Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

Nón Huế: Thương hiệu của âm nhạc và thi ca

Nón Huế: Thương hiệu của 
nhạc và thi ca
Nón Huế là chỉ dẫn địa lý thứ 20 của Việt nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận và là chỉ dẫn địa lý duy nhất cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ tính đến thời điểm này.
Khác biệt tạo ra thương hiệu
Khác biệt đầu tiên của nón Huế là ở lá nón. Các địa phương khác nhau, do phong thổ và tập quán khác nhau, dùng các loại lá khác nhau để làm nguyên liệu chính cho nón lá. Nếu như vùng lưu vực sông Đà, sông Thao ở miền Bắc phổ biến dùng lá cọ, khu vực Nghệ An dùng lá gồi, còn có tên là lá kè nam, vùng Bình Định dùng cây giang và lá kè nam để làm nón ngựa Gò Găng, thì vùng Bình, Trị, Thiên lại dùng lá nón, còn có tên là lá lụi.
Nguồn cung cấp nguyên liệu lá cho nghề nón lá Huế là A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, đặc biệt là ở Nam Đông. Theo chủ lò sơ chế nguyên liệu lá nón số nhà 30, đường Trần Phú, thành phố Huế thì lá nón được khai thác ở Nam Đông dài, bẹ to, mỏng, mềm, lá nón được khai thác ở A Lưới dày, cứng, ở Quảng Trị ngắn, bẹ nhỏ. Lá nón được khai thác vào độ tuổi lá còn non, nhưng không non quá và đã đủ lớn để có bề dài lá và bề rộng mặt lá đủ tiêu chuẩn của một chiếc nón. Lá nón khai thác đúng tiêu chuẩn là những búp lá non chưa xoè ra, lá còn màu trắng, chưa có màu xanh lá, dài trên 40cm.
Những địa phương khác như Quảng Bình, Bình Định cũng dùng lá nón làm nguyên liệu làm nón lá, nhưng sử dụng lá già hơn nên màu nón ở những địa phương này có màu trắng hơi ngả sang nâu vàng. Việc xác định đúng vùng nguyên liệu và tuổi lá, không quá non hoặc quá già để khai thác là kiến thức bản địa của những người thợ khai thác lá nón Huế.
Công đoạn sơ chế nguyên liệu lá nón Huế khá phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng nhất định, trong đó quan trọng nhất là các kỹ thuật đạp lá, sấy lá và ủ lá. Sau một số công đoạn như phân loại, loại bỏ lá xấu, buộc chùm 10 lá một, người ta đạp lá bằng chân cho đến khi lá mềm, sau đó lá nón được đưa vào sấy bằng lò than. Đạp lá kỹ một mặt làm cho lá mềm, mặt khác đảm bảo khi đưa vào sấy lá sẽ chín đều.
Trong quá trình sấy phải bảo đảm nhiệt độ của lò ổn định trong khoảng từ 42 đến 45 độ và phải đảo lá thường xuyên để lá khô đều mà không quá dòn, sém hoặc cháy, ngả màu. Để có nhiệt độ vừa phải, nhiên liệu sử dụng cho các lò sấy là than thẻ - một loại than được hầm từ vỏ cây, mà không dùng các loại than củi khác từ các loại gỗ chắc vì chúng có nhiệt độ quá cao. Các bước trong quy trình và kỹ thuật của mỗi bước trong công đoạn sấy lá cần tuân thủ chặt chẽ, trong đó có cả một số bí quyết riêng của các lò để lá sau khi sấy vẫn giữ được màu sắc tự nhiên của lá. Sấy lá nón bằng than mà không sử dụng hoá chất tẩy trắng là điểm khác biệt cơ bản nhất của công đoạn sơ chế nguyên liệu lá nón so với các địa phương khác.
Người ta thường gọi nghề làm nón lá là nghề “chằm nón”, mặc dù “chằm nón” chỉ là một công đoạn trong quy trình sản xuất một chiếc nón lá. Quy trình chằm nón bao gồm 9 bước: (1) mở lá, (2) ủi lá, (3) chọn lá, (4) bắt vành, (5) xây lá, (6) chằm, (7) nức vành, (8) đột đầu, và (9) hoàn thiện.
Có thể thấy quy trình làm nón với nhiều công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ để có một chiếc nón lá Huế đẹp đã tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm.
Thương hiệu của thơ, nhạc và du lịch
Điểm đặc sắc quan trọng nhất, đặc điểm làm nên tên tuổi và danh tiếng cho nón lá Huế, là những “bài thơ trong chiếc nón”. Huế có một loại nón lá đặc biệt được gọi là nón bài thơ. Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nghĩ ra việc làm nón bài thơ, tức là việc ghép các câu thơ, các bức tranh phong cảnh, các hoa văn cắt giấy vào nón lá Huế để có sản phẩm mới, độc đáo là nón bài thơ. Có lẽ cũng như các tác phẩm nghệ thuật dân gian: tác giả là nhân dân.
Trong các nghề truyền thống của Việt Nam, nghề làm nón lá được cho là xuất hiện rất sớm trong lịch sử dân tộc và nón lá gần như trở thành biểu tượng của đất nước. Mặc dù đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đời sống hiện đại, đến nay nghề làm nón lá vẫn được duy trì và có nhiều cơ hội phát triển trở lại. Trong bối cảnh đó, nghề làm nón lá ở Thừa Thiên Huế đã kế thừa được những yếu tố hợp lý của các loại nón, từ cung đình đến dân gian, từ miền Bắc đến miền Nam để tạo ra sản phẩm của riêng vùng đất này. Ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều làng nón nổi tiếng như Đốc Sơ, Mỹ Lam, Đồng Di,  La Ỷ, Nam Phổ, Phủ Cam, Tây Hồ …, làm nón bài thơ nổi tiếng có Đồng Di, Tây Hồ, Phủ Cam... Theo số liệu thống kê, đến nay, thành phố Huế có khoảng 900 hộ làm nón lá với gần 2.000 lao động. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy có tổng cộng 1.984 hộ với gần 2.500 lao động làm nghề này.
Chỉ dẫn địa lý “Huế” gắn cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ hội cho địa phương đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người tiêu dùng, mà quan trọng nhất là những du khách gần xa, muốn có một vật kỷ niệm mang tính biểu trưng cao, có nguồn gốc xuất xứ từ chính mảnh đất này, một sản phẩm có chất lượng được đảm bảo, là cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho thương hiệu nón lá của tất cả các làng nghề xưa nay của tỉnh Thừa Thiên Huế, là cơ hội góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
“Huế” không chỉ đơn thuần là “chỉ dẫn địa lý”, mà là tên gọi của một vùng đất, là uy tín của những người thợ cần cù, khéo léo, là tổng hoà của những giá trị tự nhiên được chắt lọc từ đất và nước của một miền quê nắng khét mưa dầm, những giá trị nhân văn được hình thành từ trong truyền thống lâu đời và đang được nâng niu, giữ gìn và phát triển. Đó cũng chính là những đặc điểm khác biệt, đặc sắc tạo nên giá trị riêng có rất đáng tự hào cho nón lá Huế.
Nguồn: Báo Đất Việt
Theo http://khamphahue.com.vn/ 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...