Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Lê Quý Đôn và vấn đề hình thức văn chương

Lê Quý Đôn 
và vấn đề hình thức văn chương
Tiếp xúc với di sản lý luận văn chương của Lê Quý Đôn ta dễ nhận thấy ông rất coi trọng nội dung của thơ văn. Kinh Dịch viết: “Ngôn hữu vật” (Lời nói có nội dung). Ông quán triệt và phát huy tinh thần ấy trong các sách kinh điển với mong muốn văn chương thật sự có ích cho đời. Lê Quý Đôn xác định: “Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và câu văn có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn. Phải viết có nội dung thì văn chương thịnh, không như thế thì suy” (Từ trong di sản - Tr. 98). Rất nhiều lần ông dẫn ý kiến của cổ nhân để chỉ trích thứ văn chương quá chú trọng tới tu sửa câu chữ rơi vào cầu kỳ sáo rỗng. Ông viết: “Trương Văn Tiềm nói: Làm văn, mà chỉ muốn dùng lời, dùng chữ, dấu chấm câu, ngắt câu, một cách mới lạ, khác người, đến khi nhẩm đi nhẩm lại, mà cũng chẳng thấy có gì, thế là vụng làm văn” (Điều 30 - Văn nghệ). Trong những trường hợp như thế lời văn óng ả, câu văn mượt mà phỏng có ích gì.
Có điều, Lê Quý Đôn chưa bao giờ xem thường các yếu tố thuộc hình thức văn chương. Tác phẩm văn thơ, theo ông, cần có sự hài hòa thống nhất giữa nội dung và hình thức. Ông viết trong Mục lục dẫn tập “Vân đài loại ngữ” rằng: “Hòa thuận chứa ở trong, anh hoa phát ra ngoài”. Hơn thế, Lê Quý Đôn luôn đòi hỏi cao ở sự hoàn thiện của ngôn từ, đặc biệt là ngôn từ thi ca. Phải chăng đó là biểu hiện rõ rệt của ý thức về đặc trưng loại biệt của văn chương hiểu theo nghĩa hẹp ở ông. Bởi, như Xtêblin - Kamenxki - một học giả Xô Viết (cũ) đã viết: “Chứng phì vốn có của hình thức thi ca” nhìn chung là “giai đoạn đầu tiên của sự phát triển ý thức giác ngộ sáng tạo trong văn chương” (27). Người đầu tiên nêu ra phương châm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” trong lịch sử mĩ học ở phương Tây là Têôphin Gôtiê (1814-1872). Theo nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai thì ông ta chỉ nhắc nhủ nghệ sĩ nên chuyên tâm tận tụy với nghề mà thôi (Văn học khái luận). Ở phương Đông xin hãy nhớ lại lịch sử mĩ học Trung Hoa nơi Tào Phi (187-226) được xem là người đầu tiên dùng từ “văn chương” thay cho từ “văn” nói chung thì đồng thời cũng là người mở đường cho chủ nghĩa văn thể, trọng ngôn từ trong hình thức thi ca Trung Quốc thời phong kiến.
Đã có nhà nghiên cứu trách Hoàng Đức Lương, một học giả được Lê Quý Đôn rất ngưỡng mộ, là đã có phần thần bí hóa thơ khi ông viết trong lời tựa “Trích diễn thi tập” rằng: “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” (28). Chẳng riêng gì học giả họ Hoàng, chính Ngô Thì Sỹ, cùng thời với Lê Quý Đôn sai khi thốt lên “Thơ khó thay” đã giải thích bằng cách dẫn ra câu nói cổ mà ông tâm đắc: “Ngâm thành câu năm chữ, cháy mất mấy sợi râu” (29). Rồi cả Ngô Thì Nhậm, bậc trí giả danh tiếng khác, người rất gắn bó với Lê Quý Đôn và cũng được ông quý mến cho rằng: “Ở dưới trời này, những cái gọi là hoa, là chè, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao diệu hơn nhiều cái ấy” (30). Có lẽ nên xem đây là một cách nói nhằm đưa văn chương nhất là thi ca tránh xa khỏi mọi thứ “phàm tục” ở đời. Chó dùng con mắt tầm thường để xem xét thơ văn. Vì với những người yêu thích và am hiểu văn chương thì văn chương là một sản phẩm tinh thần cao quý mà kỳ diệu lắm!
