Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Truyện Kiều và sự phong phú của tiếng Việt

Truyện Kiều 
và sự phong phú của tiếng Việt 
Vì ban Đại diện các Trung tâm Việt ngữ cho đến hơn một giờ để "lời quê góp nhặt dông dài", chúng tôi xin dẫn nhập bằng câu hỏi cắc cớ. Có phải đề tài trần thuyết là: "Tiếng Việt rất phong phú, như ta thấy trong Truyện Kiều"?
Thưa rằng nếu đúng thì đó là đề tài nên biết, nhất là thầy cô đang dạy Việt ngữ tại Hoa Kỳ. 
Nhưng, đôi khi đề tài như vậy làm ta chưa nhìn ra nét tài hoa của Nguyễn Du vì hàm ý là ông đã có sẵn di sản ngôn ngữ đầy giá trị là tiếng Việt. Thế còn các tác phẩm khác thì sao? Nếu lại muốn..."nói không bãi đáp", tôi có thể miên nam giải thích sự phong phú ấy khi sánh Truyện Kiều với vài trăm bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nhiều cái lạ lắm và chứng tỏ rằng tiếng Việt ta phong phú thật!
Nhưng nếu lật ngược vấn đề, ta có thể nghĩ đến đề tài hấp dẫn không kém: "Truyện Kiều làm cho tiếng Việt ta thêm phong phú." Cũng hay lắm, vì khi ấy ta sẽ nhấn mạnh đến sự đóng góp của Nguyễn Du vào thi ca Việt Nam nhờ "Truyện Kiều".
Lý do là dù có ngôn ngữ phong phú, ít ra từ cả ngàn năm nếu nói về chữ Nôm, thì sao trước đó chưa có tác phẩm nào như Truyện Kiều? Tức là ít ra phải so với "Chinh Phụ Ngâm Khúc", "Hoa Tiên" hay các tác phẩm xuất hiện trước Truyện Kiều, như thơ Nôm của Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thứ hai, còn phải thấy là sau Truyện Kiều, thơ văn Việt Nam có khác và ngôn ngữ của ta còn phong phú hơn, với vài thí dụ rằng đời sau dùng rất nhiều chữ do Nguyễn Du viết ra, để lại.
Nếu thực đơn gồm có hai món như vậy, quý vị muốn thử món gì? Và có sợ bị bội thực không, khi lại muốn cả hai? 
Sau khi cắc cớ như vậy, chúng tôi xin được đi vào chuyện...
Trước khi đề cập đến bất cứ vấn đề nào ta cần tìm hiểu về bối cảnh - background - rồi tập trung vào các tiết mục chính sau khi hỏi là "mục đích yêu cầu của việc phân tách là gì?" Thưa, mục đích yêu cầu của đề tài là làm cho mình quan tâm và đọc kỹ Truyện Kiều vì điều ấy có lợi cho nỗ lực sư phạm của thầy cô trong ước muốn chung là giúp các em nhỏ say mê học và nói Việt ngữ.
Muốn đạt yêu cầu ấy, tôi thiển nghĩ rằng cách hay nhất chỉ có thể là đọc và nghe Truyện Kiều.
Tức là mua một cuốn truyện về đọc kỹ và cố tìm một CD cài vào máy để khi đi xe hoặc ở nhà, ta thường xuyên nghe thấy ngâm Kiều. Vài tháng sau là sẽ thuộc lòng, nhập tâm và yêu thích. Nói theo nàng Thúy Kiều trong truyện: "tương tri dường ấy mới là tương tri!" Nhưng nếu tôi đề nghị như vậy, các thầy cô lập tức chấm cho một điểm "F" thật đẹp. Mà không có nghĩa là "funny". 
Cho nên, xin dành 10 phút để đi lại từ đầu. Từ bối cảnh của vấn đề... 
Xót mình cửa các buồng thêu - Tranh lụa Tú Duyên
1. Bối cảnh của Đề tài
Theo thói quen rất Mỹ là phải dẫn vào đề tài cho vui, và thói tật phổ biến là thích nói về cái tôi, xin nói về cái tôi đáng ghét đã.
1.1 Tôi đi tìm Kiều
Tôi là dân Bắc kỳ di cư thời 54, học chương trình Pháp từ nhỏ, sau đó du học bên Pháp. Cái chất Bắc kỳ có thể khiến mình ưa thích văn chương hoa mỹ mà đôi khi vô bổ. Cái chất học sinh trường Tây từ bé lại khiến tôi dốt chữ Việt vì Việt ngữ là ngoại ngữ... thứ hai sau Anh ngữ. Về nước làm công chức trong lãnh vực kinh tế tài chánh, chúng tôi cũng chẳng được giới thiệu với nàng thơ và rất sợ văn chương vì mình dốt!
Chính là sự dốt nát ấy khiến tôi phải chịu khó học thêm, tự học tiếng mẹ đẻ và lịch sử nước nhà, mà càng học càng không hiểu vì hình như... thầy mình cũng có hiểu đâu! Chẳng là các ông thầy của tôi khi ấy là công chức của Tây... Sau này mới thấy rằng nghĩ vậy là oan cho thầy.
Vì khi đọc giảng văn của giáo sư trường Việt thì cũng chỉ lờ mờ hiểu ra. Khi đọc Truyện Kiều cũng thế, vì đó là tiểu thuyết bằng thơ Nôm, lấy ý từ một truyện bằng văn xuôi chữ Hán lại chuyển ra chữ quốc ngữ, là cách viết chưa có dưới thời Nguyễn Du. Do đó, cứ phải đọc thêm, đọc hoài rồi đành lõm bõm tự học chữ Hán, tham khảo chữ Nôm, mỗi năm thì sáng ra vài chữ.
Từ đó, chúng tôi mới liều viết ra giấy những gì mình hiểu được. Rồi chia sẻ sự hiểu biết bập bõm ấy cho người khác. Năm 1998, 12 hai năm trước, chúng tôi có chương trình phát thanh lấy chữ Nguyễn Du là "Cảo Thơm Lần Giở Trước Đèn" để giải thích các tác phẩm cổ văn như Truyện Kiều hoặc Chinh Phụ Ngâm Khúc. Sau này, bằng hữu trong báo giới yêu cầu cho đăng lại trên để độc giả gần xa cùng đọc.
Thế là tôi được hai tiếng thơm, là nhà báo và lại có vẻ hiểu Truyện Kiều!
Vì vậy, khóa Huấn Luyện và Tu nghiệp Sư phạm Hè 2010 mới yêu cầu tôi lên nói chuyện, như đã đề nghị tôi trình bày bài "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi trong một khóa trước. Cho nên, kết thúc phần đầu của mục bối cảnh, tôi xin được có vài ý kiến:
1) Tôi thiển nghĩ quý thầy cô trong các Trung tâm Việt ngữ và ban tổ chức các khoá tu nghiệp sư phạm đều ít nhiều ở trong nghịch cảnh như bản thân chúng tôi đã gặp ngày xưa. Là phải học hỏi và phổ biến để lưu truyền một ngôn ngữ có giá trị rất lớn của mình, cho mình, trong một môi trường mà Việt ngữ không là tiếng nói chính.
2) Do hoàn cảnh đồng cảm, đồng điệu và đồng nghiệp - trong ý nghĩa là cùng chung một nghiệp - tôi mới mạo muội nói chuyện. Chỉ mong là nhờ vậy mà nhiều thầy cô sẽ thấy bớt cô đơn, vất vả, khi phải lội ngược dòng. Rồi sẽ khám phá ra những điều bổ ích cho việc "gìn vàng giữ ngọc" - cũng lại là một chữ trong Truyện Kiều!
3) Sau cùng, nhờ học hỏi ngôn ngữ mẹ đẻ cho thấu đáo hơn mà ta có cơ hội thưởng thức cái đẹp trong thi ca Việt Nam - bên cạnh những gì mà mình hàng ngày tiếp nhận tại Hoa Kỳ. Chính là khả năng lĩnh hội cái đẹp ấy nó giúp cho đời sống chúng ta thêm phong phú, biết gìn giữ cái đẹp và biết đâu chừng, có thêm tinh thần sáng tạo. Khả năng đa văn hóa là một lợi thế cho con em chúng ta trong xã hội này.


Qua 600 chữ, tôi vừa nói về phần đầu của bối cảnh: vì sao nên kiếm nàng Kiều. Qua phần hai, xin nói về ngôn ngữ, sẽ dài hơn một chút. Và đây là lúc mình hết đùa nổi, vì nhức đầu lắm! 
1.2 Tiếng nước tôi
Trước hết, xin có vài lời về lịch sử.
