Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Vua Lê Thái Tông

Vua Lê Thái Tông

Vua tên húy là Nguyên Long, con thứ của vua Thái Tổ, ở ngôi 9 năm, băng khi đi tuần miền Đông, thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng. Mẹ vua là Cung Từ hoàng thái hậu Phạm thị, tên húy là Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa. Vào ngày 20 tháng 11 năm Quí Mão [22/12/1423], sinh ra vua; tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 1 [4/1428], phong làm Lương quận công; ngày mồng 6 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 2, [9/2/1429], được lập làm Hoàng thái tử. Ngày mồng 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 [20/10/1433], lên ngôi, lấy năm sau làm năm Thiệu Bình thứ 1.  Bấy giờ, vua mới 11 tuổi, nhưng không phải nhờ mẫu hậu buông rèm coi việc nước; mọi việc trong thiên hạ do nhà Vua tham khảo với bầy tôi quyết định.

Ngày mồng 1 tháng giêng năm Thiệu Bình thứ nhất, nhân tết Nguyên Đán Vua dẫn các quan bái yết thái miếu; lại cùng với bọn sứ thần nhà Minh, Từ Kỳ, mới đến nước ta, làm lễ bái vọng kinh khuyết phương Bắc. Sau đó sai 2 sứ bộ theo Từ Kỳ sang Trung Quốc; một sứ bộ giải thích việc cống vàng; một sứ bộ xin cầu phong:

 “Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1, (Minh Tuyên Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1 [9/2/1434], vua dẫn các quan đến bái yết Thái miếu, lại dẫn các quan cùng với sứ thần phương Bắc tới khách quán bái vọng cửa khuyết.

Ngày mồng 4 [12/2/1434], sai Môn hạ ty hữu thị lang Nguyễn Phú (sau đổi là Nguyễn Truyền), Hữu hình viện lang trung Phạm Thì Trung cùng đi với sứ Bắc là bọn Từ Kỳ, Quách Tế sang nhà Minh. Trước đó, nhà Minh sai bọn Từ Kỳ đem thư sang hỏi về những người còn bị ta giam giữ và số vàng phải đem cống, cho nên vua sa bọn Phú sang để trả lời.

Ngày mồng 6 [14/2/1434], sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ, Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực, kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và lễ vật địa phương sang nhà Minh cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 1b.

Nhà Vua ra chiếu chỉ cho các quan phải hết lòng trung thành, tiến cử người tài; các vệ quân trong nước chuẩn bị lương thực 2 tháng để duyệt binh, tập trận; cùng ra lệnh dân chúng dùng tiền đồng, không phân biệt tốt, xấu:

Ngày mồng 6 [14/2/1434]; ra lệnh chỉ cho văn võ đại thần và các quan lớn nhỏ trong ngoài, đại ý là:

‘Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung thành, thế thôi. Tất cả các quan được trẫm tin dùng, nếu có ai không hết lòng trung thành, mà bỏ bê phận sự, thì nhà nước có pháp luật. Mới rồi, tìm người hiền để giúp việc nước, đã có lệnh cho mọi người tiến cử người mình biết. Nay đã lâu rồi mà chưa có ai theo lệnh tiến cử một người nào để đáp ứng lòng trẫm là cớ làm sao".

Ngày mồng 9 [17/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quân ngự tiền và các vệ quân năm đạo chuẩn bị lương ăn trong 2 tháng, hạn đến ngày 20 tháng này phải tới địa phận Đông Kinh để điểm danh và luyện tập võ nghệ. Còn quân trấn giữ ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa thì tới địa phận phủ, trấn mình để kiểm duyệt. Ai vi phạm sẽ bị trị tội.

Ngày 12 [20/2/1434], ra lệnh chỉ cho kinh thành và các phủ, lộ, huyện, châu, xã, sách, thôn, trang rằng: Từ nay về sau, tiền đồng sứt nhưng còn xâu dây được thì phải lưu thông tiêu dùng, không được chê bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu dây được nữa thì thôi không tiêu. Người nào trái lệnh, từ chối không nhận, hay kén chọn tiền lành, thì phải tội như nhau. Từ buổi đầu dựng nước đến nay, đã nhiều lần ra chiếu chỉ cấm dân chê bỏ tiển, nhưng bọn coi kho khi nhận tiền lại hay kén chọn tiền tốt, ở trong dân cấm cũng không được, cho nên lại có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 2a.

Quy định con đầu, cháu đầu các quan văn, võ, từ lục phẩm trở lên, được ghi tên vào học Quốc tử giám. Riêng dân chúng, thì các lộ, huyện lập danh sách; rồi mở cuộc thi toàn quốc lấy đỗ 1.000 người, chia làm 3 hạng; lấy hạng nhất, nhì, cho vào học Quốc tử giám. Các sinh viên Quốc tử giám được miễn sai dịch:

Ngày 12 [20/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quan văn võ rằng: Các quan từ lục phẩm trở lên có coi việc quân dân và các quan phụ đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn mà có con đích, cháu đích thuộc cùng một hộ tịch hay các hộ tịch khác đều được miễn thuế và sai dịch. Nếu là đắp đê quai vạc, làm đường và các việc điều động khẩn cấp, thì không được miễn. Các con đích, cháu đích đều cho ghi tên vào học ở Quốc tử giám để đợi tuyển dụng.

Ngày 15 [23/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện trong nước phải lập ngay danh sách người dự thi của lộ mình, hẹn tới ngày 25 tháng này phải tới bản đạo tập hợp điểm danh, đến ngày mồng 1 tháng 2 thì thi. Người nào đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc tử giám. Những học trò ở nhà học của các lộ, đến 25 tuổi trở lên mà không đỗ thì đuổi về làm dânLấy bọn Thính hậu văn đội Đỗ Thuận 5 người làm Giáo thụ Quốc tử giám.

Ngày mồng 4 tháng 2 [14/3/1434], thi học sinh trong cả nước. Lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì thì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 2a.

Ngoài ra trong tháng giêng còn có các việc khác như: Dân tộc thiểu số Lạo tại Tuyên Quang đến cống; bổ dụng 156 quan trong triều và các địa phương; Vua sai các quan bái yết Thái miếu, tuyên thệ trung thành. Cùng ra lệnh cho các quan đại thần không được tới lui nhà người con trưởng Vua Thái tổ, tức Quận vương Tư Tề:

Ngày mồng 7 [15/2/1434], người Lạo ở Bình Nguyên (1) , trấn Tuyên Quang đến cống. Sai Đô đốc Lê Vấn truyền lệnh dụ bảo, cho trở về nghiệp cũ.

Ngày 13 [21/2/1434], bổ các quan viên lớn nhỏ trong ngoài là bọn Lê Trãi 156 người. Những người tội nhẹ xử đi đày nhưng được ân xá là bọn Phan Quý Khanh cũng được dự trong số đó.

Ngày 15 [23/2/1434], vua bái yết Thái miếu, sau đó sai quan văn làm lễ. Vua ra trường đấu xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời, đất, thần kỳ danh sơn [núi danh tiếng], đại xuyên [sông lớn] , giết ngựa trắng lấy máu cùng thề. Đồng thời sai các quan đi tế thần kỳ ở các xứ trong nước.

Ngày 28 [8/3/1434], ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan rằng: Từ nay về sau không được lui tới chỗ của Quận Vương. Quận vương nếu không có người đến gọi thì không được vào chầu. Kẻ nào lén lút dẫn đầu, hoặc người coi cửa cho vào, cùng các quan nào lén lút đến nhà Quận Vương đều bị trị tội nặng. Bấy giờ có ba đứa hầu chạy tới tâu với Quận Vương, nói nhiều điều càn bậy, sai trái, cho nên có lệnh này. Lấy bọn Ngự tiền học sinh Trình Thanh và Nguyễn Thiên Tích làm Ngự tiền học sinh cục trưởng, Chu Tam Tỉnh và Trần Phong làm cục phó, Bùi Thì Hanh làm Thái sư thừa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 2a.

Ngày mồng 3 tháng 2 [13/3/1434], quan Tư mã Bắc đạo Lê Văn An mang quân đánh dẹp bọn Quản lãnh Lạng Sơn làm phản; cuối tháng vào ngày 22 [1/4/1434], dẹp xong:

Tháng 2, ngày mồng 3 [13/3/1434], quản lĩnh trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý mưu phản. Sai Bắc đạo tư mã Lê Văn An đi đánh dẹp.

Ngày 22 [1/4/1434], Tư mã Lê Văn An đánh giặc trở về. Trước kia, bọn Hoàng Nguyên Ý, Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh, Nguyễn Công Đình ở trấn Lạng Sơn đều là các phụ đạo của trấn đó, vì có công theo về triều đình, đều được làm quản lĩnh, vẫn được ở đất cũ của mình. Bọn Tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng không biết vỗ về, chế ngự nên bọn nguyên Ý đều mang lòng oán hận. Quận Vương có người vợ lẽ, vì có lỗi phải đuổi đi. Nguyên Ý về chầu trông thấy rất thích, ngầm đem theo về, đến nỗi lộ việc. Lại có tên gia nô của Ý là Phi Báo, vì bị Ý đánh, chạy đến chỗ bọn Đồ và Lộng, vu cáo là Nguyên Ý đã dấy binh. Vua liền sai Văn An đem quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì Văn Ngạc đã bị trấn binh giết chết, bọn Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của bốn tên đó cùng vợ con của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn tên đó ban cấp cho các quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 4a.

Ngày mồng 8 tháng 2 [18/3/1434] bổ nhiệm các quan trong triều và ngoài lộ; tuyển dụng dân đinh các đạo làm lính. Riêng bãi bỏ chức Hành khiển của Lê Khắc Phục; vì anh Phục là Lê Nhân Chú bị quyền thần Lê Sát giết, Sát cho rằng Phục oán hận, nên tìm cách đoạt chức để tránh mối lo về sau:

Ngày mồng 8 [18/3/1434], lấy Ngự tiền võ đội là bọn Mạc Thôn 47 người làm Trấn phủ các lộ. Thời tiên đế [Lê Thái Tổ] , tướng hiệu các đội phạm tội giáng làm võ đội, đến đây lại được bổ dùng.

Lấy Lê Khuyển làm Nhập nội thiếu úy, Tham tri Hải tây đạo chư vệ quân sự thái giám như cũ; Lê Khiêm làm đô áp nha tri tả ban sự.

Bãi chức Nam đạo Hành khiển của Lê Khắc Phục, cho làm Phán đại tông chính. Bấy giờ, Lê Sát đã giết Lê Nhân Chú, ngờ Khắc Phục oán mình, tâu xin đoạt lại quyền hành của Phục, cho coi việc hành ngục. Khắc Phục là em cùng mẹ với Nhân Chú.

Lấy Lê Quốc Trinh làm Nam đạo Hành khiển tri quân dân bạ tịch chính sự, từ tụng như cũ. Lấy Lê Thừa là Thiết đột trung quân hành quân tổng lĩnh; Lê Ê làm Điện tiền đô kiểm điểm đồng thái nội giám nội ngoại chư dịch; Lê Thê làm Chỉ huy sứ.

Sai Đại tư đồ Lê Sát, Tư khấu Lê Ngân, Tư mã Lê Liệt, Lê Bôi tuyển đinh tráng các đạo làm lính. Ra lệnh rằng: Những con trai của các hạng quân, dân đều chọn cả. Còn con trai của các quan văn võ từ lục phẩm trở lên có coi việc quân, dân và học trò Quốc tử giám, các sắc dịch, các hạng nô công và tư, do nhà nước cho phép, đã thích chữ đều được miễn. Nếu là quân ngự tiền, võ đội, thiết đột mà có 1, 2,3 con trai thì được miễn 1 người; quân, dân có từ 3 con trai trở lên, cũng chỉ miễn 1 người, còn lại đều tuyển chọn cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 4a.

Trước kia vào tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 [3/1429], bọn Trình Hoàng Bá dâng sớ mật, khuyên Vua Lê Thái Tổ giết các công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Sau nhà Vua biết bọn Hoàng Bá là lũ tiểu nhân, nên ra lệnh  không được dùng lại nữa. Nay Đại tư đồ Lê Sát cho ân xá, có ý dùng lại. Các vị quan đặc trách can gián là Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ kịch liệt khuyên can; lời tâu được chấp thuận:

“Ngày mồng 8 [18/3/1434], Đại tư đồ Lê Sát cho là Trình Hoành Bá trước đây bị tội, nhưng có tài đáng tiếc, sai Thiếu bảo Lê Quốc Hưng biên vào sổ các quan cũ được hưởng ân xá, khi có chiếu chỉ, sắc lệnh cho được hầu cùng với Hành khiển của bản đạo, có ý định dùng lại.

Ngôn quan (2) Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

"Tiên đế đã có lệnh là bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư có tài, nhưng không được dùng lại nữa. Bề tôi có kẻ nào mưu việc phản nghịch cần phải tố cáo cũng không cho chúng được cáo giác. Nếu dùng lại thì trái với lệnh của Tiên đế. Vả lại, những kẻ như bọn Hoành Bá thì còn ai dùng nữa?".

 Rút cuộc, xóa bỏ tên hắn, sai bổ vào quân ngũ. Sau lại sợ Hoành Bá ở trong quân, nhất định sẽ gây chuyện có hại, bấy giờ mới thích chữ vào trán đuổi về làm dân.

Trước kia, Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận Vương Tư Tề ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người.

Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Nếu có ai không vui, bọn Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất nhiều người bị xử tử và đi đày. Các quan đều sợ miệng bọn chúng không dám nói gì. Nhưng Thái Tổ biết rất rõ bọn Quốc Khí đều là loại tiểu nhân xảo quyệt, trong bụng vẫn ghét chúng. Sau này bọn chúng đều có tội, lần lượt bị đuổi đi, song lại lo chúng đuợc dùng lại cho nên nói thế để ngăn ngừa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 5a.

Ngoài ra trong tháng 2, viên Phụ đạo dân tộc thiểu số Mường Việt, Sơn La; vợ Đèo Cát Hãn tại Mường Lễ [Lai Châu] vào chầu. Nhà Vua lại nhắc nhở tiến cử người tài, giúp trị nước:

Ngày mồng 8 [18/3/1434], cho viên phụ đạo đóng ở Mường Việt (3) là Cầm Công được đội mũ thắt đai vào chầu.

Ngày 14 [24/3/1434], người mẹ của Đèo Mạnh Vượng  là vợ của Đèo Cát Hãn châu Mường Lễ về hàng. Sau khi Đèo Cát Hãn chết, con là Mạnh Vượng đem mẹ về ở đất cũ. Người mẹ một mình về hàng trước. Vua hỏi Mạnh Vượng sao không tự đến. Trả lời: Vượng vì em là Đạo Thu dẫn bọn Mường Lự (4) đến đánh nên không thể bỏ đi xa, thiếp già nay xin về vâng mệnh triều đình trước. Vua sai người dụ bảo bà ta bảo cho Mạnh Vương vào chầu.

Ngày 15 [25/3/1434], ra lệnh chỉ cho các quan viên văn võ rằng:

‘Những người mà các ngươi tiến cử, những lời mà các ngươi tâu lên, chả lẽ ta không biết hay sao? Song những lời của các ngươi chẳng có mưu kế lạ gì có thể dùng được, những kẻ được tiến cử đều là bọn tầm thường dung tục. Các ngươi nếu có lòng vì nước, lại càng phải dể ý xét hỏi rộng khắp, xem có ai còn ẩn dật chốn núi rừng, hay nương náu nơi thôn dã, chưa được triều đình xét dùng tới, hãy tiến cử lấy một vài người giúp trẫm lo việc trị nước, như thế thì mới có thể là tận trung với nước, sẽ được thưởng vượt bậc". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 5b.

Bấy giờ vào tháng 4 mùa hè, trời hạn hán lúa chết; cho rước Phật từ chùa Pháp Vân về để cầu mưa; lại thả vài chục tên tù nhẹ. Đến ngày 22, vẫn không mưa, lập chay đàn tại điện Cần Chính:

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1 [9/5/1434], vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân (5) ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa. Bấy giờ, trời đã lâu không mưa, mà chỉ rước Phật đọc chú để cầu đảo. Nguyễn Thiên Hựu dâng sớ tâu rằng:

‘Bệ hạ sửa đức, tha tù oan, thả bớt cung nữ mà trời không mưa thì xin chém đầu thần để tạ trời đất’.

