Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Bùi Giáng và quan niệm về văn học

     Bùi Giáng và quan niệm về văn học

 Lược đồ thi ca Việt thế kỉ XX sau nhiều thập niên đầu được thắp sáng bởi chòm sao chổi thơ ca Hàn Mặc Tử, đến những thập niên cuối lại được bừng lên với hào quang mới: hiện tượng thi ca Bùi Giáng. Thi sĩ Bùi Giáng được biết đến như một “ngôi tinh văn kì dị có bóng dáng lồng lộng nhất hậu bán thế kỉ XX” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) với sự nghiệp trước tác đồ sộ trên nhiều lĩnh vực thơ văn, phê bình triết học, dịch thuật, phê bình văn học, hội họa…Và, ngay ở lĩnh vực nghiên cứu văn học, có thể tìm thấy ở ông những quan niệm đáng ghi nhận về lí luận sáng tạo và tiếp nhận thơ ca.
           Quan niệm về thơ ca
Ý thức cao về lập trường sáng tạo thơ, Bùi Giáng đã xây dựng quan niệm sáng tác riêng. Theo ông, “Thơ là một cái gì không thể bàn tới, không thể diễn gì được”. Thi sĩ chỉ nói về cách ông làm thơ: “Thơ tôi làm (…) chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức…Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi (…). Tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình giữa thơ dại chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao”. Bùi Giáng không định nghĩa thơ bằng lối nói luận lý. Chiêm nghiệm thực tế sáng tác, thi sĩ nhận ra thơ là “cõi phiêu bồng” (Lời phiêu dựng lại một điệu chào dị sai -Lá Hoa Cồn). Thơ là vô ngôn. Thơ là một thế giới nhiệm màu, tế vi và nhi nhiên như cuộc sống muôn vẻ đa chiều kích. Ông lý giải: “Cái nói của tư tưởng chỉ đạt tới chỗ bình hòa thanh tịnh thuần thanh và tìm thấy lại tinh thể của mình là chính lúc nó không nói được điều gì. Nó phải được tồn tại trong vô ngôn. Một sự vô năng như thế sẽ nhiếp dẫn tư tưởng tới tiền diện sự thế, sự vật từ như”. Như thế với Bùi Giáng, thơ là nghệ thuật tinh túy của ngôn từ chảy tràn ra từ những siêu thăng trong tâm hồn, tiềm thức và vô thức (Trong chiêm bao thơ về lãng đãng)là lời vượt thoát (Lời phiêu; vần bất tuyệt lãng đãng chiêm bao) cốt trở về được với nguồn cội đời sống tại – thể – người (một sự vô năng như thế sẽ nhiếp dẫn tư tưởng tới tiền diện sự thế, sự vật từ như). Chính lúc đó thơ ca làm cuộc đời hiện lên trong vẻ đẹp vừa siêu thoát vừa chân thật như vốn có. Ở đây, với lăng kính như thế, Bùi Giáng đã khơi mở thể tính mới cho thi ca. Thật vậy, sau cuộc các mạng thơ của phong trào Thơ Mới, các nhà thơ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Trường thơ Loạn và Nhóm Dạ Đàilại nối tiếp sứ mệnh cách tân thi ca dân tộc. Các trường phái này cũng chính thức xây dựng được những quan niệm riêng về thơ và thú vị là ở họ có sự gặp nhau một điểm đáng chú ý trong quan niệm. Họ luôn để thơ “đi giữa bến bờ U Huyền và Hiện Thực, chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối U Minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”. Chẳng hạn, Hàn Mặc Tử cho “thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt” (Quan niệm về thơ). Thơ Mặc Tử có xu hướng khơi sâu vào địa hạt vô thức, ngắm nghía hiện thực, trải nghiệm mọi khoái lạc tâm hồn và đau thương thể xác trong một thế giới siêu thực:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đưa tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi giọt lệ châu
                                                                (Những giọt lệ)   
.                               