Nước ta có chừng 4.000 năm lịch sử - hãy tạm chấp nhận như vậy, căn cứ trên bộ môn khảo cổ và lịch sử. Trong khoảng 4.000 năm ấy, nửa đầu là thời kỳ đã có dân, có nước và cả ngôn ngữ, mà lại là mấy ngàn năm khuyết sử, chưa có sử viết rõ ràng. Chữ viết của ta như thế nào ta không còn biết, tôi đoán là phải có nhưng đã mất rồi. Xin được miễn giải thích ở đây. Đó là 2.000 năm của người Việt cổ, kết thúc sau thời Hùng Vương cùng với Thục Phán, Triệu Đà và con cháu.
Sau đó là 2.000 năm có sử, được ghi chép đàng hoàng hơn - mà lại chép bằng chữ Hán!
Trong quãng 2.000 năm có sử ấy, nửa đầu lại là thời Bắc thuộc, bị Hán hóa, kéo dài 1.050 năm, lấy con số ấy cho dễ nhớ nếu tính từ -111 đến 939. Nửa sau là thời kỳ độc lập, khởi đi từ Ngô Quyền đến nay, khoảng 1.070 năm. Trong nửa đầu kéo dài ngàn năm, dân ta nói tiếng Việt cổ, mà viết bằng chữ Hán và dù bị Trung Hoa đô hộ, có khi là phụ dung có khi là trực trị, thì vẫn không bị đồng hoá mà lại vùng lên giành lại độc lập. Chuyện cũng hy hữu, nhưng là đề tài khác!
Ngoài các phong tục riêng, như nhuộm răng, ăn trầu hay xâm mình, một trong nhiều cách gìn giữ bản sắc để khỏi bị đồng hóa khi phải dùng Hán tự trong chữ viết, là... Việt hoá chữ Hán: dùng chữ Hán để phiên âm tiếng nói khác biệt của ta. Đó là chữ Nôm, thứ chữ viết còn... rắc rối hơn Hán tự, mà người Tầu đọc không hiểu hết! Cũng nên biết là nhiều dân tộc bị ảnh hưởng Trung Hoa cũng có loại chữ gốc Hán như vậy. Dân ta có nỗ lực ấy có lẽ là ngay từ khi bị Bắc thuộc.
Nhưng chữ Nôm phát triển chậm và dường như chỉ được sử dụng nhuần nhuyễn để đi vào ngôn ngữ thơ từ sau khi ta giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10. Văn kiện đầu tiên viết bằng chữ Nôm mà ta còn nghe nói đến là cuối thế kỷ 13, của Nguyễn Thuyên, vào năm 1282, dưới đời Trần. Rồi từ đó chữ Nôm phát triển mạnh cho đến thế kỷ 19.
Tuy nhiên, trong cả ngàn năm, tầng lớp ưu tú của ta vẫn dùng chữ Hán trong các văn kiện chính thức và loại sáng tác "đứng đắn". Họ chỉ dùng chữ Nôm, mà ta gọi là "quốc âm", trong các sáng tác "nôm na" ít có tham vọng "tải đạo". Ngoại lệ có thể là Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng, chiến lược gia và thi hào lớn vào đầu thế kỷ 15, với rất nhiều bài thơ quốc âm tuyệt đẹp. Sau này, từ thế kỷ 18 trở đi, thơ Nôm mới xuất hiện nhiều hơn và có giá trị vượt bậc nhờ các tác giả như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, rồi đến Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương sau này.
Một tác giả cùng thời, và có thể là người tình của Hồ Xuân Hương, đã đưa thơ Nôm đến đỉnh cao chính là Nguyễn Du với Truyện Kiều, ngoài các bài thơ chữ Hán siêu tuyệt của ông.


Khốn nỗi, từ đỉnh cao ấy, chữ Nôm lại chịu chung mệnh nước nổi trôi là mất hẳn vai trò chủ đạo khi đất nước mất chủ quyền từ cuối thế kỷ 19 vào tay thực dân Pháp. Một ngôn ngữ mới đã xuất hiện từ thế kỷ 17 rồi dần dần thay cả chữ Nôm lẫn chứ Hán. Đó là cách phiên âm tiếng nói của ta theo mẫu tự ABC của Tây phương, mà sau này ta gọi là "chữ quốc ngữ". Từ đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức của nước ta. Sau một thế kỷ phát triển, mới đưa tới cách viết và cách nói của đời nay, với nhiều quan niệm mới về cú pháp hay văn phạm.
Tôi phải trình bày dông dài như vậy vì Truyện Kiều cũng là nạn nhân của chuyện "trải qua nhiều cuộc bề dâu, những điều nghe thấy mà đau đớn lòng."
Kết luận nôm na thì Nguyễn Du lấy một tiểu thuyết chữ Hán của Tầu viết lại thành truyện thơ, mà viết với chữ Nôm. Bản Nôm đó của ông bị mất. Đời sau có tìm và in ra khoảng 30 bản Nôm khác nhau, rồi dịch từ thơ Nôm ra chữ quốc ngữ, lần đầu phổ biến là đầu thế kỷ 20, tới nay cũng hơn 30 bản. Như vậy, ta bước qua hai lần phiên dịch của nhiều người, mỗi một lần lại... tam sao thất bổn! Vì vậy, nếu ngày nay chúng ta có phân vân không hiểu hoặc chưa thể thống nhất ý kiến về từng câu từng chữ Truyện Kiều thì cũng dễ hiểu. Do đó mà ta còn có một bộ môn mới, gọi là "Kiều học" - nghiên cứu về Truyện Kiều.
Nhưng, cách viết xưa nay thì có thể khác, chứ cách nói thì chủ yếu vẫn có những đặc tính chung, và tồn tại đến ngày nay. Bản dịch nào mà ghi lại được cách nói cách đọc ấy - ít ra vào thời Nguyễn Du - thì là bản gần nhất với nguyên tác. Và dù có nhiều dị bản khác biệt, mỗi bản lại có "khảo dị", là những câu chữ khác nhau, thì chính cách nói phổ biến ấy trong tác phẩm ấy mới là phần ta gọi là "tiếng Việt". Mà nó phong phú vô cùng!
Sau 10 phút bối cảnh của phần hai, về "tiếng nước tôi", xin nêu câu hỏi Truyện Kiều là gì? Trước hết, Nguyễn Du là ai? Chỉ là người đọc sách trước quý vị và học hỏi từ nhiều học giả hay sách báo, tôi xin trình bày những gì mình biết:
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt-Đông - Tranh lụa Tú Duyên
Nguyễn Du làm thơ chữ Hán thuộc loại trác tuyệt. Ngày nay còn lại ba tập là:

1) "Thanh Hiên tiền hậu tập", 
2) "Nam trung tạp ngâm" và 
3) "Bắc hành tạp lục". 
Tập Bắc hành gồm 132 bài viết khi đi sứ Trung Quốc, từ Phú Xuân ra Thăng Long qua bên Tầu và trở về. Xin nói ngay rằng nếu muốn hiểu nhân sinh quan và cả tâm sự hay ý chí của ông thì nên tìm vào các tác phẩm Hán văn uyên bác và cổ điển ấy, chứ đừng nên suy diễn qua Truyện Kiều!
Về thơ quốc âm hay thơ Nôm, Nguyễn Du để lại bốn tác phẩm, là: 

1) "Đoạn Trường Tân Thanh" - "Tiếng kêu đứt ruột mới" - nay ta hay gọi là Truyện Kiều. Là: 
2) "Văn tế thập loại chúng sinh" (hay "Văn chiêu hồn") với 184 câu theo thể "song thất lục bát" là hai câu bảy chữ kèm hai câu lục bát. Là:
3) bài "Văn tế sống hai cô gái làng Trường Lưu" với 100 câu theo thể biền ngẫu của văn tế. Sau cùng là: 
4) bài "Thác lời trai phường nón" với 48 câu lục bát thay lời chàng trai phường nón tỏ tình với cô gái phường vải... 
Nếu muốn hiểu thêm về Truyện Kiều thì nên đọc các tác phẩm ấy, nhất là bài lục bát về tâm sự chàng trai phường nón, được ông viết khi còn rất trẻ: nó chứa đựng nhiều hình ảnh và ngôn ngữ có thấy trong Truyện Kiều sau này. 
Nói vắn tắt, Nguyễn Du là người dày kinh nghiệm và giàu tình cảm, lại tài hoa trong cả hai thể loại văn chương bác học bằng chữ Hán lẫn thể loại quốc âm cho giới bình dân.Truyện Kiều được mọi thành phần dân chúng yêu thích, từ khoa bảng đến dân giả, vì tích tụ những tinh hoa ấy và vì ưu điểm đặc biệt ít được thấy ở tác giả khác, họa may chỉ có Hồ Xuân Hương. 
