Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Tản mạn về mùa xuân

Tản mạn về mùa xuân 
Con tạo thật khéo xoay vần đưa đất trời từ cơn bĩ cực đại hàn đến tiết ấm áp xuân tươi, đưa muôn vật từ u trầm lạnh lẽo đến mùa vui nảy lộc đâm trồi. Vòng quay của tự nhiên là miên viễn, năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn xuân lại về nhưng sao lòng người vẫn xuyến xao đến lạ lùng. Có lẽ, đó là một tâm hồn xuân say đắm, nồng nàn luôn trải lòng để đón đợi nàng thơ của thiên nhiên.
Mặt trời đi vắng, màu trời mờ đục, trăng trắng, thi thoảng kéo theo làn gió nhẹ làm xao động đám mây trôi lững lờ. Không gian ấy, thiên khí ấy chạm nhẹ làn da và đánh thức dậy những cảm thức về mùa xuân, dáng xuân đang về và đáp xuống nhân gian. Thời gian trôi qua hè, thu rồi đến độ đông tàn thì nó như dềnh dàng, chậm chạp hơn đủ để chúng ta cảm nhận và chuẩn bị nghênh xuân. Thêm vào đó là hương bưởi quê thơm thoảng man mát hòa cùng sắc thắm muôn hoa đào, lê, mận,…tất cả đã đánh thức nàng xuân yêu kiều trong khứu giác, thị giác những người xa quê. Quả thực, với người tha hương, tâm hồn rất dễ rung cảm từ những dấu hiệu nhỏ nhất như vị xuân, màu xuân vì nó gọi về cái hồn cốt, thần thái của mùa xuân trong ấy. Có thể gọi màu trời, hương hoa đó là sứ giả báo tin xuân!
Người nghệ sĩ vốn sẵn huyệt đạo nhạy cảm, họ rất dễ bén duyên với thi ca ở những cảnh trí như cái chợ tết vùng quê, làn mưa xuân phơi phới, cô gái cười duyên nồng nàn, để có một “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử), “Mưa xuân” (Nguyễn Bính), “Chiều xuân” (Anh Thơ). Nhưng với một người là tri kỷ của nàng xuân, là nhân tình tận tuỵ thì năm nào cũng sửa soạn một bữa tiệc tâm hồn để đón xuân trong phút giao thừa. Thời khắc chuyển giao của đất trời là khi con tạo cuốn lại mùa đông và cởi tung mùa xuân gieo xuống muôn nơi trần thế. Đó là khi đất trời thì thầm nói lời tiễn biệt cái cũ, đón chào cái mới, mùa mới. Trong khắc giây thiêng liêng ấy, không gì ý nghĩa hơn là chúng ta cúi đầu vọng vái về tổ tiên, cội nguồn của chính mình. Chính vì vậy, tiết giao thừa nhà nào cũng bày sẵn mâm cơm cúng tổ tiên để tiễn năm cũ và đón năm mới với niềm hi vọng mới.
Khói hương trầm bay hiền hòa quện lẫn vào mùi hương của đất trời, lẩn quất trong hương thơm của tình người hướng thiện. Đó là ý nghĩa nhân văn nhất, tuyệt mĩ nhất của mùa xuân dương gian. Riêng tôi, như một tín niệm tâm linh, thời khắc đầu tiên của năm là thiêng liêng nên tôi cần làm một việc gì đó có ý nghĩa cầu may. Cho nên, ngoài hái lộc tôi còn chuẩn bị sẵn sách đã đánh số trang, nội dung  cần đọc. Thêm nữa, tôi chuẩn bị cho mình một tinh thần nhẹ nhõm, trong trẻo và thanh thản nhất để lĩnh hội những chân lý cuộc đời. Việc làm ấy chứa đựng mong mỏi của riêng tôi về một năm mới thành đạt trong sự nghiệp gắn bó với trang giáo án, trang sách, trang đời của những thế hệ con người; đồng thời là những ước mong về sự giàu lên trong tri thức và tâm hồn.
