Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Hành trình Đà Lạt theo quốc lộ 27B

Hành trình Đà Lạt theo quốc lộ 27B

Ai từng nghe những bài hát mộng mơ về Đà Lạt ắt hẳn không thể nào cản ngăn ý nghĩ tự mình khám phá khung cảnh ấy, nhất lại vào mùa Tết - “Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi…”. Hành trình của chúng tôi bắt nguồn từ cảm hứng ấy…

Ai Lên Xứ Hoa Đào - Bài hát hay nhất là Đà Lạt - HMB - YouTube

Những khám phá dọc hành trình
Chúng tôi khởi hành từ Nha Trang, theo quốc lộ 1A để đến Ba Ngòi - Cam Ranh. Từ địa danh Trại Cá của thành phố Cam Ranh, thuộc xã Cam Thịnh Đông, nếu đi vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận chỉ còn khoảng 40km.
Tôi theo quốc lộ 27B để đi lên Đà Lạt. Cũng tại điểm này, vào năm 2005, đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc của một chiếc xe chở sinh viên đi từ Đà Lạt về bị xe lửa tông ngay tại Trại Cá. Sự việc lại gần đúng vào dịp gần Tết, thế nên trong chuyến xe tử thần hôm ấy chỉ toàn là sinh viên học ở Đà Lạt, trên đường về quê ăn Tết.
Người đồng bào dân tộc Raglai 
đang địu củi về làng trên quốc lộ 27B
Chúng tôi chọn cung đường này mà không phải là quốc lộ 27 vì con đường này đi ngang qua huyện Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận, nơi có đông đảo bà con Raglai cư trú, họ sống rải rác dọc theo quốc lộ 27B cho đến gần ngã 3 Ninh Bình của huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Gọi là quốc lộ vì nó đi ngang qua thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa và huyện Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận. Mới xong mùa mưa, thế nên hai hàng cây ven đường xanh tươi tốt lá, chứ nếu đi vào mùa nắng thì cả khu vực này chỉ toàn là một màu vàng cỏ cháy, từng cơn gió nóng thổi vào làm rợn cả người. Ấy thế, cái tên Phan Rang được người dân địa phương ở đây cắt nghĩa là “Gió như Phan và nắng như Rang“, âu cũng có cái lý của nó.
Chạy theo đường 27B, hai ven đường nhà cửa thưa thớt, chỉ toàn là sỏi và đá. Những dãy núi đá hiện ra trước mắt chúng tôi, có những đoạn đường xe chạy xuyên ngang qua giữa một ngọn núi, đó là những hoành sơn đâm nhào ra biển cả. Vào mùa này có nhiều cây mui, một loại cây cỏ dại, khẳng khiu, thân nhỏ chỉ độ khoảng bằng ngón tay út của chúng ta. Ấy thế, loại cây này rất hợp với những vùng đồi núi nhiều sỏi đá, ít phì nhiêu màu mỡ. Lá cây này được người đồng bào Raglai ở đây dùng để cầm máu. Cây có bông màu trắng, trắng cả dãy núi. Nó cùng với hoa mai đã điểm tô, báo hiệu mùa xuân cho cả dãy núi rừng và vùng đất khắc khổ ở nơi đây.
Chợt nhớ, ngày xưa cứ mỗi lần hoa mui nở thì nó báo hiệu mùa xuân sắp về, Tết sắp đến. Trên con đường tôi đi học, nhìn lên núi thấy trắng bạt ngàn hoa mui. Cùng theo thời gian, sự tàn phá môi sinh, phá rừng làm rẫy của dân ta, màu trắng của hoa mui đã không còn nữa. Thay vào đó là những cái rẫy với những màu sắc khác nhau, chỗ thì xanh tươi của màu lá cây sắn nước, chỗ thì đậu…nhưng đến mùa khô thì cả vạt núi đều là những vệt màu loang lổ. Nó giống như chiếc áo rách rưới được may vá từ nhiều mảnh vải màu khác nhau vậy. Bây giờ, đâu đó trên ngọn núi ven đường tôi đi học ngày xưa chỉ còn thấp thoáng một nhóm trắng của những bụi mui làm tôi tiếc nuối thời tuổi thơ của mình.
