Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Sức mạnh của âm nhạc, hình ảnh và ngôn từ

Sức mạnh của âm nhạc, 
hình ảnh và ngôn từ 
1. Nước - tấm gương của sự sống
Từ những bản nhạc giao hưởng của Beethoven, Schubert, Mozart… đến nhạc Rock của Heavy Metal, Led Zeppelin, Guns N’ Roses; từ những bức tranh thời Phục Hưng của Raphael, Leonardo Da Vinci, Titian… đến những bức ảnh khỏa thân thời hiện đại; từ bức tượng David trứ danh của Michael Langelo đến con búp bê ma Anabelle của phim kinh dị Hollywood; từ những kiệt tác văn chương của Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, William Shakespear, Victor Hugo… đến những tác phẩm văn học theo trường phái hiện đại và hậu hiện đại, những ngôn tình, đam mỹ… nhân loại chúng ta vẫn đang vô tư thụ hưởng những sản phẩm tinh thần mà chưa có mấy ai thực sự quan tâm xem ảnh hưởng của thông tin mà những tác phẩm âm nhạc, hội họa, hình ảnh và ngôn từ ấy lên sức khỏe tâm thần và thể xác của chúng ta như thế nào.
Bài viết dài kỳ này thử giải đáp những câu hỏi ấy theo một góc nhìn khác, trên cơ sở tổng hợp cả những khám phá gần đây của khoa học và những kinh nghiệm cổ xưa.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về nước - một điều mới nghe có vẻ không mấy liên quan đến vấn đề đang đề cập, qua những thí nghiệm thú vị và đáng kinh ngạc của tiến sĩ Masaru Emoto.
Nước, khởi nguồn của sự sống
Nước có mặt khắp nơi trên hành tinh xinh đẹp này, từ những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ của dãy Hy Mã Lạp Sơn đến những dòng Trường Giang, Hoàng Hà hay Hằng Hà hùng vĩ, từ những dòng sông băng ở hai cực Trái Đất đến những dòng sông ngầm trong lòng đất, từ thác nước Hồ Khẩu ở Giang Tây đến thác Victoria ở Zimbabwe… Nước chiếm đến 70% diện tích bề mặt Trái Đất.
Trong các vật chất hữu cơ ta biết, nước chiếm phần lớn trọng lượng và thể tích. Ví dụ, một chiếc lá khi ta vò nát, thì nó chảy ra nước. Vò đi vò lại cuối cùng chẳng còn gì. Như vậy nước cấu thành phần lớn vật chất hữu cơ. Hiểu được nước, là ta hiểu được vô vàn hiện tượng của thế giới sinh vật.
Nước là nguồn gốc của sự sống. (Ảnh: pixabay.com)
Nước quan trọng đến mức ngay lập tức, nó ảnh hưởng đến kinh tế bang California khi chính quyền bang này yêu cầu cắt giảm 25% lượng nước tiêu dùng của toàn bang do tình trạng khô hạn và nguồn nước tự nhiên từ tuyết trên núi đã bị khai thác gần hết. California là bang có sản lượng nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ, là nguồn cung cấp 1/3 sản lượng rau và 2/3 sản lượng trái cây cho cả nước Mỹ, đồng thời là nơi xuất khẩu nông sản lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Năm 2015 khi chính sách tiết kiệm nước lần đầu tiên được ban hành, vô số đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nông dân thất nghiệp và nông sản sụt giảm nghiêm trọng. Người ta thấy đi bán nước còn có lợi nhuận hơn trồng cây.
Tất nhiên, trong buổi toàn thế giới trở thành một ngôi làng gồm các hộ dân ảnh hưởng lẫn nhau nên khi ngô California thất thu, thì đàn bò và lợn đông nhung nhúc của Trung Quốc cũng bị đói, và người Trung Quốc sẽ thiếu thốn thực phẩm. Tai họa bắt đầu từ nước.
Ai cũng hiểu rằng trong thức ăn, nước uống chúng ta dùng hàng ngày đều là nước có nguồn gốc từ những dòng nước ngọt quý giá ấy của thiên nhiên. Không có nước thì không có sự sống của sinh vật.
Nước là tấm gương phản chiếu tâm thức của vạn vật
Tuy nhiên, một người Nhật Bản đã đi xa hơn thế. Sau nhiều năm nghiên cứu về nước, tiến sĩ Masaru Emoto, cũng là một bác sĩ theo phương pháp Y học thay thế, đã công bố những kết quả thí nghiệm của mình với nước. Ông quan sát sự tạo thành tinh thể nước với các loại nước khác nhau và phản ứng của nước dưới những tác động khác nhau của âm thanh, hình ảnh và ngôn từ. Nước sạch trong thiên nhiên dù ở bất kể nguồn nào: Sông băng, sông ngầm, nước suối tự nhiên… đều có thể hình thành những tinh thể lục giác rất cân đối và đẹp đẽ. Ngược lại, nước bị nhiễm chất hóa học nhân tạo như nước máy chứa clo (một loại chất tẩy) ở Tokyo thì không thể hình thành tinh thể nào.
