Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Tiếng chuông chánh niệm

Tiếng chuông chánh niệm

Hơn 10 giờ sáng, trong một căn phòng đầy ắp người, ánh sáng chiếu qua những tấm kính lớn in những mảng sáng chói trên nền gạch, soi rõ một đứa bé gái khoảng 2 tuổi, tóc ngang vai ôm lấy đôi má phúng phính bước từng bước chập chững. Mọi người ngồi xung quanh giết thời gian bằng việc quan sát nó. Ồ! Bỗng nó tự bị vấp chân chúi nhào.
- F…
Đứa bé thản nhiên chửi thề một cách rành rẽ làm mọi người phì cười, họ liếc tìm xung quanh xem ai là cha mẹ đứa bé đó. Đứa bé gượng đứng dậy nhìn quanh, rồi dừng đôi mắt thù hằn vào một bà người da đen mập mạp ngồi gần đó. Bà ta đang trừng mắt, lè lưỡi nhát nó, rồi phá lên cười sặc sụa. “Đáp lại”, nó ném chiếc xe nhựa đang cầm trên tay thẳng vào bà ta. Bà ta thu mình lại không dám đùa với nó nữa. Nó ra vẻ đắc thắng, nhìn quanh rồi dừng lại trên đôi mắt của một ông già đang quan sát nó. Khi nó nhận ra vẻ nghiêm khắc trên đôi mắt của ông ta, thì đôi lông mày nó nhíu lại, rồi dùng hết sức lực bé nhỏ của nó ném chiếc xe nhựa khác vào ông ta, ông ta nhanh tay chụp chiếc xe nhựa rồi để xuống nền nhà và thở mạnh để kìm hãm cơn khó chịu với đứa bé. Đứa bé vồ lấy chiếc xe nhựa khác rồi ném vào hết người này đến người khác, nó ném vào bất kỳ người nào nhìn nó.
- Hê! Hê! – Vài tiếng la lên để dừng cơn điên đang bốc lên trong đứa bé, nhưng nó càng hăng, cho đến khi nó làm một đứa bé khác khóc thét lên thì mọi người đổ dồn vào nhìn người cha đứa bé.
- Hê, ông phải dừng nó lại!
Người đàn ông, có lẽ là cha đứa bé “ném xe”, nhìn đứa nhỏ đang khóc với đôi mắt lúng túng vụng về. Ông ta ôm chặt thằng con, nó chống cự, vùng vẫy rồi vung tay tát thật mạnh vào mắt, làm ông phải bỏ nó ra. Mọi người tỏ vẻ bực mình với sự yếu đuối của ông ấy. Một phụ nữ duyên dáng trong mái tóc dài quyến rũ và nụ cười tươi tắn lấy trong ví của mình ra một gói kẹo, rồi đổ những viên kẹo m&m’s nhiều màu hấp dẫn ra bàn tay rồi đưa cho đứa bé. Ban đầu nó còn ngần ngại, nhưng sau đó nó không thể nào cưỡng lại được sự của những viên kẹo m&m’s hấp dẫn trên bàn tay dịu dàng kia, nó mỉm cười và đưa hai tay hốt hết những viên kẹo vào lòng bàn tay nó. Chị bế nó lên rồi ngồi xuống bên cạnh người cha đáng thương kia với sự cảm thông nhẹ nhàng.
- Mẹ cháu đâu?
- Cô ấy bỏ nhà đi tối qua.
- Anh có mẹ hay chị em gì ở đây không?
- Không, nhưng tháng sau bố mẹ tôi sang. Tôi cũng không thích gặp họ trong lúc này – Người đàn ông nói và tự giới thiệu mình tên Ninh.
Nhìn vẻ mặt hoang mang của Ninh, chị biết anh ta đang ở trong tình trạng khó khăn, nhưng ngay lúc đó, người thư ký đã gọi tên chị. Chị vội vàng trao quyển sách đang đọc dở dang của mình cho Ninh.
