự hằng ngày một cách hoàn toàn chưa từng thấy ở thế gian. Ngài sống cuộc đời của thế nhơn – Ngài là một người đa tình trong mỗi vai tuồng, nhà nghệ sĩ trong mỗi nghệ thuật, vị thánh nhơn trong mỗi tín ngưỡng. Ngài thâu nhập nơi Ngài tất cả những sự mơ mộng, tất cả những sự ước mong, tất cả những sự ngã lòng của con người, rồi đem hiến dâng cho “Hoa của các Hoa” với một tấm lòng yêu thương nồng nhiệt. “Hoa của các Hoa” ban trở lại cho Ngài năng lực mơ mộng, và tựa như một đám mưa mát mẻ tưới xuống dãy đất khô khan, Ngài phân phát năng lực đó cho muôn triệu linh hồn giao phó cho Ngài chăm nom săn sóc.
V/ Những người làm vườn - Hoa của Trái Tim
Trong xã hội mà tôi mộng thấy đây, hai vị lãnh tụ là Đầu óc và Trái tim. Ngài giống như hai cánh của một con chim khổng lồ của Thiên cung, bay liệng trên đầu dân chúng. Nhưng hãy còn một vị nữa mà sự sanh hoạt và sự hành động của Ngài cũng cần yếu cho hạnh phúc của quốc gia. Ngài cũng là một vị trong những tay làm vườn và được thiên hạ gọi là “Hoa của Trái tim”.
“Hoa của Trái tim” được Trái tim yêu thương nhứt trong tất cả mọi người. Tình thương của Trái tim đối với người nhân tình như thế nào thì “Hoa của Trái tim”đối với trái tim cũng như thế ấy ? Ngài là phản ảnh của tất cả những gì chơn chánh và đáng cho ta thương mến. Ngài là sự tận thiện, tận mỹ của tất cả những gì mà cuộc đời có thể đem lại cho ta. Trong xã hội này, dường như chỉ có “Hoa của Trái tim” biết rõ hơn ai hết, phải làm thế nào để tăng trưởng giống như đóa hoa tăng trưởng. Mỗi lý tưởng về cách tăng trưởng mà dân chúng ước mơ thực hiện, đều có phản ảnh trong “Hoa của Trái tim”. Mặc dầu không thể giải thích được, tất cả mọi người đều cảm biết một cách huyền diệu rằng: Hoa này là tượng trưng của chính mình họ. Mỗi khi lòng họ chan chứa một nguyện vọng nồng nàn.
Nhứt là những kẻ đã sống qua mùa Xuân và mùa Hạ của cuộc đời họ thì họ xem “Hoa của Trái tim” như tượng trưng cho những thú vui và những vẻ đẹp mà mùa Xuân và mùa Hạ mang đến cho họ. Khi họ đưa mắt nhìn Ngài thì quá khứ của họ đơm hoa trở lại, những mơ mộng đã tiêu tan hiện lên một lần nữa trong trí tưởng tượng của họ. Thế nhưng không ai lấy làm lạ mà thấy “Hoa của Trái tim” chăm lo tất cả những gì có quan hệ đến những vị tuổi cao tác lớn và những người đau khổ, bởi vì Ngài hòa hiệp với những mơ mộng của họ hơn kẻ nào khác.
“Hoa của Trái tim” có một sứ mạng riêng phải ban bố. Ngài làm tròn sứ mạng của Ngài với một vẻ đẹp đặc biệt của Ngài, Ngài dạy dân chúng rằng: sự sống nào mà không phản chiếu được tất cả những sự sống khác thì người ta không thể gọi nó là sự sống đâu.