Nước qua xử lý. (Ảnh: dkn.tv)
Ngược lại, nước tự nhiên không ô nhiễm lại hình thành những tinh thể lục giác rất đẹp.
Nước tự nhiên. (Ảnh: dkn.tv)
Trong những thí nghiệm tiếp theo, nước được tiếp xúc với những ngôn từ. Kết quả là ngôn từ đẹp cho kết quả là những tinh thể rất đẹp và cân đối, bất kể những ngôn từ đó được thể hiện bằng ngôn ngữ nào trên thế giới.
Tình yêu và lòng biết ơn cho hình dạng tinh thể nước tinh tế nhất, đẹp nhất.
Và ngôn từ xấu thì kết quả cũng tương tự như khi nước bị ô nhiễm, nó không thể tạo thành tinh thể hoặc tạo thành hình ảnh méo mó rất đáng sợ.
Ảnh tinh thể nước khi tiếp xúc 
với các ngôn từ. (Ảnh: pinterest.com)
Thậm chí câu nói: “Mày làm tao bực đấy, tao sẽ giết mày” còn tạo ra hình một người đàn ông cầm súng. Và từ “quỷ dữ” thì trông thật tối đen ghê rợn.
Ảnh tinh thể nước khi tiếp xúc với câu nói: “Mày làm tao 
bực đấy, tao sẽ giết mày”, và từ “quỷ dữ” (Ảnh: dkn.tv)
Còn với âm nhạc thì sao?
Đây là kết quả khi cho nước nghe nhạc của Beethven, Mozart. Đặc biệt với bản Hồ Thiên Nga nổi tiếng của Tchaikovsky, tinh thể nước mô tả đúng nội dung của bản nhạc. Thế nhưng khi được nghe những âm thanh chát chúa và lời ca tục tĩu của một số bản nhạc Rock thì sao? Kết quả giống như khi nước tiếp xúc với từ “Đồ ngốc”.
Tinh thể nước biến đổi khi nghe 
các bản nhạc khác nhau. (Ảnh: dkn.tv)
Vậy nước sẽ phản ứng ra sao với các hình ảnh? Không chỉ là các tinh thể đẹp, mà nó còn mô tả đúng tinh thần và nội dung của bức ảnh ấy.
Hình dạng tinh thể nước khi 
ngắm nhìn ảnh Trái Đất. (Ảnh: dkn.tv)
Tinh thể nước khi được ngắm hình ảnh Trái Đất rất đẹp, tuy nhiên có chút biến dạng. Và đấy là tình trạng của Trái Đất hiện nay.
Còn đây là hình ảnh tinh thể nước khi nhìn thấy bức ảnh mặt trời, rặng san hô, một hồ nước tại công viên quốc gia Yellow Stone (Mỹ) và hình ảnh tinh thể nước khi nhìn thấy bức ảnh thác Victoria.
Tinh thể nước biến đổi kỳ diệu khi nhìn 
các bức ảnh khác nhau. (Ảnh: dkn.tv)
Với hình ảnh rặng san hô, là cả cụm tinh thể nhỏ. Còn hình ảnh một hồ nước tại công viên quốc gia Yellow Stone (Mỹ), tinh thể nước còn thể hiện cả màu sắc như một viên đá quý, rất tương đồng với màu sắc của hồ nước. Và hình ảnh tinh thể nước khi nhìn thấy bức ảnh thác Victoria đã đề cập ở trên, tinh thể hình thành những cột rộng như dòng thác hùng vĩ đang đổ xuống.
Còn có một thí nghiệm đã được 100 nhà khoa học chứng kiến. Một ly nước được đặt trước hình ảnh của nhà độc tài Hitler và một ly nước khác được đặt trước hình ảnh của nữ tu sĩ nổi tiếng với lòng từ bi là mẹ Teresa.
Hai ly nước đều được đông đặc ở -20ºC và rọi lớn đến 300 lần độ phóng đại. Kết quả ly nước được đặt cho xem hình ảnh mẹ Teresa thì tinh thể rất thanh nhã và đẹp đẽ – bông hoa sáu cánh. Ngược lại ly nước được đặt trước hình ảnh Hitler, tinh thể rất xấu xí và ghê sợ. Khi toàn thể chứng viên xem thấy những hình ảnh kết tinh này, mọi người đều cảm động vô cùng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: Tinh thể nước không chỉ thể hiện hình ảnh mà cả nội dung trong những thông điệp của ngôn từ, âm thanh, hình ảnh mà nước được nhìn thấy, nghe thấy. Những thông điệp tốt như những hình ảnh từ thiên nhiên, vũ trụ; những lời nói yêu thương và biết ơn, những từ ngữ trí tuệ; những âm thanh tuyệt diệu có tính hướng thượng giúp tâm hồn thăng hoa… thì tinh thể nước có hình lục giác rất đẹp, có màu sắc và hình thức giống như những thông điệp mà nước được tiếp xúc. Ngược lại, với nước bị ô nhiễm hoặc phải tiếp xúc với những ngôn từ xấu, miệt thị, đe dọa, chửi bới hoặc hình ảnh xấu thì nước không hình thành được tinh thể hoặc có những hình ảnh màu sắc rất đáng sợ.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn hiểu rằng, nước là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của vật thể soi bóng trên nó, như những câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương”: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Nước còn phản ánh đúng hình dạng của vật chứa nó: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Tuy nhiên, bây giờ ta biết thêm rằng, nước còn phản chiếu tâm hồn, suy nghĩ, tín tức của mọi vật mà nước được nhìn thấy. Ấy cũng như là: “Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè, tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”.