Bùi Giáng cũng đưa thơ ca hướng đến cái vô cùng của cuộc sống bằng cách khơi sâu vào những tầng bậc cảm thức trong vô thức, tiềm thức con người. Từ đó, tiếng thơ ông đạt đến sự huyền nhiệm, vi diệu nhưng đồng thời còn có sự thanh thoát, phiêu bồng, mê say trong hình tượng thơ:
                                                     Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Chào Nguyên xuân)
Hai câu thơ này lâu nay vẫn được xem là tuyệt bút. Bởi, đứng trước nó người đọc được dẫn vào một cõi miền đầy bãng lãng. Ta thấy cái vẫy tay lấp lánh niềm hân hoan của nhà thơ để dấn bước vào dòng chảy cuộc sống đang mời gọi. Nhưng, để định vị được tọa độ nào là điểm đứng của thi nhân quả thật vô cùng mờ ảo. Có thể hiểu mùa xuân phía trước là tương lai và miên trường phía sau thuộc về quá khứ. Hay ngược lại, thời khắc mùa xuân cuộc đời nhà thơ chỉ còn là quá khứ và tương lai phía trước chỉ là giấc miên trường - giấc ngủ dài. Câu thơ ảo diệu, uyên bác nhưng cứ tự nhiên, thơ thới tuôn chảy như không hề có dấu vết của bàn tay người sáng tạo. Bằng cách đó, thế giới thơ ca Bùi Giáng mở ra phiêu bồng, bát ngát – cái thế giới của bóng vang. Có thể thấy, Bùi Giáng chủ trương đưa thơ ca thành tiếng nói gần gũi với đời sống con người nhất nhưng phải là thứ tiếng nói về cuộc sống ở trình độ tinh tuyển để cuộc sống hiện lên trên một giác độ mới, một trần gian lộng lẫy hơn, mê đắm hơn nhưng không xa lạ. Quan niệm thơ là cõi phiêu bồng, là vô ngôn, Bùi Giáng dùng ngôn ngữ chi ngôn, trùng ngôn, phản ngữ nhằm đưa thơ đạt đến chỗ im lặng nổi sóng như tinh thần Thiền Tông Phương Đông và tinh thần của triết học Heidegger Phương Tây về ngôn ngữ: “Trong cõi ngôn ngữ nghiêm hàn ấy có sự trì ngự huyền hỏa bão giông và tại trung tâm huyền hỏa bão giông đó có cõi viên dung thanh tịnh”.
             Quan niệm về cách đọc thơ
Từ quan niệm về thơ, Bùi Giáng cũng suy nghĩ về cách đọc thơ. Theo Bùi Giáng, đọc thơ là: “Đi vào cõi thơ. Thế nghiã là ? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai … đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là …tránh cái lối bưng bít (…). Đó là điều kiện cần và đủ, không buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh”. Vẫn bằng lối nói hình tượng, Bùi Giáng đã nêu lên quan niệm về cách đọc thơ thực sự mới mẻ, hiện đại. Thi sĩ cho rằng không thể có lối “chiếm đoạt” hoàn toàn văn bản một cách chủ định như lối nghĩ truyền thống khi đến với thơ (cũng như tác phẩm văn chương nói chung). Theo ông, tiếp nhận thơ là hoạt động chủ động của mỗi người đọc (cuộc đi có nhiều thể thái). Mỗi người đọc khác nhau (có thể hiểu là: khác tầm hiểu biết về thể loại, hình thức, ngôn ngữ của tác phẩm, sở thích, sở trường, kinh nghiệm…) sẽ có cách và sự chiếm lĩnh khác nhau đối với tác phẩm. Theo đó, cõi thơ được nhìn nhận như là hệ thống mở (không bưng bít, khép miền), chứa đầy ẩn số. Nó kích thích sự đào sâu suy nghĩ, cảm nhận, tìm cách giải mã, lấp đầy chỗ “bất khả giải” tức thời của thơ và nó kéo dài ra đến vô hạn tùy theo sự nội cảm, trạng thái nhận thức và trình độ của chủ thể tiếp nhận. Người đọc ở những tầng bậc thẫm mỹ khác nhau sẽ lĩnh giải tác phẩm ở những điểm khả thủ khác nhau. Bùi thi sĩ cũng bàn cụ thể về hành động đọc: “Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài khác”.Nhà Đông phương học Nhật bản Toshiko Izutsu bàn về hai cấp độ đọc: “Ý thức cấp một là ý thức thông thường bằng thao tác, bằng cảm xúc, bằng tri giác, bằng tư duy duy lý, chủ yếu nhận thức sự vật trong thời gian và ở bình diện hiện tượng luận.
