Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Mối quan hệ giữa quy luật âm nhạc và quy luật thơ ca trong lời ca

Mối quan hệ giữa quy luật âm nhạc 
và quy luật thơ ca trong lời ca
Người xưa thường nói: "thi trung hữu họa" (trong thơ có họa), "thi trung hữu nhạc" (trong thơ có nhạc)…
Có những nhà phê bình âm nhạc khen ngợi một bản nhạc kia "đã đạt tới hứng vị của thơ". Lại có những nhà phê bình văn thơ tán dương một bài thơ nọ "là cả một bản nhạc". Những lối so sánh như vậy dễ làm cho ta có cảm tưởng như nhạc và thơ (hay nói rộng ra, ngôn ngữ và âm nhạc) rất khăng khít, rất dễ phối hợp với nhau; bởi vì trong nhạc đã sẵn chất thơ, mà trong thơ lại giàu chất nhạc.
Ngôn ngữ nói, với những quy luật riêng của nó, khi trở thành chất liệu để xây dựng nên hình tượng văn học, lại chịu sự chỉ đạo của những quy luật phản ánh hiện thực của văn học. Đến lượt ngôn ngữ văn học khi trở thành chất liệu và phương tiện diễn tả của loại hình âm nhạc (loại thể nhạc hát) thì lại chịu sự quyết định của quy luật âm nhạc, mà biểu hiện rõ ràng nhất là ngôn ngữ trong lời ca phải là ngôn ngữ thơ ca, mà không phải nhạc sĩ nào cũng làm được. Lời ca phải được nâng lên mức nghệ thuật thơ mới là thơ.
Thơ ca không nhằm tái hiện đối tượng, mà chủ yếu là biểu hiện về đối tượng, và tất nhiên trong khi biểu hiện về một đối tượng thì bản thân đối tượng cũng được phản ánh, được tái hiện. Có thể nói, thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp của tâm hồn, tiếng hát của trái tim, tiếng nói của tình cảm.
Bàn về "thơ", nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường cho rằng: "Thơ, tình là gốc, lời là ngọn, âm thanh là hoa, nghĩa là quả".
Nhà thơ Pháp A.Viny định nghĩa: "Thơ là nhiệt tình kết tinh lại", "Thơ là người thư ký trung thành của trái tim".
Bielinski lại khẳng định: "Tất cả những gì khiến ta xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ, nỗi lo lắng, niềm an tâm… sẽ kết đọng lại thành thơ".
Ông Hoàng của thơ tình Việt Nam - Xuân Diệu cho rằng: "Thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", "Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu".
Tóm lại, dù có phát biểu thành lời khác nhau, từ xưa đến nay các nhà thơ đều khẳng định chắc chắn một điều: cái gốc rễ của thơ ca là một loại thể nghệ thuật ngôn ngữ phản ánh cuộc sống bằng phương thức đặc trưng: biểu hiện, trữ tình. Cuộc sống phản ánh trong thơ ca bao giờ cũng thông qua và gắn chặt với xúc cảm, rung động của nhà thơ.
Vậy khi nói ca từ là một bài thơ thì có nghĩa là nó dùng phương thức trữ tình để phản ánh cuộc sống.
Thơ khi thành ca (ca từ) đã có rất nhiều dạng khác nhau: dựa theo ý thơ, dựa theo thơ, phỏng thơ, trích thơ… và phổ thơ (nguyên văn).
Bài thơ chủ yếu để đọc, trong khi đó ca từ, chủ yếu là để hát và để nghe theo giai điệu âm nhạc. Ở đây, thơ ca và ca từ có hai cách tác động không giống nhau: một bên chủ yếu tác động vào thị giác (thơ ca), và một bên chủ yếu tác động vào thính giác (lời ca). Do sự khác nhau đó, ngôn từ trong âm nhạc - lời ca - có những đặc điểm khác với thơ ca.
Đọc một bài lời ca ta có cảm giác như đó là một bài thơ, hoặc ít ra là một bài thơ văn xuôi, nhưng xét kỹ, một bài lời ca có những mặt khác với một bài thơ.
Trong thơ ca, hầu hết từ ngữ đều có nghĩa, và vì có nghĩa mà nó đứng vào trong câu thơ. Trong ca từ, cũng cần từ có nghĩa để "phiên dịch" nội dung của âm nhạc. Nếu với tính chất cụ thể, xác định của ngôn ngữ, thì lại hạn chế sự gợi mở tưởng tượng và cảm xúc của người nghe. Âm nhạc gợi lên một bầu trời, trong khi lời, từ, ngữ lại chỉ vạch ra một hướng, vẽ lên một hình ảnh làm giá trị của tác phẩm âm nhạc sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp này, nếu biết dùng từ không có nghĩa, từ đệm, từ láy… thì giai điệu âm nhạc sẽ óng ánh, lung linh hơn. Trong các làn điệu dân ca, cha ông ta đã sử dụng từ đệm, từ láy rất đúng lúc, đúng chỗ và gây được hiệu quá đặc biệt đối với người nghe.
Thơ ca chủ yếu là dùng phương thức trữ tình, nhưng vẫn có thể xen vào những câu, những đoạn tự sự để từ đó đi sâu vào bày tỏ thế giới nội tâm của con người. Âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn, của tình cảm, như nhiều nhà phê bình lí luận âm nhạc đã khẳng định, âm nhạc đòi hỏi sự bộc lộ trực tiếp tình cảm. Lời ca trong ca khúc, do đó, gần như một bài thơ trữ tình thuần túy. Phạm Tiến Duật đã sáng tác nhiều bài thơ hay, nhưng không phải tất cả đều được phổ nhạc; vì với những bài thơ nghiêng về tự sự, đôi cánh của âm nhạc khó lòng chở nổi.
Xét về mặt phương thức phản ánh hiện thực, có một sự gặp gỡ và trùng hợp giữa qui luật âm nhạc và qui luật thơ ca. Do đó, nói lời ca trước hết phải là một bài thơ cũng có nghĩa là hình tượng lời ca là một hình tượng trữ tình, hình tượng của một tâm trạng - tâm trạng của một nhân vật trữ tình. Ở đây, tư duy nghệ thuật thơ và tư duy nghệ thuật âm nhạc bắt gặp nhau ở khía cạnh xúc cảm tâm hồn; nhấn mạnh ở phần tình cảm, cảm xúc, vấn đề trực giác, vô thức, tiềm thức.
"Như vậy, thơ không phải đã là ca. Từ thơ đến ca còn một khoảng cách, khoảng cách đó do quy luật của âm nhạc quy định. Cho nên, khi đánh giá, phân tích một bài ca từ không thể coi đó như một bài thơ. Một bài ca từ là một bài thơ xét về mặt phương thức phản ánh cuộc sống, nhưng một bài ca từ lại là một bài thơ để hát và để nghe, mà không phải để đọc".
Thái Hà
Theo http://nhanvanblog.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...