Đại tư đồ Lê Sát ghét Hựu nói thẳng, sớ chưa được trả lời, thì gặp trận mưa nhỏ, bèn gọi Thiên Hựu mà hỏi rằng:

‘Đêm hôm qua chẳng mưa nhỏ rồi là gì?’

Ngày mồng một tháng 4 [9/5/1434], thả vài chục tên tù tội nhẹ vì hạn hán đã lâu.

Ngày 22 [30/5/1434] đặt đàn chay ở điện Cần Chính, vì hạn hán hại lúa, sét đánh cháy thuyền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7a.

Tại trường Quốc tử giám có người dán thư nặc danh, tố cáo Đại tư đồ Lê Sát giết quan đại thần Lê Nhân Chú. Lê Sát nghi Giám sinh Nguyễn Đức Minh là thủ phạm; bắt đi đày và tịch thu tài sản:

Ngày mồng 1 tháng 4 [9/5/1434], đày giám sinh Nguyễn Đức Minh ra châu xa. Đức Minh dời nhà đến ở Quốc tử giám, có thư nặc danh dán trên vách miếu thần bên cạnh đường, trong đó có câu: "Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn cùng mưu giết ông Sĩ phán đại lý (tức là Nhân Chú) ". Đức Minh gọi người đến xem, rồi bóc lấy xé nát ném xuống nước. Sát ngờ thư ấy do Đức Minh làm, sai bắt về tra khảo, nhưng Đức Minh không nhận, định đem chém, nhưng hình quan cho là tội còn ngờ, nên được giảm tội chết, bắt đi đày và tịch thu gia tài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Triều đình bổ nhiệm 2 quan đại thần; và thăng thưởng tướng hiệu, 851 viên thuộc 5 đạo, 596 viên thuộc Ngự tiền:

Ngày mồng 1 tháng 4 [9/5/1434], lại lấy Lê Khả làm Vinh lộc đại phu Lạng Sơn trấn tuyên úy đại úy tri quân sự; lấy Lê Nhữ Tổ làm Chính sự viện đồng tham nghi tước Minh tự.

Ngày 25 [2/6/1434], thăng chức cho các tướng hiệu các vệ quân năm đạo, từ vệ đồng trì, quản lĩnh, dưới đến đội trưởng là 851 viên, những người ở trong được thăng và ở các quận ngự tiền được chọn bổ là 596 viên; 155 người có tội nhẹ được ân xá và sử dụng. Quan nội mật gọi tên cấp sắc suốt từ sáng đến trưa vẫn chưa hết. Những người ở trong mà chưa được thăng thì được thưởng mỗi người một tư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Vào đầu năm, vào ngày mồng 4 [12/2/1434], Vua sai Môn hạ ty hữu thị lang Lê Truyền,  tháp tùng sứ bộ Từ Kỳ sang nhà Minh đến Yên Kinh:

Ngày 12 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 9 [ 20/5/1434]. Bọn Từ Kỳ, Hữu Thị lang bộ binh, từ An Nam trở về. Quyền coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi chết, con là Lân (6) sai Đầu mục Lê Truyền theo bọn Kỳ đến cáo tang, hiến người vàng cùng sản phẩm địa phương.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Ngày 19 tháng 4, dân Mường tại Thanh Hóa làm phản, Tuần sát Lê Thống đánh dẹp được. Cũng trong ngày, Chiêm Thành mang binh thuyền cướp phá tại Cửa Việt, Quảng Trị, bị quân dân ta đánh đuổi:

Ngày 19 [27/5/1434], dân Mường Ba Long, phủ Thanh Hóa làm phản theo về nước Ai Lao. Tuần sát Lê Thống đi đánh, chém giết bọn đinh tráng, bắt sống hơn 30 người đàn ông, đàn bà.

Chiêm Thành cướp bắt người châu Hóa.

Chúa Chiêm Thành là Bố Đề nghe tin Thái Tổ băng, thấy vua mới lên ngôi, ngờ là nước ta có biến loạn, bèn tự mình cầm quân ra đóng sát biên giới, chực mưu vào cướp. Nhưng vì chưa rõ thực hư, không dò hỏi vào đâu được, mới sai thuyền đi ngầm vào Cửa Việt cướp bắt mấy người rồi đi. Dân địa phương đánh lại, bắt được 2 người đem nộp. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Đại tư đồ Lê Sát lạm dụng giết tù tội, không chờ cứu xét:

Ngày 19 [27/5/1434], xử chém ngay tội tù.

Trước đây, người của quân Uy viễn là Nguyễn Bẩm và của trung quân Thiết đột là Trịnh Thọ Lộc chuyên nghề dụ trộm những nô tỳ nhà nước ban cho các quan. Tư mã Lê Liệt bắt được tâu lên. Vì bấy giờ các nô tỳ công và tư bỏ trốn nhiều, Đại tư đồ Lê Sát giận lắm, sai hình quan tra ngay ở sân điện, xét xong, lôi ra chém ngay.”

Viên Thái sử Bùi Thì Hanh tâu rằng ngày 1 tháng 5 có nhật thực, đất nước sẽ gặp tai biến; Tư đồ Lê Sát xin cho nghĩ chầu, bắt vượn đem giết để trấn yểm:

Tháng 5, ngày Đinh Sửu, mồng 1 [7/6/1434], nghỉ chầu.

Trước đó, Thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1, tháng 5, có tinh vược đen ăn mặt trời, hôm ấy sẽ có nhật thực. Có nhật thực thì trong nước có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem giết để trấn yểm thì có thể chấm dứt được tai biến. Đại tư đồ Lê Sát tin là thực, tâu xin ra lệnh cho quan lại các trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên đốc thúc dân chúng bủa lưới săn lùng khắp rừng núi khe hang, bắt vượn khỉ đóng cũi gửi về nườm nợp không ngớt. Đến ngày ấy nghỉ chầu, làm phép trấn yểm trong cung cấm, các quan không một ai được biết. Thì Hanh chỉ tâu cho Lễ bộ thị lang Trình Toàn Dương, trước là đạo sĩ, cùng làm phép với mình. Hai người đều được thưởng rất hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 8b.

Sứ thần nước ta đến Yên Kinh cáo tang vào ngày 12 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 9 [ 20/5/1434]; đến ngày 3 tháng 5 Vua Tuyên Tông sai sứ sang điếu tế:

Ngày 3 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 9 [ 9/6/1434]. Sai Hành nhân Quách Tế, Chu Bật đến An Nam tế Lê Lợi. Ngày này Đầu mục An Nam bọn Lê Truyền từ giả trước bệ rồng, ban cho tiền giấy làm phí tổn đi đường.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Ngày mồng 5, đặt quy định mới đánh thuế bãi dâu:

“Ngày mồng 5 [11/6/1434], ra lệnh chỉ cho các phủ, lộ, trấn, huyện, xã, sách, trang rằng: Các loại thuế dân đinh, đầm hồ năm nay thì theo lệ năm Quý Sửu [1433], còn thuế bãi dâu thì theo lệ mới quy định.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9a.

Lệnh 5 đạo diễn tập võ, cho bọn tù Chiêm Thành xem, rồi thả cho về. Lại cho tuần tra kỹ các tỉnh Bình, Trị, Thiên, để phòng ngừa Chiêm Thành đến cướp phá; cùng tuần phòng nghiêm mật tại các cửa ải:

Ngày 12 [18/6/1434], sai quân năm đạo diễn võ ở trường đấu, dẫn  bọn tù Chiêm Thành tới xem rồi cho về.

Sai Nhập nội tư mã Lê Liệt, tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp giặc cỏ Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có viên chỉ huy hay tên lính nào vi phạm quân lệnh hay sợ hãi rút lui thì cho phép chém trước tâu sau. Lại sai Nhập nội thiếy úy Lê Khôi và Hành khiển tổng quản Lê Truất cùng đốc suất các quân ở Tân Bình và Thuận Hóa đi theo.

Ngày 18 [24/6/1434] , ra lệnh chỉ cho các đội tuần kiểm coi giữ cửa ải ở các lộ, trấn, huyện phải tuần tra, canh giữ nghiêm ngặt lùng bắt trộm cướp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9a.

Sai sứ dâng biểu cầu phong, biểu do Hành khiển Nguyễn Trãi soạn, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ muốn đổi vài chữ; Nguyễn Trãi giận chửi mắng Thúc Huệ, khiến gây ác cảm với quyền thần Lê Sát:

“Ngày 16 [22/6/1434], sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ: Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực: kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ tâu, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ: Nguyễn Trãi giận nói:

‘Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả’.

Thúc Huệ tố cáo với Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn. Sát và Vấn tức lắm, trách Trãi rằng:

‘Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế?’.

Trãi từ tạ nói:

‘Thúc Huệ chỉ vì chút tài vét thuế mà chiếm chỗ then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sổ sách tâu vào đều muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra thôi, không dám chê bàn gì đến vua và tể tướng cả’.

Sát vẫn chưa nguôi giận. Nhưng bản tâu vẫn theo như của Trãi, không thay đổi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9b.

Ngày 24 tháng 5 [10/6/1434], một người thợ xây cất chùa Báo Thiên, lao động cực nhọc, bèn đem lời chê trách triều đình. Việc phát giác, các quan can gián xin giảm án tử hình, nhưng Đại tư đồ Lê Sát cương quyết xử tử:

“Bấy giờ, điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, Sư Đăng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng:

‘Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế’.

Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói:

‘Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém’

. Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội chết, vua sắp nghe theo, thì Sát nói:

‘Trước đã nghe lời bọn Thiên Hựu không giết Nguyễn Đức Minh, để rồi nó bỏ thư nặc danh vu cho nhau, nay lại định tha thằng này thì làm thế nào cho đứa khác răn sợ?’

Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa. Bèn chém Sư Đăng. Ngay hôm ấy vừa gặp có mưa nhỏ. Hôm sau, Sát nói trong triều rằng:

‘Nếu nghe lời ngôn quan, làm gì có trận mưa ấy?’.

Lê Ngân nói:

'Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ có điều  xương người chất đầy đường khó đi thôi". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 10a.

Tháng 6, bộ tộc Bồn Man nước Ai Lao sai người đến cống:

Ngày mồng 8 [13/7/1434], Mường Bồn Man (7) nước Ai Lao sai người sang cống lễ vật, ban cho hai chiếc áo dệt kim tuyến và năm tấm lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 11a.

Ngày 12, Đào Lộc con viên Đồng tri phủ Đào Quí Dung thời Minh cai trị, từ Vân Nam trở về hàng:

Ngày 12 [18/7/1434], Đào Lộc về hàng. Lộc là con của Đào Quý Dung. Trước kia, khi Thái Tổ dẹp giặc Ngô, viên phụ đạo trấn Quy Hóa [Yên Bái, Lao Cai] là Đồng tri phủ nguỵ Quý Dung không phục, đem gia thuộc trốn sang Vân Nam. Đến đây, Quý Dung chết, con hắn về hàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 11a.

Nhà Vua truy tôn mẹ đẻ là Cung từ quốc thái mẫu:

Ngày 24 [29/7/1434], truy tôn mẹ đẻ là Cung Từ quốc thái mẫu. Trước kia, Thái Tổ không lập chính thất, chỉ có vài người như Trịnh Thần phi là mẹ Quận vương [Tư Tề] và Phạm Huệ phi thôi. Quốc mẫu cũng là vợ lẽ của Tiên đế, đã mất ngay từ buổi đầu gian lao dựng nước. Đến đây, vua tưởng nhớ, truy tôn là Quốc thái mẫu. Thần chủ cũ của Quốc thái mẫu ở Lam Kinh, vua sai cậu là Hữu ban Lê Liên và Trung thư thị lang Trần Thuấn Du rước thần chủ mới và Kim sách đến miếu làm lễ truy tôn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12a.

Đại tư đồ Lê Sát cho xây dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ:

“Ngày 24 [29/7/1434] Đại tư đồ Lê Sát dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ, có đến hơn 90 gian.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12b.

Tháng 7, ra lệnh các các cấp giải quyết các vụ kiện theo trình tự từ dưới lên, không được vượt cấp; chỉ có các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên. Ngày rằm tháng 7 lễ Vu Lan, tha tù nhẹ:

Mùa thu, tháng 7, ngày 11 [15/8/1434], ra lệnh chỉ cho tướng hiệu vệ quân các đạo và các quan lộ, huyện, trấn, sách, xã rằng:

‘Phép trị nước lấy hình pháp gọn nhẹ làm gốc. Trẫm thấy các quân nhân đều tâu báo vượt cấp, cấu kết nhau để đi kiện người, bỏ phế việc của dân, quấy rối triều đình, không gì tệ hơn. Từ nay, quân hay dân nếu có vụ kiện nhỏ thì tới chỗ xã quan của xã mình mà trình bày, xã quan không giải quyết được mới lên huyện, huyện không giải quyết được mới lần lượt lên lộ, lên phủ, phủ không không giải quyết được thì bấy giờ được tâu lên. Các vụ kiện ruộng đất cũng thế. Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng. Các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên.’

Ngày 15 [19/8/1434], mở hội Vu Lan, tha cho 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12b.

Tháng 8, quy định y phục cho Giám sinh Quốc tử giám và Sinh đồ các lộ; cho Giáo thụ Quốc tử giám và giáo chức đội mũ Cao Sơn:

Tháng 8, cho các giám sinh Quốc tử giám và sinh đồ các lộ, huyện được mang mũ áo và cho Giáo thụ Quốc tử giám cùng giáo chức các lộ, huyện được được đội mũ cao sơn. Trước kia, Giáo thụ và Giám thư khố đầu đội mũ thái cổ, đến đây, cho đội mũ cao sơn. Định khoa thi Hương, thi Hội. Mở kỳ thi các quan lại, hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám:

Ngày mồng 8 [10/9/1434], Định khoa thi chọn học trò. Xuống chiếu rằng: Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiện như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao (8) để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi. Nay định rõ thể lệ khoa thi, kỳ thi: Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 [1438], thi hương ở các đạo, năm thứ 6 [1439], thi hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đổ, đều được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục của các kỳ thi quy định như sau:

Kỳ thứ nhất: 1 bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài đều 300 chữ trở lên.

Kỳ thứ hai: Chế, biếu, biểu.

Kỳ thứ 3: thi, phú.

Kỳ thứ 4: 1 bài văn sách từ 1000 chữ trở lên.

Thi lại viên, hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám, hạng nhì bổ làm sinh đồ và thuộc lại bên văn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 13b.

Bấy giờ tình hình tại phương nam, chúa Chiêm Thành Bố Đề, rút quân về không còn gây hấn; nên viên Tư mã Nam đạo cũng cho đem quân về. Về phía tây, sai sứ sang giải hòa nội loạn tại Ai Lao:

Ngày 18 [20/9/1434], Tư mã Nam đạo Lê Liệt đem quân về. Bố Đề thấy nước ta không có sự biến gì đã rút quân từ trước. Liệt đến châu Hóa, định trở về, gặp lúc người Man ở châu Hóa là Đạo Thành bị Đạo Luận đánh, đến xin cứu viện. Liệt bèn đem quân đánh giúp, bắt được hơn nghìn người và vài chục con voi mang về.

Ngày 19 [21/9/1434], sai quản hạt Lê Bạn sang sứ nước Ai Lao. 

Bàn nhà (9) Côn Cô nước Ai Lao bị kẻ bề tôi phản nghịch là Nữu Tại tấn công, sức chống không nổi, sai sứ sang xin cứu viện. Vua sai Bạn sang trước dụ bảo, giải hòa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 14a.

Tháng 9, bổ dụng và cách chức các quan trong triều và ngoài lộ,  như sau:

Tháng 9, ngày mồng 4 [6/10/1434], Lấy Ngự sử Bùi Cầm Hổ làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, lấy chuyển vận huyện Cổ Đằng [huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa] Phan Thiên Tước làm Thị ngự sử.

Lấy Chuyển vận sứ huyện Giáp Sơn là Lương Thiên Phúc làm Điện trung thị ngự sử, Giáo thụ Bắc Giang Hạ lộ là Nguyễn Chiêu Phủ làm Giám sát ngự sử, vì Chiêu Phủ dâng sớ có điều được chấp nhận.

Ngày 16 [13/10/1434] Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao bị biếm 3 tư [3 bậc], bãi chức.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 16a.

