Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Qua những ca khúc Vượt thời gian của các “bậc thầy” Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Lê Thương, Đức Tuấn kể Truyện ca với người Đà Nẵng

Qua những ca khúc Vượt thời gian của các “bậc thầy” Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Lê Thương, Đức Tuấn kể Truyện ca với người Đà Nẵng

*Truyện ca–Đức Tuấn in CONCERT sẽ diễn ra vào lúc 20giờ tối thứ 6, 24/5/2013 tại Nhà hát Trưng Vương.
(ictdanang) – Sau thành công của các LiveShow “Về dưới mái nhà” (Ca sỹ Quang Hào), “Phố- Đêm nhạc Trịnh Công Sơn”(chương trình duy nhất tại Đà Nẵng được đại diện gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh đồng ý ký hợp đồng cung cấp bản quyền biểu diễn nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của Cố nhạc sĩ họ Trịnh; do NSƯT Cẩm Vân, ca sỹ Đức Tuấn, ca sỹ Hồ Trung Dũng, ca sỹ Nguyễn Hữu Thái Hòa, ca sỹ Thủy Tiên…, những nghệ sỹ đã có nhiều gắn bó với cố nhạc sỹ; cũng như đồng điệu với các sáng tác âm nhạc của ông, góp mặt làm nên); “Winter Show–Xúc Cảm Ngày Đông” (với sự góp mặt của danh hài Hoài Linh, cùng các nghệ sỹ, ca sỹ Văn Mai Hương, ca sỹ Hoàng Hải, ca sỹ Hải Yến Idol, ca sỹ Trung Quân idol, và nhóm nhạc IT’s Time...) ; Công ty TNHH Truyền Thông Giải Trí Cánh Cung (CanhCung Media) tiếp tục giới thiệu ĐỨC TUẤN in CONCERT “TRUYỆN CA” vào lúc 20giờ, đêm 24/5/2013 tại Nhà hát Trưng Vương, TP. Đà Nẵng.

Sau thành công từ những chương trình hòa nhạc riêng trước đây như Music Of The Night (TP.HCM - 2009), Paradiso (TP.HCM & Hà Nội-2011) ca sĩ Đức Tuấn, với sự phối hợp tổ chức của Cánh Cung Media, lần đầu tiên tổ chức một chương trình riêng tại Đà Nẵng.
“Truyện ca” – Phong cách của dấu ấn riêng
Chương trình “Đức Tuấn – Truyện Ca” đang được những người trong cuộc và một số cơ quan truyền thông thạo tin, hoài vọng sẽ mang lại cho khán giả Đà Nẵng một bữa tiệc âm nhạc sang trọng, gợi nhớ về nhiều kỷ niệm mà mỗi người trong chúng ta đều mong ước có dịp được đánh thức.
Là người yêu thích và theo đuổi dòng nhạc kịch, nên các bài hát Truyện ca là một cơ hội tuyệt vời để Đức Tuấn thể hiện khả năng trình diễn nhạc kịch của mình, vì mỗi bài Truyện ca giống như một trích đoạn, hoặc cũng có khi là một vở nhạc kịch thu nhỏ - chẳng hạn như bài Hòn Vọng Phu, Áo anh sứt chỉ đường tà – Đức Tuấn chia sẻ.
Giọng ca đạt giải nhất Tiếng Hát Truyền Hình TPHCM năm 2000, đến nay, vẫn miệt mài đeo đuổi phong cách bán cổ điển, cương quyết không đi theo dòng nhạc thị trường dễ dãi; với những ca khúc “sống mãi với thời gian” của các nhạc sỹ tài hoa hàng đầu Việt Nam; phần nhạc đệm do Friendly (TP.Hồ Chí Minh) đảm nhận; tổng thể không gian nghệ thuật được dàn dựng công phu, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại hỗ trợ tối đa cho các màn trình diễn nhiều kịch tính…, đó là những gì Truyện Ca muốn đem đến cho công chúng yêu âm nhạc Đà Nẵng. Một đối tượng công chúng cảm thụ nghệ thuật vốn khắt khe, khó tính.