Ở đây, đồng bào Raglai tập trung khá đông, theo thống kê thì có đến hơn 50% dân số. Ngoài ra, họ còn ở một số vùng của tỉnh Khánh Hoà và một phần tỉnh Bình Thuận. Trước đây, người Raglai du canh du cư, sau này dưới chính sách định canh định cư, họ tập trung lại không đi đây đó phá rừng làm rẫy nữa. Kinh tế sống chủ yếu phụ thuộc vào núi rừng, săn bắt, hái lượm, khai thác tài nguyên rừng, nương rẫy, mở mang nghề thủ công và trao đổi lâm sản.
Bắp và lúa chính là nguồn lương thực chủ yếu. Gia súc, gia cầm được nuôi thả trong vườn đáp ứng một phần lương thực và phục vụ trong những ngày lễ Tết.
Nhà cửa họ ở là những chiếc nhà sàn tạm bợ, liêu xiêu nghèo nàn. Để giúp họ định canh định cư, nhà nước đã cho xây những căn nhà bê tông giống nhau như đúc, rất thiếu mỹ quan. Việc xây dựng này dường như đã làm mất đi hình dáng quen thuộc của những ngôi nhà sàn khi nhắc đến người dân tộc thiểu số tại đây, những ngôi nhà chứa khoai, chứa sắn, những chuồng heo nuôi những con heo đồng bào*… Nên chăng, việc giúp người dân định cư cũng cần phải chú ý đến việc bảo tồn những nét văn hóa, kiến trúc truyền thống của người dân tộc.
Sự tiếp xúc với người Kinh đã giúp họ cải tiến rất nhiều các tập quán, phong tục cổ hủ. Về ăn mặc, họ mặc rất giống người Kinh, nhưng lại thích diêm dúa, màu mè, nên vẫn giữ được những sắc thái riêng. Nhìn chung, đâu đó trên huyện Bác Ái vẫn còn những ngôi nhà sàn còn sót lại của người Raglai, nhà sàn cao không quá một mét, lại chật hẹp, do vậy không được sạch sẽ.
Người Raglai theo mẫu hệ, nên con gái cưới con trai. Tuy nhiên việc lựa chọn ban đầu lại do chàng trai quyết định. Có cảm tình với cô nào, chàng trai mang đồ đạc đến cư ngụ nhà cô gái ấy. Người Raglai rất kiêng kỵ chuyện trai gái vụng trộm với nhau, nếu bắt được thì sẽ phạt rất nặng.
Riêng về sinh đẻ thì vẫn còn giữ được những nét khác biệt so với người Kinh. Sản phụ khi sinh nở không được ở trong nhà ở, phải làm một nhà nhỏ tạm, xa nhà vài chục mét hoặc vài trăm mét. Khi sanh, sản phụ có sự trợ giúp của bà đỡ hoặc bà mụ. Trong nhà có bếp lửa để sưởi và nấu nước. Sau khi sanh từ một đến hai hôm, sản phụ sẽ mang con ra suối tắm rửa sạch sẽ, rồi trở về nhà chính. Ngôi nhà làm nơi sinh đẻ sẽ bị đốt cháy, hoặc bỏ mặc cho gió thổi bay.
Từ sau 1975, người Raglai đã áp dụng nông nghiệp lúa nước vào cuộc sống. Lúa nước được trồng trên những rẫy cũ ở thung lũng ven chân núi, gần nguồn nước sông, suối. Cùng với lúa nước kéo theo chăn nuôi trâu, bò để có sức kéo và tăng thêm nguồn thực phẩm.
Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta biết bài ca ”Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến qua tiếng ca của ca sĩ Y Moan. Bài hát ấy viết về người Raglai tại huyện Bác Ái này. Đi ngang qua nơi này, khi cất lên bài hát, nhìn thấy khung cảnh yên bình của vùng sơn cước yên ả này, ta mới cảm nhận được hết cái chất tình của người nhạc sĩ: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau… Họ đã sống, không mùa đông, không mùa nắng mưa, có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau… Ai yêu Tự Do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi…”. 

Giấc Mơ Chapi - Y Moan - NhacCuaTui

Chỉ tiếc, trong chuyến đi, để đảm bảo thời gian cho chuyến hành trình, tôi đã không thể tìm hiểu đầy đủ cây đàn Chapi để cảm nhận sâu hơn những lời nhạc sĩ Trần Tiến muốn nói.
Tôi tạm chia tay ngôi làng của người Raglai, chia tay với vùng núi toàn sỏi đá để đi đến ngã ba Ninh Bình, thị trấn Ninh Bình thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Từ đây, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào quốc lộ 27, bắt đầu từ ngã 5 Phan Rang, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, kéo dài đến ngã 3 Phi Nôm. Nhưng để làm được việc đó, trước tiên chúng ta phải chinh phục con đèo Sông Pha hay còn gọi là đèo Ngoạn Mục, nơi giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thụân và tỉnh Lâm Đồng. Con đèo này được xếp vào một trong những đèo đẹp nhất Việt Nam, cảnh vật thật hùng vĩ. Đứng từ trên đèo, nhìn xuống phía dưới đồng bằng Phan Rang ta mới thấy được mình quá bé nhỏ so với ngút ngàn rừng núi. Khi nhìn xuống, vùng thung lũng Phan Rang được bao bọc bởi rất nhiều ngọn núi nhấp nhô. Khi đến đây, chúng ta sẽ chia tay với không khí của vùng biển, để đến với luồng không khí của đại ngàn, của ngàn thông đang vẫy gọi.
Chùa Linh Phước hay còn gọi là chùa Ve Chai, 
vì chùa được xây dựng từ rất nhiều vỏ chai bia đã đập vỡ
Từ địa điểm này cho đến Đà Lạt, chúng ta sẽ nhìn thấy thường xuyên những cây thông thẳng tắp, đều đặn mà từ dưới đồng bằng không thể nhìn thấy được. Thông có tác dụng làm trong sạch không khí. Ngửi hơi thông cũng đủ làm khoan khoái, mát mẻ trong lòng. Bên cạnh đó, gỗ thông dùng làm vật liệu để đóng nhà rất tốt, vì gỗ có nhựa thông, con gián ngửi thấy mùi này sẽ không dám bén mảng đến, nhà cửa sẽ rất sạch sẽ. Người ta cũng dùng gỗ thông trong việc đun, đốt.
Ngay trên đèo Ngoạn Mục này, có rất nhiều đoạn đường khúc khuỷu mà ta còn gọi là “cua cùi chỏ”, có đến 4 khúc cua như vậy xuyên suốt đường đèo. Ở nơi đây, chúng ta đã có thể thấy lác đác những bông hoa dã quỳ, loài hoa rất đặc trưng cho vùng đất Tây Nguyên.
Từ quốc lộ 27, chúng ta đi qua huyện Đơn Dương, đến ngã 3 Phi Nôm của huyện Đức Trọng để vượt đèo Prenn, đi lên Đà Lạt. Địa danh Prenn lấy theo tên thác Prenn xinh đẹp, nó nằm ngay ở cửa ngõ đi vào thành phố Đà lạt. Thác Prenn nổi tiếng không phải chỉ vì nó khá giống với Thủy Liêm Động trong phim Tây Du Ký, mà còn vì những truyền thuyết liên quan đến công cuộc bảo vệ quê hương của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Lat, Chil, Sré.
