Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Vì sao gọi là tháng Giêng

Vì sao gọi là tháng Giêng
Hiện nay Âm lịch của Việt Nam tuy dựa vào lịch Trung Quốc nhưng Giờ Phối hợp Quốc tế lại khác (UTC+7 thay vì UTC+8). Chúng ta thường gọi là tháng 2, 3, 4 (Âm lịch)… giống như cách gọi tháng trong Dương lịch, nhưng tháng đầu năm mới lại gọi là tháng Giêng chứ không phải tháng 1. Vì sao?
Theo Từ điển Taberd (1), Giêng có cấu tạo chữ Nôm gồm chữ nguyệt + chính ; tháng Giêng trong tiếng Latin là mensis primus (tr. 174); còn Hán ngữ gọi là Chính nguyệt 正月. Chữ chính này còn được đọc là chinh, có nghĩa là “đầu tiên, thứ nhất”, trong khi đó nguyệt là “tháng”. Như vậy, tháng Giêng theo định nghĩa của Khang Hi tự điển là Nông lịch nhất niên đích đệ nhất cá nguyệt 农历一年的第一个月, tức “tháng đầu tiên của năm Nông Lịch (Âm lịch)”.
Xét về từ nguyên, chữ tượng hình nguyên thủy của chính là bàn chân với một đường ngăn chặn nó phía trước, nghĩa gốc là “hoàn tất” (complete); trong khi đó nghĩa gốc của nguyệt vẫn là “mặt trăng” (moon). Về chữ nguyệt thì không có gì phải bàn cãi, nhưng chữ chính thì có nhiều chuyện cần xem xét. Có người cho rằng phải gọi tháng Giêng là chinh nguyệt 正月 mới đúng và phán rằng học giả Đào Duy Anh đã nhầm khi gọi tháng Giêng là Chính nguyệt (2). Thật ra, theo chúng tôi, cách gọi chinh hay chính là tùy theo phiên thiết mà thôi.
Theo Đường vận, Vận hội và Chính vận, thiết âm của là Chi thịnh (thình) thiết 之盛切. Nếu đọc chi thịnh thiết thì chữ sẽ được phiên là chính, nếu đọc là chi thình thiết thì chữ sẽ phiên là chinh. Do đó ta thấy hiện nay cụm từ 正月 có hai cách đọc là chính nguyệt và chinh nguyệt, chẳng có gì là nhầm lẫn cả. Một điểm cần lưu ý khác, Khang Hi tự điển cho biết, chữ đọc giống như chữ chính/chánh , như vậy, cách phiên thiết chuẩn nhất là chính chứ không phải chinh, còn phiên là chánh là do người Nam bộ đọc trại.
Trong Hán ngữ còn có chữ nguyên nghĩa là “mới, đầu tiên”. Nguyên niên 元年 là “năm đầu (thứ nhất)”, nguyên nguyệt 元月 là “tháng Giêng”, còn nguyên nhật 元日 là “ngày mùng một”. Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam, cụm từ thường dùng để chỉ tháng Giêng là Chính nguyệt 正月 chứ không phải là nguyên nguyệt 元月. Bằng chứng rõ nhất là cách cấu tạo chữ giêng theo lối hội ý của chữ Nôm: nguyệt (ý) + chính (ý) – không dính dáng gì tới chữ nguyên (3).
Nhưng chữ giêng từ đâu ra? Cách lý giải thuyết phục nhất chính là từ sự biến đổi ngữ âm của tiếng Việt theo thời gian. Nhiều nhà nghiên cứu công nhận rằng chữ giêng là biến âm của chữ chính/chinh trong Hán ngữ. Trước hết, chúng ta xét về phụ âm đầu: c, k, biến thành g, gh trong những cặp từ “căng – găng”, “cóp – góp”, “cài – gài”, “còng – gòng”, “ké – ghé”, “kìm – ghìm”, “chăng – giăng”, “chằng – giằng”; còn phần vần thì có sự biến đổi từ inh thành iêng như trong cái chinh thành cái chiêng (chiêng - một loại nhạc cụ gõ, còn gọi là chinh trong những phương ngữ ở Tây Nguyên)…
Chúng ta biết rằng tiếng Việt thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, nhánh bắc trong ngữ chi Việt là Việt - Mường, điều này cho thấy tiếng Việt rất gần với tiếng Mường. Từ chiêng trong tiếng Mường, ngoài nghĩa là cái chiêng, còn có nghĩa là giêng (tháng). Khảng chiêng trong tiếng Mường có nghĩa là tháng Giêng trong tiếng Việt. Thí dụ: khảng nì là khảng chiêng rồi, còn ói ngày nưa là tiểnh thết (Tháng này là tháng giêng rồi, còn ít ngày nữa thôi là đến Tết) – trích Từ điển Mường – Việt của Nguyễn Văn Khang, Nxb Văn hóa Dân tộc 2002, (tr.81). Như vậy đã quá rõ ràng!.
Nhưng tại sao không gọi tháng Giêng là tháng 1 Âm lịch? Đây là vấn đề khác, chúng tôi sẽ trình bày sau.
(1) Từ điển Taberd có tên chính thức là Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị (Hán ngữ: 南越洋合字彙; Latin: Dictionarium Anamitico-Latinum), viết bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và Latin, xuất bản lần đầu năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ.
(2) Hán Việt Từ Điển Giản Yếu của Đào Duy Anh (Nxb Trường Thi 1957): Chính nguyệt
正月: Tháng giêng (tr.173).
(3) Trong chữ Nôm còn có 2 cách cấu tạo chữ giêng khác theo lối hài thanh: a. nguyệt
(ý) + trinh (âm); b. nguyệt (ý) + chinh (âm). Cả hai cách này cũng không cho thấy sự liên quan với chữ nguyên trong nguyên nguyệt 元月.
Vương Trung Hiếu
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 438
 Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ ...