Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023
Năm tính nhân bản của tương tác luận
Năm tính nhân bản của
Con người không ngừng đi
tìm những giải pháp cho đời sống. Đời sống của con người từ nguyên thủy đến hiện
đại luôn bị những nỗi đau dày vò… Tại sao tôi sống, tôi hiện hữu? Tại sao
tôi chết? Sau khi chết tôi ở đâu hay hoàn toàn tan biến? Sống để làm gì mà vui
thì ít còn đau khổ triền miên? Kiếm miếng ăn đầy lao nhọc, luôn bị ai đó đè đầu
cưỡi cổ, ai đó lừa gạt, phản bội, xúi dại?
"Ngày như chiếc lá" và những chiêm nghiệm sinh thái
"Ngày như chiếc lá" và những
chiêm nghiệm sinh thái
Tôi đọc Trần Lê Khánh lần đầu
vào những năm tháng hồn nhiên nhất trước khi bước qua tuổi 20. Tôi đã từng phải
lặng im mà nhìn vào những con chữ nằm ngay ngắn, gọn ghẽ trong một mặt giấy và
tự hỏi vì sao ngôn linh của chúng lại thiêng liêng đến vậy. Thơ anh Khánh không
dễ đọc, và chắc chắn là không dễ thích. Thơ anh thuộc dòng thơ buộc chúng ta phải
ngẫm, không đọc vội được và do đó nó đòi hỏi ở bạn đọc cả sự kiên nhẫn lẫn tình
tri âm.
Bìa tập thơ “Ngày như chiếc lá”
Cầm tập thơ của Trần Lê Khánh trên tay, bạn sẽ bất ngờ trước
khoảng lặng của nó. Anh luôn chừa những chỗ trống, mà để có thể đi vào nó, người
ta đồng thời phải đi vào chính mình. Anh không hô hào, không dồn nén, không vội
vã như một số thi nhân khác. Anh chọn cho mình một giọng điệu bình tĩnh và chậm
rãi. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể lật ngẫu nhiên một bài thơ nào đó, chiêm ngưỡng
những con chữ được đặt thật khéo ở đuôi trang sách và lắng nghe thanh âm rất khẽ
của cuộc đời.
Giống như “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”, tập thơ
:Ngày như chiếc lá” vẫn được in rất đẹp, dày hơn 280 trang, bìa cứng và có tranh
minh họa màu của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều. Đây không phải một tập thơ bỏ túi để
bạn có thể mang đi bất cứ đâu, nó sẽ thích hợp hơn với những phút giây nhẹ
nhàng, lúc ta chậm rãi nhâm nhi một tách trà và thoảng nghe một mùi hương thơm
dịu.
Tôi lần giở những trang thơ trong tập “Ngày như chiếc lá”,
mong tìm thấy một triết lí sâu xa. Song càng đọc, tôi càng nhận ra thơ anh
Khánh không chỉ mang lại không khí thiền đạo mà nó còn đặt ra các vấn đề sinh
thái giữa con người và tự nhiên. Tác giả không đứng trên tự nhiên để làm cao
hay chỉ đạo, cũng không hạ mình xuống thấp lu mờ trong chốn cỏ cây. Đọc “Ngày
như chiếc lá”, ta nhận ra vị trí của mình đương trôi bềnh bồng theo một ngọn
gió, một áng mây, một tia nắng mờ tỏ. Đọc “Ngày như chiếc lá” là đọc một chiêm
nghiệm sinh thái của một nhà thơ nặng tình với cuộc đời ngoài kia, xanh, rất
xanh…
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Trần Lê Khánh “sinh thái” từ chính cách anh đặt tên cho tập
thơ của mình và từ chính những hình ảnh anh lựa chọn để viết. Con người không
chiếm vị trí độc tôn như trong những sáng tác của một số tác giả trẻ khác. Trần
Lê Khánh đi ngược lại để tìm về cái cội nguồn tự nhiên của mỗi kiếp nhân sinh.
Ngày dài như một chiếc lá, rơi rụng khi nào ai hay, xanh vàng thế nào ai tỏ?
Anh ngước nhìn một đám mây ngả lưng (tr.11), dõi theo một dòng sông
mang theo bao nhiêu chiều muộn (tr.87) và chiêm ngưỡng một con
bướm đập cánh trong chiều đông (tr.151).
Tập thơ Ngày như chiếc lá làm tôi không khỏi liên
tưởng đến thể thơ haiku của xứ sở Phù Tang. Nó cũng chỉ có vài câu thơ nho nhỏ,
cũng chỉ vài hình ảnh be bé. Anh Khánh viết về thiên nhiên dưới quan điểm: nhân
thế là một phần của tự nhiên. Vì vậy lời thơ cứ dung dị, mượt mà, không khoa
trương, không diễn. Trong thời đại mà con người đang cảm thấy có lỗi với tự
nhiên và ra sức bảo vệ nó, Trần Lê Khánh vẫn bình thản viết những dòng thơ như
hoa cỏ, không màng đến lo toan, không cho thấy một sự hoảng sợ. Đọc thơ anh,
người ta không cảm thấy thiên nhiên đang dần chết để e dè. Đọc thơ anh, người
ta tìm thấy chính mình trong một vốc nước đầy trăng (khổ thân, tr.83), người ta
nghe được thời gian trong những chiếc lá vàng rơi rụng (mình là mình, tr.115).
Đọc Ngày như chiếc lá, ta không cần phải cố gắng liên hệ
đến một tư tưởng triết học hàn lâm, khó hiểu nào. Ta cũng không cần ép câu chữ
phải trở thành thứ mà ta kì vọng. Với Ngày như chiếc lá, ta có thể thả lỏng
tâm trí và thử đọc thơ như nó vốn dĩ là mà không cần nghiêm trọng hóa nghệ thuật.
Ta đọc để thấy rằng thiên nhiên cũng có tâm hồn của nó, nó cũng vận hành theo
nhịp đập thời gian:
đôi khi
đêm
cũng dè dặt trôi
trong bóng tối
(tâm hồn, tr.199)
Trong thời buổi này, rất nhiều nhà thơ gượng gạo “ép” mình viết
những chủ đề “câu khách”. Có rất nhiều tác giả trẻ “chuyên” kể chuyện thất tình
và phơi bày suy nghĩ ra trang giấy một cách quá hào phóng. Trần Lê Khánh không
như thế, anh chọn cho mình một nguồn cảm hứng cổ điển nhưng kén người đọc:
thiên nhiên. Vả chăng đôi lần mỏi mệt, ta cũng có thể đọc để mường tượng ra một
thiên nhiên trong mắt nhìn của tác giả, chưa cần phải suy tính đến cái khuất lấp
bên trong. Thiên nhiên, trước tiên và trên hết sẽ luôn là chính nó. Vì vậy, tôi
đã đọc Ngày như chiếc lá như khám phá một khu vườn chữ nghĩa, trong
đó có ánh sáng, bóng tối, có trăng, có sao và có cả những chiếc lá bé xinh:
em
rị buổi chiều xuống
chiếc lá rơi nhẹ
bớt phai màu
(lại câu chuyện cũ, tr.231)
Tôi cứ thích tưởng tượng ra rằng đương có một thi nhân ngoài
kia dõi theo cảnh chiều tà, trông thấy một chiếc lá nhẹ nhàng đậu xuống hư
không mà lặng lẽ xúc động cầm bút làm thơ. Tự nhiên thấy lòng mình thanh thản
và cuộc đời này thoáng chốc trở nên thi vị hơn nhiều. Khoảnh khắc đó, tôi muốn
mình được hòa vào cỏ cây rồi an nhiên mà sống. Tôi bỗng hiểu rằng trong cõi trần
gian, chỉ có thiên nhiên là không lừa dối chúng ta bao giờ. Đứng trước thiên
nhiên mầu nhiệm, sẽ có người nao lòng mà vẽ một bức tranh, gảy một khúc nhạc
hay đơn giản mà hé chiếc môi cười. Còn với Trần Lê Khánh, anh chọn cách tái hiện
chúng bằng thơ ca.