Làm lễ tế cáo trời đất, thái miếu, về việc đúc xong 6 quả ấn;

Ngày 16 [13/10/1434], tấu cáo trời đất và thái miếu về việc đúc sáu quả ấn: Thuận thiên thừa vận chi bảo, Đại thiên hành hóa chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Chế cáo chi bảo, Ngự triều chi bảo, Ngự triều tiểu bảo. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 14a.

Bấy giờ thuyền buôn Java đến cống sản vật địa phương; triều đình cấm tư nhân buôn bán với người nước ngoài. Các lân bang như Ai Lao, Chiêm Thành đều mang lễ vật đến cống;

Ngày 16 [13/10/1434] Thuyền buôn nước Trảo Oa [Java] vào cống lễ vật địa phương.

Triều đình có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài. Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, mà bán trộm đi hơn 900 quan tiền, cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội.

Côn Cô [Vua] nước Ai Lao sai bề tôi là Quan Long dâng voi và vàng bạc xin viện binh. Ra lệnh chỉ cho Thiếu úy Mường Mộc(10) là Xa Miên dẫn các man ở châu Nam Mã (11) đi cứu Côn Cô.

Sứ Chiêm Thành mang thư và lễ vật sang cống để cầu hòa thân.

Đại tư đồ Lê Sát hỏi:

‘Nước ngươi vào trộm đất ta, bắt bớ dân chúng ở châu Hóa là cớ làm sao?’

Trả lời:

‘Vua nước tôi nghe tin Tiên đế băng hà, nay Hoàng đế lên ngôi, hai nước chưa trao đổi sứ thần, cũng chưa tin hẳn, nên sai tướng quân đến đầu địa giới hỏi thăm tin tức. Tướng quân tự tiện làm trái lời dạy bảo, bắt trộm 6 người của châu Hóa đem về. Vua nước tôi giận lắm, xử tội tất cả những người vào cướp châu Hóa từ đại tướng trở xuống đều bị chặt chân, rồi đưa người bị bắt giao trả cho Tổng quản Hóa Châu, không dám xâm phạm đến’.

Triều đình biết là dối trá, nhưng vì họ biết sai người sang, cho nên khoan dung không xét hỏi nữa.

Bèn sai Chuyển vận Lê Thọ Lão, Khởi cư Thái Huệ Trù sang sứ Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17a.

Tháng 10 [11/1434], bổ nhiệm các quan tại trấn và Quốc tử giám bác sĩ tại kinh đô:

Lấy bọn Đồng tri Nam Sách hạ vệ Lê Thọ làm An Bang trấn vệ đồng tổng tri chư quân sự; Thẩm hình viện phó sứ Trình Tử Dục làm Tuyên phủ sứ thượng bạn trấn Thái Nguyên.

Lấy Thái tử thị giảng cũ là Nguyễn Tấn Tài làm Quốc tử giám bác sĩ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17b.

Nhà Minh vào tháng 5 [6/1434] đã sai Hành nhân Quách Tế, Chu Bật đến An Nam tế Vua Lê Thái Tổ; vào tháng này lại sai Thị lang Chương Xưởng sang phong Vua Quyền trông coi quốc sự, giống như chức tước của Vua cha:

Ngày 11 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 9 [10/11/1434]. Mệnh cho Lân, con trai quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi đã quá cố, được tiếp tục trông coi nước An Nam. Trước đây Lê Lợi bị bệnh mất, bọn Bồi thần Lê Sát đưa Lân lên tạm thời cai quản việc nước rồi xin mệnh triều đình. Đến nay Lân sai Bồi thần Nguyễn Tông Trụ, kỳ lão Đái Lương Bật dâng biểu xin mệnh. Thiên tử ra lệnh Thị lang Chương Xưởng, Hành nhân Hầu Tiến mang sắc đến dụ rằng:

“Trẫm trước kia nghĩ rằng quân dân An Nam các ngươi đều là con đỏ, sau khi hỏi han tình hình trong nước, bèn mệnh Lợi, cha ngươi, quyền giữ quốc sự trông coi dân chúng. Nay cha ngươi mất, đặc mệnh ngươi quyền trông coi quốc sự. Ngươi cần kính trọng đạo trời, lấy lòng thành thờ bề trên, lòng nhân vỗ về kẻ dưới; ngõ hầu giữ bờ cõi an ninh, hưởng lộc vị lâu dài. Khâm thử!”

Ban cho Xưởng tiền phí tổn đi đường; cho bọn Tông Trụ tiền giấy lệnh cùng về với Xưởng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Tháng 11, phái đoàn Quách Tế đến điếu tế Vua Lê Thái Tổ một cách trọng thể tại điện Càn Đức; bèn thiết yến khoản đãi và sai bọn Quản lĩnh Lê Bính sang nhà Minh tạ ơn. Riêng bọn Chánh sứ Lê Vĩ, Nguyễn Truyền mua rất nhiều hàng từ Trung Quốc mang về để kiếm lời; triều đình muốn làm cho họ  hổ thẹn; bèn sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại:

Tháng 11, nhà Minh sai bọn hành nhân Quách Tế, Chu Bật, đi theo sứ báo tin buồn của ta là Lê Vĩ, sang điếu tế. Đến kinh sư; ngày mồng 4 [4/12/1434] làm lễ tế, cỗ tế đều mang từ đất Bắc sang, rất là thịnh soạn. Vua ra đón ở cửa Thừa Thiên, đưa bày lễ tế ở điện Càn Đức. Lễ vật có: 1 con lợn, 1 con dê, giấy tiền, cờ tiết, hương hoa cộng 80 bàn. Tế quan đứng bên tả, chủ tế đứng ổ bên hữu, không dâng rượu, đàn bà đứng sau màn cất tiếng khóc.

Ngày mồng 5 [5/12/1434], thiết yến bọn Tế ở Cần Chính đường.

Ngày mồng 7 [7/12/1434], bọn Đại tư đồ Sát lại thiết yến bọn Tế ở khách quán, bày các trò chơi để xem, theo lời yêu cầu của họ. Bọn sứ Minh Từ Vĩnh Đạt, Chương Xưởng, Quách Tế, trước sau mấy toán, ngoài lễ vật cống tiễn, triều đình còn có quà tặng riêng cho từng người, họ đều từ chối không nhận. Nhưng họ lại cho người đi theo mang nhiều hàng hóa phương Bắc, tính giá rất cao, bắt ép triều đình phải mua.

Sai Quản lĩnh Lê Bính, Nội mật viện đồng tri Phan Ninh, Ngự tiền học sĩ cục Nguyễn Thiên Tích và Lê Cát Phủ theo Quách Tế sang nhà Minh tạ ơn việc sang điếu tế.

Ngày 22 [22/12/1434], Bấy giờ chánh sứ Lê Vĩ, Nguyễn Truyền, hai người mua rất nhiều hàng phương Bắc, đến 30 gánh. Triều đình ghét họ làm thói buôn bán, định làm cho họ phải hổ thẹn trong lòng; mới sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại. Việc này rồi thành lệ thường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17b.

Ngày 22 tháng 11 [22/12/1434] sinh nhật của Vua, lấy làm lễ Vạn Thọ Thánh Tiết. Lệnh giảm tô và thuế đinh; truy phong 2 đời ông, cha, của Đại tư đồ Lê Sát:

Ngày 22 là ngày sinh của vua, lấy làm Kế Thiên thánh thọ tiết sau đổi là Vạn Thọ thánh tiết.

Giảm tô ruộng và thuế nhân đinh.

Truy phong 2 đời cho Đại tư đồ Lê Sát.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 18b.

Bấy giờ trời quá rét, mặt đất đóng băng, khiến sau này Vua Tự Đức phải than rằng “Lạ!”:

Rét quá, mặt đất đóng băng, cây cối trên núi héo chết. Lời phê - Lạ!” Cương Mục, Chính Biên, quyển 16.

Trước kia vào tháng 9, Côn Cô, Vua nước Ai Lao xin viện binh, triều đình sai bọn Xa Miên mang quân cứu viện. Vào tháng 12, Xa Miên đến nơi, biết chuyện xãy ra, một Hoàng thân Ai Lao đã giết Côn Cô rồi lên làm Vua. Vua mới xin hàng, sai sứ theo Xa Miên mang voi và vàng đến cống, được tha tội. Vào ngày 8, con trai Đèo Cát Hãn tại vùng Lai Châu nối gót mẹ về hàng, được ban tước Quan phục hầu. Ngày 26, viên tù trưởng châu Nam Mã tại thượng nguồn sông Mã, trước đây thuộc đất Ai Lao, xin qui thuận rồi sai con vào chầu, cho làm Đại tri châu:

Tháng 12, ngày mồng 8 [7/1/1435], người Ai Lao sang hàng, dâng 3 con voi. Khi quân của bọn Xa Miên và Hà An Lược sang tới nơi thì bọn Nữu Sách, Nữu Tại nước Ai Lao đã giết chúa nó là Côn Cô mà lập người họ của Côn Cô  là Dụ Quần làm Bàn nhà [Vua] rồi sai sứ mang voi và vàng bạc sang ta xin hàng. Thế là bọn An Lược cùng đi với bọn ấy trở về. Triều đình xá tội cho chúng.

Ngày mồng 8 [7/1/1435], Con trai của Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ [ Sơn La, Lai Châu] là Mạnh Vượng về hàng. Sắc cho làm Nhập nội tư mã tri bản châu quân dân sự, tước Quan phục hầu.

Ngày 26 [25/1/1435], Cho Đạo Miện châu Nam Mã làm Đại tri châu tri quân dân sự bản châu, tước Minh tự. Trước đây, châu Nam Mã thuộc nước Ai Lao, sau vì mộ đức nghĩa nhà vua mà quy thuận. Đến đây, sai con vào chầu, xin nội phụ. Vua khen ngợi và trao cho chức đó, lại ban cho mũ, đai và một bộ thời phục. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 19a.

Thời Vua Lê Lợi khởi nghĩa,  Hoàng Khoan coi 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích thuộc châu Khâm theo; đến nay tỉnh Quảng Đông chiêu dụ vẫn không được, nên làm tờ tâu lên triều đình nhà Minh:

Ngày 20 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 9 [19/1/1435]. Châu Khâm, Quảng Đông tâu:

‘Hai đô Thiếp Lãng, Như Tích tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Trước đây nhân Lê Lợi phản nghịch, bọn người trong đô là Hoàng Khoan bị cưỡng bách, trợ giúp man khấu cướp tài sản của dân. Mới đây được ân mệnh chiêu phủ, bọn Khoan cam tâm nghe lời giặc không tuân theo.’

Thiên tử mệnh hành tại bộ Binh gửi văn thư cho Tam ty, Tuần Án Ngự sử Quảng Đông thẩm xét ước lượng để tiện nghi xử lý.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 236)

Chú thích:

1. Bình Nguyên: tên châu đời Lý Trần về sau, thời Lê, đổi thành châu Vị Xuyên, là đất các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, tỉnh Hà Tuyên ngày nay.

2. Ngôn quan: hay gián quan, là các quan giữ chức trách can gián khuyên ngăn vua.

3. Mường Việt: tức là Việt Châu, nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

4. Mường Lự: tức là động Bình Lư, nay thuộc tỉnh Lào Cai.

5. Chùa Pháp Vân: Chùa này ở thôn Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

6. Tên vua Lê Thái Tông xưng với Trung Quốc là Lân, nhưng tên thực là Nguyên Long.

7. Bồn Man: Theo Đào Duy Anh, ĐNVNQCĐ. trang 157; Bồn Man thuộc Ai Lao, tại thượng nguồn sông Phố, sông Sâu, Hà Tĩnh.

8. Cỗ Thái lao: lễ lớn, dùng đủ tam sinh tức ba con vật đẻ tế là: trâu, dê, lợn.

9. Bàn nhà: tức là "vua" phiêm âm tiếng Lào là "pha nhân"

10. Mường Mộc: nay là thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

11. Nam Mã: Vùng đất thượng lưu sông Mã, giáp đất Ai Lao.

Nhân lễ tết Nguyên Đán, năm Thiệu Bình thứ 2, nhà Vua dẫn các quan bái yết Thái miếu, rồi thiết triều:

Năm Ất Mão, Thiệu Bình thứ 2, tháng giêng, ngày mồng 1 [29/1/1435], vua dẫn các quan tới bái yết Thái miếu. Khi về cung, mặc áo trắng coi chầu, nhạc nổi lên, quan hầu thét cảnh giới, các quan đều mặc cát phục trắng an ủi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 20b.

Ngày mồng 3 tháng giêng, Vua Tuyên Tông mất, Vua Anh Tông lên ngôi; đến ngày 15 tháng 5, gửi chiếu dụ báo tin cho An Nam: 

Ngày mồng 3 [31/1/1435], Tuyên Tông nhà Minh băng. Hoàng thái tử Kỳ Trấn lên ngôi, tức là Anh Tông, đổi niên hiệu là Chính Thống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 20b.

Ngày 15 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 10 [11/6/1435]Chiếu dụ Quốc vương An Nam:

“Hoàng khảo ta dùng đức chí nhân để thống trị cơ nghiệp lớn, noi theo hiến chương, khôi phục hoằng dương chính hóa, làm cho quốc gia được vĩnh viễn hạnh phúc thái bình. Bất hạnh vào ngày mồng 3 tháng giêng năm nay về chầu trời, di mệnh ta nối đại thống, lên ngôi Hoàng đế vào ngày 10 [7/2/1435], tuyên bố rằng năm sau là năm Chính Thống thứ nhất; mệnh đại xá thiên hạ, tất cả đều được đổi mới. Nay ban chiếu để hay biết.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 6)
Ngày mồng 4 [1/2/1435], Vua Ai Lao sai bề tôi đến cống:

Vua Ai Lao là Dụ Quần sai bầy tôi là bọn San Mạc, Nại Mẫu đến dâng lễ cống: đồ uống rượu bằng vàng bạc và voi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 16.

Ra lệnh cho quân các đạo, cùng Ngự tiền tại kinh đô thi tập võ nghệ; riêng duyệt thủy chiến tại sông Nhị Hà, Vua đích thân ngự xem:

Ra lệnh cho quân các đạo đến những nơi gần gũi, thuận tiện trong đạo mình, chia quân tập trận; các quân ngự tiền thi tập võ nghệ ở điện đình.

Vua ngự đến Cảo Động xem các vệ quân năm đạo diễn tập đánh bộ, lại duyệt thủy chiến ở sông Nhị.” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 21b.

Các quan đặc trách về can gián thấy Vua ham chơi lười học, bèn liều chết dâng sớ khuyên 6 điều; Vua giận, nhưng cuối cùng tỏ vẻ phục thiện:

Ngày 21[18/2/1435], Ngôn quan là bọn Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ nói:

"Tiên đế dầm mưa dãi gió, mình mang giáp trụ, lao thân khổ trí, hơn mười năm trời mới dẹp yên thiên hạ. Bệ hạ kế thừa cơ nghiệp đã có sẵn rồi, nên lưu ý tới học thuật, năng tìm nhân tài để lo trị nước thành công. Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, thế là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung, bệ hạ khinh rẽ, mắng chửi mà không nghe, thế là hai điều không nên. Đến như thần phi, huệ phi là bậc dì, vào cung răn dạy, thì bệ hạ sai đóng  cửa trước mà không cho vào, thế là ba điều không nên. Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy, thế là bốn điều không nên. Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung, thế là năm điều không nên. Người làm vua phải tìm người tài giỏi biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có công lao mà thưởng họ, nay bệ hạ lại vui đùa với bọn hoạn quan nói rồi thưởng cho chúng, thế là sáu điều không nên. Thần chờ tội ở chức trách ăn nói, dám đâu không trình bày, xin bệ hạ trong khi coi chầu, hoặc tiếp xúc với các vị đại thần, hoặc nghe các quan tâu việc, phải ngay ngắn, trang nghiêm, lấy dung nghi cung kính của Thiên tử mà kính trọng bậc đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở đường cho người nói thẳng để thấu hiểu  tình hình bên dưới, thì lời khen "bậc đại hiếu biết nối chí kế nghiệp" không chỉ chuyên để khen Thành Vương, Thái Giáp (1) mà thôi".