- Đọc cuốn này cũng hay, may ra một điều gì trong đó có thể giúp anh – Rồi chị đi vào.
Khai tâm - tranh khắc gỗ - Trần Văn Quân.
Ninh bồng đứa bé đi ra ngoài mà không đợi đến phiên mình được gọi. Anh phóng xe về hướng tây con đường quanh co bên vực biển. Nắng ấm rực rỡ, chiếu lấp lánh trên những con sóng xanh, Ninh mỉm cười một cách hững hờ và cảm thấy hơi chóng mặt với cảnh đẹp ngoài kia. Anh lái đi một cách vô thức, dường như có một lực hút vô hình đang đẩy anh về một chốn nào, còn lòng anh thì muốn đi bất cứ nơi đâu miễn là thoát khỏi cái thực tế đầy sợ hãi và buồn bã này. Phía sau xe, đứa bé đã ngủ, nét mặt ngây thơ, hiền hòa, Ninh liếc nhìn và nghĩ: “Sao mà nó giống mẹ nó quá, khi ngủ thì dễ thương, nhưng khi thức giấc thì thật đáng sợ”. Một cảm giác chán nản làm anh cảm thấy đuối sức, anh rẽ vào một con đường nhỏ để tránh cho một đoàn xe dài phía sau vượt qua. Trước mặt anh là một con đường lạ và đẹp, tự nhiên anh muốn thử xem nó sẽ dẫn tới đâu. Thế là anh cứ cho xe chạy thẳng. Hai bên xe là rừng thông thẳng tắp dày đặc, thỉnh thoảng xe đi qua một khoảng trống và xa bên dưới là đồi núi chập chùng, cùng những đám mây trắng rải rác đó đây. Con đường lại rẽ vào rừng, không khí mát lạnh, chợt một chiếc cổng chùa lộ ra, anh cho xe chầm chậm tiến vào rồi đỗ xe vào một chỗ trống bên phải. Chùa yên tĩnh lạ thường, nhìn phong cách trang trí, anh nghĩ có lẽ đây không phải chùa của người Việt. Anh ngả ghế ra phía sau nhắm mắt lại, cơn buồn ngủ và mệt mỏi giăng giăng trong đầu, nhưng anh không thể nào thiếp đi được. Sự đau đớn tức tối cứ nhào qua nhào lại, tung anh lên, rồi quật anh xuống. Cuộc đời, thật sự làm anh đã thấm mệt với nó và anh chỉ muốn thoát khỏi cái cơn bão đang gào rít trong tâm hồn mình. Anh liếc nhìn cuốn sách trên chiếc ghế bên cạnh: “Tiếng chuông chánh niệm”, rồi lướt qua vài trang. “Chà!”, anh khẽ thốt lên, anh đọc đi đọc lại đoạn của thầy Tự Lực viết về tiếng chuông: “Tiếng chuông thanh thoát thảnh thơi, mời gọi ân cần, nghe một lần thôi mà sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời vẫn không quên được” – Ninh chợt nghĩ có một tiếng chuông hấp dẫn đến thế sao? Rồi một đoạn khác: “Lần đầu nghe chuông tôi thấy ngỡ ngàng, lạ lạ. Dừng lại theo đúng sách vở mà sư ông đã dạy hôm trước, đọc thầm bài kệ “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm” rồi nụ cười nở trên môi. Và chính lúc đó tôi thấy vũ trụ như ngừng lại, chỉ có tiếng chuông ngân dài hòa nhập với lòng mình, len lỏi, thấm vào tận trong tâm khảm. Tôi thấy mình thật sự có sự sống, có niềm vui. Tôi mới hiểu, có đọc bao nhiêu sách vở do thầy viết ra, có nghe bao nhiêu lời thầy giảng, cũng không bằng một phút lắng lòng nghe tiếng chuông”. “Tiếng chuông vọng lên, bao nhiêu buồn phiền lắng xuống. Tịnh độ đây rồi, bạn ơi!
