Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Thơ dân gian

Thơ dân gian 
Thơ dân gian đây là thơ khuyết danh phổ biến trong dân gian. Nó gồm ca dao và lời của những bài dân ca. Ca dao hầu hết rất ngắn; lời dân ca thì tùy loại mà có thể khá dài, như trường hợp lời một bài hát xẩm. Tác giả thơ dân gian điển hình là người bình dân, nhưng cũng có thể là người trí thức, tức các nhà nho. Vốn xưa kia ở ta nho chưa thi đỗ làm quan thường sống chan hòa với dân, như Nguyễn Du con nhà đại quý tộc mà khi còn trẻ vẫn tham gia sinh hoạt ca hát giao duyên nơi xóm làng.
Vì hầu hết tổ tiên ta sống ở nông thôn, thơ dân gian có nội dung chủ yếu là đời sống nông thôn. Do nông thôn Việt Nam đã rất phát triển về tinh thần, thơ dân gian Việt Nam chứa một tầm cảm xúc thật rộng rãi. Do tính cách cố định của sinh hoạt quê khiến trải nghiệm có đủ thời gian cần thiết, cảm xúc đây điển hình không hời hợt mà sâu sắc. Bao nhiêu cảm xúc phong phú sâu sắc được diễn lên thành thơ với phong cách rất đa dạng, khi thẳng, rõ, khi quanh co, xa xôi bóng gió, lửng lơ, lấp lửng, ỡm ờ, hư hư thực thực… Về hình thức, gần như tất cả thơ dân gian là lục bát. (1)
Cũng như bất cứ dòng thơ nào, thơ dân gian không phải toàn bài hay. Hoài Thanh từng viết: “Văn chương là vật quý, có đâu được nhiều thế!”. (2)
Khi không thành công, thơ dân gian thường quá giản dị (so với những bệnh sáo rỗng, lập dị, lai căng của thơ trí thức không thành công).
Khi thành công, thơ dân gian đẹp mộc mạc mà tinh tế, có giá trị tiêu biểu cho nền văn hóa nông thôn hết sức lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Đầu thế kỷ XXI, Quê coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là một số lời mà chúng tôi nhặt ra từ Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan… Khi nào có điều kiện, sẽ xin nhặt nữa.
Hôm qua tát nước…
“Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu/ Áo anh sứt chỉ đã lâu/ Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng/ Khâu rồi, anh sẽ trả công/ Ít nữa lấy chồng, anh lại giúp cho/ Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm/ Giúp em đôi chiếu em nằm/ Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo/ Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau!”. Khi anh “bỏ quên (…) trên cành hoa sen” cho em “được”, khi em cố ý “cởi (…) cho nhau” rồi “về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”, cái áo ai bảo chỉ để mặc! Người nông dân Việt Nam tình tứ nhất thế giới!
Vừa trắng vừa tròn
Bài 1: “Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối, đã mòn một bên/ Gối chăn, gối chiếu không êm/ Gối lụa không mềm bằng gối tay em!”. Bài 2: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu, như thể hoa sen!”. Bài 3: “Cổ tay em vừa trắng vừa tròn/ Răng đen rưng rức, chồng con kém người/ Khốn nạn thay, nhạn ở với ruồi!/ Tiên ở với cú, người cười với ma!”. Nghe “vừa trắng vừa tròn”, nghĩ ngay đến “thân em” (thơ Hồ Xuân Hương)! Nhờ không phải “thân” mà “cổ tay em” không bị ai “nặn”, chỉ bị “gối” thôi, gối nhiều đến nỗi “đã mòn một bên”… Cổ tay như thể “miếng trầu”, vì cùng “là đầu câu chuyện”, khen một cái đã rồi tán tỉnh hay than thở cho gì đó tha hồ… Cổ tay có khi thường được nhắc đến hơn cổ thật đấy nhỉ.
Trong đục bên nào
“Nàng ơi, anh quyết với mình/ Công anh dan díu chẳng thành thời thôi/ Sông kia bên lở, bên bồi/ Bên lở thì đục, bên bồi thì trong/ Sông kia nước chảy đôi dòng/ Biết rằng bên đục, bên trong bên nào”. Hình như chỉ “anh quyết với mình” chứ em thì chưa quyết, thậm chí có lẽ đang dao động xa anh nên anh mới buồn bã “chẳng thành thời thôi”, mới xa xôi đục lở trong bồi…
Mười thương, mười thương
Bài 1: “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua/ Năm thương cổ yếm đeo bùa/ Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng/ Bảy thương nết ở khôn ngoan/ Tám thương má phấn lại càng thêm xinh/ Chín thương em ngủ một mình/ Mười thương con mắt có tình với ai”. 