Đức Tuấn muốn tri ân khán giả miền Trung đã luôn yêu mến và ủng hộ Tuấn suốt hơn 10 năm qua.
Đức Tuấn tâm sự:
Chọn Đà Nẵng để kết hợp tổ chức liveshow này, Đức Tuấn muốn tri ân khán giả miền Trung đã luôn yêu mến và ủng hộ Tuấn suốt hơn 10 năm qua. Đi diễn ở miền Trung nhiều lần Đức Tuấn hay nhận được những câu hỏi là bao giờ mới có liveshow để nghe cho "đã", thì đây, giờ là lúc để Đức Tuấn đáp lại những yêu cầu đó.
Và tại thời điểm này thì Đà Nẵng là nơi lý tưởng nhất ở miền Trung để tổ chức các chương trình ca nhạc lớn, sau đó Tuấn sẽ nghĩ đến việc làm chương trình tại các thành phố, các tỉnh khác.
“Truyện ca” là đêm nhạc mang dấu ấn riêng của Đức Tuấn trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam hiện nay với gần 20 ca khúc. Lấy cảm hứng từ những truyền thuyết, cổ tích dân gian, những hình tượng văn học hay đơn giản là những câu chuyện đời thường, các nhạc sĩ tài hoa đã kể những câu chuyện bằng âm nhạc đặc sắc với ca từ bay bổng giàu tính tự sự.
Phần lớn giai điệu và tiết tấu của các ca khúc cũng là sự kết hợp rất hài hòa các yếu tố âm nhạc dân gian Việt Nam với âm nhạc phương Tây. Đây là sự kết hợp “tinh khôi” trong buổi bình minh của nhạc nhẹ Việt Nam.
Không thừa khi nhắc lại rằng, Nhạc sỹ Phạm Duy (1921-2013) đã để lại cho đời lượng tác phẩm đồ sộ, mỗi tác phẩm của ông là sự tổng hòa những hợp âm sang trọng của các yếu tố âm nhạc Việt Nam cổ truyền với các trào lưu, phong cách mới của âm nhạc quốc tế, tạo nên tính đột phá mới mẻ, sức ảnh hưởng lớn.Nhạc sỹ Lê Thương (1914–1996), tác giả của bộ ba ca khúc Hòn vọng phu bất hủ, ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam. Nhạc sỹ Văn Phụng từng được xếp vào những tên tuổi nhạc sĩ hòa âm hay nhất của Sài Gòn trước 1975, một số nhạc phẩm của ông được xếp vào thể loại tiền chiến và đã vượt thời gian (Bức họa đồng quê, Trăng Sơn cước, Trăng sáng vườn chè (phổ thơ Nguyễn Bính)…

Nhạc sỹ Văn Phụng.
Người nghe dễ dàng nhận ra sự mộc mạc, nhưng lắng sâu của chất Á đông bên cạnh những phóng khoáng, du dương, lại có lúc, sôi nổi cao trào với những thanh âm cao vút, dồn dập dữ dội về tiết tấu…đến mức huyền bí mang màu sắc âm nhạc hàn lâm Âu châu, hay Latin.
Những ca khúc truyện ca có khi là những bản trường ca bi tráng, có khi là một ca khúc trữ tình ngọt ngào, kéo người nghe vào một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc, trạng thái
Xuyên suốt chương trình Truyện ca, ca sỹ Đức Tuấn và những cộng sự từ vai trò chỉ đạo đêm diễn, đến những đồng nghiệp hỗ trợ thực hiện, tất cả sẽ cùng nhau dẫn dắt người nghe lần lượt đi qua các chủ đề tự sự khá rõ nét. Có thể là dòng tự sự đầy chất bi tráng của non sông, quê hương Việt mà cũng có thể đó là tự sự rất riêng , của những nỗi niềm “rất con người”.
Quê hương Việt – Bóng mây u ám của chiến tranh và thân phận người dân Việt – Tình yêu đôi lứa…Đó là 3 chủ đề miên man, xuyên suốt các tác phẩm trường tồn cùng báo biến động của lịch sử và dòng chảy thời gian, sống trọn vẹn với bao thế hệ của các nhạc sỹ Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Lê Thương.
Quê hương Việt với những miền thôn dã, cái nơi chốn vẫn lưu giữ chặt bao tâm hồn Việt, cùng với những ngày xa xưa thanh bình ấy được tái hiện qua Vợ chồng quê, Tình hoài hương.
Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn / Nước tuôn trên đồng vuông vắn / Lúa thơm cho đủ hai mùa / Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê ... (Tình hoài hương).