Prenn theo tiếng K’ho có nghĩa là “vùng lấn chiếm”. Bà con thiểu số ở Đà Lạt trước đây thường gọi người Chăm là Prenn, vì vương quốc Chăm ở thế kỷ XVII, thuộc triều đại Pôrômê (1625-1651), nhờ vào quân sự hùng mạnh đã đưa quân đánh chiếm các vùng đất lân cận trong đó có Đà Lạt - Lâm Đồng ngày nay. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng và thác Prenn chính là ranh giới chiến trường giữa xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ.
Bước chân lên vùng đất thơ mộng
Đà Lạt là một vùng đất khá mới đối với người Kinh chúng ta. Thế nhưng nếu so với những người thổ dân ở đây thì nó đã có hơn 2000 năm lịch sử. Đó là những tộc người Lat, Chil, Sré. Đà Lạt được người Pháp phát hiện vào năm 1893. Người có công rất lớn cho khám phá này là bác sĩ thiên tài Alexandre Yersin. Với độ cao 1500m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ đã thu hút nhiều đồng bào từ các nơi kéo đến đây để sinh sống.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy Đà Lạt mang trong mình ba dáng dấp: Việt, Hoa, Pháp. Dáng dấp Việt không chỉ bao gồm các đồng bào sắc tộc ở đây mà còn cả bà con từ ba miền Bắc, Trung, Nam về đây hội tụ. Dáng dấp Pháp là những ngôi biệt thự của người Pháp để lại, mang tư duy cầu tiến. Đã có thời gian dài người Pháp và người Việt cùng với nhau sống hoà thuận trên cao nguyên Lang Bian. Còn dáng dấp Hoa chính là lối cư xử khéo léo trong buôn bán, tiếp xúc, hay từ những ngôi chùa mang dáng dấp của Trung Hoa. Do vậy, bên cạnh những tố chất của Việt Nam, ở Đà Lạt còn mang những tố chất khác mà rất khó diễn tả bằng lời được. Nó chỉ có thể được cảm nhận từ mỗi người sau khi đã đặt chân đến xứ sở này mà thôi.
Do có sự hội tụ và giao thoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đến từ các quốc gia trên thế giới, các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, người Đà Lạt là người tứ xứ. Họ là những người tha phương cầu thực, nên có tính cần cù lao động, sống giản dị, tiết kiệm và có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Trải qua sự bần hàn, con người Đà Lạt rất tha thiết trong chuyện học hành, có truyền thống tôn sư trọng đạo.
Trong những năm trước đây, do khí hậu lạnh giá, sương mù quanh năm nên người Đà Lạt khá trầm mặc, ra đường lúc nào cũng ăn mặc kín đáo. Khi được tiếp xúc với với văn hóa phương Tây (làm ở công sở Pháp) họ học hỏi kinh nghiệm, làm quen với cách sinh hoạt, làm việc, y phục của người Pháp. Bên cạnh đó, Đà Lạt là thành phố du lịch nên khá nhiều cư dân làm nghề dịch vụ. Người Đà Lạt sống với môi trường thoáng mát quanh năm nên tính tình hiền hoà, trầm mặc, đôi lúc bàng quan trước thời cuộc, không dễ bất bình như những người sống ở những vùng nắng nóng.
Cùng với sự biến chuyển của thời cuộc, phong cách sống của người Đà Lạt cũng bị xáo trộn. Một số ít người Đà Lạt chạy theo lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến phong cách người bản xứ qua việc “chặt, chém” du khách. Điều này tôi đã từng được “cảm nhận” và nếm trải qua, nên sẽ rất đồng cảm và không thấy lạ lẫm nếu bất kỳ du khách nào “tâm sự” cùng tôi điều này.
Ở Đà Lạt có cái hay chính là đường phố cứ lên dốc và xuống dốc liên tục, con đường mà theo tôi đẹp nhất chính là cung đường đi vòng quanh Hồ Xuân Hương.