Lê Quý Đôn rất trọng lời trong thơ trong văn. Lời tất nhiên cần cho cả sử cả triết. Tác phẩm khoa học cũng lấy ngôn từ làm công cụ diễn đạt tư tưởng, vì vậy sức mạnh của ngôn từ cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó. Trong mục Thư tịch (Vân đài loại ngữ) Lê Quý Đôn có so sánh lời của Tuân Tử với lời của Khổng Tử: “Lời nói của Thánh nhân (chỉ Khổng Tử) thì bằng phẳng. Còn Tuân Tử nói: “Hữu trị nhân, vô trị pháp”... thì thấy hào khích quá (nghĩa là hăng hái, gay gắt, có giọng kẻ cả quá)” (Điều 24). Tuy nhiên lời với văn chương và nhất là với thi ca lại quan trọng hơn nhiều, bởi đây là nghệ thuật ngôn từ. Lời phải “đắc địa”, không chỉ đúng mà còn hay. Lê Hữu Kiều, có lần đã bộc bạch thế này: Đọc thơ, mỗi khi gặp “những câu mới lạ, những lời bóng bẩy”, ông “không bao giờ là không gõ nhịp để ngân nga thưởng thức” (31). Lê Quý Đôn cũng vậy, ông khen bài thơ của Lê Đại Hành làm lúc tiễn sứ nhà Tống Lý Giác có “lời rất đẹp” (32). Ông cũng khen bài kí “Động Thanh Hư” của Nguyễn Phi Khanh “lời lẽ cốt cách cao siêu”, và bài phú “Lam Sơn hương thủy” của Lê Thánh Tông là “lời văn bay bướm sinh động” (Kiến văn tiểu lục – Tr. 218). Cũng cách nhìn ấy, ông đánh giá cao “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ ở “lời lẽ thanh tao tươi đẹp” (Kiến văn tiểu lục – Tr. 262). Đủ thấy nhà bác học chưa bao giờ tách giá trị văn chương ra khỏi giá trị của lời văn. Trong mục “Văn nghệ”, ông nhắc tới Tả Truyện, Sử Ký và Tam Quốc Chí và khẳng định “chỗ hay” của “ba thể văn ấy” là ở “lời lẽ lưu loát sáng sủa” (Điều 7).
Đề cao vai trò của ngôn từ trong văn chương và nói riêng trong thi ca có ý nghĩa phổ biến trong lí luận văn chương thời cổ đại ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Đọc bất cứ công trình lí luận nào ta cũng có thể bắt gặp tư tưởng về tính thiêng liêng, tính mạnh mẽ của từ khi được dùng đúng chuỗ và khéo léo. Trong thời cổ đại, tư tưởng lôgôx là như thế. Lôgôx là sự biểu hiện mình trong ngôn ngữ bằng trí tuệ thế giới. Trong kinh Phúc Âm có câu nói nổi tiếng: “Ngôn ngữ đã có trong sự khởi đầu”. Ở Trung Hoa - theo P.Grin Tser - “Hoa văn của lời” tái tạo “hoa văn của trời” (33). Vì vậy, khái niệm văn chương (nhất là thi ca) như một thứ lời nói đặc biệt có ngôn luật, có nhịp điệu, nói cách khác, như một thứ nghệ thuật biểu hiện bằng ngôn từ. Nhà nghiên cứu Anđrômenhid viết: “Sự hoàn thiện ngôn từ một cách chu đáo thích hợp với các nhà thơ hơn cả” (34). Bởi lẽ “trong các từ ngữ đẹp - Pxep Đô Longhin, tác giả của một luận văn về “cái cao cả” viết - tất cả ánh sáng và vẻ đẹp của trí tuệ đều được bộc lộ ra” (35). Ông ta còn khẳng định rằng: “Suy cho đến cùng thì cũng chính sự biểu hiện bằng lời đã đem lại một giá trị vĩnh hằng - sự vĩ đại, sự tráng lệ, tính hiển nhiên và sức mạnh” (36). Từ đây, không lấy làm lạ khi trong quan niệm thời cổ đại tài năng sáng tạo thi ca gắn liền với tài nghệ sử dụng ngôn từ. Viết văn, làm thơ cũng là một nghề, nghề trau câu luyện chữ thành “thần cú”, “thần tự”. “Văn” đi liền với “nghệ” là vì vậy. Lê Quý Đôn viết: “Giáo khoa dạy