Hoàng Thi Thơ (1929 – 2001) là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam, ông viết gần 500 bản tình ca, trong đó nhiều bài đã thành bất hủ, dù thời thế có nhiều thay đổi. 
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng từng tham gia hoạt động văn nghệ thời kỳ đầu cách mạng tháng 8 cùng các nghệ sĩ Trần Hoàn, Chế Lan Viên…. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc lãng mạn như Tình sầu biên giới, Đường xưa lối cũ, Tà áo cưới, Những ngày thơ mộng, Duyên quê… Bên cạnh đó, ông còn viết nhạc kịch rất thành công với các vở Từ Thức lạc lối Bích Đào, Dương Quý Phi, Cô gái điên và ả đào say…
Từ giữa năm 2009 đến nay một số các ca khúc của ông đã được phổ biến trở lại.
Người nghệ sỹ say đắm với cảnh sắc quê hương, dạt dào hạnh phúc trong thanh bình mà vui ca hát quên đời (Ô mê ly-sáng tác của nhạc sỹ Văn Phụng). Thậm chí từ bức tranh quê (một miền sơn cước rất thực), nhưng thi nhân mơ màng, lãng mạn, muốn thoát tục vào chốn bồng lai (hư), để lại những câu từ bồng bềnh cảm xúc. Nhìn bức tranh quê Việt vừa đẹp tuyệt vời, vừa hư ảo trong tâm thức sáng tạo nghệ sỹ (Tiếng sáo thiên thai, thơ Thế Lữ; nhạc: nhạc sỹ Phạm Duy).
Nhưng rồi chiến tranh, là ly tan, là mất mác, là đâu thương cho biết bao miền quê hương và đẩy từng thân phận vào từng cung bậc ai oánTruyện ca kết nối một thuở chiến tranh điêu linh từ Hòn Vọng Phu 1-2-3 (nhạc sỹ Lê Thương) đến Áo anh sứt chỉ đường tà (cố nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan “Màu tím hoa sim”), như một bức tranh tương phản dữ dội với những ngày hòa bình trên quê hương Việt. Nhắc nhở mỗi người biết gìn giữ những giá trị của cuộc sống độc lập tự do hôm nay.

Nhạc sỹ Lê Thương và 1 trong bộ 3 tác phẩm nổi tiếng của ông.
Áo anh sứt chỉ đường tà – ca khúc phản chiến theo tinh thần, cốt cách Việt – được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ một bài thơ (kể một câu chuyện có thật), để rồi cả thơ nhạc đều đã đi vào bất tử -, cũng là một thành công rực rỡ của Đức Tuấn.
Nếu tính từ khoảng giữa năm 2007 (thời điểm Đức Tuấn cho ra mắt album đầu tiên “Tình ca Phạm Duy”) và nhanh chóng được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, đây là ca khúc, là tiết mục anh đã nhận được yêu cầu “nhiều nhất, cao nhất” từ hàng ghế khán giả, mỗi khi anh biểu diễn. Với Áo anh sứt chỉ đường tà, Đức Tuấn cũng đã khẳng định được rằng, anh là giọng ca nam trẻ, “đủ sức” kế thừa thế hệ Elvis Phương, Duy Quang, Tuấn Ngọc .. khi thể hiện các nhạc phẩm của cố nhạc Phạm Duy. Và điều nầy cũng giải thích, vì sao, trong chương trình biểu diễn tại TP. Đà Nẵng lần này của anh, nhạc Phạm Duy cũng chiếm vị trí quan trọng.

Có cả một Website lưu giữ Di sản Âm nhạc của cố Nhạc sỹ Phạm Duy. Ông là cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam. Đêm nhạc "Truyện Ca - Đức Tuấn in Concert" trên sân khấu Nhà hát Trưng vương Đà Nẵng chỉ diễn ra sau ngày mất của ông hơn 100 ngày (Nhạc sỹ Phạm Duy vừa qua đời hôm 27/1/2013, ở độ tuổi thượng thọ: 92).
Chủ đề Tình yêu đôi lứa…trong Truyện ca của Đức Tuấn, bắt đầu từ cái tình yêu chất phác dung dị, không hình thức, không so đo vật chất của đôi trái gái miền thôn dã:
Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy. Nói năng hiền lành như thóc với khoai. Nàng là con gái nết na trong xóm. Nước da đen giòn với nụ cười son. (Vợ chồng quê)