… Kiếp người đã đến thế này thì thôi
Nhưng nếu chỉ tái hiện thiên nhiên thuần túy thì xem chừng
văn chương sẽ không khác gì một bản sao hạng thường của một thứ vốn không thể
làm giả. Phía sau thiên nhiên đó, Trần Lê Khánh còn gợi ra niềm trăn trở về kiếp
nhân sinh. Chẳng hạn, anh viết về thời gian tuần hoàn:
xuân
thả mình xuống
đôi lần
trên một nụ hoa
(quy trình, tr.193)
Từ “quy trình” của mùa xuân, ta trông thấy “quy trình” của đời
người. Theo quan niệm Đông phương, thời gian là tuần hoàn, do vậy mà xuân có thể
quay lại đôi lần trên trần thế. Song nụ hoa kia không còn là nụ hoa những mùa
xuân trước. Và mùa xuân này đây có phải là mùa xuân ta đã từng trải qua không?
Thế gian tuần hoàn, nhưng nó không lặp lại bởi vì cuộc sống này bắt buộc phải đổi
thay. Con người cũng vậy, chẳng qua chỉ như nụ hoa nọ sống kiếp phù du. Trần Lê
Khánh nhìn thiên nhiên như nó vốn-dĩ-là chứ không phải như anh muốn-nó-là và do
đó, anh không cố tách mình ra khỏi đời thảo mộc. Có chăng anh chính là nụ hoa
kia, đương hé mắt nhìn đời, ngát hương ngôn từ cho nhân thế ngẩn ngơ.
Đọc Ngày như chiếc lá, ta phát hiệnTrần Lê Khánh có thể
đặt những nhan đề rất “con người”, đọc qua dễ nhầm tưởng đây là một bài thơ nói
trực tiếp về tư tưởng nhân sinh của tác giả.Trong tập thơ này, anh có viết
bài đàn bà (tr.119):
nhìn mây mây có thấy gì
quanh năm mây cứ hoài nghi mặt mình
Nếu chỉ nhìn vào lớp vỏ ngôn từ, ta sẽ đọc ra một bài thơ tả
mây với thủ pháp nhân hóa. Nhưng nếu nhìn vào nhan đề, lập tức trong tâm trí độc
giả hiện ra một trường liên tưởng khác. Đám mây với tính chất lãng du, thay đổi
khôn lường được sử dụng để gợi nhắc số phận của phụ nữ. Là đám mây đang nhìn chính
nó hay chăng chính là đàn bà đang nhìn mây vậy. Mây muôn
hình vạn trạng, đàn bà cũng lắm lúc đổi thay, đến độ ta không thể phân biệt được
đâu mới là con người thật của mình. Đám mây kia, hay đàn bà, hay Trần Lê Khánh,
hay cả chúng ta nữa phải tự hỏi rằng liệu mình có một cá tính nào không?
Ngày như chiếc lá còn rất nhiều bài cũng mang cùng một
kiểu đặt tên như vậy, rằng nhan đề là của thế nhân, nhưng hình ảnh trong đó lại
là tự nhiên. Muốn hiểu được nhân thế, ta phải nhìn vào quy luật của vạn vật tuần
hoàn. Trông thấy một đám mây thoáng trôi, một ngôi sao nhìn anh
không chớp (starring, tr.219) thì ta mới thấy được sự vô thường của thời
gian, mọi thứ đều chỉ mang tính tương đối: một khoảnh khắc có thể chỉ là hư ảo,
lại cũng có thể kéo dài như vô tận.
Tôi không nói rằng Trần Lê Khánh có ý thức rõ ràng việc anh
viết tập thơ này theo kiểu sinh thái. Nếu anh làm thế vì một mục đích, hẳn tôi
sẽ cảm thấy vô cùng gượng ép và khó chịu. Song với Ngày như chiếc lá, tôi
thấy mình được dìu dắt bởi một hồn thơ sâu nặng với cỏ cây, sao trời. Những
hình ảnh này hẳn phải được viết bởi một người có mối liên kết chặt chẽ với tự
nhiên bởi nếu chỉ là những câu cửa miệng đơn thuần thì e khó có thể làm ta trăn
trở. Ý thơ có thể không mới, nhưng dám viết kiểu thơ như thế này trong thời buổi
hiện tại thì quả là can đảm.
Hãy đọc Ngày như chiếc lá, không phải để tìm kiếm tri
âm, mà để tự vấn lại mình. Ta là ai giữa cuộc đời này, con người là gì trong thế
giới tự nhiên? Tại sao ta không dám đặt mình vào trong tự nhiên mà cứ đứng bên
ngoài chỉ trỏ? Cảm xúc của ta có hơn gì một nhành cỏ dại, một áng mây bay? Thời
gian của ta có dài hơn là bao một bông hoa nở? Ngày của ta có tươi xanh hơn gì
một chiếc lá?
Trần Lê Khánh với chiêm nghiệm sinh thái của anh không giúp độc
giả giải đáp toàn bộ những câu hỏi đó. Bằng cá tính và những trăn trở của một
người nặng lòng với thế gian, có chăng anh chỉ gợi lên vừa đủ để ta tự nhìn lại
mình và tự vấn lại bản thân.
Và thơ ca còn cần điều gì hơn nữa ngoài sức gợi?.
25/5/2019
Thái Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Đọc thơ của Hội 3D
Đọc thơ của Hội 3D
Ở Sài Gòn, và Hà Nội có lẽ cũng vậy,
các thi sĩ thường chơi theo nhóm. Thấy ai hạp cạ thì chơi, hết duyên thì ai lại
đi đường nấy. Có khi đang rất thân thiết, một buổi sáng đẹp trời đột ngột chẳng
giao du với nhau nữa. Có rất nhiều nhóm chơi. Hội 3D là cách tôi gọi một nhóm
các nhà thơ nữ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm Phạm Phương Lan
(PPL), Tô Minh Yến (TMY), Nhật Quỳnh (NQ), và một người nữa. Không giống như những
nhóm khác, nhóm nữ sĩ này có tên hẳn hoi, gọi là “Hội 360 độ yêu”.