cả lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) trong đó có cả văn sự và vũ bị” (Điều 3 - Văn nghệ). Điều này trở thành kiểu tư duy quen thuộc trong thời cổ đại. Thi ca có nhiều nét gần gũi với các nghề thủ công đến nỗi làm thơ được gọi là “chế tạo” thơ hay “sản xuất” thơ. Từ đó nảy sinh ra nguồn gốc của các từ Pòesis (thi ca) và Poetès (nhà thơ) từ Poléo (tôi làm). Và tên gọi Ấn Độ cổ nhất của từ “thi pháp” (Kriyalalpa) nghĩa là “sự hiểu biết công việc thi ca”. Đặc biệt ở Pháp thời Trung cổ, nhà thơ thường tự gọi mình không phải nhà thơ mà đơn giản là Rimeurs (nghĩa là: Người làm những vần thơ) (37).
Văn chương cũng như mọi nghề thủ công khác “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Lê Quý Đôn viết: Sư Khoáng sùng âm nhạc; Công Thâu khéo chế tạo nhà cửa đồ vật; Do Cơ bắn giỏi; Vương Lương cầm cương ngựa giỏi. Các người ấy đều do sành nghề riêng mà được nổi tiếng không ai bằng kịp. Sở dĩ như vậy là nhờ ở một chữ “tinh” (Điều 8 - Thư tịch). Muốn “tinh” trước hết phải học, nhưng cần học cho phải lẽ: “Người làm văn - Lê Quý Đôn viết - Muốn học người xưa, cũng phải học cho đúng cách” (Từ trong di sản - Tr. 95). Thế nào là “đúng cách”? Ông xác định: “Người làm văn muốn học theo lối cổ cũng cần phải làm cho hợp phép (6 phép đối)” (Kiến văn tiểu lục - Tr. 164). Ví như thơ: cổ thể khác, cận thể khác. “Theo cổ thể - ông giải thích - câu thơ đặt xuôi, không đối nhau, theo thơ luật, câu thơ phải đối nhau. Cổ thể chuộng ở cứng cáp, trôi chảy. Cận thể chuộng ở thanh tao, tươi đẹp. Cách cục và thái độ của hai thể rất khác nhau”. Rồi Lê Quý Đôn theo người xưa mà kết luận “Luật không lẫn được với cổ, cổ cũng không lẫn được với luật” (Từ trong di sản - Tr. 87). Đó là cái tối thiểu của phép làm thơ. Phải nắm niêm luật vần điệu đến độ thuần thục mới có thể ngang dọc tung hoành. Chưa giác ngộ được điều này chưa nên cầm bút. Khó thì khó thật, song không còn con đường nào khác. Chẳng lấy làm lạ khi Lê Quý Đôn khen văn của Lý Tử Tấn là “điển hình trang nhã có phép tắc” (Kiến văn tiểu lục - Tr. 269). Tuy “phép tắc” trong suy nghĩ của học giả họ Lê không chỉ ở trong mối liên hệ giữa các từ, các câu với nhau. “Phép tắc” còn đòi hỏi trong mối liên hệ các đoạn, các phần với nhau và giữa từng đoạn, từng phần và toàn bài. Mỗi tác phẩm là một chính thể toàn vẹn là thế. Đọc kinh “Xuân thu” Lê Quý Đôn thấm thía ở chỗ “lời nọ phụ thuộc lời kia, việc nọ liên quan việc kia (cũng như chuỗi hạt châu vậy)” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 62). Ông lấy làm tiếc khi sách “Uyên giám loại hàm” chép “Tứ tuần tụng” của Thôi Nhân nhưng “tiếc rằng không được thấy toàn văn” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 64). Ông đối chiếu sách “Đại đái lễ kỳ” với sách “Ngoại kỷ” và tỏ ra không hài lòng khi sách trước “chép đầy đủ”, còn sách sau “bớt bỏ đi nhiều quá, làm cho văn chương không được thấu triệt” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 56). Vậy cái mà ngày nay gọi là kết cấu nghệ thuật thực ra đã nằm sâu trong quan niệm của học giả họ Lê từ thế kỷ XVIII.