Và chuyển sang những tâm sự man mác u buồn, có phần nặng về trách móc, hờn oán, khi bị lừa dối, bội ước, gây tan vỡ, đau thương, tuyệt vọng. Âu đó cũng là lời trách, lời khuyên cho những ai “yêu ai” nhưng lại không chịu “yêu cả một đời”. Khán giả sẽ nghe lại những ca khúc “nằm trong lòng” như Thôi (của nhạc sỹ Y Vân), Yêu là chết trong lòng một ít, Hẹn hò, Tình hờ (củanhạc sỹ Phạm Duy), Sang ngang (của nhạc sỹ Đỗ Lễ) và Chuyện tình người thiếu nữ tên Thi (của nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ).
Nhưng ca khúc kết của chương trình là: “Và con tim đã vui trở lại - Tình yêu đến cho tôi ngày mai - Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời - Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi - Và con tim đã vui trở lại - Và niềm tin đã dâng về người - Trọn tâm hồn - Nguyện yêu mãi riêng người mà thôi... - Và con tim đã vui trở lại (Và con tim đã vui trở lại – sáng tác của Nhạc sỹ Đức Huy).
Ở liveshow lần này, Đức Tuấn đã chọn những bài hát đã trở thành “kinh điển của tân nhạc Việt Nam”, và anh nỗ lực trình bày theo một phong cách mới.Tuy nhiên, Tuấn cho biết, anh cũng “rất trung thành với những chuẩn mực” đã được công nhận từ nửa thế kỷ qua.

từ trái sang: ca sĩ Ngọc Tuyền - Nhạc trưởng người Anh nổi tiếng (Paul Bateman)- Đức Tuấn và Nữ ca sỹ opera nổi tiếng của Canada Genevieve Charest trong Music of the night.
Đọc Nhà thờ Đức Bà Paris trên sân khấu Truyện ca
Ca sĩ Ðức Tuấn cũng là Nghệ sỹ Vocal đầu tiên khai thác khá thành công thể loại nhạc kịch (Broadway) phương Tây với những tác phẩm đương đại đặc sắc tung hoành ở các sân khấu hàn lâm của thế giới, vào sân khấu biểu diễn đại chúng của Việt Nam. Như có lần anh bộc bạch “Tôi hát để thỏa mãn niềm đam mê của chính mình” và từ 2005, Đức Tuấn đã thử nghiệm những buổi biểu diễn nhạc kịch đầu tiên ở một số phòng trà ở TP.Hồ Chí Minh.
Đến năm 2008, Ðức Tuấn – cũng là nghệ sỹ đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình – “dám” chào hàng cho “thị trường của những đôi tai” một Album theo phong cách nhạc kịch nặng chất kinh điển. Chưa hết, cuối năm 2009, trong đêm nhạc Music of the night của anh (tại Nhà hát TP.Hồ Chí Minh), anh đã mời Genevieve Charest - giọng ca nữ opera nổi tiếng của Canada -, ông nhạc trưởng người Anh nổi tiếng (Paul Bateman) sang Việt Nam cùng thực hiện.
Người trong giới, anh chị em phóng viên văn hóa-nghệ thuật đều biết, tất cả đều xuất phát từ đam mê cá nhân của Đức Tuấn, đam mê đến mức thừa dũng cảm để giới thiệu một cách kiên trì, một thể loại âm nhạc vốn rất kén chọn người nghe. Đã có ý kiến khẳng khái nhận xét, cả Album lẫn Liveshow của Đức Tuấn, đều "chưa tới", thế nhưng, điều quan trọng hơn, cuối cùng, Đức Tuấn cũng đã định hình được “lối chơi” theo phong cách riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân và khi làm được điều đó, anh đã tìm được những công chúng của chính mình.
Trong đêm Truyện ca diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) vào tuần đến, sẽ có một khách mời (duy nhất) biểu diễn cùng Đức Tuấn, đó giọng nữ cao (soprano) hàng đầu của Việt Nam hiện nay: ca sĩ Ngọc Tuyền.