Em ơi!”.
Ồ! Chỉ nghe tiếng chuông thôi mà đạt đến chỗ an vui giải thoát thì thật là lạ, tự nhiên Ninh thèm nghe tiếng chuông và rồi một niềm khao khát chợt dâng lên cháy bỏng như kẻ lạc đường giữa sa mạc thèm nước.
Chợt phía xa, một vị tu sĩ đang thả những bước chân thư thái dưới hàng thông. Ninh vội vàng bước tới chào ông một cách kính cẩn, đoạn đưa cho ông xem quyển sách của thầy Tự Lực rồi giải thích là trong quyển sách này có nói về thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài “Văn Thỉnh Chuông Đại Đồng” đã viết rất hay về tiếng chuông, tiếng chuông nó có phép màu làm vơi đi sự đau khổ và đến được chỗ an vui giải thoát, và Ninh đang trong hoàn cảnh rất đau khổ nên mong được nghe tiếng chuông để có một chút thư thái, vậy có được không? Vị tu sĩ đó mỉm cười nói rằng các sư đang làm lễ bên trong, đến chiều mới thỉnh chuông được. Ninh buồn bã quay về nhà với một tâm hồn xám xịt và một quả tim nặng như chì, nhưng anh quyết tâm phải tìm cho bằng được cách để nghe tiếng chuông.
Tối đó vợ của Ninh trở về để lấy đứa con theo. Khi cô ấy bồng đứa bé ra khỏi cửa, Ninh cảm thấy căn nhà bỗng lạnh ngắt, trống rỗng. Cô ta là một con quỷ đã cướp đoạt của anh mọi thứ. Sự thù hằn dâng lên nghẹn ứ nơi cổ họng. Ninh vớ lấy con dao, lao ra ngoài. Nhưng một gã đen, to như cái cột nhà cháy, lao đến chộp tay anh và vứt con dao ra xa tít ngoài lộ một cách dễ dàng. Anh đứng đó như trời trồng, bất lực nhìn họ thản nhiên lên xe, biến đi trong đêm tối.
Một mình trong căn nhà vắng không đèn, tĩnh lặng, không gian như trở nên rộng và xa lạ hơn. Dưới ánh sáng mờ mờ từ ngọn đèn ngoài đường hắt vào, Ninh nhận ra một thế giới mà anh đang ở trong đó, quá mỏng manh và giòn gãy. Bao năm tháng tất bật làm việc, cái mà anh nghĩ cho vợ, cho con, cho cuộc sống giờ chỉ là thứ gì đó vô giá trị, không ai thừa nhận nó. Người ta vứt anh đi như một món đồ cũ. Hạnh phúc là gì, tưởng như anh có nó nhưng thật ra là không. Anh đưa hai bàn tay lên, hai bàn tay chai sạn, trắng bệch, anh không khác gì một kẻ cùng đinh. Giờ thì anh như con thú hoang thấm mệt, vì sự hoang mang, nghi ngờ và sự lo sợ bị phản bội bao ngày đã kết thúc đúng bằng một sự thật chua chát. Chúa đã không giúp anh thoát khỏi bi kịch này, thôi thì anh không muốn trách ai hết. Anh muốn đi về một hướng khác, mong sao thoát khỏi cái tảng đá đang nghiền nát con tim của anh. Đau khổ đang xé tan từng sợi dây thần kinh, anh nằm gục xuống và thiếp đi cho đến khi ánh sáng ban mai lôi anh dậy, nhìn căn nhà tim anh tiếp tục như bị xé toạc ra làm hai mảnh, anh biết nếu chỉ mỗi thu nhập của mình thì sẽ không trả nổi tiền tháng tới cho căn nhà này, chuyện bị ngân hàng lấy nhà chỉ còn là thời gian. Chợt anh thấy quyển sách của thầy Tự Lực trên bàn, anh vội cầm lấy nó và bước ra khỏi nhà, với ý nghĩ trước tiên là phải thoát ra khỏi tình trạng quá căng thẳng và đau khổ này.