Chính sự dung hợp nhiệm mầu đó là điều của Trái tim thực hiện trong những cảnh giới bên trong mỗi khi Ngài cung hiến cho “Hoa của các Hoa”, và cũng chính sự dung hợp như thế này giữa cá nhơn với cá nhơn là điều mà “Hoa của Trái tim” dạy cho mỗi người đàn ông, mỗi người đàn bà và mỗi đứa trẻ con, mỗi nam phụ lão ấu. Dân chúng xứ này đều có trực giác giúp cho họ tự nhiên có ý thức về sự hiệp nhứt, “Hoa của Trái tim” chăm lo phát triển cơ năng này để cho nó có sức biểu lộ một cách mỹ thuật trong đời sống hằng ngày. Ngài dạy cho họ biết đôi chút về sự bí mật và nghi thức của nghệ thuật sáng tạo hay là tình trạng đồng thanh tương ứng. Ngài chỉ cho họ cách biến đổi tư tưởng và cảm xúc của họ thành ra thi phú, hội họa hoặc ca hát. Theo quan niệm của “Hoa của Trái tim” thì mọi tư tưởng, mọi cảm xúc thanh cao là một đóa hoa nở trong những đồng cỏ thiêng liêng. Hoa đó có một hình dáng toàn hảo, đặc biệt của nó mà chúng ta có thể phô diễn dưới thế  gian này trong một khoa mỹ thuật. Thế nên, đối với nhà sáng tạo, lẽ tất nhiên anh phải hết sức vui thích trong sự vận động bàn tay, trái tim và khối óc của anh để nắn đúc những hình thể tuyệt mỹ, chúng sẽ giúp anh đạt được sự hiệp nhứt.
“Hoa của Trái tim” nói rằng: Hình thể là vận cụ của tư tưởng; giữa tư tưởng hoàn hảo hay là sự cảm xúc hoàn hảo và hình thể tuyệt mỹ thì có sự đồng nhứt bất khả xâm phạm. Ở đâu có cái này thì chắc chắn người ta sẽ gặp cái kia với điều kiện là phải có đủ khả năng nhận thấy nó. Nó sẽ ở trong tiết điệu của ngôn ngữ, nó nở trong sự hòa hợp màu sắc hay là dáng điệu, hay là biết đâu nó lại chẳng ở trong sự biến hóa kỳ diệu của âm nhạc, trong đó chứa tất cả những hình dạng và còn cao hơn những hình dạng nữa. Dầu cho số người thấy được liền và không lầm lạc những hình thể tuyệt mỹ, rất là ít, tuy nhiên những ai có tấm lòng trong sạch thì thấy được chúng một cách mau lẹ. Theo lời “Hoa của Trái tim” nói thì sự trong sạch là thiên tư mà chúng ta phải cò để phản chiếu thứ gì cao quí nhứt ở trong lòng của những kẻ khác mà chỉ riêng cái cao quí nhứt đó mà thôi, bởi vì cái cao quí đó vốn do “Hoa của các Hoa” sanh ra, nếu phản chiếu cái gì khác hơn cái ở trên Trời ban xuống thì không ích lợi gì bao nhiêu cho những kẻ này cũng như cho những kẻ kia.
“Hoa của Trái tim” dạy rằng: muốn thực hiện một sự phản chiếu hoàn hảo thì phải có đủ hai điều kiện cần yếu:
Một là – Phân biện trong sự chọn lựa,
Hai là – Phấn khởi trong sự sáng tạo.
Điều thứ nhứt cốt ở khả năng chọn lựa – mà đây chỉ chọn lựa ở trong những sự kinh nghiệm của chúng ta mà thôi. Những sự kinh nghiệm nào mà ai ai cũng đều có, giống như nhau, rồi chúng ta lấy những kinh nghiệm đó làm ra những vật sở hữu trường tồn của chúng ta. Những nỗi khổ sở và những mối cảm xúc của chúng ta thật là của chúng ta khi nào chúng chứa đựng toàn là những gì chỉ thuộc về của chung, của tất cả chớ không có thứ gì gọi là đặc hữu của một ai. Cũng như khi một nghệ sĩ vẽ một bức tranh thì “Hoa của Trái tim” dạy anh chọn lựa trong cảnh thiên nhiên phô bày trước mắt anh những yếu tố cấu thành kiểu mẫu tổng quát của cảnh đó, những yếu tố mà người ta có thể thấy được hay cảm được dưới những trạng thái tương tự. Khi người ta viết một bài thi thì bây giờ “Hoa của Trái tim” mới bảo: chỉ nên ca tụng những mối cảm xúc nào mà tất cả mọi người đều có, hay là mỗi cảm xúc riêng biệt của anh mà trực giác của anh đã nói với anh rằng mối cảm xúc đó cũng là vật sở hữu của tất cả, mặc dầu không phải tất cả đều có đủ sức tạo cho nó một hình thức có mỹ thuật khéo léo. 
