Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Hát cho người hay cho tôi

Hát cho người hay cho tôi?

Năm 2010, trong chương trình "Gặp gỡ cuối tuần” của HTV 7, Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có tâm sự về bài hát “Thu, hát cho người” và coi đó là tình cảm trong sáng của chính tác giả với một người con gái cùng quê ở Quảng Nam. Sau một thời gian xa cách, khi trở về, cô gái ngày xưa có lẽ đã có một bến bờ khác. Một mình lang thang lên đồi sim tím, nơi đã từng gắn bó với mối tình xưa, cảm xúc chợt ùa về… Và "Thu, hát cho người” ra đời trong hoàn cảnh đó. Nhưng đến cuối năm 2011, trên báo "Người lao động”, Vũ Đức Sao Biển giải thích rằng, tựa đề ca khúc "Thu, hát cho người” là hát cho chính mình, hát cho mùa sim tím, tháp cổ và dòng sông Thu Bồn. Lần này, không hiểu vì sao, trong bài báo "Tôi viết Thu, hát cho người”, ông không hề nhắc đến những câu chuyện về Thu ngày ấy?
Dẫu cho là viết cho Thu, viết cho ông, hay viết cho một người nào khác thì bài hát bàng bạc hơi thu đó đã gieo vào lòng người nghe cảm giác man mác biệt ly. Biệt ly ở đây không hẳn là biệt ly với chủ thể nào rõ ràng, một thứ biệt ly không quá đau đớn ray rứt, nó chỉ lững lờ như những áng mây, chỉ gờn gợn như hơi sương nhè nhẹ nhưng nó có thực, biệt ly không lý do, biệt ly trong từng sát na.
Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. 
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. 
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. 
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ. 
Nếu dòng “Giòng sông” là dòng thời gian lặng lẽ, thì “đồi sim” chính là điểm neo của thời gian, những từ mang cảm xúc mạnh mẽ như “biền biệt”,”vô bờ” thường gợi nên nỗi se sắt đoạn trường thì mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng cố xoa dịu sự đớn đau. Và chính không khí của Đường thi đã thổi thêm sương khói huyền ảo vào cảnh, vào người, vào nỗi nhớ đang dâng trào. “Người tình”, hay “người” ở đây gợi cảm giác mông lung sương khói, có lẽ nó chỉ là nhân ảnh không hình hài.
Ở câu thơ gốc của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu : “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” diễn tả một sự dứt khoát, “nhất khứ”, một đi là không trở lại thì cánh chim Hoàng Hạc của Vũ Đức Sao Biển hình như vẫn còn chút chập chùng, hai chữ “bay” lặp lại cho cảm giác phân vân. Hoàng Hạc xưa bay lên bỏ lại trần thế ô tạp, Hoàng Hạc nay ngập ngừng bởi dưới đôi cánh phân vân là khoảng trời mơ mộng. Ôi cái thứ biệt ly nhẹ nhàng vương vấn như thế kì thực nó thấm dần và dày vò tâm can còn hơn cả cái biệt ly dứt khoát, đau thấu một lần rồi thôi vậy!
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, 
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. 
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió. 
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ. 
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, 
Trong mênh mông chiều sương 
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín 
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay. 
Giai điệu đầu vút lên mạnh mẽ “ta vẫn chờ” nhưng kết thúc từng đoạn lại chùng xuống. Không gian, thời gian cô đọng lại chỉ còn mỗi ta và gốc sim già. Những hình ảnh đẹp đẽ vô cùng như “một đóa đẫm tương tư”,”đêm nguyệt cầm”,”sáng linh lan” phải chăng là những ảo tượng trong nỗi nhớ. Đồi nương bao la sim chín, chiều sương mênh mông giữa thu vàng dường như cũng là không thật. Chỉ có ta và gốc sim già. Và khi nỗi nhớ tràn trề chỉ còn có mỗi ta, cô đơn ngồi khóc giữa không gian rách nát.. Hai đoạn nhạc này tưởng như thật hoàn mỹ, lung linh mang đến một nỗi buồn sang trọng nhưng kỳ thực nó tàn nhẫn lắm, bóp chặt, đay nghiến linh hồn.
Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi
Nhặt hoài mong, ta hát vì xa người
Thu hát cho người...Người yêu ơi!
Điểm tới hạn của cảm xúc đã qua, đành phó mặc cho thời gian xóa đi nỗi nhớ. Câu chữ trong lời hát tròn trịa, giàu hình ảnh như một bài thơ hoàn hảo nhưng không thể giấu được sự nặng nề đè lên cả không gian và thời gian. Bóng chiều dù có rơi mãi, kẻ tôi dù có nhặt nhạnh không ngừng những hoài mong, nhung nhớ thì cuộc đời cũng sẽ bềnh bồng trôi lặng lẽ. Nỗi buồn không còn của riêng ta nữa, nó sẽ hòa vào nỗi buồn nhân thế. Và tiếng hát của ta góp vài lời thảng thốt khi biết rằng hợp hay tan này rồi cũng hóa hư vô cùng phận người.
Mới nghe, “Thu, hát cho người” rất dễ làm cho người ta đắm say bởi thanh âm dịu nhẹ, bởi những hình ảnh thần tiên đẹp tuyệt vời, bởi triết lý Lão Trang đầy huyền vi. Nhưng ẩn đằng sau tất cả, ta sẽ nhận ra chính ta vẫn đang đứng giữa đời, giằng xé khổ đau giữa được mất, ly biệt của nhân thế. Rất cô đơn và buồn bã!
Phan Khắc Huy



1 nhận xét:

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...