Vua xem sớ giận lắm, vặn hỏi. Bọn tả hữu học Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối đi khắp nhà bọn Thiên Tước chất vấn, bắt nói tên người tố ra các việc nói trong sớ và trách mắng bọn họ. Thiên Tước trả lời:

"Những điều đó do Đồng tổng quản Bắc Giang hạ vệ Lê Lãnh nói với thần đấy. Bọn thần cốt sao yêu vua, làm hết chức trách mà thôi, dù chết cũng không sợ".

Bọn Cảnh Xước mới thôi.

 Hôm sau, Thiên Tước vào chầu, tâu rằng:

"Ngu Thuấn là bậc thánh nhân mà Bá Ích còn lấy sự chơi bời lười biếng để khuyên răn, Đường Thái Tông là bậc vua hiền, mà Ngụy Trưng vẫn đem mười điều thấm dần (2) mà phòng giữ. Bọn thần tủi nhục giữ chức ăn nói, chỉ sợ nhà vua có lỗi lầm, nên hết lòng ngu dại khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ kiếm củi, làm nghề, cũng đều trổ hết khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy".

Vua nguôi giận bọn Thiên Tước lại giữ chức cũ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 21b.

Vào tháng 10 năm ngoái [10/11/1434] Vua Tuyên Tông sai bọn Chương Xưởng mang chiếu chỉ sang phong, vào tháng 2 năm nay [3/1435] đến nước ta:

Tháng 2, nhà Minh sai Lễ bộ hữu thị lang Chương Xưởng, Hành nhân ty hành nhân Hầu Tấn đi theo Nguyễn Tông Trụ sang trao sắc mệnh cho vua quyền coi việc nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 23b.

Nhân dịp nhà Vua được phong Quyền coi việc nước, bèn làm lễ tế cáo Thái miếu, và sai Sứ mang sản vật địa phương sang nhà Minh tạ ơn:

Ngày Đinh Mùi mồng 5 [4/3/1435], sai Thiếu bảo Lê Quốc Hưng làm lễ tế tiên sư Khổng Tử, từ đấy về sau coi là thường lệ.

Ngày Mậu Thân [5/3/1435], tế xã tắc. Sai quản lĩnh Phan Tử Viết và đại phu Trình Nguyên Hy mang tờ biểu và phương vật đi theo bọn Xưởng sang tạ ơn nhà Minh.

Ngày mồng 8 [7/3/1435], làm lễ cáo Thái miếu vì có lệnh để vua quyền coi việc nước. Sai các quan đi tế khắp các thần kỳ trong nước có ghi trong tự điển (3).” Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 11, trang 23b.

Cũng vào ngày mồng 8 tháng 2 [7/3/1435], định thuế ruộng đất các loại, quy định tên húy; phạt đày 2 viên Sứ thần can tội giao thiệp riêng với người nước ngoài, tức giận đánh lẫn nhau, làm nhục quốc thể:

Định các ngạch thuế ruộng đất, đầm ao, bãi dâu. Ban tên húy của quốc triều. Khi gặp chữ chính về miếu húy, ngự danh thì không được viết. Ai có họ tên trùng với các chữ húy thì phải đổi, như tên húy của Cung Từ quốc thái mẫu là Trần, cho nên đổi họ Trần thành Trình.

Đày Thái Quân Thực ra châu xa, Nguyễn Tông Trụ ra châu gần. Hai người này khi vâng lệnh sang sứ nhà Minh, hữu ty làm giấy tờ, theo thứ tự trước sau, ghi Tông Trụ là bồi thần (4) , Quân Thực là kỳ lão. Quân Thực có ý bất bình. Khi đến nước Minh, chiếu theo thứ bậc để ban áo, thì áo của Quân Thực không có hoa văn kim tuyến, trong lòng hậm hực bảo người phương Bắc rằng:

‘Ta là quan tứ phẩm lại ở dưới Tông Trụ là làm sai’.

Đến khi dự yến, Thực không mặc áo được ban, mà mặc áo dệt kim tuyến của mình vào dự. Thực còn đem bản tâu do thừa chỉ Tham tri Nguyễn Trãi soạn ra mà chửi bới, lại chửi luôn cả Tham tri Đông đạo Đào Công Soạn, vì ông này đã cử Tông Trụ cùng đi với mình. Tông Trụ cũng giận dữ tranh cãi không ngớt, đến nỗi hai người đánh lộn lẫn nhau, Tông Trụ bị vỡ mặt, người đi theo can ngăn cũng không được. Hai người lại kiện nhau ở Hồng lô tự (5) nói xấu lẫn nhau. Tông Trụ còn lén tới nhà viên nội quan của Bắc triều ở Long Châu (6) nhận lễ vật tặng, lại nói với viên quan đi tiễn của Long Châu là Lã Hồi về chuyện khi đi sứ Ai Lao nói vụng Tiên đế nghe gièm giết bậy. Hai người này đều vì tội đi sứ mà giao thiệp với người nước ngoài, tức giận mà đánh lẫn nhau, làm nhục cả quốc thể, đáng phải xử tử. Nhưng vì đã từng có công, nên tùy theo tội nặng hay nhẹ, đều xử tội đi đày. Tông Trụ lại đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc, vua ghét Trụ vi phạm lệnh cấm mà làm tiền, liền lấy hết hành trang chia cho các quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 23b.

Ngày mồng 6 tháng 3, đúc xong 6 ấn báu, đặt tên, và quy định trường hợp dùng:

Tháng 3, ngày mồng 6 [4/4/1435], đúc xong ấn báu. Sai bọn Hữu bật Lê Văn Linh đến Thái miếu làm lễ tế cáo. Cả 6 ấn đều đúc bằng vàng bạc. Ấn "Thuận thiên thừa vận chi bảo" thì cất đi không dùng, chờ khi nào truyền ngôi mới dùng. Ấn "Đại thiên hành hóa chi bảo" thì dùng khi ban chiếu chế. Ấn "Sắc mệnh chi bảo" thì dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn. Ấn "Ngự tiền tiểu bảo" thì dùng khi có việc cơ mật. Nhưng chính sự thì vẫn dùng ấn bằng ngà, chưa dùng đến các ấn mới đúc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 24b.

Trong tháng 3 [4/1435] các xứ Lạng sơn, Hải Dương bị dịch. Đặt quan Phòng ngự sứ để trông coi các Mường tại Ai Lao. Xứ La La Tư thuộc Vân Nam và Quang Châu thuộc phủ Quảng Nam tại phía đông Vân Nam đến cống:  

Dân các lộ Lạng Sơn, Nam Sách [Hải Dương] đều bị bệnh dịch.

Lấy Ngự tiền trung quân thiết đột Lê Đẳng làm Phòng ngự sứ coi việc quân dân các xứ Phọc La, Trình Song, Mường Dương thượng và hạ của Ai Lao; Lê Thiên làm phòng ngự sứ coi việc quân dân các châu Nam Mã, Tàm Thượng, Tàm Hạ (7) huyện Lan Hòa. Bấy giờ các mường của Ai Lao, tuy ngoài mặt nói là quy thuận nước ta, nhưng vẫn giáo giở bất thường, nên triều đình phải đặt quan ở những nơi đó để trông coi.

Người nước La La Tư Điện (8) sang cống. Nước La La Tư ở phía bắc Ai Lễ, giáp với Vân Nam, ăn mặc theo tục Vân Nam, khi lạy tạ, đều tự nói tiếng nước họ.

Người Quang Châu thuộc phủ Quảng Nam đến dâng ngựa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 25b.

Vào tháng 7 năm trước [8/1434] bọn Sứ thần Lê Bính sang nhà Minh cảm ơn điếu tế Vua Lê Thái Tổ, tháng 3 này đến nơi được Vua Anh Tông ban quà:

Ngày 13 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 10 [11/4/1435]. Nước An Nam sai bọn Bồi thần Lê Bính, Quốc vương Mãn Thứ Gia (9) Tây Lý Ma Linh Thứ sai em là Thứ Ðiện Bả Thứ, Trung thuận vương Cáp Mật (10) Bốc Ðáp Thất Lý sai Sứ thần Linh Mi Tư đến cống lạc đà, ngựa, sản vật địa phương, khí mãnh. Ban cho các vật như lụa là, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 6)

Vào tháng 4 [5/1435], các Mường tại nước Ai Lao đến cống; lúa có sâu keo, bèn ra lệnh các quan địa phương cúng bái:

Mùa hạ, tháng 4, bọn Mường Qua (11) nước Ai Lao sang cống. Mường Tàm (12) dâng 1 con voi.

Ra lệnh cho các quan lộ, huyện, xã rằng: Nếu thấy chỗ nào có sâu ăn hại mầm dâu thì phải cúng lễ để trừ hại cho dân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 26b.

Tháng 5, lại lưu ý nghề nông hiện đúng mùa làm ruộng, phải thận trọng việc điều động sức dân:

Ra lệnh chỉ cho tướng hiệu các đạo và các lộ, huyện, trấn rằng: Hiện đang mùa làm ruộng, các quan lộ, huyện, trấn không được khinh suất điều động sức dân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 26b.

Tháng 6, ra lệnh quan quân thuộc 5 đạo trong nước lưu ý sửa chữa vũ khí. Ngoài ra nhà Vua vẫn tiếp tục vui đùa lười học; các quan đặc trách về can gián như Phan Thiên Tước lại phải khuyên can:

 “Tháng 6, ngày mồng 4 [29/6/1435], ra lệnh cho bọn tướng hiệu các vệ quân năm đạo đều phải sai người sửa chữa những chiến khí bị mối mọt hỏng nát.

Vua hằng ngày vui đùa với bọn hầu cận ở trong cung, các đại thần muốn khuyên vua học, cùng nhau tâu lên xin cử sáu văn thần là bọn Hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du... đi theo hai, ba đại thần chia phiên nhau vào hầu kinh diên. Vua sai Đinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận. Vua yêu dùng hoạn quan Nguyễn Cung. Bọn Lê Sát xin giết đi, vua không nghe. Thế là bọn Sát cáo ốm không vào chầu.

Bọn Thiên Tước tâu rằng: "Bậc sinh trị (13) không ai bằng Nghiêu Thuấn mà còn dùng Quân Trù, Thành Chiêu làm thầy. Các đế vương đời xưa, sở dĩ thánh đức ngày một tăng lên, chưa có bậc nào là không do học vấn. Huống chi bệ hạ đương lúc tuổi còn trẻ, chưa biết được mọi đạo trị nước xưa nay. Đại tư đồ Lê Sát chọn dùng nho thần vào hầu bên trên, là có ý muốn bệ hạ được như vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi, sao bệ hạ coi nhẹ tông miếu xã tắc, không thấy lòng trung thành của họ, để cho họ lo buồn mà không vào chầu? Xin bệ hạ nghĩ đến ý ký thác của Tiên đế, thì thiên hạ được đội phúc mà bệ hạ được hưởng lộc thọ của bậc đại hiếu". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 27a.

Tháng 7, người nước Ai Lao làm phản, bị dân địa phương đánh dẹp, rồi tâu cáo lên. Triều đình thưởng các quan làm việc lâu năm siêng năng, cùng kiểm tra khắp nước, bắt xét 53 người can tội tham ô:

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5 [29/7/1435], nước Ai Lao lại làm phản, đánh vào Mường Viễn. Người Man họ Nữu nước ấy đánh bắt được 13 người, chém được 9 thủ cấp, cắt lấy tai đem dâng.

Ngày mồng 7 [31/7/1435], thưởng cho các quan làm việc lâu năm, siêng năng tài cán. Hạng nhất được thưởng 1 tư và 5 quan tiền, hạng nhì được thưởng 1 tư [1 bậc].

Trước đây, vua đã sai người đi hỏi ngầm khắp nước, đến đây căn cứ vào lời tâu, bắt và xét hỏi những viên tham quan ô lại không giữ phép nước, gồm Tuyên úy các phiên trấn, tướng hiệu 5 đạo, các viên Tuyên phủ, Chuyển vận; Tuần sát các lộ, trấn, huyện, cộng là 53 người.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 28a.

Tháng 8, có sâu keo hại lúa. Đúc xong tượng vàng Vua cha và mẫu hậu, bèn rước vào thờ tại Thái Miếu. Sứ bộ  Lê Bính từ Trung Quốc trở về nước, tâu rằng có 7 nhân viên bị dịch chết:

Mùa thu, tháng 8, ngày [11 3/9/1435], sét đánh vào thuyền của quân Tây đạo. Có sâu hại lúa.

Ngày 22 [14/9/1435], đúc xong tượng vàng của Thái Tổ và Quốc Thái mẫu, sai nhà sư làm phép điểm nhỡn (14) rồi rước vào Thái miếu để thờ.

Ngày 28 [20/9/1435], Lê Bính và Nguyễn Thiên Tích vâng mệnh đi sứ phương Bắc trở về, tâu là phó sứ Phan Ninh, hành nhân Nguyễn Cát Phú và người đi theo, gồm 7 người bị bệnh dịch chết, nước Minh đều có điếu tế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 28a.

Tháng 9, mở kỳ thi tại Vân Tập Đường để sát hạch những giáo chức và quân dân có học:

Bấy giờ các giáo quan phần nhiều không xứng đáng với chức vụ, lại hay chê bai nói xấu lẫn nhau. Việc này lên đến triều đình. Nhà vua sai các giáo chức ở Quốc Tử Giám và ở các lộ cùng với những người quân và dân có học vấn đều tập hợp để thi ở Vân Tập Đường, rồi căn cứ vào đấy sẽ xét kỹ để bổ dụng hoặc sa thải. Chân giáo chức nào khuyết sẽ lấy những người quân và dân đã thi đỗ mà bổ dụng vào.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 16.

Ngày 18 [9/10/1435], bàn về việc cấp đất công và miễn giảm thuế; Gián quan Phan Thiên Tước yêu cầu phải miễn cho người neo đơn chết vợ, chết chồng, cuối cùng được chấp thuận:

Bấy giờ bàn việc giảm nhẹ ngạch thuế khóa. Sắc sai: phàm đất bãi công ở sở tại đều chia cấp cho quân và dân làm sản nghiệp đời đời: quân thì 5 sào, dân thì 4 sào, đều được miễn thuế. Còn riêng hạng quan, quả [chết vợ, chết chồng] đều không được miễn. Phan Thiên Tước nói:

‘Chính sự của vương giả, đối với những người quan, quả, phải thương xót trước, nay ơn huệ chỉ nhuần thấm đến quân và dân, còn hạng quan, quả phải riêng chịu khô héo! Thể thống chính sự há nên như vậy ư?’.

Do đấy, hạn người quan, quả cũng được miễn tô 3 sào.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 16

Tháng 10, bổ nhiệm quan đại thần tại các viện. Vua ngự xem 5 quân tập vượt sông; quan quân thuộc 5 đạo chuẩn bị 1 tháng lương, để tập luyện võ nghệ:

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 6 [27/10/1435], lấy Lê Cảnh Xước làm Nội mật viện sứ, vẫn hầu Kinh diên; Đào Công Soạn làm tri Thẩm hình viện sự; Nguyễn Văn Huyến làm tri Nội vật viện sự; Nguyễn Thúc Huệ làm Nội mật viện phó sứ; Hà Lật làm Hữu hình viện đại phu.

Ngày 18 [8/11/1435], vua ngự ra bến Đông [sông Hồng] phía đông thành xem năm quân thi vượt sông.

Ngày 29 [19/11/1435], ra lệnh chỉ cho các quan ngự tiền, các vệ quân và trấn quân năm đạo, cùng những người trong các sảnh, viện, cục, mỗi người đều phải mang lương ăn trong 1 tháng và các thứ chiến bào, đồ dùng, hạn đến ngày 15 tháng 11, phải tập hợp đầy đủ tại địa phận của mình để điểm danh và luyện tập võ nghệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 31a. 

Ngày mồng 1 tháng 11, có nhật thực, quan phụ trách Khâm thiên giám Bùi Thì Hanh biết trước, nhưng cho là hiện tượng thiên nhiên, không mê tín cứu chữa bằng hình thức như gõ mâm, nồi vv… như trước:

Tháng 11, ngày Mậu Thìn, mồng 1 [20/11/1435], có nhật thực, vì Bùi Thì Hanh đã mật tâu từ trước, nên không hộ cứu mặt trời.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 31a. 

