Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Thu đến bao giờ

Thu đến bao giờ

Sáng nay thức giấc, những tia nhạt của đầu thu len qua cửa sổ, tiếng nhạc của Lam Phương vang lên từ phòng ngoài, bài ca quen thuộc "Thu Đến Bao Giờ" qua tiếng hát Ý Lan:
"Mùa thu hỡi,
Đời đã đón thu về đây bao giờ
Người đã đón thu bằng câu
Mong chờ với mộng mơ.
Mình em đếm lá úa
Từng chiếc lá kỷ niệm xưa.
Vai sát vai trong chiều mưa
Nói sao tình cũng chưa vừa... "
Lam Phương có những bài thu, Thu Buồn buồn lắm, một tác phẩm đệm cho một vở kịch của Túy Hồng ngày xưa. Thông thường người đời thường ví von về ý nghĩa của mùa thu như sự tiễn đưa, sự chia ly, sự buồn bã, không gian buồn tênh,... từ nhạc Pháp, Mỹ hay Việt, những Autumn Leaves (hay Les Feuilles Mortes), Chanson d'Automne (Autumn Song hay Thu Ca, nguyên thủy từ thơ của thi sĩ Paul Verlaine), Mùa Thu Chết (L'Adieu, những ý tưởng như Les feuilles rousses, Automne malade, Farewell, Autumn's death, ý thơ của thi sĩ Apollinaire),... Mùa Thu của những Đoàn Chuẩn Từ Linh, Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Cung Tiến... Tôi thích mùa “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn, hay Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên cho những tiếng thu yêu đương, tâm hồn lạc quan. Nếu Lam Phương có những Thu Sầu, Thu Đến Bao Giờ, Chiều Thu Ấy, Tàn Thu cho không gian buồn, nhưng Mùa Thu Yêu Đương là mùa thu vui tươi, thu hẹn hò. Không gian dìu hồn tôi theo tiếng nhạc miên man...
"Đường vào Paris
Có lắm nụ hồng
Có tiếng thì thầm,
Nhưng anh chẳng cần
Mình sống cho nhau
Vượt lòng đại dương
Mình gặp lại đây
Sau cơn khát dài
thương nhớ bao ngày
Tình yêu trong tay
Mùa thu ơi!
Paris dệt mộng tình si
Khi nghe người đi vào đời,
Thấy lòng như bớt đơn côi
Bờ môi em là nguồn tin yêu đắm đuối
Ngày thuyền tình vào bến mới
Ta sẽ cho nhau tình yêu tuyệt vời..."
Nói đến bài Thu Đến Bao Giờ của Lam Phương tôi nghe, nhưng chưa có dịp viết cảm nhận, bài trùng tên của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ thơ Phạm Ngọc do ca sĩ Mỹ Khanh ca, tôi đã nghe và ghi nhận những ý tưởng về lời thơ: 
Thu Đến Bao Giờ?
Tiết trời mấy hôm nay đã dịu hẳn để như tiễn chân mùa hè và đón thu sang. Mùa thu với tôi nó có ý nghiã đậm đà trong văn chương khi nắng thu lung linh nhạt bóng đường, gió thu man mác nhẹ lay bờ tóc em, khi mà khung trời thu giăng mây ngàn lãng đãng như tơ trời vờn áo em. Tôi nghe tiếng ca mang bao quyến rũ và chan chứa bao dịu dàng qua bài “Thu Đến Bao Giờ”, chút gì Paris qua nỗi nhớ:
“Đây khúc hát mùa thu
Vang trong lòng phố
Rót sâu vào nỗi nhớ
Từng giọt mưa quen
Em về bến sông Seine
Anh qua lối cũ
Thoảng thơm mùi hoa sứ “
Ánh nắng chiều soi vàng hoa cúc để lay mùa thu xưa, để nhớ nhung vỡ tan bờ ký ức, từng lời thơ, từng lời ca rung động tim tôi, hoa sứ nhà nàng khi xưa đấy chứ?
Áo vàng hoa cúc vỡ òa ký ức, lao xao nỗi lòng.
“Chiều lên chiều lên
Theo gót chân em
Cúc vàng gót nhỏ
Đường xôn xao gió
Lay động mùa xưa
Như ngọn sóng đưa
Vỡ òa ký ức”
 
Nhạc phẩm này do Mỹ Khanh hát, giọng ca của cô như nam châm thu hút vì những âm vang nghe như ký ức thoảng bên tai tôi. Mùa Thu về trong thơ Phạm Ngọc hay nhạc Phạm Anh Dũng lâng lâng niềm xao xuyến như “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn hay bâng khuâng nỗi lòng khi thu về như “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên. Nhạc mùa thu của Phạm Anh Dũng mang hơi ấm vấn vương nỗi lòng:
“Lửa tàn khói thuốc
Ấm bờ môi khô
Chút tình đã bâng quơ
Hồn đau ngọn cỏ
Chia tay nhau ngày nọ
Thu đến bao giờ “
Tôi có chút nhà quê là không biết rít thuốc lá thật "pro", khi hít vào sâu tận buồng phổi thênh thang chiều thu không gian vô tận, xong ém khói cho phê cả trung khu thần kinh trí não, và cho khói huyền nhẹ bay ra từ mũi như các ông anh Mai Thanh Truyết, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Gia Cổn hay Phạm Quốc Bảo, nhưng cảm nhận từ nội tâm thiếu thiếu điều gì đó, phải chăng gió thoảng nhẹ, chất nhựa cho hồn ta bay cao, thơ lâng lâng cho chút lãng mạn, chút mây nicotine phù vân lãng đãng cần thiết. 