Mải miết, đắm đuối với hương xuân, ta bỗng nhận ra niềm hạnh phúc ấm áp lan tràn quanh mình. Ta muốn reo lên cùng thanh âm đì đùng của pháo hoa, muốn khiêu vũ rộn ràng bên ánh sáng lấp loáng của đoá hoa pháo giữa không trung. Và rồi ta thả tâm hồn mình theo điệu nhạc dập dìu: “Xuân gieo lộc khắp chốn, Xuân đi rồi xuân đến, cho dân gian đầy lưu luyến” (Câu chuyện đầu năm), hay là những khúc ca véo von: “Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông”. Rõ ràng, chỉ có lời ca, điệu nhạc mới có thể nói hết chất men say của tình xuân, ý xuân. Có ai đó nói rằng mùa xuân là mùa tìm bạn, mùa của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Ngay muôn loài ong bướm cũng làm mật yêu hoa, chim cũng hát lên những khúc tình ca. Cho nên, con người cũng muốn xích lại gần nhau trong niềm luyến ái ấm áp để thắp lên ánh lửa cho căn nhà bình yên, cho thế giới hiền hoà.
Mùa xuân là mùa đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa của muôn cây. Cành tơ phơ phất, căng mọng, tràn trề nhựa sống cùng chồi lá xanh non đã điểm trang cho cây cối trơ trụi sau mùa đông băng giá. Mùa xuân là mùa hội của thiên nhiên, mùa hội của con người. Khắp vùng đồng bằng đến miền núi thôn quê đều tràn ngập không khí lễ hội.
Thế nhưng, quê tôi - nơi mở mắt ra là nhìn thấy núi cao án ngữ trước mặt, cuộc sống con người khép trong vùng thung lũng, vậy mà hội xuân thật đông vui, rực rỡ sắc màu. Chỉ một bãi cát bồi ven triền suối mà có đủ hội chơi đánh đáo, con quay, ném còn,… tất cả như khơi dậy một miền ký ức tuổi thơ tôi không thể nào quên. Tôi còn nhớ, khi còn học cấp I, cả năm dài đến tết mới được cái áo mới, đôi dép mới để diện dàng cùng bạn bè trang lứa tung tăng trên con đường đất đỏ. Chốc chốc, dép lấm lem lại xuống dòng suối mát lành chao liệng đôi chân cho thật sạch, rồi vi vu như chim sơn ca, lắc lư giữa hai bên đường là loài hoa dại tím ngát rưng rưng. Ôi! Một nỗi nhớ quay quắt về một thời tuổi thơ êm ả giữa triền quê. Xuân ơi hãy cất giữ giùm tôi những kỉ niệm tuổi thơ! Càng lớn lên, cái xuân xanh xếp dày thêm ta càng xa thế giới trong ngần ấy và hiểu thêm ý nghĩa cuộc đời này.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Lời thơ ấy của thi sĩ Xuân Diệu khiến ta thêm “Vội vàng”. Xuân qua kẽ lá như giọt nước rơi thầm qua kẽ bàn tay, thật khó níu giữ bởi năm tháng rộng dài quá. Khi hoa xoan nở tím một chiều quê, khi tiếng quốc kêu đêm ròng rã là tín hiệu xuân đã muộn. Khoảng thời gian ấy, xuân đong đầy nỗi nhớ, nỗi hoài niệm, nhớ tiếc khôn nguôi. Xuân đến đem về niềm ấm áp bao nhiêu, xuân đi lại dọn sẵn một nỗi buồn trống trải trong cõi lòng bấy nhiêu. Thiên nhiên đã bỏ buồn vào nỗi nhớ hay lòng người sẵn khúc nhạc chia ly? Chỉ biết ta yêu xuân đắm say giữa trời sắc rạng ngời tươi đẹp này. Chia biệt rồi ta tự nhủ xuân sẽ lại về bởi lời hẹn chung thuỷ của con tạo vần xoay. Ta sẽ là bến đò bình lặng đợi chờ xuân ân tình.
Đem dáng hình xuân xưa về so dây cùng xuân mới, đem xúc cảm qua rồi về trả nợ tình xuân. Bên thềm xuân Mậu Tuất 2018, chúng ta cùng lắng lòng lại để lắng nghe mùa xuân về. Chúa xuân ơi hãy giúp cho nhân thế đạt được điều ước giản dị: Hạnh phúc và Bình yên!.
 Hà Thị Liên 
Theo http://thptnguyenthigiang.vinhphuc.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...