Sứ Chiêm Thành đến nước ta, bị cật vấn về việc trước kia chiếm xứ Cổ Lũy [Quảng Ngãi] và không chịu nộp cống:

Chiêm Thành sai sứ sang.

Ngày 24 [13/12/1435], sứ Chiêm từ biệt về nước. Ban cho vải lụa. Sau Lê Nhữ Lãm hỏi bọn họ rằng:

‘Đồng ruộng các xứ Cổ Lũy [Quảng Ngãi] của nước Chiêm vốn là đất của ta, các ngươi nhân lúc nước ta nhiều biến cố, cướp lấy để tự vỗ béo mình, tới nay vẫn không nói đến trả lại. Lễ cống hàng năm lại không nộp là tại làm sao?’

Sứ Chiêm trả lời:

‘Bọn thần muốn cho hai nước thân yêu nhau, còn để gõ cửa mà xin lửa. Song chúa nước thần già lẫn, không chịu tin ai. Thần xin triều đình cử sứ sang báo cho chúa nước tôi, nếu không thì dù bọn thần có nói cũng không có bằng chứng gì để làm tin cả’. 

Nhữ Lãm nói:

‘Triều đình há lại không có lấy một sứ thần hay sao? Nhưng nước ngươi không giữ lễ nước nhỏ thờ nước lớn, thì sứ thần đâu có thể khinh xuất mà đi được?’.

Bèn làm công văn đóng dấu của Thượng thư trao cho sứ Chiêm mang về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 31b.  

Triều đình mang đại quân đi đánh châu Ngọc Ma, tại vùng Cam Môn, Cam Cớt phía tây tỉnh Nghệ An, bắt sống Tù trưởng Cầm Quí. Xứ Mường Bồn giáp giới với Ngọc Ma sợ vạ lây, nên trước đó xin qui thuận:

Mường Bồn Man sang cống các thứ ngà voi, sừng tê, bạc, vải. Mường Bồn giáp giới với đất của Cầm Quý, thấy Quý vô lễ, sợ vạ lây đến mình, cho nên quy thuận trước. Vua khen ngợi, sai đem áo kim tuyến về thưởng cho phụ đạo xứ ấy và ban lụa cho người đi sứ theo thứ bậc khác nhau.

Ngày 21   lấy Tư mã Tây đạo Lê Bôi làm Tổng quản; hữu bật Lê Văn Linh làm Tham đốc, đốc suất các vệ quân năm đạo và hai vạn trấn quân Nghệ An đi đánh tên phản nghịch Cầm Quý ở châu Ngọc Ma. Vua răn bảo phải nghiêm cấm tướng sĩ, vỗ yên nhân dân, tổng quản, đồng tổng quản, tổng tri nào trái lệnh thì bắt giam mà tâu xin xử tội. Từ vệ đồng tri trở xuống, người nào ra trận mà trái lệnh hoặc lùi lại thì cho chém trước tâu sau. Châu Ngọc Ma ở phía tây Nghệ An, phía đông Ai Lao. Cầm Quý chỉ có 1 vạn quân. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, Quý đã từng đem quân sang giúp, được trao chức Thái úy. Ít lâu sau lại ngờ vực, hối hận tự đem quân về. Đến khi dẹp xong giặc Ngô, Quý rất hổ thẹn và lo sợ, nhưng lại cậy đất hiểm, đường xa, không chịu thuần phục. Quý là người tham lam, tàn bạo, cấm dân không được trồng trọt tranh với mình, xây dựng cung thất lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ phải kể hàng trăm, bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ hết về mình. Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì bấy giờ còn đương có việc, nên chưa rảnh tính đến. Tới đây, vua sai đi đánh, bắt Cầm Quý đóng củi đưa về kinh sư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 31b. 

Nhân Sứ nhà Minh sắp sang, bèn cử Đào Công Soạn kiêm chức Thượng thư bộ Lễ đặc trách việc tiếp đón:

Lấy tri Thẩm hình viện sự Đào Công Soạn làm Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư. Công Soạn rất am hiểu điển cũ và phong tục người Ngô. Bấy giờ sứ nhà Minh sắp sang, vua muốn Công Soạn giữ việc ứng tiếp, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 33a.

Tháng chạp, Sứ thần nhà Minh bọn Chu Bật sang báo tin Vua Anh Tông lên ngôi. Bật là tên tham lam, lén nhận vàng và cho mang hàng ngàn gánh hàng hóa sang ép mua. Đến ngày 11, phái đoàn nước ta do Nguyễn Văn Huyến cầm đầu, theo Chu Bật sang Yên Kinh dâng biểu mừng:  

Tháng 12, sứ Minh là Chu Bật, Tạ Kinh sang báo việc vua Minh lên ngôi và việc gia tôn thái hoàng thái hậu. Bật vào đến địa giới, trước hết sai người tâu với vua mặc đồ cát phục (15) đón tiếp. Đến khi mở đọc chiếu thư, cũng không làm lễ cử ai, yến tiệc vui chơi như thường. Bọn Bật tham lam thô bỉ, trong bụng rất hám tiền của nhưng ngoài mặt làm ra vẻ liêm khiết, mỗi khi có tặng lễ vật vàng bạc, đều từ chối không nhận, nhưng lại nhìn những người đi theo nét mặt ngần ngại. Triều đình biết ý, mới đưa những người đi theo sang dự yến ở phòng khác, rồi nhân lúc rót rượu, ngầm lấy mấy nén vàng ấn vào lòng bọn Bật. Bật mừng rỡ khôn xiết. Bọn Bật lại mang nhiều hàng phương Bắc sang, đặt giá cao, ép triều đình phải mua. Đến khi về nước, phải bắt đến gần một nghìn dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Bật.

Ngày 11 [30/12/1435], lấy tri nội mật viện là Nguyễn Văn Huyến, Điện trung thị ngự sử Lương Thiên Phúc, Quản lĩnh Lê Lung, Tả hình viện đại phu Đinh Lan, cùng đi với sứ phương Bắc là Chu Bật, đem biểu mừng vua Minh lên ngôi và hoàng thái hậu được gia tôn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 33a.

Ngoài ra trong tháng chạp cho đào vét sông Đuống tại vùng Từ Sơn, Bắc Ninh và hoàn thành bản khắc gỗ bộ Tứ Thư Đại Toàn:

Hạ lệnh cho vệ quân các đạo và năm quân Thiết đột vét sông Đông Ngàn (16) .

Ván khắc mới sách Tứ Thư Đại Toàn hoàn thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 33b.

Chú thích:
1. Thành Vương: là vua nhà Chu, Thái Giáp: là vua nhà Thương, được coi là những vua giỏi thời cổ của Trung Quốc.
2. Nguyên văn "thập tiệm". Nguỵ Trưng là hiền thần của Đường Thái Tông, dâng sớ xin vua đề phòng 10 điều lầm lỗi có thể thấm dần mà mắc phải.
3. Tự điển: danh sách các vị thần được triều đình chính thức phong tặng, được hưởng cúng tế.
4. Bồi thần: vốn là chức quan đại phu của chư hầu xưng với thiên tử. Ở đây Tông Trụ là quan đại phu triều Lê, đi cống nhà Minh, xưng với thiên tử nhà Minh.
5. Hồng lô tự của nhà Minh.
6. Long Châu là tên huyện thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
7. Vùng đất thượng lưu sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa.
8. La La Tư: Theo Nguyên Sử Loại Biên thì La La Tư tuyên úy ti do nhà Nguyên thiết lập, thuộc lộ Vân Nam, đến đời Minh, thuộc vệ Vĩnh Xương.
9. Mãn Thứ Gia: Tức Melaka, một bang của Mã Lai.
10. Cáp Mật: Một bộ tộc nay thuộc tỉnh Tân Cương.
11. Mường Qua: Nước Lão Qua.
12. Mường Tàm: Tức Tàm Châu, vùng thượng lưu sông Mã nước Ai Lao.
13. Sinh trị: Nghĩa là sinh đã biết mọi việc, không cần phải dạy bảo, từ này chỉ dùng cho các bậc thánh nhân.
14. Điểm nhỡn: Vẽ mắt tượng.
15. Cát phục: Y phục mặc lúc có việc vui, trái với tang phục.
16. Sông Đông Ngàn: Khúc sông Đuống chảy qua huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trước đây nhà Minh chỉ phong cho các Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông  Quyền trông coi quốc sự; bấy giờ triều đình nước ta muốn nhà Vua được phong Vương như các triều đại trước; nên dùng Thượng thư bộ Lễ, Đào Công Soạn, người giỏi về ngoại giao, đảm nhiệm việc cầu phong:

Năm Thiệu Bình thứ 3, mùa xuân, tháng giêng [2/1436], bàn sai Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ sang nhà Minh cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 34a.

Mấy tháng sau Đào Công Soạn đến Yên Kinh, thu xếp xong điều kiện để được sách phong; rồi vội vã trở về nước mang vàng bạc sang cống vào tháng 6. Như vậy khi bọn Soạn đến Yên Kinh lần thứ nhất, có thể vào tháng 4; mới kịp trở về nước để đi chuyến thứ hai vào tháng 6. Nhưng văn bản Minh Thực Lục dưới đây ghi đến Yên Kinh vào tháng 6, ắt có sự lầm lẫn về thời gian: 

Ngày 27 tháng 6 nhuần năm Chính Thống thứ nhất [9/8/1436]. Quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lân sai Bồi thần Đào Công Soạn đến dâng biểu, cống sản phẩm địa phương. Ban cho các vật như lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 9).

Ngày mồng 6 tháng 6 sứ bộ Đào Công Soạn đem đồ cống sang Yên Kinh lần thứ hai, để dọn đường cho việc sách phong:

Tháng 6, ngày mồng 6, sai bọn Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Công Cứ sang nhà Minh nộp cống hằng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 34a.

Minh Thực Lục ghi vào ngày 12 tháng 9, sứ bộ Đào Công Soạn đến triều đình nhà Minh dâng biểu và cống vàng, bạc vv…:

Ngày 12 tháng 9 năm Chính Thống thứ nhất [21/10/1436] Nước An Nam sai Bồi thần bọn Đào Công Soạn dâng biểu cống vàng, bạc, sản vật….” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 10).

Việc ngoại giao tiến triển tốt đẹp, nên vào cuối tháng 9 Vua Anh Tông sai Thị lang bộ binh Lý Úc làm chánh sứ, mang ấn phong cho Vua Thái Tông chức An Nam quốc vương:

Ngày 28 tháng 9 năm Chính Thống thứ nhất  [6/11/ 1436]. Sai Hữu Thị lang bộ binh Lý Úc làm Chánh sứ, Thông chính sứ ty Tả Thông chính Lý Hanh làm Phó sứ mang ấn đến phong cho quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lân làm An Nam Quốc vương. Trước đây Tuyên Tông Hoàng đế mệnh Lê Lợi quyền trông coi quốc sự; sau khi Lợi mất, Lân nối chức, thờ triều đình rất cung kính. Thiên tử cho rằng con cháu nhà Trần không còn ai, chi bằng chính ngôi vị của Lân để thuận việc chiêu phủ kẻ dưới; quần thần bàn bạc đều cho là phải, nên mệnh bọn Úc đến phong tước và ban chiếu cho nước này rằng:

“Trẫm chịu mệnh trời, coi sóc dân trong thiên hạ; mong mọi nơi dưới cõi  trời đất che chở đạt được an khang. Nước An Nam lãnh thổ kề cận; ngươi Lân, con của quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi kế thừa; lấy đức cần cù thận trọng thờ người trên, chăn sóc kẻ dưới, không lười biếng để làm hỏng sự nghiệp. Nay đặc phong ngươi  làm An Nam Quốc vương, trao cho ấn chương để vĩnh viễn cai quản người trong nước; thể hiện sự đối xử chung một lòng nhân của Trẫm.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 11)

Ngoài ra vào ngày 11 tháng 11 năm trước [30/12/1435], có một phái đoàn khác là bọn sứ thần Lê Lung khởi trình sang nhà Minh dâng hương cho Vua Tuyên Tông mất và Vua Anh Tông lên ngôi; vào tháng 4 năm nay đến Yên Kinh:

Ngày 22 tháng 4 năm Chính Thống thứ nhất [ 8/5/1436].Lê Lân [ vua Lê Thái Tông ] quyền coi quốc sự nước An Nam sai Sứ là bọn Lê Lung  đến dâng hương, nhân vua Tuyên Tông Hoàng đế chầu trời.

Mừng Thiên tử lên ngôi quý, Thánh Tổ mẫu lên Thái hoàng Thái hậu, Thánh mẫu lên Hoàng Thái hậu; các nước sai sứ đến dâng biểu, cống sản phẩm địa phương. Được ban yến cùng các vật như lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 18). Đầu năm Thiệu Bình thứ 4 [2/1437], sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với hoạn quan Lương Đăng đốc suất tập luyện nhã nhạc, sắm nhạc khí; vì hai người ý kiến không thống nhất, nên xảy ra tranh chấp lớn:

Năm Đinh Tỵ, Thiệu Bình thứ 4, mùa xuân, tháng giêng Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35a.

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá, cùng lời khuyên muôn dân hài hòa là gốc của nhạc; nhà Vua tiếp nhận và cho làm khánh:

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:

‘Kể ra, đời loạn dùng [36a] võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc’.

Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn [huyện Kinh Môn, Hải Dương] lấy đá ở núi Kính Chủ để làm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Đến tháng 5. Nguyễn Trãi xin từ  chức hiệu đính nhã nhạc, vì bất đồng với Lương Đăng; nhưng Vua vẫn chấp nhận ý kiến của Lương Đăng:

Tháng 5, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng:

‘Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu định nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai’.

Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng sớ thư [38b] đại ý nói:

‘Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết [ngày sinh của vua], ngày chính đán [mồng một tết] , thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ phác đầu. Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự (1), nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lỗ bộ đại giá, như xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ (2), có cửu long dư, thất long dư (3), có bộ liễn, có phi liễn (4); về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kỳ, mao tiết, chương phiến (5), long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu cũng đều có quy định cả, thần không thể chép  hết được’.

 Thư ấy dâng lên, vua sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại để, quy chế do Đăng và Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chổ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi xin thôi việc đó. Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Tháng 11, ban bố các nghi thức mới do hoạn quan Lương Đăng đặt ra; bị các quan đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Liễu cực lực phản đối. Riêng Nguyễn Liễu mạt sát Lương Đăng nặng lời, bị lưu đày:

Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều, đại yến .

Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.

Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu rằng:

‘Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao! Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là báo giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh. Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì? Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao?. Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao? Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm".

Đăng tâu:

"Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền".

Nguyễn Liễu tâu rằng:

"Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này".

Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:

 "Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước".

Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chữ vào mặt, đày ra châu xa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 47b.

Năm ngoái vào ngày 28 tháng 9 [6/11/ 1436]. Vua Anh Tông sai Hữu Thị lang bộ binh Lý Úc làm Chánh sứ mang sắc ấn phong Vua  Lê Thái Tông làm An Nam Quốc vương; ngày 13 tháng giêng đến nước ta. Mấy ngày sau nhà Vua sai sứ sang triều Minh tạ ơn, cùng làm lễ tấu cáo trước thái miếu:

Ngày 13 [17//2/1437], nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính ty hữu thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua làm An Nam Quốc Vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng). Khi bọn Úc về nước, vua ban cho lễ vật rất hậu, nhưng bọn Úc từ chối không nhận.

Ngày 17 [21/2/1437], lấy Quản lĩnh quân Hùng tiệp là Thái Sĩ Minh làm chánh sứ; đồng tri Thẩm hình viện sự Hà Phủ và Hữu hình viện đại phu Nguyễn Nhật Thăng làm phó sứ sang tạ ơn nhà Minh.

Làm lễ tấu cáo Thái miếu, vì nhà Minh sang phong. [35b] Hạ lệnh cho các Hành khi Ban cho quan võ đội mũ cao sơn. Trước đây, quan võ đội mũ chiết xung, đến nay cho đội mũ cao sơn cũng như quan văn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35a.

Vào cuối tháng giêng, triều đình ra lệnh cho 5 đạo làm sổ hộ tịch; cùng thi tuyển được 690 người làm thuộc lại cho các cơ quan trong triều và các đạo:

“Hạ lệnh cho các Hành khiển năm đạo làm sổ hộ tịch.

Thi viết chữ làm tính, lấy đỗ 690 người, bổ làm thuộc lại các nha môn trong ngoài.