Lý do là Nguyễn Du không chỉ giỏi về thơ mà còn là người mẫn cảm, có cái antenna bén nhạy, đã tiếp nhận nhiều chi tiết sinh động của đời sống để chuyển hóa thành thơ. Ngôn ngữ của ta vốn dĩ đa dạng, con người đa tình, đa tài và đa đoan còn khiến ngôn ngữ ấy thêm phong phú. Vì vậy, nếu có một tác phẩm tiêu biểu cho sự phong phú của tiếng Việt thì đấy là Truyện Kiều. 
Bây giờ, trước khi nói đến sự phong phú đó, hãy nhắc sơ qua Truyện Kiều là gì, câu hỏi mà chính bản thân chúng tôi cũng tự nêu ra khi còn cắp sách đi học và nghe mọi người ngợi ca. 
Anh hùng mới biết anh hùng - Tranh lụa Tú Duyên 
2. Nguyễn Du và Truyện Kiều
Trước tiên, xin nói về tác giả, sau đó mới về tác phẩm, và xin cố gói trọn trong 15 phút.
2.1 Nguyễn Du đa tài, đa tình và đa đoan 
Sinh ra dưới tên húy là Du, ông Nguyễn này có tên tự là Tố Như. Khi sáng tác thì lấy bút hiệu là Thanh Hiên. Thời phiêu dạt còn lấy biệt hiệu là Hồng sơn Liệp hộ, tức là phường săn ở rặng núi Hồng lĩnh, hay Nam hải Điếu đồ, là người chài ở biển Nam hải. Vì ông ở làng Tiên Điền, ta cũng gọi ông là Nguyễn Tiên Điền. Nói về Nguyễn Du, ta có thể dùng ngần ấy tên hay hiệu, nếu ít quen thì đôi khi mình bỡ ngỡ khi thấy gọi với mỹ danh là Tố Như, khi viết là Tiên Điền...
Nguyễn Du ra đời mùng ba Tháng Giêng năm 1765 (cuối năm Ất Dậu) tại Thăng Long là Hà Nội ngày nay, và mất ngày 16 Tháng Chín năm 1820 tại Phú Xuân, là Huế ngày nay, thọ 55 tuổi. Liếc qua lịch sử thì đấy cũng là thời ly loạn, khi mấy trăm năm nội chiến Trịnh Nguyễn kết thúc, nhà Lê được thành lập từ năm 1428 bị sụp đổ năm 1789, phong trào Tây Sơn nổi lên được 30 năm chói lọi rồi tan rã, để vua Gia Long nhà Nguyễn thực sự thống nhất đất nước. Trong một giai đoạn đằng đẵng ấy, dân ta vẫn nói, hát và khóc, bằng ngôn ngữ Việt...
Nhìn vào bối cảnh lịch sử này, ta còn thấy thời đại Nguyễn Du có lắm nhân vật xuất chúng trong các lãnh vực quân sự, ngoại giao, chính trị. Ông là người kiệt xuất trong lãnh vực văn học.
Nguyễn Du sinh tại Thăng Long, họ nội lại ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông là thế gia vọng tộc, thân phụ làm Tể tướng, có tước Quận công, bên Mỹ này gọi là Duke, gia cảnh lại sa sút khi ông mới lên 10 vì các đợt chính biến liên tiếp ở Bắc hà. Còn trẻ, Nguyễn Du sống tại quê mẹ ở Bắc Ninh, vùng đất thi ca của Bắc hà. Khi triều Lê-Trịnh tan rã năm 1786, ông lánh nạn tại quê vợ ở tỉnh Thái Bình cho tới 1796. Rồi về quê nội là làng Tiên Điền, sống dưới chân rặng Hồng lĩnh. Mãi tới sau năm 1802 ông miễn cưỡng ra làm quan, chức vụ khá cao dù chỉ đỗ Tam trường, tương đương với Tú Tài, và đã có lần làm trưởng đoàn ngoại giao qua bên Tầu vào các năm 1813-1814. 
Nhớ đến Nguyễn Du, ta hồi tưởng lại cuộc sống của ông vào thời tao loạn trong điều kiện không mấy hạnh phúc. Có những lúc đói lả mặt xanh như tầu lá, còn trẻ mà tóc bạc phơ như ông than hơn 50 lần trong 250 bài thơ chữ Hán ta còn giữ được. Thiếu thời là cậu ấm con quan, trong dinh lúc nào cũng vang tiếng tơ trúc ngâm vịnh, ca kỹ ra vào tựa người nhà, sau đó lại chui nhủi 18 năm. Kết thúc 10 năm gió bụi ở quê vợ để về làng cũ tại Hà Tĩnh, ông đi săn đi câu, thực ra là để kiếm thịt cho bữa ăn gia đình. Khi ra làm quan thì cũng chẳng vui và chỉ muốn về. Khi bị bệnh dịch gần chết, thấy chân tay đều lạnh thì chỉ nói có một chữ "được". Rồi lặng lẽ ra đi.
Vì đã sống nhiều nơi trong thời loạn, Nguyễn Du giàu kinh nghiệm lên voi xuống chó và am hiểu thi ca lẫn ngôn ngữ nhiều địa phương. Điều ấy quan trọng vì ta đang nói đến sự phong phú của tiếng Việt. 
Nay hãy nói nốt về sự nghiệp của nhà thơ.
2.2 Đoạn Trường Tân Thanh
Đời sống của tác giả Nguyễn Du vốn đã là một bi kịch lớn. Xuất xứ của tác phẩm lớn của ông là một bi kịch khác. Nhưng xin hãy nói chuyện vui trước để quý vị khỏi nản chí buồn ngủ!
Trong một bài phiếm, viết cho vui trên Giai phẩm Xuân Canh Dần 2010 của Việt Báo, chúng tôi nghịch ngợm tính ngược lại, để tìm ra rằng nàng Thúy Kiều sinh năm 1518, nhằm tuổi Mậu Dần! Tức là cầm tinh con cọp. Các cụ cứ hay nói nữ nhân tuổi cọp thường có số long đong vất vả! Hèn gì! 
Nhưng, một nhân vật hư cấu như Vương Thúy Kiều mà ta còn tìm ra năm sinh cho vui, chứ tác phẩm đã dựng ra nhân vật này là gì thì mình không biết gì nhiều. Đấy là chuyện đáng buồn.
Nói chung, gần 200 năm nay nhiều học giả đã nghiên cứu mà chưa dứt khoát về nguyên bản và hành trạng của tác giả người Trung Hoa. Đó là cuốn "Kim Vân Kiều truyện" của một tác giả lấy bút hiệu là Thanh tâm Tài nhân, xuất hiện thời nhà Minh tan rã và nhà Mãn Thanh lên cai trị Trung Quốc, từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Ông ta viết truyện này khi thu thập các truyện kể đã lưu truyền trước đó. Tìm đọc bản dịch thì ta biết đó là cuốn tiểu thuyết văn xuôi, có giá trị văn chương trung bình, với chừng 100 bài thơ tạm coi là hay. Mà vì sao ta phải tìm đọc?
Vì nếu muốn tìm hiểu thấu đáo Truyện Kiều của Nguyễn Du ta cũng nên đọc "nguyên truyện".
Từ cuốn tiểu thuyết chữ Hán ấy - mà ông đọc hồi nào ta không biết - Nguyễn Du mới viết ra Truyện Kiều bằng thơ Nôm gồm 3.254 câu. Khi viết lại thì nhà thơ của ta giữ lại cốt truyện, từ phần khai mở, diễn biến đến đoạn kết. Nhưng giản lược nhiều đoạn rườm rà phi lý, và nhiều đoạn thì khai triển tài hoa gấp bội, nhất là khi tả cảnh, tả tình. Chúng ta sẽ nói đến chuyện ấy sau. 
Việc Nguyễn Du đọc Kim Vân Kiều truyện của Tầu từ bao giờ thì có thể cho biết nhà thơ viết Truyện Kiều năm nào, là điều chưa thống nhất. Có người cho là ông viết sau khi đi sứ bên Tầu, nhờ đọc được cuốn truyện bên đó và đem về, tức là sáng tác sau năm 1814. Nhiều người cho rằng ông viết trước đó, khi làm quan ở Quảng Bình, từ khoảng 1804-1809. Có người tin rằng ông viết trước khi ra làm quan, trước năm 1802, vì có thể đã đọc truyện này từ trước rồi, và viết mất nhiều năm. Trong giới "Kiều học" mỗi người lại thiên về một thuyết, nhưng chuyện ấy thật ra không mấy quan trọng khi ta nói về sự phong phú của tiếng Việt trong Truyện Kiều.
