Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Những mùa thơ ngân bên tháp cổ

Những mùa thơ ngân bên tháp cổ
Thời gian như dòng sông đắp bồi kỷ niệm. Qua 20 mùa thơ Nguyên tiêu, từ khi còn là một hội viên trẻ ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và bỡ ngỡ bước vào làng báo cho đến bây giờ, với tôi hội thơ luôn là sự kiện đặc biệt, đánh thức nhiều cảm xúc.
Không đặc biệt sao, khi cả ngàn người yêu thi ca “hành hương” lên ngọn núi thơ giữa lòng thành phố yên bình và xinh đẹp, lắng lòng mình trong tiếng thơ ngân cùng thanh âm dìu dặt của sáo, của đàn tranh… dưới ánh trăng vàng.
Không đặc biệt sao, khi những người con Phú Yên dù mải mê, tất bật trong nhịp sống thị thành cách quê nhà hàng trăm, hàng ngàn cây số, vẫn trở về bên tháp cổ trong Hội thơ Nguyên tiêu. Từ đất mỏ Quảng Ninh, nhà thơ Mai Phương dẫu hơn 80 tuổi vẫn mấy lần náo nức trở về tham dự hội thơ nơi quê nhà. Từ Khánh Hòa, nhà thơ - nhạc sĩ Vũ Trung Uyên cũng nhiều lần về quê trẩy hội thơ xuân.
Không đặc biệt sao, khi có những nhà thơ ở xứ trầm hương Khánh Hòa như Nguyễn Gia Nùng, Giang Nam, Cao Duy Thảo, Lê Khánh Mai…, ở đất võ trời văn Bình Định như Nguyễn Thanh Mừng vẫn nhớ lời hẹn với thơ Nguyên tiêu và đến với thi hữu Phú Yên trong đêm xuân đặc biệt. Những nhà thơ ở TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nội… cũng về xứ “hoa vàng, cỏ xanh” dự hội thi ca.
Bước lên sân khấu sau khi bài thơ Nam quốc sơn hà vang lên hào sảng, khi trăng vời vợi trên đỉnh tháp xưa, nhìn những gương mặt thân quen cùng thi hữu gần xa tề tựu giữa bốn bề gió lộng, lòng dâng lên cảm xúc thật khó tả và thêm yêu tha thiết mảnh đất này!
Có những mùa thơ Nguyên tiêu cách đây đã nhiều năm, đỉnh núi Nhạn ngập gió và tiếng thơ bạt đi trong gió. Có những mùa thơ Nguyên tiêu, cái lạnh còn nấn ná ôm choàng không gian trên đỉnh núi; tình thơ, tình bè bạn sưởi ấm những người giữ lời hẹn với thi ca bên tháp cổ mờ sương.
Rồi có năm, thơ Nguyên tiêu lỗi hẹn với tháp xưa. Ban tổ chức thắc thỏm không yên khi từng cơn mưa giăng khắp Tuy Hòa. Vì thời tiết không thuận lợi, Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 37 xuân Đinh Dậu khai hội tại Nhà văn hóa Diên Hồng. Không bát ngát gió trăng nhưng đêm hội thi ca của Phú Yên vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn yêu thơ và công chúng.
Qua bao mùa thơ Nguyên tiêu, cây bút nhí ngày nào đã trưởng thành, như Phan Thị Hà Tuyên. Một số cây bút trẻ xuất hiện, đáng chú ý có Trần Lê Anh Tuấn.
Bao năm gắn bó với đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên, một số cây bút đã đi vào giấc thu. Mãi mãi không còn những bài thơ một vần đầy dí dỏm của ông Đỗ Như Phước, những bài thơ dung dị được viết từ trái tim giàu cảm xúc của bà Hồng Hoa, những câu thơ phóng khoáng của ông Lê Anh, ông Trần Cao Trí… Và hình ảnh một người đàn ông mặc vest trang trọng, bước lên sân khấu đọc những bài thơ trong trẻo cũng chỉ còn trong ký ức của bạn yêu thơ, khi nhà thơ - dịch giả người Tày Triệu Lam Châu vĩnh viễn chia tay Tuy Hòa…
Từ “tiệc thơ” ấm cúng được tổ chức tại Thư viện Hải Phú vào năm 1980 đến những đêm thơ Nguyên tiêu trên đỉnh núi bát ngát gió trăng, là tiền đề cho sự ra đời của Ngày Thơ Việt Nam, mà người có công quảng bá là nhà thơ Nguyễn Gia Nùng. Rồi đến những hội thơ Nguyên tiêu đa sắc màu sau này, với cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ và các nhà nhiếp ảnh. Đến nay, hoạt động văn hóa độc đáo của Phú Yên đi qua 39 mùa xuân.
Chính tình yêu thi ca của người Phú Yên và bạn bè đã thắp lửa cho Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên sáng mãi qua hơn một phần ba thế kỷ.
PHƯƠNG TRÀ
Theo http://www.baophuyen.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...