Ý thức cấp hai là chiều sâu của ý thức. Nó có năng lực đọc được sự vật trong trạng thái “sự thống nhất nguyên thủy ở trạng thái tuyệt đối chưa phân hóa của chúng và ở phía sâu, phía bên kia của sự vật đã đa dạng hóa thành những hiện tượng”. Nó đọc được“cơ sở văn bản phi hiện tượng, siêu hình và chưa đa dạng hóa của chúng”. Cách mà Bùi Giáng khuyên người đọc đến với thơ ở đây có lẽ thuộc về trường hợp thứ hai, đếnbằng vô thức, trực giác, ý thức. Khi đó, đọc thơ như một hoạt động đối thoại tâm hồn, ý thức giữa tác giả và người đọc. Thông qua sự va chạm với vô thức và ý thức tác giả thể hiện nơi văn bản, người đọc nắm bắt được những lóe sáng của trực giác, của cảm thức về ý nghĩa văn bản. Đó là: văn bản khác trong sự chiếm lĩnh của người đọc, có giá trị thanh lọc tinh thần, tâm hồn. Với cái nhìn này, có thể nói Bùi Giáng đã nêu lên cách đọc mới, khá hợp lý đối với tác phẩm thơ nói riêng và tác phẩm văn chương nói chung.
Thông diễn học hiện đại với các quan điểm của M. Heidegger, G. H.Gadamer, Mỹ học tiếp nhận với các nhà lý luận W. Iser, H. Robert Jauss thừa tiếp thành tựu triết học về ngôn ngữ và triết học Hiện tượng học của Chủ nghĩa hiện sinh đi đến hình thành lí thuyết tiếp nhận hiện đại. Các nhà lý luận hiện đại, hậu hiện đại quan niệm tác phẩm văn học như là quá trình, luôn chờ đón người đọc đến đối thoại để hiện thể chính nó. Người đọc ở mỗi trường hợp đến với tác phẩm là thực hiện một cuộc giao tiếp giữa toàn thể cái thế giới vô thức và ý thức của bản thân với văn bản, nơi hiện thể toàn bộ cái vô thức và ý thức của tác giả. Mỗi người đọc có một trình độ tiếp nhận nhất định.Trường phái Mỹ học tiếp nhận Konstanz[1] gọi là tầm đón nhận. Ở mỗi thời đại khác nhau, người đọc có những quan điểm, thiên kiến khác nhau. Vì vậy, quá trình tiếp nhận tác phẩm ở mỗi người đọc có khác nhau. Và như  thế, kết quả giải mã giá trị của tác phẩm trong lịch sử tiếp nhận tác phẩm trên trục thời gian đồng đại và lịch đại mới làm nên giá trị thực tại của nó. Đặt trong tương quan với lý luận văn học hiện đại phương Tây về hai trong các yếu tố then chốt của hệ thống văn học: Tác phẩm, Người đọc, dễ nhận thấy quan điểm của Bùi Giáng có những điểm rất mới mẻ, độc đáo, đồng thời có sự tiệm cận với lý luận văn học thế giới đương đại về các yếu tố cơ bản này.
          Quan niệm về nhà thơ
Cũng bằng một giọng điệu dị thường cố hữu, Bùi Giáng nhận định về người làm thơ: “Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ và chết đi giữa ly kỳ gay cấn”.Vượt qua những định danh quen thuộc về sứ mệnh cao cả, lớn lao của người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, hay cách nhìn trên tinh thần lãng tử của các nhà Thơ mới: Thi sĩ “là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”(Xuân Diệu);“Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”(Hàn Mặc Tử).Với Bùi Giáng, Người làm thơ trước hết là một con người đến với mảnh đất trần gian nhiều quyến rũ và gay cấnnày để sống trọn, uống trọn những mật ngọt lẫn đắng cay của cuộc đời và bằng một tinh thần vô ưu, vô cầu:“Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc” mà cháy hết mình - chết - với thiên chức làm thơ của nó để làm điều gì tốt đẹp cho đời. Cái chết ở đây được hiểu trên tinh thần của câu nói: “Nếu người không chết trong cuộc tại thế thì người sẽ mất tích sau khi qua đời”. Với Bùi Giáng, để làm một thi sĩ, con người ấy phải nếm trải mọi thăng, trầm khốc liệt trong cuộc tại thế này. Một sự nếm trải như chính thi sĩ đã từng trải nghiệm: “Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống” . Quan niệm về thi nhân cũng được Bùi Giáng nêu lên trong thơ:                                                Con cá thì ta biết nó lội
Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ
( Sa Mạc Trường Ca )
Bùi Giáng nói về thiên chức nhà thơ giản dị như bao bản mệnh tự nhiên đời sống vốn có: thi sĩ là người làm thơ. Nhưng, chính trong sự giản dị của quan niệm đó, ông đã đặt yêu cầu về sứ mệnh phụng hiến đầy cao cảtoàn vẹn trước cuộc đời đối với con người mang hai tiếng: thi nhân. Có thể nói, đến Bùi Giáng, quan niệm về vai trò của nhà thơ có ý nghĩa đầy đủ, tuyệt đối và cao đẹp nhất của danh từ này. Với ý nghĩa đó, ông đã nâng vị trí của nhà thơ lên tầm cao nhất: “Con người sống trên mặt đất này, như một thi sĩ ” (Holderlin).
Bùi Giáng viết hai tác phẩm lý luận chính “Thi ca tư tưởng” và “Đi vào cõi thơ” vào những thập niên 60-70 thế kỉ XX. Tại đây, các quan điểm văn học của ông được nêu lên khá hệ thống, mang nhiều hạt nhân độc đáo, mới mẻ, hiện đại, có tính đột phá, sáng tạo trong quan niệm về thi ca (tác phẩm), về thi nhân (tác giả), về cách tiếp nhận tác phẩm văn chương (cách đọc) và về ngôn ngữ thơ so với quan niệm văn học truyền thống; có những gợi mở đáng chú ý về người đọc và tác phẩm tiệm cận với quan niệm của các nhà lý luận văn học thế giới đương đại [2]về hai yếu tố này. Dựa trên nền tảng quan niệm văn học đích thực, Bùi Giáng cũng đã sáng tạo nên một thế giới thi ca như hệ thống mở, được cộng thông và lan tỏa nhiều trong đời sống Việt trong và ngoài nước, góp phần đưa văn học dân tộc bước vào lộ trình hiện đại hóa và nhập cuộc cùng thế giới trên cả bình diện lí luận và sáng tác.
                                      ĐOÀN THỊ MINH TRÀ

[1] Trường phái lí luận văn học Konstanz (Đức) xuất hiện vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 thế kỉ XX với các đại diện: Hans Robert Jauss, W.Iser.
[2] Bùi Giáng viết độc lập các tác phẩm Thi ca tư tưởng, Đi vào cõi thơ…vào thời điểm những năm của thập niên 60-70 thế kỉ XX, cùng thời điểm các trường phái lí luận Thông diễn học hiện đại, Mỹ học tiếp nhận ra đời ở Châu Âu.



1 nhận xét:

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...