Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Nhớ tháng ba Hà Nội

Nh tháng ba Hà Ni

 Mỹ Nguyễn
Tháng ba không thể có ngày thứ 32, nhưng có cảm giác tháng ba ở Hà Nội trôi dài bất tận. Một tháng có đủ mọi cung bậc để yêu - để ghét. Nhưng ai sẽ là người thấy yêu, thấy ghét rồi thấy tháng ba nhung nhớ, phong tình...!
Đoản khúc 1
Tháng ba thật lạ, có một chút mưa phùn, gió bấc, một chút hanh nồm nhớp nháp bẩn và cả những ngày nắng oi nồng chói chang, nóng đấy rồi lại rét mướt ngay đấy. 
Người ta than, ôi chao, có cái tháng cuối xuân nối hạ nào mà lại khó chịu, dễ gây mỏi mệt, chán chường đến thế, thoắt nắng rồi lại mưa, khác chi phải sống chung với những cô nàng hay anh chàng ẩm ương, buồn vui lẫn lộn.
Ấy thế mà tháng ba lại đẹp diệu kỳ, đủ sức làm nao lòng bất cứ ai còn biết rung động với mỗi sự đổi thay. Mà sự luân chuyển của tháng ba Hà Nội có thể thấy rõ ràng nhất, vì bao nhiêu sức sống của mùa xuân tuôn tràn nơi đây.
Nếu ở Tây Nguyên tháng ba là "mùa con ong đi lấy mật" như sự rộn ràng và sức sống căng tràn, thì tháng ba Hà Nội, chỉ còn hơn 500 ngày nữa là tới khoảnh khắc "ngàn năm", Thủ đô như xanh hơn, nhiều hoa khoe sắc hơn và có vẻ đường phố... bớt kẹt xe đi ít nhiều.
Không biết có kỷ niệm nào với tháng ba Hà Nội mà nhạc sĩ Phạm Duy - đứa con rời bỏ quê hương ngày nào lại chọn "ngày trở về" nơi sinh ra và lớn lên đúng vào tháng 3; sau bao xứ khác đã đi qua rồi trở lại Sài Gòn...
Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay cố ý mà người nhạc sĩ tuổi 90 đến với khán giả bằng một hình ảnh thật yên bình: Ông già tóc bạc phơ, gói ghém tâm sự "tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" ngồi thảnh thơi, như khuây khỏa, vô thường bên tháp rùa Hồ Gươm soi bóng. 
Chắc nhạc sĩ "Tình ca" biết rằng ven Hồ Gươm tháng 3 tuyệt đẹp, dù là ngày mưa hay ngày hanh hao nắng. Có một cảm giác thật khó tả nơi đây khi bên cạnh chiếc đồng hồ đếm ngược là từng dòng người không quá vội vã nhưng cũng không quá chờ trông.
Có lẽ ai cũng vừa muốn đi nhanh hơn để đến một cái đích lý tưởng nào mà mình trông đợi vừa muốn dừng chân nhìn cho được những dải hoa lộc vừng đỏ rực bên hồ, bên rặng liễu buồn buông xuống.
Có những tay máy nói rằng họ trông đợi tháng ba Hà Nội để thu được những khoảnh khắc đầy lãng mạn vào ống kính: Hoa lộc vừng khoe sắc, rơi rụng trải đỏ mỗi bước chân, trôi bồng bềnh trên mặt hồ xanh ngăn ngắt. Hoa sưa bung tỏa màu trắng chen vàng thật nhẹ nhõm như cái tên gọi cố hữu. Rồi Hà Nội "Xuân vàng" chen lẫn giữa Hà Nội đỏ của hoa trạng nguyên trước khung cửa lớp và cả Hà Nội xanh của những tán bàng non tơ chờ râm ran hè đến ... 
Không rõ nhạc sĩ của "Đưa em tìm động hoa vàng" Phạm Duy có chợt nhìn thấy những cây hoa sưa to lớn, phủ kín sắc hoa ngay bên khung cửa Nhà hát Lớn đúng hôm đêm nhạc của ông tổ chức nơi đây? Và cả những cây hoa đào trên thảm cỏ mướt xanh vẫn còn thắm sắc dù đã cuối xuân?...
Với tâm hồn nghệ sĩ, chắc ông đã thấy và nao lòng lắm, giống như người Hà Nội đã hồ hởi, nồng nhiệt đến với đêm nhạc "Phạm Duy - Ngày trở về" của ông, không còn "lời ra tiếng vào", vương vấn những chuyện cũ xưa với người nhạc sĩ một thời bị nghĩ là bỏ xứ... Để bây giờ ông nhạc sĩ có gia tài âm nhạc đồ sộ mới thổ lộ, ông tiếc vì ít viết ca khúc về đất Thăng Long.
Nhiều khi cũng cần quên đi những chuyện xưa để nhận món quà tặng là ngày hôm nay - hiện tại. Và khi đó, những bộn bề không còn, để nhất định từ hôm nay, khi không còn tư thế "làm cho xong" thì Hà Nội sẽ đẹp hơn trong mắt ai, để đâu chỉ riêng một mình tháng ba để thương, để nhớ?
Đoản khúc 2
Cảm nhận, tháng ba không còn khắc nghiệt như khủng hoảng kinh tế toàn cầu không có nghĩa là xóa đi bao nghĩ suy, biến động dập dồn đến bên hiên nhà gõ cửa. Nhưng cũng không vì thế mà tháng ba là bầu trời mây u ám, là cửa đóng then cài...
Một tháng ba có nước mắt, có chia xa, có vĩnh biệt và có cả những mất mát không bao giờ tìm thấy. Những cảm giác đó sẽ nhắc nhở ai đó "chậm lại nhịp sống để lắng nghe..." hay giật mình suy tư "tôi nhớ gì khi sắp quên người thân tôi trong gió?" khi hình dung về còng lưng bà trong những nếp ngày...
Cũng như đôi khi người ta chủ động tắt điện đôi chút theo Giờ Trái đất để... sống xanh, cũng như đôi khi cô nhà thơ bảo "cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh" tình tứ. Chỉ là, ta nhìn ly nước còn đầy một nửa hay một nửa đã vơi đi.
Có những lúc phải nhìn thẳng vào ly nước vơi, nhìn thẳng vào tán cây theo chiều rơi của lá..; nhưng chẳng có nghĩa là nhìn vào tầng khác của tháng ba hay tháng tư gió hát mùa hè...
Nhà văn Nguyễn Đình Chính thẳng thừng bảo rằng: "Sao người ta có thể tưởng tượng ra lắm thứ thế từ một câu thơ hết sức trực quan: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lừng thềm nắng lá rơi đây". Ơ hay, nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi xưa viết câu đó có gì đâu để rồi suy diễn. Chỉ là khi ra đi, không quay lại để thấy lá rơi, có gì đâu để rung động lên thành đa thanh, đa nhịp. Câu thơ ấy của bố tôi hết sức bình thường!?". Phải chăng "hậu hiện đại" thì cần cực đoan, trụi trần như thế?
Hay phải chăng, trong cuộc sống này, dù có tháng ba hay tháng mấy đi chăng nữa, đó cũng là chuyện bình thường của sự chảy trôi. Nó cuốn ta đi chứ ta chẳng thể đong đếm tháng ngày như đong đếm đường nét bàn tay mình, rồi phủ lên nó sắc xanh, vàng hay sắc tím nhớ nhung man mác...?!
Theo VNN



1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...