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Thủy vi tâm chi kính”, tức là nước là tấm kính phản chiếu tâm chúng ta.
Nước chính là một ổ cứng vĩ đại của vũ trụ ban cho Trái Đất, nơi lưu trữ mọi thông tin mà nước tiếp xúc. Tuy nhiên, vì sao chỉ có những lời yêu thương, những ngôn từ trí tuệ, những âm thanh đẹp nâng tâm hồn con người cao thượng hơn, những hình ảnh trong sáng, từ bi, thuần khiết… mới khiến nước tạo được những tinh thể tuyệt đẹp?
Ngược lại, những ngôn từ thô lỗ, mang tính bạo lực, hận thù, đe dọa, đố kỵ, nhục mạ… những hình ảnh xấu xa chết chóc, những âm thanh hỗn độn, chát chúa và tục tĩu lại không thể khiến nước tạo thành tinh thể, có chăng chỉ là những hình ảnh đáng sợ. Bởi vì tiến sĩ Masaru Emoto giải thích rằng: Những ý thức đó không phải từ tự nhiên, vũ trụ không tạo ra những thứ như thế. Nó là sản phẩm biến dị của xã hội nhân loại. Vũ trụ được cấu thành bởi những ý thức từ bi, cái đẹp và trí huệ, chứ không phải cái xấu và sự tà ác; từ ý thức xây dựng chứ không phải năng lực phá hủy.
Tự nhiên khi chưa có tác động nhân tạo thì luôn cân bằng vì từ bi là đặc tính của vũ trụ. Cây thân gỗ là nơi bám cho dây leo. Cây tầng cao không làm chết cây tầng thấp. Động vật ăn thực vật nhưng chúng không phá phách thảm thực vật và dùng quá nhu cầu của chúng. Sư tử, hổ báo cũng không lấy việc đi săn động vật ăn cỏ làm niềm vui giết chóc và chúng cũng chỉ săn mồi khi đói. Chỉ có con người thiếu sáng suốt với lòng tham không cùng để thỏa mãn ham muốn vật dục mới tác động vào tự nhiên bất chấp hậu quả để phá vỡ sự cân bằng ấy.
Theo người viết, điều này tương đồng với triết lý của Đức Lão Tử: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Tự nhiên ấy chính là vũ trụ. Những việc hợp với Đạo chính là việc thuận theo tự nhiên và quy luật của vũ trụ. Trái với tự nhiên, là xấu.
Ngài cũng viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh. Xử chúng nhân chi sở ố. Cố cơ ư Đạo”. Nghĩa là: Nước là thuần thiện và trong sáng nhất. Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Nước chịu ở chỗ mà người người đều ghét, là chỗ thấp nhất. Nên gần với Đạo.
Nước có thể nhận biết mọi vật, không sai khi nói rằng: 
Nước mang trong mình đặc tính của vũ trụ và là 
nguồn gốc của sự sống. (Ảnh: pinterest.com)
Rõ ràng là, ý thức của một vật như thế nào thì nước sẽ phản ánh nó như thế. Một bản nhạc sẽ mang thông điệp ý thức của người nhạc sĩ trong âm thanh, giai điệu, tiết tấu… của nó. Một hình ảnh mang ý thức của nó trong màu sắc, hình dáng và ý nghĩa của hình ảnh ấy. Một lời nói, một văn tự cũng mang ý thức, tư tưởng, tình cảm của chủ nhân sáng tạo ra nó.
Đó cũng chính là tần số rung của vạn vật mà nước cảm nhận được, một nội dung ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở các bài viết tiếp theo.
Nhưng nước không chỉ tồn tại ở các dòng sông, suối, ao hồ… mà có trong tất cả các vật chất hữu cơ nên cách mà ta đối xử với nước chính là cách ta đối xử với vạn vật, với thiên nhiên.
Chắc hẳn nhiều người chúng ta đã nghe nói đến những thí nghiệm của các nhà khoa học từ thế kỷ trước đối với thực vật. Kết luận của họ là thực vật cũng có tư duy, cảm xúc, khả năng học hỏi, ghi nhớ… 
Thí nghiệm: Thực vật có tồn tại ý thức, trí thông minh, thậm chí khả năng siêu cảm?
Nhưng chúng ta đừng quên rằng, thực vật cũng chính là nước. Cho nên, những cây táo của ông Kimura mới cho chất lượng thần kỳ đến thế vì hàng ngày chúng được ông chăm bón cho không phải bằng nông dược, mà bằng những lời yêu mến và lòng biết ơn. Như vậy thì một mặt cây táo cảm nhận được cảm xúc tích cực của Kimura, mặt khác nước ở trong cây táo, quả táo đã được tịnh hóa nhờ tình yêu và lòng biết ơn của ông và khiến chúng trở nên tuyệt hảo như vậy. 