Khi tôi nghe bài Chiều, tôi vô cùng thích thú vì gió say sưa vang tiếng buồn, cho ngập hồn nicotinetheo hương gió Marlboro hay ba con 5, những ai rít một phùa ba con 5 như goût cua Mai Thanh Truyết hay hương Marlboro của Phạm Gia Cổn hay Phạm Quốc Bảo mới có cảm nhận thực thụ, Chiều là bài thơ vô cùng hay hay của thi sĩ Hồ Dzếnh, được Dương Thiệu Tước phổ nhạc như trích đoạn:
"Trên đường về nhớ đầy,
Chiều chậm đưa chân ngàỵ
Tiếng buồn vang trong mâỵ
Tiếng buồn vang trong mâ...
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói huyền bay lên cây..."
Muốn là người lữ khách, hay người tỏa thơ cho tâm hồn lâng lâng bay bỗng để cho khói huyền bay lên cây, tôi nghĩ thiết thực hãy cho lời nhạc hay thơ được đệm hương sắc nicotine vào. Trong sự đồng cảm cho người lữ khách, tôi tìm ra sự tương đồng giữa cụ Hồ Dzếnh và thi sĩ Phạm Ngọc. không thể không chú ý các câu thơ:
"Lửa tàn khói thuốc
Ấm bờ môi khô
Chút tình đã bâng quơ
Hồn đau ngọn cỏ"
Thực vậy, khi thu buồn chợt về, người đã bỏ ta ra đi, ngọn cỏ lao xao đau đớn như hồn ta, hãy rít ba con 5 cho gió huyền bay nhẹ lên cao để tiễn đưa cuộc tình buồn vậy.
Tôi nghe CD liền tù tì của Mỹ Khanh hát trong cả hai CD là “Nắng Mùa” và “Ngàn Thu Áo Tím”.
Trong CD “Nắng Mùa” có 10 bài hát do thơ Phạm Ngọc và nhạc Phạm Anh Dũng. Bài “Trẩy Nhánh Mù Sương”, nhịp điệu valse thánh thót đưa gót chân, dù nay bước chân đi sao hơi khó, nhưng giọng ca Mỹ Khanh, chút gì thoảng air Vân Khanh, dịu và ngọt, sweet and tender lắm, cho ta linh cảm xôn xao hồn mở toạc lối đi:
“Hạ về thay áo
Xôn xao bờ cỏ
Em về bỗng nhiên
Hồn anh mở ngỏ
Hanh vàng giọt nắng
xanh màu áo lụa
Trên những ngổn ngang
Tim anh giao mùa”
 
Trời thu trong thơ Phạm Ngọc giăng tím không gian biên biếc cho trẩy nhánh sương mù, khi mà tình như cánh gió bay cao và chuyển hướng để rồi đôi ta mất nhau như hôm nào:
“Tình như cánh gió
Chuyển hướng ai ngờ
Xô con nước vỡ
Tan hoang bến bờ
Em đi mùa lá
Tím biếc trời thu
Mất nhau từ đó
Trẩy nhánh sương mù”
Một bài ca tiêu biểu cho tiếng hát Mỹ Khanh trong air nhạc của Phạm Anh Dũng là bài “Gọi Nắng”, tôi phê bốn câu sau: Em như một giòng sông, vào tôi ngàn con sóng, trong tôi mùa gió lộng, một lần em thoáng qua:
“Em đến thật hồn nhiên
hiền vô tư cỏ lá
nụ cười em nắng hạ
thắp lửa phía tôi - chiều
Em như một giòng sông
vào tôi ngàn con sóng
trong tôi mùa gió lộng
một lần em thoáng qua”
Hương mùi tóc em phảng phất theo gió cho ai đấy xao xuyến, vui chín mộng lòng yêu đương. Nhẹ bước chân em vui chân guốc mộc, bài hát mang cả bầu trời quê hương ngày nào hiện về:
“Mai em về phố xa
giữ dùm tôi mắt biếc
trái tim tôi từng nhịp
vui theo bước chân người
Em về đâu nắng ơi
còn đây mùi hương tóc
bàn chân em guốc mộc
gõ hồn tôi bên này”
Mùa thu đến chỉ có ý nghĩa khi tôi có em, và em trong ký ức cũ có những con phố Paris, có dòng sông Seine lững lờ, có mùa thu yêu đương khi ta đi bên nhau trong vườn Luxembourg hoa mộng. Nào, chúng ta nghe bài “Em - Mùa Thu Của Tôi”:
“vẫn còn mùa thu của mưa
và em bên kia nỗi nhớ
vẫn còn mùa thu của gió
ai về đứng giữa mùa xưa
Paris buồn giữa trời thu
cơn mưa ùa theo hối hả
tiếng đàn pha cùng tiếng gió
thở dài thành những cơn mưa”