Từ trái sang: ca sĩ Ngọc Tuyền - Đức Tuấn và Nữ ca sỹ opera Canada, cô Genevieve Charest.
Ngọc Tuyền sẽ song ca cùng Đức Tuấn, trong đêm ra mắt công chúng Đà Nẵng với các tác phẩm: Hồn Vọng phu 1-2-3 (nhạc sỹ Lê Thương), Vợ chồng quê, Tình hoài hương (nhạc sỹ Phạm Duy) và đôi bạn diễn nầy cũng sẽ kết chương trình với ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đức Huy. Với các ca khúc Việt, giọng hát của Tuyền đem lại cho những bài này một không khí rất mới lạ, rất khác với những gì công chúng đã quen với đôi tai cảm nhận của mình; Đức Tuấn cho rằng, đó cũng là điều thú vị mà khán giả Đà Nẵng sẽ được thưởng thức trong đêm nhạc Truyện ca của anh vào tuần đến.
Thế nhưng, có lẽ, dấu ấn mà Ngọc Tuyền – người bạn diễn ăn ý của Đức Tuấn suốt nhiều năm qua, muốn gửi lại với người dân TP Biển lần nầy-, lại là, đôi bạn sẽ cùng trình bày một số trích đoạn nhạc kịch và tác phẩm đầu tiên là “The Phantom of the opera” (Bóng ma nhà hát – tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Andrew Llyod Webber).