Bài 2: “Một thương tóc xõa ngang vai/ Hai thương đi đứng vẻ người đoan trang/ Ba thương ăn nói có duyên/ Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh/ Năm thương dáng điệu thanh thanh/ Sáu thương nón Huế nửa vành nên thơ/ Bảy thương những phút mong chờ/ Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang/ Chín thương bến Ngự sang ngang/ Mười thương tà áo nhẹ nhàng gió bay”. Đây là hai lời khác nhau của cùng một bài dân ca Huế. Trong lời thứ nhất “em” mang dáng một phụ nữ Bắc bộ xưa; trong lời thứ hai, phổ biến hơn nhiều, “em” rõ là một cô gái sông Hương. Có phải khi bài dân ca này ra đời, phụ nữ Việt ở Huế còn ăn mặc, trang điểm giống như nơi đất gốc, nhưng rồi họ dần dần thay đổi, rút cuộc trở nên khác hẳn, làm nảy sinh nhu cầu đặt lời mới cho bài hát cũ?…
Ai ơi chơi lấy
“Ai ơi chơi lấy kẻo già/ Măng mọc có lứa, người ta có thì/ Chơi xuân, kẻo hết xuân đi/ Cái già sòng sọc nó thì theo sau”. Nguyễn Công Trứ có lần hát nói cái tứ “Chơi xuân kẻo hết xuân đi” này…
Trèo lên cây bưởi
“Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!/ Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng, như cá cắn câu/ Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng, biết thuở nào ra!”. Theo Nguyễn Xuân Kính, “ở đồng bằng Bắc bộ (…) chưa tìm thấy hoa tầm xuân màu xanh (…) nếu (…) có (…) cũng không (…) phổ biến (…) hoa tầm xuân (thường) màu đào hay trắng nhạt”. Ông bảo bài ca dao rất nổi tiếng này “có nhiều khả năng ra đời (…) ở đồng bằng Bắc bộ”, rồi bàn: “đây màu hoa xanh biếc hàm nghĩa là nó không có trong thực tế, là ngang trái, là trớ trêu giống như cảnh ngộ chàng trai”. (3) Cái ý kể cũng hay. Sực nhớ một bài ca dao cũng rất nổi tiếng khác: “Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…”.
Phải chăng cái mây ba màu “không có trong thực tế” này cũng có dính líu đến cảnh ngộ “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây” chăng? Tưởng trong cả hai trường hợp, hoặc là thế, hoặc những màu sắc lạ lùng kia thực ra không có ý nghĩa gì đặc biệt cả mà chẳng qua thuộc vào một cái lối mở đầu thơ bằng vài câu bâng quơ, ngộ nghĩnh… Tạm nghĩ vậy, nhưng rồi một hôm đọc thấy ở Thanh Hóa có một thứ hoa cũng tên là tầm xuân và hoa này thì xanh biếc. (4) Hay là, rút cuộc, ai đó xưa kia đã “trèo lên (một) cây bưởi” ở Thanh Hóa chứ không phải ở đồng bằng Bắc bộ?
Anh đi, anh đi…
Bài 1: “Anh đi, em ở lại nhà/ Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ/ Lầm than bao quản muối dưa/ Anh đi, anh liệu chen đua với đời”. 
Bài 2: “Anh đi đàng ấy xa xa/ Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh/ Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng”. Anh đi, ở nhà ban ngày em gánh, ban đêm em ôm. Gánh, ngay cả vác, mẹ già con thơ, thế mà vẫn nhẹ hơn chỉ nằm ôm cái bóng của mình!