Vậy còn con người chúng ta thì sao? 70% trọng lượng cơ thể chúng ta cũng là nước. Từ khi chưa ra đời, cơ thể chúng ta đã nằm trong một bầu nước nơi bụng mẹ. Cho nên, có thể nói chúng ta cũng là nước, một bình nước di động. Vậy trong cái bình nước – cơ thể này của chúng ta, thì sức khỏe của nó, sự toàn vẹn của nó là hoàn toàn phụ thuộc vào việc nước ấy chứa những gì: Lòng biết ơn, tình yêu, trí tuệ, lòng tốt, sự trung thực, bao dung… hay bạo lực, sự xuẩn động, sự hận thù, tâm dối trá, đố kỵ, hẹp hòi… Nghĩa là, nước ấy có kết tinh thành những tinh thể đẹp hay là những hình ảnh tán loạn và méo mó.
70% trọng lượng cơ thể chúng ta cũng là nước. Vậy trong cái 
bình nước - cơ thể này của chúng ta, thì sức khỏe của nó, 
sự toàn vẹn của nó là hoàn toàn phụ thuộc vào việc nước ấy 
chứa những gì: Lòng biết ơn, tình yêu, trí tuệ hay bạo lực, 
sự hận thù… (Ảnh: pinterest.com)
Ấy là lựa chọn của chúng ta trong việc tự xây dựng một nội tâm trong sạch, sáng suốt và mạnh mẽ. Nhưng nó cũng phụ thuộc việc ta lựa chọn những gì để nghe, để nhìn, để cảm nhận… Một mặt chúng ta chủ động hoàn thiện nội tâm, một mặt chúng ta loại bỏ những tác động ngoại cảnh mang những thông tin bất lợi. Cả hai việc ấy đều có tác dụng tịnh hóa nước trong cơ thể chúng ta.
Rồi chính chúng ta lại có trách nhiệm để mang đến lòng từ bi, sự chân thật và lòng bao dung tới một thế giới của nước để tịnh hóa thế giới ấy.
2. Vì sao âm nhạc ẩn chứa sức mạnh vĩ đại vô hình?
Trước khi vào nội dung chính của bài, xin mời các bạn cùng tham gia một cuộc dạo chơi ngắn qua các miền không gian của âm nhạc.
Khi nghe Dancing Queen, Mama Mia, Chiquitita… của ABBA bạn thấy gì? Cảm xúc chủ đạo là sự rộn rã, yêu đời, những giai điệu sôi nổi của tuổi trẻ. Mời bạn chuyển qua bản Rock “Homage for Satan” của nhóm Decide, thật cứ như âm thanh của lũ quỷ sứ điên loạn mới được phóng thích từ địa ngục. Rồi bạn dời gót qua miền Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thật là sao mà dài lê thê, buồn như trấu cắn, nó chậm như nhịp sống của miền Tây Nam Bộ đầu thế kỷ trước. Chỉ một cái click chuột trên Youtube, bạn chuyển qua nước Nga êm đềm thời cận đại với “Khúc chèo thuyền tháng 6” của Tchaikovsky, một nhạc phẩm nằm trong tổ khúc bốn mùa sẽ đưa bạn lênh đênh trên sóng nước của những dòng sông ở Peterburg, với tâm hồn bồng bềnh theo những nhịp chèo lúc khoan lúc nhặt. Chặng dừng chân cuối mời bạn vượt hẳn mấy nghìn năm lịch sử về với Trung Hoa cổ đại thời Chiến Quốc, ngồi trên non cao mà nghe tiếng nước chảy lúc sầm sập như thiên binh vạn mã, lúc tí tách thánh thót như giọt gianh của bản “Cao Sơn Lưu Thủy” trong tiếng dao cầm u trầm cao nhã, dày dặn thâm sâu như lịch sử 5000 năm văn minh Hoa Hạ…
Rõ ràng, thân và tâm chúng ta sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi nghe các loại nhạc. Vì sao lại thế?
Hai con đường tiếp cận của âm nhạc với tâm và thân
Trong cuốn “Bí mật của nước”, Tiến sĩ Masaru Emoto có làm một thí nghiệm với âm nhạc của Alan Roubik, một nghệ sĩ dương cầm bậc thầy người Mỹ. Nhiều thính giả nói rằng họ cảm thấy cơ thể mình trở nên trong suốt khi nghe nhạc của Alan. Tiến sĩ Emoto đề nghị Alan sáng tác một bản nhạc có tác dụng chữa lành. Sau đó họ cho nước nghe bản nhạc đó. Đúng như mong đợi, các tinh thể nước được hình thành vô cùng đẹp và tinh tế.
Nhưng điều kỳ lạ hơn là khi Alan được xem các tấm ảnh tinh thể nước nghe nhạc của mình, ông kinh ngạc nói rằng đó chính là những hình ảnh ông thấy trong tâm trí khi sáng tác bài hát này. Như vậy, tư tưởng của Alan đã mang thông tin, tín tức vào trong bản nhạc và nó đã được nước ghi nhận và lưu giữ.