Hội 360 độ yêu
Tôi biết về nhóm 3D khi dự một buổi ra mắt sách của nữ sỹ
PPL. Tôi không biết đã có nhóm chơi nào có tên chưa, hay “Hội 360 độ yêu” là
nhóm đầu tiên. Tôi luôn cho rằng giữa thơ và người có sự liên kết bí ẩn. Thơ là
tiếng hát cất lên từ trong hồn người. Càng mất mát, khổ đau thì tiếng hát càng
đằm thắm. Chẳng phải người, mà chính là những câu thơ đã cứu rỗi cho tâm hồn con
người. Điều này lý giải tại sao trong những giây phút hiểm nguy cận tử, thơ lại
bật ra một cách đầy kiêu hãnh. Chắc hẳn, với “360 độ yêu”, các nữ sỹ đã đi qua
chẳng ít giây phút cận tử, và họ đã biến những khoảnh khắc ấy chết chóc thành
thơ sau khi may mắn sống sót.
Viết về thơ của nhóm 3D phải kể đến nhà thơ Trần Quang Quý và
nhà văn Kao Sơn. Tôi đồng tình với những nhận xét, chia sẻ, đánh giá của hai
tiên sinh về thơ PPL và TMY. Tựu chung là họ viết thơ tình và thơ tình của họ đứng
được. Tôi muốn chia sẻ đôi ý, gọi là góp thêm chút gió vào hồn thơ yêu của họ.
Phải nói rằng, trạng thái yêu “360 độ” có gì rất lạ. Nó không phơi phới, nhưng
rất lắng đọng. “Xin chào nhé tháng 12 yêu dấu/ta gói năm qua vào giấy bảy
màu/chuyện buồn cho vào gói giấy nâu/vùi sâu lắng trong lòng đất mặn/…câu chuyện
tình yêu như biểu đồ bất biến/gói làm sao cho kín những trang thơ/dẫu bao lần
đau vẫn chưa hết dại khờ/say đắm cứ như chưa bao giờ yêu vậy” (Tháng 12 yêu dấu-PPL);
“Giá tớ cứ liều gọi cậu là anh/ngày chắc sẽ xanh như mùa thu Hà Nội/giá tớ cứ
liều gọi cậu là anh/biết đâu sẽ viết nên điều tựa như cổ tích” (Mãi là giấc
mơ-PPL); “Yêu thương biết mấy cho vừa/dù không gặp gỡ vẫn chờ mong nhau/tóc
xanh dẫu có thay màu/một giây thôi/mấy bể dâu cũng đành” (Bể dâu cũng
đành-PPL); “Anh là con ngựa hoang/em chỉ là bãi vắng/tình mênh mang mênh mang”
(Tình anh là ngựa hoang-TMY); “Duyên em xin chớ hững hờ/tình em trong sáng tựa
thơ học trò” (Sài Gòn mưa nắng-TMY). Để tôi nói thêm một chút. Say đắm như
chưa bao giờ yêu là một trạng thái hưng phấn khi gặp người hạp cạ. Nó khiến u
ám tình si cũ tan biến đi. Đọc Mãi là giấc mơ của PPL, bất chợt tôi
nghĩ sao PPL không “cứ liều gọi cậu là anh” đi, biết đâu, nói như PPL là “sẽ viết
nên điều tựa như cổ tích”, nhưng thế thì “đời” mất rồi, còn lại gì cho thơ nữa.
Tôi cho rằng đây là một áng thơ đẹp bởi sự trong trẻo, nhuốm chút buồn man mác.
Ai cũng đi qua cái người ta gọi là tuổi học trò. Cũng có những người không có
tuổi học trò, nhưng chỉ cá biệt. Ở tuổi ấy gì cũng đẹp. Áo trắng tựu trường.
Thơ chép giấy kẻ ô-li. Lối ví von “tình em trong sáng tựa thơ học trò” vừa thực
lại vừa mộng. Nó hồn nhiến lắm. Cả cái lối ví “anh là con ngựa hoang/em chỉ là
bãi vắng/tình mênh mang mênh mang”cũng vậy.
Sự hụt hẫng tình cảm, thật trớ trêu, lại là nguồn nhựa dồi
dào cho thơ. Những gì chết thì chết rồi, chỉ còn lại tinh túy nảy mầm. Người ta
bỗng cảm thấy nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ khúc nhạc du dương của biển, nhớ
hương hoa chanh lẩn quất giữa phố. Một người bạn tôi bảo bây giờ chẳng có thời
gian để đọc những bài thơ nhiều thâm ý. Cứ nghĩ sao viết vậy, thấy sao viết vậy.
Có thể đọc xong rồi quên. Hoặc nhớ đôi câu. Nhưng ý tình của bài thơ hoặc câu
thơ thì thấm. Giờ viết dông dài, nhiều thâm ý có khi chẳng ai đọc, ngoại trừ
người biên tập sách. Tôi cho rằng người bạn nói có lý của mình. “Anh ở nơi nào
đó/có nghe mùi hoa chanh/em cài đầu buổi sáng/hương lẫn trong thị thành” (Em và
ngày không anh-PPL); “Em chẳng biết mình tồn tại trên cuộc đời này là vì điều
gì nữa/bởi trên môi đã tắt những nụ cười” (Yêu thương đã cũ-PPL); “Anh à/người ở
nơi đâu/em lạnh lắm” (Thương bóng em nghiêng-PPL); “Mưa phùn ướt nón len em/ướt
khăn gió ấm, ướt hoen môi hồng/ước vòng tay ấm bâng khuâng/ôm cho trọn những
tháng năm mặn nồng” (Mưa phùn-PPL); “Thôi đừng tìm em nhé/kẻo lướt qua đời
nhau/nghe trái tim gõ nhịp/vẽ tình yêu muôn màu” (Đừng tìm em nhé-PPL); “Ta chỉ
ước mình làm cây cỏ để mà xanh/được vuốt ve bàn chân dẫu chỉ nhành cỏ héo/còn
hơn yêu mà nhạt nhẽo giữa yêu thương” (Thà được làm phận cỏ-TMY); “Hôm nay/ngày
lễ Vu lan/con buồn nhớ mẹ lang thang trên đường/hiếu mẹ/thì trả từng ngày/chứ đừng
để mất như đây lại buồn” (Nhớ mẹ mùa Vu Lan về); “Phố đông lòng vẫn đơn côi/biển
người tấp nập chơi vơi giữa dòng” (Tắt đường trong mưa); “Kiên Giang một thuở
mình xa/nhớ lắm lắm/ngày bôn ba/xứ người/nay về đem kỷ niệm phơi/vấp chân quá
khứ/một lời yêu xưa” (Kiên Giang ngày về). Những câu thơ tôi vừa dẫn như xát muối,
như lấy cật nứa đâm vào da thịt. Nó đau lặng lẽ, âm thầm, nhưng tuyệt nhiên
không oán hận. Biểu cảm này, trong tập Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà, nữ
sỹ Trầm Hương có những câu rất hay. “Giữa mắt hồng má hồng môi hồng/anh có nhận
ra em/con thiên nga ngơ ngác giữa đầm lầy/hoa cúc trắng niềm khát khao trinh bạch/là
lúc em nhận ra anh/là lúc ấy trong em anh đã chết” (Thư gửi người tình đã chết-Trầm
Hương). Tình yêu đích thực là vậy chăng? Ngôn ngữ thơ ở đây thật giản dị mà thấm.
Giá buốt, mưa phùn, ước một vòng tay ấm, lạc lõng giữa phố đông, tình mẫu tử, đầm
lầy, con thiên nga ngơ ngác, hiển hiện ngay trước mặt.
Cuộc đời chẳng lấy hết tất cả của ai bao giờ. Nó vẫn chừa ra
một lối cho những trái tim tan vỡ đi qua. “Ta mang tình ủ/thành men rượu nồng/chuốc
ngày mông lung/chuốc đêm cô quạnh/chuốc mùa sóng sánh/vào bài thơ say/chuốc đôi
má thắm/mặc người có hay” (Khâu tình-PPL); “Cho ta một thoáng bình yên/thả hồn
vào ngọn gió hiền xa xôi/tìm vầng trăng bạc mồ côi/kết lời hẹn ước tình tôi với
người” (Kết lời cùng trăng-TMY); “Nhớ về nhau ta ngọt ngào thêm hiện tại/trả
cho người tình còn lại với kẻ đến sau” (Chẳng cần mẫu mực để yêu anh-TMY); “Tình
như vỏ cây/cháy khô bờ ngang trái/nỗi buồn cỏ dại/không tưới mà xanh um/đêm rỗng
khôn cùng/bơ vơ lòng phố vắng/ngày dài vô tận/đẩy đợi chờ lên ngôi” (Đợi chờ
lên ngôi-TMY). Bằng vào những câu thơ này, tôi đồ rằng quá khứ dang dở đã ở lại
phía sau họ. Và không chỉ ở lại phía sau. Cái đẹp, cái làm nên hồn vía những
câu thơ trên tôi nghĩ là ở ngoại biên. Họ đem tình ý cũ để làm ngọt ngào hơn
tình ý sau. Chất đời, chất người ở đây thật đẹp. Thơ PPL và TMY nhiều gió,
trăng, hoa, biển. Hẳn đấy là một phần quê hương trong họ. Nhạc điệu trong đôi
bài khá du dương. “Thôi đừng tìm em nhé/kẻo lướt qua đời nhau/nghe trái tim gõ
nhịp/vẽ tình yêu muôn màu” (Đừng tìm em nhé-PPL); “Nhịp tim bỏng rát khô bờ môi
ngoan/lời em vụng dại sao chạm thiên đàng/đời anh là gió trăm miền lênh đênh/nụ
hôn thoáng đó làm sao bắt đền/làm sao em giấu được anh vào em/nồng nàn hơi thở
để đêm không tàn” (Giấu anh vào em-TMY). Các nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên, Kiều Tấn
Minh, Phạm Tường Long, Mặc Tuân, Cao Hồng Sơn, Cù Duy Kim, đã phổ hàng chục bài
thơ của PPL như: Ru tình, Nênh nổi tôi ơi, Ngược vào miền gió,
Xuân trên phố hoa, Khúc tình ca của biển, Nhớ thương Hà Tĩnh quê mình, Đồng Văn
mùa tình, Nỗi nhớ và phép màu, Tháng tư về, Hoa hồng vẫn nở, Bước chân &
con đường, Hôm nay ra phố…
PPL đã xuất bản các tập thơ Không là gió mây, Góc trọ hồn
người, Giữ lửa thời @, Khâu tình, TMY có Nửa mảnh trăng gầy, Đêm gạ
lòng với phố. Có người cắc cớ tình sao phải “khâu”, và sao “Đêm gạ lòng với
phố”. Ôi chao, hỏi gì mà khó. Trong bài viết “Xác tín lời ru” và “Em vịn
gió qua mùa bão khát”, hai tiên sinh Trần Quang Quý và Kao Sơn đã kiến giải về
cắc cớ này. Trong bài viết của mình, tôi chủ yếu trích dẫn thơ của PPL và TMY
trong các tập Khâu tình, Nửa mảnh trăng gầy, Đêm gạ lòng với phố. Còn
Nhật Quỳnh và một nữ sỹ nữa thì chưa. Để tôi nói thêm đôi dòng. Nữ sỹ NQ là cây
ngâm thơ hạng nhất, giọng vô cùng đặc sắc. Hiện tại, tôi chưa thể đọc hết hàng
ngàn bài thơ của họ. Ở Chi hội Bến Nghé thuộc Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí
Minh, bên cạnh mấy cây đa cây đề, có nhiều tay viết trẻ, như Phùng Hiệu, Văn
Nguyên Lương,… đều đang sung sức. Tôi muốn dành thời gian cho thơ của họ.
Giờ tôi xin trở lại với Hội 3D. Mặc dù đọc chưa thật nhiều
nhưng tôi cho rằng PPL và TMY đã có giọng. Như tôi hình dung một cách đơn giản
thì giọng là khi thơ mình không bị lẫn vào người khác. Ngay đôi câu, chủ quan
tôi cho là hơi phô, PPL và TMY cũng biểu đạt chẳng giống ai. “Anh à/ngoài vườn
luống cải đã đơm hoa/gió đông bớt làn hơi lạnh thổi/hây hẩy tóc em thơm mùi tắm
gội/nức những ái ân” (Thơm mùi tắm gội-PPL); “Em tìm anh trong lối sương mù/nơi
cỏ úa mưa thu còn đọng/đôi chân nhỏ không giang được rộng/vẫn trốn tìm lạc lõng
giữa chơi vơi” (Em tìm anh-TMY). Chung quy cái sự phô ở đây là việc tắm gội
thơm nức mùi ái ân, là đôi chân nhỏ không giang được rộng. Cụ Nguyễn Tiên Điền
nhà mình bảo “rõ ràng trong ngọc trắng ngà/dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”
cơ mà. Nhưng ngay ở trong cái phô, tôi vẫn đọc thấy sự chân tình. Chính là sự
chân tình ấy, bằng thơ, và bằng cuộc đời, họ kết với nhau để sáng tạo. Tôi viết
về Hội 3D bởi lý do đó.
23/5/2019
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
An Dương Vương và Triệu Vũ Đế nên thờ ai
An Dương Vương và
Triệu Vũ Đế nên thờ ai?
Chúng ta thường nói: Nước ta
có lịch sử lâu dài, hơn bốn ngàn năm. Nói thế là đúng, nếu như cộng các đời vua
Hùng hơn 2000 năm với các triều đại tiếp theo đến ngày nay, hơn 2000 năm nữa, mặc
dù dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nghĩa là phụ thuộc người
phương Bắc, bị Bắc triều đô hộ. Phần đông dân ta chỉ là nghe nói thế thôi, nên
nhiều người còn nửa tin nửa ngờ, đơn giản vì lịch sử nước ta hồi ấy có thấy
chính sử ghi chép kỹ càng gì lắm đâu? Khoảng hơn hai ngàn năm qua các đời vua
Hùng, nếu “chia chác” chi ly ra thì phải là nhiều hơn 18 đời như ngày nay ta vẫn
nói thế. Gạt bỏ những lớp vỏ huyền tích rêu phong mờ ảo xa xưa, nếu tính từ vua
Hùng thứ nhất là con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, cháu nội Kinh Dương
Vương, thì các đời vua Hùng quả thật có hơn hai ngàn năm lịch sử.
Đọc bài Đại Việt thông giám tổng luận của quan Thiếu bảo Lễ bộ
thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri Kinh diên sự là Đôn
thư bá Lê Tung (Tên thật là Dương Bang Bản, quê Hà Nam) viết, thì các đời vua
Hùng được ghi như sau:
“Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ
yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con
cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, năm trải hơn 2000 năm; buộc
nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục
thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau (tức vua cuối cùng) đức kém, lười chính sự,
bỏ việc vũ bị không sửa, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục vừa đến thì quốc
thống mất”.
Thế là Thục Phán, hậu duệ của nước Thục (ở khoảng Tứ Xuyên
Trung Quốc bây giờ) đã đem quân xâm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, rồi hợp
nhất bộ tộc Tây Âu của ông ta với tộc Lạc Việt của Hùng Vương, thành bộ tộc Âu
Lạc, rồi lên làm vua, xưng là An Dương Vương, chuyển đô từ Bạch Hạc xuống Phong
Khê, xây thành ốc Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cũng cần
nói thêm rằng: Tổ tiên của Thục Phán, tức nước Thục đã bị nhà Tần diệt từ năm
316 tr.cn. Con cháu nhà Thục sống sót chạy xuống phương Nam, nương náu ở vùng
núi Cao Bằng, một phần xuống đến tỉnh Yên Bái của nước ta bây giờ. Thục Phán là
người nước Thục, chiếm nước của vua Hùng, làm vua được 50 năm, sau bị Triệu Đà
diệt. Về nhân vật Thục Phán (An Dương Vương), bài Tổng luận của sử thần Lê Tung
(Dương Bang Bản) viết:
“An Dương Vương, phía Tây thì dời sang Ba Thục, phía Nam thì
diệt vua Hùng Vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc, nhờ được nỏ móng
rùa, đánh lui quân nhà Tần, quen mui đánh được, yên vui sinh kiêu, quân Triệu
(Đà) đến đánh mà cõi bờ không thể giữ”.
Tóm tắt thế thôi, chứ thực ra thì An Dương Vương Thục Phán cuối
đời bê tha hưởng lạc, lại thêm kiêu căng hồ đồ. Ông ấy đã nghe lời gièm pha của
bọn gian thần, giết các Lạc Hầu Lạc Tướng trung thành như Nồi Hầu, Đinh
Toán… Ngay cả bậc lão trượng, đệ nhất công thần giúp An Dương Vương xây dựng
thành Cổ Loa, chế Nỏ Thần, là tướng quân Cao Lỗ (quê xã Cao Đức, huyện Gia
Bình, tỉnh Bắc Ninh bây giờ) cũng bị nghi oan mà phải chết, đời sau tôn làm Cao
Lỗ Vương. An Dương Vương mới chính là kẻ làm mất nước vậy! Sử nước ta không có
lời nào khen ngợi ông vua người nước Thục này.
Về nhà Triệu, cũng bài Đại Việt thông giám tổng luận của Lê
Tung nói trên ghi:
“Triệu Vũ Đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng
đô ở Phiên Ngung (thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ-VBL), cùng với Hán Cao Tổ (Lưu
Bang-VBL) đều làm đế một phương, có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước,
vũ công khiến Tàm Tùng (tên vua nước Thục ngày xưa, sau xưng là Thục Vương, dạy
dân trồng dâu nuôi tằm) phải kinh sợ, văn giáo khiến Tượng Quận được chấn hưng;
lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người; dạy dân
cày trồng, nước giàu binh mạnh. Đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán-VBL) thì
lời rất khiêm tốn, Nam Bắc giao hoan, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm,
đáng là bậc vua anh hùng tài lược. Văn Vương (con Trọng Thủy-VBL) là đích tôn của
Vũ Đế nối giữ nghiệp cũ, phàm các chế độ điển chương, hết thảy đều tuân theo
phép cũ của vua trước, lấy nghĩa mà cảm nước láng giềng, đánh lui quân địch, giữ
yên biên cương, cũng là bậc vua nối nghiệp giữ nền vậy!”…
Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế, tổ tiên là người Chân Định, Trung
Quốc. Ông ấy nhân loạn nhà Tần mà chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, tức bao gồm phần đất
đai của người Bách Việt (hàng trăm tộc Việt), thuộc phía nam núi Ngũ Lĩnh, xưa
gọi là đất Lĩnh Ngoại (ngoài Ngũ Lĩnh), tức các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đến
bán đảo Hải Nam của Trung Quốc bây giờ. Hàng trăm tộc Việt (Bách Việt), mà Triệu
Vũ Đế cai quản, trong đó có người Việt của nước ta bây giờ, gọi chung là nước
Nam Việt. Triệu Đà lãnh đạo dân Bách Việt, chống nhau với nhà Hán, giữ vững nền
độc lập, các cụ ta xưa tôn vinh Triệu Vũ Đế là người dựng nước độc lập đầu tiên
là có lý do lịch sử của nó.
Triệu Đà tuy gốc ở Chân Định, nhưng cả đời ông ấy sống với
người Việt, lấy vợ Việt, con cháu nối tiếp nhau là sự hoà hợp của hai dòng máu.
Làm Hoàng đế một phương, chắc Triệu Vũ Đế không chỉ có một bà vợ. Nhưng Triệu
Đà có một bà vợ họ Trình, lập làm hoàng hậu, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái
Bình bây giờ. Đền thờ Triệu Vũ Đế ở Kiến Xương vẫn còn đó. Hằng năm, vào ngày
1.4 (Âm lịch), dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội để tuởng nhớ công lao của Triệu
Vũ Đế. Nước Đại Việt ta sau này, hồi ấy chỉ là một quận (Giao Chỉ) của nước Nam
Việt mà thôi. Triệu Vũ Đế làm vua 71 năm, hưởng thọ 121 tuổi.
Nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính, nước Nam Việt trở thành đất
đai của nhà Hán. Năm 40 sau công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị khỏi
nghĩa giành độc lập. Về sự kiện này, bài Tổng luận của Lê Tung chép:
“Kịp đến Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng
dũng lược, căm giận về chính lệnh hà ngược của Tô Định (Thái thú quận Giao Chỉ-VBL),
hăng hái đem người các bộ, nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng
ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại (tức đất đai Nam Việt cũ thời nhà
Triệu-VBL), thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu.
Song vì trời không giúp họ Lạc, nên quân nhà Hán sang lấn, nếu bấy giờ có vua
anh hùng tài lược, thì nhà Hán đâu dám nhòm ngó đến đèo Mai Lĩnh”.
Bàn về sự thất bại của Hai Bà Trưng, các sử gia ngày trước
bình luận ở hai điểm chủ yếu. Thứ nhất là đèo Mai Lĩnh trước đó đã bị nhà Hán
chiếm mất. Đây chính là con đèo rất hiểm trở, có vị trí chiến lược cực kỳ quan
trọng, là cửa ngõ mà nhà Hán có thể nhòm ngó xuống nước Nam Việt của ta. Mất
đèo Mai Lĩnh thì Hai Bà Trưng khó có thể giữ được thành quả chiến đấu của mình.
Thứ hai là vua đàn bà, không thực sự có tài thao lược lớn, nên mới mau chóng bị
thua. Nguyễn Trãi có hơn ba năm phiêu dạt bên Tàu, chưa rõ vì lý do gì, nhưng
ông cũng đã từng qua con đèo Mai Lĩnh, còn có tên khác là đèo Đại Dũ này. Ông
viết: “Đi hết Mai quan mà không thấy cây mai nào cả”… Đèo này, Tể tướng nhà Đường
là Trương Cửu Linh, đồng thời là một nhà thơ lớn, cho mở mang rộng rãi, rồi trồng
rất nhiều cây mai, nên mới có tên là đèo Mai Lĩnh, cũng là biên giới giữa nhà
Hán và Nam Việt của ta trước đó. Trong 65 thành mà hai Bà Trưng chiếm lại, chủ
yếu nằm trên đất Luỡng Quảng của Trung Quốc ngày nay. Hiện đền thờ Hai Bà Trưng
rải rác khắp mọi nơi bên đất Lưỡng Quảng, biểu thị niềm tôn kính của nhân dân
Bách Việt đối với sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng. Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê
Linh, Hà Nội có nhiều câu đối ca ngợi sự nghiệp của Hai Bà, trong đó có những
câu rất cụ thể, tường minh. Xin dẫn vài câu tiêu biểu:
1. Uy liệt viễn gia Tương dĩ Bắc,
Thanh linh đài yết Lĩnh chi Nam
Dịch nghĩa:
Uy liệt vang xa tận Tương Giang đất Bắc
Tiếng thiêng phủ khắp ở Nghĩa Lĩnh trời Nam
(Bản dịch của Viện Hán Nôm)
2. Linh Biểu chiến công thần miếu tán
Mê Linh cố quốc nữ nguyên huân
Dịch nghĩa:
Chiến công tại Linh Biểu thần miếu còn khen ngợi
Cố quốc ở Mê Linh bậc nữ có công đầu
(Bản dịch của Viện Hán Nôm)
Ngay như ở thời Quang Trung Hoàng đế nước Đại Việt thế kỷ 18,
cũng đã có chủ trương đòi lại Lưỡng Quảng bằng ngoại giao và thậm chí, bằng cả
võ lực nếu cần thiết, bởi đất ấy là đất đai của người Nam Việt xưa kia. Chỉ tiếc
rằng Nguyễn Huệ chẳng may mất sớm, sự nghiệp to lớn của ông còn dở dang. Thêm nữa,
sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế (1802). Vài năm sau
(1804), Nguyễn Ánh cử sứ đoàn sang nhà Thanh, trong đó có việc đề nghị nhà
Thanh cho đặt tên nước ta là nước Nam Việt. Có lẽ vì việc này liên quan đến tên
nước thời Triệu Vũ Đế, nên nhà Thanh không chấp nhận, cho đổi thành Việt Nam
như ngày nay.
Vậy, xem xét công nghiệp của hai ông Thục Phán An Dương Vương và Triệu Vũ Đế,
ai hơn? Chẳng cần phải bàn luận chi nhiều, cũng đã thấy rõ. Chúng tôi nêu thêm
một số căn cứ để minh hoạ thêm về sự nghiệp dựng nước của Triệu Vũ Đế để bạn đọc
cùng tham khảo.
1. Về sự thật được ghi trong chính sử nước ta.
– Thục An Dương Vương thuộc dòng dõi nước Thục bên Tàu. Ông
ta cũng là một tay dũng lược, làm thủ lĩnh bộ tộc Tây Âu, nhiều năm đánh nhau với
vua Hùng. Con rể vua Hùng là Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên) đánh nhau với Thục Phán
nhiều trận. Vua Hùng suy yếu rồi mất nước. Thục Phán cai trị nước Văn Lang 50
năm. Sử ta không thấy câu nào khen ngợi công nghiệp của An Dương Vương cả.
– Triệu Vũ Đế, tổ tiên cũng là người Hán, nhưng ông ấy đã sống
với người Việt, đã thành người Việt (Việt hóa), lấy vợ Việt, thụ hưởng văn hoá
thuần phác của các tộc Việt ở phương Nam, lập ra nước Nam Việt, lãnh đạo người
Bách Việt chống nhau với nhà Hán, khôn khéo lấy sách lược “Nội cương ngoại
nhu”, bảo vệ được đất nước, tồn tại mạnh mẽ tới hơn trăm năm. Đến đời chắt của
Triệu Đà (Ai Vương) thì suy yếu, lại thêm Hoàng hậu họ Cù là người Hán mưu toan
dâng nước Nam Việt cho nhà Hán, nên Tể tướng Lữ Gia dù cố gắng mấy cũng không bảo
toàn được Nam Việt. Công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế được chính sử nước ta hết
lời ca ngợi, xem ông là vị vua dựng nước đầu tiên (theo chính sử).
2. Nước Nam Việt trong văn chương:
Chỉ nêu vài ví dụ: Diễn ca của các cụ ta xưa về cuộc nổi dậy
của Hai Bà Trưng có câu:
“Đô thành đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước
ta”… Ghi việc Hai Bà Trưng đã giải phóng toàn bộ đất đai của người Bách Việt, gồm
Quảng Đông, Quảng Tây đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay, chứ không phải
chỉ có đất đai của nước Đại Việt sau này (Đời Hậu Lý – 1009-1226- mới có quốc
hiệu Đại Việt). Phần lớn đền thờ Hai Bà Trưng là ở Lưỡng Quảng của Trung Quốc
bây giờ.
Đời Trần (1226-1400), Trương Thiếu Bảo (Trương Hán Siêu) có
bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ nổi tiếng, đoạn mở đầu, Trương Hán Siêu viết rằng ông
đã học theo Tử Trường (Tư Mã Thiên) cái thú thích tiêu dao, rằng ông cũng đã từng
đi chơi khắp đó đây, “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt/ Nơi có người đi
đâu mà chẳng biết”, rồi ông lại “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều/ Đến
sông Bạch Đằng thuyền bơi một chèo/ Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha
đuôi trĩ một màu/ Nước trời một sắc/ Phong cảnh ba thu”… Đó không chỉ là một
cuộc du chơi trong văn chương có tính ước lệ, mà còn dựa trên những cơ sở hiện
thực lịch sử, rằng đó là vùng đất, là quê hương muôn đời của người Bách Việt.
Khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi
rằng nếu chẳng may ngài mất đi, giặc phương Bắc lại sang lấn cướp thì kế sách
giữ nước như thế nào. Hưng Đạo Vương nói rằng: “Ngày xưa, Triệu Vũ Đế dựng nước,
vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (Kế “vườn không nhà trống”)
rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường sa, dùng đoản binh úp
đằng sau, đó là một thời”!…
Ở đời Hậu Trần, ông Nguyễn Mộng Trang làm chức Nội mật viện sứ
đời Trần Giản Định, có bài thơ ĐỀ TÂY ĐÔ THÀNH, trong đó có câu “Chỉ vì nhà Nhuận
Hồ bỏ bê đức chính/ Đừng nói rằng nước Nam Việt thiếu khí anh linh” (Chỉ
thị Nhuận Hồ hoang đức chính/ Hưu ngôn Nam Việt phạp anh linh). Nước Nam Việt
mà Nguyễn Mộng Trang nói đây, chính là nước Nam Việt của ta thời Triệu Vũ Đế
(Triệu Đà) đấy!
Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế
này: “Như nước đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ
cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác (Bắc: chỉ Trung Quốc; Nam, chỉ
phương Nam, tức Nam Việt xưa). Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc
lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/ Tuy mạnh yếu từng
lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có!” (Duy ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang/ Sơn xuyên chi phong vực ký thù/ Nam Bắc chi
phong tục diệc dị/ Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán,
Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương/ Tuy cường nhược thời hữu bất đồng/ Nhi hào kiệt thế vị thường phạp). Thế nghĩa là Nguyễn Trãi vẫn tôn trọng lịch
sử, nói đúng sự thật lịch sử. Sách giáo khoa của ta khoảng vài chục năm trước vẫn
in đầy đủ bản Đại cáo bình Ngô có chữ TRIỆU, đối với chữ HÁN ở câu sau, nhưng
Giáo sư Bùi Văn Nguyên lại chú thích: “Có lẽ Nguyễn Trãi nhầm”. Thật là lửng lơ
quá. Nguyễn Trãi quyết không nhầm. Chỉ có con cháu đời sau là nhầm lẫn mà thôi
! Sách giáo khoa Trung học phổ thông khoảng mấy năm trước, vẫn in đầy đủ theo
nguyên tác, nghĩa là có chữ “Triệu”, nhưng lờ đi không chú thích gì nữa.
Chúng tôi hiểu sự bế tắc này có căn nguyên ở đâu, nên phần nào thông cảm với các
nhà làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, lịch sử thì không thể có sự “thông cảm” được.
Sinh thời, nhà văn Ngô Tất Tố cũng đã viết: “Nước Nam ta làm gì có An Dương
Vương?” Thủ đô Hà Nội của chúng ta, trước năm 1954, còn có tên đường mang
tên Triệu Vũ Đế và Tể tướng Lữ Gia của nhà Triệu đấy!
3. Trong đời sống tâm linh của nhân dân ta:
– Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hầu hết các bi ký, ngọc
phả, thần phả ở các đền miếu hai bên bờ sông Đà, đều thờ các vị tướng của vua
Hùng chống giặc Thục (Phán).
– Tài liệu khảo sát mới công bố gần đây của tác giả Phạm Quý
Mùi trên tạp chí Xưa & Nay, số 426, tháng 4-2014 cho hay: Trong tổng số 15
ngôi đình đền được khảo sát ở tỉnh Hải Dương, cụ thể như sau: Có 1 đền thờ vua
Hùng Duệ Vương ở Cẩm Giàng. 1 đền thờ cũng ở Cẩm Giàng thờ tướng giúp vua Hùng
đánh Triệu Đà (Tôi nghĩ là tướng của Thục An Dương Vương thì đúng hơn. Làm gì
còn tướng của vua Hùng khi Thục Phán đã diệt vua Hùng từ mấy chục năm trước?).
Hai ngôi đền ở huyện Chí Linh thờ Cao Lỗ Vương, người chỉ đạo xây Loa Thành và
chế máy bắn tên hàng loạt, mỗi lần bắn ra diệt hàng trăm địch, truyền thuyết
cho đó là Nỏ Thần). Riêng bia đình thôn Lễ Quán (Nay thuộc thành phố Hải Dương)
thì thờ An Dương Vương, vì đây là địa phương mà An Dương Vương khi bị Triệu Đà
truy đuổi chạy qua đây, có để lại 200 lạng bạc và dặn dân làm đền thờ sau khi
ông ta bỏ nước chạy ra biển tự tử. Số còn lại gồm 10 ngôi đình đền ở các huyện
Gia Lộc, Chí Linh, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang… đều thờ các tướng
của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục (Thục Phán). Chỉ cần nhìn vào con số thống
kê trên đây ở tỉnh Hải Dương thôi, chúng ta đã thấy rõ lòng dân đối với An
Dương Vương như thế nào. Trong đời sống tâm linh, An Dương Vương đối với nhân
dân nước ta chưa có gì đáng kể, lý do là vì ông ta cướp nước Văn Lang của vua
Hùng. Năm mươi năm cai trị của An Dương, chưa nói lên được điều gì lớn đối với
dân ta, ngoài công lao chế tác vũ khí và xây thành ốc của tướng quân Cao Lỗ,
còn lại, chỉ là những kỷ niệm đau buồn. Trên khắp nước Đại Việt ta, theo chỗ chúng
tôi được biết, không ở đâu có lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương cả.
Nhưng đến khi Triệu Vũ Đế thôn tính được An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc
vào Nam Việt, thì dân ta lại được hưởng thái bình thịnh trị hàng trăm năm, đặc
biệt là không bị Hán hoá, không bị Trung Quốc đồng hoá, cho dù ta chỉ là một phần
của cộng đồng các dân tộc Bách Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, tức nước Nam Việt mà
thôi. Ở làng Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hàng năm vẫn có lễ hội
tưởng nhớ công lao của Triệu Vũ Đế.
Thành phố Hà Nội trước năm 1954 có đường mang tên
Triệu Vũ Đế và Tể tướng Lữ Gia. Hiện ở phường Hiệp Phú, quận 9,
thành phố Hồ Chí Minh có tên đường Triệu Đà. Sài Gòn, Đà Nẵng hiện
có đường Lữ Gia. Các làng xung quanh khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh,
Hà Nội đều có đền thơ Triệu Vũ Đế. Các làng Văn Tinh, Lực Canh (xã
Xuân Canh), Thạc Quả (xã Dục Tú) có đền thờ Triệu Đà.
Lễ hội làng Văn Tinh (nơi thờ chính Triệu Vũ Đế) lễ
hội từ ngày 6 đến 8 tháng 3 hàng năm, để tưởng nhớ công lao của
Triệu Vũ Đế. Ngày 7 tháng 3, dân làng Lực Canh rước kiệu và tượng
Trọng Thủy đến đền Văn Tinh, với ý nghĩa con đến thăm cha… Ấy là chưa
kể các đền thờ Triệu Vũ Đế ở Quảng Đông, nơi có địa danh Phiên
Ngung, bây giờ là thành phố Quảng Châu, vốn là đất đai xưa kia của
nước Nam Việt.
Sử ta từ khi được chép vào sách vở, đều xem Triệu Vũ Đế là vị
vua dựng nước đầu tiên. Các đời vua Hùng Vương lập nước, tồn tại khoảng hơn 2000
năm, sau bị Thục Phán đánh bại, chính sử không thấy chép kỹ càng, Đại Việt sử
ký toàn thư chép ở phần “ngoại kỷ”, tức là theo truyền thuyết mà chép đại khái
thế thôi. Trong khi đó, nhà Triệu được chép trang trọng vào phần “bản kỷ”, được
thừa nhận là triều đại dựng nước đầu tiên. Thời các vua Hùng Vương, nước ta có
chữ viết hay chưa? Có thể tin là đã có chữ viết, ví như “hỏa tự” (chữ hình ngọn
lửa) ngày nay đang được nghiên cứu. cho rằng đó là chữ viết của người Việt cổ.
Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, chữ viết của người Việt cổ dần bị bọn xâm lược Bắc
triều tiêu huỷ, đến nỗi mất cả tăm tích, thay thế bằng chữ Hán từ thời Sĩ Nhiếp
(Sĩ Vương) đô hộ. Tuy nhiên, những chứng tích vật thể còn tồn tại đến bây giờ,
ví như trống đồng Đông Sơn chẳng hạn, đã cho thấy trình độ văn minh của người
Việt đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ như thế nào. Một dân tộc đã làm ra trống đồng
tinh vi như thế, lại hàm ẩn trong các họa tiết hoa văn chạm khắc đến mức tuyệt
vời bề sâu văn hoá và tâm hồn của một dân tộc, không thể nói là không có hoặc
chưa có chữ viết! Chữ Hán được sử dụng làm văn tự chính thống ở nước ta, đến
khi có chữ Quốc ngữ ra đời…Nhà Minh đánh bại nhà Hồ (1407), Minh Thành Tổ ra lệnh
cho các tướng nhà Minh phải triệt để tiêu hủy nền văn hóa của nước ta. Sau đó,
hắn còn chỉ thị (bí mật) cho viên tướng kế nhiệm Trương Phụ tiếp tục tiêu hủy đến
cùng văn hóa nước ta, từ sách vở đến bia ký. Những tác phẩm văn hóa nghệ thuật
quan trọng do cha ông ta sáng tạo, chúng cướp đoạt đem về Trung Quốc. Tội ác của
chúng trời không dung đất không tha, quỷ thần đều căm giận.
4. Vậy sai lầm bắt đầu từ đâu?
Đây là lời của quan Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các
đại học sĩ thiếu bảo, Yên quận công Phạm Công Trứ viết trong bài (tựa) cuốn ĐẠI
VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN, năm Ất Tỵ 1665: “...Hãy thử xét xem. Ngày xưa Hàn lâm viện
học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh Trần Thái Tông chép bộ
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ bắt đầu từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng và sử quan Phan Phu
Tiên vâng mệnh Nhân Tông của bản triều (tức triều Hậu Lê) chép nối bộ ĐẠI VIỆT
SỬ KÝ từ Trần Thái Tông đến khi người Minh trở về nước, nghĩa lớn khen chê đã
rành rành ở lời công luận của bút chép sử. …Vào khoảng năm Hồng Đức thứ 10
(1479) sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn
bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ. Tiếp đến Tương Dực Đế năm Hồng Thuận thứ 3 (1511)
sai Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng tài là
Vũ Quỳnh biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ THÔNG GIÁM, chép từ Hồng Bàng Thị đến 12 sứ
quân, tách làm “ngoại kỷ”, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ cao hoàng đế
bản triều mới lại định thiên hạ làm “bản kỷ”… Đến năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) lại
sai Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu tri
Kinh diên sự là Đôn thư bá Lê Tung soạn bài ĐẠI VIỆT THÔNG GIÁM TỔNG LUẬN...”.
Trong bài PHÀM LỆ VỀ VIỆC BIÊN SOẠN SÁCH “ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ”, tác giả viết:
“Sách này làm ra, gốc ở hai bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên,
tham khảo với Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền
lại, rồi khảo đính biên chép mà thành. Chép bắt đầu từ Ngô Vương, vì Vương là
người nước Việt đương lúc Nam Bắc phân tranh đã dẹp loạn dựng nước để nối đại
thống với Hùng Vương và Triệu Vũ Đế”. (Nay theo BẢN KỶ TOÀN THƯ của Vũ Quỳnh, bắt
đầu từ Đinh Tiên Hoàng, là để nêu rõ mối đại thống nhất). Xem thế đủ biết
các cụ ta xưa không hề sai lầm. Các cụ vẫn xem Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) là sự tiếp
nối của vua Hùng, chứ không hề nói đến ngài Thục Phán An Dương Vương! Việc chia
ra từng phân khúc, khi xếp vào “ngoại kỷ” hoặc “bản kỷ”, chỉ là để “nêu rõ mối
đại thống nhất”, theo thiên kiến của tác giả các bộ sách sử mà thôi. Tuyệt
nhiên không có việc phủ định quá khứ oai hùng của Triệu Vũ Đế, như một niềm tự
hào vốn đã có từ bao đời, trong lịch sử, trong văn chương, trong đời sống tâm
linh của người Bách Việt, kế đó là của người Đại Việt ta!
Chúng ta đã có một thời giáo dục sai lịch sử, chỉ dựa vào một
cái truyền thuyết về AN DƯƠNG VƯƠNG, khi cho rằng Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) là giặc,
lại còn xem An Dương Vương là ông vua tốt của nước ta, đúc tượng đồng thờ ông ấy
ở Cổ Loa, đặt tên đường tên phố ở khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Con cháu đời
sau cứ thế mà nối tiếp cái sự nhầm lẫn đến tệ hại này. Rồi không biết sẽ còn
sai lầm đến đâu nữa. Tôi cho rằng đã đến lúc thẳng thắn nhìn lại lịch sử, viết
cho đúng lịch sử, đừng nên làm nó méo mó đi, bởi như thế là bất nhẫn với tiền
nhân, có tội với tiền nhân và con cháu chúng ta. Rất mong được các nhà làm sử,
dạy sử, các nhà quản lý văn hóa và các cơ quan chức năng kịp thời quan tâm chỉnh
sửa sai lầm rất đáng tiếc này.
Hà Nội, 30/5/2015
Vũ Bình Lục
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Ký sự miền Tây lục tỉnh
Ký sự miền Tây lục tỉnh Đầu năm Kỷ Hợi (2019) nhóm bạn cũ của chúng tôi tại Sài Gòn và vùng lân cận tổ chức chuyến đi VỀ MIỀN TÂY Nam bộ. Ri...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Qua bài thơ "Không đề" hiểu thêm tính sâu sắc của Văn Cao Nếu như ai đã từng thả bộ trên đôi bờ của một con sông, sẽ thấy mỗi b...