Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Một bài viết tào laoXXX

Một bài viết tào lao

Thưa các anh Trịnh Hữu Tuệ, Tường Vân,
Tôi cũng đồng ý về nguyên tắc với anh Tuệ rằng ngôn ngữ là một thực thể có thật và liên tục phát triển; phần nào đó cũng như thiên nhiên: nếu trong thiên nhiên bỗng nảy nòi ra một loại hồng không có gai thì chúng ta không thể bảo đó là thiên nhiên làm sai nguyên tắc của loài hồng và yêu cầu thiên nhiên sửa lại. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận rằng loại hồng này là một bộ phận của thiên nhiên và cố gắng khảo sát hoàn cảnh ra đời của loại hồng khác thường này.
Tuy vậy, con người lại cũng là kẻ cạnh tranh với thiên nhiên và không ngừng cải tạo nó. Điều đó nằm trong bản tính tự nhiên của chúng ta, ngay cả các nỗ lực bảo vệ môi trường sốt sắng nhất cũng có thể hiểu là nỗ lực cải tạo thiên nhiên - một thiên nhiên bị phá hủy nay cần khôi phục. Chúng ta cũng không ngừng cải tạo ngôn ngữ. Chấp nhận và cải tạo là hai mặt song song và hoà trộn trong thái độ của chúng ta với ngôn ngữ. Trong khi chấp nhận câu đố của thiên nhiên và cây hồng không gai, chúng ta cũng đố lại thiên nhiên bằng những con gà mỗi ngày đẻ trứng hai lần và thịt của chúng thoang thoảng mùi... cá biển!
Cần phải đặc biệt lưu ý rằng ngôn ngữ chịu tác động mạnh mẽ của những người có quyền và có phương tiện để lập ngôn. Nó cũng là kết quả của các quan hệ quyền lực trong một xã hội. Xin đưa ra một ví dụ cực đoan và hơi phóng đại, hi vọng qua đó có thể làm rõ ý muốn nói: Nếu những người lãnh đạo tối cao của Việt Nam bỗng ra một quyết định: từ nay chỉ được phép dùng các khái niệm „nhà viết gái“ thay vì „nhà văn nữ“, „nữ nhà văn“, hay „nữ văn sĩ“ - cầu Trời để chúng ta không bao giờ phải nhìn thấy một nghị quyết như vậy - và nếu quyết định này được thi hành triệt để trong nhà trường, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong tác phẩm của các...“nhà viết“, trong các từ điển..., thì chẳng bao lâu sau - chậm nhất là sau một thế hệ- các từ „nhà văn nữ“, „nữ nhà văn“, „nữ văn sĩ“ sẽ biến khỏi kí ức tập thể, như thể chúng chưa từng có mặt trong tiếng Việt, và chúng ta sẽ dần dần coi việc dùng „nhà viết gái“ là điều tự nhiên nhất trần đời. Vậy chẳng lẽ, chúng ta cũng không cần tranh luận hay phản kháng việc dùng „nhà viết gái“, mà chỉ nên chấp nhận hay sao? Tuy ngưỡng mộ bản năng ngôn ngữ phong phú, tự nhiên và lành mạnh của quần chúng, nhưng tôi cũng rất e ngại rằng quần chúng -nhất là trong thời đại truyền thông ngày nay- dễ dàng bị nhào nặn bởi những thế lực có trong tay những phương tiện cho phép họ chỉ huy và chỉ định mọi lĩnh vực đời sống.
Lịch sử ngôn ngữ thì không thể viết lại, nhưng chẳng lẽ chúng ta không cần phải rút ra những bài học sai lầm nào của nó để có được những chương không lặp lại những sai lầm đó chăng? Hay lịch sử ngôn ngữ, theo anh Tuệ, là không có sai lầm, xét về mặt khoa học?
Nói cách khác, chúng ta cứ nói và dùng tiếng Việt ào đi, thấy người khác nói và dùng thế thì mình cũng nói và dùng thế, vì cái gì đã tồn tại thì đều có lý của nó, đều LÀ TIẾNG VIỆT? Trong sự nghiêm trọng thường gặp ở các nhà ngôn ngữ học, thái độ thoải mái, hài hước và có phần hơi vô chính phủ của anh Tuệ làm tôi thấy dễ mến. Nhưng vẫn băn khoăn.
18/8/2004
Nguyễn Thục Nhi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  David Diop – Nhà văn Pháp đầu tiên giành giải Booker Quốc tế 9 Tháng Sáu, 2021 Giải Booker Quốc tế 2021 được trao cho cuốn tiểu thuyết...