Phép thi: Kỳ thứ nhất, thi viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ hai, thi viết chữ chân, chữ thảo. Kỳ thứ ba, thi phép làm tính. Người dân và sinh đồ đều được vào thi, giám sinh và những người đã ở sổ quân thì không được thi.

Bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật, chuyên lấy việc sổ sách, giấy tờ và kiện tụng để xét thành tích của các quan, bọn lại thuộc phần nhiều chiều hót quan trên, cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Bọn hãnh tiến chán ghét học thuật, theo nghề đao bút (6). Giám sinh cũng muốn bỏ việc học hành mà xin vào làm lại, cho nên cấm không cho thi. Lần thi này, những kẻ luồn lọt, thỉnh thác có tới một nửa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Tháng 2, Vua đích thân tới đấu trường xem luyện tập võ nghệ. Cùng khảo xét võ nghệ các tướng hiệu; người nào dưới tiêu chuẩn bị giảm lương:

Tháng 2, vua tới trường đua xem tập võ nghệ.

Khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không được môn nào thì bị giảm lương, sau coi đó làm lệ thường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 37a.

Bổ nhiệm các viên chức, trong đó có Lưu Bá Cung trước kia là Thông dịch viên của Thành sơn hầu Vương Thông, từng cung cấp tin tức mật cho Vua Lê Lợi, nay được đề bạt:

Lấy Tả hình viện đại phu Đinh Lan làm An phủ phó sứ lộ Bắc Giang thượng. Đổi Đoàn Quốc Sĩ làm An phủ phó sứ lộ An Bang, lấy bọn nội thị Nguyễn Đình Trạc ba người làm Chuyển vận phó sứ, Vũ đội [36b] khách đội trưởng Lưu Bá Cung làm Tứ sương chỉ huy sứ.

Trước kia, Bá Cung làm thông sự cho Thành Sơn hầu Vương Thông. Năm Đinh Mùi (1427), Thái Tổ đóng bản doanh ở Bồ Đề, Vương Thông thường sai Bá Cung đi lại thông tin tức. Thái Tổ bảo Bá Cung rằng:

‘Nếu Vương Thông quả rút quân về nước, ta sẽ phong ngươi tước hầu’.

Khi đất nước bình yên, được cất nhắc làm đội trưởng. Đến đây, các đại thần đều nhắc tới việc đó, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 36a.

Tháng 3, trời hạn hán; ra lệnh cho các địa phương cầu mưa. Vào giữa tháng, có nguyệt thực, viên Thái sử biết trước, mật tâu lên:

Hạn hán, hạ lệnh cho các lộ, huyện trong nước làm lễ cầu mưa.

Ngày Ất Tỵ 15 tháng 3 [20/4/1437], có nguyệt thực. Thái sử Bùi Thì Hanh mật tâu nên ẩn đi, không hộ cứu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 37b. Tư liệu phương Tây trong Catalog of Lunar Eclipses cũng ghi nhận rằng ngày 20/4/1437 có nguyệt thực.

Tháng 4, làm lễ cầu mưa. Vua muốn xem thơ văn của Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi dâng lên; khi làm lễ Thái miếu, bỏ hát chèo và nhạc dân gian:

Mùa hạ, tháng 4 [5/1437], làm lễ cầu mưa ở cung Cảnh Linh.

Vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ (7), Nguyễn Trãi sưu tập được vài chục bài thơ, văn bằng quốc ngữ dâng lên.

Vua yết Thái miếu bãi trò hát chèo, không tấu nhạc dâm nữa (8).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 38a.

Đầu tháng 6 hạn hán vẫn tiếp tục, hạ lệnh cho các địa phương làm lễ cầu mưa. Đến ngày 12 kinh sư có mưa, Vua sai người đến các lộ xem có mưa không; hôm sau xuống chiếu giảm thuế, bớt hình phạt để yên lòng dân:

Tháng 6, hạn hán, có sâu hại lúa. Hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa.

Ngày Canh Ngọ 12 [14/7/1437], kinh sư có mưa, các quan đều chúc mừng, vua sai người đi các lộ xem có mưa không.

Ngày Tân Mùi 13 [15/7/1437], xuống chiếu rằng: Mấy năm nay hạn hán sâu bọ xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải bớt hình phạt, giảm thuế khóa, để yên lòng dân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 39b.

Lúc này Vua đã trưởng thành, tự xét đoán công việc; ghét Lê Sát chuyên quyền; bèn sai Trịnh Khả người đối kháng với Sát vào giữ cấm binh, đuổi những người thân cận của Sát ra khỏi triều đình. Rồi xuống chiếu bãi chức Lê Sát, bổ nhiệm trọng thần tại các đạo để củng cố quyền lực:

Bấy giờ, vua đã lớn tuổi, xét đoán mọi việc đã sáng suốt, mà Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó.

Đến đây, vua cùng những người hầu cận bàn mưu cho rằng Lê Ê, Lê Hiệu là người thân thích của Sát, mà Trịnh Khả thì trước có hiềm khích với Sát, bèn cho bọn Ê ra ngoài rồi trao cấm binh cho Khả nắm giữ. Sát xin giữ Hiệu lại nói rằng:

‘Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất’.

Vua trở vào cung. Ngày hôm sau, vua sai người báo cho Đinh Cảnh An:

‘Đại tư đồ Sát cho thăng chức mà không nhận, ta muốn lấy Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng đô đốc tổng quản, mà Lê Sát ngăn trở’.

Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích liền hặc tội rằng:

‘Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ’.

Tờ tâu dâng lên, vua trao cho Hình quan xét hỏi. Sát bỏ mũ tâu rằng:

‘Nay khép cho thần tội chuyên quyền, thế là tội của thần do Tiên đế mà có cả’.

Bấy giờ bọn Lê Văn Linh, Lê Ngân đều cứu gỡ cho Sát, nhưng vua không nghe.

Ngày Bính Tuất 28 [30/7/1437],  bãi chức tước của Đại tư đồ Lê Sát. Xuống chiếu rằng:

‘Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước’.

Cho Bùi Ư Đài được phục chức Đồng tri môn hạ tả ty sự, tước Trí tự, thành tri Tây [42a] đạo quân dân bạ tịch như cũ. Đưa Tây đạo tham tri quân dân bạ tịch Đặng Đắc ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, ít lâu sau bắt hạ ngục

Lấy Phạm Bôi làm Đông đạo hành quân tổng quản: Lê Lý làm Nhập nội thiếu úy tham tri Tây đạo chư vệ quân sự. Tước bỏ chữ "Công thần" và chức tước của bọn Lê Văn Linh, giáng xuống làm Bộc xạ. Lấy Lê Thận làm Tư mã tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Tham tri chính sự Lê Định làm Tư mã; Tham tri Nam đạo chư vệ quân sự Lê Lãng làm Tham tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Lê Lan làm Bắc Giang Hạ vệ đồng tổng quản. Lấy Thiên ngưu vệ hành quân tổng quản quản lĩnh tả dực thánh quân kiêm Nghệ An lộ đại tổng quản Lê Chuyết làm Bảo chính công thần hành quân tổng quản tri Kim ngô vệ chư quân sự quản lĩnh [42b] hữu dực thánh quân. Đưa Lê Ê ra làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Lấy Nhập nội tư khấu Bắc đạo hành quân đô tổng quản Lê Ngân làm Nhập nội đại đô đốc Quy Hóa trấn phiêu kỵ thượng tướng quân đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty thượng trụ quốc, Quốc huyện thượng hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 40b.

Tháng 7, nhà Vua phế Nguyên phi Ngọc Dao, con gái Lê Sát, làm dân thường. Định xử chém Lê Sát, nhưng các quan như Bùi Cầm Hổ khuyên can, nên bắt tự tử tại nhà:

Mùa thu, tháng 7, lấy Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái Đại đô đốc Lê Ngân, làm Huệ phi, phế Nguyên phi Ngọc Dao, con gái Lê Sát, làm thứ nhân. Xuống chiếu rằng:

Lê Sát tội không thể dung thứ, đáng phải chém để rao, nhưng trẫm tha không cho giết. Duy Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát, định hại xã tắc thì phải chém bêu đầu. Nguyễn Gia Nô vì biết chuyện lại không tố cáo thì phải đày ra châu xa. Còn [43a] bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiệu, đều phải xử phạt theo pháp luật, có ân xá cũng không được hưởng. Lê Bang vì là con rể của Sát, tự tiện ra vào nhà Sát, cho đày ra châu xa’.

 Lấy An phủ sứ lộ Lạng Sơn là Bùi Cầm Hổ làm Ngự sử trung thừa, vì Hổ trước đã hặc tội Lê Sát (9) .

Cho Lê Sát được tự tử ở nhà.

Tờ chiếu viết:

‘Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết, mưu hại bậc trung thần lương tướng, mưu kế giảo quyệt, dấu tích gian phi mỗi ngày một lộ rõ, đáng phải chém đem rao’.

Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ cùng tâu rằng:

‘Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần, nếu đem xác đi rao để làm nhục thì sợ rằng để tiếng chê cười cho đời sau’.

Bèn cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. Đem đồ đạc của cải nhà Sát ban cho các quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 42b.

Vào tháng 8 thuyền buôn nước Tiêm La đến cống; riêng Ai Lao mang quân quấy phá vùng Sơn La, bị đánh đuổi:

Tháng 8 [9/1437], thuyền buôn nước Xiêm La sang cống.

Bấy giờ, Ai Lao đem quân sang tranh châu Mã Giang [Sơn La] và châu Mộc, Xa Tham đánh lại, chém được tù trưởng của chúng là bọn Man Nữu hơn 20 thủ cấp, bắt sống hơn 20 người giải về kinh sư. Ai Lao sai sứ sang xin lại. Vua tha cho về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 44a.

Sau khi Lê Sát bị thất sủng, Bùi Cầm Hổ người từng chống đối Sát được trở về triều giữ chức Ngự sử trung thừa; Cầm Hổ tiếp tục đàn hặc các quan lại thiếu khả năng hoặc lầm lỗi, như Lê Đổ, Lương Đăng:

Lấy Ngự tiền cường nỗ hỏa đồng tri quân Lê Đổ làm Chính sự viện đồng tham nghị.Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

‘Chức Tham nghị quan hệ đến việc phụ chính, không phải là bậc [45b] lão thành thì không được. Nay Lê Đổ là người nhiều lầm lỗi mà thăng lên chức ấy thì làm sao cho được?’

Vua không nghe.”

“Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

‘Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng, Tiên đế cho là người hơi hiểu biết, dùng làm Nội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay lại thấy hắn làm quan xin bệ hạ nghĩ lại". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 45a.

Vào tháng 9, có người dâng mũ đẹp, rồi xin người vào làm tại cục chế tạo mũ; Vua định dùng 12 người. Nguyễn Vĩnh Tích và Bùi Cầm Hổ can ngăn; Vua không bằng lòng, giáng Bùi Cầm Hổ xuống 2 cấp:

Tháng 9 [10/1437], người thợ Cao Liệt dâng hai chiếc mũ cỏ và lấy dân xin vào làm ở cục đó. Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích can rằng:

‘Thời xưa, người làm vua không hề quý nghề đua lạ khoe khéo. Cho nên vua Thuấn đóng đồ sơn mà có đến 17 người can ngăn. Nay có người dâng mũ thì xin bệ hạ hãy nghĩ tới thời Tiên đế phải dãi gió dầm mưa, chưa bao giờ có thứ đó?’.

Khi bãi chầu  vua đưa mũ cho đại thần và đài quan xem và hỏi họ:

‘Cái mũ này có gì là lạ mà quan phải can?’

Vĩnh Tích trả lời:

‘Thần muốn vua hơn cả Nghiêu Thuấn, cho nên can trước cái điều chưa manh nha đó thôi!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 45b.

Tháng 10, đày tay chân thân tín của quyền thần Lê Sát; con Cầm Quí châu Ngọc Ma qui thuận triều đình, bắt nạp người em chống đối; Hoạn quan Lương Đăng dâng 5 kiểu xe, được thăng chức Đô giám:  

Mùa đông, tháng 10 [11/1437], đày bọn Lê Thảo ra châu xa. Bấy giờ bọn Lê Thảo, Lê Khản, Lê Khắc Hài đều là võ sĩ, là bọn thân tín của Lê Sát. Đến khi Sát bị tội, có người nói bọn chúng là thích khách của Sát, tra khảo thế nào chúng cũng không nhận. Hình quan cho là bọn Thảo nghe Lê Sát định giết Đại đô đốc Lê Ngân, tội đáng chém. Có chỉ đặc ân tha cho tội chết, bắt đày ra châu xa, tịch thu vợ con, điền sản.

Đạo Mộ ở châu Ngọc Ma [Cam Môn, Cam Cớt thuộc Ai Lao] bắt em hắn là bọn Đạo Muộn và hơn 50 thủ hạ giải về kinh sư. Muộn là em khác mẹ của Mộ, đều là con của Cầm Quý. Khi quan quân đánh Ngọc Ma, thì Mộ quy thuận triều đình, còn Muộn thì theo cha sang Ai Lao. Sau khi Quý bị giết, Mộ gọi Muộn về. Đến khi về, lại âm mưu giết Mộ, cho nên Mộ bắt đem nộp. [47a]

Ngày Canh Ngọ 14 [11/11/1437], năm kiểu xe lộ (10) làm xong. Cho Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng làm đô giám.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 46b.

Tháng 11, ban hành nghi thức mới lúc thiết triều. Sứ thần Xiêm La đến cống; Vua ra lệnh giảm thuế buôn và tặng quà Quốc vương cùng Vương phi nước này:

Ngày Bính Ngọ 20 [17/12/1437], vua ra coi chầu! Khi ra, khi vào có vút roi dẹp đường. Vút roi dẹp đường bắt đầu từ đó.

Ngày Mậu Thân 22 [19/12/1437] là lễ tế Kế Thiên thánh tiết. Hôm ấy, buổi sáng vua bái yết Thái miếu, làm lễ 4 lạy. Khi về cung, Lỗ bộ ty (11) bày nghi trượng ở Đan Trì. Vua mang triều phục, áo cổn, mũ miện, ngự ở điện Hội Anh. Đại đô đốc Lê Ngân dẫn các quan mặc triều phục, làm lễ dâng biểu chúc mừng. Vua mặc áo cổn, mũ miện, các quan mặc triều phục [49a] bắt đầu từ đây. Ban đại yến cho các quan, việc treo hoa dâng cỗ đều theo nghi lễ mới.

Nước Xiêm La sai sứ là bọn Trai Cương Lạt sang cống. Vua đưa cho sắc thư bảo mang về và trừ cho phần thuế buôn giảm xuống bằng nửa phần năm trước, cứ 20 phần thu 1 phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra, về phần chúa nước ấy, cho 20 tấm lụa màu, 30 bộ bát sứ, phần của bà phi nước ấy là 5 tấm lụa màu, 3 bộ bát sứ, mỗi bộ 35 chiếc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 48b.

Tháng chạp, giết Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân, tịch thu cả nhà. Giáng truất Huệ phi Lê Thị, con gái Lê Ngân:

Có người cáo tỏ rằng nhà Lê Ngân thờ phật Quan Âm để cầu khẩn cho con gái là Huệ phi được vua yêu chiều. Bấy giờ nhà vua đang ngự ở cửa Đông trong thành, bèn sai thái giám Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến khám nhà Lê Ngân, soát thấy có pho tượng Phật để thờ, vàng, bạc và lụa màu. Nhà vua sai bắt nô tì của Lê Ngân để xét hỏi. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra, tạ tội rằng:

‘Tôi từ trẻ, theo đi khởi nghĩa Lam Sơn, may được trông thấy cảnh thanh bình; về già, vì dồn chứa nhọc nhằn vất vả đã lâu, nên sinh lắm bệnh. Thầy bói đoán rằng chỗ đất nhà tôi ở là ngôi chùa cổ đã hoang phế, nay sinh yêu ma làm cho động trệ, không yên, nên sùng mộ đạo Phật để cầu âm phúc. Chẳng ngờ nay bị người vợ lẽ mà tôi đã bỏ, cùng với Trần Thị, là vợ lẽ của Lê Sát ngày trước mà nhà vua ban cho nhà tôi (12) xui xiểm, kết hợp với tên đầy tớ gian ngoan, nhân dịp thêu dệt cho thành tội lỗi. Nếu được nhà vua soi xét định đoạt thì buông tha cho tôi về điền viên để được trót đời tàn rạc này’

Nhà vua chưa nguôi giận, giao Lê Ngân cho tòa pháp ti luận tội. Khi án đã thành, nhà vua cho phép Lê Ngân được chết, tịch thu cả nhà, phế Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân xuống làm Tu dung [cung phi loại thấp]. Bà đồng (13) cũng bị đày đi châu xa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 17.