Sở dĩ phải nói tới truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là vì tình tiết của câu chuyện chủ yếu nằm trong nguyên bản. Nguyễn Du chỉ sửa lại nhiều chi tiết cho hay hơn hoặc hợp lý hơn. Nhờ vậy mà Truyện Kiều gọn và hay hơn nguyên truyện và có giá trị của một bản phân cảnh kỹ thuật cho điện ảnh ngày nay, chứ không có nhiều đoạn rườm rà ngớ ngẩn như nguyên bản.
Nôm na là phần biên tập và ráp nối, như "film editing", là cái tài và sự sáng tạo của Tố Như.
Đồng thời, khi luận giải về nhân sinh quan hay triết lý sống của Nguyễn Du qua Truyện Kiều, người ta gán cho ông nhiều điều vốn nằm trong nguyên truyện. Đó là nội dung của nhiều bài viết về thuyết "nhân quả" của đạo Phật, thuyết "tiền định" của đạo Nho, hay quan niệm "tài mệnh tương đố" - người có tài thường hay vất vả gian nan - mà ta thấy đề cập quá nhiều. Ta không đẩy thêm cái cánh cửa đã quá rộng mở, nhiều khi đã mất cả bản lề, về Truyện Kiều nữa.


Một chi tiết cũng đáng chú ý là tinh thần cực đoan và tôn sùng sự toàn trị - totalitarian - trong tiềm thức của dân mình, được phản ảnh qua cách đánh giá Nguyễn Du.
Tố Như là thi hào mấy trăm năm dân ta mới có một. Thế đã là điều cực may cho dân tộc. Ông cũng có tâm hồn đa cảm, thương người và không hám danh lợi. Đấy là nhân cách đáng quý. Vậy mà với quan niệm khắt khe là đòi nhà thơ phải là nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo, người ta muốn đưa Nguyễn Du lên vị trí "guru", ông thầy về phép hành xử trong xã hội. Rồi gán cho Truyện Kiều những thông điệp cao cả về việc nào giải phóng phụ nữ, nào là chống chế độ phong kiến, hoặc là kêu gọi thanh niên lên đường đi làm cách mạng, v.v... Trong khi ông khiêm nhượng kết thúc cuốn truyện ở câu "Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh!"
Chưa hết, nhiều người còn muốn nâng Nguyễn Du lên bậc thánh, "có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời". Xưng tụng điều vĩ đại ấy thì tội cho nhà thơ, nhất là làm thầy cô đời nay ngờ vực, hết dám tìm hiểu và giảng dạy những nét đẹp sơ đẳng trong Truyện Kiều.
Ngược lại, nhiều bậc túc nho thì đả kích Truyện Kiều là dâm thư, sách tục. Nếu dịch cho các em đời nay có khi ra pornographic! Thật ra, đọc nguyên truyện thì ta mới thấy Nguyễn Du tài tình viết lại nhiều đoạn tả chân của trò tình dục trong kỹ viện ra vài chi tiết khêu gợi, cùng lắm là "erotic", mà hoàn toàn không tục, kể cả đoạn Kiều tắm bên cạnh con mắt hau háu của Thúc sinh.
Cũng thế, có người kết tội nhân vật Thúy Kiều là tà dâm, như tay chơi Nguyễn Công Trứ trong câu thơ "đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm." Và đời sau còn khuyên răn: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều." Có cụ còn phán rằng đọc Kiều là làm mất nước vì mất đạo lý Thánh hiền, đem Truyện Kiều vào văn học là "quỷ tà ám mất linh hồn"!
Cũng đều là những án oan nếu ta đọc nguyên truyện và phần chuyển hóa tế nhị của Nguyễn Du. 
Để kết luận, xin nói gọn Truyện Kiều là tác phẩm thi ca thật đẹp về 15 năm gian truân của một nàng tài sắc là Vương Thúy Kiều dưới đời vua Gia Tĩnh nhà Minh bên Tầu, vào giữa thế kỷ 16. Thời điểm của nàng con gái 15 này hơi trùng với nàng Juliet cũng khoảng 15 tuổi trong bi kịch Romeo and Juliet nổi tiếng do Shakespeare lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Anh và Ý đã xuất hiện trước. Truyện nàng Thúy Kiều thì được viết bên Tầu khoảng giữa thế kỷ 17.
Nguyễn Du nâng thành nghệ thuật thi ca của Việt Nam vào đầu thế kỷ 19 nhờ thấu hiểu ngôn ngữ Việt Nam và làm tiếng Việt càng thêm phong phú.
Bây giờ còn 30 phút, xin tạm quên mấy chuyện rắc rối kia mà tập trung tìm hiểu giá trị ngôn ngữ của Truyện Kiều. Phổ biến những giá trị ấy là một cách tri ân nhà thơ kỳ tài của chúng ta và giúp cho óc thẩm mỹ của con em chúng ta thêm tinh tế, bén nhạy. Đó là mục đích yêu cầu.
Muốn như vậy, tôi xin nhìn vấn đề từ hai giác độ. Thứ nhất là từ nghệ thuật của Nguyễn Du mà hầu hết các tài liệu giảng văn trung học đều nhắc tới nên đã thành quen thuộc. Thứ hai là từ giác độ ngôn ngữ, và có lẽ đấy mới là mục đích của đề tài tu nghiệp năm nay.


Cùng nhau trót đã nặng lời - Tranh lụa Tú Duyên 
3. Nghệ thuật Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Từ khi Truyện Kiều xuất hiện hai trăm năm trước, đã có mấy trăm cuốn sách và cả ngàn tiểu luận về hành trạng, tác phẩm và nghệ thuật Nguyễn Du. Về nghệ thuật Nguyễn Du, nhiều tác giả đã nhắc tới trước đây, từ các cuốn giảng văn trung học trở đi, xin không mất thời giờ kể lại mà chỉ chỉ cô đọng vào ba điểm xuất chúng. Đó là tài kể chuyện bằng thơ, là tả cảnh để tả tình, và dùng bút pháp cao điệu để soi vào tâm lý các nhân vật. Chúng tôi xin nói ngắn vì đề tài của ta là Tiếng Việt. 
3.1 Thuật sự và gài chuyện
Truyện Kiều không là một bài thơ mà là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ.
Như với tiểu thuyết, yếu tố then chốt là nhân vật, lồng trong hoàn cảnh và sự việc - tất cả có thể là hư cấu, fiction, tưởng tượng - để kể chuyện. Quan trọng nhất là kể chuyện, phải narrative. Nói cách khác là thuật sự, mà bằng thơ, có vần có điệu. Nguyễn Du là người kể chuyện có tài, a great story teller, và Truyện Kiều là sự cao điệu của phép thuật sự trong thi ca. Nếu không khéo kể chuyện mà chỉ liên tục làm thơ, dù có nhiều bài rất hay, thì vẫn không ra truyện.
Phép thuật sự của Nguyễn Du là nghệ thuật ít ai sánh nổi. Ở đây, xin nêu vài chi tiết:
Ông tả cảnh để nhắc đến thời gian mà khỏi cần đồng hồ và cuốn lịch. Hai người Kim Kiều gặp nhau vào buổi chiều Xuân rồi đêm đó nhớ nhau. Nhớ thế nào trong một đêm đằng đẵng khi Thúy Kiều lại... gặp ma? Sau đấy, hai người tình tự suốt một ngày, rồi nhiều ngày, rồi tai biến ập xuống khiến Kim Trọng đi xa. Ở nhà, Thúy Kiều phải tự bán mình làm vợ bé cho người khác, rồi cũng đi xa, qua một cõi khác. Hãy thử đọc lại diễn biến đó tại phần một của tác phẩm.
Qua chuỗi biến cố dồn dập, Nguyễn Du tả trăng và hoa để nói về thời khắc trôi qua trong một đêm, một ngày và nhiều mùa... Như khi Kiều phải bán mình làm vợ bé cho Mã Giám sinh đổi lấy 450 lượng vàng để cứu gia đình thì nàng lên kiệu ra đi vào mùa Thu. "Vi lô san sát hơi may, một trời Thu để riêng ai một mình": không gian là đường đi hai bên đầy lau sậy, thời gian là mùa Thu với ngọn gió heo may... Và nàng đi suốt đêm tới chốn lạ... đi vào một cái bẫy người.
Truyện Kiều có nhiều đoạn thuật sự như vậy mà càng đọc, càng hiểu thì ta càng yêu.