Tinh thể nước hình thành khi nghe bản 
“Keys to my heart” của Alan Roubik. (Ảnh: dkn.tv)
Âm nhạc phương Tây có cái gốc là từ nhà thờ Thiên Chúa Giáo, để ngợi ca Thiên Chúa. Người ta cho rằng những nhạc sĩ như Handel đã nhận được mặc khải của Thiên Chúa trong bản Oratorio nổi tiếng của ông là Trường ca Messiah. Đây là bản opera được ông viết nhạc nhanh với tốc độ kỷ lục: 24 ngày. Nội dung bản nhạc ca ngợi Đấng Sáng Thế. Handel đã thuật lại trải nghiệm của mình khi viết bản hợp xướng “Hallelujah” trong Messiah, “tôi đã nhìn thấy thiên đàng ngay trước mắt”.
Và Handel không phải là trường hợp duy nhất nhận được sự mặc khải từ cõi trên. Haydn, cha đẻ của nhạc giao hưởng, cũng sáng tác một bản Oratorio khác tên là “Đấng Sáng Tạo”. Nội dung bản nhạc nói về sự Sáng Thế của Thiên Chúa. Ông nói: “Trong cuộc đời tôi, chưa có lúc nào khiến tôi tiến gần đến Thiên Chúa như khi tôi viết ‘Đấng sáng tạo’, tôi cảm nhận Thiên Chúa vĩnh viễn tồn tại trong tôi”. Khi “Đấng sáng tạo” được biểu diễn thành công hoàn hảo trong chương trình năm 1802, khán giả đã đứng dậy vỗ tay khen ngợi, Haydn vui mừng đứng lên và chỉ tay lên trời, nói: “Bản nhạc này là đến từ nơi đó!”.
Thời hiện đại cũng có một nhạc sĩ có được ý tưởng sáng tác từ một không gian khác. Paul McCartney của The Beatles đã sáng tác bản Yesterday nổi tiếng sau một giấc mộng. Cho nên có thể nói rằng nhiều tư tưởng sáng tác của các nhạc sĩ đến từ một không gian khác mà nhiều khi ngôn ngữ nhân loại không thể diễn giải nổi. Do vậy mới nói: “Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng”. Nước chiếm 70% khối lượng trong cơ thể chúng ta sẽ cảm nhận được những giai điệu thiên thần này và nó sẽ triển hiện những tinh thể tuyệt đẹp, thánh khiết. Đấy là tác dụng tích cực của âm nhạc đối với nước trong cơ thể.
Tinh thể nước khi nghe 
bài hát “Yesterday”. (Ảnh: dkn.tv)
Nhưng âm nhạc còn có một con đường tương tác khác. Âm thanh như ta biết chính là tần số rung và âm nhạc chính là âm thanh có giai điệu. Nhưng đâu chỉ có âm thanh là tần số rung. Mọi vật chất của vũ trụ này đều có tần số rung. Chiếc bàn kia ta nhìn thấy nó bất động nhưng nó lại được tạo ra bởi những vi lạp (những hạt cực nhỏ như phân tử, nguyên tử, quark…) và những vi lạp này chuyển động với tốc độ cực cao. Ví như phân tử gồm nhiều nguyên tử liên kết với nhau. Mỗi nguyên tử lại bao gồm hạt nhân đứng giữa và điện tử quay quanh hạt nhân với tốc độ cực nhanh. Trong hạt nhân nguyên tử đứng im lại có những vi lạp chuyển động cực cao khác và cái mô hình đó cứ thế lặp lại đến nhỏ nữa, nhỏ mãi. Hiện nay vi lạp nhỏ nhất con người biết được là neutrino, nhưng nó chưa phải nhỏ nhất. Như vậy tất cả những chuyển động của các vi lạp đó cấu tạo nên một vật đứng yên như cái bàn đó sẽ khiến cái bàn có một tần số tổng hợp. Cơ thể người cũng có tần số riêng của nó. Năm 1989, trong một bài báo trên tạp chí khoa học của Mỹ có tên “21st Century Science and Technology”, nhà khoa học Warren J. Hamerman đã viết rằng tần số của các chất hữu cơ của cơ thể người là 42 quãng tám, khoảng 570 tỷ Hz.
“Các chất hữu cơ cấu tạo nên con người” mà Hamerman nói đến chỉ bao gồm các phân tử tạo nên các tế bào của cơ thể xác thịt của chúng ta. Nhưng phân tử lại cấu tạo bởi nguyên tử, nguyên tử cấu tạo bởi hạt nhân và điện tử, cứ thế mãi… vậy cái cơ thể cấu tạo bởi nguyên tử là một cơ thể riêng và nó không chết đi theo thân thể xác thịt. Mắt chúng ta không nhìn thấy được thân thể này nhưng nó tồn tại. Tương tự còn có các thân thể khác cấu tạo từ những vi lạp nhỏ hơn cấp nguyên tử và nhỏ nữa mắt ta cũng không thấy được. Ta tạm gọi đó là các lớp thân thể. Trong thí nghiệm Kirlian của các nhà khoa học Xô Viết thì nó chính là các lớp hào quang bao quanh thân thể người, nó cũng tương đồng với những hiểu biết của Thông Thiên Học về thể xác, thể vía, thể trí… của con người.