Vua ra lệnh người Trung Quốc ngụ cư phải mặc Việt phục, đốc suất các đạo đào kênh, sửa sang chiến thuyền để chuẩn bị tập thủy trận:

Ra lệnh cho người Minh phải mặc quần áo người Kinh người Việt và cắt tóc ngắn.

Đốc suất dân chúng năm đạo đào các kênh.

Ra lệnh cho các quan Đô tổng quản năm đạo sửa sang thuyền chiến, thuyền tuần tiễu và cờ xí cho nghiêm chỉnh, đầy đủ để tháng giêng năm sau diễn tập thủy trận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50a.

Chú thích:

1. Ngũ tự: theo Lễ kinh, thiên Nguyệt lệnh, thì Ngũ tự là năm lễ tế các thần Hộ (cửa), Táo (bếp) Trung lựu (giữa nhà), Môn (cửa lớn), Hành (đường đi).

2. Đại lộ: xe lớn, tượng lộ: xe trang sức bằng ngà voi; mã lộ: xe ngựa.

3. Cửu long dư: kiệu chín rồng; thất long dư: kiệu bảy rồng.

4. Bộ liễn: xe đi thong thả, phi liễn: xe đi nhanh.

5. Tinh kỳ, mao tiết: là các loại cờ. Chương phiến: loại quạt lớn làm bằng lông chim.

6. Đao bút: chỉ bọn thư lại chuyên nắm giấy tờ sổ sách, nguy hiểm như người cầm đao.

7. Họ Hồ: Tức Hồ Quý Ly, Hồ Quý Ly có nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, nhưng hiện nay chưa tìm lại được.

8. Dâm nhạc: Đối lập với nhã nhạc, ở đây chỉ các làn điệu dân gian.

9. Bùi Cầm Hổ trước làm quan ngự sử, mâu thuẩn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Xem sự việc năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), tháng 9.

10. Năm kiểu xe lộ: 5 loại xe lớn gồm Ngọc lộ (xe nạm ngọc), Kim lộ (xe trang sức bằng vàng), Tượng lộ (xe trang sức bằng ngà voi), Cách lộ (xe bọc da), Mộc lộ (xe đóng gỗ). Xe của vua và hoàng hậu, cung phi, có quy chế sẳn; các xe ấy đều gọi chung là "lộ".

11. Lỗ bộ ty: cơ quan chuyên trông coi về nghi trượng của Vua.

12. Trần thị vợ lẽ của Lê Sát cùng gia quyến đều bị sung công làm nô tì khi Lê Sát phải tội, do đó nàng bị nhà vua chia phát cho nhà Lê Ngân.

13. Bà đồng: người phụ trách việc thờ cúng tại nhà Lê Ngân.

Vào các tháng giêng và tháng 5  năm Thiệu Bình thứ 5 [1438], Vua cho đào kênh tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Cũng trong tháng 5, giáng người anh trưởng là Quận vương Tư Tề làm thường dân:

Năm Mậu Ngọ, Thiệu Bình  thứ 5 [2/1438], (Minh Chính Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, sai dân chúng 4 đạo đào kênh ở Trường Yên [Ninh Bình], Thanh Hóa, Nghệ An.

Mùa hạ, tháng 5, sai văn thần đốc thúc quân dân đào các kênh ở lộ Thanh Hóa.

Giáng quận vương Tư Tề xuống làm thứ nhân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50b.

Bấy giờ trong nước có nhiều thiên tai; nhà Vua xuống chiếu tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ và cầu lời nói thẳng:

Ngày 27 [19/6/1438], vì có nhiều tai dị, xuống chiếu rằng:

‘Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trể hay là do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50b.

Vào tháng 10, sai bọn Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Đình Lịch sang triều Minh nạp cống:

Mùa đông, tháng 10, ngày 13 [31/10/1438], sai Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Đình Lịch, Thiêm tri Nội mật viện sự Trình Hiển, Thị ngự sử Nguyên Thiên Tích sang nhà Minh nộp cống hàng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b.

Về phía nhà Minh vào tháng 6 năm Chính Thống thứ 3 [1438], sai bọn Cấp sự trung Thang Đỉnh sang nước ta phản đối việc Thổ quan châu Hạ Tư Lang [Lạng Sơn] là Nông Nguyên Hồng và những người tại biên giới mang quân sang đánh phá các châu Tư Lăng, An Bình tại phủ Thái Bình, Quảng Tây; đòi hỏi phải trả hết người, trâu bò, súc vật và đất đai đã xâm chiếm. Toàn Thư chép vào tháng chạp, phái đoàn này đến nước ta:

Ngày 4 tháng 6 năm Chính Thống thứ 3 [25/6/1438]. Sai Cấp sự trung Thang Ðỉnh, Hành nhân Cao Dần đi sứ An Nam, mang sắc dụ Quốc vương Lê Lân rằng:

‘Trẫm nối ngôi trời, thống ngự vạn phương, thể theo lòng trời mưu đồ sự yên tĩnh.

Mới đây Thủ thần Quảng Tây tâu rằng Thổ quan Hạ Tư Lang nước ngươi là Nông Nguyên Hồng đánh giết người châu An Bình, bắt trai gái hơn 220 người, cướp đốt trâu dê phòng ốc, chiếm thôn động gồm 220 nhà. Lại tâu người biên giới thuộc nước ngươi mang đám đông cướp phá thôn Ky Châu, thuộc Tư Lăng; bắt trai gái hơn 40 người, cướp đốt trâu dê phòng ốc; điều này há lại ngươi chưa nghe? Hoặc hiệu lệnh của ngươi không được những kẻ tại đó thi hành?

Nay sai sứ hiểu dụ ngươi, lệnh Nông Nguyên Hồng và Ðầu mục nơi biên giới phải mang trả đủ người, trâu bò. súc vật, đất đai đã xâm chiếm; rồi tâu lên đầy đủ thì được tha cho tội trước. Từ nay trở về sau, cung kính tuân theo lễ pháp, mỗi bên giữ cương giới của mình; nếu không tuân tất sẽ trị tội. Ngươi đừng che chở cho chúng, khiến bản thân ngươi vướng vào lầm lỗi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 13)

Tháng 12 [1/1439], nhà Minh sai Cấp Sư trung Thang Đỉnh, hành nhân Cao Dần sang nói về việc địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b.

Vào cuối tháng 12, triều đình ta cứ Trung quân đồng tri Lê Bá Kỳ và Trung thừa Bùi Cầm Hổ sang Minh tâu đầu đuôi việc xảy ra tại phủ Thái Bình; tháng 4 năm sau [13/5/1439] đến kinh đô Bắc Kinh. Phái đoàn ta tố cáo rằng trước đó Thổ quan châu An Bình, bọn Tri châu Lý Hạc, Triệu Nhân Chính đánh chiếm lãnh thổ châu Tư Lang, giết và cướp người cùng súc vật; do đó Nông Nguyên Hồng, Thổ quan châu Tư Lang mới đánh phục thù; tuy nhiên vẫn hứa trả lại súc vật và đất đã chiếm cứ:

Ngày 20 [5/1/1439], sai Trung quân đồng tri Lê Bá Kỳ và Trung thừa Bùi Cầm Hổ sang Minh tâu việc địa phương Thái Bình (1).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b

Ngày 1 tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 [13/5/1439]. Quốc vương An Nam Lê Lân sai bọn Bồi thần Lê Bá Kỳ dâng biểu, cống sản vật địa phương và tạ tội. Trước đây bọn Thổ quan châu Tư Lang nước này tên là Nông Nguyên Hồng đánh châu An Bình, Tư Lăng thuộc phủ Thái Bình; chiếm 2 động, 21 thôn. Triều đình sai bọn Cấp sự trung Thang Ðỉnh đến hiểu dụ Lân. Lân bèn sai bọn Bá Kỳ đến tạ tội và dâng biểu rằng:

‘Ngưỡng trông Thánh Thiên tử đối xử chung một lòng nhân, xa gần không phân biệt. Thần từ khi nhận triều mệnh đến nay, chỉ lo giữ lãnh thổ yên dân để đáp ứng lòng Thánh Thiên tử; nào dám quanh co che dấu để Nguyên Hồng làm lụy đến sinh linh một nước. Nay tuân lệnh xin trả lại súc vật cùng đất đai đã chiếm cứ, lại giới sức Nguyên Hồng thay lòng sửa đổi, không gây nên tội để lụy đến thần. Kính xin Thánh Thiên tử rũ lòng khoan thứ. Kính cẩn dâng biểu cùng cống 100 lạng vàng 200 lạng bạch kim, 100 cân trầm hương; lụa quyên địa phương, giáng chân hương, tuyến hương, ngà voi, quạt ngà, mỗi thứ vài trăm. Thần run sợ vô cùng, đợi sự trừng phạt.’

Lại sai bọn Bồi thần Bùi Cầm Hổ dâng tấu rằng:

‘Trước đó Nông Nguyên Hồng nói rằng mấy lần bị Thổ quan châu An Bình, như Tri châu Lý Hạc, Triệu Nhân Chính đánh chiếm lãnh thổ châu Tư Lang, giết và cướp người cùng súc vật. Thần cho rằng dân Man nơi biên giới thù giết nhau là chuyện thường, mà lời của Nguyên Hồng cũng không tin hết được, nên không dám tâu lên để làm phiền Thánh Thiên tử. Chỉ răn đe Nguyên Hồng không kết oán gây sự, lại gửi văn thư cho ty Bố chánh Quảng Tây xin ngăn cấm bọn Hạc. Gần đây lại được Sứ thần đến hiểu dụ việc nêu trên; thần run sợ không biết làm sao, chỉ nghĩ rằng dưới cõi trời này không đất nào là không của Thiên tử, không dân nào là không của Thiên tử, dân Tư Lang cũng là con đỏ của triều đình vậy; mà bọn Hạc xâm nhiễu không được yên ổn, Thiên tử nơi cửu trùng làm sao biết được! Thần không làm được gì, chỉ biết kêu van để xin Thánh minh cúi xuống soi xét.’

Thiên tử cho rằng người xa xôi biết hối hận, không truy xét sự sai trái. Việc tâu rằng Lý Hạc cướp phá, lệnh các quan Tổng binh tại Quảng Tây thẩm xét rồi tâu lên.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 17)

Vua Anh Tông nhà Minh phúc thư, hứa sẽ cho điều tra việc Thổ quan châu An Bình trước đó gây hấn:

Ngày 10 tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 [22/5/1439]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Lân rằng:

‘Nhận được lời tâu Vương cho câu lưu cha con Nông Nguyên Hồng để thẩm vấn cùng đem những thứ chiếm đoạt trả lại, thấy được là vua biết theo lễ giữ pháp luật. Lại tâu việc Thổ quan châu An Bình, Tri châu Triệu Nhân Chính đánh chiếm đất đai, cướp đoạt người và súc vật; đã ra lệnh quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Ðoàn cùng Tam Ty Quảng Tây tra khám minh bạch rồi tâu lên đầy đủ để định đoạt. Từ nay Vương nên nghiêm sức những người giữ biên thùy lo giữ cương giới, đừng buông tuồng gây hấn, sẽ rước lấy mối họa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 19)

Việc điều tra tiếp tục đến năm Chính Thống thứ 7 [1442], phía Minh lại sai Cấp sự trung Thang Đỉnh đến hỏi, Nông Nguyên Hồng tố ngược lại rằng bị Tri châu An Bình Nhân Chính chiếm đất, cướp người. Bộ Binh nhà Minh muốn đưa Nguyên Hồng đến chỗ tranh chấp đối chất; nhưng rồi sự việc không chép thêm, chắc rằng phía Đại Việt không chấp nhận:

Ngày 4 tháng 8 năm Chính Thống thứ 7  [7/9/1442]. Trước đây Thổ quan châu An Bình Quảng Tây Triệu Nhân Chính tâu rằng bị Thổ quan châu Tư Lang Giao Chỉ Nông Nguyên Hồng xâm chiếm đất đai; giết cùng cướp người và súc vật. Sai bọn Cấp sự trung Thang Đỉnh đến Giao Chỉ hỏi lý do. Nguyên Hồng xưng ngược lại rằng bị Nhân Chính chiếm đất, cướp người. Bộ Binh tâu xin sắc dụ quan Tổng binh Quảng Tây Liễu Ðoàn điều tra kẻ nào thực, kẻ nào dối. Nên sắc dụ nước An Nam cho người đưa Nguyên Hồng đến ngay chỗ tranh chấp để hội khám và xét hỏi. Thiên tử chấp nhận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 30)

Tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 6 [2/1439], bộ tộc Cầm Man (2) đem người Ai Lao vào cướp nơi biên giới; nhà vua tự làm tướng đi đánh dẹp:

Kỷ Mùi, Thiệu Bình năm thứ 6 [1439], (Minh Chính Thống năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh các châu Phục Lễ. Bọn man họ Cầm nhiễu hại dân biên giới, vua sai tướng đi hỏi tội chúng. Ai Lao tin nghe bọn man họ Cầm là Cương Nương, sai tên Nữu Hoa của chúng dẫn hơn 3 vạn binh tướng sang giúp, lấn cướp các châu Phục Lễ. [52a] Vua thân hành dẫn 6 quân đi đánh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b

Tháng 3 [4/1439] ra qui định thống nhất về tiền đồng, vải, lụa và giấy:

Tháng 3, ra lệnh quy định số đồng của 1 tiền, kích thước dài nhắn của vải lụa và quy cách của tờ giấy viết. Hễ tiền đồng thì 60 đồng là 1 tiền, lụa lĩnh thì mỗi tấm dài 30 thước, rộng 1 thước 5 tấc trở lên, vải gai nhỏ mỗi tấm dài 24 thước, rộng 1 thước 3 tấc trở lên, vải tơ chuối thì mỗi tấm dài 24 thước, vải bông thô mỗi tấm dài 22 thước, giấy thì tính 100 tờ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52a.

Tháng 10 [11/1439], Hoàng tử Nghi Dân sinh; tháng 11 [12/1439] ra lệnh đại xá, đổi niên hiệu Đại Bảo vào năm sau:

Mùa đông, tháng 10, hoàng tử Nghi Dân sinh.

Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu. Lấy tháng giêng năm sau làm Đại Bảo năm thứ 1. Đại xá thiên hạ. Những người 70 tuổi trở lên được thưởng tước 1 tư và cho ăn tiệc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52b.

Ngày mồng một tháng giêng năm Canh Thân [1440] đổi niên hiệu là Đại Bảo. Tiếp đến trong tháng nhà Vua đích thân mang quân đánh viên thổ tù phản nghịch Hà Tông Lại, đến ngày 20 chém được tên này. Ngày 21, lập con trưởng Nghi Dân làm Hoàng thái tử:

Canh thân, Đại Bảo năm thứ 1, (Minh Chính Thống năm thứ 5). Mùa Xuân, tháng giêng, ngày mồng 1 [3/2/1440], đổi niên hiệu.

Vua đích thân đi đánh tên phản nghịch Hà Tông Lai ở huyện Thu Vật [huyện Yên Bình, Yên Bái], thuộc Tuyên Quang.

Ngày 19 [21/2/1440], bắt được Tông Mậu, con Tông Lai.

Ngày 20 [22/2/1440], chém được Hà Tông Lai rồi đem quân về. Dâng tù cáo thắng lợi ở Thái miếu.

Ngày 21 [23/2/1440], lập con trưởng là Nghi Dân làm Hoàng thái tử.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52b.