Nhưng “Hoa của Trái tim” lập đi lập lại rằng dầu sự sáng tạo của anh thuộc về loại nào đi nữa, anh cũng nên nhớ rằng một khi anh tạo ra nó rồi, thì nó không còn thuộc về của anh nữa; anh đừng có ý nghĩ nó là vật sở hữu của anh, bởi vì như thế anh sẽ mất cái thiên tư quí nhứt trong các thiên tư của nghệ sĩ là lòng nhiệt thành trong sự sáng tạo.
Trong mọi tác phẩm mỹ thuật không phải nghệ sĩ sáng tạo mà chính là “Hoa của các Hoa” sáng tạo và chỉ có sự hiểu biết như thế và sự thấy rõ như thế mới nung đúc nên nhà nghệ sĩ. Nếu cái hạnh phúc của sự sáng tạo lớn lao thì sự cảm biết rằng, chẳng phải mình sáng tạo mà là một Người khác sáng tạo lại còn thanh nhã và tuyệt diệu hơn nữa.
Chung quanh “Trái tim” và “Hoa của Trái tim” có một thế hệ trẻ trung đương trưởng thành cùng dự vào công nghiệp hòa hợp của hai Ngài. Khi những kẻ trong đám đó ra sống giữa dân chúng để ban bố sự giáo dục và linh cảm thì họ được thiên hạ đặt cho họ những tên tuyệt đẹp như: Ánh sáng của Tình thương - Khát vọng của Tình thương – Điệp khúc của Tình thương – Khoa học của Tình thương – Công nhân của Tình thương. Mỗi người đều nở Hoa và tỏa ra hương vị riêng của mình. Ánh sáng của Tình thương phản chiếu vô số hình thức của tình thương và Khát vọng của Tình thương phản chiếu ngọn lửa hy sinh sáng trắng của tình thương; ngọn lửa này phá tan mọi sự âm u, đen tối.
Điệp khúc của Tình thương ca tụng vẻ đẹp của sự sống và của tình thương. Người đi đến đâu là tỏa ra sự hân hoan đến đó. Khoa học của Tình thương ban rải sự khôn ngoan yên tịnh cho tất cả mọi vật. Sau cùng Công nhân của Tình thương thì nhậm lẹ trong sự tổ chức mọi việc thuộc về phạm vi của lòng từ ái. Mấy vị này hiệp lực với “Hoa của Trái tim” để dạy cho dân chúng biết rằng dầu họ sáng tạo những gì mới lạ đi nữa cũng không hữu ích cho họ bằng họ suy nghĩ những điều mà mọi người đang suy nghĩ nhưng một cách chơn thật hơn, cảm giác những điều mà mọi người cảm giác nhưng một cách trong sạch hơn và làm những gì mà mọi người đều làm nhưng một cách hoàn hảo hơn.
VI/ MỘNG ẢO  HAY LINH QUANG
Trong khi tôi ngồi viết tại nước Pháp đây, một miếng vườn tuyệt đẹp phô bày trước mắt tôi. Chúng tôi đương ở vào đầu mùa xuân, người làm vườn chưa nghĩ đến việc phát cỏ. Cỏ mọc dày như một tấm thảm lắc rắc đầy hoa cúc trắng và hoa ngọc trâm, nhờ mấy ngày qua mặt trời chói sáng trên một nền trời quang đãng.
Hôm nay, sau trận mưa đêm tầm tã, mặt trời chói lọi, mỗi đóa hoa trong đồng cỏ đua nở dưới thái dương, bày tỏ sự vui sống không thể tả.
Vừa rồi, tôi thơ thẩn giữa đám hoa, say sưa nhìn vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên phô bày dưới mắt. Nhưng phút chút tư tưởng tôi bay đến nhiều đô thị trong nhiều xứ mà tôi đã trải qua, trong những đô thị đó đang sanh sống những linh hồn còn đẹp đẽ và nhiều cảm hứng hơn bất luận thứ hoa nào. Bấy giờ, trong trí tôi lại hiện ra biết bao hình ảnh, những hình ảnh nghèo khổ, khốn cùng, trụy lạc và thất vọng. Dường như khắp nơi, những linh hồn con người đều bị phung phí bởi một cái máy tàn nhẫn nghiền họ ra từng mảnh cũng như những đóa hoa đáng lý để trang hoàng miếng vườn lộng lẫy lại bị dày xéo tơi tả trong bùn.