Một vấn đề hệ trọng khác trong quan niệm của Lê Quý Đôn về hình thức văn chương là yêu cầu của ông đối với tính bình dị, tính phổ cập của văn chương. Đây là một trong những điểm nổi bật trong di sản lý luận của Lê Quý Đôn. Trong Điều 1 (Văn nghệ) ông giải thích câu nói nổi tiếng của Khổng Tử “Từ đạt nhi dĩ hỹ” là “văn từ cần đạt mà thôi. Đạt nghĩa kà bình dị (dễ hiểu)”, Theo ông văn chương trở thành mẫu mực, cổ điển bao giờ cũng mang tính giản dị. Trích sách “Giải nan”: “Nếu các thiên Điển, Mô, Nhã, Tụng, không ông thuần, sâu sắc, nhuận hoạt, thì không đủ để biểu dương công to đức sáng. Món ăn quý bao giờ cũng đạm, thanh âm lớn lao bao giờ cũng thưa” và ông bình luận: “Lời nói ấy rất phải” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 36). Ông còn đưa ra nhiều ý kiến của các bậc tiên hiền khác và tỏ ra rất tâm đắc: “Chu Tử nói: Cái chỗ hay của đạo lý phần nhiều ở chỗ bình dị... Thẩm Ước nói: Văn chương nên theo ba điều dễ: dễ thấy việc, dễ biết chữ và dễ ngâm đọc” (Điều 1 - Văn nghệ). Thế nào là giản dị? Điều 8 mục Văn nghệ có đưa ra câu nói của Tô Đông Pha: “ý hết mà lời văn hết” (nghĩa là cô đúc và phần nào súc tích) và sự bổ sung mở rộng thật chí lý của Lê Quý Đôn: “Nhưng nếu lời văn hết mà ý vẫn chưa hết (nghĩa là hàm súc, dư ba) thì lại càng là một bậc cao siêu hơn nữa” (38). Giản dị với ông vậy là không đồng nhất với đơn giản, giản dị đi liền với điêu luyện của nhiều tài nghệ bậc thầy. Có gì giản dị hơn ánh nắng kia. Nhưng trong quang phổ nó lại ánh lên bảy sắc màu kỳ diệu.
Giản dị với ông cũng không cùng nghĩa với sự sơ sài giản lược. Cuộc đời vốn phong phú muôn màu muôn vẻ. Phải thể hiện đến “độ” nào đó mới được coi là “đủ” là “đầy”. Điều 6 (Văn nghệ) viết: “Đọc các sách Tả truyện Quốc ngữ mới biết cổ nhân chép việc rất tường, cho đến cả những câu chuyện nói riêng, nói bỡn, nói mộng, xem bói, cái gì cũng chép mà ta không thấy thế là phiền. Đọc các sách sử đời Đường, đời Tống mới biết người đời sau chép việc rất lược, đến cả tấu, đối, chương, sở, điển hiến, điều mục, phần nhiều bỏ sót; mà ta chưa thấy là giản ở chỗ nào”. Đấy là sử. Thơ, truyện, văn chương do đặc thù của mình yêu cầu chép cho “tường” cho sinh động cà sống động lại càng được đề cao hơn.