Mưa rơi giăng giăng phất phơ, cho không gian u buồn, tôi cầm tay em lặng nhìn dòng nước sông Seine, chiều mưa sao lỗi hẹn, để mùa thu của em như xa lạ, như mắt lệ nhạt nhòa cả đời sau. Tiếng nhạc vừa chấm dứt trong nhịp điệu buồn vơi:
“em mùa thu của tôi
chẳng đợi chờ sao lại đến
đành một lần lỗi hẹn
sông Seine buồn - quá xa xôi
em mùa thu của tôi
một chiều về trong vội vã
trong nhau như rất lạ
mưa còn suốt cả đời sau...”
Trong CD “Ngàn Thu Áo Tím” Mỹ Khanh trình bày 10 bài ca về mùa thu, những mùa thu như muôn thuở chất chứa đầy nét không gian mùa thu. Bài “Ngàn Thu Áo Tím” của nhạc sĩ Hoàng Trọng, phổ thơ Vĩnh Phúc. Đây là bài ca được đặt tên cho CD này. Tôi vốn thích bài này trong nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhạc hay mà người trình bày lại đưa hồn người thưởng ngoạn theo hương thu bay lâng lâng.
“Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ”
Những chiều thu cho mưa rơi để không gian cho em mặc áo tím khi bóng hình anh xa xôi. Hồn em thêm lạc lõng, mắt nhòa lệ rơi. Em ơi, biết đến bao giờ ta gặp lại nhau:
“Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ
Mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ
Khóc trong chiều gió mưa,
Khóc thương hình bóng xưa
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.”
Cuối cùng của CD “Ngàn Thu Áo Tím” là bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, bài hát như là một top hit của anh, Mỹ Khanh với air dịu dàng qua nhạc phẩm “Tình Là Hư Không”:
“Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông, biển rộng mênh mông"

Lời nhạc cho ta cái cảm nghĩ tình yêu như phù vân, như mây bay lãng đãng bay, và như gió lay lay cuộc sống. Ta có nhau để rồi ta mất nhau như khi tình bay xa:
"Tóc mây dài gọi hồn sương khói
Ngón tay ngà gợi buồn xa vắng
Rồi một ngày, lệ thu hoen mầu nắng
Lá thư vàng dần theo năm tháng
Nhớ nhung hoài cuộc tình không lối
Thương người, lặng lẽ nghe mùa thu rơi"
Mùa thu nào dâng sầu biệt ly, mùa thu về tiễn bước người đi. Tình cuối cùng chỉ là sắc sắc, không không. Tính chất không bền vững của cuộc sống theo Phật giáo vốn là sự phù du vô thường của kiếp nhân sinh, tình đến rồi tình đi. Cái triết lý đó hình như tôi đã cảm nhận trong dòng nhạc thiền của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng:
“Chiều thu mây trắng bay
Chiều thu mây trắng bay
Ngàn thu mây vẫn bay
dù mộng không đầy
Mùa thu cơn gió lay
Hồn thu đưa lá bay
Tình ta như sắc không...
Tình là hư không”
Cuộc sống cần âm nhạc, vâng thực vậy, tôi đến trường UCR đón con về hôm qua, những cô cậu sinh viên ca hát, vang tiếng ca, có guitar, violin và piano. Âm nhạc nhẹ như loại thính phòng cho ta cảm giác an bình, êm ái. Âm nhạc làm thăng hoa cuộc sống, cuộc sống này cần có những loài sơn ca, vành khuyên, hoàng oanh, họa mi,... những yếu tố đóng góp cho âm vui, cho yêu đời. Thử hỏi trong cuộc sống này không có thi ca, văn chương, âm nhạc,... không có giới văn nghệ sĩ, không có nhạc sĩ, không có ca sĩ và không có người biết rung động trước âm nhạc, không có người biết thưởng ngoạn âm nhạc; Trời ơi, chán chết!chán bỏ sừ!
Các vĩ nhân nhận xét âm nhạc như thế nào:
* Music gives a soul to the universe, wings to the mind, flight to the imagination and life to everything. Plato
* Without music, life would be a mistake. Friedrich Nietzsche
* Music expresses that which cannot be put into words and that which cannot remain silent. Victor Hugo
*If I were not a physicist, I would probably be a musician. I often think in music. I live my daydreams in music. I see my life in terms of music. Albert Einstein

Bây giờ là mùa thu, nghe vang âm nhạc thu, cám ơn những văn nghệ sĩ của mùa thu,... và xin đừng quên mỗi khi chiều về khói huyền bay bay lên cao, bạn nhé...

Theo http://www.ninh-hoa.com/



1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...