Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Những dòng sông vỗ cánh gọi ta về

Những dòng sông vỗ cánh gọi ta về
Lời bình của nhà văn Xuân Hiến
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” có viết: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”. Quả thật, hình ảnh con sông đã in đậm trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Tác giả Nguyễn Hồng Vinh với trái tim nồng ấm sau những ngày lăn lộn và trải nghiệm với đời, lại có phút giây nghe tiếng “Thì thầm những dòng sông”, coi đó như tiếng nói ân tình với những người thân, với quê hương, đất nước. Mở đầu là hồi ức về tuổi thơ chẳng mấy êm đềm:
Tôi trở về với dòng sông tuổi thơ
Mẹ cắt cỏ dáng cong vầng trăng khuyết
Cha đẩy thuyền oằn lưng mưa gió tạt
Phồng rộp bàn tay, con kéo vó đêm đêm
Một tuổi thơ thật dữ dội, lần lượt gợi nhớ da diết hình ảnh “Mẹ”, “Cha” và bản thân như những bức phù điêu tạc sâu vào ký ức. Đó là dáng “Mẹ cắt cỏ” được ví von “cong như vầng trăng khuyết”, thể hiện sự lao động cần mẫn sớm trưa; còn bóng cha thì “oằn lưng mưa gió tạt”. Không chỉ riêng tôi, mà bất cứ độc giả nào đọc những câu thơ này đều bị thuyết phục bởi cách thể hiện vừa hiện thực, vừa bay bổng rất đúng với hình ảnh người mẹ, người cha tảo tần, tắm nắng, gội mưa để nuôi lớn chúng ta. Khác bao người khi nhắc đến dòng sông và tuổi thơ thường là các kỷ niệm: chăn trâu, thả diều, tắm mát…, Nguyễn Hồng Vinh lại nhắc đến việc “kéo vó đêm đêm”, đến mức: “phồng rộp bàn tay” vì mưu sinh cả gia đình mà tác giả phải gồng mình trong lao động.
Rồi theo năm tháng trôi, con người cũng lớn lên, trưởng thành, bàn chân tác giả đặt lên miền cực nam của Tổ quốc:
Cùng đồng đội vượt qua Vàm Cỏ Đông
Tím lục bình che mắt giặc
O du kích dẫn vào hầm bí mật
Tấm khăn rằn hay châu thổ thêu lên?