Bấy giờ, tôi lẹ làng bay về nơi cư trú của giấc mộng tôi, và từ đó, tôi nhìn trở lại đời sống hiện kim và tự hỏi: “Tại sao người ta không thể tổ chức những quốc gia thành những miếng vườn trong đó, nam nhơn và phụ nữ sẽ tăng trưởng như những đóa hoa ? Với tất cả những tài nguyên của chúng ta sẵn có hiện nay, chúng ta há không thể biến đổi những đô thị của chúng ta ra những “Trưởng thành viên” hay sao ? Trong đó thiên hạ sẽ học vỡ lòng những chữ đầu tiên về đời sống, cũng như trẻ nhỏ học vỡ lòng A.B.C. của tư tưởng và cảm tình trong những ấu trĩ viện vậy”.
Tôi biết có cả ngàn người tự hỏi mỗi ngày về những vấn đề đó. Tôi biết có vài người hiến những giải pháp mà một số ít người đã đem ra thí nghiệm ở chỗ này hoặc chỗ nọ. Nhưng theo ý tôi thì dường như có một nguyên tắc căn bản và một mối quan hệ rất thật tế mà các nhà cải cách chưa nghĩ đến, ấy là con người không phải thể xác mà vốn là linh hồn.
Dầu sự cải cách của họ cần thiết đến đâu đi nữa, sự gắng sức của họ cũng hóa ra vô dụng nếu họ không thay đổi quan niệm của họ về đời sống. Bởi vì sự khốn khổ nhứt của nhân loại không phải do sự đói khát, cũng không phải do tật bịnh mà  ra. Sự khốn khổ của nhơn loại do nơi con người không biết phải sống như thế nào, mặc dầu mỗi người thấy tất cả nhu cầu vật chất của mình đã thỏa mãn. Ngoài những giáo lý sơ lược ban bố đó đây – những giáo lý này ở trong tất cả các tôn giáo hiện thời đều căn cứ vào danh từ nhiều hơn là tinh thần của câu kinh – dân chúng không được ai dạy bảo cho biết những bài học sơ bộ về đời sống cả. Những Nghị viên của chúng ta lập ra pháp luật để ngăn ngừa tội ác hơn là để gây nên đức tốt.
Trong bọn chúng ta, ai đã học qua những lớp của học đường và đại học đường, có thể nói rằng người ta đã dạy cho chúng ta biết về sự sống? Phải chăng, chỉ sau khi ra trường chúng ta mới tập đọc trong quyển sách của cuộc đời, trong khi chúng ta phải tự giải quyết với tự lực của chúng ta những vấn đề sanh tồn, vấn đề mà   người ta đề cập sơ qua cho chúng ta thấy thôi? Các vị giáo viên và giáo sư của chúng ta có nói cho chúng ta biết rằng đời sống quả thật là đời sống chỉ là khi nào chúng ta đứng riêng ra ngoài nó và chúng ta dùng nó để phụng sự và thỏa mãn những nhu cầu của linh hồn chúng ta chăng? Khi chúng ta cảm biết yêu đương, các nhà chánh trị của chúng ta có thì thầm bên tai chúng ta ý nghĩa của mộng đẹp mà chúng ta đương xây dựng đó không? Họ có chỉ cho chúng ta cách tạo lập nó như thế nào để cho cơn gió nhẹ bay qua không làm tan vỡ nó chăng? Khi một công nghiệp phải thi hành bắt buộc chúng ta từ bỏ những điều trong lòng ao ước thì các nhà chấp chánh có làm cho chúng ta tin chắc rằng, với sự hy sinh như thế, chúng ta sẽ tìm được sự sống đời đời chăng?
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ngày nay vốn ở chỗ những cái mà chúng ta gọi là quốc gia nghĩa là pháp luật của chúng ta, phương thức giáo dục của chúng ta, công dân lý tưởng của chúng ta không có một điểm nào tiếp xúc đến bản thể sâu kín và chơn thật của đời sống chúng ta.
Tại sao các nhà chánh trị của chúng ta đặt luật pháp ra chỉ có một mục đích để kềm hãm chúng ta mà thôi, làm như chúng ta là những con cháu của loài khỉ đột, chớ chẳng chịu đặt luật pháp ra để dìu dắt chúng ta trong khi chúng ta là những thiên thần giáng thế trong một thời gian? Nếu mục đích của họ là làm cho chúng ta quên mất truyền thống xấu hổ của chúng ta đi, thì tại sao họ không gắng sức làm cho chúng ta hồi tưởng lại cái di sản vinh quang của chúng ta kia? Những tay chỉ đạo của chúng ta giảng luân lý cho chúng ta nghe khi chúng ta còn những thú tánh, nhưng khi chúng ta chiến đấu trong hàng ngũ của lý tưởng chủ nghĩa thì họ cho chúng ta nghe tiếng kèn thúc trận nào?
Tôi vẫn biết rằng dần dần, tất cả những điều nói trên đây sẽ thay đổi và đến một ngày kia, sẽ có những “Trưởng-thành-viên” để cho nam nhơn và phụ nữ tăng trưởng, giống như cách tăng trưởng của đóa hoa. Nhưng điều đó sẽ thực hiện được cùng không là do ngay bây giờ đây, có một ít người mơ mộng, xây dựng cách tổ chức đó trong mộng tưởng và sống trong đó luôn cả ngày lẫn đêm. Đâu có khi nào một sự cải cách được hoàn thành mà không có cả trăm nhà cải cách có hảo ý mơ tưởng sự cải cách đó cả ngày lẫn đêm trong tư tưởng, trong lời nói và trong sự hành động của họ.
Giấc mộng đã đến với tôi như thế, ngay bây giờ đây tôi mơ nó lại một lần nữa, bởi vì mơ mộng đúng sự thật tức là hiểu thấu kế hoạch của Đấng mà Giấc Mộng của Ngài làm thành đời sống và tình thương của chúng ta. Cho tới ngày nay, vì lẽ những mộng tưởng và thống khổ của tôi ẩn núp trong lòng của Đấng Tối Cao, nên Ngài mơ mộng xuyên qua tôi để cho tôi được trưởng thành và cho Ngài được hoan hỷ. Các bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa giấc mộng đẹp của tôi khi nào các bạn gặp Ngài hoặc là vị nào cũng giống như Ngài vậy. Con người do nhiều nẻo đường để đi đến các Vị đó, nhưng có một nẻo đường mà tôi đã để chơn và tôi biết rõ: ấy là ta phải sống trong cõi mộng, bởi vì mơ mộng chính là thảo ra những kế hoạch cho công việc phụng sự sắp đến, và giấc mộng càng đẹp thì công nghiệp càng to.
VII/ BẠT TỪ
Một lời chơn thật nói với một giọng dịu hiền. Một tư tưởng chơn thành của một tinh thần vô ngã, quên mình. Một sự giúp đỡ luôn luôn mau lẹ, không gây tổn thương cho ai cả.
Sự đau khổ giấu kín và sự vui vẻ sớt chia: đó là những đóa hoa của tôi hái hôm nay và đem đặt vào tay bạn với một nụ cười trong buổi chiều này.
Hy vọng chổi dậy khỏi mồ mỗi buổi sáng; ý chí hướng về sự giải thoát chúng sanh; tình thương trong các tình thương chỉ hiến dâng cho Đấng Duy Nhứt (Đức Thượng Đế). Những mơ mộng tương lai giũ sạch những nỗi ưu phiền. Đó là những đóa hoa của tôi hái hôm nay và đem đặt vào tay bạn với một nụ cười trong buổi chiều này.
[1] Nếu chúng tôi không lầm thì ấy là xã hội đầu tiên của giống dân chánh thứ sáu (6è Race Mère). Tổ tiên của giống dân chánh thứ sáu này, 600 năm nữa, sẽ bắt đầu sanh sản tại Californie (Mỹ Quốc) – Xin quí bạn xem quyển “Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu” (L’homme d’où il vient, où il va) từ chương XXII.
[2] hay là “Chúa hoa” tức là Đức Thượng Đế.
[3] Hoa Myosotis, hoa lưu ly.
[4] Đức Thượng Đế.
Fleurs et Jardin 
Tác giả: C. JINARAJADASA
BẠCH LIÊN và NGUYỄN VĂN NHUẬN
Theo http://www.thongthienhoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...