Khi nói thế, tôi muốn gợi ý là nên đọc lại xem Nguyễn Du phục bút như thế nào. Ông gài mấy cái plots, loại tình tiết như cái lò xo để sau đó cho bật đúng lúc, dẫn chuyện qua hướng bất ngờ. Hãy nghĩ đến một cái script bằng thơ, nhất là trong các đoạn Kiều bị Sở Khanh lường gạt phải tiếp khách trong kỹ viện, hoặc bị Hoạn Thư hành hạ vì ghen. Rồi nàng đi tu, bỏ trốn, lại mắc bẫy lần nữa để lại vào thanh lâu làm điếm. Sau đó, nàng lấy một người tình nơi kỹ viện là Từ Hải thì bặt tin và bỗng thấy chàng trở về với chân mạng của một đại vương! Rồi vì yêu chàng mà lại khiến Từ Hải chết đứng vì uất ức....
Nếu đọc nguyên truyện Tầu thì mới thấy sự ảo diệu của Nguyễn Du. Khác hẳn truyện Tầu!
Rằng: Tôi chút phận đàn bà - Tranh lụa Tú Duyên 
3.2 Tả cảnh để tả tình
Trong tiểu thuyết, nhân vật là chính. Mà nhân vật xoay trở thế nào với hoàn cảnh? 
Gặp nghịch cảnh, tâm tư của họ ra sao? Diễn ra bạch văn, nếu ta nói là nàng buồn, chàng vui, con mụ kia là gian, thằng cha nọ là hèn, v.v... thì cũng ra chuyện vậy. Nhưng không thể là tác phẩm lớn với lối kể chuyện suông đuột như vậy.
Nguyễn Du kiệt xuất về tả cảnh, nhưng là thi bá vì tả cảnh là để tả tình. Tình và cảnh quện làm một, thành tình cảnh của nhân vật, của bi kịch. "Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng" là chữ của Nguyễn Du. Ông tả cảnh như họa sĩ vẩy mây để nẩy trăng. Trăng là chính mà chỉ ẩn hiện, và vẩy mây rất đẹp là để vầng trăng thêm sáng. Tả cảnh mà tả tình là vậy. Ông cũng dùng phép tả cảnh để chuyển đoạn và dẫn chuyện qua phần khác, linh hoạt như trong một khúc phim đời nay.
Chúng tôi xin được nêu hai thí dụ.
Đọc Kiều, ta nhớ đoạn Thúy Kiều bị giam lỏng trên lầu Ngưng Bích. Đoán là bị giam nhờ chữ "khoá xuân" tác giả cài rất khéo vì có hai ý. Trong cô đơn giữa trăng ở gần và núi non ở xa, nàng tủi thân nhớ đến tình nhân cùng cha mẹ. Đấy là cảnh tĩnh, mà lòng nàng dao động.
Sang cảnh động thì chất tĩnh lại là nỗi chết lịm của Kiều. Là khi Hoạn Thư ngồi bên chồng bắt Kiều hầu rượu và đánh đàn. Tình cảnh Thúy Kiều là vợ bé Thúc sinh mà lại bị ép làm đầy tớ. Rồi choáng váng đến tê dại khi nhận ra ông chủ chính là ông chồng, mà vẫn phải rót rượu gẩy đàn cho ông bà chủ ngồi trên giải trí. Một người là Hoạn Thư thì cười thích thú hả dạ, người kia là Thúc sinh thì muốn khóc. Mà vì sợ vợ nên chỉ dám khóc thầm! Rồi hai vợ chồng dìu nhau vào phòng trong, Thúy Kiều thẫn thờ ở ngoài. 
Và nhà thơ cho Kiều buông một câu về máu ghen của Hoạn Thư. Một tuyệt tác chưa hề có trong ngôn ngữ Việt Nam:
Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen!
Xin hãy đọc lại câu này: Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen! Ta có nhà văn, nhà giáo, nhà sư, có nhà quan, nhà lính, nhà tơ, hay nhà vua, nhà thổ, nhà thơ, nhà nghèo, v.v... chứ nhà ghen thì chỉ có Nguyễn Du tìm ra để tả Hoạn Thư!
Chuyện ấy dẫn ta qua nghệ thuật tả người của Nguyễn Du.
Ai tri âm đó mặn mà với ai? Tranh luạ Tú Duyên
3.3 Tả người mà tả tính
Nguyễn Du khét tiếng ở nghệ thuật tả người qua cách dùng chữ sắc xảo, ta biết vậy.
Mở đầu, ông lấy hoa, tuyết và mây để tả dung nhan và nhân cách Thúy Kiều và Thúy Vân, mà tả Thúy Vân trước theo lối vẩy mây, rồi mới nẩy trăng là Thúy Kiều. Nhưng nếu dừng ở hình tượng ước lệ như vậy thì chưa là thi bá. Phải nghe ông tả hồn ma nàng Đạm Tiên thì mới giật mình:
"Sương in mặt, tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa."
Mà chưa hết! Mã Giám sinh, tên ma cô dẫn gái giả dạng học trò trường Quốc tử giám được giới thiệu như sau:
"Hỏi tên, rằng: Mã Giám sinh.
Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao."
Và sau này:
"Chẳng ngờ: gã Mã Giám sinh
Vẫn là một đứa phong tình đã quen!"
Sao trong thơ cổ lại có gã, đứa, hay mụ? Nhớ lại lúc Kiều gặp Kim Trọng lần đầu thì khác hẳn.
Nguyễn Du tả chàng Kim từ ngoại cảnh, trước là qua âm thanh, sau Kiều mới ngó ra chàng, mỗi lúc mỗi rõ hơn như ống kính rọi vào cận cảnh. Và đôi hài Kim Trọng bước tới đâu thì nơi đó toả sáng, như ngọc! Rồi mới là chàng Kim qua cái nhìn của nàng Kiều, từ đức tính ở trong mà toát ra dáng vẻ bên ngoài.
"Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. 
Sánh lại thì khác hẳn Mã Giám sinh. Lại càng khác cái tên lưu manh là gã Sở Khanh:
"Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng.
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Bóng nga thấp thoáng dưới mành.
Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai.
Rồi đến chàng Thúc sinh tay chơi vô tâm, cái gì cũng tài tử mà nét sợ vợ thì chuyên nghiệp:
"Thúc sinh quen nết bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không!
Chúng ta để ý là Nguyễn Du dùng xiêm áo bên ngoài để tả mấy anh đàn ông rỗng ruột không thực chất. Nhưng khi đến Từ Hải đầy anh hùng thì ông lại viết về cốt cách và khí phách:
"Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Qua vài nét chấm phá, Nguyễn Du lột trần tâm lý nhân vật. Kết hợp với cách dùng chữ rất đắt để tả hành vi thái độ từng người thì khúc phim càng linh hoạt... Điển hình là lối "Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay", hay câu mụ mắng Mã giám sinh: "Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe!" và khi Thúy Kiều tự sát thì "Nàng thì bằn bặt giấc tiên, Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay!" Hồn bay vì chỉ sợ Thúy Kiều chết là mụ bị lỗ to. Đây là một vở kịch, bằng thơ.
Vài điều trên thì có lẽ ai đọc Kiều hay đọc sách về Kiều đều thấy ra, giới nghiên cứu đã nói đến. Nhưng đề tài của mình không chỉ là "nghệ thuật Nguyễn Du trong Truyện Kiều". Ta cần tìm hiểu thêm về sự phong phú của tiếng Việt như đọc thấy trong Truyện Kiều.
Đấy cũng là một giác độ thứ nhì để tìm hiểu nghệ thuật Nguyễn Du.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh - Tranh lụa Tú Duyên
4. Ngôn ngữ Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Nguyễn Du am hiểu ngôn ngữ nước ta đến độ kỳ diệu. Tuyệt vời hơn thế, ông tinh chế thêm cho di sản ngôn ngữ đó. 
Rồi nhờ Truyện Kiều, đời sau mới có thể làm được phép "biến hoá ngôn từ", và đời nay được hưởng một sự phong phú bất tận. Nếu là một kỹ sư điện toán, may ra tôi có thể diễn tả được sự bất tận đó. Quý vị có ai am hiểu điện toán có thể thử suy nghiệm xem...
Trước hết, hãy nói về ngôn ngữ chung của chúng ta, là kho di sản cho Nguyễn Du múa bút.
Khác với ngôn ngữ Tây phương vốn rất chính xác - chữ nào loại gì, nghĩa nào là đúng là sai - ngôn ngữ Đông phương lại rất mơ hồ, trừ cách xưng hô để xác định đẳng trật, vai vế thì rất nhiều và rất kỹ! Đây là đặc tính phổ biến tại Á Châu. Cũng thế, ta có câu nói không có chủ từ, hoặc danh từ lại dùng làm động từ, trạng từ, hình dung từ. Nhờ đặc tính mông lung đó mà một chữ lại bao hàm nhiều ý, cho phép ta đẩy trí tưởng tượng đi xa trong câu thơ thật ngắn. Câu thơ ngắn và lối viết ngắn khiến ta phải dùng ít chữ mà nhiều nghĩa.