Yêu cầu như vậy về hình thức nhìn chung thông nhất với văn phong trong các tác phẩm “trước thuật” cũng như “ca vịnh” của Lê Quý Đôn. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận. Đọc “Quế đường thi tập”, Đào Phương Bình nhận xét: “Chất thơ ông suy nghĩ càng cao thì lời lẽ lại càng bình dị”. Nhà nghiên cứu đã ví văn chương của thi sĩ họ Lê với “trăng sáng” của đất trời (Tạp chí Văn học 6-1976). Mở rộng hơn các học giả Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Kim Hưng đã nhận định: “Đặc điểm nổi bật của nhà học giả họ Lê là sự giản dị của ngòi bút. Văn chương thi phú thậm chí những lĩnh vực cao siêu như triết học, Lê Quý Đôn cũng cố gắng trình bày sáng sủa, dễ hiểu” (Tạp chí Văn học 1-1977).
Coi trọng tính bình dị, tính phổ cập của hình thức văn chương, trước hết, nói như Trần Thanh Mại là do óc thực tế của Lê Quý Đôn, ông thấy văn chương phải thế mới có ích. Và, cũng theo nhà nghiên cứu đã quá cố, thì đây là một điểm khá sáng suốt và tài tình. Nhận xét của Trần Thanh Mại không phải là không có căn cứ. Đề cao giá trị thực tiễn vốn là đặc điểm dễ thấy ở nhà trước thuật Lê Quý Đôn mà mọi người đều thừa nhận. Giản dị với ông là nguyên lý bao quát của Đất, Trời và Người. Từ “sấm sét, gió mưa... suy xét đến cùng mà nói, chằng qua chỉ có giản dị mà thôi” (Điều 19 - Lý khí), đến con người: “Người lão thành, trong lòng lúc nào cũng bình dị, bàn bạc thường nông gần mà thiết thực” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 93). Trong xã hội thì từ âm nhạc: “Không cần phải bắt chước luật, lã... cái gì hòa bình, giản dị thì người thông đạt dùng theo” (Vân đài loại ngữ I - Tr. 49), tới văn tự “Trình Tử Mịch đổi chữ triện làm chữ lệ, từ chỗ khó vào chỗ dễ, thì đem dùng được. Còn Dương Hùng đổi chữ lệ, làm chữ lạ (kỳ tự) là từ chỗ dễ vào chỗ khó, thì không phải, cho nên phải bỏ” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 13). Nhưng lẽ nào yêu cầu giản dị và phổ cập đối với hình thức văn chương lại không gắn liền với quan niệm dân chủ trong tư tưởng của Lê Quý Đôn? Có lẽ là thiếu thận trọng nếu khẳng định ông có quan điểm quần chúng. Cuộc đời nhà chính trị Lê Quý Đôn có những vết nhơ. Việc ông đem quân đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân là đáng nói nhất. Sử cũ chép rằng tháng 5 năm 1756 Lê Quý Đôn chuyển sang phủ Chúa coi việc quân sự thì tháng 8 năm ấy ông đem quân đi đánh nghĩa quân Hoàng Công Chất. Đặc biệt tháng 9 năm 1768 Lê Quý Đôn giữ chức tán lý quân sự cùng Phan Phái Hầu đi dẹp nghĩa quân của Lê Duy Mật ở Thanh Hóa, buộc thủ lĩnh nghĩa quân phải tự tử. Song dẫu sao cũng không thể phủ nhận được rằng ông luôn ưu tư trước đời sống nhân dân. Con người “đêm lạnh tàn canh ngồi chẳng ngủ” đã tìm đến chủ trương “khoan sức cho dân” vốn là “thượng sách giữ nước” của các bậc tiền bối. Lê Quý Đôn viết: “Muốn hưởng mệnh trời lâu dài mà không chăm lo đến đời sống của dân thì thật không hiểu lẽ phải là gì vậy” (Phủ biên tạp lục - Tr. 17).