Vào tháng 2, phía biên giới đông bắc bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Đông; viên Tuần vũ nhà Minh tâu về triều rằng thời Tuyên Đức năm đầu [1426], tức giai đoạn Vua Lê Lợi kháng Minh, Thổ tù Hoàng Khoan theo Vua Lê, mang dân và đất qui phụ, nay xin kêu gọi trở về:

Ngày 29 tháng 2 năm Chính Thống thứ 5 [1/4/1440]. Tuần vũ Quảng Đông Giám sát Ngự sử Chu Giám tâu rằng:

‘Dân châu Khâm bọn Hoàng Khoan làm phản theo An Nam; chiêu phủ năm này qua năm khác nhưng không phục. Xin sắc mệnh cho quan Đại thần tại triều đình bàn bạc gửi văn thư hứa miễn thuế lương thực nếu trở về với nghề nghiệp cũ; ngoài ra xin cử một Đô Chỉ huy thanh liêm được việc đến trấn thủ tại châu Khâm.

Thiên tử mệnh số thuế bọn Khoan thiếu, hãy ngưng lại không thu. Còn ra sắc dụ cho Tam Ty Quảng Đông rằng:

‘Con người ta không ai là không thích an lạc ghét khổ sở; bọn Khoan đều do các quan lại quận huyện tham bạo ngược đãi, bất đắc dĩ phải tìm kế tự toàn. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lấy sự dưỡng dân làm chính sách; các ngươi là những người được tuyển chọn cẩn thận, hãy thể theo y trẫm, lấy lòng trung phủ dụ còn có thể cảm hóa được loài vật như cá, lợn huống gì là con ngươi! Các ngươi mỗi người hãy cử quan cao cấp một viên, cùng với Tuần vũ, Án sát, Ngự sử thân đến chiêu dụ; chỉ dùng những lời tử tế cảm hóa, bọn chúng nhớ ơn vui lòng khâm phục, khiến dân được yên. Lại ban một đạo sắc dụ bọn Khoan, giao các ngươi đưa đi. Khâm châu là nơi quan trọng, hãy bàn bạc chọn trong đám Đô Chỉ huy một tay lão thành thanh liêm, được việc đến trấn thủ; không được phép sinh sự.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 23)

Quan lại tại Quảng Đông tìm mọi cách chiêu dụ, nhưng Hoàng Khoan quyết không trở về. Nhà Minh khảo sách địa lý, cho rằng trong giai đoạn Tuyên Đức năm đầu [1426] An Nam đã chiếm số lớn đất châu Khâm, bộ binh đề nghị khi nào sứ giả An Nam đến, sẽ yêu cầu trả lại:

Ngày 15 tháng 10 năm Chính Thống thứ 5 [9/11/1440]. Dân châu Khâm, Quảng Đông là bọn Hoàng Khoan từ năm đầu Tuyên Đức [1426] dụ dỗ cư dân hơn 290 hộ cùng ruộng đất, hiến cho An Nam. Trước đây đã sắc cho Tuần phủ, Án sát, Ngự sử cùng các quan tại Tam Ty mang sắc phủ dụ, nhưng bọn Khoan không tuân. Khảo xét chí thư về châu này, từ khi Hán Mã Viện bình định xong, lấy Đồng Trụ làm giới hạn phía tây nam, Phân Mao Lãnh giới hạn phía tây bắc; trong vòng giới hạn đó từ thời Hán Vũ đế đến nay đều lệ thuộc châu Khâm. Nay trong vòng Phân Mao Lãnh hơn hơn 300 dặm, trong vòng Đồng Trụ hơn 200 dặm đều do An Nam xâm lấn. Nếu như ban sắc dụ Vương An Nam trả lại đất đã xâm lấn, thì không cần phải gọi dân về, vì đã được trả lại!

Bộ Binh bàn định như sau:

“Nên đợi đến ngày nước An Nam sai sứ triều cống sẽ ban sắc cho Quốc vương nước này trả lại đất đã xâm lấn. Vẫn hiểu dụ bọn Khoan rằng nếu tình nguyện đem gia đình trở về sẽ được tha tội. Sắc cho lực lượng phòng thủ, không được xâm nhiễu gây hấn nơi biên giới.”

Được Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 24)

Vào tháng 3 năm sau, nhân Sứ thần An Nam Lê Quyến đến cống, Vua Anh Tông nhà Minh gửi sắc cho Vua Lê Thái Tông đòi phần đất Hoàng Khoan đã giao cho nước ta, bảo đất này thuộc 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích. Nhưng phía ta không đáp ứng, mãi cho đến năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541] Mạc Đăng Dung đem đất này nhượng cho nhà Minh:

Ngày 8 tháng 3 năm Chính Thống thứ 7  [18/4/1442]

Sứ thần An Nam Lê Quyến từ giả bệ rồng. Mệnh ban cho Quốc vương Lê Lân sắc; cùng ban mũ dạ, khăn đội đầu, y phục dệt kim. Sắc như sau:

“Trẫm phụng mệnh trời, coi dân bốn cõi, hải nội hải ngoại đều là con đỏ của triều đình, muốn mọi nơi được an sinh lạc nghiệp, không trái với tính trời. Tiên Hoàng đế nước ta, thể theo bụng Hoàng thiên, dẹp bỏ việc binh, thương xót dân, muốn thiên hạ được nghĩ ngơi, nên đã mệnh cha ngươi quyền coi việc quốc sự, cai trị dân một phương. Ta theo chí của người đời trước, phong ngươi làm An Nam Quốc vương để kế thừa cha ngươi, đó cũng thể theo đạo trời, với lòng nhân thương người vậy.

Năm trước Hoàng Kim Quảng, người châu Khâm, phủ Liêm Châu, Quảng Ðông bị người nước ngươi dụ dỗ, ngu muội làm điều sai quấy xưng hai đô Thiếp Lãng, Như Tích xưa thuộc An Nam. Lấy lời sàm mê hoặc cha ngươi, nên cha ngươi cho lập vệ đặt quân tại thôn Nha Cát. Bắt ép 281 hộ phải theo, xâm chiếm cương vực, dụ hiếp nhân dân, việc này do người dưới tại nước ngươi làm, cha con ngươi không biết được.

Phàm 281 hộ, chẳng đáng gây thiệt hại nơi này, để có ích nơi khác; nhưng trọng tín nghĩa không thể dối trời; sắc đến sai bọn Hoàng Khoan 281 hộ, giao cho châu Khâm quản lý. Tội trạng cũng tha không hỏi đến, vệ đã lập hãy bỏ đi như cũ, để thể hiện đạo kính trời thờ nước lớn, ngươi sẽ được hưởng phúc mãi mãi. Khâm thử!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 24)

Vào tháng 3, Vua mang quân đánh thổ quan Nghiễm làm phản tại trấn Gia Hưng thuộc vùng Hòa Bình, Sơn La ngày nay; đến tháng 5 viên thổ quan dâng đồ cống, nên mang quân trở về. Tháng 6, phong cho  Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ Vua Lê Thánh Tông triều đại sau, làm Tiệp dư :

Tháng 3 [4/1440], vua  thân đi đánh viên thổ quan phản nghịch tên là Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, trấn Gia Hưng [Hòa Bình, Sơn La]. Tuyển tráng đinh bổ sung quân ngũ. Làm sổ hộ tịch.

Mùa hạ, tháng 5, ngày 15 [14/6/1440], vua đem quân từ châu Thuận Mỗi trở về, vì tên Nghiễm dâng trâu và voi [53b] xin hàng, và vì đương mưa nắng dữ.

Tháng 6, sách phong Ngô thị làm Tiệp dư, được ở cung Khánh Phương, tức Quang thục Hoàng thái hậu sau này” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53a.

Vào tháng 3 năm Đại Bảo thứ 2 [3/1441] nhà Vua lai mang quân đánh Thổ quan Nghiễm, bắt sống các con, cuối cùng Nghiễm ra hàng:

Tháng 3, vua đi lại đánh tên phản nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, bắt sống viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con nó ở động La (3), lại bắt được con của tên Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm kế cùng ra hàng. Vua bèn đem quân về, dâng tù báo thắng trận ở Thái Miếu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53a.

Năm ngoái phong Nghi Dân làm Thái tứ; năm nay Vua không bằng lòng mẹ Nghi Dân, nên giáng bà xuống làm dân thường; cũng vì việc này Nghi Dân bị mất chức Thái tử:

Giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân.

Trước đây, Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân. Vua lập làm Thái tử. Dương Thị Bí cậy thế, càng lăng loàn kiêu căng. Vua vẫn nín nhịn bao dong, giáng xuống làm Chiêu nghi, muốn cho thị sữa bỏ lỗi lầm. Nhưng Dương Thị Bí lại càng hằn học trong lòng, không kiêng nể gì nữa. Vua cho là Dương Thị Bí đã cố tình như vậy, thì con thị đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm người đàn bà thường, rồi xuống chiếu nói cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53b.

Tháng 5 Hoàng tứ Bang Cơ tức Vua Lê Nhân Tông sinh. Ra lệnh tuyển con gái đẹp; rồi đến tháng 8 cho tuyển chọn tại sân điện:

Mùa hạ, tháng 5, ngày Giáp Tuất mồng 9 [28/5/1441], hoàng tử Bang Cơ Sinh. Ra lệnh chỉ tuyển con gái đẹp ở các huyện.

Mùa thu, tháng 8 [9/1441], tuyển chọn con gái đẹp ở sân điện. Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ [Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 54a.

Tháng 10, sai sứ sang nhà Minh nạp cống. Tháng 11, lập Hoàng tử Bang Cơ mới sinh 5 tháng làm Hoàng thái tử; phong Hoàng thái tử Nghi Dân làm Lạng sơn vương:

Mùa đông, tháng 10 [11/1441], sai sứ sang nhà Minh: Nội mật viện phó sứ Nguyễn Nhật Thiêm, Tri nội mật viện phó sứ Nguyễn Hữu Quang, Thiêm tri Thẩm hình viện Đào Mạnh Cung sang nộp cống hằng năm. Lê Thận sang xin mũ áo. [54b]

Tháng 11, ngày 16 [29/11/1441], lập Hoàng tử Bang cơ làm Hoàng thái tử.

Xuống chiếu rằng: "Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử.

Hoàng thái tử Nghi Dân phong làm Lạng Sơn Vương, hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 54a.

Vua Chiêm Thành, Chiêm Bà Đích Laị trị vì trong thời gian dài khoảng 40 năm, đến nay mất; người cháu là Ma Ha Bí Cai lên thay:

Ngày 14 tháng 6 năm Chính Thống thứ 6 [2/7/1441]. Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Bà Đích Lại mất; cháu là Ma Ha Bí Cai lãnh di mệnh lên thay. Bèn sai người cháu của Vương là bọn Thuật Đề Côn dâng biểu, triều cống sản phẩm địa phương cùng xin được nối ngôi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 25)

Tháng giêng năm Đại Bảo thứ 3 [1442] cho xây cung điện mới; tháng 2 bọn Sứ thần Nguyễn Điến đến Bắc Kinh tiến cống; tháng 3 mở kỳ thi Hội đầu tiên dưới triều Lê, xây bia, lấy 33 Tiến sĩ; trong đó có sử gia Ngô Sĩ Liên:

Nhâm Tuất, Đại Bảo năm thứ 3 [2/1442], (Minh Chính Thống năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, làm cung điện mới.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.

Ngày 11 tháng 2 năm Chính Thống thứ 7 [22/3/1442]. Quốc vương An Nam Lê Lân sai bọn Bồi thần Nguyễn Ðiền dâng biểu, triều cống các vật như vàng, bạc, khí mãnh. Ban yến, cùng ban cho các vật như lụa thải (4), có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 27)

Tháng 3 [4/1442], tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ (5); bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân (5); bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân (5). Lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.

Vào tháng 7, bọn phản loạn Vi Lang Sa từ Vân Nam chạy trốn sang biên giới, bị nước Đại Việt bắt trả về; cũng trong tháng này Hoàng tử Tư Thành, tức Vua Lê Thánh Tông sinh:

Ngày 12 tháng 4 năm Chính Thống thứ  7 [ 21/5/1442].Bọn Tổng đốc quân vụ Vân Nam ,Thượng thư bộ Binh kiêm Đại lý tự khanh Vương Tập tâu:

“Chúng thần sai bọn Chỉ huy sứ Vạn Thành, vệ Lâm An, Vân Nam dẹp bọn phản loạn Vi Lang La; đánh tan trại giặc, bắt vợ con họ hàng mấy người. Lang La chạy trốn sang An Nam; bị Quốc vương Lê Lân sai lính bắt cho vào củi giải đến doanh trại tại thành, rồi cho hành quyết. Dư đảng 4000 người tuân theo sự chiêu dụ, trở về với nghiệp cũ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 30)

Mùa thu, tháng 7, ngày 20 [25/8/1442], Hoàng tử Tư Thành sinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.

Tháng 8, vua đến thăm vườn vải tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh; đêm đó có Nguyễn Thị Lộ vợ bé quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi hầu hạ; rồi nhà Vua chết đột ngột. Đình thần cho rằng Thị Lộ giết vua, nên Nguyễn Trãi bị can tội tru di 3 họ; triều đình bèn lập Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi, miếu hiệu là Nhân Tông:

Tháng 8, ngày mồng 4 [7/9/1442], vua về đến vườn Vải huyện Gia Định (6), bỗng bị bạo bệnh rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.

Ngày mồng 6 [9/9/1442] về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.

Ngày 12 [15/9/1442], đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy, vua mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ 1.

 Ngày 16 [19/9/1442], giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyên Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.

Tháng 9, ngày 9 [12/10/1442], giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55b.

Trong tháng 10, cử 4 phái đoàn sang Trung Quốc với các nhiệm vụ: tạ ơn ban cho y phục; nêu ý kiến về việc nhà Minh đòi đất tại châu Khâm; báo tang Vua Thái Tông mất, cầu phong cho Vua Nhân Tông. Đến tháng chạp, phái đoàn Nguyễn Thúc Huệ đến Bắc Kinh:

Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nhà Minh: Hải Tây đạo đồng tri Nguyễn Thúc Huệ và Thẩm hình viện thiêm tri Đỗ Thì Việp sang tạ ơn cho áo mũ. Thị ngự sử Triệu Thái tâu việc địa phương Khâm Châu. Bọn Tham tri Nguyễn Đình Lịch, Phạm Du sang báo tang. Tham tri Lê Truyền, Đô sự Nguyễn Văn Kiệt, Ngự tiền học sinh cục trưởng Nguyễn Hữu Phu sang cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 56b.

“Ngày 19 tháng 12 năm Chính Thống thứ 7 [19/1/1443]. Nước An Nam sai bọn Bồi thần Nguyễn Thúc Huệ đến triều cống sản phẩm địa phương. Ban yến cùng các phẩm vật như lụa, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 31)

Vào ngày 16 tháng 10 [18/11/1442], an táng Vua Lê Thái Tông tại Hựu Lăng, Lam Sơn, Thanh Hóa, bên cạnh lăng Vua Lê Thái Tổ; sai Hàn lâm viện Nguyễn Thiên Tích soạn văn bia:

Sai hàn Lâm viện thị độc học sĩ kiêm tri ngự tiền học sinh cục cận thị chi hậu Nguyễn Thiên Tích soạn bài văn bia Hựu Lăng .

Ngày 16 [18/11/1442], táng Đại Hành Hoàng đế phía bên tả Vĩnh Lăng ở Lam Sơn gọi là Hựu Lăng. Dâng tôn hiệu là Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 56b.

Chú thích:

1. Thái Bình: Sự việc xảy ra tại các châu An Bình, Tư Lăng thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây.

2. Cầm Man: Theo Hưng Hóa Lục của Hoàng Trọng Chính, thì các châu Phù Yên [Sơn La] , Sơn La [Sơn La], Tuần Giáo [Sơn La] và Mai Sơn [Sơn La], hồi đầu Lê, đều là các động, giáp giới với Ai Lao và liền với châu Phục Lễ. Họ Cầm nối đời làm phụ đạo; có lẽ Cầm Man ở đó.

3. Động La: Tức Mường La, ở Sơn La.

4. Lụa thải: hàng tơ lụa 5 sắc.

5. Tiến sĩ cập đệ, xuất thân, đồng xuất thân: Tống sử chép: Tống Chân Tông định điều lệ thi tiến sĩ, chia người đỗ làm 5 bậc: Bậc nhất, bậc nhì là cập đệ; bậc ba là xuất thân; bậc bốn, bậc năm là đồng xuất thân.

6. Vườn vải huyện Gia Định: Nguyễn Văn là Lệ Chi Viên. Huyện Gia Định, sau là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

19/2/2023
Hồ Bạch Thảo
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...