Đã thế, tiếng Việt ta lại thuộc loại đơn âm, mỗi chữ chỉ có một âm tiết, một syllable, nói lên hay đọc ra là dễ có chất thơ, có vần có điệu, mà cũng nhiều nghĩa nữa vì quá nhiều trường hợp đồng âm. Nguyễn Du là người hiểu thấu đặc tính ấy và nâng ngôn ngữ đó lên độ tuyệt vời.
Trước hết, hãy nói đến số lượng trong kho ngôn ngữ đã được Nguyễn Du tận dụng 
4.1 Kho tự vựng dồi dào 
Với máy điện toán của đời nay, chúng ta có thể... đếm nhanh hơn trước.
Khi đếm thì thấy Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát, gồm 9.762 chữ ở các câu lục và 13.016 chữ ở các câu bát, tổng cộng là 22.778 chữ, kết trong tất cả 1.624 vần, gồm 16 bộ vần khác nhau. Thống kê ấy sẽ là vô ích nếu không cho thấy nét thiên biến vạn hóa của nghệ thuật Nguyễn Du. Ta sẽ trở lại điều này khi nói về cái thú Tập Kiều ở phần kết. Điểm đáng chú ý hơn là trong 22.778 chữ, nhà thơ tận dụng kho tàng tự vựng của Việt Nam. 
Hãy nghĩ ra một bài diễn văn chính trị hay bình luận thời sự: nội dung phải có chữ thông dụng, đọc lên hiểu liền, nghe được là nhớ, và từ nào ra từ ấy: tiêu chuẩn về sức thuyết phục là phải dùng một lượng từ không nhiều mà gồm những chữ quen tai, phổ biến. Nhiều quá và khó hiểu là không đạt yêu cầu. Trong thơ thì khác hẳn. Mà thơ Nguyễn Du lại càng khác. 
Vì ông moi từ trong túi ra rất nhiều từ, nhiều words hay mots...
Kho tự vựng 22.778 chữ của Truyện Kiều gồm có hơn 3.400 từ khác nhau, nhiều hơn số từ của Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập" trước đó, và nhiều hơn số từ của Nguyễn Đình Chiểu trong "Lục Vân Tiên" sau này. Tức là Nguyễn Du thu thập một kho tự vựng dồi dào, một database rất lớn như một palette đa sắc có rất nhiều màu đậm lạt để vẽ. Và để lại cho đời sau cái kho tàng ấy trong những câu thơ rất đẹp và dễ nhớ.
Một minh diễn là loại từ rất cổ rất lạ mà nếu không có Truyện Kiều thì ta không biết, hoặc đã quên - tức là đời sau sẽ mất.
Như chữ "bạn bày" của câu 3226 "Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bày"; hay chữ "đan dập giật giàm" trong câu 586 "Này ai đan dập giật giàm bỗng dưng". Không là nhà thơ lớn, ai dám viết loại chữ khó hiểu và trúc trắc như vậy? Nhưng nhờ Nguyễn Du, ta biết người xưa ăn nói ra sao....
Một minh diễn khác là nhà thơ dùng nhiều chữ bình dân, nhờ đó ta không chỉ biết người xưa ăn nói ra sao, mà còn... văng tục chửi nhau thế nào. Thí dụ như chữ bài bây, chém cha, lộn chồng, mặt mo... Kho từ ngữ bình dân ấy lại có nhiều tục ngữ, nào là kẻ cắp bà già, kiến bò miệng chén, giết người không dao, ngứa ghẻ hờn ghen, mèo mả gà đồng, v.v...
Thành thử, ta thấy hiện tượng lạ là đời sau phải nghiền ngẫm chữ nghĩa Truyện Kiều, giải thích rồi xếp loại thành từ điển, một cuốn glossary. Mà không chỉ một lần vì còn cần nghiên cứu lại. Đó là cuốn Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, viết xong năm 1964, ấn hành năm 1974. Rồi Đào Duy Anh đọc thêm, đọc lại, lại cùng người khác tìm hiểu nữa, để cuốn Từ điển Truyện Kiều được tái bản năm 1987, với rất nhiều định nghĩa đã được điều chỉnh.
Có khi nào một tác phẩm văn chương gồm 3.254 câu thơ in ra vài trăm trang lại cần cả một cuốn từ điển dầy hơn gấp đôi, 557 trang, để giải nghĩa từng chữ không? Giải thích rồi thì lại khám phá ra ý nghĩa mới nên cần giải thích lại! Nội chi tiết ấy cũng khiến chúng ta hết hồn!
Với ngôn ngữ hàm chứa chất thơ, lại có kho tự vựng dồi dào, Nguyễn Du còn làm mới chữ nghĩa bằng cách dùng chữ cũ trong ý mới. Ông đi từ lượng đến phẩm, từ quantity qua quality và làm giàu thêm cho kho từ ngữ của chúng ta.
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang - Tranh lụa Tú Duyên
4.2 Bày ra từ mới 
Nhà thơ không thụ động đón nhận di sản ngôn ngữ của đời trước mà còn làm mới chữ cũ. Vì thời giờ có hạn, xin chỉ nêu lên vài ba thí dụ. 
Một là chữ "bài", viết tiếng Nôm đều cùng một cách (là bộ "thủ" bên chữ "phi") mà Nguyễn Du lại sáng tạo khi dùng với ba nghĩa khác nhau. Hai là chữ "lầm", vừa có nghĩa lầm lẫn, vừa nghĩa là lấm dơ vì lẫn với cát bụi, mà Nguyễn Du lại còn dẫn sang một nghĩa thứ ba!
Về chữ "bài", nó có thể là động từ, với nghĩa là "bày" ở câu 281: "Mừng thầm chốn ấy chữ bài", câu 2036: "Rành rành" Chiêu Ẩn Am "ba chữ bài", và câu 2075: "Trông lên linh vị chữ bài". 
Mà chữ "bài" lại có thể là danh từ, có nghĩa là bài ca, bài thơ. Đó là trong câu 132: "Gốc cây lại vạch một bài cổ thi"; câu 203: "Này mười bài mới mới ra"; câu 205: "Kiều vâng lĩnh ý đề bài"; câu 232: "Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia"; câu 640: "Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ"; hoặc câu 1850: "Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe". 
Chữ "bài" cũng có thể là danh từ, lại có nghĩa là "phương cách", như ở câu 342: "Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh"; và trong hơn chục câu khác, chưa kể câu 973: "Lão kia có giở bài bây" thì lại còn thêm một nghĩa khác nữa! Nghĩa đó là trổ mánh trây lỳ, cà chớn!
Thí dụ thứ hai là chữ "lầm".
Viết tiếng Nôm với bộ "tâm" bên chữ "lâm" thì có nghĩa là sai lầm, như với câu 1007:Cũng là lỡ một lầm hai; hoặc trong hai câu khác nữa xin miễn kể thêm ra đây. Nhưng cũng chữ "lầm" mà viết với bộ "thủy" bên chữ "lâm" thì lại có nghĩa là bị vấy bẩn, như trong câu 1429: "Một sân lầm cát đã đầy" mà mình cũng có thể hiểu là "một sân lấm cát đã đầy". Ngoài ra, còn hai ba câu có chữ "lầm" trong nghĩa ấy. 
Nhưng câu 3194 mới là lý thú mà ta hãy cố nhớ vì đó là tuyệt chiêu ngôn ngữ Nguyễn Du trong: "Lầm người cho đến bây giờ mới thôi." 
Chữ "lầm" ấy có thể hiểu ra "nhầm lẫn" mà cũng là "làm cho lầm lẫn", tức là động từ đánh lừa. Mà lại còn nghĩa là "khổ sở", hoặc "làm cho khổ sở", "làm cho mình bị nhơ nhớp." Nguyễn Du buông chữ như vậy để chúng ra tưởng tượng và nối kết lấy các dấu chấm, connecting the dots, mà may ra thì ta nhìn thấy. Vì lầm người mà Kiều bị lấm thân khổ sở cho đến bây giờ mới hết! 
Nếu kể ra thì còn nhiều lắm, như "giọt lệ" thì có cả chục cách gọi, lời "thệ nguyện" cũng có 12 cách diễn tả, mơ hồ mà tự nhiên và thích hợp cho từng hoàn cảnh! Khóc vì buồn và vì vui thì giọt nước mắt tất phải khác. Lời nguyện ước của đôi lứa thì khác với tiếng thề của kẻ có gian ý. 
Phép đan lượn chữ nghĩa là nét sáng tạo của Nguyễn Du, bậc thầy đã mở lối cho cách viết và nói của đời sau. Trong kho tự vựng đã dồi dào, lại nhào nặn thêm từ cũ mà có ý mới, Nguyễn Du còn khai thác kho tàng ca dao thành ngữ và làm giàu thêm cho kho tàng đó.
Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời - Tranh lụa Tú Duyên
4.3 Ca dao với thành ngữ 
Tôi xin lạc đề vài giây để nhắc đến bài "Văn tế thập loại chúng sinh" hay " Văn Chiêu Hồn" của Nguyễn Du. Tác phẩm rất lạ này là một bài văn tế cô hồn. Trong đó bỗng dưng ta gặp thơ Kiều.
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con tá, biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
Đau đớn thay, phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?
Ta gặp Kiều ở câu 83-84: "Đau đớn thay, phận đàn bà! Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung", khi Thúy Kiều ái ngại vong hồn Đạm Tiên. Nhưng, nếu để ý thì ta còn thấy cách người xưa cúng âm hồn bơ vơ lạc loài của người chết bằng chút cháo đổ lên chiếc lá đa. "Hớp cháo lá đa" rồi "cướp cháo lá đa" là hình ảnh đã quen về thân phận cô hồn rầm Tháng Bảy, sau đã là thành ngữ.
Nói về ca dao, là loại thơ dân gian được loan truyền đời này qua đời khác, ta nhớ câu:
"Ai đi muôn dặm non sông - Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy?"
Nó xuất hiện trong câu 247 của Truyện Kiều:
"Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba Thu dọn lại một ngày dài ghê..." 
Và nối liền với ý "tam thu" là ba năm trong tập Kinh Thi của Trung Hoa, "nhất nhật bất kiến như tam thu hề". Kinh Thi thật ra là một tuyển tập ca dao rất cổ của Tầu.
Dân ta có câu ca dao: "Tiễn đưa một chén rượu nồng - Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi".
Câu ấy được Nguyễn Du nâng thành tuyệt bút trong:
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dậm đường"...
Hay câu 1507-1508: "Dễ lòa yếm thắm trôn kim - Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng" mà Thúy Kiều khuyên Thúc sinh vì e sợ Hoạn Thư. Những hình ảnh đó là từ thành ngữ của ta mà ra.
Hoặc như câu ca dao: "Giữa đường nhặt cánh hoa rơi - Hai tay nâng lấy: cũ người mới ta!" Lời châm biếm ác độc về việc lấy người đã từng là vợ hay chồng người khác, làm sao Nguyễn Du hụt được? Qua tay ông, nó ra lời than của Thúy Kiều khi tái ngộ Kim Trọng, ở câu 3035-3036:
Nàng rằng: chút phận hoa rơi,
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.
Rồi nhờ thuật dùng chữ như ca dao, Nguyễn Du lại cho đời sau một thành ngữ khác, ở câu 1535 nói về ông chồng có thêm vợ bé: "Từ nghe vườn mới thêm hoa" khi Hoạn Thư biết là Thúc sinh quen tật trăng hoa đã có tì thiếp ở Lâm Truy.
Vì vậy mà Truyện Kiều cũng thấm vào ca dao, tức là trở thành tác phẩm phổ biến trong dân gian rồi được lưu truyền tiếp. Như khi Nguyễn Du tả Kiều nhớ chàng Kim và tự hỏi là em gái mình đã kết duyên với chàng hay chưa:
"Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!
Tình sâu mong trả nghĩa dày
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?"
Rồi sau này đoạn thơ đó lại thành ca dao, với lời ỡm ờ bài bây của chàng trai ở câu kết:
"Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về nhắn liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho ai một cành,
Có yêu anh, thì bẻ quách cho anh!"
Ta thấy tiếng Việt đã phong phú lại càng ảo diệu hơn cũng là nhờ Nguyễn Du. Nhưng, là nhà thơ uyên bác - tức là hiểu biết sâu rộng - mà lại làm thơ có tài, ông tận dụng cả kho tàng tự vựng Trung Hoa khi lấy điển tích và thơ cổ của thiên hạ rồi Việt hoá cho chúng ta sử dụng. Mà nhiều khi ta chẳng cần biết xuất xứ mãi tận bên Tầu!
Khéo dùng điển tích và thơ cổ là ưu điểm thứ tư của nghệ thuật ngôn ngữ Nguyễn Du.
4.4 Dụng điển và thơ cổ 
Ngày nay nhiều tranh ảnh về Thu của ta lấy đề tựa quen thuộc từ Truyện Kiều: "Rừng phong thu đã nhuốm mùi quan san". Câu đó có thể đến từ vở Tây sương ký của Tầu: "Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy" - thu về ai nhuộm rừng phong. Chữ nhuốm - nhẹ nhàng phơn phớt thôi, chứ không như nhuộm - quả là thần tình. Nó làm cho cây phong, vốn dĩ không có tại Việt Nam, vẫn cứ là hình ảnh gần gũi. Chuyện ấy dẫn ta về nghệ thuật lấy mực Tầu vẽ cảnh ta - về cách dụng điển của Nguyễn Du.
Truyện Kiều có 3.254 câu thì có hơn 150 điển cố, chưa kể các câu thơ cổ đã là thành ngữ và hình ảnh ước lệ như câu trên. Tính ra cũng ba bốn trăm, từ điển tích đến thơ cổ rồi thành ngữ, cố sự.
Điển cố là tích xưa, là chuyện đã lưu truyền đời này qua đời khác, rồi có khi được dân gian tóm tắt kể lại như thành ngữ, như cố sự. Thi ca Trung Hoa thì đưa các điển cố rất đẹp ấy vào thơ, trở thành thơ cổ mà các tác giả đời sau đều nhớ. Nguyễn Du tận dụng các điển tích, thành ngữ, cố sự hay cổ thi ấy của văn hóa Trung Hoa, nhưng thổi vào đó cái hồn Việt Nam, cái Việt tính.
Thí dụ đầu tiên là câu mở: "Trăm năm trong cõi người ta", chữ "trăm năm" xuất xứ từ chữ Hán "nhân sinh bách tuế vi kỳ" hàm ý đời người có trăm năm nhưng hiểu thoát là "ở đời", chứ không có ý về thời gian như trong mươi câu thơ sau này cũng có chữ "trăm năm". Thí dụ kế đó là "trải qua một cuộc bể dâu" ở câu thứ ba, cũng có truyện tích về sự đổi thay, ruộng dâu có thể biến ra biển xanh.
Hai thí dụ trác tuyệt khác là khi Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe. Lần đầu là từ câu 471, nàng so dần dây vũ dây văn khiền chàng ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu. Đoạn này thì quá nổi tiếng nên khỏi cần nhắc lại năm điển tích cố sự bên trong. 
Thí dụ thứ hai là khi hai người tái ngộ lúc cuối thì khúc nhạc đàn là tiếng hoan ca mà có đầy điển tích trong thơ cổ, kể từ câu 3.199 đến 3204:
"Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu chan chứa ân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ doành quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!
Sáu câu tuyệt đẹp ấy có bốn điển cổ, mà Lý Thương Ẩn đời Vãn Đường bên Tầu, cuối thế kỷ thứ chín, lại tài tình gom vào bài thơ nổi tiếng là Cẩm Sắt. Nguyễn Du chuyển luôn sáu câu có bốn điển cố ấy thành đoạn thơ tả tiếng đàn đầm ấm hoan lạc của Thúy Kiều. Nếu biết điển Trang sinh mơ mình hóa bướm trong Nam hoa kinh của Trang Tử thì ta hiểu ngay câu hồ điệp Trang sinh. Cũng thế về hồn vua Thục và tiếng chim đỗ quyên, hay về ngọc bích trong núi Lam điền.
Một điển khác là vẻ đẹp của Lý phu nhân, sủng phi của Hán Vũ đế, do lời mô tả của anh ruột nàng là Lý Diên Niên. 
Đẹp đến nỗi liếc một cái, người nghiêng thành, liếc cái nữa, người nghiêng nước: "nhất cố: nhân khuynh thành; tái cố: nhân khuynh quốc". Nguyễn Du dịch thoát điển tích ấy ra: "Một hai nghiêng nước nghiêng thành". Nói đến sắc đẹp Thúy Kiều, chỉ cần chữ nghiêng thành là ta hiểu, dù chả biết Lý phu nhân là ai. Hai lần sau đó, chữ "khuynh thành" đều có nghĩa là sắc đẹp, trong câu 258 tả nỗi nhớ của Kim Trọng và câu 1301-1302 tả nỗi nhớ của Thúc sinh.
Thúy Kiều khóc thầm nửa đêm khiến bà mẹ tỉnh giấc ra hỏi: "Cớ sao trằn trọc canh khuya, Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa?" Hai câu 225-226 này tự nhiên tả khuôn mặt nàng như hoa lê trắng muốt mà đượm nước mưa. Rõ là thơ Việt, không phải thơ dịch cho nên ta càng phục Nguyễn Du khi biết bài Trường hận ca bất hủ của Bạch Cư Dị đời Đường có câu: "Ngọc dung tịch mịch lệ lan can - Lê hoa nhất chi xuân đới vũ". Hình ảnh hoa lê đượm mưa xuân là từ đó mà ra.
Nếu biết thế nào là dụng điển thì ta mới bái phục Nguyễn Du trong cách chọn điển thích hợp cho hoàn cảnh hay tâm trạng ông muốn diễn tả. Muốn chọn thì phải biết nhiều. Chọn điển rồi, còn phải diễn thành thơ, chuyện không dễ. Mà phải có chất thơ Việt Nam thì mới thần tình. Cái tài của nhà thơ là dùng điển như hơi thở, không cho thấy sự dụng công, gò ép...
Hãy lấy lại câu mở đầu: "Trải qua một cuộc bể dâu..." Cuộc bể dâu hay trò dâu biển thành chữ Việt, không dấu vết "thương hải biến vi tang điền". Sau này, khi viết về Thúy Kiều thì nhờ thơ Nguyễn Du, Bùi Giáng của chúng ta có thể ung dung buông chữ:
Hỏi quê? Rằng biển xanh dâu
Hỏi tên? Rằng mộng ban đầu đã xa.
Cũng thế, trong ca khúc Ngọc Lan đời nay, Dương Thiệu Tước muốn nói đến giọt lệ người đẹp là lấy điển tích "mạch Tương" của Truyện Kiều khi viết "ngón tơ mềm, chờ phím ngân chùng, mạch Tương lai láng". Đó là điển tích hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn bên bờ sông Tương. Và mạch Tương, với chữ T viết hoa, là chỉ nước mắt phụ nữ. Truyện Kiều có câu 237-238 là: "Vâng lời khuyên giải thấp cao, Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương". 
Nếu có đọc Kiều và biết cách dụng điển của Nguyễn Du thì ca sĩ có văn hóa đã không hát sai là "mạch tuôn lai láng" hay "mạch tương lai sáng!"
Đời nay, khi Vũ Thành viết ca khúc bán cổ điển tuyệt đẹp là bài "Gửi áng mây hàng", ông dùng chữ trong Truyện Kiều, "Lòng còn gửi áng mây hàng". Mà chữ ấy là từ câu thơ cổ nói đến điển Địch Nhân Kiệt đời Đường, thấy áng mây trên núi Thái hàng là nhớ đến cha mẹ ở cố hương.
Nguyễn Du lập kho tự vựng rất dày, tái tạo chữ nghĩa cho mới, dùng ca dao lẫn điển cố và thi thố tuyệt kỹ về bút pháp. Thí dụ như qua cách ngắt nhịp, đối thơ, đối chữ, đảo nghĩa, vả cả thuật chơi chữ. Vì thời giờ có hạn, sau đây xin chỉ lướt qua phần bút pháp thôi. Mục này cũng đáng là một đề tài riêng.
Thôi thì một thác cho rồi! - Tranh lụa Tú Duyên
4.5 Bút pháp thần sầu
Trước hết, chữ nghĩa thời xưa không có lối chấm câu hay ngắt ý nhờ các dấu như chấm, phẩy, hai chấm... Trong thơ cũng vậy.
Thể lục bát thường có lối ngắt ý và ngắt nhịp phổ biến là câu sáu chữ thì chia làm ba, mỗi đoạn hai chữ; câu tám chữ thì chia ra hai đoạn bốn chữ. Thí dụ dễ nhớ trong Truyện Kiều là câu 2981: "Này chồng, này mẹ, này cha - Này là em ruột, này là em dâu": thiếu dấu phẩy ta vẫn đọc đúng nhịp tiết câu thơ. Hoặc hai câu lục bát của Đoàn Thị Điểm trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc: " Chinh phu tử sĩ mấy người, Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn"?
Nguyễn Du cao điệu hơn vậy. Ông ưa ngắt giữa câu lục với tiết tấu lạ. Như "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", hoặc "Kiếp hồng nhan có mong manh" hay "Một mình nàng - ngọn đèn khuya". Cách ngắt câu khiến ta phải chú ý đến ý và cách tả. Mà Nguyễn Du không chỉ ngắt giữa câu lục. Hơi thơ rất lạ của ông còn diễn tả lối ký âm mà thời ông không hề có: "Rằng: hồng nhan tự nghìn xưa," hoặc "Này mười bài mới, mới ra".
Trường hợp thông dụng là câu sáu phải đọc liền xuống câu tám chứ không thể có dấu chấm. "Rằng: "như hẳn có thế, thì - Trăng hoa, song cũng thị phi biết điều". Cú pháp đó không có trong thơ cổ mà là... thơ mới, thơ... Tây! Đó là phép "enjambment" trong thi ca Tây phương...
Thơ văn thời xưa của ta có tính chất biền ngẫu, là phải có đối, cả ý lẫn vần. Bút pháp Nguyễn Du nổi tiếng về nghệ thuật "đối câu" và nhất là "đối chữ".
Đối câu là khi cắt hai câu lục bát làm hai cho đối nhau chan chát. Trong 3.254 câu thơ thì có 307 lần đối như vậy, rất hay, kể ra không hết được đâu! 
Đối chữ hay tiểu đối, mới là bản lãnh Nguyễn Du, như "thưa hồng" đối với "rậm lục", "vò chín khúc" đối với "chau đôi mày", "gìn vàng" với "giữ ngọc", "trâm gẫy" đối với "gương tan", "rụng cải" với "rơi kim"... "giấm chua" là tánh ghen, đối với "lửa nồng" là phận kỹ nữ bán dâm.
Thuật đối chữ ấy khiến ngôn ngữ có nét hấp dẫn, dễ nhớ dễ truyền và ảnh hưởng đến đời sau. Nhiều người đã học theo Nguyễn Du khi viết mà có khi không biết.
Bút pháp Nguyễn Du còn dùng nghệ thuật "đảo trang", là hoán đổi vị trí các chữ để tạo ra ý mới, nghe lạ và hay hơn, hoặc nghệ thuật gọi là "di ngôn tiếp từ", là dời một nhóm chữ quen tai như "ong bướm lả lơi" hay "dạn dày sương gió" ra một nhóm chữ khác đầy vần điệu như "Biết bao bướm lả ong lơi", hoặc "Mặt sao dày gió dạn sương".
Như một nhà ảo thuật với chữ nghĩa, ông xóc đi xào lại các chữ và tạo ra chữ mới theo phép combination, gọi là "tổ hợp", và thường thì làm cho câu thơ đẹp hơn, hay hơn. Ông làm giàu cho ngôn ngữ trong ý nghĩa đó.
Nhưng đi vào chi tiết thì bất tận nên sau cùng, xin nói đến nghệ thuật chơi chữ trong bút pháp Nguyễn Du. 
Chơi chữ vốn là lẽ thường trong ngôn ngữ của mọi dân tộc và xưa kia khá đắc dụng trong văn chương của ta nên nhiều người ngây ngô cứ tưởng rằng chỉ có dân ta mới biết chơi chữ hay nói lái! Nhưng nếu nhớ đến tâm hồn buồn bã của ông, ít ai ngờ Tố Như lại chơi chữ tuyệt luân hơn nhiều tác giả khác. Nhờ ông mà nghề chơi công phu này vẫn lưu truyền.
Trước hết là Nguyễn Du xếp hai chữ vốn hay song hành với ý đối chọi, mà lại có nghĩa lắt léo.
Ta nhớ đến cặp "tiên-phàm", sánh cao xa với tầm thường, và câu thành ngữ "quít làm cam chịu" với cam quít là hai trái cây. Trong hai câu 833- 834, nhà thơ dùng hình ảnh đó, mà với ý hoàn toàn khác: "Đào tiên đã bén tay phàm - Thì vin cành quít cho cam sự đời!" Tài tình lắm, mà cũng Việt Nam lắm, nếu ta nhớ câu ca dao: "Ăn nhiều ăn ít, ăn bằng quả quít cho nó cam lòng!" Nhớ vậy thì có phải là tiếng Việt phong phú không? Mà có phải Nguyễn Du tài hoa không, khi hai lần chơi chữ trong hai câu, lại gài cả ca dao vào đó!
"Duyên" và "nợ" cũng là hai chữ thường đi đôi.
Ở câu 1880, Nguyễn Du cho đi đôi, mà ý ngược: "Gỡ cho ra nợ, còn gì là duyên!" Mà chữ duyên đây không chỉ có ý duyên tình vì còn là tuổi xuân, là sắc đẹp. 

Theo http://n1-theonlyone.forumvi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...