Các lớp hào quang này có màu sắc khác nhau 
vì chúng được cấu tạo bởi những dạng vi lạp 
ngày càng nhỏ (Ảnh: Könyvelés Center)
Các lớp hào quang này có màu sắc khác nhau vì chúng được cấu tạo bởi những dạng vi lạp ngày càng nhỏ. Vi lạp càng nhỏ thì tần số rung động càng lớn. Lấy quang phổ ánh sáng làm ví dụ, ta biết dải màu sắc quang phổ ánh sáng mà mắt người nhìn thấy được là đi từ đỏ đến tím, tương ứng với các dải tần số khác nhau. Những tần số ánh sáng quá lớn thì mắt người không thể thấy được quang phổ của nó. Tương tự như vậy, có những hào quang mà các thiết bị đo không thể thấy được vì tần số của nó quá lớn.
Và âm nhạc với tần số rung phù hợp sẽ tác động vào lớp thân thể xác thịt làm từ phân tử này và các lớp thân thể khác làm từ các vi lạp nhỏ hơn. Âm nhạc có tần số cộng hưởng với tần số rung của lớp thân thể nào sẽ có tác động đến lớp thân thể đó. Những âm nhạc có tần số rung cao sẽ cộng hưởng và tác động đến những lớp thân thể vi tế hơn nhục thân có rung động cao, thanh nhẹ và khiến người ta thăng hoa tới những cảm xúc tư tưởng thánh thiện, gần như thần thánh. Đồng thời nó cũng tác động đến nước trong cơ thể để tạo nên những tinh thể đẹp. Ngược lại có những âm nhạc có tần số rung động thấp tác động đến thể xác thô kệch và đầy dục vọng. Từ đó chúng ta giải thích được tại sao bản Messiah của Handel có thể khiến người ta gần với Thiên Chúa, còn bản Rock “Homage for Satan” lại khiến con người gần với quỷ dữ.
Điều này giải thích vì sao âm nhạc có tác động to lớn lên tâm và thân mà không chờ sự cho phép của ý thức chúng ta. Nghe nhạc vui ta sẽ vui, nghe nhạc buồn ta sinh ra buồn rầu. Nghe nhạc ủy mị, ta sinh ra sến sẩm. Nghe nhạc êm đềm ta thư giãn, tâm bình thản thanh tịnh. Nghe nhạc lãng mạn ta đâm ra mơ mộng. Nghe nhiều nhạc thánh thiện ta cũng trở nên thánh thiện. Hay nghe nhạc điên loạn ta cũng trở nên điên loạn. Nghe nhạc cổ động đấu tranh, chém giết thì ta cũng sẽ bị kích động tâm tranh đấu. Dù bạn chủ động hay bị cưỡng chế nghe đi nghe lại một bản nhạc, thì nó sẽ ám ảnh bạn. Trong đầu bạn sẽ văng vẳng bản nhạc đó, và tùy theo cảm xúc nó mang lại, nó sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến bạn bất chấp bạn có muốn hay không.
Rõ ràng là, âm nhạc có thể xây dựng, có thể chữa lành, nhưng cũng có thể phá hủy con người. Âm nhạc là lợi khí quá lớn trong truyền thông, trong tâm lý học…
Bởi vậy, kinh Vệ Đà nói rằng: “Vũ trụ tạo lập bởi các âm thanh”. Thánh Kinh thì viết: “Huyền âm xuất hiện trước nhất và huyền âm ở với Thượng Đế, huyền âm là Thượng Đế”.
Sức mạnh của âm nhạc trong chiến tranh từ thời cổ đại
Một trong những người đầu tiên biết lợi dụng sức mạnh của âm nhạc thời Trung Hoa cổ đại là Quản Trọng sống vào thời Xuân Thu cách đây khoảng hơn 2700 năm. Khi công tử Tiểu Bạch nước Tề lên ngôi lấy hiệu là Tề Hoàn Công, Bão Thúc Nha tiến cử Quản Trọng. Ông ta hiến kế cho Tề Hoàn Công gửi thư cho Lỗ Trang Công yêu cầu bắt Quản Trọng giải về nước Tề để xét xử cái tội bắn tên hành thích ngày trước. Quản Trọng biết mưu này là để cứu mình, nhưng lại e ngại Lỗ Trang Công nửa chừng đổi ý. Nên trên xe tù, Quản Trọng sáng tác bài ca Hoàng Hộc để dạy quân áp giải hát. 
Quân lính ca hát vui vẻ quên cả mệt nhọc, đẩy cỗ tù xa băng băng, một ngày đi bằng hai ngày đường. Lỗ Trang Công tỉnh ra cho người đuổi theo thì không còn kịp nữa.
Quản Trọng sáng tác bài ca 
Hoàng Hộc trên xe tù. (Ảnh: dkn.tv)
Người thứ hai biết khéo léo lợi dụng âm nhạc để giành chiến thắng là Trương Lương, quân sư số một của Lưu Bang. Hạng Vũ bị quân đội nhà Hán của Hàn Tín bao vây ở Cửu Lý Sơn, phía bắc thành Từ Châu. Tuy nhiên ông ta còn có 8000 quân tử đệ sẵn sàng liều chết. Nên Trương Lương mới nghĩ ra một kế, ông sáng tác ra một điệu nhạc tiêu, tiếng tiêu kèm một ca khúc bi lụy tên gọi là “Bi ca tán Sở”. Tiếng tiêu nỉ non kèm với giọng ca réo rắt thê lương nẫu ruột khiến cho kẻ địch lòng dạ sắt đá nhất cũng phải mềm yếu suy sụp nhớ nhà nhớ quê, chán ngán chiến đấu. Họ từ quân đến tướng rủ nhau bỏ trốn gần hết chỉ còn lại Hạng Vũ trơ trọi. Từ đó mới dẫn đến thất bại của Hạng Vũ ở trận Cai Hạ và Hạng Vũ phải tự tử bên bờ Ô Giang, kết thúc cuộc Hán Sở tranh hùng.
Trong thế chiến thứ Nhất, quân đội Pháp và Anh đang đụng độ với quân Đức trong một trận đánh. Vào đêm Giáng sinh, quân đội Đức mời một nhạc sĩ và một ca sĩ để hát mừng Giáng Sinh. Những ca sĩ hồn nhiên ra khỏi giao thông hào hát những bài ca Giáng Sinh. Quân lính từ mọi phía cũng hồn nhiên đổ ra nghe nhạc. Không ngờ, quân lính hai bên nghe nhạc đều xúc động và cuối cùng họ chơi trò đổi quà Giáng sinh. Sau đó, họ cũng lắng nghe lời cầu nguyện của một tu sĩ. Trong nhiều tuần sau đó, cả mặt trận đều im tiếng súng. Đó là âm nhạc đã phát huy tác dụng.
Sức mạnh của âm nhạc được mô tả trong phim ảnh, văn học
Trong bộ phim “Dương Cầm” đạt giải Oscar năm 2003, một nghệ sĩ dương cầm trốn chạy quân đội Đức quốc xã trong một ngôi nhà đổ nát. Một sĩ quan Đức bắt được ông ta và yêu cầu ông ta chơi nhạc. Nhưng chính bản nhạc tuyệt vời đó đã lay động được lòng trắc ẩn của viên sĩ quan. Cuối cùng viên sĩ quan đã giúp nghệ sĩ dương cầm thoát chết.
Một bộ phim nổi tiếng khác của Đức đạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất năm 2006 là phim “Cuộc sống những người khác”. Viên trung úy Wiesler thuộc Bộ An ninh quốc gia của Đông Đức (Stasi) nhận nhiệm vụ theo dõi tư tưởng của giới văn nghệ sĩ. Người ông ta được phân công theo dõi là kịch tác gia nổi tiếng Georg Dreyman. Wiesler đặt máy nghe trộm trong nhà Dreyman. Hàng ngày ông ta đều mang tai nghe để nghe hết nội dung trao đổi của Dreyman với Sieland, bạn đời của ông, và với các bạn văn nghệ sĩ cùng chí hướng cải cách. Tất nhiên, Dreyman không hề biết mình đang bị nghe trộm.
Nhưng từ việc nghe trộm đời sống của Dreyman, viên trung úy lạnh lùng mới nhận ra điều không bình thường trong cuộc sống và công việc của mình và ông ta dần thay đổi. Cao trào của bộ phim là khi Dreyman đàn cho Sieland nghe bản “Sonate vom Guten Menschen” (Khúc ca từ những người lương thiện). Ông nói với Sieland đại ý rằng, anh không thể tưởng tượng được có những người nghe bản nhạc này mà lại có thể tiếp tục làm người xấu. Bộ phim chiếu sang hình ảnh của Wiesler đang đeo tai nghe, trên mặt đầm đìa nước mắt. Kể từ đó ông ngấm ngầm giúp đỡ Dreyman và Sieland. Wiesler chấp nhận bị thuyên chuyển sang công việc kiểm thư.
Nhưng từ việc nghe trộm đời sống của Dreyman, viên trung úy 
lạnh lùng mới nhận ra điều không bình thường trong cuộc sống và công việc của mình và ông ta dần thay đổi… (Ảnh: wxwenku.com)
Độc giả hâm mộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung chắc không thể quên cuộc đấu âm nhạc long trời lở đất giữa ba đại cao thủ của võ lâm là Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa. Họ đấu âm nhạc nhưng là đấu nội công, ai nội công yếu hơn sẽ không chịu nổi âm thanh của đối phương. Hoàng Dược Sư sử dụng một cây sáo, Âu Dương Phong đánh thiết tranh, còn Hồng Thất Công thì sử dụng tiếng hú. Ta hãy xem Kim Dung miêu tả cuộc đấu như thế nào: “Chỉ nghe tiếng đàn tranh mau dần, tới đoạn cuối thì như chuông trống cùng khua, muôn ngựa cùng phi, chợt có tiếng êm ái chen vào, một tràng tiếng tiêu dìu dặt chen vào giữa tiếng đàn tranh… Tiếng thiết tranh tuy vang dội nhưng thủy chung vẫn không át được tiếng tiêu, hai âm thanh chen lẫn vào nhau, âm điệu vô cùng quái dị”. Cuộc đấu chưa phân thắng bại thì bất ngờ bị xen ngang bởi tiếng hú như “rồng ngâm cọp rống” của Hồng Thất Công.
Nhạc làm sao, người hao hao làm vậy
Trong giới Rocker có một lời nguyền, gọi là “Lời nguyện hội 27”. Những ca sĩ nhạc Rock trong cái hội bất đắc dĩ này đều chết trẻ ở tuổi 27. Trong đó có Brians Jones của ban nhạc Rock huyền thoại The Rolling Stones, ca nhạc sĩ Jimi Hendrix, ca nhạc sĩ Jim Morrison của ban nhạc Rock The Doors, trưởng nhóm Rock Nirvana là Kurt Cobain.
Khó có thể cắt nghĩa cái chết kỳ lạ của những ngôi sao nhạc Rock này. Nhưng người ta có thể liên hệ lối sống dị thường, lắm lúc quái đản của các Rocker với thứ âm nhạc mà họ đang chơi. Đối với các Rocker, những người luôn tìm kiếm cảm giác lạ, “phê”, nổi loạn và để luôn luôn giữ được độ “bốc” thì việc tìm đến ma túy các loại là lẽ thường. Làm sao tâm tính họ có thể trầm tĩnh sáng suốt được khi họ chơi một thứ âm nhạc điên loạn như thế. Điên loạn và ma quỷ. Cho nên mới có những những chuyện điên rồ như Ozzy Osbourne hít đàn kiến lửa, David Bowie và Mick Jagger chung chăn gối, Keith Richards hít tro bụi hỏa táng của cha, Nikki Sixx chơi heroin trong phòng khách sạn và bị sốc thuốc tưởng chết, Freddie Mercury chết trẻ vì AIDS do chơi bời phóng đãng, v.v. còn rất nhiều những ví dụ khác tương tự cho độc giả quan tâm tự tìm hiểu. Rock là một thứ văn hóa biến dị, xa lạ với những âm thanh đẹp đẽ, từ bi của vũ trụ mà âm nhạc cảm nhận được. Hẳn độc giả chúng ta còn nhớ trong Kỳ 1, nước không thể tạo được tinh thể, mà chỉ có những hình thù tán loạn khi nghe nhạc Rock.
Nhạc Rock làm cho người ta điên loạn. (Ảnh: ytapi.club)
Đến những bản nhạc tuyên truyền sắt máu
Cách mạng Văn hóa là một vết nhơ không bao giờ phai trong lịch sử đẫm máu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây là thời kỳ mà mọi giá trị đạo đức xã hội đã bị lật nhào, luân thường đạo lý bị đảo lộn. Con giết cha, trò hại thầy… rất nhiều tội ác đã được phép diễn ra với mục đích là đạp đổ văn hóa truyền thống vốn coi trọng đạo đức, coi trọng lòng nhân ái và các giá trị của Nho học như Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Thay vào đó là một hệ giá trị rùng mình không hề có nhân tính. Trong làn sóng tai họa đó thì những tác phẩm âm nhạc cổ súy thù hận và giết chóc, thúc giục ác tính của con người đóng một vai trò như ma xui quỷ khiến. Những ca từ như là: “Hãy gặm nhấm lòng thù hận, hãy nhai và nuốt nó. Hãy gieo lòng căm thù trong tim để nó nảy mầm” (1) khiến con người mù quáng vì thù hận và sẵn sàng làm việc ác.
Bạn đọc thân mến, vậy là chúng ta đã hiểu được phần nào ảnh hưởng của âm nhạc đối với tâm và thân của chúng ta từ cái nhìn của khoa học hiện đại và dựa trên những bằng chứng của cả lịch sử và văn hóa. Tác giả hy vọng bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm của bài viết, từ đó thấy rằng, việc nghe nhạc gì là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Như đã trình bày ở Kỳ 1, cơ thể chúng ta là một bình nước, âm nhạc sẽ khiến bình nước đó là trong lành hay độc hại. Âm nhạc vừa là công cụ tuyệt vời để xây dựng vừa là tên hung thần để phá hủy tâm hồn, tùy vào cách mà ta sử dụng nó.
Cuối bài viết, mời bạn đọc thưởng thức nhạc khúc nổi tiếng thời cổ đại: “Cao Sơn Lưu Thủy”. Chúc bạn đọc có những phút thư giãn tuyệt vời.
(1): Từ bài hát của vở nhạc kịch hiện đại “Huyền thoại đèn lồng đỏ”, một “vở kịch mẫu” chính thức phổ biến được phát triển trong thời Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976).
(Bài viết có sử dụng những hình ảnh và kết quả nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách “Thông điệp của nước” và “Bí mật của nước” của Tiến sĩ Masaru Emoto).
 Bình Nguyên
Theo https://www.dkn.tv/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...