Và điều đặc biệt với những du khách đến từ các thành phố lớn là ở Đà Lạt không có siêu thị hay ngã tư với những đèn xanh đèn đỏ. Lưu lượng giao thông cũng không dày đặc như ở Sài Gòn. Mọi người cũng chẳng gì mà phải hối hả, vội vàng. Cứ bình thản với công vịêc của mình. Ây thế, chính địa hình, thổ nhưỡng ảnh hưởng đến tính cách con người ta.
Vào mùa này, cái thú là gần Tết, bao nhiêu là sắc hoa cùng đua nhau khoe sắc. Từ hoa Dã Quỳ đơn sơ, chất phác, đến hoa Cẩm Tú Cầu, hoa Pense, hoa Mai Anh Đào có màu hồng phai giống như hoa đào ở miền Bắc, rồi có cả hoa Ban trắng mà chỉ xuất hiện ở các vùng núi Tây Bắc… Ôi, làm sao mà kể hết có bao nhiêu hoa có mặt ở Đà Lạt này. Nhưng chỉ có hai loại hoa làm tôi thích thú nhất, đó chính là hoa Mimosa và hoa của cây Phượng Tím. Hoa Mimosa được du nhập vào Đà Lạt từ khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ trước, và cây Phượng Tím thì cũng được du nhập vào sau đó ít lâu. Sở dĩ, có tên là Phượng tím vì cây thuộc giống phượng và có hòa màu tím rất đặc sắc.
Nhà thờ Domain De Marie
Ở Đà Lạt, cảnh trí như bày sẵn ra và du khách chỉ việc thưởng lãm cảnh sắc. Không chỉ có những khu du lịch để du khách được đắm mình trong thiên nhiên tuyệt sắc như Đồi Mộng Mơ, đồi thông hai mộ, hồ Xuân Hương… và các dòng thác, mà còn có những đền miếu, chùa chiền, nhà thờ để phục vụ cho việc hành hương chiêm bái. Nhưng đáng kể là chùa Thiên Vương Cổ Sát, Chùa Ve Chai, Thiền Viện Trúc Lâm nơi tu ẩn của hòa thượng Thích Thanh Từ, người thiết lập ra rất nhiều thiền viện lớn ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, còn có Nhà thờ Chánh Tòa - tức là nhà thờ Con Gà, rồi nhà thờ Domain de Marie. Cả hai nhà thờ này đều có công xây dựng của người Pháp.
Nếu du khách muốn mua sắm hay ăn uống thì có thể đến chợ Đà Lạt, nằm ngay khu Hòa Bình. Cũng ngay tại khu Hòa Bình, du khách còn thấy chợ đồ cũ chuyên bán những mặt hàng len, được thêu thùa rất đẹp mà giá cả rất phải chăng. Còn ăn uống, cá nhân tôi chỉ thích thưởng thức những món ăn ở chợ Đêm mà thôi, ăn trong cảnh bị cảnh sát rượt chạy thì không còn gì lý thú bằng.
Cây cỏ cũng dường như chung vui với đất trời Đà Lạt. Giữa cái khí trời lành lạnh, sương mù giăng mắc, bạn sẽ cảm nhận được cái thi vị của thành phố trong núi sương này. Mùa xuân chính là mùa cao điểm của du khách bốn phương đổ về Đà Lạt để cảm nhận được cái không khí yên ả, thanh bình của Đà Lạt. Đó cũng chính là một cơ hội cho bạn khám phá những nét đặc sắc của thành phố trong sương.
Vậy, chúng ta còn đợi chờ gì nữa mà không khám phá Đà Lạt đi nào!
* “Heo đồng bào” hay theo cách gọi của dân gian là “heo mọi”, có đặc điểm nổi bật nhất là da màu đen; con vật này khi trưởng thành có trọng lượng chỉ khoảng 40kg.
Thiên Sầu
Theo https://thiensau.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn học Đà Nẵng: 20 năm một vườn hoa đa sắc, đa thanh 13 Tháng Hai, 2023 Trên tay tôi là tập sách Tác phẩm văn học đoạt giải (2001-202...