Ban Tổ chức-Nhà Tài trợ chia sẻ thông tin đêm Truyện ca đến các CQ Truyền thông.    .
Những cung bậc, quãng âm giai điệu trong The Phantom of the opera (đúng với nguyên tác soạn cho giọng nữ trong vở diễn), được Andrew Llyod Webber dành soạn riêng cho người vợ ông rất “tâm đầu ý hợp” lúc đó. Bà Sarah Brightman, vợ ông, người có giọng soprano được cho là “thiên phú”.
Lần nầy với Truyện ca, chính Ngọc Tuyền – với chất giọng cổ điển đã xác lập được đẳng cấp - sẽ hòa quyện cùng phong cách thiên về khuynh hướng nhạc nhẹ của Đức Tuấn, để cùng chuyển tải nhẹ nhàng phong cách hàn lâm của các bản nhạc kịch đến với công chúng Đà Nẵng. Chắc chắn, lần đầu tiên, trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương- Đà Nẵng, “The Phantom of the opera” sẽ lưu lại những nốt ngân, nốt lặng đẹp trong lòng khán giả.
Sẽ rất thật thú vị với những ai đã đọc (hoặc xem phim, xem kịch)Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris – của đại văn hào Victor Hugo), bởi hình tượng Phantom hết sức gần gũi với hình tượng Chàng Gù Quasimodo.
Nhưng không để công chúng Đà Nẵng phải liên tưởng quá lâu, ngay sau The Phantom of the opera thì Notre Dame de Paris sẽ hiển hiện trước mắt công chúng qua Le Temps des Cathedrales (Thời đại của nhà thờ, cũng có bản dịch là Thời khắc của thánh đường) – một ca khúc trong vở nhạc kịch, phiên bản tiếng Việt đầu tiên của Notre Dame De Paris.
Sau lần đầu tiên biểu diễn tại TP.Hồ Chí Minh, lần đó, nam ca sĩ Đức Tuấn đã biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện TP, thì đây là lần đầu tiên, một phần của phiên bản tiếng Việt vở nhạc kịch phỏng theo tiểu thuyết nổi tiếng rất quen thuộc với người đọc Việt Nam, ra mắt công chúng Đà Nẵng. Đức Tuấn sẽ hát (với nhóm bè Blue) “Thời đại của nhà thờ” (sáng tác của 2 nhà soạn nhạc Luc Plamondon và Richard Cocciante).
 Ca sỹ Đức Tuấn
Khúc nhạc muôn đời - Một dòng sông xanh xanh...
Có 4 ca khúc nước ngoài khác đã đi vào đời sống âm nhạc Việt có khi non một thế kỷ chứ chẳng ít, cũng sẽ được Đức Tuấn “gợi nhắc” trong Truyện ca, đó là Le Beau Danube Bleu/ Blue Danube của nhạc sĩ thiên tài Johans Strauss – một bản nhạc, xưa nay, vẫn được nhiều người cho là “bài Valse hay nhất của mọi thời”. Ca khúc quen thuộc với rất nhiều người Việt có tựa là“Dòng Sông Xanh”, cũng được cố nhạc sỹ Phạm Duy soạn lời Việt.
Ca khúc khác là Domino, do 2 nhạc sỹ Jacques Plante (sọan phần lời) và Louis Ferrare (nhạc), bản tiếng Việt trước đây đặt tựa là “Khúc nhạc muôn đời” (rất quen thuộc với người nghe qua giọng ca của ca sỹ Khánh Ky) ; sau nầy còn có phiên bản “Hội Mùa Hoa” (phiên bản mới được biết đến rộng rãi qua thể hiện của ca sỹ Thu Minh).
Và La Cumparsita, được nhạc sỹ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vũ nữ thân gầy.
Biểu diễn truyện ca đòi hỏi ở ca sĩ nhiều nỗ lực hơn bình thường, trước tiên là khả năng biểu cảm của giọng hát, khi ca sĩ phải hóa thân thành một người kể chuyện, có khi là một nhân vật trong câu chuyện đang được kể; tiếp đến là khả năng diễn xuất, có khi chỉ bằng những cử động sân khấu, thay đổi hình thể, nét mặt... để thể hiện được kịch tính của câu chuyện mình đang kể bằng âm nhạc.
Đức Tuấn vốn đã rất thành công với các bản truyện ca.
Và lần nầy, với sự tiếp sức của nhà tổ chức CanhCung Media, anh muốn báo cáo “độ chín của những thành công” đó với khán giả của Đà Nẵng, những người đã luôn ủng hộ nhiệt tình Đức Tuấn qua nhiều chương trình biểu diễn ở quy mô nhỏ, thậm chí chỉ xuất hiện trong “chốc lát” của một chương trình lớn trước đây.
“Chúng tôi muốn mang đến một đêm nhạc thịnh soạn về tiết mục, về hiệu ứng hỗ trợ và sang trọng về thanh âm, phong cách diễn xuất với những tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc bậc thầy Việt Nam và thế giới. Khán giả Đà Nẵng có nhu cầu thật sự trong thưởng thức chương trình nghệ thuật “kinh điển”, đặc biệt. Có một lớp công chúng vẫn đi tìm những bài ca của một thuở và tính nghiêm túc của một đêm nhạc…Canhcung Media cam kết không phụ lòng giới mộ điệu âm nhạc của TP Biển – anh Lê Khả Lục, Giám đốc Canhcung Media, đạo diễn và là Giám đốc sản xuất Truyện ca bộc bạch cùng ictdanang.
Truyện ca khai diễn đúng vào lúc 20giờ tối thứ 6, 24/5/2013 tại Nhà hát Trưng Vương.
Biên tập: Ca sỹ Đức Tuấn - Đạo diễn: Khả Lục - Quý Nhân. Chủ nhiệm: Quý Nhân.
Giá vé (bán ngay tại Nhà hát Trưng Vương-Đà Nẵng): 200.000 – 300.000 – 400.000đồng VN – V.I.P. Khán giả cũng có thể mua vé trực tuyến qua www.vntic.vn (tại địa chỉ nầy, khán giả có thể biết những vị trí ghế ngồi còn trống và chọn cho mình, người thân chỗ ngồi thích hợp). Cũng có thể đặt vé qua điện thoại: 0917.402.482.

Truyện ca – Đức Tuấn in CONCERT đã nhận được sự tài trợ từ Học Viện Anh ngữ EQUEST,và đây cũng là một trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 1 năm thành lập Chi nhánh EQUEST tại Đà Nẵng. Đồng hành cho Chương trình còn có Kim Production và Flowershop Thùy Trâm.
(ảnh trên: Anh Lê Khả Lục - Giám đốc Canhcung Media, đạo diễn và là Giám đốc sản xuấtTruyện ca cùng đại diện Chi nhánh EQUEST tại Đà Nẵng, Chị Nguyễn Tuyền, tại buổi gặp gỡ với các Cơ quan Truyền thông, giới thiệu Truyện ca – Đức Tuấn in CONCERT)
Trần Ngọc - Thanh Nhã thực hiện

 



1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...