Lúc đêm khuya
Nguyên văn lời bài hát xẩm: “Lúc đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ/ Canh tàn, rượu tỉnh, lúc bấy giờ em mới nghĩ thương thân!/ Em tiếc thay em trong giá, trắng ngần/ Nỡ gieo thân mình vào chốn bụi trần mà chơi/ Chốn hang sâu lẩn khuất hương trời/ Non xanh nước biếc dễ mấy ai người biết cho/ Con chim khôn đã mắc phải dò/ Thì còn vui chi nữa, cái kiếp giang hồ, hỡi các chị em ơi!/ Tính đốt ngón tay đã quá nửa xuân rồi/ Đầu xanh mấy lúc cũng da mồi tóc sương/ Kiếp hồng nhan, càng nghĩ đến càng thương/ Tài tình chi cho lắm để vấn vương cái nợ ở đời/ Trông non sông mà lại thẹn với Trời/ Khi vui, em vui gượng, khi cười, em cười suông/ Ruột con tằm, trăm mối vẫn tơ vương/ Bên trời góc biển, em biết gửi can trường vào đâu…”.
Sau khi tạm bớt sửa cho thành lục bát chỉnh thể: “Đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ/ Canh tàn, rượu tỉnh, bấy giờ thương thân!/ Tiếc thay trong giá, trắng ngần/ Nỡ gieo vào chốn bụi trần mà chơi/ Hang sâu lẩn khuất hương trời/ Non xanh nước biếc ai người biết cho/ Chim khôn đã mắc phải dò/ Còn vui chi nữa, giang hồ, em ơi!/ Thoắt đây quá nửa xuân rồi/ Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương/ Hồng nhan, càng nghĩ càng thương/ Tài tình chi lắm vấn vương nợ đời/ Trông non sông thẹn với Trời/ Khi vui, vui gượng, khi cười, cười suông/ Ruột tằm, trăm mối tơ vương/ Bên trời góc biển, can trường gửi ai…”.
Còn đây là cái đoạn Truyện Kiều gốc của nó: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?/ Mặc người mưa Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì/ Ðòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu/ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?/ Ðòi phen nét vẽ câu thơ/ Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa/ Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai?/ Thờ ơ gió trúc mưa mai/ Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân”.
So sánh lời bài hát xẩm với lời Truyện Kiều, thấy nó có nhiều chất “dân gian” hơn, mà cũng thực là thấm thía. Như đã nói, tác giả thơ dân gian có thể là một nhà nho. Thiết tưởng đây chính là một ví dụ.
Chiếu xanh trải xuống…
“Chiếu xanh trải xuống mà ngồi/ Em ơi! xích lại cùng tôi kẻo buồn/ Chiều chiều bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu gợn, dạ em buồn bấy nhiêu/ Cánh buồm, gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra chầm chậm, múi lưng điều không khô/ Thảm với sầu, không biết chừng mô”. Thử diễn ca cái tình huống này bằng lời khác: Sóng gợn gợn, gió hiu hiu/ Lệ tuôn chậm chậm, sông chiều buồn hung/ Em ơi! xích lại đây cùng/ Múi lưng điều ướt thôi dùng sẽ khô.
Có có không không
Bản 1: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Tuồng như đáy nguyệt lòng sông/ Nào ai mà biết có không là gì”. 

Bản 2: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Vầng trăng vằng vặc in sông/ Chắc chi có có không không mơ màng”. Theo Trần Quốc Vượng, bài ca dao này gốc ở bài kệ “Có không” mà Từ Đạo Hạnh làm để diễn giải một tứ cú trong kinh Kim Cương. (5) Bài kệ do sư nổi tiếng làm, còn bài ca dao hẳn do một ẩn sĩ làm. Sư kệ rồi sĩ ca, chứ chắc chắn chẳng có người nông dân nào dính líu vào cái “tứ cú” lục bát này.
Rồi sẽ, biết đâu…
“Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết/ Hoa để gần, sẽ hết mùi hương…/ Xa nhau, mong ước, mơ màng/ Gần nhau, rồi sẽ phụ phàng, biết đâu…”. Lo xa, e ngại, rỉ rén thành lời thật dễ thương. Làm sao đây? Chẳng lẽ vì lo mà giữ mãi xa? Đành phải cho gần, nhưng không cho no mắt, no mũi! Đọc ca dao, rồi cũng thử làm ca dao: Bay hoài hương ngát thôi thơm/ Ngọc phơi lồ lộ chóng nhờn mắt ai/ Tình yêu, muốn giữ lâu dài/ Đậy hương che ngọc, nhớ bài đầu tiên!