Cao hơn, ông đã thẳng thắn nói với những kẻ cai trị dân: “Làm chính trị mà không muốn hiểu dân tình... chưa gọi là biết chính trị” (Điều 107 - Vựng điển). Chưa thể nói là Lê Quý Đôn đã vượt ra khỏi tư tưởng “an dân” trong phương sách “trị dân” của Nho giáo, song tấm lòng của ông với người lao động, nhất là với nông dân thì không thể xem nhẹ. Đặc biệt quý hơn khi vào lúc suy vi của nhà nước phong kiến, giai cấp thống trị thường chỉ nghĩ đến sướng khổ của bản thân mình cùng sự hưng vong của vương triều mình.
Riêng trên địa hạt văn chương Lê Quý Đôn cũng là người có tư tưởng dân chủ rõ rệt. Ông đánh giá cao người đời ở chỗ: “Dù cho ngu dốt đến đâu, cũng kính tiếc giấy chữ, dù cho keo bẩn đến đâu, cũng tìm mua sách vở” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 33). Vậy xin chớ coi thường người đọc. Lê Quý Đôn hoàn toàn có lý khi tin rằng: “Văn chương là của công thiên hạ ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng” (Điều 33 - Văn nghệ). Dễ hiểu tại sao trong 5 “lệ” tuyển thơ của ông lại có tiêu chuẩn này: “Những bài văn chưa hay nhưng đã được nhiều người thích”. Lê Quý Đôn còn rất coi trọng văn chương dân gian nhất là ca dao, tục ngữ. Ông khen Dương Hùng, một bậc danh nho bên Trung Quốc có “chí” khi thích “sưu tầm các phương ngôn” để làm ra sách “Do hiên ngữ” (Vân đài loại ngữ II - Tr. 12, 13). Chính Lê Quý Đôn cũng rất ưa thích và quý trọng văn chương dân gian. Trong bài thơ “Thôn xá dạ tọa” ông viết:
Tất bát tác thanh liêu đại dính
Đăng tiền ấn kỳ khán Tề Hài
Dịch nghĩa:
Lá lốt làm nước uống thay trà,
Trước đèn dựa ghế xem Truyện Tề Hài (39)
(Theo Đào Phương Bình)
Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tư liệu là tục ngữ ca dao trong việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau của học giả họ Lê. Trong mục Âm Tự (Điều 50) ông có nhắc đến lòng trung hậu của người xưa qua câu nói của Điền Nhiêu với vua Ai Công: “Ăn cơm không đập vỡ mâm bát, đứng dưới bóng cây không bẻ gãy cành”. Ngay sau đó ông dẫn ra 3 câu tục ngữ, một của Trung Quốc: “Thực kỳ quả già, phồn kỳ thụ” (Ăn quả phải vun cây), hai của Việt Nam: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn cây nào, rào cây ấy”. Khi tìm hiểu sách “Quảng Đông tân ngữ”, ông chú ý đến loài cau ở Quỳnh Châu, “mới ra hoa, chưa kết trái người ta lấy cành buồng hoa thay cho nước trà”, Lê Quý Đôn lập tức nghĩ ngay tới hai câu ca dao về cau:
Tần lang bạch, sinh bạch hoa
Thực hoa đế, đương thanh trà
(Cau trắng trắng, sinh ra hoa sắc trắng
Ta ăn lẵng hoa như uống nước trà)
Và:
Tần lang thanh, tứ sơ thành
Thực thanh tử, đương trà thanh
(Cây cau xanh, quả cau mới thành
Ăn quả xanh, như uống trà thanh)
(Vân đài loại ngữ II - Tr. 190).
Đôi khi Lê Quý Đôn còn đi sâu tìn hiểu căn cớ của một câu tục ngữ khó hiểu như câu: “Đánh trống qua cửa nhà sấm” của ta (Vân đài loại ngữ II - Tr.18). Việc tìm hiểu một số vấn đề hình thức văn chương qua những lời bàn luận của Lê Quý Đôn vừa giúp ta sáng tỏ tư tưởng dân chủ trong quan niệm văn chương của ông, vừa giúp ra hiểu thêm về đặc thù của văn chương. Điều này sẽ được phân tích rõ hơn khi đi sâu nghiên cứu quan niệm thơ của Lê Quý Đôn.
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...