Anh lái xe đến chỗ bán thức ăn nhanh, mua vài thứ rồi thẳng tiến về nơi có ngôi chùa gần nơi anh ở. Giờ này hãy còn sớm, anh nhớ lại khi còn ở Việt Nam đã có mấy lần anh cũng viếng chùa, khi đó là những ngôi chùa cổ kính với gốc bồ đề cổ thụ, tàng cây rộng và mát rượi, có những vị sư già nét mặt hiện rõ sự thanh thoát và có những chú tiểu tóc để chỏm mặc áo nâu quét lá vàng, nhưng đến Mỹ thì đây là ngôi chùa đầu tiên anh đến. Anh đỗ xe ở phía trước rồi tiến vào trong. Tim anh lại rộn lên sự lo sợ, cái gì cũng làm anh lo sợ, anh không biết tại sao? Không biết tiếng chuông chánh niệm có giúp anh bình an được không? Anh bước đi qua một dãy hành lang để ra phía sau thì gặp một nhà sư, anh cúi đầu vái chào, nhà sư cũng chắp tay chào anh. Anh thưa chuyện về nỗi khổ đau của mình và muốn được nghe tiếng chuông chánh niệm. Thầy đưa anh vào trong chánh điện chỉ cho anh cách ngồi, mắt khẽ khép lại, lưng thẳng và chú ý hơi thở, xem thở ra thở vào như thế nào. Khi nào cảm thấy tâm trí của mình đã chú tâm đầy đủ vào hơi thở thì chuyển qua nghĩ hơi thở đó là hơi thở của mình. Thầy nói, con người vốn thích sở hữu, cho nên nghĩ là của mình thì sẽ thích và cố chú tâm giữ lấy, như vậy ta sẽ quên đi những cái sở hữu khác và mọi buồn phiền do sở hữu gây ra cũng tan đi. Thầy nói sở dĩ chúng ta lo sợ hồi hộp vì chúng ta sợ mất cái này cái nọ, hoặc là không có được cái nọ cái kia. Như khi đi phỏng vấn, chúng ta lo sợ bởi vì sợ không có được việc làm. Trong trường hợp như vậy thì nên chú ý hơi thở và hãy biết rằng có một cái quan trọng hơn là có hơi thở hoàn hảo, không có hơi thở thì chúng ta chết, còn không có việc làm này thì sẽ có việc làm khác, mà đôi khi còn tốt hơn. Sự lo sợ thông thường không giúp cho chúng ta tốt lên mà nó chỉ làm cho tình trạng xấu đi.
- Nào giờ thì con đã an tâm một chút, ta muốn con có một ít hạnh phúc. Nào con có cảm thấy lưng con thẳng chưa, nếu thấy thẳng thì hãy mỉm cười.
Ninh thấy lưng mình thật thẳng và anh mỉm cười, một thoáng hưng phấn nhẹ dậy men trong anh. Thầy nói tiếp:
- Con hãy chú ý vào trái tim, vuốt ve vỗ về nó, khi nó bị bất an hãy nâng niu trái tim như nâng niu một đứa con bé bỏng của mình. Nào con hãy tưởng tượng mình đang nếm những giọt mật ngọt ngào, những giọt mật vàng óng ả.
Ninh cảm nhận vị mật ngọt lịm, thơm tho trên đôi môi của mình.
- Bây giờ thì con có thể nghe tiếng chuông. Và nhớ rằng tâm hồn con như một căn lầu trống trên mặt trăng giữa tinh không yên tĩnh và những vì sao sáng huyền diệu kia sẽ gửi đến con tiếng chuông, một thứ âm thanh và ánh sáng của hạnh phúc thiêng liêng và vĩnh hằng.
Ninh thấy mình đang hiện diện trên thế giới của chị Hằng thơ mộng, dưới ánh sáng dịu mát và tâm hồn anh là một căn lầu trống trải, và kia những vì sao lấp lánh huyền diệu xa xa, mọi thứ thật tĩnh mặc. Bỗng một cái gì đó vang lên thật lạ, nó không chỉ là âm thanh, nó là những dãy tia sáng lung linh vàng óng từ khắp các vì sao tràn về và chúng đang thắp sáng và tràn ngập trong tâm hồn anh, bất giác anh tìm thấy được mình, một làn hơi ấm của sự sống lan tỏa trên gương mặt hốc hác và hỗn tạp bấy lâu nay của anh. Anh sung sướng tột cùng vì lần đầu tiên đã khám phá ra mình, tiếng chuông đã đem cho anh sự sống, ôi thật là lạ lùng! Sau đó sư thầy dẫn anh đi dạo sau chùa, chỉ dẫn cho anh cách thức thiền hành là khi đi hãy giũ tung mình ra, mình sẽ không là gì cả, một con số không, rồi bắt đầu tái tạo lại mình, sự tái tạo đầu tiên là sự tiếp xúc bàn chân với mặt đất, chỉ như vậy thôi, không có bất kỳ ý tưởng nào khác trong đầu. Nếu còn những ý nghĩ băn khoăn khác thì hãy tiếp tục phá tung nó ra cho đến khi không còn cái gì. Giờ thì con chỉ là sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, hãy hình thành điều này, hãy cảm nhận điều này cho thật trọn vẹn và rõ ràng. Kế tiếp là kiến trúc hơi thở, thở ra bước 3 bước, hít vào bước 3 bước, số bước chân trong một hơi thở là tùy sự phù hợp trong con. Cũng như việc quan sát hơi thở, con phải nghĩ bước chân này là bước chân của con. Làm như vậy là cách bắt đầu loại bỏ được lo lắng, đau khổ và sẽ tìm thấy sự an lạc hạnh phúc.
- Thưa thầy, tiếng chuông lúc nãy thật là huyền diệu, con muốn thường xuyên đến đây để được nghe.
- Con cứ đến khi nào muốn. Sự thật thì hạnh phúc không nằm trong tiếng chuông mà hạnh phúc và sự an lạc ở chính trong tâm của con. Kìa, hãy nhìn theo ngón tay của ta, đó là cái gì?
- Dạ, mặt trăng.
- Nó tròn hay khuyết?
- Dạ, khuyết.
- Còn kia là cái gì? – Thầy chỉ một hướng khác.
- Dạ, mặt trời.
- Còn mặt trời thì sao? Mặt trời thì luôn luôn tròn phải không, mặt trăng thì khi khuyết khi tròn phải không, là tại sao?
- Dạ, tại vì mặt trời thì tự phát sáng còn mặt trăng thì nó sáng là nhờ ánh sáng của mặt trời và tùy theo vị trí mà nó tròn hay khuyết ạ.
- Giỏi lắm! Con người cũng vậy, nếu con tìm hạnh phúc, sự an lạc nơi cái khác, nơi người khác thì con phải phụ thuộc vào chúng và con mãi mãi là mặt trăng, và sự thất thường luôn ở với con. Có không, được mất, luôn hành hạ làm con khổ. Như Đức Phật nói, hãy là ngọn đuốc cho chính mình, hãy là một hải đảo tự thân. Hãy tìm kiếm hạnh phúc bên trong con, cái đó mới tròn đầy, mới rực sáng và vĩnh hằng. Khi cái gì làm con buồn hãy nghĩ đến điều này.
Ninh bái chào sư thầy ra về với tâm trạng một con người mới đang lớn dần trong anh.
9/5/2008
Nguyễn Ký
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 18
Theo https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  David Diop – Nhà văn Pháp đầu tiên giành giải Booker Quốc tế 9 Tháng Sáu, 2021 Giải Booker Quốc tế 2021 được trao cho cuốn tiểu thuyết...