Đến đây không còn là con sông của tuổi thơ, gia đình, quê hương nữa, mà là con sông Vàm Cỏ Đông “Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng” (Hoài Vũ) đã đi vào lịch sử, in đậm trong lòng người dân nước Việt. Tác giả nhắc tới những ngày chiến đấu gian khổ trên chiến trường Nam bộ có sông nước, với hoa lục bình tím ngát triền sông “che mắt giặc”; có con người yêu thương giúp đỡ là “O du kích” dẫn đường và những “hầm bí mật” của các mẹ, các chị đã tạo nên “thế trận lòng dân”. Hình ảnh “tấm khăn rằn” với câu hỏi tu từ “hay châu thổ thêu lên?” thể hiện sinh động nét đẹp của mảnh đất, con người ở đất chín rồng. Đây là câu thơ chứa đựng sự tài hoa của người nghệ sĩ.
Từ con sông Vàm Cỏ Đông, Nguyễn Hồng Vinh lại nhắc đến những con sông khác trên khắp vùng miền Tổ quốc, mà trong đó, mỗi con sông là một huyền thoại:
Sông Mã, Thu Bồn, Thạch Hãn, Đồng Nai…
Máu đồng đội một thời loang đỏ
Mặt sông Hồng, mảnh B52 lả tả
Sóng nhấn chìm tàu giặc ở bao sông!
Những con sông sáng bừng trang sử và khắc sâu trong tâm trí bao người, bởi nơi đó “máu đồng đội” đã từng “loang đỏ” trên sông, từng đón nhận “mảnh B52 lả tả” rơi; và còn có bao sông đã vùi chôn tàu giặc. Một lẽ thường tình trên dải đất hình chữ S này, đời sông cũng như đời người đều gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc, mà lịch sử nơi đây được xây đắp bằng máu xương của các thế hệ và chiến công vẫy gọi chiến công để có một giang sơn vững như bàn thạch hôm nay…
Hồi ức về dòng sông vẫn chảy tràn theo mạch cảm xúc của tác giả, bến sông kỷ niệm trong anh thức dậy và đọng những dấu ấn khó phai:
Gặp em giữa bãi bờ chạng vạng hoàng hôn
Như lúa gặp phù sa ngày hạn
Còn đây nơi chia tay hò hẹn
Kỷ niệm đầu đời thành nhựa sống men say
Bốn câu thơ nêu lên hai sự việc liên quan đến tình yêu đôi lứa, việc gặp gỡ và chia tay đều mang lại cảm xúc thiêng liêng. Cuộc gặp gỡ ở đây hết sức đặc biệt, bởi không gian “giữa bãi bờ” vào thời gian “chạng vạng hoàng hôn”, hầu hết các thi sĩ, nhạc sĩ chọn thời điểm này cho việc chia tay; thế mà cuộc gặp “như lúa gặp phù sa ngày hạn”, rất hình tượng, rất lãng mạn, hào hoa. Dường như ngoại cảnh nghiệt ngã của chiến tranh không ngăn được men say tình yêu, họ đến với nhau như một điều tất yếu của cuộc sống. Kỳ diệu thay, sông có lúc chia dòng, nhưng cuối cùng hội tụ tình yêu; và cũng có lúc phải chia ly, nhưng lại làm cho “kỷ niệm đầu đời” trở thành “nhựa sống”! Ngôn từ giàu chất thơ này được tác giả sử dụng, cứ lấp lánh như những vì sao sáng, có sức gợi cảm sâu xa. Đọc thơ anh, tôi thấy được dòng sông đời người với những bến đỗ đầy kỷ niệm và hạnh phúc cũng nhen nhóm từ đây…
Từ những mảng ký ức riêng, chung; từ những dòng sông vang ngân câu hát, tác giả trở về với hiện tại để đưa ra một chân lý cao đẹp:
Sông thì thầm với người hôm nay
Trong xanh biếc một mầm cây cỏ
Bao nhiêu giọt quê hương thắm đỏ
Sông -
Mẹ hiền -
Đất nước thiêng liêng!
Lời “thì thầm”, hôm nay có màu xanh của “mầm cây cỏ”, có “giọt quê hương thắm đỏ”. Hai màu sắc đã làm nên sự sống và kỳ tích cho non sông, đất nước. Ta cảm nhận được sức sống bật dậy từ mầm cây; từ sự ân tình của quê hương để cuộc đời thắm đỏ. Sông ôm ấp kiếp người; sông cuộn sóng thúc đẩy con thuyền Đất nước cập bến vinh quang. Câu thơ cuối được tách ra làm 3 dòng để khẳng định một điều vô cùng thiêng liêng: Sông là Mẹ, là Đất Nước, là lịch sử hào hùng của dân tộc ta; mỗi con sông sáng bừng hào quang chiến thắng!
Bài thơ “Thì thầm những dòng sông” của tác giả Nguyễn Hồng Vinh là một sáng tạo từ một chủ đề đã được nhiều văn nghệ sĩ thể hiện, nhưng tác giả có cách quan sát tinh tế, tạo nên sự vật đa chiều, giàu tính triết lý, giúp ta tự hào và thêm yêu những dòng sông đất Việt.
Thì thầm những dòng sông
Tôi trở về với dòng sông tuổi thơ
Mẹ cắt cỏ dáng cong vầng trăng khuyết
Cha đẩy thuyền oằn lưng mưa gió tạt
Phồng rộp bàn tay, con kéo vó đêm đêm
Cùng đồng đội vượt qua Vàm Cỏ Đông
Tím lục bình che mắt giặc
O du kích dẫn vào hầm bí mật
Tấm khăn rằn hay châu thổ thêu lên?
Sông Mã, Thu Bồn, Thạch Hãn, Đồng Nai…
Máu đồng đội một thời loang đỏ
Mặt sông Hồng, mảnh B52 lả tả
Sóng nhấn chìm tàu giặc ở bao sông!
Gặp em giữa bãi bờ chạng vạng hoàng hôn
Như lúa gặp phù sa ngày hạn
Còn đây nơi chia tay hò hẹn Kỷ niệm đầu đời thành nhựa sống men say
Sông thì thầm với người hôm nay
Trong xanh biếc một mầm cây cỏ
Bao nhiêu giọt quê hương thắm đỏ
Sông -
Mẹ hiền -
Đất nước thiêng liêng!.

Hà Nội, 9/2015
Xuân Hiến
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...