Mười say
“Em là con gái nhu mì/ Làng trên xóm dưới ai bì được nao/ Liếc mắt trông lên thấy cặp má đào/ Môi hồng mắt phượng ai trông vào chẳng say/ Say em một bộ lông mày/ Ngón tay tháp bút, tóc mây xanh rờn/ Say em say cả bàn chân/ Gót hồng da trắng mười phân vẹn mười/ Say em câu nói tiếng cười/ Say em nết đứng, say nơi nết nằm/ Khen ai sinh cúc sinh trầm/ Mà sinh nết đứng nết nằm cũng xinh”. Má, môi, mắt, lông mày, ngón tay, tóc, bàn chân, tiếng cười, nết đứng, nết nằm. Cộng lại: đúng mười! Đã có quan họ Mười Nhớ, dân ca Huế Mười Thương, không biết cái bài thơ Mười Say này đã có địa phương nào hát lên chưa nhỉ?
Hỏi tí đêm khuya
“Đêm khuya, thiếp mới hỏi chàng:/ Cau xanh ăn với trầu vàng, xứng chăng?/ – Trầu vàng nhai lẫn cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh, tuyệt vời!”. Thường chỉ khi đang theo đuổi nhau, hoặc xa nhau, hoặc hiểu lầm nhau, hoặc gặp hoàn cảnh éo le, hoặc cần nhắc nhở nhau tình nghĩa, thì mới “ca”. Đây đang nằm với nhau đêm khuya, mà lại cất tiếng! “Trầu” đã hỏi thì “cau” xin thưa: trên cả tuyệt vời!
Anh huê, em bướm!
“Chơi cho trứng chọi đá tan/ Trăm hồ nghìn hải phá tàn rừng xanh/ Người như huê nở trên cành/ Em như con bướm lượn vành trên hoa/ Bây giờ anh lấy người ta/ Như dao cắt ruột em ra làm mười!”. Lời yêu thì vẫn vô cùng. Chọi cho vỡ đá, phá cho tan rừng, cắt ruột làm mười, mãnh liệt đấy nhưng chưa nên nổi lạ. Cái thực đáng nên rất lạ trong lời bài dân ca quan họ này là cái chỗ anh huê, em bướm! Đâu phụ nữ chỉ e ấp làm hoa thôi mặc đâu nhé, ở Kinh Bắc xưa các liền chị mà thấy có liền anh (xinh) “nở trên cành” là cứ thoải mái đua nhau “lượn vành” đấy!
Con thỏ đầu truông
“Có thương thì thương cho chắc/ Còn trục trặc thì trục trặc cho luôn / Đừng như con thỏ đầu truông/ Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng”. Bài ca dao này Huy Cận thâm cảm: “Không gian thì đã rõ ràng. Còn thời gian? Ấy là khi vui, khi buồn (…) Thời gian mà lại minh họa bằng không gian; thời gian chập chùng thấp thoáng nơi bóng với trăng, và thấp thoáng chập chùng trong tâm tưởng nữa. Câu thơ trở nên vô cùng khoáng đạt. Con thỏ đầu truông tưởng như nhảy múa thênh thang trong cả khoảng trời mênh mông tràn ngập ánh trăng. Và vì vậy mà nỗi buồn của người tình trong câu ca dao mới thật là vời vợi, vừa trong vừa lạnh, đau buốt vô cùng” (Báo Văn Nghệ, tháng 3-2005).
Vuông vắn em
“Trên đầu em đội khăn vuông/ Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non/ Cổ tay em vừa trắng lại vừa tròn/ Mặt mũi em vuông vắn, việc chồng con thế nào?”. Người hay là quạ, mà trông “em” hau háu như trông gà con thế! Cổ tay trắng tròn hay nhắc đã “mòn”, nhưng “mặt mũi em vuông vắn” thì còn “vuông” lắm vì hiếm khi xuất hiện trong thơ.
Viết lần đầu năm 2013
Viết lại năm 2017
(1) Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb KHXH, 1992, tr.56.
(2) 99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, nhiều tác giả, Nxb Thông Tấn, 2006, tr.33.
(3) NXK, sđd., tr.224-226.
(4) “Xanh biếc giậu tầm xuân”, trang laodong.com.vn, 6-2-2011.
(5) Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb Trăm Hoa, Mỹ, 1993, tr.168.
Thu Tứ
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 438
 Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ văn học thiếu nhi 12 Tháng Chín, 2022 Có những nhà văn giời phú cho nhiều tài năng nên ở lĩnh vực nào ch...